Ngọc Quan Âm

Chương 26

An Tâm và sếp Phan có quan điểm sống rất khác nhau, một phần là do thời đại thay đổi, một phần là do cách biệt tuổi tác, hai người thuộc hai thế hệ khác nhau. Chính vì thế, cuộc trò chuyện hôm đó đã biến thành một cuộc tranh luận.

Sếp Phan không đồng ý để Sở Cảnh sát Nam Đức cấp giấy chứng nhận độc thân cho An Tâm vì cho rằng dù có là đơn vị công tác trước đây của em nhưng họ không có chức năng cấp giấy tờ liên quan đến việc kết hôn. Mặt khác, dù vụ án của Mao Kiệt cũng qua hơn một năm rồi, trên thực tế cũng không có gì nguy hiểm nhưng An Tâm đã trở thành nhân chứng được bảo vệ, nếu không được cấp trên phê duyệt thì không ai dám công khai thân phận của em. Ngoài ra, sếp Phan vẫn nghiêm cấm em tiếp tục sử dụng tên thật. Ông ta nói: “Ở Bắc Kinh, cháu vẫn dùng cái tên đó đã là không đúng rồi, lại còn đòi viết lên giấy tờ kết hôn thì càng không được. Sao cháu không giao lại chứng minh thư cho Ủy ban niêm phong bảo quản hả? Nếu chú đồng ý cho cháu kết hôn với cái tên đó thì tức là đã vi phạm nguyên tắc, hơn nữa muốn xin giấy chứng nhận độc thân thì phải đến Tòa thị chính thành phố, có phải chỉ cần chú gật đầu một cái là xong đâu.”

An Tâm nói: “Chẳng phải chú rất thân với Chủ nhiệm Phương sao, chú đi gặp ông ấy nói giúp cháu một câu cũng chẳng phải việc gì khó khăn, cũng không vi phạm nguyên tắc. Sau khi kết hôn, cháu sẽ tự lực cánh sinh quyết không làm phiền đến tổ chức cũng không được sao? Cháu không muốn phải mai danh ẩn tích cả đời.”

“Chủ nhiệm Phương cũng không có cái quyền ấy. Chương trình bảo vệ nhân chứng của cháu đã được Đảng ủy thông qua, Chủ nhiệm Phương đương nhiên nắm rõ và tôn trọng nguyên tắc hơn cả chú, sao có thể vì một cá nhân mà phá luật được. Trừ phi Đảng ủy hủy bỏ chương trình bảo vệ và thân phận người được bảo vệ của cháu, lúc đó chú sẽ cấp giấy chứng nhận.”

Theo ý sếp Phan, An Tâm vẫn nên đến Bắc Khâu xin giấy chứng nhận, Đảng ủy thành phố Nam Đức sẽ liên hệ với cảnh sát Bắc Khâu giúp em. Trên giấy tờ vẫn sử dụng cái tên Hà Yến Hồng. ngoài việc phê bình An Tâm không dùng tên giả ra, sếp Phan còn phê bình em vì chưa được cấp trên đồng ý đã tự ý về Nam Đức. Ông ta nói: “Bây giời cháu không phải là người của đội Phòng chống ma túy cũng không phải là cảnh sát đang làm nhiệm vụ nên chú không tiện trách mắng cháu nhiều, nếu cháu còn ở đội thì chú đã giáo huấn cháu một trận rồi đuổi đi rồi, đi Bắc Khâu, Bắc Kinh, đâu cũng được hết!”

An Tâm có phần tủi thân và tức giận, cúi đầu nói:

“Chẳng phải từ hôm qua đến giờ chú vẫn mắng cháu đấy còn gì. Cháu vẫn tưởng chú rất yêu quý cháu, không ngờ chú lại ghét cháu như vậy. Cháu phải làm gì thì chú mới hài lòng đây?”

