Nguyên Thủy Chiến Ký

Chương 7

Nửa quả bóng đen ấy Thiệu Huyền dùng làm phao câu mà không có lưỡi câu, tạm thời cũng không có công cụ đá nào thay thế được cho lưỡi câu, hết cách rồi, Thiệu Huyền chỉ đơn giản buộc một con sâu đá vào đó, chỉ cần dưới nước có một loại cá nào đó ăn thịt và thích ăn sâu đá là được rồi.

Kiếp trước dùng giun đất để câu cá, kiếp này không thấy giun đất thì dùng sâu đá thay thế thử xem sao, người trong bộ lạc nói sinh vật dưới nước rất hung hãn, chắc sẽ không chê món mồi đơn giản này đâu. Do không có lưỡi câu nên Thiệu Huyền cũng không nghĩ rằng sẽ câu được cá ngay, chỉ cần biết được cá dưới nước này chịu ăn sâu đá thì ngày mai Thiệu Huyền đi mài lưỡi câu cũng không muộn.

Con sâu đá là do lúc nãy Caesar đào lên, được buộc chặt vào trước đầu sợi dây cỏ, nhưng đây cũng chỉ là tạm thời, vì để lâu chắc chắn nó sẽ tuột ra khỏi sợi dây. Không có đủ công cụ thì cũng chỉ có thể tạm thời thử bằng cách này thôi, con sâu đá tuột đi thì đào con khác cũng được.

Nửa quả bóng đen được dùng làm phao câu, được buộc cách đầu sợi dây khoảng nửa mét, vì Thiệu Huyền cũng không định tính thử độ sâu của nước. Đứng ở chỗ nông, Thiệu Huyền ném cả mồi câu và nửa quả bóng đen ấy đi. Dưới sức nặng của sợi dây cỏ và con sâu đá, nửa quả bóng đen tuy có hơi chìm xuống một chút nhưng vẫn có thể nổi ổn định trên mặt nước, Thiệu Huyền nhìn vào đó có thể phán đoán được tình hình xảy ra bên dưới mặt nước.

Các sợi dây cỏ mà anh mang theo không dài, ghép lại chưa đến năm mét, nơi Thiệu Huyền ném con sâu đá cũng rất gần. Đứng trên bờ, Thiệu Huyền không cho chân chạm nước, luôn chú ý mặt nước để đề phòng xảy ra sự cố gì đó còn kịp tránh đi. Cách đó không xa có chiến sĩ canh gác, nếu gặp nguy hiểm có thể chạy về bên đó.

Trong lúc Thiệu Huyền làm tất cả chuyện này thì hai chiến sĩ phụ trách canh gác bờ sông cũng cảm thấy rất tò mò, ban đầu họ tưởng thằng nhóc này muốn xuống nước, định chờ một chút nữa thì sẽ ra lôi thằng nhóc này quăng lại vào hang, nhưng không ngờ lại nhìn thấy một loạt hành động kỳ lạ này. Cho nên, hai người sau khi nhìn nhau thì quyết định sẽ không lôi Thiệu Huyền về mà tiếp tục quan sát xem sao.

“Caesar, lát nữa thấy tao kéo thì mày cũng kéo sợi dây nhé.” Thiệu Huyền đưa đầu sợi dây vào mồm của Caesar, còn anh thì cầm chặt đoạn giữa.

Chờ một hồi mà không thấy mặt nước có động tĩnh gì, Thiệu Huyền lẩm bẩm: Không lẽ gần chỗ cạn không có cá sao? Hay là động vật ở chỗ cạn không thích ăn sâu đá?

Còn chưa dứt lời thì nửa quả bóng đen đang nổi trên mặt nước đột nhiên bị chìm mạnh xuống.

Có rồi!

Sợi dây mà Thiệu Huyền đang cầm trong tay bị tuột đi nhanh chóng, lòng bàn tay do bị cọ sát với sợi dây nên bị bỏng rát đỏ cả lên. Thiệu Huyền nắm chặt sợi dây kéo mạnh về sau, đồng thời gọi Caesar đứng đằng sau giúp đỡ: “Caesar, kéo!”

Tuy có hơi bất ngờ, nhưng Thiệu Huyền có thể cảm nhận được lực kéo dưới nước kia sắp sửa vượt quá sức của anh, nên mới gọi Caesar giúp kéo hộ, anh muốn xem thử rốt cuộc dưới nước kia có thứ gì đang ngậm chặt mồi câu.

Caesar ngậm chặt sợi dây cỏ kéo hết sức về sau, nó đã từng kéo bao nhiêu người rồi, nên cũng quen với việc kéo dây.

Hai chiến sĩ đang đứng quan sát đằng xa giờ cảm thấy rất căng thẳng, họ chưa bao giờ xuống nước, cho dù có đến bên bờ sông thì cũng chỉ đứng ở sát bờ rồi hất nước lên rửa da thú thôi chứ sẽ không bước thẳng xuống nước, vào mùa hè, họ từng nhìn thấy quái thú khổng lồ xuất hiện ở phía xa trên mặt nước, cộng thêm vô số sự kiện đẫm máu về con sông này mà bộ lạc nhiều đời đã truyền lại, cho nên họ luôn mang một tâm trạng cẩn thật sợ sệt đối với con sông, giờ đột nhiên nhìn thấy Thiệu Huyền đang lôi cái gì đó từ dưới sông lên, trong lòng họ đương nhiên sẽ căng như dây đàn, sợ rằng dưới nước sẽ trồi lên một thứ khổng lồ gì đó.

