Người Mẹ Trinh Trắng

Chương 24

Tôi còn nhớ rất rõ, phải nói rằng nó đã trở thành một hình ảnh khắc sâu trong trí nhớ của tôi khi thấy Thúy mặc chiếc áo blouse trắng ôm một đứa trẻ còn đỏ hỏn bước ra từ phòng cấp cứu. Trên gương mặt đã trắng bệch của Thúy là mồ hôi cùng nước mắt, còn có những vệt máu nhỏ mà có lẽ nó cũng không hay biết. Tôi cũng chẳng phân biệt được đâu là mồ hôi đâu là nước mắt của Thúy. Có cái gì đó sụp đổ trong tôi, một tiếng nói từ nơi sâu thật sâu trong lòng cất lên: “Hết rồi!”. Tôi chỉ đứng yên tại chỗ như có ai vừa đóng xi măng dưới chân, chỉ biết chờ đợi Thúy bước từng bước nặng nề đến thông báo: “Vân ơi! Trinh bỏ chúng ta rồi! Nó đi rồi!”

Tôi cật lực lắc đầu, không muốn tin đó là sự thật, vừa mới hôm qua thôi nó còn ngồi xoa bụng nói rằng muốn tôi làm mẹ nuôi của con trai nó, hai chúng tôi sẽ cùng nhau nuôi thằng bé lớn lên. Trinh nói nó sẽ ổn thôi, nó sẽ không sao cả, sẽ không rời xa chúng tôi trừ khi chúng tôi đuổi nó, nó đã hứa như thế mà. Nhưng tôi đâu có đuổi nó đi, tôi đâu muốn thế này? Tôi bịt chặt tai không muốn nghe Thúy nói nhưng chính lòng tôi lại nói rằng tôi phải tin chuyện này là thật, tất cả đã diễn ra chứ không phải một giấc mơ cũng không phải là một vở kịch. Tôi gạt Thúy sang một bên, chạy thẳng vào phòng cấp cứu, các bác sĩ đã đi ra, chỉ còn lại các cô y tá đang dọn dẹp, lau máu giúp Trinh. Tôi thô lỗ đẩy họ ra, ôm chặt lấy Trinh đang nằm bất động, không nói không cười. Tay tôi run run sờ khắp gương mặt xinh đẹp của Trinh, vẫn còn vết tích của những giọt nước mắt, độ ấm dưới bàn tay tôi thì đang mất dần.

“Trinh, để tao lau nước mắt cho mày. Không cần khóc nữa, mày không cần phải khóc nữa đâu, mọi chuyện đều qua cả rồi. Mày đã thành công, thành công sinh ra đứa con của riêng mày. Mày làm mẹ rồi đấy, mau tỉnh lại đi, tỉnh lại nhìn mặt con trai đi. Nó xinh lắm, nó đang đòi mẹ đấy!” Không hiểu sao lúc đó tôi không sao khóc nổi, chỉ điên cuồng lau mặt, lau máu cho Trinh. Rất nhiều máu, vì sao lại có nhiều máu như thế? Lau mãi cũng không hết.

“Vân, bình tĩnh lại. Trinh đã chết rồi, nó chết thật rồi!” Thúy kéo vai tôi hét to.

Tôi quay lại, đẩy Thúy ra, hét to hơn: “Nó còn sống, người nó vẫn còn ấm đây này, mày sờ xem. Đi gọi bác sĩ đến đây, tao thấy mắt nó động đậy đấy!”

Thúy bất ngờ tát mạnh tôi một cái rồi nói lại rành rọt: “Mày nghe đây, Trinh chết rồi! Hiểu chưa?” Nó kéo tay tôi đặt lên ngực Trinh: “Mày sờ đi, cảm nhận đi. Hãy đối mặt đi!”

Đến lúc đó tôi mới òa khóc thành tiếng, không phải vì Thúy tát đau mà vì nó đã khiến tôi phải thừa nhận rằng Trinh đã xa tôi thật rồi. Tôi lầm bầm trách móc Thúy, chỉ để cố giải tỏa đi sự đau đớn của mình: “Mày ở trong này với nó cơ mà. Vì sao mày không cứu Trinh chứ? Vì sao không giúp nó, Trinh rất yếu ớt mà, vì sao không giúp nó chứ?”

