Nàng Iđo

Chương 13

Trobo không muốn mang Iđo về căn nhà của cha mẹ chàng không phải vì chàng sợ phải giải bày trước em út, họ hàng của chàng sự ràng buộc với Iđo. Mà chàng sợ rằng Iđo không đủ sự kính trọng để cho Zôlan ( em gái chàng) đặt môi hôn khi gặp. Chính Iđo đã thổ lộ rằng người ta đã đuổi nàng ra khỏi trường dòng với một khuôn mặt thản nhiên. Vì sao họ đuổi nàng? Nàng đã làm gì? Cũng có thể nàng phạm tội lớn mà chưa bị pháp luật đụng đến thì sao? Lúc đó, tên tuổi của chàng cũng sẽ bị hoen ố vì sự phát giác của trường dòng.

Họ lại khởi hành trên tàu lặng lẽ như hôm qua.

Mưa không rơi nữa, không khí lạnh, trời đầy mây. Iđo ngồi co ro trong chiếc áo khoác bên cạnh cửa sổ, đọc tiểu thuyết. Trobo ngồi bên cạnh cửa ra vào đọc báo. Chàng chú ý đọc các tin tức trên báo, nhưng trái tim thì đau khổ và giận dữ.

Chàng đã đánh điện về nhà để người nhà mang xe ngựa ra đón. Zôlan chắc chắn đã đợi chàng ở nhà không phải vì thời tiết xấu mà vì bọn trẻ nhỏ. Bữa ăn của Zôlan cũng đợi chàng sau ba giờ cô làm món mà chàng thích, đó là món Chuxa với pho mát, mà trong đó Zôlan rải lên trên lớp váng sữa và mỡ ( ở thủ đô người ta không làm món ăn như vậy). Còn cậu em rể của chàng…ắt hẳn hắn không ra ga đợi chàng đâu, mà hẳn còn giấu biến cả vết chân của hắn để vợ con ở nhà không thể tìm được hắn.

Trong giờ đầu, chỉ có hai người ngồi trong một ngăn tàu, Iđo ngồi bên cửa sổ. Trobo ngồi bên cửa ra vào, sau đó có thêm một thiếu phụ trẻ bước vào. Trên áo khoác của bà ta có một chiếc cúc lớn của Angle. Đầu đội chiếc mũ đi săn. Bà nom có vẻ như một phu nhân trẻ về thăm trang trại. Theo sau là một cậu bé ba tuổi. Gương mặt thiếu phụ phủ đầy phấn trắng, nhưng vẫn không che được những vết rám nâu.

- Ở trong toa cũng có ngăn dành cho phụ nữ và trẻ em đấy, thưa bà – Trobo nói, chỉ tay sang ngăn trống bên cạnh. Còn trong ngăn này có đàn ông hút thuốc đấy.

- Không sao- thiếu phụ trả lời – chồng tôi cũng vào đây đấy mà.

Thực vậy, ở ngoài hành lang đã nghe thấy có tiếng chân đến gần và một người đàn ông vạm vỡ, để râu quai nón, hút tẩu đi săn bước vào ngăn.

- có chỗ nữa không? Hay là tôi đứng ngoài thôi.

- Anh vào được, ở đây cũng có một tôn ông hút thuốc đấy. Thiếu phụ nói cho chồng an lòng.

Thiếu phụ cởi chiếc áo khoác ngoài của cậu bé, rồi đặt cậu bé mặc quần áo nhung đen ngồi bên cạnh cửa sổ phía đối diện với iđo. Sau đó bà ta cũng ngồi xuống cạnh con.

- Nếu tiểu thư không khó chịu vì hơi thuốc thì tôi sẽ vào, xin đức chúa cho chúng ta một ngày đẹp – ông chồng có vẻ lịch sự, cúi chào Iđo rồi bước vào. Ông ngồi xuống bên cánh cửa đối diện với Trobo.

Cậu bé con mũm mĩm như một mầm cây nhìn Iđo một lát, sau đó nhìn lên chiếc đèn, cậu ta đưa mắt kiểm tra Trobo, nhưng cậu ta lại chú ý ngay đến quyển sách mà Iđo đang đọc.

Cậu bé tụt xuống khỏi chỗ, đi sang phía Iđo, nhòm nhòm dưới bìa sách.

- Jani – người mẹ gọi – con bất lịch sự thế?

Iđo mỉm cười rồi đưa cuốn sách cho cậu bé.

- Đây cháu xem đi.

Nàng quay ra nói với thiếu phụ:

- Xin bà cứ để cho cháu chơi.

Chẳng lâu la gì, hai người phụ nữ đã chuyện trò với nhau. Họ hợp chuyện vì một người trái tim để hết vào đứa trẻ, còn người kia lại sẵn sàng cho phép đứa trẻ đến với trái tim mình. Chú bé trong bộ quần áo nhung chạy qua chạy lại, tất nhiên nó chỉ thích quyển sách có chút xíu, nó giở sách ra và không thấy có tranh ảnh gì trong đó, nó chán liền đặt quyển sách lên bàn và bắt đầu trèo lên ghế nghịch ngợm rìa cửa sổ. Thỉnh thoảng mẹ nó lại ngoái sang nhìn và răn đe nó:

- Jani nhìn ra cửa sổ kìa!

Jani chỉ nhìn được một hai phút. Sau đó tự nó nghĩ ra phải giới thiệu cho quý cô ngồi đây biết tài của nó. Nó thử nhào lôn trên ghế, nhưng tất nhiên mới được nửa vòng thì chân nó đã chạm gần vào mũi Iđo.

- Kìa con đạp vào người cô rồi ! Ông bố mắng con.

Trobo nói với Iđo

- Em hãy sang đây, ngồi cạnh anh.

Iđo ngoan ngoãn nghe lời, lúc đó hai người phụ nữ bắt đầu chuyển sang đề tài cuộc sống gia đình thế nào là tốt?

Iđo chỉ vâng dạ cuống quýt. Người thiếu phụ đưa đôi mắt sắc sảo nhìn Iđo rồi hỏi:

- Tôi chợt có ý nghị rằng cô mới lập gia đình phải không?

