Ngộ Phật

Chương 137


GIẢN ĐƠN KHÔNG GIẢ VỜ.
“Đại sư, bệnh chàng không chữa được ạ?” Giang Trừng lo lắng hỏi.
Thanh Đăng đại sư đi bút chu sa vẽ linh văn phức tạp lên tay mình, “Trận pháp trước đó đã tạm phong ấn hai trạng thái khác lại, song ta gặp một vài chuyện ở đất Táng, phong ấn vỡ.

Mượn ngoại lực cũng chỉ là kế tạm thời.”
Lúc ấy chàng còn đang ở giữa lòng đất Táng, không ngờ hồ máu quá mạnh, ghìm riết chàng lại.

Đại sư gợi đòn đại diện cho mặt “ác” đâu thể ngồi yên đấy chờ chàng hồi sức, “ác” chỉ muốn chiếm quyền khống chế cơ thể này, gã sẽ xoá sạch ý thức của Thanh Đăng ngay nếu được.
Tuy không động vào ý thức của chàng nổi, song đại sư gợi đòn và đại sư thứ ba xuất hiện ngày càng nhiều thì càng bất lợi cho Thanh Đăng, bởi trước nay địch mạnh ta suy, thói đời là thế.
Thanh Đăng ắt chẳng thể để “ác” tiếm quyền một cách đơn giản như vậy, chàng đã lường trước được chuyện vừa xảy ra dăm ngày qua từ khi phong ấn hai trạng thái nọ.
Thanh Đăng đại sư là chủ thể, cũng là “thiện”, đại sư gợi đòn là “ác”, còn đại sư thứ ba… là “tình”.

Trạng thái cuối cùng ấy, ngay cả Thanh Đăng cũng phải suy xét rất lâu mới dám khẳng định.

Thật vậy, trước đây chàng vốn nào đâu có “tình”.

Nay có rồi thì cũng chẳng biết phải làm sao với nó.

Cơ mà “tình” vẫn đáng tin hơn “ác”, thành thử người xuất hiện trước mặt Giang Trừng hôm nọ là đại sư số ba.
Người ta đồn rằng bởi đã đem mình ra phong ấn vô số ma đầu, cơ thể sản sinh sát khí nên Thanh Đăng đại sư thi thoảng phải xuống suối Vô Cấu ngâm mình giải độc, song thực chất là do sự tồn tại của “ác” trong chàng.

Chính đại sư cũng không rõ tại sao lại có “ác”, nhưng “ác” đã xuất hiện từ lâu lắm rồi, thậm chí sớm đến nỗi chàng không truy tra ra được.

Thanh Đăng biết trận pháp nọ có thể tạm phong ấn “ác” và “tình”, nhưng đấy không phải kế sách lâu dài.
“Không có cách nào thật ạ?” Giang Trừng nhoài người ra bàn, muôn vàn lo lắng.
Thanh Đăng ngước lên nhìn Giang Trừng, nghe cô than thở: “Nhỡ đâu thình lình đổi nết ngay trước mặt đám đông, hình tượng của đại sư há chẳng hỏng cả ư! Trời ạ, đại sư có tưởng tượng nổi cảnh mình lên trang đầu báo lá cải suốt mấy tháng liền không?”
Thanh Đăng đại sư: “Đưa tay đây.”
Giang Trừng đưa tay sang, Thanh Đăng vén tay áo cô, cầm bút phớt lên cánh tay, Giang Trừng hãy còn luôn tuồng kêu ca, “Mà lý do lên trang đầu toàn là ‘Vì đâu Thượng Vân Phật Tử lại khóc lóc om sòm trước mặt mọi người’, ‘Thanh Đăng đại sư cười gian trông chẳng tốt lành gì’, vân vân, thế chẳng hư bột hư đường à!”
Thanh Đăng như không nghe thấy lời cô đang nói, Hạch Đào Nhỏ ngồi bên cầm bút lông nhí hý hoáy giống cha, chừng khi hai tay chi chít mực đỏ, thấy cha đang vẽ tay cho mẹ, bé cũng sấn tới nắm cánh tay còn lại của mẹ mà bôi trét.
Giang Trừng bị hai cha con giữ tay ngoáy bút vẫn chẳng lấy làm điều, lại còn ngoảnh sang thật lòng khen con gái, “Hạch Đào Nhỏ vẽ đẹp quá, đẹp hơn cha con nhiều!”
Hai cha con dừng bút, ánh vàng loé lên nơi cánh tay được Thanh Đăng vẽ, sắc đỏ biến mất hoàn toàn, da Giang Trừng lại bóng bẩy như mới, không chút tì vết.
Hạch Đào Nhỏ ngơ ngác dõi theo “ma thuật” của cha rồi lại trông sang cánh tay bị mình trây đầy mực của mẹ, mím môi không vui.
Thanh Đăng đại sư vẽ kín hai tay Giang Trừng rồi đến hai tay Hạch Đào Nhỏ, đoạn dọn đồ, dặn Giang Trừng, “Ngoài này ngày càng rối ren, nhỡ có thấy vùng nào dày đặc ma khí thì đừng đến gần.”
Giang Trừng nhìn đôi tay không còn vằn vện của mình, ngoan ngoãn gật đầu.
Thanh Đăng lại tiếp: “Cũng đừng để Hạch Đào Nhỏ đến gần những nơi tràn trề ma khí, không tốt cho con.”
Giang Trừng gật đầu thật lực.
Thanh Đăng đại sư: “Tình hình đất Táng nguy cấp, ta về Thượng Vân tự.”
Giang Trừng: “Vâng vâng, chàng đi đi.”
Thanh Đăng đại sư trước giờ đâu quen lưu luyến, chàng lên đường luôn, về phần Giang Trừng, cô hân hoan bồng con, nghênh ngang vào chợ trời ồn ã, định bụng đánh chén no nê ngay sau khi chàng đi rồi tính.