Sếp Phan trầm tư một lúc rồi thở dài, nói: “Trước đây, chú có một người đồng nghiệp, hình như chú đã kể chuyện của anh ta cho cháu nghe một lần rồi thì phải. Lúc chú còn làm việc ở Sở Cảnh sát thành phố Sa Mâu, có quen một đồng nghiệp làm cảnh sát phòng chống ma túy ở Côn Minh. Anh ta đã trà trộn vào một đường dây buôn bán ma túy để khai thác thông tin của bọn chúng. Bọn chúng rủ anh ta đi buôn ma túy, anh ta cũng phải làm cùng chúng. Sau này, ngay cả tập đoàn buôn bán ma túy nước ngoài cũng tín nhiệm anh ta. Sở cảnh sát tỉnh sắp xếp cho anh ta mở một trạm xăng dầu bên đường quốc lộ Sa Tây để trao đổi tin tức, tổ chức buôn bán ma túy cũng dùng trạm xăng đó làm điểm trung chuyển. Chính chú là người phụ trách liên lạc với anh ta, nhờ anh ta mà tỉnh phá được rất nhiều vụ án. An Tâm, cháu có biết đồng chí ấy đã che giấu thân phận, nằm vùng bao nhiêu năm không? Tám năm đấy. Tám năm không yêu đương, không kết hôn, tám năm mai danh ẩn tích, không gặp gỡ bạn bè. Suốt tám năm, anh ta chỉ về Côn Minh thăm bố mẹ có ba lần, đến nỗi bố mẹ anh ta cũng nghĩ anh ta đã đi làm ăn xa, không về nhà nữa. Sau khi anh ta hi sinh rồi, mọi người mới biết có một anh hùng vô danh như vậy. An Tâm, không phải chú ngăn cấm cháu yêu đương hay kết hôn mà chú muốn nhấn mạnh vào tố chất của con người. Lúc hi sinh, đồng nghiệp của chú mới ba mươi tuổi nhưng anh ta đã có một cuộc đời vô cùng vĩ đại và cao cả. Anh ta trẻ hơn chú nhưng chú vô cùng khâm phục anh ta. Đời này người chú thực sự kính phục không nhiều, và anh ta là một trong số đó.”

Tuy nhiên, không như sự kỳ vọng của sếp Phan, An Tâm không bị câu chuyện về người cảnh sát mai danh ẩn tích sau đó hi sinh kia làm cho cảm động. Em bình tĩnh nói: “Đội trưởng, người như vậy cháu cũng kính phục, nhưng cháu không thể học theo anh ta, sống cuộc đời giống như anh ta được. Cháu là phụ nữ, cháu cần phải kết hôn, sinh con, cần có một gia đình, cần thường xuyên về nhà thăm nom, chăm sóc bố mẹ. Cháu chỉ muốn có một cuộc sống bình thường như những người khác. Chú đừng kỳ vọng ở cháu quá nhiều, cháu sinh ra không phải để làm một người vĩ đại và cao cả. Cháu muốn có một cuộc sống bình anh và vui vẻ, chỉ thế cháu cũng hài lòng rồi.”

Sếp Phan chỉ im lặng nghe em nói, trên gương mặt thất thần hiện rõ nét cô độc. Cuối cùng, ông gật đầu chỉ nói một câu: “Được, chú hiểu rồi.”

Khuôn mặt già nua và nặng trĩu tâm sự của ông ta khiến An Tâm chạnh lòng. Em không muốn làm ông ta buồn bã, thất vọng. Em hỏi: “Đội trưởng, có phải chú cảm thấy cháu đã thay đổi, đã trở nên ích kỷ không?”

Sếp Phan lắc đầu, nói: “Chú hiểu cách nghĩ của cháu.”

Dứt lời, ông ta cúi xuống xem đồng hồ, tỏ ý phải đi ngay. “Hôm nay, chú sẽ đến Ủy ban nhờ họ gọi điện cho cảnh sát Bắc Khâu. Cháu định lúc nào đến đó?”

An Tâm đáp: “Tám rưỡi sáng mai sẽ có một chuyến tàu đi Bắc Khâu, cháu sẽ đi chuyến đó.”

Sếp Phan liền lấy một gói giấy màu đỏ từ trong túi ra đặt lên giường, nói: “Cho cháu mượn vật này một ngày. Mai là lễ té nước, mẹ vợ chú là người dân tộc Thái, chú đã xin nghỉ hai ngày để về Đại Lý một chuyến. Trưa mai chú đi nhưng sẽ phái người đến tiễn hai người ra ga. Trước khi lên tàu, cháu trả lại vật này cho anh ta là được.”

An Tâm cầm cái gói đó lên, mở ra xem, dường như em đã đoán ra đó là vật gì. Quả nhiên đó là một khẩu sung ngắn, em nhanh chóng nhận ra đó là khẩu súng trước đây mình từng sử dụng.

