Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 6

Nhạc Phi dắt con ngựa ra ngoài chỗ trống trải ngắm nghía hồi lâu, quả con ngựa không có điểm nào đáng chê bai được cả. Thân nó cao gần một trượng, bốn móng tròn vo, đầu thon mắt ngời lên như thủy tinh, lưng rộng, đuôi thon đẹp đẽ muôn phần, chỉ có bộ lông nó lem luốc không biết là sắc lông gì.

Nhạc Phi gọi tên giữ ngựa đến bảo:

- Ngươi hãy đem con ngựa này xuống ao tắm rửa sạch sẽ cho ta.

Tên giữ ngựa lè lưỡi lắc đầu ra vẻ sợ hãi không dám lại gần. Nhạc Phi biết ý bèn đem hàm thiếc khớp miệng ngựa lại, tên giữ ngựa mới dám dắt đi tắm.

Khi tắm rửa sạch sẽ, Nhạc Phi mới thấy con ngựa ấy sắc kim, chàng mừng rỡ vô cùng, dắt đến tạ ơn nhạc phụ.

Quan huyện Lý Xuân cho đem yên cương thắng vào, ông ngắm đi ngắm lại tấm tắc khen con tuấn mã hiếm có trên đời. Ông Châu Đồng cũng nói:

- Đúng là “vật các hữu chủ”, ta mừng cho con được vinh hạnh làm chủ con vậy quí giá ấy.

Sau đó cha con Châu Đồng từ giã quan huyện Lý Xuân ra về. Quan huyện cùng lên ngựa tiễn khách ra khỏi thành mới trở lại.

Trên đường về, Châu Đồng bảo Nhạc Phi:

- Sao con không cho nó chạy nước đại xem thế nào?

Nhạc Phi vâng lời, thúc hai chân vào hông và ra roi, thức thì con ngựa cất bốn vó chạy như bay. Châu Đồng cũng cố thúc ngựa đuổi theo, nhưng không tài nào theo kịp.

Về đến nhà, Nhạc Phi vội vã đem ngựa về trình cho mẹ hay, chàng nói:

- Nhạc phụ con tặng cho con ngựa để gọi là chút tình phụ tử.

Bà An Nhân mừng rỡ và cảm ơn Châu tiên sinh đã có lòng nâng đỡ con mình.

Hôm ấy Châu Đồng về đến nhà, bỗng nghe trong mình bứt rứt khó chịu, đôi mắt hoa lên, trong đầu nhức nối, đứng ngồi không yên. Nhạc Phi hay tin, vội đến hầu hạ suốt ngày đêm không rời nửa bước. Chàng hết sức chạy thuốc thang, nhưng bệnh tình dưỡng phụ mỗi ngày một trầm trọng. Mấy cha con các vị viên ngoại cũng đến góp phần chăm sóc song vẫn không hiệu quả.

Châu Đồng bảo Nhạc Phi đem chiếc rương của mình ra soạn đồ đạc cho ông xem rồi ông sa nước mắt nói:

- Chư viên ngoại ôi, hôm nay tôi đã đến ngày tận số rồi, lẽ ra trước phút lâm chung tôi phải có món gì đáng giá tặng cho Nhạc Phi để gọi là chút tình phụ tử trong giờ phút sinh ly tử biệt này. Song tôi chỉ là kẻ phiêu bạt giang hồ chỉ có vài bộ quần áo để dành làm hậu sự mà thôi.

Ba ông viên ngoại đồng thanh đáp:

- Xin tôn huynh hãy an dưỡng tấm thân, đừng lo nghĩ gì cả. Dầu cho tôn huynh có bề gì, chúng tôi nỡ lòng nào để cho một mình Nhạc Bàng Cử lo liệu hay sao?

Châu Đồng lại quay qua nói với Vương viên ngoại:

- Tôi thấy phía Đông Nam núi Lịch Tuyền có hòn núi nhỏ cao ráo, tôi muốn an giấc tại đó, mà Vương Quới bảo đó là đất của hiền đệ, vậy hiền đệ hãy vui lòng để cho tôi nằm ở đó nhé?

- Được lắm, chúng tôi sẵn sàng vâng theo lời tôn huynh chỉ dạy.

