Người Đọc

Chương 25

Bản tiếng Đức của cuốn sách mà cô con gái viết về thời gian ở trại tập trung được phát hành sau vụ xử án. Trong khi xử án tuy đã có bản thảo, nhưng chỉ dành riêng cho các phe liên đới. Tôi phải đọc bản tiếng Anh, khá lạ lẫm và khó khăn lúc bấy giờ. Và một ngoại ngữ không thông thạo, buộc phải vất vả lộn thì bao giờ cũng vừa xa lạ lại vừa gần gũi một cách kỳ dị. Tôi nghiền ngẫm cuốn sách một cách kỹ lưỡng và rồi vẫn không nhập tâm được. Nó vẫn xa lạ như chính ngôn ngữ đó vậy.

Nhiều năm sau, tôi đọc lại cuốn sách và phát hiện ra chính quyển sách đã tạo ra sự xa lạ. Nó không mời gọi ta đồng cảm, không gây cảm tình với ai, cả bà mẹ lẫn cô con gái lẫn những người chia sẻ số phận với họ tại các trại giam khác nhau, sau này cả ở Auschwitz và trại ngoại vi gần Krakov. Những người cao tuổi nhất phòng, nữ quản tù và lính canh không được cuốn sách thể hiện đủ rõ mặt mũi và tính cách để ta kết nối hay đánh giá tốt xấu hơn thực tế. Nó tỏa hơi thuốc mê như tôi đã cố gắng miêu tả. Tuy nhiên trong làn thuốc mê ấy cô con gái không mất đi khả năng nhận thức và phân tích. Và cô cũng không bẻ cong ngòi bút của mình vì tự thương hại hay tự tin rõ rệt sau khi không những đã sống sót mà còn chịu đựng được những năm trời ở trại tập trung và đưa chúng vào văn học. Cô viết về mình, về tư cách trẻ ranh, bà cụ non, và khi cần thiết cũng rất ma giáo của mình, với từ ngữ tỉnh khô như viết về các chuyện khác.

Cuốn sánh ấy không nêu tên Hanna hoặc bằng cách nào đó để nhận diện hay suy đoán ra. Thỉnh thoảng tôi cho là đã nhận ra cô trong nhân vật được miêu tả là một nữ quản tù xinh đẹp, mẫn cán thi hành nhiệm vụ của mình một cách lạnh lùng, nhưng tôi không chắc lắm. Khi quan sát các bị cáo khác, tôi thấy nhân vật nữ quản tù ấy chỉ có thể là Hanna mà thôi. Nhưng còn có những quản tù khác nữa. ở một trại giam, cô gái biết một nữ quản tù mang biệt danh ngựa cái, cũng trẻ, đẹp và tận tụy, nhưng tàn ác và nóng nảy. Những người khác có so sánh như vậy không? Hanna có biết thế không, cô có nhớ lại và thấy chạnh lòng khi tôi so sánh cô với con ngựa?

Trại ngoại vi Krakov là trại cuối cùng của hai mẹ con trước khi đến Auschwitz. Không có gì khá hơn, công việc nặng nhưng đơn giản hơn, ăn uống tốt hơn, và sáu phụ nữ trong một phòng thì còn hơn là hàng trăm người trong nhà vách gỗ. Cũng ấm áp hơn, trên đường từ nhà máy đến trại họ được nhặt củi đem về. Họ sợ bị chọn để chuyển đi, nhưng không sợ ghê gớm như ở Auschwitz. Mỗi tháng 60 phụ nữ bị chuyển về đó, 60 trong số khoảng 1200 người, như vậy có hy vọng sống sót là hai mươi tháng nếu sức khỏe ở mức tương đối, ít nhất thì họ cũng được phép hy vọng khỏe hơn mức trung bình. Thêm vào đó còn được mong đợi chiến tranh biết đâu sẽ chấm dứt sớm hơn hai mươi tháng nữa.

Nỗi bất hạnh bắt đầu với việc giải tán trại và khởi hành đi về phía Tây. Trời đã vào đông, tuyết rơi, mớ quần áo làm những người đàn bà rét run ở nhà máy và chỉ đủ tạm giữ ấm ở trại, nay hoàn toàn thiếu, giày dép lại càng thiếu hơn. Họ phải quấn giẻ và giấy báo, lúc đi đứng còn giữ được, nhưng không thể buộc chặt để hành quân đằng đẵng trong băng tuyết. Những người đàn bà không những chỉ phải hành quân, họ bị thúc phải chạy. “Chuyến đi tử thần?” cô con gái hỏi trong sách và tự trả lời. “Nhiều người gục ngã trên đường, những người khác sau vài đêm trong vựa cỏ hay bên một bức tường đã không tỉnh dậy nữa. Sau một tuần, nửa số phụ nữ đã chết.