Thúy ôm lấy tôi, nói trong nước mắt: “Mày tưởng tao không đau à? Mày tưởng tao không yêu quý nó chắc? Mày nghĩ chỉ một mình mày mới là bạn nó thôi sao?”

Tôi đã chẳng thể làm gì giúp Trinh, chỉ có thể giương mắt nhìn nó bị tử thần cướp đi. Tôi nắm chặt bàn tay lạnh ngắt của Trinh, nhìn thật kỹ, thật lâu gương mặt nó để ghi nhớ lại, tôi sợ một ngày nào đó mình sẽ quên mất hình dáng nó, quên mất gương mặt nó, cách nó mỉm cười, quên đi giọng nói dịu dàng tựa thiên thần, quên cảm giác mềm mại của mái tóc dài đen nhánh. Tôi chợt nhận ra, chúng tôi từ khi nào đã trở thành một phần máu thịt của nhau, Trinh đau thì tôi đau, Trinh buồn thì tôi buồn và Trinh mất thì một nửa trái tim tôi cũng chết.

“Ngủ đi Trinh, cuộc đời của mày chỉ là một chuỗi những đau khổ, một năm nay mày đã phải khóc quá nhiều rồi, nhưng tao biết trái tim mày còn chảy máu nhiều hơn cả nước mắt. Tao nhớ lắm những ngày mình còn ở dưới quê, chỉ biết vô tư cười đùa, chẳng có bất kỳ kẻ lạ mặt nào chen ngang, chẳng biết cái gì gọi là đau lòng hay dối trá, không biết máu chảy ra sao, nước mắt mặn như thế nào. Trinh à, hãy yên tâm ngủ đi, tao sẽ đưa mày về quê của chúng ta, về với kỷ niệm bé bỏng của chúng ta, mày sẽ được ngủ trong lòng đất mẹ ấm áp, được dựa mình dưới gốc cây to đầu làng, không cho ai cơ hội làm mày phải khóc nữa. Tao cũng sẽ bảo vệ con trai chúng ta, không để nó bị tổn thương, yên tâm đi nhé. Tao mong mày sẽ được sinh ra một lần nữa với một số mệnh tốt hơn, sẽ có nhiều người yêu thương mày, đừng lưu luyến gì ở cái kiếp đau khổ này nữa.”

Tôi nhắm mắt lại, hàng lệ thật dài lăn chầm chậm trên má. Lúc mở mắt ra tôi thấy hình như đôi môi Trinh hơi mỉm cười, dường như là ảo giác nhưng tôi không quan tâm đó là gì, biết đâu Trinh đã nghe được những gì tôi nói, biết đâu nó hài lòng. Tôi cũng mỉm cười dưới hai hàng nước mắt mằn mặn. Vĩnh biệt nhé, Trinh!

Trinh ra đi như thế, còn lại chúng tôi, chúng tôi phải đối mặt với một thực tế khác, gia đình và đứa con của Trinh. Tôi chỉ biết rằng Trinh không muốn gia đình biết được chuyện nó mang thai ngoài ý muốn. Tôi phải giúp nó thực hiện tâm nguyện bé nhỏ đó, bằng mọi giá, tôi không thể để Trinh chết rồi còn phải mang tiếng xấu.

Cho nên Thúy phải vận dụng mọi mối quan hệ trong bệnh viện để xin các bác sĩ không tiết lộ chuyện Trinh mang thai, chỉ cần nói đến tai nạn xe kia là đủ rồi. Trưởng khoa lo ngại rằng nếu như không nói rõ tình trạng của bệnh nhân trước khi chết thì một khi người nhà biết được có thể sẽ xảy ra kiện tụng và làm mất uy tín của bệnh viện. Chúng tôi phải cam đoan mọi chuyện sẽ không xảy ra, sẽ không ảnh hưởng đến bệnh viện, thậm chí là kể rõ nội tình sự việc để các bác sĩ thông cảm, viết giấy cam kết sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu chuyện bại lộ. Cuối cùng họ mới đồng ý giữ bí mật chuyện Trinh có một đứa con.