Châu Đồng giơ tay ra hiệu bảo Nhạc Phi lạy tạ rồi điểm một nụ cười trên đôi môi khô héo. Ông ta nấc lên mấy cái rồi trút hơi thở cuối cùng.

Lúc bấy giờ vào đời Tuyên Hòa năm thứ mười một, ngày mười bốn tháng chín. Châu Đồng hưởng thọ được bảy mươi chín tuổi. Nhạc Phi thương tiếc nằm lăn ra khóc sướt mướt, ai nấy đều rơi lụy thương cho con người tài ba lìa bỏ cõi trần.

Ba ông viên ngoại lo tẩm liệu và đón nhà sư đến làm lễ thất trai, thất tuần xong mới đem đến núi Lịch Tuyền mai táng.

Nhạc Phi lo cất nhà mồ và ngày đêm ở đó gìn giữ. Ba ông viên ngoại cũng sai con mình đến đó bầu bạn với Nhạc Phi cho khuây lãng.

Ngày tháng đi nhanh như bóng câu qua cửa, mới đây mà đã đến tháng ba rồi. Trong tiết thanh minh, ba ông viên ngoại mang hương hoa, trà quả đến núi Lịch Tuyền trước là viếng thăm phần mộ, sau khuyên giải Nhạc Phi.

Ba ông viên ngoại nói:

- Nay Bàng Cử còn mẹ già ở nhà không ai nuôi dưỡng, ở đây mãi như vậy sao tiện? Hãy sắm sửa về nhà ngay mới phải.

Nhưng Nhạc Phi vì quá thương Châu Đồng nên không chịu về. Vương Quới nói:

- Cha không nên khuyên giải làm gì vô ích, để chúng con làm một kế, nhất định Nhạc Phi phải về ngay.

Dứt lời, Vương Quới quật ngã cây cột, Trương Hiền xô mái, Thang Hoài bẻ kèo, chỉ trong nháy mắt phá tan căn nhà. Túng thế, Nhạc Phi mới chịu trở về.

Ba ông viên ngoại nói:

- Chúng ta về trước, ba con hãy ở lại cùng về với Bàng Cử cho có bầu có bạn.

Dứt lời cả ba đều tung mình lên ngựa dời khỏi núi Lịch Tuyền. Vương Quới bảo gia đinh mang rượu ra uống cho giải buồn.

Thang Hoài vừa nâng chén vừa nói:

- Lâu nay bác ở nhà trông đợi, hôm nay Nhạc đại huynh trở về chắc là bác mừng lắm đấy.

Trương Hiền nói:

- Thầy ta vội khuất bóng bỏ lại anh em ta văn võ vẫn còn tầm thường lắm nên không dám mộng tưởng đến hai chữ công danh, riêng có Nhạc đại huynh thì chắc chẳng chóng thời chầy cũng chiếm được bảng vàng làm vẻ vang dòng họ.

Nhạc Phi thở dài nói:

- Nay dưỡng phụ ta qua đời rồi, ta còn lòng nào mơ tưởng đến công danh nữa!

Vương Quới nói:

- Đại huynh mà còn vô tâm vọng tưởng như vậy thì anh em tôi đây còn mong tưởng gì đến việc ấy?

Bốn anh em đang trò chuyện, bỗng nghe bên ngoài có tiếng động. Vương Quới lật đật bước ra xem thì thấy một người từ trong đám lau chui ra vẻ mặt lơ láo, chàng vội nhảy đến chộp lấy cánh tay quát hỏi:

- Ngươi là ai? Lén lút trong bụi này để làm gì?

Tên ấy run lẩy bẩy sụp lạy lia lịa, miệng van lạy:

- Xin đại vương tha tội cho.

Nhạc Phi thấy thế vội bước tới quát Vương Quới:

- Hãy buông người ta ra ngay. Dọa làm gì cho người ta sợ hãi đến thế?

Rồi chàng ôn tồn hỏi người ấy:

- Anh em ta nhân dịp thanh minh đi tảo mộ sao ngươi lại gọi là đại vương?

Tên ấy nhìn thẳng vào mặt Nhạc Phi hồi lâu mới nói:

- Thế ra chư vị tướng công là người đi chơi thanh minh sao? Thế mà tôi cứ tưởng...

