Mai Thành đã thay đổi. Trước kia nó giàu có nên thong dong, dù chỉ là một thành phố nhỏ nhưng vẫn có công ty điện lực, đường lát đá xanh sạch sẽ rộng rãi. Chiến tranh đã phá hủy sự yên bình của nó, khắp nơi là gạch ngói đổ nát, người đi đường khom lưng co rúm cổ, Minh Chi và Từ Trọng Cửu, một trước một sau đi giữa bọn họ.
Sơ Chi tưởng mình kín kẽ lắm, nhưng từ những câu hỏi dò xét trước khi bỏ đi của cô ấy, Minh Chi vẫn tìm ra manh mối. Sơ Chi trốn trong một căn nhà của họ Quý, nơi đó trước kia dùng để an trí những người hầu già không nơi nương tựa, sau này không có ai ở nên cứ bỏ trống. Ngôi nhà nằm trong một con hẻm nhỏ ven sông, mở cửa sổ ra là sông, muốn mua đồ ăn chỉ cần gọi những chiếc thuyền bán hàng trên sông. Thả giỏ tre xuống, người bán trên thuyền lấy tiền trong giỏ, rồi bỏ đồ ăn vào, kéo giỏ lên là xong việc mua bán.
Mùa đông tiêu điều, mực nước sông xuống thấp, không thấy thuyền bè neo đậu. Bức tường ven sông loang lổ vết tích của rêu phong năm tháng. Minh Chi hồi nhỏ đã đến đây vài lần, khi đó người ta thường nói sẽ nuôi cô ở đây, nhưng vì bà nội phản đối nên cuối cùng không thực hiện. Còn bà nội phản đối vì sao, e rằng vẫn là sợ nuôi ở ngoài làm hỏng danh tiếng gia đình trung hậu của nhà họ Quý, dù sao ở nhà cũng chỉ thêm đôi bát đũa.
Minh Chi gõ cửa, hồi lâu không ai đáp. Thấy xung quanh không người, Từ Trọng Cửu tiến lên lấy dụng cụ ra loay hoay một hồi mở được khóa. Ai ngờ lại không đẩy cửa ra được, phải dùng sức lực đẩy mạnh, thì có người ngã xuống đất phía sau cửa, kêu lên một tiếng "ối".
Từ Trọng Cửu đi vào trước, Minh Chi nhìn ra sau rồi vội vàng vào nhà, thuận tay đóng cửa lại.
Sơ Chi giật mình nhảy dựng lên, "Các người! Sao các người lại đến đây?"
Minh Chi hừ một tiếng, không muốn lãng phí thời gian nói nhảm, bèn hỏi thẳng, "Chị muốn làm gì?"
Minh Chi có một suy đoán táo bạo về mục đích của Sơ Chi, nhưng chuyện này dường như không phải là điều mà một người đoan trang xinh đẹp như Sơ Chi có thể làm. Cô nghi ngờ Từ Trọng Cửu và Thẩm Phượng Thư cũng có suy nghĩ tương tự, nhưng không ai nói ra, có lẽ không ai dám tin Sơ Chi lại làm vậy.
Sơ Chi lùi lại một bước nhưng không trả lời, chỉ nói, "Các người mau về Thượng Hải đi, người Nhật kiểm tra rất nghiêm ngặt, bất cứ nam nữ thanh niên nào trông khả nghi đều bị giết ngay tại chỗ."
Minh Chi ra hiệu cho Từ Trọng Cửu, anh lặng lẽ tiến lên một bước, vừa đúng lúc đứng cạnh Sơ Chi.
Sơ Chi lại lùi thêm một bước, "Làm gì?"
Minh Chi nhìn quanh, Sơ Chi không khỏi hoảng sợ, nhưng Từ Trọng Cửu ở ngay bên cạnh, chắc chắn cô ấy vừa động anh cũng sẽ động theo.
Dầu, bom, pháo, từng thứ một bị Minh Chi tìm thấy. Cô cười lạnh, nhà họ Quý luôn cho rằng Lục Cần phóng túng không kiềm chế mới sinh ra đứa con gái như cô, giết người phóng hỏa cái gì cũng dám làm, không ngờ rốt cuộc lại là vấn đề của nhà họ Quý, Sơ Chi - cô con gái cả được nuông chiều từ bé, vậy mà cũng dám nghĩ đến chuyện phóng hỏa.
