Nhấn Chuông Đi, Đừng Đợi!

Chương 6

6

CÂU HỎI: Tập thơ số chín thuộc Khúc dạo đầu của Wordsworth có một lời cổ vũ: “Bình minh đến mà còn sống là hạnh phúc tột cùng...”?

TRẢ LỜI: Nhưng tươi trẻ mới thật là thiên đường.

***

Khi bình minh của một ngày mới đến, thật đáng buồn khi nó cũng giống bình minh của ngày cũ.

Thậm chí còn không phải là bình minh, bây giờ đã 10 giờ 26 phút sáng. Tôi nghĩ hôm đầu tiên mình sẽ thức dậy tràn trề sinh lực, khôn ngoan và hăng hái học tập, nhưng thay vào đó tôi vẫn giống thường lệ; xấu hổ, tự căm ghét mình, buồn nôn, và mơ hồ cảm thấy là lúc thức dậy thường không nên trong tình trạng thế này.

Tôi cũng hơi bực vì rõ ràng ai đó đã vào phòng khi tôi đang ngủ, nhét nỉ vào miệng tôi và sau đó đóng dấu lên đầu tôi. Tôi đau nhức khi cử động, nên đành nằm nghỉ một lát và đếm xem đã bao nhiêu đêm liên tiếp mình đi ngủ trong cơn say, và tính ra con số áng chừng khoảng 103. Và con số này đáng lẽ còn lớn hơn nếu như không phải trước đây có lần tôi bị viêm amiđan. Tôi tính đến khả năng có lẽ mình mắc chứng nghiện rượu. Thỉnh thoảng tôi có nhu cầu xác định bản thân là người này hay người khác, và nhiều lần trong đời tự hỏi mình có phải là người Goth, người đồng tính luyến ái, người Do Thái, người Công giáo hay một người bị rối loạn thần kinh, hoặc giả tôi là con nuôi, tim có một lỗ hổng, hay có khả năng dịch chuyển đồ vật bằng sức mạnh ý chí không, và thật buồn làm sao, tôi thường xuyên rút ra kết luận rằng tôi chẳng là ai trong số đó cả. Thực tế thì tôi hoàn toàn không phải bất cứ thứ gì. Tôi thậm chí còn không phải là một “trẻ mồ côi”, không phải theo đúng nghĩa đen của nó, nhưng “kẻ nghiện rượu” nghe vẫn có vẻ hợp nhất. Còn từ nào khác để chỉ một đêm nào cũng đi ngủ khi đang say xỉn? Mặc dù vậy, nghiện rượu có lẽ cũng không phải là điều xấu xa nhất trên đời này; ít nhất một nửa số người trong đống bưu thiếp dán trên bức tường đầu giường tôi đều là sâu rượu nhưng không được để rượu ảnh hưởng đến hành vi hay sự nghiệp học hành của mình.

Hoặc cũng có thể là tôi đã đọc quá nhiều tiểu thuyết chăng. Trong tiểu thuyết, những kẻ nghiện rượu luôn hấp dẫn và hài hước và duyên dáng và phức tạp, như là Sebastian Flyte hay Abe North trong Cuộc tình bỏ đi[1], và họ uống rượu chỉ vì nội tâm chìm đắm trong nỗi buồn sâu thẳm, không thể nguôi ngoai, hoặc do di chứng của Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, trong khi tôi uống rượu chỉ vì tôi khát, và vì tôi quá ngu ngốc không biết khi nào nên ngừng lại. Xét cho cùng, khả năng là tôi không thể đổ lỗi việc nghiện rượu cho cuộc chiến Falklands[2] được.

[1] Tender Is the night, tiểu thuyết của Scot Fitzgerald. Một số nguồn khác dịch là Đêm dịu dàng hoặc Dịu dàng là đêm.

[2] Cuộc chiến tranh kéo dài hai tháng mà không có tuyên chiến giữa Argentina và Vương quốc Anh vào năm 1982, kết quả là lực lượng Argentina thất bại và phải rút quân.

Và chắc chắn tôi bốc mùi kẻ nghiện rượu. Chỉ chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, căn phòng mới bắt đầu có mùi. Đó là cái mùi “con trai” mà mẹ đã nói - âm ẩm và chua, giống như mùi của mặt sau cái đồng hồ đeo tay. Mùi đó bốc ra từ đâu nhỉ? Có đúng là bốc ra từ mình không? Ngồi trên giường, tôi thấy cái áo sơ mi mặc tối qua nằm trên sàn nhà gần đó, vẫn còn ướt nhẹp mồ hôi. Ngay cả cái áo len cũng âm ẩm. Một ký ức bị che lấp bất chợt lóe lên trong đầu tôi... một điều gì đó về... khiêu vũ? Tôi lại nằm xuống kéo cái chăn lông vịt trùm lên đầu.