- Đúng vậy, chúng tôi mới cưới từ hôm qua – Iđo trả lời , vẻ mặt nghiêm trang.

- Mới từ hôm qua? Thiếu phụ ngạc nhiên – nếu thế thì bây giờ cô chú đang trên đường đi nghỉ tuần trăng mật phải không?

Iđo vâng khẽ và rụt rè nói:

- Chồng em hay ngồi cạnh cửa, để khi hút thuốc đừng làm vợ khó chịu. Anh ấy vẫn còn có thói quen lịch sự của một chú rể mới.

Thiếu phụ đôi mắt tươi cười quay sang chồng:

- Thế mà anh thì lịch sự quá, giữ cho vợ được có ba ngày. Còn bây giờ thì lúc nào cũng: tôi ngủ với tẩu, tôi thức với tẩu đấy.

Người chồng mỉm cười nhún vai nhìn Trobo hỏi:

- Chú em không nghiện thuốc à?

- Tôi hút ít thôi, thỉnh thoảng mới hết một bao thuốc loại Matroo.

- Thế thì chú em có thể lịch sự với vợ cho đến ngày thứ năm đấy.

Họ cười vui vẻ, họ giới thiệu tên với nhau, nói chuyện về thời tiết, về nền kinh tế, về nhà bếp, về những người hầu trong nhà, về sự đắt đỏ, về sự thông minh của bé Jani! Họ còn bàn luận cả về sự khác nhau giữa đèn neông và đèn bóng tròn. Rồi làm bánh nướng có cần cho rượu rum vào nhân không.

Sau đó, tàu chạy chậm lại, kéo còi. Hai vợi chồng thiếu phụ đứng lên lấy làm tiếc vì đã phải xuống.

- Lạy chúa tối, cô chú quả là những người hạnh phúc – lúc chia tay người thiếu phụ nói.

Tàu lại chuyển bánh.

Iđo ngồi lại bên cửa sổ và đọc sách ở đoạn nàng bỏ dở. Trobo vẫn ngồi bên cửa ra vào, lại hút thuốc tiếp.

Đến gần trưa, Trobo nói:

- Hôm nay chúng ta ăn cơm hơi muộn một chút, nhưng mà tôi cũng chưa biết ăn ở đâu, và ăn thế nào nữa. Tàu hỏa mãi đến 1 giờ 46 phút mới đến nơi. Tôi hút thuốc nên tôi không đói, tiểu thư chắc không chịu đói được.

Iđo đưa mắt nhìn lên trả lời.

- Tôi không hút thuốc nên tôi chịu nhịn giỏi hơn ngài đấy.

- Tiểu thư chỉ cần ăn vài quả trứng luộc hay rán là đủ cho một ngày chăng?

- Vâng, chỉ vậy thôi.

Gần hai giờ chiều, Trobo đứng lên hạ hai hòm hành lý xuống.

- Chúng ta xuống đây – Chàng nói với Iđo.

Tàu kéo còi, rồi từ từ dừng lại. Trobo nhìn ra ngoài cửa sổ hành lang tàu.

CHính ga, có một quán chơi bài màu vàng. Trobo biết rằng người em rể của chàng chắc đã ngồi trong đó. ở nhà Zôlan sẽ nói tránh cho chồng như mọi khi là hắn đã lên thành phố từ hôm qua.

Chàng nhìn ra cửa sổ, khuôn mặt chàng trắng bệch.

- Hừm…

Tàu vẫn chưa dừng hẳn. Trobo vẫy một người đánh xe mũ có cắm lông chim ưng, đưa hai cái hòm qua cửa sổ cho anh ta. Anh ta đỡ hành lý, mồm chào:

- Chúa mang ngài về nhà đấy ư?

- Nào, nhanh lên, bởi vì tàu chỉ đỗ ở đây có một phút thôi.

Chàng vội vàng giơ tay cho Iđo, để nàng vịn vào mà bước xuống. Nhưng Iđo chẳng vịn vào mà nàng nhẹ nhàng nhảy xuống sân ga.

Trên sân đợi, Zôlan đứng đấy. Cô mặc chiếc áo khoác rộng màu tím than, đầu đội chiếc mũ da đen giản dị, cô đã hất tâm khăn che mặt lên, khuôn mặt cô bồn chồn, ốm yếu. Đôi mắt đầy vẻ dò hỏi ráo riết.

Cô chạy đến bên Trobo:

- Có tiền chưa anh? – Còn cách anh trai bảy mét, cô đã hổn hển hỏi – có tiền chưa? Anh chẳng viết gì cho em cả!

Cô chỉ cảm thấy yên lòng khi ôm lấy anh, hôn anh bằng cả đôi mắt ướt đầm và dúi mặt vào ngực anh mà khóc.

- Ồ, lạy chúa tôi – cô lẩm bẩm – chúa làm ơn cho con…

Iđo đứng sau lưng họ vẻ lạnh lùng, lạnh nhạt. Trong tay vẫn cầm quyển sách. Ngay từ phút đầu,, nàng nghe thấy Zôlan nói đến chữ “tiền đâu”. Hai từ đó khiến đôi mắt kinh ngạc của nàng nhìn Zôlan vẻ lạnh lùng dần. Sau đó, nàng lại mở quyển sách đứng sau lưng họ đọc tiếp.

Trobo gỡ đôi tay em gái.

- Zôlan – chàng nói giọng run run – em cần phải đợi anh một chút ở ga đã. Anh cần phải tiễn tiểu thư đây vào làng, trong lúc đợi anh, em có thế đi đến nhà trưởng thôn hoặc dạo chơi ở đây.

Chàng không đợi em trả lời, quay sang Iđo.

- Xin mời tiểu thư.

Chàng đưa Iđo đến bên xe ngựa, cỗ xe màu vàng rơm của làng quê, và chỗ ngồi bằng da rung rinh lắc lư.

- Đừng có đi đâu nhé, anh Trobo – cô em gái nói theo.

Trobo đỡ Iđo lên xe, chàng cầm lấy tấm da bò đen dùng để phủ chân. Chàng sửa lại phía dưới và vô tình chạm vào chân Iđo. Chàng cũng không để ý rằng hành động đó đã tỏ ra thân mật hơn là mối quan hệ của họ.

