Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 25

Chuyện Bang Xương dâng con gái nuôi cho Cao Tông khiến cho Thái sư Lý Can rất lo ngại. Đêm ấy, Lý Can về nhà thuật lại cho phu nhân nghe.

Phu nhân cười mỉa mai nói:

- Chỉ vì gian thần không thể chuyên quyền được nên mới lập kế dâng con gái vào cung để dễ bề thao túng.

Lý Can gật đầu:

- Phu nhân nói thật trúng tim đen của lũ gian thần. vậy thì ta phải xem chừng hành động của hắn mới được.

Đang nói chuyện, bỗng thấy có bóng người thấp thoáng dưới thềm. Thái sư bấm trán suy nghĩ hồi lâu rồi “à” một tiếng, gật đầu nói:

- À, ta nhớ ra rồi. Ngươi là Trương Bảo, thế mà lâu nay ta quên hẳn ngươi đi chứ. Chỉ vì nước nhà có nhiều việc bối rối ta phải lo lắng nhiều nên quên mất việc tiến cử ngươi. Thôi, ngươi hãy đi lấy giấy mực ra đây ta tiến cử cho.

Trương Bảo chạy đi lấy giấy mực đem để trên bàn. Lý Thái sư hí hoáy viết một phong thư niêm phong tử tế rồi trao cho Trương Bảo căn dặn:

- Ta tiến cử ngươi cho Nhạc Đô Thống. Ngươi hãy ra đó ở với người, phải hết lòng trung nghĩa, ngày sau sẽ được hưởng bổng lộc.

Trương Bảo lắc đầu tỏ vẻ không bằng lòng:

- Thưa lão gia, con không đi đâu. Người xưa có nói: “Gia đinh của Tể tướng cũng bằng quan thất phẩm”, sao lại đi ở với Nhạc Đô Thống như vậy?

Lý Thái sư cười gằn đáp:

- Nhạc Phi là bậc anh hùng, thật quả là một trang hào kiệt văn võ song toàn mà ngươi chẳng theo, còn đợi theo ai?

Trương Bảo đáp:

- Lão gia đã bảo vậy thì con xin vâng lời. Song nếu có theo người ấy một thời gian mà thấy người không đủ tư cách, con sẽ trở về hầu hạ dưới trướng của Thái sư.

Nói rồi bái biệt Thái sư trở về nhà từ giã vợ con, quảy hành lý và xách thiết côn ra đi.

Ba hôm sau Trương Bảo đến Hoàng Hà, tìm vào dinh nói với quân canh:

- Xin ngươi vào bẩm với quan Đô Thống rằng ta là người của Lý Thái sư ở kinh đô sai đem thư ra cho ngài.

Quân sĩ vào thưa lại, Nhạc Phi cho vào ngay. Trương Bảo vào dinh cúi đầu dâng thư, Nhạc Phi xem xong rồi nói:

- Trương quản gia ơi! Sao ngươi không ở với Thái sư để tìm chỗ xuất thân cho có danh vọng hơn, chính chỗ này khổ sở lắm, ngươi ở sao được! Thôi, ngươi hãy ra phía sau tạm dùng cơm, rồi ta viết một phong thư phúc đáp để ngươi mang về trao lại cho Thái sư.

Trương Bảo theo tên gia đinh vào trong tiêu dinh, trông thấy đồ vật trong dinh, bàn ghế đều làm bằng ván thông đóng thô sơ, chẳng có vật chi đáng giá cả.

Vài phút sau, cơm đã dọn lên, Trương Bảo nhìn qua mâm cơm chẳng có chi là sơn hào hải vị, ngoài đĩa cá, thịt, bát đậu, tô canh và bầu rượu trắng thì không có món gì nữa.

Tên gia đinh bước đến thân mật bảo:

- Xin Trương gia dùng cơm.

Trương Bảo cau mày nói:

- Sao ngươi dọn cho ta sơ sài quá vậy.

Tên gia đinh nói:

- Hôm nay có Trương gia đến đây mới mua những thức ăn này, chứ gia gia tôi ở ngoài này, bữa nào cũng ăn chay mà còn có vẻ không dám ăn nữa là khác. Đến nỗi cứ đến bữa ăn thì gia gia tôi lại quay mặt qua hướng Bắc khóc than rằng: “Thần ở bên này ăn uống no đủ như vậy, không biết Nhị vị thánh thượng bị cầm ở phương Bắc sống ra sao, thần không sao nuốt trôi miếng cơm.” Chẳng có bữa ăn nào mà gia gia tôi không khóc và không nói như vậy.

