Nhất Phẩm Giang Sơn

Chương 279

Canh năm chưa đến, cha con Trần Khác đã đến Đãi Lậu Viện, hiển nhiên hai người ở đây trở thành tiêu điểm chú ý của đám quan lại. Tân khoa Trạng Nguyên chính là một thứ chạm vào có thể bỏng tay, thế nên cũng không có ai ngu tới mức đi nói lời châm chọc vào lúc này.

Hơn nữa, Trần Khác vừa mới tới tuổi hai mươi mà đã là quan tòng lục phẩm được phép thăng triều, tương lai tuyên khanh phong tướng gần như là điều chắc chắn, ai lại muốn tự dưng đắc tội với hắn chứ?

Bởi vậy, những lời mà Trần Khác nghe được đều là những lời khen ngợi tán tụng cùng với những khuôn mặt có vẻ nhiệt tình.

Chẳng qua, thấy hắn bị mọi người vây quanh, bộ dạng thiếu niên đắc chí, quả thật có không ít người trong lòng ghen ghét. Cái này cũng không có biện pháp mà, ai bảo người ta mới hai mươi tuổi đã là triều quan, còn bọn họ từ thí sinh đến triều quan lại mất những hơn hai mươi năm, hiện giờ ai nấy phải năm mươi tới sáu mươi tuổi, cũng sắp tới lúc phải về hưu rồi, vậy mà bọn họ còn phải xếp phía sau thiếu niên này, đây thật sự là khiến người khác phải hâm mộ lẫn ghen tị a…

Nhưng những người thật tâm vui mừng cho hắn cũng không ít, ngoại trừ những người quen biết với hắn ra thì càng có nhiều đồng hương cùng quê chúc mừng hắn. Bốn năm một lần, tuyển chọn trong vô số những nhân tài trẻ tuổi, nhưng chỉ có độc nhất vô nhị một Trạng Nguyên, lại từ đất Thục mà ra, đây chính là ngoại lệ lần đầu tiên. Hễ là những quan viên cùng quê với hắn thì đều cảm thấy vinh quang, bọn họ trong ngày truyền lư cũng đã đến chúc mừng Trần gia rồi. Giờ phút này, Trần Khác lần đầu vào triều, tất nhiên bọn họ cũng sẽ đi qua hỏi thăm.

Đương nhiên điều này cũng có liên quan tới vùng đất Tứ Xuyên, nơi mà hai mươi năm trước là một vùng văn hóa cằn cỗi, sau khi khai quốc bảy tám chục năm, thật đáng ngạc nhiên là chẳng có lấy một tiến sĩ nào. Bởi vậy mà những tiến sĩ xuất hiện từ đất Thục trong vòng hai mươi năm trở lại đây đều có cùng một cảm xúc tự hào mãnh liệt, bọn họ cảm thấy bản thân mình chính là vì người Tứ Xuyên mà dương danh khắp thiên hạ.

Mặc dù từ đó trở đi, nơi đây một lần nữa trở nên giàu có thịnh vượng, văn hóa giáo dục phát triển, những năm gần đây đều có tiến sĩ đi ra từ đất Tứ Xuyên này, nhưng điều đó và quan niệm hương đảng vẫn không hề thay đổi. Điều này cũng không phải nói rằng tất cả những quan lớn đi ra từ Tứ Xuyên đều vì Trần Khác mà bảo vệ cho hắn, trong đó Vương Khuê, Phạm Trấn còn là phó chủ khảo thi hội. Mặc dù triều Tống nghiêm cấm việc làm môn sinh tọa sư kia, nhưng phần quan hệ này thì ai cũng không thể phủ nhận được.

Cho nên hai vị quan lớn đã trở thành người dẫn đường nơi quan trường cho Trần Khác, trong đó Phạm Trấn thì trầm mặc ít lời, chủ yếu là Vương Khuê chỉ điểm hắn. Nhìn sắc trời, Vương Khuê đứng lên nói:

- Lần đầu vào triều, ngươi đi với ta tới bái kiến các vị tướng công đi.

Trần Khác liền đi theo Vương Khuê, đầu tiên là tới Trị Phòng của Chính Sự Đường. Trần Khác thành thành thật thật dựa theo lễ tiết quan trường thăm hỏi lần lượt từng người trong đám người Phú Bật, Tăng Công Lượng. Những người này tự nhiên sẽ biểu hiện ra ngoài, bọn họ đối với vãn bối rất trân trọng, tất cả đều có vẻ mặt hết sức ôn hòa, ngoại trừ chúc mừng và nói vài lời động viên thì còn hỏi một chút như ngày tháng năm sinh và các loại vấn đề như nhà cửa, anh em, họ hàng.

Đương nhiên, là một vị thủ tướng, Phú tướng công vẫn phải nói nhiều hơn một hai câu, ông ta khuyến khích hắn nói:

- Hiện tại, ngươi đã đỗ Trạng Nguyên, những tiến sĩ bản khoa đều là thiên lôi theo ngươi chỉ đâu đánh đó, đám học sinh hiểu biết ít hơn cũng muốn bước theo con đường mà ngươi đi. Ngươi phải có trách nhiệm lãnh đạo phong trào học tập tri thức. Hi vọng sau này ngươi không chỉ vì tương lai của bản thân mà phấn đấu, mà đồng thời phải tự rèn luyện nghiêm khắc, để cho thành tích chói lọi của ngươi hôm nay sẽ mãi là một điểm sáng rực rỡ trong phong trào học tập tri thức.

