Dịch giả: HoangtrucLâm Sơn Trấn, biên thùy Phổ Quốc, tiếp giáp với dãy núi Vạn Hằng cao ngút tầng mây, heo hút không người, chỉ có bách thú và những rặng núi trải dài vô biên, ngăn đôi hai bờ Nam Bắc của một quốc gia, cũng thành công phân tách được cả hai thiên tượng đông hạ.
Lâm Sơn Trấn được xây dựng tại phía Nam dãy núi, khí hậu quanh năm ôn hòa như xuân.
Nơi này không có mùa đông, cách vài ngày còn có sương sớm tràn ra từ trong dãy núi, tựa như sâu bên trong sơn mạch vô biên là nơi cư ngụ lý tưởng của các bậc thần tiên.
Vào sáng sớm, sương mù lại phủ kín khắp đường mòn ngoài trấn, chim chóc líu ríu liên hồi trên ngọn cây. Dù cho cuối con đường mòn kia xuất hiện một bóng người cũng không ngăn được khúc ca chào buổi sáng đầy hào hứng của bọn chúng.
Trong cái nắng sớm đó, một tiểu đạo sĩ với tướng mạo chất phác, mặt mày lại có chút thanh tú, chừng mười bốn mười lăm tuổi, đang tung tẩy quang gánh trên vai từ đằng xa đi tới. Hai đầu quang gánh còn treo lủng lẳng hai thùng nước trong vắt.
Thùng nước đầy tràn. Do vậy mà bước chân tiểu đạo sĩ có vững vàng đến mấy, cũng vì đường núi gập ghềnh xóc nảy mà nước trong thùng tràn ra không ít. Từng giọt nước trong vắt rơi vãi xuống hai bên đường mòn, phản chiếu dưới ánh mặt trời tạo thành giọt ánh sáng lấp lánh đủ màu sắc.
Sáng sớm tĩnh lặng, đường núi không người, tựa như một bức họa đồ về phong cảnh quê hương yên bình. Phần cuối bức họa này là một đạo quán sát rìa của thị trấn, có tên là Thừa Vân.
“Tiểu đạo sĩ, ngày nào cũng gánh đầy nước như vậy không mệt sao?”
Một nông hộ đốn củi vào sáng sớm ở ngoài trấn cười ha hả nói. Tiểu đạo sĩ mỉm cười lắc đầu, không mệt.
“Tiểu đạo sĩ, nước tràn hết xuống đường rồi, ngươi về đến đạo quán chỉ còn nửa thùng nước. Không thấy phiền lòng sao?”
Bà lão bán điểm tâm sáng bên đường hảo tâm nhắc nhở. Bà cũng nhớ đã từng nói mấy lời này vài năm nay rồi, thế nhưng tiểu đạo sĩ vẫn cứ mỉm cười lắc đầu như trước, không phiền lòng.
“Tiểu đạo sĩ, ngày nào ngươi cũng vãi nước qua con đường này một lượt, ngươi không cảm thấy con đường này vậy mà còn sạch sẽ hơn Minh Thúy Lâu chúng ta hay sao?”
Trên Minh Thúy Lâu, tiểu tỳ phải dậy sớm hơn chủ nhân mình ghé qua cửa sổ nhìn. Tiểu đạo sĩ ngây ngốc gánh nước chính là niềm vui duy nhất của đám hạ nhân các nàng. Tiểu đạo sĩ vẫn cứ mỉm cười lắc đầu, không cảm thấy vậy.
“Gánh cả thùng đầy nước, vậy mà còn không được tới nửa thùng. Ngay cả ta là loại chưa từng gánh nước qua cũng không thế. Từ Ngôn, ngươi là heo sao?”
Đứa con thứ hai nhà Trương đại hộ đang bê lấy một tô cơm thịt, ngồi ngay cửa ra vào, vừa ăn vừa cười. Cả người to béo ngồi chật khít cả lối đi. Tiểu đạo sĩ được gọi là Từ Ngôn kia vẫn mỉm cười như trước, lần này không lắc đầu mà gật gật.
Phải a, ta chính là heo…
Thừa Vân quan nhìn qua không lớn, chỉ có hai đạo sĩ một già một trẻ. Khách hành hương cũng không nhiều, lại chỉ chủ yếu cầu phúc mà không bố thí. Cũng may dịp Tết đến, mấy nhà giàu có sẽ lưu lại vài đồng nên nhờ vậy mà hai đạo sĩ được no bụng.