“Qua đó chứ?” Một chiến sĩ lấy khuỷu tay huých vào người bạn của mình.

“Qua… qua đó… xem thử đi…” Người chiến sĩ kia do dự một lát, không biết nghĩ gì, sau đó nói như thế.

Một cơn gió thổi từ dưới sông lên, mang theo hơi ẩm và một chút mùi tanh, không biết là mùi của sinh vật dưới nước hay là gì, nhưng mùi này càng khiến hai chiến sĩ kia thêm lo lắng.

Thiệu Huyền có thể cảm nhận được sự giằng co của sinh vật dưới nước thông qua sợi dây trên tay, bên kia muốn kéo xuống nước, bên này muốn kéo lên bờ, nhưng bên Thiệu Huyền có hơi thắng thế, từng bước lùi về sau, kéo thứ dưới mặt nước lên.

Thứ đang ngậm mồi câu đã sắp sửa xuất hiện, mặt nước xung quanh sinh vật ấy xáo động rất dữ dội, nước bị đánh văng tung tóe bốn phía.

Khi Thiệu Huyền đang nắm chặt sợi dây, chăm chú vào mặt nước tập trung tinh thần kéo về sau thì đột nhiên trước mắt anh xuất hiện một hình ảnh kỳ lạ từ xa ập đến gần, hình ảnh ấy giống như một cái miệng to với chi chít những cái răng sắc nhọn đang lao đến cắn, cả cái miệng như sắp sửa nuốt trọn đầu của Thiệu Huyền!

Lúc sắp sửa chạm đến Thiệu Huyền thì hình ảnh ấy đột nhiên biến mất rất nhanh.

Hình ảnh thoáng qua cực nhanh, Thiệu Huyền còn chưa kịp né thì nó đã biến mất.

Thiệu Huyền lắc lắc đầu, thầm nghĩ có lẽ do căng thẳng quá nên mới xuất hiện ảo giác.

Khi hai chiến sĩ kia chạy đến bên cạnh Thiệu Huyền thì thứ ở dưới nước đã hoàn toàn lộ diện.

Đó là một con cá trông rất kỳ quái, dài khoảng nửa mét, đầu cá chiếm hết hai phần ba của cả con cá, cái miệng bị lôi khỏi mặt nước vẫn ngậm chặt sợi dây có buộc con sâu đá, không hề có ý muốn nhả ra.

“Kéo tiếp đi, đừng dừng lại!” Nhìn thấy hai chiến sĩ chạy đến đang đứng ngây ra bên cạnh chứ không hề muốn ra tay, Thiệu Huyền liền gọi Caesar tiếp tục kéo.

Lần đầu kéo cá, Caesar lúc đầu do chưa nhìn rõ sinh vật đó là gì nên có hơi hốt hoảng và cảnh giác, giờ lại mau chóng ngậm chặt sợi dây, dùng hết sức kéo về sau.

Kéo con cá ra khỏi mặt nước rồi lại kéo tiếp ra sau đến vị trí đảm bảo nó không thể nhảy xuống nước được nữa thì Thiệu Huyền mới chịu buông tay.

“Cuối cùng cũng kéo lên rồi! Giỏi lắm Cae... Caesar! Nhả ra, mày còn định lôi con cá đi đâu nữa?”

Caesar vẫn đang chổng mông kéo sợi dây ra sau, vừa kéo cổ họng còn vừa gầm gừ, rõ ràng con cá vừa được kéo ra khỏi mặt nước này đã khiến nó cảnh giác, có ý chí chiến đấu rồi nên nó kéo rất hăng say, đến mức Thiệu Huyền buông tay rồi mà nó vẫn cứ kéo tiếp.

Nghe được tiếng gọi của Thiệu Huyền, Caesar mới miễn cưỡng nhả ra, cẩn thận tiếp cận con cá đang quẫy đuôi, nhe răng ra như định xông vào cắn một cái.

Chỗ mà Thiệu Huyền ném con sâu đá cách chỗ anh đứng chỉ có mấy bước chân, có lẽ độ sâu thả mồi không vượt quá đầu người, thế mà không ngờ khu vực nước nông ấy lại có một con cá hung dữ thế này, nhìn cái miệng to của nó chi chít toàn là răng, hơn nữa ngậm mồi rồi là không buông, bị kéo lên bờ ra khỏi mặt nước rồi mà vẫn quẫy đuôi rất mạnh, bộ dạng không ăn được mồi là không bỏ cuộc.

Một chiến sĩ đi đến lấy ngọn giáo không biết làm bằng đá hay bằng gì mang theo bên mình đâm thật mạnh vào con cá, dùng lực rất mạnh, ra tay rất nhanh, ngọn giáo đâm xuyên qua mình con cá, ghim nó xuống mặt đất.