ầu óc tôi quay vòng vòng khi phải đối mặt với sự chất vấn của gia đình Trinh. Bao nhiêu những điều cần phải nói tôi đều quên sạch, cứ khóc nấc lên không ngừng lại được.

“Vân, nói cho bác biết vì sao đi. Cái Trinh vì sao nó lại thế này?” Bố Trinh cứ hỏi tôi không ngừng, gương mặt tiều tụy khiến bác trông như già đi mấy tuổi. Hai đứa em của Trinh ngồi một góc, đứa lớn ôm đứa bé khóc đến mức mắt đỏ mọng.

Cảm giác tội lỗi xâm chiếm lấy tôi, tôi bắt đầu tự đổ lỗi cho mình. Cũng tại tôi vun đắp nên Trinh mới đến với Hải, tại tôi không kiên quyết, tại tôi không thể bảo vệ Trinh để nó bị hại. Tại tôi không đủ quan tâm nên Trinh mới vì quá trống trải và sợ hãi mà lỡ lầm với Hải. Tại tôi không biết chăm sóc chu đáo cho Trinh, tại tôi không biết giấu chuyện Hải lấy vợ để xảy ra cơ sự này. Tại tôi, từ đầu đến cuối vẫn là tại tôi, tôi có lỗi với Trinh, với cả gia đình Trinh. Làm sao để làm lại từ đầu được đây? Không ai cho tôi cơ hội, không một ai.

“Bác ơi, Trinh bị tai nạn. Người gây ra tại nạn cũng đã hết sức hợp tác và bồi thường. Bọn cháu…bọn cháu…” Đó chắc chắn không phải là những gì tôi nói, là Thúy. Giọng nó bình tĩnh và chắc nịch nhưng nghe kỹ thì rõ ràng mang theo một nỗi đau âm ỉ cố nén.

“Đâu? Kẻ đó đâu? Nó đâu?” Bác trai kích động hỏi.

Thúy mím môi, đôi mắt đỏ ngầu hơi bối rối nhưng vẫn đối đáp mạch lạc: “Dạ, anh ta không phạm luật giao thông, đi đúng đường, người sai là…Trinh ạ! Theo luật không thể kết tội anh ta được đâu bác.”

Nghe xong những lời tàn nhẫn đó, bác trai sững người yên lặng, đáy mắt hiện lên một tầng sương đau đớn không thể diễn tả thành lời, khổ sở, xót xa. Rồi bác quay đi, dáng người thô kệch đặc trưng của một người nông dân chất phác nặng nề bước từng bước về phía nhà xác lạnh lẽo. Nhìn dáng bác ấy, tôi nhớ đến bố tôi, nếu đổi lại đó là bố tôi thì sao? Tôi chỉ muốn chạy theo úp mặt vào chiếc áo sơ mi sờn cũ của bác mà khóc, thay Trinh an ủi bác nhưng không sao làm được. Trái tim tôi quặn thắt, gào khóc trong lồng ngực. Tôi quay sang trách cứ Thúy: “Vì sao mày lại nói thế? Mày không thấy bác ấy đã rất đau lòng rồi hay sao?”

“Thế mày bảo tao phải làm thế nào? Có cách gì khác không? Đó là sự thật mà. Mày có cách gì hay hơn sao? Chẳng còn cách nào đâu Vân ạ!”

Tôi quàng tay ôm lấy Thúy, khi đó tôi mới nhận ra người nó ướt đẫm mồ hôi nhưng lạnh như tảng băng.