Bấy giờ người ấy mới hết sợ, vội chui vào bụi rậm gọi đồng bọn bước ra. Cả bọn có đến hai mươi người, kẻ mang gói, người quảy đồ ai nấy đều cúm rúm ra vẻ sợ hãi lắm.

Tất cả đều đồng thanh bảo bọn Nhạc Phi:

- Chư vị tướng công chớ nên chơi lâu chốn này vì phí trước đây là xóm Loạn Thảo Cang có kẻ cướp nguy hiểm. Chỗ ấy trước đây yên ổn lắm, nhưng chẳng hiểu tại sao gần đây lại có ăn cướp chặn đường người qua, kẻ lại. Hiện giờ bọn chúng còn đang chặn một tốp người đi buôn, toan cướp của, chúng tôi thấy thế sợ quá vội lẻn qua đây trốn tránh, lại gặp chư vị ngỡ là đồng bọn với kẻ cướp nên mới sợ hãi đến thế.

Nhạc Phi hỏi:

- Thế các người định đi đâu vậy?

- Thưa chúng tôi là người đi buôn muốn đến Hoàng huyện.

Nhạc Phi bảo:

- Từ đây đến Hoàng huyện đường sá trống trải lắm rồi, các người cứ việc đi đi, không sao đâu.

Bọn khách buôn nghe nói mừng rỡ vội bái biệt lên đường. Nhạc Phi quay lại bảo ba anh em:

- Thôi, chúng ta sửa soạn đi về cho sớm.

Vương Quới thưa:

- Thưa đại huynh, từ bén đến giờ tiểu đệ chưa từng thấy tên ăn cướp ra thế nào cả, sẵn dịp này anh em ta đến đó xem cho biết.

Nhạc Phi nói:

- Quân ăn cướp, hắn cũng là người, nhưng lòng dạ độc ác tàn bạo, không muốn làm ăn lương thiện, chỉ biết ẩn núp chốn núi non rừng rậm để cướp giật của người khác, như vậy có tốt gì mà đi xem cho bẩn mắt?

Vương Quới vẫn năn nỉ:

- Thì đại huynh hãy cho tiểu đệ đi xem một chuyến thử nào!

Trương Hiền cũng muốn đi nên vội xen vào:

- Nếu có đi thì chúng ta bẻ mỗi ngà một nhánh cây để hộ thân, chẳng lẽ bốn anh em ta sợ chúng nó sao?

Thang Hoài cũng muốn đi nên nói khích:

- Chốn ấy dù có thiên binh vạn mã chúng ta cũng chẳng sợ thay, huống hồ một lũ ăn cướp thì việc gì mà chúng phải lo ngại? Hơn nữa chúng ta toàn là những tay hào kiệt mà đã nghe người ta mắc nạn há lại làm ngơ đi sao? “Thấy điều nghĩa không làm sao gọi là anh hùng hảo hán?”.

Nhạc Phi đang lúc buồn bực không muốn can dự việc gì cả, song thấy ba người bạn đều cương quyết như vậy, chàng nghĩ thầm:

- “Ba người đã muốn như vậy, nếu ta không chiều lòng, ta sẽ bị khinh là hèn nhát”.

Nghĩ đoạn, chàng bảo kẻ tùy tùng mang hành lý về trước, còn mấy anh em mỗi người đi bẻ một nhánh cây vừa cầm tay rồi cùng thẳng đến Loạn Thảo Cang.

Đến nơi, chợt thấy một tên ăn cướp mặt đen như than, thân hình to lớn lạ thường đang ngồi chễm chệ trên con ngựa ô, hai tay cầm song đoản đao. Hắn mặc áo giáp thiết tỏa liên hường, đầu đội thiết khôi, đứng hiên ngang giữa đường chặn một tốp khách buôn độ mười lăm người.

Tên cướp trợn mắt hét lên:

- Hãy gom góp hết tiền bạc nộp cho ta thì mới mong ta tha chết cho.

Bọn khách buôn run lẩy bẩy quỳ mọp hai bên đường năn nỉ:

- Nhờ đại vương bao dung, chúng tôi toàn là kẻ đi làm thuê làm mướn, tay làm hàm nhai, trong túi rỗng không biết lấy chi nạp cho đại vương?