- Đi được rồi – chàng nói.

Nhà của vị quan tòa trong làng có một phòng trọ. NGồi bên bàn, chàng đã nhanh chóng thỏa thuận với chủ nhà. Iđo không nói với Trobo là đừng để nàng phải đợi lâu. Nàng không nghe đến sự thỏa thuận của bà chủ nhà cùng Trobo. Nàng đang say sưa đọc tiếp, đứng gần họ đọc sách, như là sự việc kia chẳng liên quan gì tới nàng.

Tối hôm sau, khoảng 9 giờ tối, Trobo đến. Cổng đã khóa, con chó trong sân giận dữ sủa.

Cửa sổ phòng trọ của Iđo nhìn ra ngoài phố có tiếng gõ.

- Tôi đây, thưa tiểu thư.

Nàng vén rèm nhìn ra, rồi cầm nến đến gần cửa thì thấy rõ Trobo, nàng mới mở cánh cửa kính bên trong ra. Iđo trong chiếc áo khoác, nhưng tóc đã thả xuống, thò đầu ra ngoài cưar sổ. Nàng mở cả cánh cửa kính bên ngoài. Tay nàng nắm vào cổ áo khoác dựng lên để che kín cổ.

- Lạy đức thánh, ngài làm tôi giật cả mình.

- Xin tiểu thư thứ lỗi, tôi không nghĩ rằng tiểu thư đi nằm sớm thế.

- Tôi vừa mới đi nằm được năm phút.

- Tôi chỉ đến để hỏi xem tiểu thư có bình an?

- Cám ơn ngài. Không có gì đặc biệt cả.

- Nơi ăn ở ra sao, có dễ chịu không?

- Cám ơn ngài, cũng tàm tạm.

- Tiểu thư có điều gì cần nói không?

- Không ạ.

Tay Trobo cầm một gói gì đó bó bằng sợi len, chàng nói vẻ áy náy.

- Tôi rất ái n gại, vì tôi mà tiểu thư…

- Nhưng mà ngài đã nói trước rồi, tôi cũng đã đồng ý. Tôi thích ở đây hơn là ở trong khách sạn đấy.

- Tôi mang đến cho tiểu thư một tập báo “tolnai” đây, để tiểu thư có thêm cái để đọc.

- Cám ơn ngài.

Iđo cầm tập báo khoảng hai kilo qua cửa sổ.

Khi Iđo đặt cây nến lên bàn, ánh sáng bập bùng soi ra ngoài, Iđo giật mình khi nhìn thấy khuôn mặt Trobo vàng võ như là mặt của người ốm trốn bệnh viện về vậy, một người bệnh mà chỉ hôm sau là phải mổ.

- Thế tiểu thư không mong muốn gì nữa ư?

Trobo hỏi, tay nâng mũ lên để chào.

- Cám ơn ngài, không cần gfi đâu, khi nào…à thưa ngài…à…tôi có thể hỏi ngài rằng, tôi sẽ đợi ngài đến hôm nào?...Bởi vì ngài chỉ nói có thể là ngày mai mà cũng có thể là ngày kia.

- Ngày mai thì chưa xong được rồi – có lẽ ngày kia. Tôi hy vọng việc này sẽ không kéo dài, nhưng tôi không thể biết trước được, tôi chỉ dám hy vọng thôi.

- Được rồi, tôi chỉ yêu cầu ngài đừng có sốt ruột vì tôi. Ngày mai ngài đừng vất vả mệt nhọc vượt qua bốn làng để đến đây một cách đột xuất như hôm nay nữa.

- Cám ơn tiểu thư, chúc ngủ ngon.

- Chúc ngài ngủ ngon.

Trở về Buđapest, họ chỉ ở khách sạn có hai ngày nữa. Iđo ngủ trong khách sạn, còn Trobo lại về nhà mình. Họ chỉ ngồi ăn cùng nhau, sau hai ngày đó, họ lại lên tàu.

Trong ngăn tàu họ ngồi lần này, chỉ còn có hai ghế trống, đó là hai ghế giữa của hai dãy đối diện nhau. Các chỗ khác cũng đã có người ngồi. Một người là vị linh mục già, ốm yếu, còn ba người kia là thanh niên Do Thái. Một trong ba người đó, chàng trai trẻ râu ria nhẵn nhụi – đưa mắt ngưỡng mộ nhìn Iđo, rồi lịch sự đứng lên nhường chỗ sát cửa sổ cho Iđo, còn anh ta ngồi vào chỗ của Iđo bên dãy kia.

Như vậy, “hai vợ chồng” lại ngồi sát bên nhau.

Khi đi được một thôi đường, Iđo ngoảnh mặt qua vai hỏi nhỏ Trobo:

- Chúng ta đi đâu?

- Đến Muychen. Tôi rất tiếc là chúng ta phải đi xa quá. Giữa đường chúng ta có thể nghỉ ở Salbung.

Chàng trầm ngâm nghĩ ngợi rồi giọng nhỏ nhẹ nói với Iđo:

- Tiểu thư có giân tôi đã không bàn với tiểu thư trước về chuyến đi này không? Hãy tha lỗi cho tôi, tôi vừa trải qua những ngày mà mỗi ngày dài như một năm ấy. Đầu tôi bây giờ cứ muốn nổ tung như trái bom.Tôi tự nghĩ rằng tiểu thư không thích Velenxe, nhưng nếu tiểu thư muốn, chúng ta sẽ quay lại hồ Velenxe nghỉ ở đó bốn – năm ngày cũng được.

Nét mặt Iđo nở một nụ cười đau đớn.

- Đi Velenxe? Cảm ơn ngài, chúng ta hãy cứ đi theo lộ trình này.

Trong tay nàng cầm một quyển sách bìa màu xám. Nàng giở ra, nhưng rồi lại đặt nó xuống lòng.

- Vì sao chúng ta không ở lại Buđapest?