Nhưng cũng chỉ là no bụng.
Tiểu đạo sĩ gánh nước về tới Thừa Vân Quan, xuôi theo con đường mòn cạnh đại điện đi thẳng ra vườn rau phía sau.
Vườn rau xanh tươi mơn mởn. Nhìn từng mầm non mới nhú ra, Từ Ngôn không kìm được vui vẻ. Hắn đang chuẩn bị đem hai thùng nước đổ vào vạc lớn thì không ngờ thùng nước lại trơn trượt tuột khỏi tay, rớt qua một bên.
Roạt!
Từ Ngôn không kịp nghĩ ngợi nhiều, vội lật tay hất lấy thùng nước bị tuột tay, sắp đổ ra ngoài vạc chuyển hướng về phía vườn rau. Dù lượng nước rơi vãi không đồng đều nhưng vậy cũng không tính là bỏ phí mất một thùng nước.
Khò khè, khò khè.
Gần nửa thùng nước rơi xuống vườn rau, còn phần nhiều là đổ xuống chuồng heo bên cạnh vườn. Trong chuồng, một con heo đen nhỏ toàn thân sũng nước, thế nhưng nó không sợ mà ngược lại còn khò khè líu ríu kêu lên đầy sung sướng. Trận nước lạnh này như một trận tắm rửa khiến nó đầy thống khoái.
"Khò khè, khò khè!"
Tiểu đạo sĩ ngồi xổm xuống ngoài chuồng heo, phát ra tiếng kêu tương tự con heo đen nhỏ này, vừa bắt chước tiếng heo kêu vừa cười ngây ngốc.
Đạo quán nghèo khó làm sao mua nổi heo. Cho nên heo này không phải là heo nhà mà là một con heo rừng nhỏ Từ Ngôn nhặt được trong núi khi hắn được khoảng mười tuổi, rồi mang về đạo quán nuôi dưỡng. Nuôi một hơi bốn năm năm nay, heo rừng cũng trở thành heo nhà rồi, thậm chí còn được đặt cho cái tên là Tiểu Hắc. Thế nhưng nuôi nấng thế nào đi nữa thì đầu heo này vẫn không lớn lên chút nào, mấy năm trời nhưng cân nặng cũng chỉ xấp xỉ mãi chừng mười cân.
“Từ Ngôn, ngươi vừa đi gánh nước về sao?”
Lão đạo sĩ cao tuổi đi từ mé bên kia bước đến, nhìn qua thùng còn lại hơn một nửa nước bên trong rồi nhìn tiểu đạo sĩ đang ngồi ngoài chuồng nói chuyện với heo, lắc đầu nói.
“Đứa nhỏ nhanh nhẹn hoạt bát này, học ai không học, lại học heo làm gì. Ngươi không thấy mệt sao?”
“Không mệt a sư phụ, rơi rớt có vài cân nước mà thôi, coi như là quét phố đi.” Tiểu đạo sĩ rất nghiêm túc nói: “Không phải người từng nói qua heo sống còn tiêu dao hơn so với người sao. Bởi vì heo không có đầu óc, cho nên hàng ngày trôi qua đều rất vui vẻ, cho dù trước mắt là dao mổ cũng vẫn ăn uống được ngon lành, vẫn ngủ được say sưa.”
"Thế nhưng mà ngươi có đầu óc." Lão đạo sĩ giận dữ.
“Ta sẽ cố hết sức đem đầu óc giấu kín đi.” Tiểu đạo sĩ cười hì hì đáp.
“Một khi heo đủ lớn, thì nhất định sẽ bị đồ tể giết mổ.” Giọng nói của lão đạo sĩ lại trở về bình thản.
“Người thì cũng sẽ chết già, chết bệnh, chết đói. Rốt cuộc cũng không phải bị địa phủ bắt đi sao?” Nói xong, Từ Ngôn đưa tay qua chấn song chuồng vỗ vỗ lấy đầu heo Tiểu Hắc, nói tiếp: “Hơn nữa, chúng ta sẽ không ăn thịt Tiểu Hắc.”
Dường như dưới góc nhìn của Từ Ngôn thì vận mệnh của người và heo cũng không khác nhau là mấy. Có chăng chỉ là heo không có phiền não, còn người, lại rất nhiều phiền não.
