Ngộ Phật

Chương 114


CHA TRÔNG GIỐNG HẠT HẠCH ĐÀO.
Tử giới mà Thanh Đăng đại sư đang ngụ lại là một thôn trấn cỡ nhỡ, tên là Minh.

Vài năm trước, trấn Minh có non xanh nước biếc, phong cảnh đẹp tươi, nức tiếng gần xa với trà Thu Lộ.
Quanh trấn bát ngát đồi chè, sắc xanh trập trùng thắm thiết, lời rằng chỉ cần vào trấn sẽ nghe trong trẻo hương trà, song nay cả thảy không còn.

Từ khi tử giới xuất hiện, chè khắp trấn đã tàn úa tất tật.

Dân muôn đời trồng chè sao trà tha hương gần hết, chỉ còn số ít người già khuyên sao vẫn ở, có chết cũng phải chôn đất này.
Đa số các vùng xuất hiện tử giới là vậy, phần lớn người náu lại đều già yếu bệnh tật.

Kẻ bị người thân bỏ rơi, kẻ thì tự nguyện không rời, một là không muốn chia lìa quê cha đất tổ, hai là chẳng đặng liên luỵ con cháu.
Mười mấy ông bà cụ trấn Minh cứ thế náu lại.

Lúc Giang Trừng đến nơi, tìm được Thanh Đăng đại sư rồi thì thấy chàng và họ đang ngồi quanh đống lửa giữa sân, vừa chuyện trò vừa… nướng khoai.
“Cậu trai ơi, tôi nói cậu nghe, nướng khoai muốn ngon thì phải áng chừng sức lửa, giờ cậu dỡ ra, sờ thì mềm đấy nhưng ruột chưa chín đâu.

Không dám dóc gì cậu chứ khắp cái trấn Minh này, lão Trương đây thạo nhứt nghề canh lửa, năm nào lão cũng sao trà đợt đầu cho cả vùng chớ đâu!” Ông cụ gầy còm râu tóc bạc phơ khoe mẽ cùng chàng hoà thượng đương sục sạo đống tro.
Một cụ đầu chít khăn thẳng thừng vặt lại: “Xời, đủ rồi đấy lão Trương kia, anh Ba chưa thèm cất tiếng mà chú đã mặt dầy lên nòng trước hả.

Mới cả khoai thì giống chè được à?”
“Thôi thôi giành cái gì, nướng khoai thì mấy chú trồng chè tuổi gì qua được bọn đồng áng như tôi, cũng tôi bới đống khoai này từ nhà ra chứ ai.” Lại thêm một cụ không chịu thua kém đồng bạn.
“Khoai của lão Lưu thì ngon thật ấy, à mà năm nay nhà chú có phơi khoai sấy không?” Một cụ híp mắt hỏi.
Lão Lưu ngó mấy chiếc răng chực xuôi dòng đời của ông cụ, nói luôn: “Bộ nhá như anh mà đòi nhai khoai sấy á? Thôi đừng khiến chúng giã từ nốt hộ.”

Cụ cười tít, “Thì anh cũng chỉ muốn cho cậu hoà thượng trẻ này nếm thử ý mà.”
Các cụ quen bài võ mồm, rộn hẳn cả khu.

Thanh Đăng đại sư ngồi giữa, bình thản vô chừng, trông thế mà hoà hợp với nhóm ông bà lão này lắm.
Giang Trừng bế Hạch Đào Nhỏ: … Chả hiểu sao cảnh trước mắt đây lại chẳng vô lý tẹo nào, y hệt ảnh đặc tả người cao tuổi ở quê chờ con cháu đi làm ăn xa về còn gì.