Cuối cùng, chính cái giường futon đã lôi tôi dậy. Tối qua nó dường như đã co lại, và tôi có thể cảm thấy cái sàn nhà cứng, lạnh lẽo dọc theo xương sống, đến nỗi bây giờ tôi giống như đang nằm trên một cái khăn tắm lớn ẩm ướt bị để trong túi nhựa suốt một tuần lễ vậy. Tôi ngồi trên rìa nệm, chống cằm lên gối, lục khắp túi quần tìm ví. Nó đây rồi, nhưng thật đáng lo khi trong đó chỉ còn một tờ 5 bảng và 18 xu lẻ. Số tiền này sẽ giúp tôi cầm cự trong ba ngày, cho đến thứ Hai tuần sau. Tối qua thực ra mình đã uống bao nhiêu nhỉ? Rồi, lạy Chúa, nó lại lóe lên, những ký ức bị che lấp, nổi bong bóng lên mặt nước giống như một cái rắm trong bồn tắm. Khiêu vũ. Tôi nhớ đã nhảy múa giữa một đám đông. Nhưng làm sao lại thế được, vì tôi thường nhảy giống như mắc chứng kinh phong, mà những người này lại đang cười rồi vỗ tay và reo hò.

Và rồi tôi chợt nhận ra, rành rành đến mức khủng khiếp, sự thật rằng tràng pháo tay chỉ là mỉa mai.

***

Tòa nhà Hội Sinh viên là một khối bê tông xấu xí phô trương chằng chịt những vệt ố do nước mưa để lại, nằm lạc lõng chẳng khác nào một cái răng sâu giữa một dãy nhà kiểu Georgia đẹp đẽ. Sáng nay dòng người tấp nập đi vào đi ra từ cánh cửa tự động, đơn lẻ hoặc theo những nhóm nhỏ sát rạt bên những người bạn thân cũ, vì đây là ngày cuối của Tuần lễ Tân Sinh viên, và không có tiết học nào cho đến thứ Hai. Thay vào đó, hôm nay là cơ hội để chúng tôi gia nhập các Hội.

Tôi gia nhập Hội Tiếng Pháp, Hội Phim ảnh, Hội Văn học, Hội Thơ ca, và là chủ bút của ba tờ tạp chí sinh viên: tờ Scribbler văn chương bay bổng, tờ Tattle thô tục, bất kính và tờ By Lines nghiêm túc, vận động chính trị, theo cánh tả. Tôi còn đăng ký vào cả Hội Phòng Tối (“Hãy gia nhập cùng chúng tôi để xem bạn rửa ra cái gì!”) mặc dù tôi chẳng có cái máy ảnh nào, và sau đó tôi còn định bụng đăng ký vào Hội Nữ sinh, nhưng khi xếp hàng ở bàn đăng ký của họ tôi bắt gặp cái nhìn trừng trừng đối đầu của một người trông giống như Gertrude Stein[3] và bắt đầu tự hỏi việc tham gia vào Hội Nữ sinh có lẽ là một nỗ lực quá gian nan chăng. Trước kia có lần tôi từng phạm sai lầm này rồi, trong chuyến dã ngoại của trường đi thăm Bảo tàng Victoria và Albert, khi thấy một bảng hiệu ghi “Phụ nữ”, tôi cứ tưởng đó là nơi trưng bày về sự thay đổi vai trò của phụ nữ trong xã hội, nhưng rốt cuộc thì hóa ra lại đứng trong nhà vệ sinh nữ. Cuối cùng tôi quyết định bỏ qua Hội Nữ sinh, vì mặc dù tôi chắc chắn luôn ủng hộ phong trào giải phóng nữ quyền nhưng tôi hoàn toàn không tự tin là mình tham gia không phải chỉ để gặp con gái.

[3] 1874-1946: nhà văn nữ người Mỹ. Bà sống hầu hết cuộc đời tại Pháp và là một trong các nhân vật tiêu biểu của trào lưu hiện đại trong văn học Mỹ giai đoạn 1914-1945.

Tôi lướt nhanh qua những chiếc áo len dài tay màu nhạt, khuôn mặt tươi trẻ của Hội Cầu lông, phòng khi có người lật tẩy tôi, sau đó vẫy tay với Josh đang bị bao quanh bởi đám bạn bè xếp hàng đăng ký vào Hội Quý tội Lực lưỡng hay cái gì đấy, đại khái là liên quan đến trượt tuyết và nhậu nhẹt và quấy rối con gái và quan điểm cánh hữu cực đoan.

