Nghiễn Áp Quần Phương

Chương 32

Còn chưa đến trường học, từ xa đã thấy bọn Tạ Huyền đang bàn luận sôi nổi. Xem ra hôm nay ta thực sự đã đến quá muộn, chỉ mong vị tiên sinh “kinh đường mộc” kia còn chưa tới, nếu không thì thảm rồi. Đến Vương Hiến Chi cũng đã cố ý cảnh cáo ta trước, chắc chắn là nhân vật khó nhây.

Đi đến cạnh cửa, đề phòng thò đầu vào nhìn, may mà chỉ có vài người bọn họ.

Vội dọn dẹp lại, nghiền mực, pha trà cho các thiếu gia.

Pha trà cho Tạ Huyền xong, đang định rót cho hắn thì đã thấy hắn buông binh thư trong tay, nhìn sắc trời ngoài cửa sổ, xúc động thở dài nói:

- Đại trượng phu đương nhiên phải xếp bút nghiên theo việc binh đao, bảo vệ quốc gia, vậy mà phải ẩn mình trong một trường học nho nhỏ, cả ngày bàn lý thuyết suông, thật lãng phí thời gian!

Vương Hiến Chi vừa xem bảng chữ mẫu vừa cố tình nghẹn lời giọng nói sắc lẻm:

- Ấu Độ, ngươi tuổi còn trẻ, nên đọc sách, luyện chữ trước, trụ cột tốt thì sau này mới có thể góp sức cho nước nhà.

Tạ Huyền lườm trắng mắt:

- Bổn thiếu gia đã tròn 15 tuổi, Cam La bằng tuổi ta đã làm Thừa tướng được ba năm rồi.

Vương Hiến Chi đáp lại một câu:

- Đừng hâm mộ Cam La, đúng là 12 tuổi hắn làm Thừa tướng nhưng 19 tuổi đã chết rồi.

Tạ Huyền giận đến ngây người, còn chưa tìm ra lời đáp trả thì Si Siêu đã lại lên tiếng:

- Quá hiếu chiến không phải là con đường đúng đắn của một cường quốc, dùng người tài có thể có được nhân hòa, nhân hòa thì đất nước mới hưng vương. Triều đình trong có hiền thần, ngoài có tướng giỏi, có thể chăm lo việc nước, bảo vệ bờ cõi, lấy lại đất đã mất, quay về cố đô. Tất cả đều xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao thì quốc gia sẽ do ai làm chủ?

Tạ Huyền nghĩ nghĩ, cảm thấy lời Si Siêu khó phản bác, cho nên không tranh luận với hắn, chỉ cúi đầu nói một câu:

- Hiền thần gì chứ, giờ làm gì có hiền thần, chỉ có lũ chính khách vô sỉ nhân cơ hội vơ vét tiền tài khi quốc gia gặp nạn.

Lúc này Hoàn Tể đang dựa vào ghế, đọc “Mục thiên tử truyền”. Lúc đọc đến đoạn Chu Mục Vương và Tây Vương mẫu cùng nhau uống rượu vui ca, hâm mộ vô cùng:

- Nếu có thể có được kì ngộ này, chết có gì hối tiếc? Đừng hiểu lầm, ta không có lòng tu tiên, ý của kẻ hèn này là chỉ ước làm uyên ương, không ước là thần tiên.

Vương Hiến Chi vỗ tay cười, nhắc nhở hắn:

- Tự Thanh, bọn họ đang nói chuyện thiên hạ hưng vong, ngươi lại nói uyên ương của ngươi?

Hoàn Tể lắc đầu:

- Chuyện trong thiên hạ cũng là việc của người thiên hạ. Sức ta có hạn, cũng đành bất lực thôi.

Tạ Huyền cùng Si Siêu nhíu mày, ngay sau đó vội giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước cho hắn:

- Tự Thanh, thiên hạ hưng vong, kẻ thất phu phải có trách nhiệm, sao ngươi có thể khoanh tay đứng nhìn?

Hoàn Tể nhất nhún vai:

- Hi vọng của phụ mẫu với ta cũng chỉ là thế thôi, “đạt tắc kiêm tể thiên hạ, cùng tắc độc thiện kì thân”*, cho nên ta tên Tề, tự là Tự Thanh.