Cụ Trương ơi cụ vừa gọi Thanh Đăng là “cậu trai” hả, thế cụ có biết tuổi “trai” của chàng đã gần gấp ba cụ không?
Nghĩ đến đấy, Giang Trừng liếc con gái đang chớp đôi mắt to tròn trong lòng cô, tự thấy mình quá ác khi ra tay với cả người già.
Mới lại mình dắt con rong ruổi ăn ngon uống say ngoài đó, còn cha nó thì phải gặm khoai nướng trong cái xó này, trời đất ơi tội lỗi cực kỳ luôn.
“Ấy có người đứng ngoài cửa kìa, là tu sĩ mới tới à? Nè sư phụ trẻ có tính ra coi thử không?” Một ông cụ trông thấy Giang Trừng và Hạch Đào Nhỏ.
Sau đó cả đám tóc bạc da mồi cùng xoay sang nhìn.
“Ý chà dắt cả một bé con theo nữa, cô nhóc trắng nõn đáng yêu quá chừng!”
“Đáng yêu y như Nám Nám nhà tôi, ầy, chả biết con bé cả cha mẹ nó tới đâu rồi.”
Giang Trừng chạm phải ánh mắt Thanh Đăng, chàng không cất tiếng, nhàn nhạt nhìn cô và Hạch Đào Nhỏ, chẳng chút kích động, chả gì đặc biệt.
Giang Trừng: Cô có nên chào trước không? Sao mặt mũi Thanh Đăng đại sư lại nghiêm túc dữ vậy? Ôi cái kiểu thờ ơ lãnh đạm này là sao! Bầu không khí như đang quái đản dần đều vậy đó!
“À, Giang Trừng.” Hồi lâu sau, Thanh Đăng đại sư bỗng buông lời.
Giang Trừng: … Cái sự im lìm ban nãy chắc chắn là do cụ hoà thượng này đương vắt óc nhớ xem cô là ai!
“Hơ hơ, hai năm nay thay đổi hơi nhiều, đại sư hẳn không nhận ra.” Giang Trừng bế Hạch Đào Nhỏ đi vào, chào nhóm ông già bà cả, “Các cụ khoẻ ạ, cháu là bạn của đại sư đây, lâu không gặp nên đến thăm chàng.”
Các cụ xởi lởi lắm, lũ lượt nhường chỗ gần Thanh Đăng, một bà lão đau đáu nhìn Hạch Đào Nhỏ trong lòng cô, khẽ bảo: “Ôi chao, chốn này chẳng lành gì cho cam, dắt con tới đây không tốt đâu.”
“Cảm ơn cụ, cơ mà có đại sư ở đây thì không sao đâu ạ, với cả cháu cũng không định nán lại quá lâu.” Giang Trừng ngồi kề Thanh Đăng.
Cụ bà vừa dặn nghe đoạn gật gù, “Cũng đúng, sư phụ trẻ vừa đến thì bọn tôi sống khoẻ hơn nhiều, bệnh cũ cũng không tái phát nữa.”
Giang Trừng nghe ông bà lão mồm năm miệng mười tán tụng Thanh Đăng đại sư, Hạch Đào Nhỏ trong lòng đã ngoái đầu nhoài lên gối cô, trông sang chàng.

Với bé thì vóc người Thanh Đăng chất ngất, cao hơn mẹ, hơn cả thái sư bá cơ.
Chàng ngồi đấy, như gốc cây như đá tảng, không quá nổi bật.

Thanh Đăng chợt cúi xuống nhìn Hạch Đào Nhỏ, ánh mắt bình thản của chàng lọt vào cặp mắt tò mò kia.

Một lớn một nhỏ, một ngẩng lên một trông xuống.
Ánh mắt Hạch Đào Nhỏ dần dà lia từ mặt sang mái đầu trọc của chàng, bé rục rịch bò khỏi lòng Giang Trừng, đứng trước Thanh Đăng đại sư.

Giang Trừng buông tay, cười khì liếc hai cha con, vờ như không biết Hạch Đào Nhỏ đang làm gì, chỉ thoáng ngó chừng xem họ giao tiếp cả nhau.
Trước sự theo dõi ngấm ngầm của mẹ và các ông bà cụ, Hạch Đào Nhỏ bước đến trước mặt Thanh Đăng.

Sau đó bé hò dô ta trèo lên chân đại sư, chập chững bò tới đùi, vịn vai lấy thế rồi nghiêm túc thò bàn tay mũm mĩm ra với đầu chàng.
Song bé chẳng những chân cụt mà tay cũng ngắn nốt, với không đến, mẹ và các cụ nhìn mà suýt phì cười.