- Đợi một năm sau đã. Nhưng vì sao tiểu thư lại muốn ở đó? Ở đó tiểu thư cũng chẳng quen ai kia mà. Có đúng tiểu thư đã nói, ngoài những người ở trường dòng ra, tiểu thư không quen ai phải không?

- Không có ai – Iđo trả lời nét mặt thẫn thờ.

Sau đó nét mặt nàng lại linh hoạt:

- Ở Muychen có các trường đại học không?

- Tôi không rõ, có lẽ có đấy. Nhưng vì sao tiểu thư lại nghĩ đến việc đó, hay là tiểu thư định đi học?

Iđo chớp mắt:

- Không phải tôi muốn học mà tôi tưởng ngài định theo học.

Nàng quay mặt nhìn ra cửa sổ, tàu đã chạy qua Visegradi. Thời tiết đang mùa xuân, ánh mặt trời và không khí đã ấm. Trên cánh đồng, tất cả cây cỏ đều xanh lá, hoa đã nở. Cây liễu rủ cành lá xanh, cây ăn quả đã ra hoa. Giữa màu xanh đó là một vệt trắng như cánh cò của sông Đanuyp sải dài xuyên qua không gian.

Trobo chống cùi tay vào đùi và bàn tay ôm lấy đầu vẻ suy nghĩ, cái đầu cứ lắc lư. Iđo cầm quyển sách lên định đọc thì bất ngờ ánh mắt nàng nhìn sang Trobo và thấy cái cổ Trobo như bé lại so với cổ áo rộng, và trong cổ áo lấp lánh một sợi dây chuyền vàng mỏng manh.

Iđo dừng mắt nhìn vào sợi dây chuyền. Đó là thứ mà phụ nữ vẫn đeo. Chắc chắn, mặt dây chuyền là một bức ảnh đức mẹ Maria, lồng trong hình bầu dục bằng vàng. Tất nhiên cái mặt dây chuyền đó còn in hình mờ mờ qua lần áo sơ mi.

Tại sao sợi dây chuyền lại ở trên cổ Trobo? Lần đầu tiên khi chàng rời đất Hung sang Muychen học, chính em gái chàng đã trao nó cho chàng.

- Anh hãy nhìn này Trobo, đây là di vật còn lại của mẹ mà em được giữ. Em rất muốn anh hãy đeo nó. Bởi vì đức mẹ sẽ phù hộ cho anh.

Trobo vì tình cảm của em gái, vì kỷ niệm của mẹ mà chàng đã cho phép Zôlan đeo vào cổ chàng. Từ dạo đó chàng vẫn đeo.

Iđo lúc đó cũng nghĩ, chắc chắn chiếc dây chuyền này là của cô gái có trán co, người đã đợi Trobo ở ga và đón Trobo với sự âu yếm, nồng nhiệt, cô gái mà vì cô, nàng đã phải ở trọ nhà ông quan tòa bốn ngày.

Những người Do Thái trong phòng đã mỏi mệt, họ kéo nhau đi cả và toa ăn.

Quãng năm giờ, Trobo nhìn đồng hồ nói:

- Chúng ta đi ăn đi.

Iđo im lặng gập quyển sách vào.

Họ đi qua ba toa tàu thì đến toa ăn. Đến cửa toa, Trobo đứng lại nhìn vào và nói với Iđo.

- Còn chỗ đấy, trong góc toa có một cái bàn lớn.

Chàng dừng lại, nhường cho Iđo vào trước.

Trong toa ăn đầy khách đàn ông, đàn bà, họ uống cà fê, uống nước chè, mùi khói xì gà bay lên thơm dễ chịu.

Khi họ đi qua các bàn, tất cả các khuôn mặt đều quay nhìn Iđo.

Iđo nghe thấy sau lưng nàng có giọng đàn bà nói nhỉ :

- Họ đẹp đôi thật !



- Tôi yêu cầu một buồng có hai phòng – Trobo nói với người thường trực khi họ vào một khách sạn – hai phòng ngủ riêng nhưng có cửa thông sang nhau.

- Không còn nữa đâu, thưa ngài – người phục vụ khách sạn nói vẻ thông cảm – nhưng tôi có thể phục vụ ngài một buồng có hai giường rất đẹp.

Iđo chăm chú lắng nghe, nàng hơi giật mình, Trobo nghiêm trang nói với nàng.

- Chúng ta đi sang khách san khác.

Họ lại lên xe đi tiếp. Iđo quay sang nói với Trobo.

- Không cần hai phòng một buồng, chúng ta có thể thuê hai phòng riêng biệt cũng được.

- Nhưng chúng ta cần phải có hóa đơn ở trong cùng một buồng – Trobo giải thích với Iđo như nói với một người mà không biết việc của “vợ chồng” chàng – Rồi chúng ta phải gửi hóa đơn thanh toán thế nào để ông bố vợ tôi còn nghĩ chúng ta ở chung chứ!

Họ dừng lại ở khách sạn “ vương miện Hung” rồi lại sang”Tegethop” cuối cùng học phải sang “ Kaiserin Elizabeth” mới thuê được hai phòng riêng trong một buồn chung.

- Tiểu thư có muốn đi xem hát không? Trobo hỏi khi chỉ cho bồi phòng đặt hành lý xuống, - hay là chúng ta chỉ ăn tối xong rồi đi nghỉ thưa tiểu thư?

Lúc đó trời đã về chiều.

- Đi nhà hát ư? – Iđo ngơ ngác hỏi – thế tôi đi một mình sao? Ngài nên nhơ rằng tôi chưa bao giừo đi nhà hát cả.

- Không, không thể đi một mình được, chẳng lẽ ở trong trường dòng tiểu thư không được học một điều: một phụ nữ tôn kính không bao giờ lại ra đường một mình sau khi mặt trời lặn sao?!

- Chúng tôi không học điều đó.

- Thế thì tiểu thư học gì?

- Cha tôi không nói với ngài là tôi đã tốt nghiệp trung học ư?

- Tiểu thư có bằng tốt nghiệp, vậy mà lại chưa biết điều tối thiểu đó ư?

- Nhưng bây giờ tôi biết rồi, xin lỗi ngài. Tôi tưởng rằng ngài đã phải hỏi về tôi qua cha tôi chứ?

