Người Đàn Ông Lạ Trong Nhà

Chương 3

Anh tỉnh dậy trong bệnh viện, trên mặt quấn chặt băng gạc.

Suốt mấy ngày nằm viện, có một nam điều dưỡng trẻ phụ trách phòng bệnh, tay chân nhanh nhẹn, tươi cười rạng rỡ. Mỗi khi thấy anh ấy, các cụ già trong phòng đều vui vẻ chào hỏi.

Những nụ cười đó hoàn toàn trái ngược với ánh mắt nghi ngờ của ông cụ tóc bạc phơ khi trước, càng khiến anh nhói lòng hơn cả nắm đấm trên mặt.

Trong thời gian nằm viện, anh cứ nhớ đến ông ngoại mình. Là một cựu chiến binh, ông tự tay dạy anh thói quen sinh hoạt kỷ luật như quân đội - cách quét nhà sạch không tỳ vết, cách gấp chăn thành những khối vuông ngay ngắn.

Trước khi xuất viện, anh chặn đường nam điều dưỡng kia ở hành lang bệnh viện để hỏi về việc gia nhập ngành này.

“Đúng vậy, ngành điều dưỡng và vệ sinh công nghiệp đang "khát" nhân lực nam, tìm việc cũng rất dễ dàng. Nhưng mà điều dưỡng ở các bệnh viện thường phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành chăm sóc y tế. Cậu có thể thử công việc vệ sinh xem sao."

Các công ty vệ sinh quả thật khan hiếm nam giới. Dương Dương học từ căn bản cách khử trùng phòng ở, đánh bóng sàn nhà, cách bảo quản đồ đạc, lau chùi máy hút mùi, vệ sinh máy lạnh, máy giặt.

Những thứ này phức tạp hơn ngồi trước máy tính sao chép cắt ghép, nhưng đơn giản hơn việc gọi điện cho mấy ông bà cụ để bán thực phẩm chức năng.

Ô cửa lau chùi bóng loáng như cuộc đời, anh đã biết thế nào là công việc tốt cho mình? Là khi thực sự được người khác cần đến, lại có thể mang về những phản hồi tích cực cho bản thân.

Không chỉ vậy, Dương Dương còn bất ngờ phát hiện lổ hổng lớn trong nhu cầu thị trường ngành vệ sinh công nghiệp, mọi thứ đều hướng tới chuyên nghiệp hóa, hệ thống hóa. Anh định dành dụm tiền và tự thành lập một công ty vệ sinh trong tương lai.

Tháng trước, nữ khách hàng tên Tiểu Hoa đã đến công ty, nói rằng đang tìm một giúp việc theo giờ. Giống với nhiều khách hàng trước đó, cô ấy hơi ngạc nhiên và lưỡng lự khi lần đầu nhìn thấy anh, cô nói suy nghĩ xong sẽ gọi lại. Hôm sau, cuộc điện thoại đến.

"Mức lương của cậu là bao nhiêu?"

"Vâng, từ thứ hai đến thứ sáu, bốn giờ một ngày, mỗi ngày 200 tệ, tổng cộng 4400 tệ một tháng."

“4400 tệ” đối phương lặp lại, “Được, tôi sẽ gửi địa chỉ cho cậu, từ mai bắt đầu làm việc.”

5.

“Thế nên em lén đi làm? Sau đó thuê một nam giúp việc đến nhà mình dọn dẹp?"

Một tin tốt và một tin xấu. Lương Hâm nghĩ.

Tin tốt là vợ không lừa dối anh, tin xấu là cô ấy không muốn ở nhà làm người canh gác gia đình nữa.

Trong lúc Dương Dương quét dọn các phòng khác, anh khó nén nổi nghi vấn, thấp giọng hỏi Tiểu Hoa.

"Chuyện lớn như vậy, sao em không bàn trước với anh?"

Vừa dứt lời, anh nhớ tới tối hôm đó Tiểu Hoa đã hỏi anh chuyện đi học, hóa ra Tiểu Hoa không hề nói đùa.

“Đừng đi làm nữa nhé, anh nuôi em.” Lương Hâm nắm tay Tiểu Hoa, “Anh sẽ nâng cao phí sinh hoạt.”

Tiểu Hoa hất tay anh: “Phí sinh hoạt cũng dùng cho nhà mình thôi, anh trả lương cho em được không?”

Cô giải thích một lượt với Lương Hâm về mức lương mà cô tìm hiểu từ thị trường ngành vệ sinh công nghiệp, nếu chiếu theo một ngày làm 8h thì ít nhất là 300 tệ mỗi ngày, tức 9000 tệ mỗi tháng, chưa kể sau này sinh con phải tốn thêm chi phí nuôi con, phí gia sư, phí v.v., tương lai còn có phí thuê hộ lý chăm sóc ba mẹ già.

Lương Hâm nghe Tiểu Hoa luyên thuyên - phân tích, cơn tức tối nổi lên.

Anh không hiểu, tại sao những việc mẹ anh có thể làm được, nhưng Tiểu Hoa nhất quyết biến nó thành tiền bạc?

Điều khiến anh khó chịu hơn là, các khoản phí đó, lấy tiền lương của anh chi tiêu, cũng không đảm đương nổi.

Nhìn ánh sáng ấm áp trong nhà dần rời xa mình, Lương Hâm dùng tư thế đàm phán nơi công sở, bắt đầu chơi chiêu “kể khổ”: “Em có nhớ anh từng kể với em chuyện hồi anh còn nhỏ, ba lái xe đường dài nuôi gia đình, mẹ ở nhà cần cù tiết kiệm không? Có đợt nghỉ hè..."