“Đứa nhỏ ngốc! Vi sư kêu ngươi học heo vô lo, chứ có kêu ngươi học ở heo ngu si đần độn đâu!”
Lão đạo sĩ tức giận vớ lấy đòn gánh làm bộ muốn đánh, còn tiểu đạo sĩ thì đã nhanh chân cười cười chạy ra xa.
Ném đòn gánh đi, lão đạo sĩ nhìn theo bóng lưng tiểu đạo sĩ, đôi mắt đục ngầu hiện lên vẻ khổ sở, lắc lắc đầu lẩm bẩm: “Mấy thứ không sạch sẽ người khác không nhìn ra thì ngươi lại một mực nhìn rõ ràng, hài tử số khổ…”
Sống nương tựa vào nhau đã mười mấy năm, lão đạo sĩ biết rõ lý do Từ Ngôn luôn thân thiết với con heo Tiểu Hắc trong chuồng, cũng thừa biết vì sao hắn luôn biểu hiện ra vẻ đần độn như heo. Vì chỉ có đầu heo Tiểu Hắc mới có thể ở trước mấy thứ không sạch sẽ kia mà vẫn vét sạch đồ ăn trong máng một cách ngon lành, cũng vẫn có thể trước mặt mấy thứ không sạch sẽ đó mà thản nhiên nằm ngủ ngáy o o …
Sự nhạy cảm của động vật, cường đại hơn con người nhiều lắm.
Một vài thứ con người không nhìn thấy nhưng động vật lại có thể dễ dàng phát giác ra. Ngoại trừ con heo Tiểu Hắc, toàn bộ đám súc vật, hoặc cả chim chóc sâu bọ…khi nhìn thấy bóng đen không thuộc về dương gian xuất hiện đều chọn cách tránh xa.
Lão đạo sĩ ho khan, sau nửa ngày mới ngừng được. Lão cười khổ một tiếng rồi múc lấy một ca nước trong, tưới lên vườn rau. Ở đó, là những mầm non xanh mơn mởn, sinh cơ bừng bừng.
Một con bọ cánh cứng ngốc nghếch vừa mới đáp xuống chiếc lá xanh, bị nước xối ướt đẫm nhưng vẫn chẳng chịu nhúc nhích. Ngốc đến mức khiến người khác phải xem thường, thậm chí vài con kiến nhỏ còn bò lên bò xuống trên người cũng không khiến nó động đậy chút nào. Mãi đến khi có một con kiến rất lớn đầy uy phong đang chuẩn bị đạp lên người con bọ để bước lên chiếc lá xanh ấy. Con bọ ngốc mới tránh cái gọng kìm trên miệng con kiến, một ngụm gắt gao cắn chặt lấy nó.
Lão đạo sĩ nhìn thấy rõ ràng cả một quá trình săn mồi của bọ cánh cứng, không khỏi ho khan lên vài tiếng rồi bật cười: “Là một đầu heo cũng được. Có vài con heo, lại ăn thịt hổ đấy…”
Lão đạo sĩ tên là Từ Đạo Viễn, mười lăm năm trước lão nhặt được một đứa cô nhi. Đứa trẻ lúc đó mới sinh nhưng lại không quấy khóc mà chỉ y y nha nha như đang nói gì đó, nên lão mới đặt tên là Từ Ngôn.
Thân thể Từ Đạo Viễn hết sức yếu ớt, lại có bệnh cũ quấn thân, chỉ có vết chai trên lòng bàn tay biểu thị việc quanh năm cầm kiếm mới cho thấy lão không phải là phàm phu. Mười mấy năm qua, cho dù lão chưa bao giờ hiển lộ bất cứ tài nghệ võ học gì, thế nhưng lại chỉ dạy Từ Ngôn luyện ra được một món Phi thạch có thể nói là tuyệt diệu công phu.
Từ Ngôn ném ra cục đá, có thể so được với thiện xạ.
Tường rào đạo quán không cao, lúc này chợt xuất hiện mấy cái đầu của đám trẻ thò qua hô lớn: “Từ Ngôn, đi kiếm vài món dân dã a. Đám thỏ trên Lão Phần Sơn chắc là rất béo tốt rồi!”