Thấy mọi chuyện đã bại lộ, Sơ Chi cũng không che giấu nữa, sa sầm mặt nói, "Phải, tôi muốn đốt nhà họ Quý. Nó là của tôi, thà rằng bị thiêu rụi, tôi cũng không muốn thấy nó rơi vào tay quân Nhật."
"Vậy còn Linh Chi thì sao, ai sẽ chăm sóc con bé? Còn Hữu Chi nữa. Chị là con gái cả của nhà họ Quý, chăm sóc họ chẳng phải là trách nhiệm của chị sao?" Minh Chi lại cất từng thứ đồ vừa tìm thấy vào chỗ cũ, "Vườn bị đốt có thể xây lại, người mất rồi biết tìm đâu?"
Cô hiếm khi khuyên nhủ người khác như vậy, bỗng nhiên cảm thấy không quen, cơn giận bùng lên, nghiến răng nghiến lợi, "Chỉ là đốt một cái vườn thôi mà, để tôi đi!"
Vừa dứt lời, Từ Trọng Cửu và cả Sơ Chi đều sững sờ.
Từ Trọng Cửu thầm kêu khổ, anh biết từ lâu rồi, con gái nhà họ Quý không ai là dạng vừa, người nào cũng điên hơn người kia. Không cần nói đến Minh Chi, Hữu Chi bỏ nhà ra đi, vượt biển du học; Linh Chi tuy nhỏ nhưng tự ý rời bỏ Nam Kinh về quê, muốn cùng người ta lên núi đánh du kích; bây giờ đến cả Sơ Chi, một cô tiểu thư chỉ thích giận dỗi vặt, vậy mà dám một mình đi đốt sào huyệt của quân Nhật. Đây không phải là điên thì là gì?! Khổ nỗi anh còn phải hắng giọng tỏ vẻ ủng hộ, "Việc này cần bàn bạc kỹ hơn."
Không phải là không làm, mà phải lên kế hoạch chu toàn để rút lui an toàn.
Minh Chi và Từ Trọng Cửu cũng chuyển đến ở căn nhà này sống ẩn dật, may mà nguyên khí Mai Thành vẫn chưa khôi phục hoàn toàn, không ai để ý đến việc khi nào có thêm hai người dân quê.
Mấy năm gần đây Từ Trọng Cửu chỉ đích thân ra mặt khi gặp chuyện lớn, nhưng bây giờ nhân tài dưới trướng đã hao hụt, bạn bè giang hồ vì biến động mà chia thành hai phe, những người nhiệt huyết phần lớn đã bỏ mạng trong trận chiến, những kẻ ham mê danh lợi thì nhanh chóng đầu quân cho người Nhật, nên người có thể dùng thật sự khó tìm. Hơn nữa, thà rằng không tìm được người tốt còn hơn tìm bừa, nếu không may lỡ việc thất bại, để lại người sống sót rơi vào tay kẻ địch, vậy thì con đường cuối cùng chạy trốn cũng bị chặn đứng.
Thẩm Phượng Thư thì thuận buồm xuôi gió được người ta đưa đến Trùng Khánh, rồi từ Trùng Khánh bay sang Vũ Hán, quả nhiên làm tham mưu trưởng Sư Đoàn Cơ Giới mới thành lập. Từ Trọng Cửu nhận được tin không khỏi thương cảm cho bản thân, vốn định lấy cớ đưa tiễn Thẩm Phượng Thư biết đâu được gặp mặt nhân vật lớn, dù không oai phong như Thẩm Phượng Thư nhưng cũng có thể lộ mặt trước mặt người ta. Giờ thì hay rồi, anh cạo trọc đầu kiểu nhà quê, bắt đầu sự nghiệp bán rau.
Dân dĩ thực vi thiên*, người thường cần ăn cơm, quân Nhật cũng ăn cơm.
*Dân lấy ăn làm trời
Hôm đó, Từ Trọng Cửu theo sự chỉ đạo của quản gia gánh hai gánh rau quả vào Bộ Tư Lệnh, chính là nhà họ Quý trước kia. Anh đi cửa sau, sau khi bị lục soát thì vội vàng buộc lại áo khoác, chuẩn bị thăm lại chốn xưa.