Tên ăn cướp cười to lên như quỉ hú và trầm giọng:

- Nếu các người nhất định không chịu nạp tiền thì chớ trách ta sao ra tay độc ác.

Nhạc Phi thấy thế quay lại khẽ bảo:

- Mấy anh em hãy đứng đây để một mình ta đến đó trước, xem sự thể ra sao đã.

Thang Hoài nói:

- Tôi xem tên ăn cướp kia dữ dằn lắm, mà huynh trưởng không có khí giới trên tay làm sao chống cự lại nó?

Nhạc Phi thản nhiên đáp:

- Ta sẽ dùng lời lẽ thuyết phục hắn, chừng nào không được mới dùng đến võ lực. Lúc ấy các đệ sẽ xông đến tiếp chiến chứ lo gì.

Dứt lời, Nhạc Phi ung dung bước đến trước mặt tên ăn cướp ôn tồn gọi:

- Kìa hảo hán, xin hãy vị tình tôi mà tha cho bọn người khốn khổ kia một lần đi.

Tên cướp quay sang trông thấy Nhạc Phi tướng mạo phương phi, mặt đẹp như hoa, ra dáng một thư sinh, hắn há hốc mồm cười khanh khách:

- Hà hà... Chính bản thân người cũng vậy, hãy trao tiền cho ta gấp, bằng không thì phải chịu chung số phận như bọn người kia.

Nhạc Phi vẫn không chút giận dữ, chàng mỉm cười đáp:

- Tôi biết lắm, tục ngữ có câu: “Ở nước nhờ nước, ở rừng nhờ rừng. Làm nghề chi phải thời nghiệp ấy”. Tôi đã đi qua đây tất nhiên phải chuẩn bị nạp tiền rồi, cần gì phải đòi hỏi nữa?

Tên cướp lộ vẻ ngạc nhiên nhìn thẳng vào mặt Nhạc Phi hồi lâu rồi dịu giọng:

- Hay lắm, thế mới đúng là người biết điều chứ.

Nhạc Phi tiếp:

- Chẳng giấu chi, tôi vốn là kẻ buôn bán lớn, đoàn xe chở hàng hóa hãy còn đi sau, đợi một tí nữa xe đến tôi dâng hàng hóa và vàng bạn cho, còn bọn người này toàn là những kẻ khốn nhổ, tiền bạc có bao nhiêu mà hảo hán phải nhọc công đòi hỏi?

Tên cường đạo nghe Nhạc Phi nói êm tai, ngỡ thiệt phất tay ra hiệu cho phép bọn khách buôn đi qua.

Cả bọn mừng rỡ lạy tạ rồi vội vã chạy thẳng một mạch không dám ngoái cổ lại.

Đứng đợi hồi lâu không thấy, tên cướp hỏi Nhạc Phi:

- Xe chở hàng của ngươi đâu, sao lâu đến thế? Ngươi có bao nhiêu tiền trong túi hãy mang trao trước đây đã.

Nhạc Phi cười gằn đáp:

- Theo tôi còn có ba đứa tùy tùng nữa, chẳng biết chúng có bằng lòng trao tiền cho ông không.

Tên cướp xoe tròn đôi mắt hét:

- Ba đứa nào, chúng ở đâu mà không ra đây?

Nhạc Phi đưa tay trỏ Vương Quới, Trương Hiển và Thang Hoài đang đứng ngoài xa, bảo:

- Ba đứa kia kìa, nếu ngươi thắng được chúng, ta sẽ trao hàng hóa tiền bạc cho ngươi, bằng không thì đừng mơ ước hão huyền.

Tên cướp nổi giận xung thiên, hét:

- Nếu có đánh thì đánh với ngươi chứ ta đường đường thế này lại đánh với kẻ tùy tùng ngươi sao? Hừ, ngươi dám cả gan vuốt râu cọp ư? Được, ta sẽ cho ngươi biết tay ta, nhưng ta có thiết đoản trong tay còn nhà ngươi tay không, có thắng cũng chẳng anh hùng gì.