Con cá bị ghim lúc này mới nhả sợi dây ra, cái miệng của nó khép mở rất mạnh, đầu của nó ngúc ngắc, tựa như muốn cắn tất cả mọi thứ xung quanh.

Còn về sợi dây được nhả ra, con sâu đá buộc trên đó giờ chỉ còn lại một mảnh vụn, sợi dây cũng sắp sửa bị cắn đứt.

Sợi dây cỏ mà Thiệu Huyền sử dụng rất bền, chịu được ma sát, do chính tay anh bện ra, thường dùng để buộc đồ, đã dùng lâu như thế rồi mà chưa hề đứt bao giờ, chất lượng rất tốt, không ngờ giờ chỉ mới một chút mà đã sắp bị con cá cắn đứt.

Nhìn vào cái miệng to tướng của con cá đang há ra, Thiệu Huyền ngây người.

Phần rõ nhất trên đầu con cá chính là cái miệng to ấy, trong cái miệng lớn mà con cá kỳ quái đang há có thể nhìn rõ vô số những chiếc răng nhỏ. Hàm răng có tỉ lệ này có vẻ được sinh ra là để cắn xé. Lực kéo của nó rất mạnh, nếu không nhờ có Caesar giúp, chỉ một mình Thiệu Huyền thì e là sẽ khó mà nhanh chóng kéo được nó lên bờ như thế này.

Nếu ở khu vực nước nông gần đó toàn là loại cá này thì một người bước xuống e rằng sẽ bị cắn đến mức chỉ còn trơ xương. Mà đây chỉ mới là một loại cá, có thể còn có thêm nhiều thứ đáng sợ khác sống ở đó nữa, chả trách ngay cả các chiến sĩ tô-tem của bộ lạc cũng không dám xuống nước.

Vừa nghĩ đến cảnh một đứa bé trong bộ lạc xuống nước sẽ gặp phải cảnh gì, Thiệu Huyền không lạnh mà cũng run cả người.

Hơn nữa, lúc nãy khi anh kéo sợi dây, hình ảnh bất ngờ hiện ra trước mắt hình như chính là cái miệng chi chít răng của con cá này...

Thiệu Huyền quan sát con cá, chợt nhớ đến thời khắc cuối cùng khi còn ở kiếp trước đã nhìn thấy những ảo giác ở bức tường đá bao quanh sơn thôn hẻo lánh ấy.

Hai chiến sĩ đứng bên cạnh thấy Thiệu Huyền cứ ngẩn người ra nhìn con cá, còn tưởng là do Thiệu Huyền đang sợ, không dám tiếp cận sinh vật trông hung dữ này.

Thiệu Huyền lần đầu tiên trông thấy con cá thế này, nhưng hai chiến sĩ kia thì đã có một người từng thấy rồi.

“Khi tôi còn chưa thức tỉnh lực tô-tem, trong một lần theo cha ra bờ sông đã từng nhìn thấy con vật săn này, thầy phù thủy gọi nó là cá. Ở dưới nước rất nguy hiểm, lúc ấy có một phụ nữ trong bộ lạc khi ra bờ sông rửa da thú đã bị cắn đứt mất một cánh tay, cha tôi đã dùng giáo đâm chết một con.”

Chiến sĩ ấy vừa nói vừa nhìn Thiệu Huyền, anh ta không ngờ thằng nhóc này có thể không cần xuống nước mà vẫn lôi được con cá lên, năm xưa cha anh ta phải vô cùng mạo hiểm mới dám xuống nước để cứu người phụ nữ kia lên, chỉ tiếc là cứu không kịp, người phụ nữ ấy đã bị mất một nửa cánh tay. Khoảng thời gian sau đó, phụ nữ bộ lạc không dám ra bờ sông rửa da thú nũa, trừ phi vào mùa khô, khi nước suối trên núi quá khan hiếm, họ mới bất đắc dĩ đến đây lấy nước.

Khi Thiệu Huyền tỉnh táo lại thì con cá bị đâm ấy đã chết rồi.

Chiến sĩ đã đâm cá lúc này rút cây giáo lên, gỡ con cá ra khỏi cây giáo rồi đưa đuôi cá cho Thiệu Huyền.

“Cho cậu, đây là vật săn của cậu. Giỏi lắm! Sau này nhất định cậu sẽ trở thành một chiến sĩ ưu tú!” Nghĩ một hồi, chiến sĩ đó lại nói: “Nhưng cậu đừng nên đến gần nước quá, dưới sông ngoài con vật nguy hiểm này ra vẫn còn nhiều thứ nguy hiểm khác, không phải lần nào cũng may thế này đâu.”

Nhưng mà, nửa tiếng sau, Thiệu Huyền, người vừa được khuyên là “không phải lần nào cũng may thế này đâu” ấy lại dùng đúng cách cũ, kéo từ dưới nước lên một con cá còn to hơn con lúc nãy.

Hai chiến sĩ đứng đó: “...”
Bình Luận (0)
Comment