Cây cối xanh tươi, trong vườn thoang thoảng hương thơm, với trí nhớ của Từ Trọng Cửu, dĩ nhiên nhớ rõ đó là hoa mai chỗ nào đang nở. Lại có thêm hoa nghênh xuân hé nụ, nhưng dù đã từng đọc sách, anh cũng chẳng hiểu biết nhiều về điển tích, nên không nảy sinh cảm khái "Cây còn như thế huống chi người", chỉ âm thầm tính toán nên ra tay từ chỗ nào cho thuận tiện.
Nhà họ Quý có một hầm chứa, bên trong cất giữ dầu diesel cho máy phát điện, cũng có một ít xăng, vì lý do an toàn nên có hai lớp cửa chống cháy nổ, hơn nữa người ngoài rất khó phát hiện lối vào. Từ Trọng Cửu lẻn vào nhà họ Quý, việc đầu tiên là đi kiểm tra xem nơi đó có bị người Nhật phát hiện hay không.
Giao rau quả xong xuôi, Từ Trọng Cửu gánh hai cái đòn gánh trống không đi ra. Đi loanh quanh đến phía sau lầu ngắm hoa, anh giấu gánh vào chỗ tối, ung dung đi dạo trong vườn, vừa đi vừa nảy ra ý tưởng mới, đại bộ phận quân Nhật đều bị điều ra tiền tuyến tác chiến, nơi này chỉ là chỗ bảo đảm hậu cần, nhưng lần sau chưa chắc đã có cơ hội như vậy, chọn ngày không bằng gặp ngày, chi bằng nói là làm liền.
Từ Trọng Cửu cực kỳ quen thuộc đường đi lối lại trong nhà họ Quý, đã có chủ ý liền lập tức không chút do dự đi đến hầm chứa, tiện tay lấy bộ quân phục thay vào, lại tìm thêm một ít đồ dễ cháy giấu vào người.
Minh Chi đeo một cái thùng bán thuốc lá ở ngoài, thấy Từ Trọng Cửu vào lâu không ra, đoán anh muốn ra tay, bèn chậm rãi đi vòng ra cửa sau nhà họ Quý. Hai tên lính Nhật ở đó vừa hết ca, ngồi trên bậc thềm nói chuyện phiếm, thấy cô bèn vẫy tay gọi lại, móc tiền mua một bao thuốc hút.
Minh Chi dùng thuốc nước nhuộm mặt, lại dán thêm mấy nếp nhăn, khom lưng gù gập trông như bốn năm mươi tuổi. Cô lẩm bẩm nói tiếng địa phương, lại tranh lấy bật lửa châm thuốc cho hai tên đó. Lính Nhật tâm trạng tốt, còn ném cho cô một mẩu thuốc bảo cô hút. Minh Chi trong lòng ghê tởm, ho khan mấy tiếng, khoa tay múa chân ra hiệu mình bị bệnh phổi. Hai tên lính Nhật giật mình, quát cô đi chỗ khác.
Đúng lúc này, bên trong "ầm" một tiếng nổ lớn, khói đen bốc lên cuồn cuộn. Minh Chi rút dao găm ra, ném thùng thuốc lá đi, một nhát cắt đứt cổ họng một tên lính Nhật. Cô tránh dòng máu phun ra, một cước đá văng xác chết, cướp lấy thanh đao của tên lính Nhật để bên cạnh, vung mạnh về phía cổ tên còn lại, đao hạ đầu rơi.
Từ Trọng Cửu tìm thấy kho dầu, người Nhật không bỏ sót chỗ này, thấy thiết bị đầy đủ, không những không rút dầu diesel đi mà còn thêm vào không ít, đúng là coi đây thành kho chứa đồ. Bên trong có người canh gác nhưng bị Từ Trọng Cửu một đao giải quyết, anh đặt một dây cháy đơn giản rồi xoay người bỏ chạy. Lúc nổ tung, Từ Trọng Cửu đã chạy đến chỗ Tàng Thư Lâu, ném hai chai đựng đầy xăng vào trong. Nhân lúc chai còn đang trên không, anh rút súng bắn, quả nhiên tạo ra hai quả cầu lửa, "ầm" một tiếng rơi xuống lầu cháy hừng hực.
Lửa bén theo gió, lính Nhật từ khắp nơi chạy ra muốn dập lửa. Từ Trọng Cửu trà trộn vào trong, tìm đến chỗ cũ rồi trèo tường từ chỗ phòng khách ra khỏi nhà họ Quý. Cởi bỏ lớp áo ngoài, anh chạy trên đường phố cảm thấy vô cùng sảng khoái.