Dứt lời, hắn treo thiết đoản trên lưng ngựa rồi nhảy xuống đất dùng hai tay không nhắm ngay mặt Nhạc Phi đấm một quả thật mạnh quyết hạ ngay đối thủ ngay tại chỗ. Nhưng Nhạc Phi vẫn xem thường, chàng không đưa ta ra đỡ mà chỉ tránh qua một bên khiến tên cướp đánh hụt, quả đấm vụt vào không khí phát lên một tiếng “vù” nghe ghê rợn.

Tên cướp đánh hụt giận quá, hắn xoay mình vận hết thần lực bồi thêm một quả nữa. Nhạc Phi cũng chẳng thèm đỡ gạt, chàng phóng mình né sang bên tả khiến tên cướp mất thăng bằng, thừa dịp chàng đá một ngọn cước, tên cướp văng nhào ra xa.

Anh em Vương Quới đứng đằng xa thấy thế cùng vỗ tay khen ngợi, khiến tên cướp lồm cồm ngồi dậy vừa xấu hổ vừa tức giận, hắn rút gươm giơ lên toan tự vẫn.

Nhạc Phi vội nhảy tới ôm chặt hắn lại, hỏi:

- Hảo hán làm cái gì là vậy?

Tên cướp nói trong tiếng nghẹn:

- Từ xưa tới nay ta chưa bao giờ bị thảm hại đến nước này, ta nhục nhã quá còn sống làm sao được nữa.

Nhạc Phi khuyên nhủ:

- Sao hảo hán lại nóng nảy thế? Chỉ vì ngươi bị mất thăng bằng nên té ngã chứ chúng ta đã giao đấu với nhau đâu? Đừng liều mình như vậy, chết oan mạng lắm.

Tên cướp bị Nhạc Phi nắm chặt cố sức vùng vẫy mà không nhúc nhích nổi, hắn biết đối phương có thần lực phi phàm nên vội hỏi:

- Chẳng biết tôn huynh danh tính là chi, quê quán ở đâu xin cho đệ biết với.

Nhạc Phi vội đáp:

- Ta họ Nhạc tên Phi, hiện ngụ tại làng Kỳ Lân.

- Tôn huynh là người ở làng Kỳ Lân?

- Phải đấy.

- Thế tôn huynh có biết ông Châu Đồng không?

Nhạc Phi ngạc nhiên buông tên cướp ra nhìn thẳng vào mặt hắn đáp:

- Ông ấy chính là dưỡng phụ tôi, nhưng tại sao ngươi biết mà hỏi?

Tên cướp gật đầu mấy cái và nói:

- Hèn chi võ nghệ tôn huynh cao cường cũng phải. Tôi có ngờ đâu tôn huynh lại là con của Châu tiên sinh, sao tôn huynh không nói trước để cho tôi thất lễ như vậy?

Dứt lời, hắn quì xuống lạy Nhạc Phi và xin lỗi. Nhạc Phi vội cúi xuống đỡ dậy rồi cùng nhau ngồi xuống đất chuyện vãn.

Tên cướp nói:

- Chẳng giấu chi tôn huynh, tôi chính là người ở Hiệp Tây tên Ngưu Cao, cha tôi vốn xuất thân nhà võ. Lúc người sắp qua đời có dặn bảo mẹ tôi phải đem con đi tìm ông Châu Đồng thọ giáo thì sau này con mới nên danh phận được. Vì thế mẹ con tôi lìa bỏ quê hương đi tìm cho gặp mặt Châu tiên sinh.

Dọc đường tôi hỏi thăm người ta mới biết tiên sinh hiện ở làng Kỳ Lân thuộc Hoàng huyện nên tôi lần đến đây, bỗng gặp một bọn cướp đón đường. Tôi đánh chết thằng đầu đảng của nó, đoạt lấy khôi giáp và ngựa, còn dư đảng của chúng tôi đuổi đi hết.

Sau đo tôi thấy ở đây địa thế hiểm trở, lại có con đường đi qua tấp nập khách buôn nên thầm nghĩ:

“Nếu như may mắn gặp được Châu tiên sinh mà trong mình không có một xu, biết lấy chi nuôi sống để theo đuổi học hành?”