Sau đó, An Tâm gói khẩu súng lại, thực ra em muốn nói là không cần nhưng lại sợ làm mất lòng sếp Phan. Có lẽ sếp Phan nói cũng đúng, vì sống ở Bắc Kinh lâu quá rồi nên em đã trở nên xa lạ với không khí cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu khi làm cảnh sát ở Nam Đức. An Tâm tiễn sếp Phan về, vừa đi vừa nói: “Đội trưởng, cháu biết mình đã làm chú tức giận, cháu không thể trở thành người ưu tú như chú mong muốn, hi vọng chú sẽ không ghét bỏ cháu.”

Sếp Phan dừng lại, cúi đầu trầm tư một lúc rồi quay sang nhìn An Tâm bằng ánh mắt hiền từ hiếm có, nói: “Cháu rất ưu tú đấy chứ. Mong muốn có một cuộc sống bình thường, một gia đình hạnh phúc chẳng có gì sai trái cả, cháu đừng nghĩ đó là việc xấu, đừng cảm thấy áy náy. Người đồng nghiệp đó của chú chỉ là một ví dụ thôi, cháu cũng đừng để bụng quá, mấy ông già như chú thường như vậy đó. Hôm nay, cháu nói cháu cũng kính phục anh ta, khen anh ta là người vĩ đại, cao cả, chú rất mừng. Thực lòng mà nói, cháu còn hiểu chuyện hơn cả con trai chú đấy. Nó nghe chú kể chuyện xong, lại nói đồng nghiệp của chú có vấn đề về nhận thức mới chết chứ….”

Những lời nói của sếp Phan khiến cho An Tâm vô cùng cảm động. Hóa ra ông ta vẫn quý mến em như trước đây. Sếp Phan cười khổ, nói: “Chú đã hết lòng dạy bảo con trai những điều hay lẽ phải ngay từ khi nó còn nhỏ, vậy mà xem ra đều không có tác dụng.”

Sếp Phan đi rồi, An Tâm còn đứng ngây ra trước cửa nhà nghỉ, nhìn theo bóng ông ta một lúc lâu. Tôi cũng nhìn theo bóng dáng của sếp Phan, hôm đó ông ta mặc một chiếc áo cũ màu ghi sẫm, mái tóc lòa xòa trước trán, trông chẳng khác gì một lão nông khắc khổ và mệt mỏi.

Sau đó, tôi và An Tâm quay về phòng. Em chủ động thông báo kết quả cuộc trò chuyện của mình và sếp Phan cho tôi nghe. Tôi chỉ im lặng ngồi ôm Tiểu Hùng. An Tâm thấy tôi như vậy, liền nghĩ tôi vẫn để bụng vụ cãi nhau hôm trước, liền tiến đến đón Tiểu Hùng từ tay tôi, nhẹ nhàng hỏi: “Anh cảm thấy phiền phức lắm phải không? Em cũng không còn cách nào khác, những người làm cảnh sát đều cứng nhắc như vậy đấy….”

Tôi nói: “Không sao, chẳng phải đã nói là đi du lịch sao? Nếu anh không đi Côn Minh thì sao thấy được Thạch Lâm, nếu không đến Nam Đức thì cũng chẳng thể tận mắt xem lễ té nước. Thế ở đây người ta có té nước thật không? Hay chúng mình ra phố xem đi!”

An Tâm suy nghĩ một lúc rồi nói: “Lễ té nước ở Nam Đức không tổ chức ở trong thành phố mà là ở Ô Tuyền. Năm ngoái, em lại về Bình Quảng đúng dịp lễ hội nên không đi Ô Tuyền xem được. Nghe nói họ còn đua thuyền rồng nữa cơ.”

Ô Tuyền! Tôi đã quen với cái tên này nhờ câu chuyện cuộc đời của An Tâm. Tôi luôn muốn đến thăm nơi đó, bất kể có lễ té nước hay cuộc đua thuyền rồng hay không.

An Tâm cũng không muốn làm tôi mất hứng, thế là chúng tôi gửi Tiểu Hùng cho người trông trẻ. Hôm đó không có nhiều người gửi con ở đó lắm, hai cô trông trẻ đang ngồi nói chuyện phiếm, nhìn thấy Tiểu Hùng liền lập tức ra đón. An Tâm hỏi cô trông trẻ sao vắng vẻ thế, cô ta đáp: “Bố mẹ bọn trẻ đưa chúng đi chơi hội rồi, nhà nghỉ không có nhiều khách lắm, người ta đều thuê phòng ở gần khu vực Ô Tuyền để tiện xem hội, chỉ còn lại anh chị thôi. Thế hai người không đi Ô Tuyền, không đi hội chợ à?” An Tâm nói: “Đi chứ, nhưng chiều nay chúng tôi phải về để sáng mai đi sớm.”