Nét mặt nàng trở nên kiêu hãnh lạnh lùng.

Trobo hiểu nàng tự ái.

- Theo lệnh của tiểu thư- chàng cúi chào lịch sự.

Ánh đèn bật sáng, Iđo nhìn cánh cửa thông giữa hai phòng.

- Cám ơn ngài – nàng nói – có lẽ chúng ta chỉ ăn chiều thôi, nếu ngài không phản đối, chúng ta sẽ đến tiệm ăn nào có chơi nhạc sống, tôi rất thích âm nhạc, và nơi đó chúng ta ít phải nói chuyện với nhau.

- Sáng ngày mai, chín giờ chúng ta lại đi tiếp. Tiểu thư có muốn ở lại đây một hai ngày không?

- Không, cứ làm theo kế hoạch của ngài. Đối với tôi thì Viên hay là Camsatca cũng đều thế mà thôi, tôi có biết đâu, nhưng tôi xin ngài chờ tôi một lát, tôi muốn tắm cho trôi bụi than đi một chút.

Nàng tắm nhanh, thay bộ đồ khác, đó là một cái áo váy bằng vải mỏng nhẹ màu xanh. Khi đến Buđapest nàng đã thấy một bà mặc nó, sau khi từ quê Trobo trở về thủ đo, nàng đã mua nó cùng với một chiếc mũ có vành lớn hơn mũ cũ. Nàng gõ cửa, mở cửa bước sang phòng Trobo.

- Tôi đã xong thưa ngài.

Nàng tươi mơn mởn như một cành hoa huệ xanh còn đọng sương ban mai trong chiếc mũ hợp thời trang, nàng bước đi vẻ tự tin trong hành lang và cầu thang của một khách sạn tại nước Áo như là nàng vốn sinh ra ở đây.

Trobo không dám tin ở mắt mình nữa.

- Tôi biết có một tiệm ăn rất hay ở đây – chàng nói, sau khi đã nhìn đường xá – nhưng trong tiệm ăn đó không có dàn nhạc sống. Những tiệm ăn có âm nhạc ở thủ đô Viên này đều là chỗ có vẻ thô tục bởi mùi bia và mùi khói thuốc lá, vậy tôi xin hỏi tiểu thư : tiểu thư thích nghe nhạc hơn, hay là chúng ta cứ ăn ở một tiệm ăn sạch sẽ, rồi sau đó chúng ta sẽ đến một nơi mà có thể nghe nhạc được. Ở tại Viên cũng có nhạc Digan, nhạc dân tộc Hung.

- Tôi hoàn toàn phó thác sự tin cậy cho ngài. – Iđo nghiêng mình nói

Trên con đường Karner Atvasu mọi người dạo chơi rất đông trong buổi tối mùa xuân dịu ngọt. Từng đôi, từng đôi một đi qua Iđo, người họ thơm mùi nước hoa, họ đội mũ rất mốt và trang điểm rất hợp thời trang. Họ cứ chạm vào Iđo.

Iđo cảm thấy lúng túng. Nàng nhìn thấy tất cả những người phụ nữ đều khoác tay đàn ông đi dạo.

- nếu ngài cho phép, tôi sẽ khoác tay ngài.

Trobo trả lời, đầy vẻ ngạc nhiên:

- Vâng xin mời tiểu thư, tôi nhìn thấy nhiều người đông đúc qua lại, cho nên tôi đã định mời tiểu thư khoác tay tôi. Bởi vì thật nực cười nếu như ngoài xã hội mà chúng ta lại đối xử với nhau như hai người xa lạ. Đối với xã hội, chúng ta là chồng và vợ của nhau dù ở nước nào cũng vậy, vì thế khi nào tiểu thư muốn, tiểu thư cứ việc khoác tay tôi, cư xử thân mật như là những người phụ nữ khác đối với chồng. Từ bây giờ, tiểu thư tập cho quen để khi đến Muychen mình đỡ bỡ ngỡ. Muychen là nhà của tôi, ở đó tôi có bạn bè, đó là các họa sĩ, các nhà điêu khắc, những người đã có gia đình và chưa lập gia đình. Họ sẽ làm quen với vợ tôi, những người đàn ông vui tính ấy. Tôi hồi hộp lo rằng họ không thân thiết, không hợp được với tiểu thư thôi.

- Vì sao lại không hợp được nhỉ? Cuộc sống của tôi hoàn toàn thiếu sự vui tươi và bạn bè. Trường nữ học cũng có lúc vui vẻ, nhưng nó mang tính chất khác, một giới và eo hẹp – Iđo nói.

- Nhưng những người nghệ sĩ thì lại hơi khác biệt so với những người khác. Giai tầng của các họa sĩ trong xã hội khác những tầng lớp khác. Nếu như chúng tôi mà vào với những người dân thường, thì chúng tôi cũng biết hòa mình như là một người nông dân. Còn nếu chúng tôi tiếp xúc với những người bán thịt, chúng tôi sẽ biết trở thành những người thèm ăn. Nếu như chúng tôi đến chơi với những người thuộc da, chúng tôi sẽ nói chuyện về da loài vật hoặc là chuyện chính trị. Đối với các nghệ sĩ sân khấu thì lúc nào họ cũng nói năng một cách chua cay ngay cả khi họ cười cũng vậy. Còn giới họa sĩ lại là những người không có tính chất riêng. Họ cũng có thể là những ông lớn, nhưng họ lại không thích xã hội thượng lưu. Họ cũng không phải là những người nông dân, lại cang fkhông phải là các ông chủ tiệm, hoặc là các nghệ sĩ sân khấu. Họ không phải là người ở hội trường chứng khóan, nhưng họ cũng chẳng có thì giờ để rong chơi. Họ là những người đa dạng, phong phú. Họ có thể ăn nhập với được cả thế giới thượng lưu, cả giới công nông, cả những người buôn bán và cả loại Digan lang thang nữa, nhưng ở với ai, họ cũng sẽ đổi màu cho phù hợp. Rồi tiểu thư sẽ ngạc nhiên khi nghe từ mồm họ những lời khôn ngoan lẫn ngu ngốc nhất. Các câu chuyện cua rhọ thú vị và cũng vô giá trị. Hay ngược lại. Họ là những người có nhiều bạn bè, dù ở giới nào đi nữua, họ cũng tìm thấy một vài người bạn thân thiết. Nhưng không phải với tất cả mọi người họ đều sẵn lòng mời vào nhà đâu.