Nhà thờ là một mái trú tốt hơn so với vựa cỏ hay bức tường mà những người phụ nữ trước đó đã trải qua. Khi gặp các nông trại bỏ hoang và ngủ qua đêm ở đó, lính canh và quản tù chọn lấy khu nhà ở. Ở ngôi làng gần như bỏ hoang này, chúng chiếm nhà linh mục và ít nhất cũng chừa lại cho tù nhân nhiều hơn là vựa cỏ và bức tường. Hành vi ấy, và thậm chí cả một nồi canh nóng trong làng hiện ra viễn cảnh tới hồi kết của nỗi bất hạnh. Và những người đàn bà ngủ thiếp đi. Một lát sau bom rơi. Chừng nào chỉ có tháp chuông bốc lửa, ở trong nhà thờ nghe tiếng nhưng không thấy lửa cháy. Khi nóc tháp chuông sập xuống đè lên khung mái, hãy còn mấy phút nữa cho đến khi ánh lửa hiện ra. Rồi thì lửa nhỏ giọt xuống đốt cháy áo quần, vì kèo cháy rực rơi xuống làm bén lửa hàng ghế và bục giảng kinh, chỉ một lát sau cả khung mái đổ ập xuống nền nhà và tất cả cháy rừng rực.

Cô con gái cho rằng những người phụ nữ lẽ ra có thể tự cứu thoát được, nếu như họ cùng hợp sức phá ngay lập tức một cánh cửa. Nhưng khi họ nhận ra cái gì đang xảy ra, sắp xảy ra, và không ai mở khóa cho họ thì mọi việc đã quá muộn. Giữa đêm đen thì tiếng bom đánh thức họ. Một hồi lâu họ chỉ nghe tiếng động là lạ và đe dọa từ tháp chuông vẳng xuống, họ giữ im lặng để nghe rõ và đoán xem tiếng động đó là gì. Đến lúc nhận ra đó là tiếng lửa cháy phần phật, ánh lửa thỉnh thoảng bùng lên sau cửa sổ, và tiếng rền phía trên đầu là dấu hiệu lửa đã lan từ tháp chuông xuống mái - những người đàn bà đã quá chậm chân, khi ngọn lửa trong khung mái cháy sáng trước mắt. Họ hiểu ra tình thế và rú lên trong kinh hoàng, thét gọi cứu trợ, nhao ra phía cửa và lay cửa, đấm vào cửa và hét.

Khi khung mái cháy rực ụp xuống nền nhà thờ, dãy tường bao quanh tạo ra vòng kín như một cái bếp lò ủ lửa. Đa số các tù nhân không chết ngạt, mà chết cháy trong ngọn lửa sáng trắng réo ù ù. Cuối cùng, thậm chí các cánh cửa nhà thờ nẹp sắt rèn cũng bị lửa đốt thủng toang và cháy trụi. Nhưng lúc đó đã nhiều tiếng đồng hồ trôi qua.

Hai mẹ con thoát chết, bởi người mẹ đã hành động đúng trong một nhầm lẫn. Lúc những người đàn bà lâm vào cơn hoảng loạn, họ không chịu nổi giữa đám người ấy nữa nên bỏ chạy lên vệt đường đi chạy vòng sát tường tầng trên, kệ cho chỗ đó gần lửa hơn, họ chỉ muốn một mình, ra khỏi đám phụ nữ đang chen lấn, kêu thét và bốc cháy. Vệt đường đi hẹp đến nỗi hầu như không bị kèo cháy rơi phải. Hai mẹ con ép sát vào tường, họ nghe và nhìn đám cháy hoành hành. Ngày hôm sau vẫn chưa dám xuống và đi ra ngoài. Đêm hôm sau tối mịt, họ sợ không nhìn thấy bậc thang và lối đi. Hôm sau nữa, lúc trời hửng họ ra khỏi nhà thờ, mấy người dân làng bắt gặp sửng sốt nhìn họ trân trân, nhưng cho họ đồ ăn, quần áo và để họ đi tiếp.
Bình Luận (0)
Comment