Tôi cũng quyết định không tham gia Hội Kịch nghệ. Giống như Hội Nữ sinh, đây là cách khá tốt để ở bên các cô gái, nhưng tệ ở chỗ đó chỉ là trò bịp bợm để phỉnh phờ bạn diễn một vở kịch. Hội Kịch nghệ sẽ diễn vở Charle’s Aunt, vở Antigone của Sophocles và Equus trong học kỳ này, và tôi biết chắc là mình sẽ chỉ được phân những vai như một thành viên trong nhóm đồng ca Hy Lạp mặc những tấm trải giường bị xé rách rồi đồng thanh la to qua cái mặt nạ làm từ giấy bồi, hoặc là một trong những kẻ ngốc tội nghiệp trong vở Equus bỏ cả buổi chiều mặc quần áo nịt của dân múa ba lê và đội cái đầu ngựa làm bằng móc áo. Thế nên, Hội Kịch nghệ ạ, cám ơn nhưng xin kiếu. Hơn nữa, xin chia sẻ là tôi đã từng đóng vai chúa Giê-su trong vở Phúc âm hồi năm học cuối, và khi bạn từng bị đánh roi và đóng đinh trước toàn trường một lần, bạn sẽ không thực hiện cái việc khôn ngoan ấy ở bất cứ đâu nữa. Tone và Spencer cười ngất suốt vở điễn và hét to “Nữa! Nữa đi” suốt màn đánh bốn mươi roi, nhưng mọi người lại nói cảnh đó thật cảm động.

Khi nghĩ mình đã đăng ký đủ các hội, tôi đi thơ thẩn trong phòng tìm cô gái bí ẩn tối qua, dù chỉ Chúa mới biết tôi sẽ làm gì nếu gặp lại nàng. Chắc chắn không phải khiêu vũ. Tôi đi hai vòng quanh sảnh phòng tập thể dục, nhưng không thấy bóng dáng nàng đâu, thế nên tôi đi lên lầu đến căn phòng diễn ra vòng loại cuộc thi Thách thức, chỉ để bảo đảm là đến phòng đúng giờ. Chắc chắn là phòng này rồi, tấm áp phích dán trên cửa; Cuộc thi Thách thức Đại học của bạn. Chỉ dành riêng cho những trí tuệ khôn ngoan. “Muốn tham gia hả?” nàng đã hỏi thế tối qua. “Có khi gặp cậu ở đó cũng nên?” nàng đã nói thế. Nàng có nói nghiêm túc không nhỉ? Và nếu đúng như vậy, nàng đang ở đâu? Tôi đến sớm cả tiếng đồng hồ, vì vậy tôi quyết định lại hội trường, đi tìm thêm một vòng nữa.

Đang xuống lầu thì tôi chạm mặt cô gái Do Thái tóc đen tối qua ở cầu thang; Jessica, phải không nhỉ? Cô nàng đang đứng cùng một đám con trai gầy nhom, xanh xao ở Harringtons và mặc quần jean đen ôm sát chân, đang phát tờ rơi cho đảng Lao động Xã hội Chủ nghĩa và tất cả đều trông giận dữ, nhưng với tinh thần kết liên đoàn, tôi tiến đến gần nói, “Xin chào, đồng chí!”

“Chào buổi sáng, chân nhấp nhảy,” cô nàng lè nhè, liếc nhìn bàn tay đang nắm chặt của tôi, không vui vẻ chút nào, cũng đúng thôi, vì có gì đâu mà vui. Cô nàng quay lại với việc phát tờ rơi. “Tớ nghĩ Hội Khiêu vũ đâu đó đằng kia kìa.”

“Ôi Chúa ơi, điệu nhảy đó thật sự tệ lắm hả?”

“Nói đơn giản thì tớ hoàn toàn tin là nên để một cây bút chì vào giữa hai hàm răng cậu để cậu không tự cắn đứt lưỡi mình ra.”

Tôi cười tự chê bai mình, và lắc đầu, theo kiểu tôi-bị-điên, nhưng cô nàng không cười nên tôi bèn nói, “Cậu biết không, cuộc đời dạy tớ hai điều; thứ nhất là không nhảy múa khi say xỉn!”... Im lặng... “Thật ra, tớ đang tự hỏi không biết tớ có thể lấy một tờ rơi không?”

Cô nàng nhìn tôi tò mò, bị thu hút bởi sự sâu sắc tiềm ẩn của tôi rồi đây.

“Cậu có chắc là tớ không phí phạm giấy không?”

“Hoàn toàn không phí.”

“Thế cậu đã là thành viên của một đảng phái chính trị nào chưa?”

“Ừm, cậu biết đấy. Phong trào Đấu tranh Giải trừ Vũ khí Hạt nhân!”.

“Đấy mà là đảng phái chính trị à.”

“Vậy ra cậu không nghĩ chính sách quốc phòng là một vấn đề chính trị ư?” Tôi đáp, thích thú với cách nói nghe có vẻ đao to búa lớn.