Iđo lắc đầu.

- Tôi chưa bao giờ tiếp xúc với những người như vậy, vì thế cần phải hướng dẫn cho tôi.

- Tôi sẵn lòng thưa tiểu thư. Tiểu thư là người thông minh, tiểu thư sẽ cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với chúng tôi, tiểu thư đừng ngại, bởi họ cũng chân thành và thẳng thắn.

Môi Iđo gợn nụ cười hơi mỉa mai.

- Tôi cảm thấy ngài bắt đầu có ý tán tỉnh phụ nữ rồi đấy.

Nàng nói giọng không đến nỗi mỉa mai như nụ cười. Nhưng đặc trưng của phụ nữ bao giừo cũng cảm thấy họ nhiều quyền lực hơn nam giới, nhất là khi màn đêm xuống. Phụ nữ là hoa của màn đêm, mặt trời lặn, thế giới sẽ được chiêm ngưỡng những sự lỗng lẫy, mê hồn của ánh trăng đầy quyến rũ.

Trobo lắc đầu.

- Tôi không cố ý nói những lời như vậy, tôi chỉ nghĩ giữa hai chúng ta sẽ dễ nói chuyện hơn nếu chúng ta thay không khí lạnh lùng xa lạ vằng chuyện trò của hai người quen biết nhau. Nói thế không có nghĩa là chúng ta sửa đổi các điều cam kết mà tôi đã hứa, xin tiểu thư cứ yên tâm, tôi không dễ thay đổi ý định đâu.

- Cám ơn ngài đã thẳng thắn. Ngài hãy cho phép tôi nói một cảm giác dễ chịu rằng…

Một anh chàng có thân hình bé như con dế đội một chiếc mũ cao, bất ngờ bị xô đẩy, mũ chạm vào Iđo. Anh ta quay sang xin lỗi nàng, rồi cầm chiếc mũ xuống tay để đi, n hưng chiếc mũ lại chạm vào người khác.

Trobo kéo Iđo đi xuống lòng đường dẫn nàng rẽ vào một phố yên tĩnh hơn.

Iđo đợi chàng nói tiếp câu chuyện ban nãy nhưng chàng im bặt không nói nữa.

Họ cứ đi như thế ở trên phố rồi đến một cái hàng rào màu trắng, họ đi vào trong vườn, ở đó có một tiệm yên tĩnh.

Nét mặt Iđo lạnh lùng. Nét mặt Trobo đăm chiêu. Họ gọi các món ăn, đồ uống khác nhau và Iđo không xẻ thức ăn vào đĩa Trobo nữa. Mà Trobo cũng không dám nhìn vào Iđo.

Trong nhà ăn, khách ngồi đầy, nhưng cũng còn vài b àn để trống. Ở bàn bên cạnh họ, có một người đàn ông trung niên, một người Áo đầu hói, ngồi một mình có vẻ rầu rĩ. Ông ta tò mò nhìn Iđo, sau khi ông ta ăn xong, người bồi bàn đã bê bát đĩa đi, ông ta đẩy dịch ghế ra và khoanh tay trên bàn, tì mặt lên tay ngắm Iđo say sưa như định chụp ảnh nàng vậy.

Sau khi ăn xong có một người Áo dài ngoẵng như một ống sáo đến mời Iđo mua bưu ảnh. Nàng chọn lấy một bức ảnh chụp tranh Canôva, trên đó có tấm bia mộ của nàng công chúa Mavia Krixtina để trong nhà thờ Agoston. Nàng dùng bút chì viết lên mặt sau một hàng chữ gửi cho cha “ Con gái ngoan ngoãn của cha, Iđo”

Sau đó họ lại ngồi lặng lẽ bên cạnh những cốc bia. Trobo tự nhiên ngoái cổ nhìn qua bên bàn kia. Đôi lông mày chàng nhíu lại, rồi chàng quay hẳn người về phía sau. Iđo không biết chàng nhìn thế nào, nhưng qua cái đầu bất động của chàng, Iđo biét sắp có chuyện gì xảy ra nên chàng chạm vào tay Trobo.

- Ngài trả tiền rồi chúng ta đi.

- Chưa đi được – Trobo vẫn không quay đầu lại trả lời

Ngay lập tức, ông trung niên đầu hói vẫy anh bồi lại trả tiền, rồi biến nhanh như gió cuốn.

Lúc đó Trobo mới quay người lại.

- Vì sao tiểu thư không nói cho tôi biết thai độ của hắn tỏ ra thiếu lễ độ như vậy.

Iđo nhún vai.

- Tôi không biết phải nói thế nào, mặc dù tôi cũng cảm thấy khó chịu.

- Lúc khác tiểu thư hãy nói với tôi ngay lập tức.

- Nhưng để làm gì? Ngài có thể làm gì được?

- Làm gì ư? Tôi sẽ cho nó một cái tát.

Chàng vẫy người bồi bàn đến rút ví ra. Anh bồi rút ra một ập giấy nhỏ, ghi lên giấy từng thứ mà họ ăn để tính tiền.

Ra ngoài phố Iđo mới nói:

- Thôi hôm nay chúng ta đừng đi đâu nữa. Nếu như ngài cũng đồng ý với tôi…

- Tôi đồng ý với tiểu thư.

- Tôi không biết vì sao, nhưng tôi mệt quá có lẽ tại vì uống bia chăng? Đây là lần đầu tiên tôi uống đấy, vì tò mò mà. Ngài đừng có đánh nhau nhé, tôi xin ngài đấy.

- Nhưng mà nó láo xược quá?

- Điều đó chỉ làm tôi khó chịu thôi, ở Buđapest tôi cũng bị thế vài lần. Chắc ngài còn nhớ một lần trong nhà ăn tôi đã yêu cầu ngài đổi chỗ cho tôi.

- Cũng vì chuyện như hôm nay ư?