Trương Bảo nghe thấm ý, hắn gật đầu lia lịa rồi nói:

- Thôi thôi, ta hiểu rồi, đừng nói nữa, để ta ta ăn cơm.

Nói rồi Trương Bảo ngồi xuống ăn vài chục bát cơm trông rất ngon lành.

Uống nước xong, Trương Bảo chạy thẳng ra trước trướng hầu lệnh.

Nhạc Phi nói:

- Thư đã viết rồi, ngươi hãy đem về trao cho Thái sư.

Trương Bảo nói:

- Thưa Đô Thống, tôi chẳng về đâu, vì lệnh của Thái sư rất nghiêm, tôi không dám làm trái. Hơn nữa tôi cảm thấy ở đây tâm hồn sảng khoái, dù khổ cực đến đâu tôi cũng chịu nổi.

Nhạc Phi nói:

- Nếu vậy ngươi hãy ở tạm đây rồi sau sẽ hay.

Nói rồi sai Trương Bảo vào dinh ra mắt Kiết Thanh. Thế là từ đó Trương Bảo ở đó phục vụ Nhạc Phi một cách trung thành, không ai nghe chàng kêu ca khổ sở bao giờ.

Lại nói đến chuyện Trương Bang Xương, sau khi lừa được Thái hậu lấy ngọc tỷ, trước khi dâng lên vua Cao Tông, Bang Xương đã đóng sẵn ấn tỷ vào giấy trắng để làm chiếu giả, phòng khi cần đến.

Hôm ấy Bang Xương làm một đạo chiếu giả sai người mang ra Hoàng Hà triệu Nhạc Phi về.

Nhạc Phi tưởng thật, vội nói với quan Khâm sai:

- Xin Khâm sai về trước, tôi sắp đặt các việc xong xuôi sẽ theo sau.

Khâm sai vội cáo biệt ra về. Nhạc Phi gọi Kiết Thanh vào dặn:

- Nay ta phụng chỉ về kinh, còn e quân Kim có thể vượt sông Hoàng Hà bất thình lình, nên ta muốn tỏ cùng đệ một điều quan hệ, chẳng biết đệ có bằng lòng không?

Kiết Thanh nói:

- Đại huynh có điều gì căn dặn xin cứ việc dạy bảo.

Nhạc Phi nghiêm sắc mặt nói:

- Con sông Hoàng Hà vô cùng yếu trọng, nếu để quân Phiên tràn qua được thì khó mà giữ nổi Kim Lăng và Biện Kinh. Vì vậy trong những ngày ta vắng mặt ở đây, xin phó thác lại cho hiền đệ. Ta rất tin tưởng tài năng của hiền đệ, tuy thế vẫn còn e ngại. Vì vậy lúc ta lĩnh chỉ, ta cấm đệ không được uống rượu, đợi lúc nào ta trở ra đây thì tha hồ mà uống. Nếu hiền đệ bằng lòng, phải lấy chén trà này mà thề trước mặt ta.

Vừa nói, Nhạc Phi vừa rót chén trà trao cho Kiết Thanh. Kiết Thanh tiếp lấy và nói:

- Đệ xin tuân lệnh.

Nói dứt lời, uống hết chén trà. Nhạc Phi lại sai một tên gia tướng sang bên dinh Nguyên soái bẩm:

- Nay Nhạc gia tôi phụng thánh chỉ về triều. Chỉ vì mệnh vua nên không kịp đến đây từ biệt, xin Nguyên soái miễn chấp.

Trước khi ra đi, Nhạc Phi còn dặn dò Kiết Thanh đôi ba lần rồi mới lên ngựa cùng Trương Bảo lên đường.

Đi được nửa đường, bỗng gặp một chiếc cầu sập, phía dưới nước sâu lại chảy xiết không thể qua được, Nhạc Phi hỏi Trương Bảo:

- Hôm trước ngươi từ kinh đô ra, làm sao qua được chỗ này?

Trương Bảo đáp:

- Hôm trước hạ quan qua đây, chiếc cầu này vẫn còn chắc chắn lắm. Không hiểu sao hôm nay lại sập như thế này, thật là lạ lùng.

Nhạc Phi nói:

- Thế thì có lẽ nói mới bị sập đây thôi, ngươi hãy đi mượn một chiếc thuyền thì mới có thể qua được.