Mấy hôm có mặt đại sư gợi đòn, miệng mồm cô đâu được thoả mãn, lại phải thường xuyên dè chừng gã ta đi gây sự, Giang Trừng đành hy sinh hoá mình thành đồ chơi của gã, mệt mỏi xiết bao.
Ăn uống no say, Giang Trừng dắt tay con bát phố, mỗi người cầm một que kẹo hình, cô mua kẹo vì nó lung linh xinh xắn quá, nếm thử thấy ngon bèn dứt sạch trong vòng hai ba phát cắn, đoạn liếm môi cúi xuống địa que kẹo trên tay Hạch Đào Nhỏ.
Hạch Đào Nhỏ hãy còn chấm mút từ từ, trông xót của chứ chẳng ngấu nghiến như mẹ.

Bắt gặp ánh mắt Giang Trừng, bé xoay người tránh đi.
Giang Trừng cười dụi mặt mình vào bé: “Nào nào sao vậy, mẹ đâu có tranh ăn với Hạch Đào Nhỏ, cơ mà món ngon thế này mình quay lại mua thêm đem về cho bọn sư huynh sư tỷ sư bá của con xơi cùng nhé?”

Hạch Đào Nhỏ gật đầu, chêm lời: “Cả cha và anh nữa.” Anh là anh Thù Vọng đấy.
“Rồi rồi rồi.” Giang Trừng chả hiểu sao con gái mình lại thích Thù Vọng đến thế, nhưng cô không thèm ngâm cứu nữa, luôn miệng đáp ừ rồi bồng Hạch Đào Nhỏ quay lại.
Cô mua kẹo ở chỗ rẽ trước mặt, nghệ nhân nặn kẹo cao to vạm vỡ trông hệt du côn, mặc áo cộc tay giản dị, cơ bắp săn chắc.

Quầy hàng ế ẩm, kẹo tuy ngon nhưng không át được vóc người lực lưỡng và gương mặt đáng sợ của người bán, đám con nít không dám đến gần để mua.
Giang Trừng thì chả ngại gì, xấu đẹp chi cũng gặp cả rồi, điềm nhiên vòng về bảo người đàn ông đang vùi đầu nặn kẹo: “Kẹo anh làm ngon lắm đấy, bán hết chỗ còn lại cho tôi đi.”
Người đàn ông nọ ngước lên, nửa gương mặt như từng vùi qua lửa, đoạn nhanh chóng cúi xuống, lặng lẽ gật đầu, nặn cho xong que đang cầm rồi gói tất các que cắm trong vò cho Giang Trừng.
Sau rốt trong vò chỉ còn một que kẹo, trông cực kỳ bắt mắt.

Trước đó Giang Trừng không chú ý đến vì có quá nhiều kẹo, nay trơ trọi mỗi que này, trái lại khiến cô nhìn sang.