- Vì thế đấy.

- Thế sao tiểu thư không nói?

- Tốt nhất là tôi không nên nói, tôi không muốn ai phải bực mình vì tôi…

- Nhưng tại sao lại bát buộc phải chịu vậy! Cần phải dạy cho nhưng thằng cha hỗn láo đó biết lịch sự! Còn những người phụ nữ mà cho phép sự hỗn láo đó thì…

- Nhưng mà tôi coi như không thấy, tôi không thấy gì hết!

- Nhưng những người khác họ nhìn thấy, họ sẽ nói tôi thế nào? Bởi vì trước họ, tiểu thư vẫn là vợ của tôi. Tôi hy vọng rằng, chúng ta không gặp phải những chuyện đó nữa.

Họ lại im bặt đi tiếp, họ vào khách sạn,đi lên buồng của họ.

Trobo đứng trước cửa phòng Iđo gật đầu chào lịch thiệp.

Một vài phút sau, chàng nghe thấy tiếng chìa khóa trong cửa buồng, Iđo nhẹ nhàng xoay vòng khóa vào.

Buổi sáng, họ tiếp tục lên tàu đi Muychen.

Iđo không hề tỏ vẻ sốt ruột trên quãng đường dai này. Họ cũng chẳng cần xuống Salzbung.

Bây giờ họ đã ngồi tàu hạng hai. Trước khi đi, Trobo đã báo cho Iđo biết, từ đây họ sẽ không mua vé hạng nhất. Bởi vì chỉ có trên đất Hung là người ta vốn có sĩ diện coi trọng hình thức từ xưa đến nay mà thôi. Nếu như anh thuộc hạng dân thượng lưu mà tàu hạng hai, hạng ba thì người ta sẽ nhìn anh vẻ nghi ngờ hoặc ngược lại, nếu anh mặc quần áo thường dân mà ngồi lên toa hạng nhất thì cũng sẽ gây nghi ngờ cho những người xung quanh. Còn ở nước Đức, người ta dễ hiểu và tin nhau hơn. Người ta không đánh giá bằng hình thức.

- Nếu tôi đi một mình, tôi chỉ cần mua vé tàu hạng ba thôi – Trobo nói - ở đó không hề có những ánh mắt nghi ngờ hoặc theo dõi. Ở nước này, một tôn ông hay một quý bà đều có thể đi lẫn cùng thường dân được. hay là tiểu thư không bao giờ nghĩ đến chuyện tiết kiệm, thưa tiểu thư?

- Tôi cũng chẳng biết nữa – Iđo nhún vai – từ nhỏ đến khi tôi tròn mười chín tuổi, tôi không giờ có tiền trong tay cả.

- Thế bây giờ tiểu thư đã được bao nhiêu tuổi? – xin lỗi vì tôi đã hỏi câu hỏi đó! Những chẳng lẽ là một người chồng tôi lại không biết tuổi của vợ tôi ư?

- Tôi đã được mười chín tuổi ba tuần rồi. Chúng ta cứ đi tàu hạng ba cũng được.

- CHúng ta đi hạng hai.

- Tùy ngài.

Thế là họ ngồi ở đây.

Iđo không vội mở sách ra đọc. Nàng thú vị nghe những người dân Đức nói tiếng Đức.

Một tôn ông vừa lên ga Linz có bộ râu quai nón đen, lông mày rậm ngồi đối diện một chỗ trống. Áo và hành lý của ông ta cũng một màu đen. Cổ áo của ông ta sạch sẽ, ông ta khoảng ba mươi nhăm – ba mươi sáu tuổi.

- Pardon, Madame, êtezvous une francaise ( xin lỗi, bà là người Pháp ư ?)– ông ta lịch thiệp hỏi Iđo, tay ông ta chỉ tay vào quyển sách tiếng Pháp mà Iđo để bên cạnh mình.

- Mais non, Monsieur ( ồ không, thưa ngài ) – Iđo ngạc nhiên trả lời và nàng đưa mắt nhìn sang Trobo vẻ dò hỏi.

Trobo ra hiệu cho nàng bằng đầu và mắt rằng mình có thể nói chuyện với bạn đồng hành.

- Tôi biết tiếng Pháp – Iđo trả lời nhẹ nhàng bằng tiếng Pháp.

- Xin bà tha lỗi, nhưng một quý bà mà lại đọc cuốn sách khoa học như thế này chứ không phải đọc tiểu thuyết, thì cũng bất thường đấy… Liệu bà có hiểu hết không – ông người Pháp ngập ngừng hỏi.

Iđo mỉm cười trả lời :

- Việc này hết sức tình cờ, chúng tôi đi tàu và trong hành lý bao giờ tôi cũng để vào đó hai quyển sách : Một quyển tiếng Đức và một quyển tiếng Pháp. Thế mà trong hiệu sách lại không có sách tiếng Pháp nào khác ngoài quyển này. Tôi nghĩ, cứ mua về đọc chắc cũng phải có gì thú vị chứ.

- Tất nhiên đối với tác giả Raul Pitet thì những tác phẩm của ông ta bao giừo cũng hứng thú hơn bất kỳ tác phẩm nào. Nhưng đối với phụ nữ thì khó hiểu.

- Khó hiểu ? Chính vì thế mà tôi lại thích nó đấy, ởi vì trong các tiểu thuyết Pháp người ta luôn luôn viết rất rõ ràng dễ hiểu, nếu tiếng Đức làm người ta mệt, thì tiếng Pháp là sự nghỉ ngơi đấy !

- Người ta bảo rằng đi trên tàu không nên đọc sách – ông người Pháp lắc đầu nói nghiêm chỉnh – bởi vì những chữ in sẽ làm hỏng mắt. Đối với đôi mắt đặc biệt của bà thì chắc nó sẽ gây ảnh hưởng đấy !

Ông ta nói, mắt liếc nhìn Trobo.

Trobo ngồi vẻ lạnh nhạt, chàng không hiểu họ nói chuyện gì, chàng biết tiếng Pháp rất ít, đủ để đi lại, tìm khách sạn, hỏi đường xá, tìm tiệm ăn mà thôi. Nhưng qua giọng nói và nét mặt của người đàn ông Pháp chàng biết ông ta đang tán tỉnh Iđo.