Trương Bảo lãnh mệnh đi dọc theo mé sông tìm kiếm nhưng không thấy một chiếc thuyền nào cả. Chàng ngó sang bên kia sông, chợt thấy một chiếc thuyền con đang đậu dưới lùm cây.

Trương Bảo lớn tiếng gọi:

- Bớ đò! Hãy qua đây đón ta sang sông với.

Bên kia, chiếc thuyền con quay mũi từ từ lướt sang. Khi con thuyền gần đến bờ, Nhạc Phi mới thấy rõ người chèo thuyền là mày to mắt lớn, da mặt đỏ bầm, mình cao một trượng, vai rộng lưng tròn, tướng mạo thật là hung dữ.

Thuyền chưa đến bờ, người ấy đã dừng thuyền lại bảo:

- Các người muốn qua sông phải không? Nếu cần thì phải trả giá trước đã.

Trương Bảo hỏi:

- Ngươi đòi bao nhiêu?

- Mỗi người mười lượng, con ngựa cũng mười lượng.

Nhạc Phi nghe nói nghĩ thầm:

- “Thế thì chắc tên này là kẻ đã phá sập chiếc cầu chứ chẳng phải ai khác”.

Trương Bảo nói:

- Ồ, sao mà đắt quá thế? Chúng ta cũng là anh em cả, bớt xuống chút đỉnh có được không?

Người ấy “hừ” một tiếng rồi trầm giọng:

- Giá nhất định như vậy rồi, không thể lên xuống gì nữa được.

Trương Bảo nói:

- Thôi, không hề chi. Ngươi cứ việc đưa ta qua sông rồi ta sẽ trả đủ số cho.

Tên ấy cau mày nghĩ thầm:

- Hắn nói thế là muốn lừa ta đấy, nhưng ta lại sợ hắn sao. Ta đưa hắn qua khỏi sông rồi dù hắn có bay lên trời cũng không thoát khỏi tay ta đâu.

Rồi hắn ngước mặt lên nhìn con ngựa rồi lại chăm chú nhì cái gói trong tay Trương Bảo. Hắn lẩm bẩm một mình: “Cái gói kia coi bộ nặng tay và con ngựa kia cũng tốt, chắc bán được nhiều tiền. Còn viên quan kia coi bộ nho nhã, chắc cũng dễ ra tay. Duy có tên quan hầu kia trong các thớ thịt nổi vồng, chắc hắn có sức mạnh, chi bằng lừa nó bắt con ngựa thì hay hơn”.

Nghĩ đoạn, hắn nói với Nhạc Phi:

- Tôi đưa các người qua sông rồi mới lấy tiền cũng được, ngặt vì thuyền tôi quá nhỏ không thể chở hết một lần được. Thôi để tôi chở ông và con ngựa qua trước rồi sẽ sang chở chú lính kia qua sau.

Trương Bảo nói:

- Ngươi đã chở được một người một ngựa, còn một mình ta đây thêm một chút không được sao? Thôi để ta chịu khó ngồi ghé sau chỗ lái cũng được.

Tên lái thuyền nghĩ thầm:

- “Thế thì thằng này đã tới số rồi, nếu nó ngồi sau lái thì ta chỉ cần hất một cái hắn sẽ té nhào xuống sông ngay, không cần phải ra tay dùng đến võ nghệ làm gì”.

Nghĩ vậy, hắn gật đầu đáp:

- Thế thì ông ráng chịu khổ một lát nhé.

Vừa nói, vừa chèo thuyền vào bờ. Nhạc Phi liền dắt ngựa xuống thuyền, quả nhiên thuyền ấy chỉ có thể chở một người một ngựa là vừa sức. Nhạc Phi để ngựa đứng giữa, chàng ra đứng trước mũi, còn Trương Bảo thì quảy gói bước xuống đứng sau lái, tay cầm côn sắt, mắt gườm gườm nhìn tên chèo thuyền.

Thấy vậy hắn nghĩ thầm:

- “Nó ngó chừng ta mãi, mà ta lại không có binh khí, làm sao ra tay cho được”.

Hắn dịu giọng nói với Trương Bảo:

- Ông làm ơn cầm hộ cây sào cho tôi để tôi lấy bánh ăn lót lòng. Nếu ông có đói bụng xin mời ông ăn với tôi cho vui.

Trương Bảo chủ tâm đề phòng, nhưng vẫn làm ra vẻ thản nhiên đáp:

- Được rồi, ông cứ để đó tôi chèo hộ cho.