* Đây là câu nói của Mạnh Tử, ý nghĩa của nó là: Thành đạt, giàu sang thì lo cho thiên hạ, nghèo khó thì chỉ cần lo cho bản thân được thanh cao.

Si Siêu nói:

- Làm sao ngươi biết được sau này ngươi không thể giàu sang, thành đạt?

Hoàn Tể cười nói:

- Chờ các ngươi đều thành đạt thì ta có thể thành đạt, các ngươi thành đạt trước, ta thành đạt sau.

Lúc này, tiên sinh đi đến, cười tủm tỉm hỏi:

- Các trò đang nói ai “thành đạt trước” thế?

Các đệ tử vội vuốt mông ngựa đã chìa sẵn:

- Đương nhiên chính là tiên sinh!

- À? Thế sao? Ha ha ha ha.

Tiên sinh vui vẻ bước lên bục giảng, “bộp” một tiếng, buông xuống một chiếc kinh đường mộc đỏ sậm, sáng bóng. Nói vậy, hẳn đây là vị tiên sinh “kinh đường mộc” trong truyền thuyết rồi.

Vì sao lại mang kinh đường mộc lên lớp? Bởi vì vị tiên sinh này chính là Đình úy Dữu đại nhân, hơn nữa bài ông dạy là “luật pháp”, mang kinh đường mộc lên lớp vừa là thói quen nghề nghiệp vừa là tự kính trọng với bài học của vị tiên sinh này.

Bộ luật đầu tiên của Đại Tấn là do Lỗ quận công đặt ra, sau nhiều lần bổ sung và sửa đổi mới thành như bây giờ. Ít nhất, về mặt chữ nghĩa, xem như là tương đối hoàn thiện.

Nhưng sau khi triều đình rời đô về Nam, Đại Tấn chỉ còn lại nửa giang sơn. Triều đình nhỏ tuy rằng bề ngoài đàn hát vui ca nhưng thực ra vẫn đang rất bấp bênh. Nếu không phải có con sông Trường Giang rộng lớn như rãnh trời thì chỉ sợ thành Thạch Đầu sớm đã bị đám quân man rợ phương Bắc công phá rồi.

Trong cục diện chính trị bất ổn như vậy, luật pháp có cũng như không. Đình úy Dữu tiên sinh thường xuyên bị đám người trong nội các xa lánh, đương nhiên rất bất mãn với hiện thực. Nhưng vì bảo toàn tính mạng gia đình, ở nơi công cộng cũng chỉ là “nói chuyện phong nguyệt không nói việc nước”, nhưng trên lớp học, trước mặt đám học trò thiếu niên thì cần gì phải nể nang. Lúc lên lớp, giảng đến chỗ kích động, kinh đường mộc đập ầm ầm, giấy, bút mực và cả chén trà cũng nhảy theo, cùng với những tiếng động, thường thường khiến bạn học Hiến Chi tỉnh khỏi cơn mê.

Vấn đề kỉ luật của Vương Hiến Chi trong lớp học thường khiến Dữu tiên sinh đau đầu, khiến ông không thể chịu đựng được vẫn là người này công khai tỏ vẻ khinh bỉ với luật pháp mà ông vẫn coi như thần thánh. Theo cái nhìn của cậu học trò bất hảo này, mọi thứ đều nên thuận theo tự nhiên, phải giữ vững bản tính tự do, không nên cưỡng chế, trói buộc.

Nói gì chứ? Nếu ai cũng “tự do” thì loạn hết cả lên rồi sao?

Nhưng học trò bất hảo lại nói năng rất hùng hồn, đầy lý lẽ:

- Giờ có luật pháp nhưng chẳng phải vẫn loạn đấy thôi? Tiên sinh cho rằng trật tự xã hội bây giờ tốt lắm sao?

Dữu tiên sinh cứng họng. Thừa nhận thì khác nào thừa nhận sau khi mình rút lui, người khác vẫn có thể làm tốt việc quản lý trật tự xã hội. Không thừa nhận, cố cãi nhau, thua dưới tay học trò thì sao có thể cam lòng? Vì thế thay đổi chiến lược, không đối chọi trực tiếp với Vương Hiến Chi, quay đầu hỏi ta:

- Bạn học Đào Diệp mới tới, trò nói xem, trò muốn tự do hay muốn pháp luật?