Vắt vẻo trên tường là đám trẻ nhỏ ở mấy nhà cùng khổ trong sơn trấn, quanh năm suốt tháng không có nổi vài bữa thịt ăn. Cho nên đánh bắt được vài món dân dã chính là niềm vui thú duy nhất của đám trẻ nhà nghèo này. Nếu có thể bắt được vài con thỏ rừng hoặc gà rừng nọ kia thì mấy đứa nhỏ có thêm một bữa cải thiện, đương nhiên cũng không thiếu mấy đứa nhỏ con nhà giàu ưa náo nhiệt tham gia vào.
“Được!”
Từ Ngôn đáp lời, quay về phòng cầm theo một cái xẻng nhỏ, tiện tay cầm theo cái bánh nướng trên bếp bỏ vào ngực áo. Sau đó chạy ra khỏi Thừa Vân quan, trên tay còn cầm thêm một sợi dây đỏ.
Đám nhỏ đang chờ bên ngoài, thấy Từ Ngôn đi ra không khỏi hưng phấn hô hào một tiếng. Cả bọn xấp ngửa chạy thẳng ra ngoài trấn, chỉ cần có Từ Ngôn thì bọn nó chắc chắn có thu hoạch rồi.
Cái bổn sự phi thạch bắt thỏ, ngoại trừ Từ Ngôn thì không ai làm được đấy.
Mấy đứa trẻ con nhà nghèo trong trấn lên núi đánh bắt món ăn dân dã cũng chỉ là tiện đường mà thôi, còn việc chính của bọn nó vẫn là đốn củi. Đừng nhìn vẻ ngoài nhỏ nhắn, nhưng trên eo mỗi đứa đều có sợi thừng quấn quanh. Vài đứa còn đeo theo một con dao chặt củi mòn vẹt sau lưng, coi như không bắt được thỏ rừng thì cả đám cũng vẫn nhặt đủ một bó củi đem về.
Những đứa trẻ khác đã chạy xa rồi. Bước chân Từ Ngôn cũng chậm dần lại, rồi cuối cùng đứng lại bên ngoài cách Thừa Vân Quan hơn mười trượng.
Mặt trời đã lên cao, trời xanh trong vắt không gợn mây, nhìn qua chỉ thấy là một mặt trời rực rỡ giữa không trung, trên khuôn mặt nhỏ nhắn của Từ Ngôn lại hiện lên một vệt đen. Hắn hít một hơi thật sâu, tựa như vừa quyết định xong một chuyện đầy khó khăn. Từ Ngôn chậm rãi quay đầu lại, nhìn về phía cửa ra vào của đạo quán, đôi mày thanh tú nhăn lại. Sau đó đôi chân nhanh chóng ra sức đuổi theo đám trẻ nhỏ đang chạy ra khỏi sơn trấn.
Mười lăm tuổi, chính là độ tuổi hồn nhiên ngây ngô của một thiếu niên. Không thiếu niên nào trong độ tuổi này có thể thu liễm được bản tâm mình. Từ Ngôn là tên khờ ngốc đần độn như heo trong mắt người khác thế nhưng lại là một thiếu niên cổ quái thông minh tuyệt đỉnh trong mắt lão đạo sĩ, khắp thiên hạ cũng không có được người thứ hai.
Không ai nguyện ý giả làm một đầu heo, hơn nữa lại đã kéo dài một hơi tới sáu bảy năm trời.
Ngoại trừ lão đạo sĩ, càng không kẻ nào biết được nỗi khổ tâm của Từ Ngôn. Bởi vì chỉ khi bản thân là một đầu heo, thì Từ Ngôn mới có thể lờ đi những cảnh tượng biến hóa kì lạ mà người khác không nhìn thấy được.
Từ nhỏ, hắn đã nhìn thấy được một vài thứ đồ vật cổ quái kì lạ.
Chẳng hạn như Linh tinh nhảy nhót trong khu rừng này, như quái điểu bay lượn trong đám mây đen, như nữ nhân phiêu đãng trong những ngày gió rét tuyết bay đầy trời, hay chẳng hạn như là…quỷ!
Ngay khi Từ Ngôn ngừng chân bên ngoài đạo quán. Người khác chỉ nhìn thấy được hai bên cửa lớn trống hoắc, thế nhưng trong mắt Từ Ngôn lại xuất hiện thêm hai cái bóng dáng, đầu đội mũ dài, một đen một trắng. Mặc dù không nhìn rõ diện mạo của hai bóng người ấy nhưng Từ Ngôn có thể dễ dàng khẳng định ra thân phận của bọn họ.
Quỷ sai, Hắc Bạch Vô Thường!