Gửi Tiểu Hùng xong, vẫn còn một vấn đề khiến An Tâm đau đầu, đó là khẩu súng ngắn sếp Phan cho em mượn để phòng thân. Em không dám để lại trong phòng nhưng mang theo bên mình thì lại có phần kì cục. Hơn nữa, nếu đến Ô Tuyền thì khả năng bị ướt áo rất cao, mang súng rất dễ bị lộ. Ngược lại, tôi rất có hứng thú với khẩu súng đó, đề nghị được giữ hộ em nhưng An Tâm thẳng thừng từ chối. “Anh không biết cách dùng, nhỡ súng cướp cò thì sao.” Sau một hồi do dự, An Tâm quyết định giấu súng vào túi xách. Cái túi đó có ngăn ngoài, chỉ cần khéo một cái là có thể mở khóa. Sau khi cất súng cẩn thận rồi, An Tâm đẩy cái túi đó vào tận sâu trong gầm giường rồi nhìn tôi, cười nói: “Được rồi, đi thôi.” Thế là chúng tôi vui vẻ lên đường.

An Tâm mới đến Ô Tuyền một lần nhưng nó đã để lại ấn tượng quá sâu đậm cho em, thế nên vừa ra khỏi nhà nghỉ, em liền dắt tay tôi đi, có vể quen đường thuộc lối như một hướng dẫn viên du lịch vậy. Chúng tôi cũng đi tàu hỏa đến Ô Tuyền giống như năm đó An Tâm đi, cũng nhìn thấy đồi núi nhấp nhô và những thửa ruộng bậc thang không một bóng người.

Không có Tiểu Hùng bên cạnh, chuyến đi đó lại càng có dư vị của tuần trăng mật, từ phong cảnh nên thơ hai bên đường đến những câu chuyện mà chúng tôi thì thầm nói với nhau, thật là hạnh phúc. An Tâm kể cho tôi nghe câu chuyện của người cảnh sát đã che giấu thân phận suốt tám năm để lấy tin tức của bọn tội phạm. Tôi cũng có chung cảm xúc với em, cũng khâm phục anh ta, không hiểu sao con trai sếp Phan lại không cảm động vì câu chuyện đó. Nhưng tôi thực tế hơn An Tâm ở chỗ, tôi thừa nhận trong mỗi con người đều tồn tại bản tính ích kỷ và tham sống sợ chết. Anh hùng thực sự có tồn tại nhưng không nhiều, hơn nữa còn tùy từng trường hợp cụ thể nữa. Nếu bắt một người không sống, không được rèn luyện trong môi trường đó phải học tập anh ta để trở thành một anh hùng thì đúng là một truyện nực cười và bất khả thi.

Đi tàu từ Nam Đức đến Ô Tuyền chưa mất đến nửa tiếng đồng hồ nên cuộc thảo luận về anh hùng và sự vĩ đại cũng nhanh chóng kết thúc. Vừa bước ra khỏi nhà ga, tôi và An Tâm đã bị choáng ngợp bởi không khí lễ hội tưng bừng. Đường phố đông nghịt người qua lại, các sạp hàng nối tiếp nhau không ngừng, những cô gái Thái trang điểm lộng lẫy và xinh đẹp trong những bộ trang phục sặc sỡ… Chúng tôi xuôi theo dòng người, hướng về phía sông Ô Tuyền. Lúc đến nơi, chúng tôi nhìn thấy hàng dài người đến xem đua thuyền, không sao chen lên được, đứng phía sau chỉ nhìn thấy đầu và lưng người khác, cũng không rõ cuộc đua đã bắt đầu hay chưa.

Tôi và An Tâm men theo bức tường người đi được một đoạn thì thấy một sạp hàng nhỏ bán túi hoa khô, bèn mua hai túi. Tôi bắt chước người ta vừa đi vừa quay sợi dây buộc túi hoa khô vài vòng rồi ném về phía mấy cô gái dân tộc Thái đang đứng nói chuyện. An Tâm trợn mắt lườm tôi, nói: “Đó là ám hiệu tìm người yêu đó, anh đừng có ném lung tung.”