Que kẹo xinh đẹp như tiên nữ kia sao mà quen thế, nghệ nhân nặn kẹo cực kỳ lành nghề, thổi được cả cái hồn lạnh nhạt kiêu kỳ song không nhu nhược yếu đuối kia vào thành phẩm.
Giang Trừng hãy còn sờ cằm đăm chiêu xem que kẹo này giống ai, chợt nghe Hạch Đào Nhỏ trong lòng thốt lên: “Mẹ ơi, nhị sư bá.”
Được con mách nước, Giang Trừng bừng tỉnh, que kẹo này chẳng y chang nhị sư huynh nhà cô còn gì! Nhìn cách ăn mặc lại càng giống hơn, anh hai vận đồ nữ giống hệt thế này, thảo nào khí chất như tạc.
“Anh ơi, gói cả que này cho tôi đi.” Giang Trừng nhủ thầm khéo quá, cầm về tặng nhị sư huynh luôn.
Người đàn ông ít nói nọ thế mà lắc đầu, cất giọng trầm khàn: “Que này không bán.”
Giang Trừng chợt nghĩ, chẳng nhẽ vị này từng gặp nhị sư huynh? Cũng không lạ lùng gì, tuy thích ở nhà bế quan tu luyện luyện đơn, nhưng thi thoảng nhị sư huynh vẫn sẽ ra ngoài.

Cứ hễ có em gái nào đi cùng nhị sư huynh, tám chín phần mười quần chúng sẽ hướng ánh mắt về phía y, ai bảo huynh ấy trời sinh cực hợp với quần áo nữ, cứ mặc vào lại toả hào quang cơ chứ.
Nhị sư huynh dạo quanh một vòng sẽ lại gặt được không biết bao nhiêu tấm lòng của nam tu, chẳng có gì lạ khi vị này gặp huynh ấy rồi nặn được que kẹo ấy.

Giang Trừng thấy thú vị, cũng không làm khó người ta, cầm kẹo cảm ơn đi về.

Cơ mà khéo sao vừa ra đến ngoại ô lại gặp nhị sư huynh Yến Phù Tô.
Hình như anh hai luôn đang vướng rắc rối mỗi khi chạm mặt mình.

Chứng kiến mười mấy ma tu đương vây đánh nhị sư huynh, Giang Trừng không khỏi nghĩ thầm.

Thề luôn số y đen thật, cứ hễ ra ngoài là lại dây vào phiền phức.

Lần này trông chật vật hơn hẳn, máu đẫm cả người.
Giang Trừng thở dài, “Hạch Đào Nhỏ, giữ chặt vào.” Vừa dứt lời đã khéo léo lách vào cuộc chiến.
Tu vi của mười mấy tên ma tu này suýt soát Giang Trừng, hai ba tên thì cô đủ sức thoát thân, đằng này hơn chục, nếu chỉ dựa vào mỗi mình thì bó cánh, cơ mà lần này cô có hàng nóng đại sư ban rồi.
Đám ma tu nọ không thể đến gần Giang Trừng và Hạch Đào Nhỏ, hễ sấn đến là bị cô phất tay búng đi, Giang Trừng vừa xông vào đã cắp eo nhị sư huynh, điềm nhiên xoay người mà chạy, không cương với chúng.

Trận này thua thì chả có đại sư gợi đòn đứng bên dọn hộ cho đâu, nhìn tình hình rồi té cho nhanh là chuẩn.
Song mười mấy ma tu kia cứ bám riết lấy, không chịu bỏ qua cho họ.

Giang Trừng vừa búng người qua các chạc cây vừa hỏi anh hai nhà mình, “Nhị sư huynh, huynh giành vợ tụi nó hả, sao bị đuổi rát vậy.”
Yến Phù Tô lấm lem toàn thân, vẫn lại cười lạnh: “Kết thù với chủ tử bọn chúng, cũng chẳng phải lần đầu bị vây, quen rồi.” Y xuýt xoa, miết thanh nhuyễn kiếm bên eo, bảo Giang Trừng: “Tìm chỗ thả ta xuống, ta ắt có cách thoát thân, muội mắc Hạch Đào Nhỏ mà đòi cứu ai, nhỡ cháu nó bị thương thì sao!”
“Đâu thể thấy chết mặc bây, tới nước này rồi nhị sư huynh đừng cành cao chi nữa.”
“Hừ, ta nào dễ chết thế chứ, bảo muội chạy thì cứ chạy đi, lại còn bẻm mép cái gì.” Yến Phù Tô nghiến răng, “Với cả cứ ôm kiểu này ta hộc máu mất, mau đặt ta xuống!”
Giang Trừng vờ không nghe thấy, nhanh chóng tìm đường tháo chạy tối ưu nhất.