Nói rồi để cây côn xuống, cầm mái chèo quạt nước rất thành thạo. Tên lái thuyền liền lật miếng ván lên, rút một con dao sáng ngời.

Trương Bảo vừa thoáng trông thấy đã tung mình nhảy tới dùng chân trái đá trúng cánh tay hắn khiến con dao rơi bõm xuống sông, rồi thuận đà, Trương Bảo bồi thêm một cú đá như trời giáng hất hắn xuống nước.

Nhạc Phi ngồi trước mũi thuyền gọi Trương Bảo nói:

- Hãy coi chừng, hắn ở dưới nước có thể ngầm hại ta đấy.

Trương Bảo vội bỏ mái chèo xuống lấy cây côn làm dầm bơi, chàng nói:

- Để xem hắn có thể làm gì.

Tên lái đò nhô đầu lên trông thấy Trương Bảo lăm le cây côn trên tay nên không dám bới đến gần. Trước mũi thuyền, Nhạc Phi cũng lấy cây Lịch Tuyền thương quạt do đó nước lia lịa.

Chẳng bao lâu con thuyền đã đến bờ bên kia. Nhạc Phi dắt ngựa lên, Trương Bảo cũng quảy gói theo sau. Con thuyền không còn ai nên quay ngang trôi theo dòng nước.

Trương Bảo thấy thế cười khúc khích nói với Nhạc Phi:

- Chắc hắn tức muốn vỡ mật mà không biết làm sao đây. Chuyến này thằng ăn cướp sẽ phải nhớ đến già.

Nhạc Phi lên ngựa ra roi, Trương Bảo quảy gói chạy bộ theo sau. Chạy điều kiện mươi bước, chợt nghe phía sau có tiếng gọi lớn:

- Hai tên kia, hãy trả tiền cho ta, không được chạy đi đâu cả.

Trương Bảo quay lại xem thì thấy tên chủ đò tay cầm chiếc côn đồng đang đuổi theo. Trương Bảo liền đứng lại giơ cao thiết côn lên bảo:

- Này ông bạn ơi! Nếu muốn đòi tiền, hãy hỏi thử cái côn của ta đây xem nó có chịu trả không đã.

Đang lúc giận dữ, lại nghe Trương Bảo nói giọng trịch thượng, hắn bừng bừng sát khí nghiến răng nói:

- Hừ! Mình định vuốt râu cọp hả? Ta bảo cho mà biết, trong thiên hạ này ta chỉ trừ có hai người đi đò ta không lấy tiền, ngoài ra dù cho đương kim Hoàng đế ta cũng không cho thiếu một đồng.

Trương Bảo cười khẩy nói:

- Sao ngươi không kể luôn ta đây cho đủ ba người?

- Tên khốn kiếp, ngươi là kẻ nào mà dám chọc đến ta? Hãy coi chừng cây côn này.

Vừa nói vừa vung công nhắm ngay đầu Trương Bảo đánh xuống, Trương Bảo cũng vận sức đỡ ra. Hai người đánh nhau đến mười mấy hiệp, Trương Bảo bị vướng chiếc gói sau lưng nên xoay xở bất tiện, coi bộ gần muốn thua. Nhạc Phi thấy thế liền giục ngựa xốc lại lấy thương đè hai cây côn xuống nạt lớn:

- Hãy dang ra!

Tên chủ đò nói:

- Dù hai đứa bay có hiệp lực cũng không làm gì nổi ta đâu.

Nhạc Phi cứ đè chặt hai cây côn, nói:

- Hãy khoan đánh đã, vì ta muốn hỏi một điều. Lúc nãy nghe ngươi bảo rằng trong thiên hạ này ngoại trừ hai người không lấy tiền đò, vậy hai người ấy là ai hãy cho ta biết.

Hắn đáp:

- Một là vị Thái sư trong triều tên Lý Can, ta không lấy tiền đò vì người ấy là một đại trung thần.

Nhạc Phi vội hỏi:

- Còn người thứ hai là ai?

- Còn một người nữa ở tại Thang Âm huyện, tên là Nhạc Phi ta cũng không lấy tiền, vì người ấy là đệ nhất anh hùng trong thiên hạ.

Trương Bảo nói:

- Nếu thế thì hay lắm, sao không kể luôn ta vào cho đủ ba người?

Chủ đò cau mày:

- Ngươi đứng vào hạng nào mà dám bảo ta kể luôn đến ngươi vào đây?