Hạch Đào Nhỏ chưa chạm tới mục tiêu vẫn không chịu thôi, bé dồn sức xem đại sư như thân cây mà leo, cuối cùng cũng vắt vẻo trên vai chàng, sờ được vào mái đầu trọc ấy.
Hạch Đào Nhỏ đứng trên vai chàng, một tay ôm nghiêng đầu, bàn tay khéo thay che mất một mắt Thanh Đăng.

Bé dùng bàn tay núc ních còn lại xoa đầu đại sư, suy tư rồi lại vỗ bôm bốp vài cái.

Bị con giẫm lên vai vừa ôm đầu vừa vỗ mà chàng vẫn bình tĩnh vô cùng, bấy lại còn giữ nụ cười mỉm đầy quy chuẩn, trở mấy củ khoai vùi trong đống lửa trước mặt.
Hạch Đào Nhỏ như đã kiểm tra xong điều mình thắc mắc, cau mày định bò xuống, vừa lơ đểnh đã trượt tay rơi mất.

Các cụ thấy thế lũ lượt thét lên, Giang Trừng cũng vội đưa tay ra đỡ, sau đó mọi người lại chứng kiến cảnh Thanh Đăng tay thì cời lửa, tay thì xách cổ áo bé con đặt xuống đất, chẳng ai rõ chàng hành động như nào.
Hạch Đào Nhỏ thì chả điếng người vì suýt ngã, dầu gì bé con bướng bỉnh này vẫn thường xuyên chỏng vó mỗi bận được mẹ chăn dắt mà.

Bé bổ nhào vào gối Giang Trừng, móc hạt hạch đào mình đang đeo ra nghiêm túc báo cáo kết quả với mẹ, “Giống! Cha giống mà!”

Mọi người còn lại không hiểu ý Hạch Đào Nhỏ, chỉ mỗi Giang Trừng là rõ thôi, bé con vẫn đang khúc mắc vụ “Cha có giống hạt hạch đào không” chứ gì.

Thảo nào nhảy thẳng lên đầu chàng, Hạch Đào Nhỏ bảo giống chắc do hai thứ bóng mượt như nhau.
Dẫu là con mình thì Giang Trừng cũng không thể đồng ý với cách so sánh bậy bạ này, đâu có để kệ mắt thẩm mỹ của bé được.

Cô miết hạt hạch đào, bảo: “Hạch Đào Nhỏ nhìn nè, khác màu mà, với cả hạt này lồi lõm gồ ghề, cha con thì đâu phải vậy, con thử lắc xem, thấy lạo xạo chưa, cha con lắc không ra tiếng đâu.”
Hạch Đào Nhỏ không thèm nghe mẹ giảng giải, vẫn bảo giống.

Con nhóc này đôi lúc lại cố chấp lạ lùng với một vài thứ, ngay cả bà mẹ như Giang Trừng cũng không biết con đang nghĩ gì.
“Thôi thôi, con bảo giống thì giống vậy.” Cô đành xuôi theo, Hạch Đào Nhỏ bấy mới vừa ý, vuốt bím tóc, hỏi: “Cha không có tóc ạ?”
Giang Trừng lại đắn đo ba giây xem phải trả lời con như nào, rồi cô trông thấy mái đầu thưa thớt, hói quá nửa của mấy ông bà lão cười tít cạnh đấy.

Chợt nảy ra đáp án tuyệt vời (?), nghiêm túc bảo Hạch Đào Nhỏ rằng: “Tới một độ tuổi nhất định thì con người sẽ mất sạch tóc, ừm, bị rụng ấy con.”
Thấy con đương chăm chú lắng nghe, Giang Trừng lại xấu bụng bồi thêm: “Hạch Đào Nhỏ già rồi cũng sẽ trọc lông lốc cho xem.”
Bé kinh hoàng ôm đầu.

Con nhóc này thi thoảng sẽ ngây ngô đúng tuổi, Giang Trừng hễ bắt gặp dáng vẻ đó là lại thoả thuê vô cùng.
Bà mẹ bất lương hiếm khi doạ con thành công, không khỏi ngả nghiêng hỉ hả, bấy giờ, cô vô tình chạm phải ánh mắt đong đầy ý cười của Thanh Đăng.
Giang Trừng tức thời nín bặt, như bị ai đó siết cổ vậy.