Ngày đưa Trinh về quê an tang, cả đoạn đường Thúy nhất nhất ở bên cạnh, nắm chặt bàn tay tôi không rời. Đi qua gốc cây đầu làng, tôi bắt đầu rơi nước mắt khi nhớ lại những ngày tôi và Trinh cùng đám bạn trong làng vui đùa nơi đó, còn có những lúc hai đứa lặng lẽ ngồi bên nhau mơ màng ngủ. Mỗi một nơi, mỗi một con đường đều chứa đựng bao kỷ niệm đẹp đẽ. Con đường làng quanh co ấy, chúng tôi từng nắm tay nhau chạy tung tăng khắp nơi, những buổi trưa trốn bố mẹ đi chơi, cũng chính nơi đây cùng nhau đi học mỗi ngày. Cả cánh đồng lúa bao la cũng ghi dấu những ngày làm đồng vất vả phụ gia đình. Mảnh đất này chứng kiến chúng tôi lớn lên, là nơi mà dù có đi xa bao nhiêu thì tôi cũng vẫn nhớ về. Bất kỳ nơi nào tôi cũng hình dung ra bóng dáng của Trinh đang ở đó nói cười, vui đùa. Người có thể mất nhưng kỷ niệm sẽ không bao giờ chết, sẽ ở mãi trong tim tôi, trong linh hồn Trinh và cả những người đã gắn bó với nơi này.

Thời khắc hạ huyệt, mẹ Trinh gào khóc lạc cả giọng, bác ấy quỳ rạp xuống đất không quan tâm quần áo lấm lem bùn đất, vươn người ra muốn lao theo quan tài. Chẳng ai có thể ngăn cản được bác ấy xa đứa con gái của mình, đó là lần đầu tiên tôi nhìn nhận rõ ràng tình mẫu tử cao quý và gắn bó đến mức nào.

“Con ơi! Con gái của mẹ! Con gái tội nghiệp của mẹ. Để mẹ chết theo con, con để mẹ sống trên đời làm gì nữa. Cho mẹ theo chăm sóc con!”

Làm gì có ai sắt đá đến mức không bật khóc trước những lời than khóc đau lòng ấy, làm gì có người mẹ nào lại không cắt ruột cắt gan khi thấy đứa con gái bé bỏng mà mình dứt ruột đẻ ra, bao công chăm sóc yêu thương giờ lại nằm lạnh lẽo trong quan tài khi đang còn xuân xanh. Mẹ Trinh làm cho những người tham dự tang lễ không sao cầm được nước mắt, cuối cùng bác ấy kiệt sức mà ngất đi.

Tôi và Thúy vẫn nắm chặt tay nhau thẫn thờ như người mất hồn nhìn từng lớp từng lớp đất vùi xuống quan tài mà bên trong là người bạn thân đang yên nghỉ. Chúng tôi không khóc nổi vì có lẽ nước mắt đã cạn khô, chỉ cảm thấy lòng bàn tay lạnh ngắt đi.

Trời cuối thu, những chiếc lá vàng bay la đà theo gió như muốn đưa tiễn linh hồn ai đó về cõi vĩnh hằng.

Bố mẹ tôi cũng sang giúp đỡ và động viên bố mẹ Trinh rất nhiều. Bố mẹ tôi chứng kiến Trinh cùng tôi lớn lên, mẹ nói mẹ thương Trinh quá vì mẹ coi Trinh chẳng khác nào con gái. Trinh ngoan ngoãn, hiền lạnh, chịu khó, cái gì cũng biết làm, mẹ hay bảo chỉ mong tôi bằng một nửa Trinh là mẹ mừng lắm rồi. Hồi đó nghe mẹ so sánh, tôi chỉ cười xòa, còn bây giờ tôi chỉ mong có thể nhường lại một nửa cuộc đời của mình cho Trinh.

Sau khi an táng cho Trinh xong, tôi và Thúy lại vội vàng trở lên Hà Nội để làm thủ tục nhận nuôi con trai của Trinh, món quà duy nhất mà Trinh để lại. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của bệnh viện và một vài người bạn, tôi đã thuận lợi làm xong mọi thủ tục nhận nuôi và giấy khai sinh cho thằng bé. Từ đây, cuộc đời tôi đã có một đứa con trai, nó sẽ mang họ của tôi, Nguyễn Thành Đạt.
Bình Luận (0)
Comment