Trương Bảo giơ tay chỉ Nhạc Phi nói:

- Ngươi đã không lấy tiền đò Nhạc gia ta đây, chẳng lẽ ngươi lại lấy tiền một mình ta sao?

Hắn trố mắt nhìn Trương Bảo:

- Ngươi bảo ai là Nhạc Phi? Ngươi muốn lừa ta để quỵt tiền đò phải không?

Nhạc Phi lên tiếng nói:

- Chính ta đây là Nhạc Phi đang trấn thủ Hoàng Hà để ngăn ngừa quân Kim, nay có chiếu chỉ của Hoàng thượng nên phải về kinh gấp. Chẳng hay tráng sĩ làm sao biết được tên ta mà cảm mến làm vậy?

Người lái đò nhìn sững Nhạc Phi hồi lâu rồi nói:

- Nếu vậy, ngài là người năm nọ đã đâm chế Tiểu Lương vương đó sao?

Nhạc Phi gật đầu:

- Đúng đây, chính ta đây.

Người chủ đò vội quăng cây côn xuống đất sụp lạy:

- Tôi có lòng ngưỡng mộ đại nhân, từ lâu muốn đi theo ngài, nhưng không có dịp. Nay may mắn được gặp ngài đây, do không biết nên đã xúc phạm, xin ngài dung thứ và thu dụng, tôi tình nguyện đi theo hầu ngài trọn kiếp.

Nhạc Phi nói:

- Tráng sĩ hãy đứng dậy, đừng lạy lục như vậy. Hãy vui lòng cho ta biết tên họ và quê quán ở xứ nào? Vì lý do gì muốn đi theo ta?

Người chủ đò đáp:

- Tôi sinh trưởng tại Dương Tử giang, họ Vương tên Hoành, xưa nay chuyên buôn bán hàng lậu ở bờ sông này để kiếm kế sinh nhai. Vì ham cờ bạc và uống rượu nên có đồng nào là tiêu hết. Bây giờ hồi tâm lại, muốn lo lập công danh sự nghiệp.Tôi nghe danh ngài đã lâu, muốn tìm để theo, ngặt một nỗi trong lưng không có tiền lộ phí nên ra sức phá cái cầu này để đưa đò kiếm tiền đi tìm ngài. Không ngờ lại gặp ngài nơi đây, thật là may mắn cho tôi biết chừng nào.

Nhạc Phi nói:

- Trên đời này ít kẻ thành tâm như ngươi, vậy ngươi hãy theo ta đặng phò giang san nhà Tống mà lập thân.

Vương Hoành nói:

- Tôi chẳng ham giàu sang phú quý, chỉ muốn theo hầu ngài cho đến trọn kiếp là mãn nguyện lắm rồi.

Nhạc Phi lại hỏi:

- Nhà cửa ngươi ở đâu? Cha mẹ còn cả chứ?

Vương Hoành đáp:

- Cha mẹ tôi mất sớm, chỉ có vợ và một con trai tên Vương Bưu ở trong túp lều xiêu vẹo sống gần bên mé sông phía trước đây. Chúng nương dựa với người cậu nghèo, rau cháo qua ngày. Hiện còn mấy lượng bạc giấu dưới khoang thuyền, để tôi lấy đem về cho vợ con, còn tôi thì đi theo gia gia.

Trương Bảo nói:

- Nếu muốn theo thì đi phắt cho rồi, chớ nên về nhà bịn rịn vợ con mà làm chi.

Nhạc Phi lườm Trương Bảo và nói với Vương Hoành:

- Thôi ngươi hãy về nhanh lên, chúng ta sẽ đứng đây đợi nhé!

Vương Hoành vội xuống đò lấy bạc rồi chạy thẳng về nhà từ giã vợ con, lấy áo quần gói lại khoác trên vai chạy theo Nhạc Phi.

Trương Bảo nói với Vương Hoành:

- Gia gia đi ngựa còn ta chạy theo cũng không kịp, chỉ sợ ngươi theo không nổi. Vậy hãy trao cái gói trên vai đó để ta quảy giúp cho.

Vương Hoành nói:

- Ta có thể gánh nặng ba bốn trăm cân và đi một ngày đến bốn năm trăm dặm không thấy mệt, huống chi cái gói này có đáng là bao. Ta xem cái gánh của ngươi có phần nặng hơn đấy. Chi bằng chia hai mỗi đứa một nửa mang đi tiện hơn.