Ba người còn lại lập tức tinh thần phấn chấn gấp trăm lần, vểnh tai chờ ta trả lời, đồng thời ánh mắt nhìn qua ta rồi lại nhìn qua Vương Hiến Chi. Vương Hiến Chi tuy tỏ vẻ bình thản nhưng nhìn ngang qua, rõ ràng là lỗ tai cũng đã vểnh lên rồi.

Được rồi, được tiên sinh để mắt, ta là học trò ngoài biên chế đành trả lời, cho ta một cơ hội để trả lời câu hỏi sao ta có thể không ngoan ngoãn đáp lại? Vì thế, ta đứng lên nói:

- Đào Diệp nghĩ rằng, hai điều này không thể có cái này thì không có cái kia, không thể chỉ cần một thứ được.

Tiên sinh có chút không vui:

- Vậy được rồi, vậy tiên sinh hỏi, trò cho rằng, luật pháp quan trọng hay tự do quan trọng?

- Á!

Ta cứng học. Thì ra vị tiên sinh này giảo hoạt, tà ác như vậy, lại đem củ khoai nóng này ném cho ta. Trong lớp học về pháp luật hỏi câu này, bảo người ta trả lời thế nào? Ngoài câu trả lời tiêu chuẩn kia thì còn có thể trả lời sao?

Vốn định đáp “đương nhiên là luật pháp quan trọng” nhưng không hiểu sao, đột nhiên không muốn nhìn thấy vẻ đắc ý của tiên sinh, ta lại mở miệng nói:

- Đào Diệp cho rằng, mục đích thiết lập nên pháp luật là vì đảm bảo tự do của đại đa số người, cho nên, tự do cao hơn luật pháp, tự do là mục đích, luật pháp là công cụ.

Bốp bốp bốp!

Tiếng vỗ tay từ phía Vương Hiến Chi vang lên, sau đó lại đến lượt ba người nào đó nối đuôi.

Lúc này, một tiếng “Bốp” lớn hơn vang lên, cùng theo đó là tiếng gào:

- Hồ đồ! Các trò có hiểu cái gì là tinh túy của pháp luật không?

- Biết ạ! Chính là tự do!

Vương Hiến Chi cười xấu xa, đáp, sau đó giơ tay trả lời:

- Luật pháp là để trừng phạt một số ít những kẻ làm hại đến người khác để cam đoan tự do của đa số người dân. Cho nên tinh túy của pháp luật chính là tự do. Luật pháp và tự do vốn chính là tuy hai mà một, tuy một mà hai, tựa như cái này…

Hắn lấy trong túi ra một đồng tiền, ném lên không trung rồi lại bắt lấy rồi lại tung lên, sau đó nói:

- Bay lên hạ xuống nó vẫn chỉ là một đồng tiền. Luật pháp và tự do, trao đổi qua lại vẫn chỉ là một.

Xoảng!

Chén trà bay thẳng xuống đất, ngay sau đó là tiếng tiên sinh giận dữ quát:

- Vương Hiến Chi, Gia Cát Đào Diệp, hai người các ngươi, đi ra ngoài cho ta, ở bên ngoài mà hưởng thụ tự do của các trò đi, về sau không cần nghe giảng bài nữa. Dù sao luật pháp và tự do đều giống nhau, các trò cứ lêu lổng bên ngoài cũng được.

Vương Hiến Chi đứng dậy bước đi, lúc đi đến bên tiên sinh còn nói một câu:

- Thứ cho trò nhắc nhỏ tiên sinh một câu, tiên sinh, giờ người đang lên lớp, đừng đi nhầm chỗ, coi đệ tử là phạm nhân thẩm vấn của người.

Đi tới cửa, thấy ta còn chưa theo ra ngoài còn vẫy tay với ta, đáng thương cho tiên sinh, giận đến mặt tái mét.

Nhìn sắc mặt tiên sinh, ta thầm lo lắng thay cho Vương Hiến Chi, cũng lo lắng cho bản thân mình. Tiên sinh này vừa nhìn đã biết là người tính tình cứng rắn, lần này chỉ sợ sẽ không bỏ qua dễ dàng đâu.
Bình Luận (0)
Comment