“Thế thì em cũng ném đi, đã “chấm” được anh nào chưa?” Tôi trêu em.

“Em không thèm. Em sẽ mang túi khoa khô này về cho Tiểu Hùng chơi.”

“Ôi trời, nói qua nói lại, hóa ra em vẫn yêu con trai hơn cả chứ gì.”

Đúng lúc đó, chúng tôi nghe thấy tiếng đàn hát cách đấy không xa, tuy không rõ tiếng nhưng rất cuốn hút. Tiếp đó, tôi nìn thấy một ống trúc bay vút lên trời, kèm theo một dải khói trắng và một tiếng nổ lớn. An Tâm bỗng hét lên: “Bắn pháo rồi!” Tôi vội hỏi An Tâm đó là cái gì, em đáp đó là một loại pháo, cũng tương tự như pháo mà người Hán bắn trong dịp Tết. Đến một bãi đất trống chúng tôi thấy một đám người đang nhảy múa hát hò, còn có cả trò chọi gà và đâm trâu nữa. Sau cùng, chúng tôi đi thẳng đến một ngôi chùa có tên là Man Long, nghe nói rất nổi tiếng. Nhìn vào bảng giới thiệu chùa tôi mới biết, sau chùa có một tòa tháp tên Man Long, chân tháp được thếp vàng, còn thân tháp được thếp bạc, quả thực rất đẹp. Trước chùa Man Long có một bãi đất trống, ngay phía sau là một thôn làng nhỏ, vào trong rồi mới coi như đến đúng nơi diễn ra lễ té nước.

Ở trong thôn, người chơi trò té nước rất đông, già trẻ gái trai đều có nhưng chủ yếu là thanh niên. Tôi và An Tâm nép vào bên đường, phân vân không biết có nên hòa vào dòng người đang té nước rất nhộn nhịp kia không, nếu không chơi thì chẳng phải đã đi một chuyến vô ích hay sao, còn nếu chơi thì cả tôi và em đều không mang theo quần áo, không biết phải đợi đến khi nào quần áo mới khô để đi về. Đang lưỡng lự không biết quyết định thế nào thì đột nhiên có một cô gái chạy đến hắt cả một chậu nước vào người tôi, thế là tôi ướt như chuột lột. An Tâm đứng bên cạnh cười phá lên, vỗ tay lia lịa. Tiếng cười chưa dứt, em cũng bị té nước ướt từ đầu đến chân. Chúng tôi quay sang nhìn nhau rồi cùng xông vào đám người đó, tìm được hai cái chậu nhựa, cũng múc nước hắt tới tấp lên người bọn họ.

Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy An Tâm cười một cách vui vẻ và thoải mái như một đứa trẻ. Từ khi quen em, tôi luôn thấy em kìm nén cảm xúc của mình, đến hôm đó tôi mới được nhìn thấy nụ cười thực sự của em.

Rất lâu sau đó, khi đến Hawaii, tôi lại mơ thấy tiếng cười đó của em, thì ra lúc đó chúng tôi đang ở chùa Man Long, cạnh sông Ô Tuyền, trong một lễ hội té nước. Đó là thời khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời chúng tôi.

Té nước một hồi, ai nấy đều chạy tán loạn, tôi nhận thấy An Tâm chạy về phía một đám đông. Chậu nước cuối cùng của em hắt trúng một thanh niên cao to đang đi về phiá chân tháp Man Long, khiến cả người anh ta ướt sũng. Người đó từ từ quay mặt lại, đứng ở bậc thềm dưới chân tháp, nhìn An Tâm và nhếch miệng cười gian ác.

Đột nhiên, tôi thấy An Tâm đứng sững lại như hóa đá, rất lâu sau em mới run rẩy lùi lại hai bước, cái chậu trên tay rơi xuống đất. Người đó quay người đi về phía sau tòa tháp. An Tâm bỗng nhiên hét lên một tiếng, to đến mức khản cả giọng. Tôi không nghe rõ là em hét cái gì nhưng thấy em đi về phía người đó, tuy nhiên vừa đi được vài bước thì có một đám đông cầm chậu không ào đến cuốn em đi, sau lưng đám người đó là một đám đông khác với những cái chậu đầy nước. ..

Sau khi đám người đó đi rồi, tôi thấy An Tâm toàn thân ướt sũng đứng dưới chân tháp Man Long, ngoài em ra thì không thấy bóng dáng ai nữa.
Bình Luận (0)
Comment