Nên tôi thừa dịp ở đây đón khách qua đường đoạt chút ít tiền bạc, trước là để nuôi miệng, sau là có dư làm lễ ra mắt thầy. May thay gặp tôn huynh ở đây, xin tôn huynh hãy theo tôi ra mắt mẹ tôi đặng mẹ con tôi cùng theo tôn huynh đến bái kiến tiên sinh cho tiện.

Nhạc Phi nghe qua lấy làm cảm kích, chàng đáp:

- Thế thì hay lắm, song tôi còn mấy người anh em bạn kia, để tôi gọi qua đây giới thiệu cho biết mặt.

Ngưu Cao dẫn anh em Nhạc Phi đến một hang đá gặp mẹ già và kể lại câu chuyện vừa xảy ra cho me. Bà ta mừng rỡ vội bước ra tiếp và mời anh em Nhạc Phi vào động.

Sau khi mời an tọa, bà ta bày tỏ gia cảnh chẳng khác nào lời bày tỏ của Ngưu Cao lúc nãy.

Nhạc Phi nghe nói động lòng gạt lệ, thưa:

- Dưỡng phụ của tôi đã lìa trần từ hôm tháng chín năm ngoái.

Ngưu mẫu nghe nói lấy làm đau xót, bà nước mắt than:

- Tôi vâng lời di chúc của tiên phu tôi, chẳng ngại đường xa muôn dặm tìm cho được tiên sinh; chẳng may đến đây tiên sinh đã qua đời, thật tôi vô phúc quá. Con tôi chắc bị thất giáo, còn mong chi hai chữ công danh.

Nhạc Phi khuyên nhủ:

- Xin lão mẫu bớt cơn phiền muộn, thật ra tài ba của tôi chẳng bằng dưỡng phụ tôi thật, song tôi cũng được người truyền dạy ít nhiều. Vậy nay lão mẫu đã đến đây rồi thì xin hãy về nhà tôi tá túc cho Ngưu đệ tiện bề luyện văn, tập võ với anh em chúng tôi.

Ngưu mẫu nghe nói thì vô cùng sung sướng, đổi buồn làm vui tỏ lời cảm tạ Nhạc Phi rối rít.

Ngưu Cao đỡ mẹ lên ngựa rồi cùng bọn Nhạc Phi trở về Vương gia trang.

Đến nơi Ngưu mẫu làm lễ ra mắt bà An Nhân rồi mời ba ông viên ngoại đến tỏ bày hoàn cảnh của mình . Ai nấy cũng đều cảm kích thương mến con người biết tầm sư học đạo.

Sau đó chư viên ngoại truyền dọn cơm mời mẹ con Ngưu Cao rồi để Ngưu mẫu ở chung với bà An Nhân cho có bạn sớm khuya trò chuyện.

Ngưu mẫu chọn ngày lành tháng tốt cho Ngưu Cao lạy Nhạc Phi kết nghĩa anh em rồi theo Nhạc Phi luyện tập văn chương và võ nghệ.

Một hôm, năm anh em Nhạc Phi đang thao luyện võ trong vườn Vương gia trang, Vương Quới thoáng thấy có kẻ rình xem, chàng bước ra trỏ mặt người ấy quát lớn:

- Ngươi ở đâu? Đến nhà người ta dòm ngó điều chi?

Người ấy giật mình bước vào vòng tay tay thi lễ đáp:

- Tôi là Lý trưởng sở tại đến đây có việc quan, nhưng thấy chư vị đang thao luyện võ nghệ, sợ quấy rầy chư vị nên đứng đây chờ đợi, sẵn xem chơi chớ chẳng phải kẻ gian phi.

Vương Quới lại hỏi:

- Việc quan là việc gì?

- Thưa có văn thư của Tiết Đạt Đô Viện sứ là Lưu đại nhân ở Tương Châu gửi đến.

Nói rồi trịnh trọng đưa tờ văn thư cho Nhạc Phi. Nhạc Phi giở ra đọc rồi mừng rỡ nói với mọi người: Ngài Đô Viện sứ triệu tập các võ sĩ phải tề tựu đến tỉnh để khảo thí. Khi đậu rồi mới đến kinh đô tranh tài giành chức Võ Trạng nguyên.
Bình Luận (0)
Comment