Yến Phù Tô trợn mắt khinh khi, lấy một chiếc chuông bạc ra khua.
Giang Trừng đinh ninh muốn thoát khỏi mười mấy tên ma tu ấy chắc phải khốn đốn một phen, ai ngờ vừa đến một toà thành hoang, sau lưng bỗng nổi lửa, khoanh cả đám ma tu bám riết theo sau lại.
Cứu cánh bỗng dưng xuất hiện này không lộ mặt ra, Giang Trừng nào dám lơ là, song Yến Phù Tô đang được cô vác chợt bảo: “Được rồi, có người giúp mình, không cần chạy nữa.”
Nghe chừng nhị sư huynh quen người ta, Giang Trừng bèn buông y ra, tò mò: “Ai vậy, nhị sư huynh có bạn hả?”
Yến Phù Tô khựng lại, thốt lên một câu nghe như sấm dậy trời quang, “Đạo lữ của ta…”

Giang Trừng: “… Ơ?” Ô đệt nhị sư huynh có đạo lữ! Ổng mà có đạo lữ ư! Cái gã nhị sư huynh ở lì trong nhà, mỗi bận bế quan luyện đơn là mất tích những vài năm mà có đạo lữ ư! Giấu kỹ quá cơ! Chưa từng nghe nói tới luôn! Bộ theo nghề điệp viên mật vụ hay gì!
Giang Trừng bàng hoàng một thoáng rồi lại bắt đầu xét xem đạo lữ của y là kiểu nóng bỏng sắc sảo hay lạnh nhạt tuyệt trần.
Giữa ngọn lửa uốn lượn, mười mấy ma tu truy sát bọn họ đã bị rang thành bụi, dáng hình cao to trầm lắng dần xuất hiện.
Giang Trừng: “…” Thì ra là kiểu vạm vỡ khôi ngô, lại còn quen mắt quá lắm.

Người đàn ông đang đi đến chỗ họ là nghệ nhân bán kẹo kia chứ còn ai.

Mua cây kẹo ven đường thôi mà cũng gặp đạo lữ của sư huynh, duyên phận đúng là khó hiểu.
Nghệ nhân bán kẹo nhanh chân bước tới, xoa tay, tỉ mẩn đỡ lấy Yến Phù Tô từ tay Giang Trừng, thấy vết máu dây trên áo y thì cau chặt hàng mày đậm, nửa bên mặt hỏng trông càng đáng sợ hơn.
Giang Trừng nhìn nhị sư huynh cao ngạo nhà mình được người ta dìu như bà hoàng, tựa cả cơ thể vào bắp tay người nọ.
Nghệ nhân bán kẹo ngờ vực, “Sao lại…”
“Ngoài ả ra thì còn ai cứ đối chọi mãi với ta như thế.” Yến Phù Tô hừ lạnh ngắt lời hắn, chõ Giang Trừng đứng đấy, “Sư muội và tiểu sư điệt của ta.”
Đoạn ngoảnh sang giới thiệu nghệ nhân bán kẹo với Giang Trừng: “Hắn là Ngu Kha.”
Nghệ nhân bán kẹo cũng đã nhận ra Giang Trừng, ngờ đâu cô lại là sư muội của đạo lữ, gương mặt đáng sợ kia toe toét nụ cười hiền, chừng như còn lời muốn nói.
Yến Phù Tô khẽ tay hắn, lườm, “Mặt rách cười chi, khiến tiểu sư điệt của ta sợ thì sao!”
Ngu Kha không cãi lại tiếng nào, cúi đầu dời mắt ngay, không liếc Giang Trừng thêm, nhẹ nhàng nắm lấy tay Yến Phù Tô, xem thử vết thương của y.
Yến Phù Tô: “Bọn đuổi theo không chỉ mỗi tốp này, đằng sau còn nữa, đưa bọn ta về chỗ huynh nghỉ đã.”
Ngu Kha: “Ừm.”
Yến Phù Tô: “Ta đi được chứ có phế luôn đâu, ai bảo huynh bồng?”
Ngu Kha: “Như này mau hơn.”
Yến Phù Tô: “…”
Dưới ánh mắt y, Ngu Kha lặng lẽ buông tay, chuyển sang dìu.

Nhưng hắn lại nhìn Yến Phù Tô như thể y là thuỷ tinh gió lay sẽ vỡ, ước chi được phép lao tới bảo vệ ngay.
Giang Trừng thừ mắt ra ngó nhị sư huynh trông hệt bà hoàng nhà mình, cô đâu thể ngờ mình tránh khỏi sư phụ và đại sư huynh, tam sư tỷ và gia chủ Hứa gia lại gặp ông anh hai quăng cho cục sến vào mặt, hết đường mà né thế này.

Bình Luận (0)
Comment