Sực nhớ ra mình quàng xiên ngay trước mặt chàng, thoắt cái chột dạ.

Uầy, vài năm không gặp lại quên khuấy rằng đại sư nhỏ nhen hẹp hòi quá lắm, cô xoay đi nhìn trời huýt sáo.
Ôi, thời tiết hôm nay đẹp thật.

Quả không hổ danh là Thanh Đăng đại sư, vùng đất nào bị tử giới khoả lấp thường sẽ tối tăm thiếu sáng, thôn trấn này thì lại không âm u đến vậy, ngay cả bụi đen cũng ít hơn nhiều, thậm chí chẳng cần dùng linh lực hộ thể, rõ là do có chàng trấn giữ.
Cơ mà này, cô chỉ đùa thôi, sao cứ chăm chăm nhìn mãi thế! Giang Trừng quay phắt đầu lại, bế Hạch Đào Nhỏ lên nhét vào lòng Thanh Đăng hòng dời sự chú ý của chàng.
Các ông các bà thích thú ngắm hai lớn một nhỏ, nhìn nhau rồi cực kỳ ăn ý lơ đi quan hệ giữa cả ba.


Có hai bà cụ cười khì chọt bạn già nhà mình, bảo họ trông sang ba người, sau lại bụm miệng chẳng còn mấy răng, bật cười ra chiều thấu tỏ.
“Ây dà, thơm nức rồi kìa, dỡ khoai ra được rồi.” Mỗi cụ cầm một củ khoai nóng phưng phức rồi đi về.
Có vài ông lão tụ lại, một cụ hỏi bạn mình: “Sao nào, qua nhà tôi đánh cờ không?”
“Hứ cái đồ ăn gian nhà chú, hôm qua giấu mất hai con cờ của anh, anh thù hơi dai đấy nhớ.”
“Thôi thôi, anh không chịu thì tôi chơi cùng lão Trương vậy.”
“Ờ, hai thằng láu cá lo chơi cả nhau đi, anh về nhà dọn chè, lại hỏng mất cả om rồi, đau lòng quá thể.”
Cũng có bà cụ khoác tay bạn đời, chầm chậm khuất bóng.

Họ về cả rồi, trong sân chỉ còn một nhà ba người.
Hạch Đào Nhỏ ngồi trong lòng Thanh Đăng đại sư, Giang Trừng thì mò khoai giữa đống lửa.

Đùa à, khoai do chính tay Thanh Đăng đại sư nướng đấy, cả cõi tu chân mấy ai được ăn! Với cả cũng lâu rồi cô chưa xơi món này, nghe bùi quá đi.
Giang Trừng lột vỏ khoai nướng thơm mềm, vừa định làm một miếng, lại thấy hai cha con ngồi cạnh đưa mắt trông sang.
Giang Trừng: Chợt hết nuốt nổi, cứ định ăn mảnh là sẽ thình lình trào dâng cảm giác tội lỗi này.
Thôi vậy, Giang Trừng cam chịu, lấy thìa của Hạch Đào Nhỏ ra xắn khoai, thổi nguội rồi đưa đến bên miệng bé.

Hạch Đào Nhỏ há mồm ngoạm ngay, ánh mắt sáng rỡ.
Giang Trừng lại liếc cặp vuốt đang đặt trên tay Thanh Đăng của con, chợt xắn thêm miếng khoai đưa đến bên miệng chàng.
Hạch Đào Nhỏ ngửa đầu trông lên, thấy Hạch Đào Lớn bình thản há mồm ăn đồ mẹ đút.
Giang Trừng ngạc nhiên mà thét: “Sao đại sư lại ăn thật thế!” Cô chỉ ngứa đòn trêu chàng thôi mà, ai dè chàng lại ăn thật đâu!
Thét xong, ba củ khoai còn thừa trong lửa, chả củ nào vào bụng Giang Trừng.
Giang Trừng: Ha ha, chàng vẫn bộc trực như xưa.
Phù Hoa: Đại sư à rốt cuộc anh nghĩ gì trong đầu dị!
Thanh Đăng dỗi : … *bình thản*
Giang Trừng: Uầy, bà đừng lên cơn coi, nữ chính như tui còn chả thèm vội nữa là.

*cười*

Bình Luận (0)
Comment