Hai người cứ giằng co mãi, Nhạc Phi chẳng biết tính sao, cuối cùng chàng nói:

- Thôi để ta giục ngựa chạy trước xa, rồi hai người ra sức chạy theo xem thử ai chạy tới trước cho biết. Kẻo khoe khoang mãi thì biết ai hơn ai?

Trương Bảo reo lên:

- Thế thì hay lắm!

Nhạc Phi giục ngựa chạy xa gần tám trượng thì dừng lại, Vương Hoành và Trương Bảo ở sau chạy theo. Chỉ một khắc sau Vương Hoành chạy đến sau ngựa thì Trương Bảo đã đến đầu ngựa, thế là hai người chỉ hơn kém nhau mấy bước.

Nhạc Phi cười ha hả nói:

- Hai đứa bay thật xứng đôi quá. Vậy thì từ nay ta gọi Mã Tiền Trương Bảo và Mã Hậu Vương Hoành nhé.

Rồi ba thầy trò dắt nhau ra đi, dọc đường nói nói cười cười chẳng mấy chốc đã đến kinh sư.

Vừa đến cửa thành thì gặp Trương Bang Xương. Nhạc Phi vòng sang một bên lánh mặt, chẳng dè Trương Bang Xương trông thấy vội cho dừng kiệu lại niềm nở hỏi:

- Có phải Nhạc Tướng công đó không?

Nhạc Phi buộc lòng phải xuống ngựa ra trước kiệu chắp tay nói:

- Tôi không ngờ Trương Thừa tướng đi đến nên chẳng kịp thi lễ, mong ngài miễn chấp.

Trương Bang Xương nói:

- Tướng quân chớ nên nhớ lại việc xảy ra ở võ trường khi trước mà ngại ngùng làm gì. Hôm nay Bang Xương này đã dốc lo việc nước nên mới bảo cử tướng quân về kinh mà phong soái, thánh thượng cũng có lòng trông đợi tướng quân lắm vậy. Vậy thì sẵn đến đây, tướng quân hãy theo tôi vào triều kiến giá.

Rồi Bang Xương sai gia nhân xách đèn lồng theo. Vừa đến lầu Phân Cung, Bang Xương quay lại nói:

- Tướng quân hãy ở đây đợi chỉ, để tôi vào tâu cho thánh thượng hay.

Nhạc Phi vâng lời dừng chân lại. Bang Xương bước vào Phân Cung rồi bí mật sang bên kia, bảo người đến báo tin cho Hà Hương hay.

Lúc ấy Hà Hương đang ở trong cung ăn uống với Cao Tông, bỗng nghe quan Thái giám báo tin ấy. Hà Hương bèn thừa lúc Cao Tông đã quá chén lại thấy trăng tỏ, liền quỳ xuống tâu:

- Từ ngày thiếp vào cung đến nay chưa được biết hết các cung điện, nhân nay có trăng sáng, mát mẻ, xin bệ hạ dắt thiếp đi xem cho cho biết.

Cao Tông nói:

- Khanh muốn đi xem thì phải truyền bày xa giá, đi xem lầu Phân Cung trước đã rồi sẽ xem mấy cung kia.

Khi xa giá đi đến lầu Phân Cung, Nhạc Phi đang đứng mong chờ, chợt thấy đèn đuốc sáng ngời, loan giá vừa đi tơi, chàng nghĩ thầm:

- Vậy thì quyền thế của Trương Bang Xương vẫn còn lớn.

Rồi bước tới quỳ lạy:

- Tôi là Nhạc Phi xin tiếp giá.

Quan Nội giám vùng hô lớn lên:

- Có thích khách! Có thích khách!

Ngự lâm quân liền ra bắt Nhạc Phi trói lại. Cao Tông nghe vậy thất kinh vội truyền hồi cung lập tức và hỏi:

- Thích khách là ai vậy?

Nội giám tâu:

- Thích khách là Nhạc Phi.

Hà Hương nói:

- Nếu quả là Nhạc Phi thì phải chém đầu!

Lúc ấy vua Cao Tông đã say mèm không còn biết gì nữa cả, chỉ nghe lõm bõm tiếng của Hà Hương:

“Hôm trước triệu hắn về kinh, hắn nghịch chỉ không chịu về. Nay tự nhiên lại về, vào đến chốn thâm cung này hành thích.Xin bệ hạ hãy lệnh xử trảm hắn cho đúng quốc pháp”.

Nhà vua truyền lệnh dẫn Nhạc Phi ra pháp trường chém ngay lập tức!
Bình Luận (0)
Comment