Chạy chưa được bao xa, chợt nghe thấy phía sau lần lượt có thêm hai tiếng nổ.
Nhà họ Quý đã bị thiêu rụi.
Anh nóng lòng muốn biết Minh Chi có vui không, phá hủy rồi mới có thể xây dựng, giống như lúc trước ở nhà họ Từ, từng bước một cuối cùng anh đã trở thành chủ nhà.
Nhân lúc người Nhật chưa kịp hoàn hồn phong tỏa thành phố, ba người ra khỏi cửa ải, tìm được một chiếc thuyền ở vùng quê, đi đường thủy về Thượng Hải.
Thuyền là của tá điền nhà họ Quý, người chèo thuyền là con gái út tá điền, rất thân với Sơ Chi, luôn miệng gọi cô Cả. Nhà nghèo sinh con gái đảm đang, cô bé mười bốn mười lăm tuổi gan dạ hơn người, cô Cả đến nhà nói cần dùng thuyền gấp, cô bé không nói với người lớn một tiếng, tự mình đưa cô Cả đi.
"Không sợ đâu, cháu đã đi đi về về bảy tám lần rồi, sáng mai là đến phố Thập Lục." Cô bé nói chắc nịch, một lát sau không nhịn được liếc nhìn Minh Chi. Minh Chi mỉm cười với cô bé, mặt cô bé lập tức đỏ bừng, nhìn thẳng về phía trước chuyên tâm chèo thuyền, nhưng trong lòng vẫn không sao dập tắt được sự tò mò: Đây chẳng phải là cô Hai nhà họ Quý sao, còn nữa, kia chẳng phải là vị hôn phu của cô Cả sao?
Nhà họ Quý có thể bịt miệng người trên kẻ dưới trong nhà, nhưng chung quy không thể nào dập tắt lời đồn, Cô Cả đã đính hôn rồi lại hủy hôn, mãi không chịu lấy chồng, kéo dài đến tận hai mươi tư tuổi. Bên ngoài có rất nhiều lời đồn đại về nhà họ Quý, có một lời đồn là cô Hai cướp vị hôn phu của cô Cả, rồi kết hôn ở Thượng Hải.
Cô bé từ nhỏ đã biết cô Cả thông minh xinh đẹp đảm đang tốt bụng, vậy người xấu chính là cô Hai? Cô Hai sao lại có vẻ mặt xanh xao tiều tụy thế kia, không giống hồ ly tinh trong truyền thuyết? Dượng Hai quả là đẹp trai. Người ta hay nói mặc long bào cũng không giống Thái Tử, còn dượng Hai, dù mặc bộ áo khoác cũ kỹ thế kia nhưng vẫn đẹp trai hơn cả người trên sân khấu.
Cây sào dài rẽ nước, ven bờ thấp thoáng vài nét vàng non, là cây liễu vừa mới nảy mầm.
Nhà họ Quý bị thiêu rụi, mỗi lần nghĩ đến lòng Sơ Chi như bị dao cứa, tích tụ dần thành nỗi đau xé ruột gan. Từ nhỏ cô đã biết nhà họ Quý sau này sẽ là của mình, cô sẽ ở trong ngôi nhà đó kén rể sinh con, truyền từ đời này sang đời khác. Bà nội trước khi mất nói rằng bà không buồn, giống như hoa cỏ trong vườn, lá úa tàn, cành mới mọc là lẽ thường tình ở đời. Nhưng cha mẹ và em gái chưa đến lúc đã bị tước đoạt mạng sống, nhà tan cửa nát. Còn cô thì vô dụng, ngây ngốc ở lại Mai Thành nhiều ngày, cuối cùng vẫn phải nhờ Minh Chi và Từ Trọng Cửu mới trả được thù.
Buổi tối thuyền đậu ở một bến đò hoang vắng. Cô bé vo gạo nấu được nửa lít cháo từ gạo cũ, lại lấy thêm nửa bát dưa muối ăn kèm, trong lòng áy náy: "Ngày mai đến Thượng Hải cháu mời mọi người ăn ngon."