Iđo mìm cười.

- Ông là bác sĩ nhãn khoa chăng ?

- Không, tôi là nhạc trưởng, nhưng một người chỉ huy dàn nhạc cũng quan tâm đến câu hỏi : đôi mắt kia có giá trị hay không chứ ? Đối với những người chưa đến ba mươi tuổi thì điều đó chẳng có nghĩa lý gì, nhưng khi người ta đã bốn mươi tuổi người ta sẽ cảm thấy tuổi trẻ đang trôi qua và sẽ biết luyến tiếc.

Từ lâu, Iđo đã ước muốn biết ai là nhạc sĩ đã viết bản nhạc Ave Maria. Từ ở trong trường dòng, nàng cũng yêu thích bản nhạc đó, nhưng không may, bản nhạc đó lại bị xé mất chỗ có tên nhạc sĩ từ lâu ở trên đầu bản nhạc có đến năm mươi chữ viết tay của mọi người viết dự đoán đến năm mươi tên tác giả. Vậy thì ai là tác giả thật ? Liệu người nhạc trưởng này có biết không ? Nàng chú ý hỏi :

- Ông chỉ huy nhạc ở nhà ư ?

- Thưa bà ở nhà hát – ông ta trả lời nhã nhặn.

Iđo thất vọng chớp chớp hàng mi đen.

- Tôi lại không biết gì về nhạc ở nhà hát cả.

- Quý bà không biết ư ? Vậy thì quý bà biết nhạc gì ?

- Tôi chỉ biết nhạc cổ điển.

- Quý bà yêu thích nhà soạn nhạc Mendelson.

- Tôi yêu thích Bettoven, nhưng tôi cũng thích nhạc của Mendelson.

- Thế còn các nhà soạn nhạc Pháp ?

- Tôi thích nhạc của Gounod, Bizet…những bản nhạc ngắn dễ ưa. Sau đó tôi lại trở về với Bettoven. Tôi có thể nhạc của Bettoven mà không hề nhìn bản nhạc.

- Chỉ chơi bằng trí nhớ, đôi tay thôi ư ? Thế quý bà đánh quãng một phần tám âm điệu ra sao ?

- Tôi có thể đánh liên tục.

- Không thể thế được.

- Quen tay thôi mà.

Họ đàm luận với nhau về âm nhạc. Vẻ mặt Trobo buồn chán ngồi cạnh họ. Khi ông người Pháp giới thiệu, chàng cũng đáp lễ với một sự chán ngán như vậy. Chàng nhìn thấy trên tay người Pháp đó có một chiếc nhẫn cưới giống hệt như ở trên ngón tay chàng và tay Iđo.

- Tiểu thư hãy dịch cho ông ta biết, tôi rất tiếc không biết tiếc Pháp, nhất là âm nhạc thì tôi lại càng mù tịt – Trobo nói.

Đến một ga, tàu đỗ lại, một người ngồi bên trái Trobo xuống ga.

- nếu ngài muốn, tôi sẽ sang ngồi chỗ đó – Iđo nói với Trobo bằng tiếng Hung.

- Vì sao tôi lại đòi hỏi như vậy cơ chứ, khi mà tiểu thư cảm thấy dễ chịu có người chuyện trò giải trí.

Iđo đứng lên.

- Tôi rất tiếc phải ngồi sang chỗ kia – nàng nói với ông người Pháp – bởi vì ngồi đây tôi cảm thấy gió lùa dưới chân.

Nàng ngồi qua bên trái Trobo.

- Vì sao tiểu thư lại bỏ chỗ cũ ? – Trobo hỏi vẻ thờ ơ.

- Vì ông ta đã nói những lời bay bướm quá, Iđo lạnh nhạt trả lời.

Trobo nhún vai.

- Tiểu thư có thể nghe, nếu ông ta không xúc phạm gì đến tiểu thư. Tên của tôi, đối với tiểu thư, không đến nỗi ngăn cản tiểu thư không được phép nghe những lời đẹp đẽ từ người khác. Những người phụ nữ vốn thích được ngợi khen.

Họ nói với nhau mà mặt vẫn nhìn thẳng. Họ nói tiếng Hung, không cần nói thầm vì người khác cũng chẳng hiểu.

- Ông ta nói rất dễ hiểu – Iđo cũng nói vẻ chán ngán – nhưng tôi cảm thấy ngài khó chịu mà tôi vẫn nhớ những ràng buộc của chúng ta.

- Tôi không hề khó chịu, xin cảm ơn tiểu thư đã quan tâm, tôi chỉ cần tiểu thư không làm duyên làm dáng với bất kỳ ai trước mặt tôi là được. Tôi không hề cản trở thú vui của tiểu thư. Tiểu thư chỉ cố gắng vượt qua một năm chịu sự ràng buộc này thôi. Nếu tiểu thư sơ xuất trước mọi người, thì người ta sẽ cười và nói xấu cả hai chúng ta. Tất nhiên theo lẽ tự nhiên thì tất cả phụ nữ đều có chồng. Ai chưa có, người đó sẽ tìm, miễn là không cảm thấy chồng như đeo cùm vào tay. Tôi yêu cầu, nếu như tiểu thư có ý muốn tìm bạn thì cũng chẳng cần giữ kẽ. Nếu như tiểu thư muốn viết thư cho ai đó, tôi cũng không ngăn cản. Chỉ xin tiểu thư đừng làm lộ liễu quá. Tôi tôn trọng chuyện riêng của từng người, nên tôi không bao giờ bóc thư của tiểu thư cả.

Iđo nghe thờ ơ.

Đến trưa, họ đến toa ăn, họ nghe thấy người ta nói tiếng Hung ở một cái bàn lớn, ở đó đã có sáu người ngồi, và sáu người đếu nói tiếng Hung. Ngồi giữa họ, chính là ông nhạc trưởng người Pháp.

Khi trở về khoang ngồi, tôn ông người Pháp đó đã thôi không dám chú ý đến Iđo nữa.
Bình Luận (0)
Comment