“Chính trị là kinh tế, thuần túy và đơn giản. Những nhóm hoạt động chỉ vì mục đích duy nhất, gây sức ép với chính phủ như Phong trào Đấu tranh Giải trừ Vũ khí Hạt nhân hay Tổ chức Quốc tế vì môi trường đóng vai trò quan trọng và hợp pháp, nhưng phát biểu rằng cá heo to lớn và tốt tính, hay nạn tàn sát bằng vũ khí hạt nhân là ghê tởm thì không phải là quan điểm chính trị, cái đấy là hiển nhiên. Ngoài ra, trong một thể chế xã hội chủ nghĩa chân chính, quân đội sẽ tự động bị tước quyền...”

“Giống như ở Nga ấy à?” tôi hỏi.

À ha!

“Nga đâu phải là một nước xã hội chủ nghĩa thực sự.”

Ôi giời...

“Hay Cuba?” tôi hỏi.

Trúng phóc!

“Ờ, theo ý cậu vậy. Thì giống như ở Cuba.”

Hừm...

“Thế thì tớ cho là Cuba không có quân đội phải không?” tôi hỏi.

Một khám phá hay ho.

“Thực ra cũng không hẳn, nhưng chẳng đáng kể nếu xét trong tương quan với tổng sản lượng quốc gia. Ở Cuba, sáu phần trăm tiền thuế được chỉ cho quốc phòng, so với bốn mươi phần trăm ở Mỹ.” Cô nàng chắc hẳn đang thêu dệt những con số đó. Đến ông Castro cũng chưa chắc biết chuyện này. “Nếu không phải chịu sự đe dọa thường xuyên của Mỹ thì đất nước đó thậm chí không cần chi đến sáu phần trăm. Hay cậu muốn nằm thao thức cả đêm lo sợ bị Cuba xâm lược?”

Có vẻ hơi trẻ con thái quá khi buộc tội cô nàng thêu dệt chuyện đó, nên tôi chỉ nói, “Vậy tớ lấy một tờ rơi có được hay không nào?” và cô nàng miễn cưỡng đưa cho tôi một tờ.

“Nếu cậu muốn được nói thật hơn ấy mà, thì đảng Lao động ở đằng kia. Hay cậu cứ làm đến nơi đến chốn là gia nhập đảng Bảo thủ luôn đi.”

Cô nàng nói như tát vào mặt, khiến tôi mất một lúc mới hiểu được, rồi trong khi tôi đang nghĩ xem nên nói gì, cô nàng quay lưng lại với tôi, quay sang phía khác và tiếp tục phát tờ rơi. Tôi muốn đặt tay lên vai cô nàng, xoay người cô nàng lại mà nói: “Đừng có quay lưng lại với người ta thế chứ, đồ đàn bà con gái khó tính, cố chấp, tự cao tự đại, bởi vì chính công việc của bố tôi, dù ít dù nhiều, đã giết chết ông ấy, vậy nên đừng có lên lớp cho tôi về Cuba, bởi vì dứt khoát tôi hiểu rõ về sự bất công xã hội xảy ra ngay dưới mũi tôi hơn hẳn cậu và toàn bộ đám trai trường Mỹ thuật của cậu, rặt một bọn tư sản.” Và tôi suýt nói ra điều đó, nói hẳn ra, nhưng rốt cuộc tôi đã chọn cách nói khác, “Cậu nên nhận ra là hiển nhiên nếu cậu rút ngắn tên hội của cậu, nó chỉ thành ra là Hội Hội!”

Cô nàng quay sang tôi, thật chậm rãi, nheo mắt lại và nói, “Này. Nếu cậu thật sự nhiệt tình và hăng say với việc phản đối những gì Thaher đang làm với đất nước này thì cậu nên tiếp tục kiên trì. Nhưng ngược lại nếu cậu chỉ quan tâm đến việc đưa ra một lô lốc những chuyện cười ấu trĩ và mấy câu bình luận rỗng tuếch thì tớ nghĩ chúng tớ có thể xoay xở mà không cần có cậu, cám ơn nhiều!”

Dĩ nhiên, cô nàng đúng. Sao tôi lúc nào nghe cũng có vẻ bông lơn và thiếu thuyết phục khi nói về chính trị thế nhỉ? Tôi không cảm thấy mỉa mai về chuyện đó. Tôi nghĩ về việc cố gắng giãi bày cho cô nàng biết, chỉ bằng một cuộc trao đổi thông minh phù hợp với những người trưởng thành, nhưng lại có một cuộc cãi vã nhỏ nổ ra giữa một trong mấy anh chàng gầy nhom mặc đồ jean đen và một cậu ở Đấu tranh Giai cấp, nên tôi nghĩ tốt hơn là nên đi cho rồi.
Bình Luận (0)
Comment