“Em nghe rất nhiều lần rồi,” Tiểu Hoa ngắt lời, “Chi bằng anh nghe em kể một kỳ nghỉ hè của em đi. Nghỉ hè năm đó, em và mẹ cùng trồng hoa sao nhái, mỗi ngày tưới nước, đúng giờ đem ra phơi nắng, chẳng bao lâu hoa đã nở rộ sắc tím."

"Ý em là sao?"

"Ý em là, anh dành thời gian ở đâu thì ở đó sẽ nở hoa. Em luôn nhớ mãi điều mẹ dặn, bà bảo khi Tiểu Hoa trưởng thành, cũng phải học cách dành thời gian cho bản thân."

Lương Hâm ngẩn người, nghe Tiểu Hoa nói tiếp: cô không hẳn là cần mấy đồng lương nội trợ đó, ra khỏi nhà là để dành thời gian cho công việc và học tập, chứ không phải những chuyện nhà lặt vặt này.

Họ đủ khả năng trả lương cho người giúp việc, còn thời gian tiết kiệm được, cô có thể tận dụng làm nhiều thứ hơn.

Lương Hâm không thốt nên lời. Vừa rồi đấm vào cửa vẫn còn âm ỉ đau, nghĩ tới cơm tối cũng không phải do Tiểu Hoa nấu, anh quay đầu rời đi như trốn chạy: “Anh về đơn vị, tối nay có tiệc xã giao. "

Tiểu Hoa đã gạt anh, vì vậy lời nói dối của anh cũng chẳng đáng kể.

Buổi tối, Lương Hâm không tụ họp xã giao, anh xin đơn vị nghỉ phép, lái xe về nhà ba mẹ mình.

Vừa vào cửa đã nghe tiếng nấu ăn từ trong bếp, máy hút mùi bật rất to, anh lớn giọng gọi mấy tiếng cũng không ai trả lời. Khi Lương Hâm vào bếp xem thử, là ba anh đang xóc chảo.

Lại một người đàn ông đeo tạp dề.

"Ba ơi! Mẹ đâu rồi?” Anh hơi bực mình la to.

Ông liếc nhìn anh, rồi đổ thức ăn ra đ ĩa: “Mẹ con ra ngoài đi dạo phố rồi. Nào thử tay nghề của ba xem. "

Món ăn bóc hơi nghi ngút. Anh nếm thử qua loa, quá nhiều dầu muối, không ngon như ở nhà.

... Không đúng, cơm nhà cũng không phải Tiểu Hoa nấu nữa, là cậu giúp việc.

Anh thở dài đặt đũa xuống.

“Sao thế?” Ba anh ngẩng đầu nhìn, “Thằng nhóc này không thích đồ ba nấu à?”

"Ba, ba còn nhớ hồi nhỏ có lần con đòi theo ba chạy xe không?"

"Sao không nhớ được, lần đó thằng nhóc con làm ba phiền muốn chết."

Nhắc tới chuyện cũ, ông rất hào hứng, vỗ đùi phe phẩy chiếc quạt hương bồ: “Đồ khô bị con ăn sạch trơn, thấy tiệm cơm ven đường còn đòi xuống ăn cho đỡ thèm.”

"Ba kêu ráng nhịn." Lương Hâm nói.

"Đúng, ba bảo con chịu đựng, khoảng một tiếng nữa sẽ về tới nhà, mẹ con đã chuẩn bị sẵn món ngon. Ba đâu có lừa con đúng chứ? Hôm đó mẹ con nấu cả bàn nào rau nào canh, con mải mê ăn đến mức không thèm ngẩng đầu."

"Mẹ con thì sao? Dạo này mẹ ngưng nấu ăn rồi ạ?"

“Cái thằng này!” Ba của Lương Hâm cầm quạt hương bồ vỗ anh một cái, “Con không biết thương mẹ hả?”

Ông duỗi ngón tay để minh họa: “Bàn tay mẹ con, bao nhiêu năm trời làm việc nhà thường phải đụng nước, giờ không duỗi thẳng mấy khớp ngón tay được.”

"Con tưởng mẹ thích làm việc nhà."

“Ai mà thích làm việc nhà, vừa không có lương, vừa mệt vừa phiền."

Lão Lương tức giận, trừng mắt với anh: “Mấy năm nay ba không lái xe nữa, bà ấy mới rảnh rỗi hơn, lúc trước suốt ngày quanh quẩn ở nhà, hồi trẻ mẹ con cũng là nhân viên cốt cán trong nhà máy đấy!”

"Ai nhắc tới tôi đó?"

Giọng mẹ Lương vang lên từ ngoài cửa. Bà mở cửa bước vào, vừa thay dép vừa đánh giá Lương Hâm: “Lúc nãy mẹ vừa ghé nhà con."

Lương Hâm suýt chút bị nghẹn cơm.

Mẹ Lương bước đến bàn rồi ngồi xuống đối diện anh. Ba Lương nhanh chóng đứng dậy vào bếp lấy thêm chén đũa. Lương Hâm âm thầm quan sát hai bàn tay của mẹ: da sần sùi, gân xanh chằng chịt, vài đốt ngón tay đã bị biến dạng.

Anh hơi cứng đờ đặt đũa xuống.

"Mẹ nói chuyện với Tiểu Hoa rồi." Mẹ Lương mỉm cười khi thấy con trai trầm ngâm suy nghĩ, "Mẹ cũng gặp giúp việc mới của nhà con rồi, làm được việc lắm."

"Mẹ."

"Sao thế?"

"À thì... Cậu nhóc đó đúng là làm khá tốt, con cũng giới thiệu cậu ấy cho ba mẹ nhé."

_HẾT_
Bình Luận (0)
Comment