Vì là ra ngoài nên cô bé cũng có chuẩn bị, mang theo ít tiền. Từ Trọng Cửu thấy cô bé lanh lợi, cố ý hỏi chuyện, vài câu đã nắm rõ tình hình gia đình cô bé. Thấy cháo đã chín, anh rửa sạch một cái bát, tráng qua nước sôi trên bếp rồi múc đầy hơn nửa bát, đưa cho Minh Chi. Minh Chi thấy anh ân cần, nhận lấy rồi mỉm cười với anh.
Cô bé nhìn thấy, thầm nghĩ có lẽ không phải cô Hai cướp vị hôn phu của chị gái, nếu không sao dượng Hai lại đối xử tốt với cô Hai như vậy, phải biết đồ đưa tận cửa không đáng giá, chỉ có thứ phải khổ sở cầu xin mới được trân trọng.
Sơ Chi không biết những suy nghĩ quanh co trong lòng cô bé, tuy không muốn ăn cơm, nhưng vì phép lịch sự, vẫn tiến lên giúp cô bé chia cháo cho mọi người. Bản thân cô ấy chỉ lấy một bát nhỏ, cầm trên tay nhưng không nuốt trôi.
Những ngày sau này phải sống thế nào?
Dù nghe theo sự sắp xếp của Minh Chi đến Hồng Kông hội hợp với Linh Chi, thì lấy gì mà sống? Thuyền của nhà họ Quý bị đánh chìm dưới sông để chặn địch, ruộng đất trước mắt không thu được tiền thuê, muốn bán e rằng cũng không bán được. Cô chỉ học hết trung học, chẳng lẽ đi làm công cho người ta? Nếu không thì lấy gì nuôi Linh Chi? Còn Hữu Chi thì đang ở tận trời Tây, chuyện nhà còn phải viết thư báo cho em ấy biết mới được.
Đầu thuyền, Từ Trọng Cửu và Minh Chi ngồi cạnh nhau húp cháo, dáng vẻ nhỏ nhẹ trò chuyện lọt vào mắt Sơ Chi, càng khơi dậy nỗi buồn man mác. Cô hận không thể sớm lấy chồng cho rồi, giờ nghĩ lại cũng có người để bàn bạc.
Thực ra Sơ Chi không biết, Từ Trọng Cửu và Minh Chi mỗi người một ý kiến, ai cũng không thuyết phục được ai. Minh Chi nhất định phải đến Hồng Kông một chuyến, một là đưa Sơ Chi đi, hai là không yên tâm về Bảo Sinh và những người khác, cô đã định cho họ con đường phía trước, nhưng bản thân đến giờ vẫn chưa đến đó, cũng không biết tình hình bên đó thế nào. Từ Trọng Cửu đều hiểu, nhưng cứ nhắc đến chia ly là không vui, đến cả chuyện bản thân đã ngoài ba mươi mà vẫn chưa có con cũng nói ra. Anh nắm lấy tay cô, để cô sờ lên cái cằm lún phún râu xanh của mình: "Nhìn xem, râu cũng có rồi, nếp nhăn cũng có rồi, vợ còn muốn chạy đông chạy tây nữa."
Nhưng người như họ, rốt cuộc vẫn là số phận ít gặp nhau, nhiều xa cách, Minh Chi không nói ra miệng nhưng ánh mắt đã lộ ra. Trong lòng Từ Trọng Cửu lạnh toát, buông lỏng tay, ngược lại Minh Chi nắm lấy tay anh: "Tôi đi một chuyến rồi về."
Nói thì nói vậy, nhưng đến đó chỉ riêng việc thu xếp cho Sơ Chi và Linh Chi cũng mất mấy tháng. Nếu không phải chiến loạn liên miên, Từ Trọng Cửu đã muốn khuyên Minh Chi đi máy bay đến Hồng Kông, nhưng nghĩ đến sự an toàn thì đi tàu vẫn hơn. Anh tự hỏi phải chăng mình thật sự đã già rồi, vậy mà lại sợ cô đơn, trước kia chỉ sợ bị người bên cạnh ám toán thôi, chẳng lẽ thật sự đã già? Nhưng cũng không hẳn, có lẽ là do bến đò hoang vắng này khiến anh chìm trong nỗi buồn chia ly. Hay là do quá nhiều người chết, đến cả anh cũng bắt đầu sợ hãi, chiến tranh rốt cuộc khi nào mới kết thúc?
Một năm rưỡi, hay kéo dài đến hai ba năm?