Trần Khác vâng dạ đáp lời, nét mặt không khỏi ửng đỏ. Hắn làm sao lại không nghe ra ý của Phú tướng công ám chỉ chính mình đang tẩu mã chương đài (vốn chỉ cưỡi ngựa đi qua Chương đài, sau chỉ dấn thân vào chốn kỹ viện), chìm trong cuộc sống quá mức vàng son hoang đường, khuyên mình phải biết tự kiềm chế một chút.

Nhưng Phú tướng công là một trang quân tử như vậy, nên ông ta chỉ nhắn nhủ một chút rồi dừng lại, tuyệt đối sẽ không khiến hắn mất mặt, thế nên sau đó ông lại nói đôi ba câu khen ngợi rồi để hắn đi.

Từ Chính Sự Đường đi ra, quay lại Trị Phòng của Xu Mật Viện, vốn tưởng rằng tiếp tục lại là một phen gặp gỡ theo thông lệ nữa, nhưng ai ngờ Hàn tướng công lại khàn giọng nói:

- Thật may là Trạng Nguyên lang đến rồi, lão phu đang muốn tìm ngươi nói chuyện, ta phải thỉnh giáo ngươi mới được.

- Tướng công nói quá lời rồi.

Trần Khác khẩn trương nói.

- Thỉnh an tạo.
Hàn Kỳ gật gật đầu… rồi nói trống không:
- Vũ Ngọc có việc gì vội thì cứ đi trước.

Đây chính là đuổi khách mà, Vương Khuê ngoan ngoãn nói:
- Ta quả thật có chút chuyện, vậy không quấy rầy tướng công nói chuyện nữa.
Ông ta liền quay sang Trần Khác cười nói:
- Có thể được Hàn tướng công chỉ giáo là phúc khí của ngươi đấy, hãy cố mà lắng nghe, ta đi trước đây.

Đợi cho Vương Khuê đi rồi, Hàn Kỳ nhìn Trần Khác nói:
- Nghe đại danh của ngươi đã lâu nên lão phu cũng sẽ không xem ngươi như hậu bối mà đối đãi, chúng ta cứ xem như ngang bằng, đã nói là phải nói hết.

- Hạ quan tuân lệnh.
Đây là lần đầu tiên Trần Khác nhìn thấy vị soái phú tiếng tăm lẫy lừng này. Hắn cảm thấy ông ta so với người trong truyền thuyết là một kẻ không coi ai ra gì thì hoàn toàn không giống vậy. Không biết có phải đó là Hàn tướng công của mười năm về trước hay là Hàn tướng công của hiện tại, một người đã trải qua bao thăng trầm, hiện giờ sớm đã thu liễm sự sắc bén của mình.

- Bản tấu đối của ngươi tại lễ tiểu truyền lư ta đã cho người sao chép, cũng đã đọc qua rồi, đúng là rất phi phàm.
Hàn Kỳ cũng không nói lời vô nghĩa cùng hắn, liền nói thẳng vào vấn đề.

- Tướng công quá khen.

- Xem ra ngươi đối với tình hình của biên giới tây nam đã tốn không ít công sức nghiên cứu, ta nói đúng chứ?
Mặc dù thanh âm của Hàn Kỳ khàn khàn, nhưng cũng vì thế mà vô cùng uy nghiêm nói.

- Vâng!
Trần Khác suy nghĩ một lúc, đáp lại:
- Vì quê hương của hạ quan nằm ở biên giới phía tây, lại tiếp giáp với Thổ Phiên, Đại Lý, Áp La và những nước nhỏ khác, lúc còn đi học vẫn luôn nhớ về nỗi lo trăm năm, cho nên vẫn luôn nghiên cứu quân chính, dân tình phía tây nam. Chỉ có điều tư chất hạ quan kém cỏi nên hoàn toàn chưa có thành tựu gì đáng nói.

- Không cần quá khiêm tốn! Cái này ở Đại Tống chính là một môn tuyệt học. Ngươi có thể lưu tâm nghiên cứu nó, đủ thấy ngươi không tầm thường rồi.
Hàn Kỳ nói:
- Ngươi đối với sự việc Mã Chí Thư tìm Đại Lý để nương tựa cảm thấy thế nào?

Ngày ấy Trần Khác cùng quan gia tấu đối, thật ra chỉ là những lời nói bình thường, những lời đó lấy ra để hù dọa những thần tử không biết đến sự to lớn của văn học trong thiên hạ thì còn được, chứ ở trước mặt người được xưng là võ tướng như Hàn Kỳ thì thật sự là không đủ, thế nên hắn không thể không suy nghĩ cẩn thận?

Sau khi cẩn thận cân nhắc một lúc, hắn mới chậm rãi nói:
- Hạ quan nghĩ rằng Mã Chí Thư cũng giống như Lý Nguyên Hạo đều là một tâm phúc đại họa, triều đình không nên giẫm lên vết xe đổ một lần nữa, khiến cho nguy cơ lại bùng cháy lại từ đống tro tàn. Hiện tại tên này đã rời khỏi Quảng Tây, tìm nơi nương tựa ở Vân Nam, thật ra thì y đã như cây không rễ rồi, lúc này đúng là thời cơ bắt giết y tốt nhất.
Dừng lại một chút, hắn nói tiếp:
- Nhưng ngoài Mã Chí Thư ra, quan trọng hơn chính là nước Đại Lý…, Đại Lý cùng với Đại Tống của chúng ta tiếp giáp nhau ở mấy châu liên tiếp, thêm vào đó phía bắc của bọn họ lại tiếp giáp với Thổ Phiên, phía nam gần với Ấp La, điều này đối với an nguy quốc phòng của Đại Tống chúng ta vô cùng quan trọng.


Hàn Kỳ chậm rãi gật đầu, mặc dù còn chưa nói lời khen ngợi, nhưng vẻ mặt ông ta lại có chút suy tư, hiển nhiên đối với những lời mà hắn nói vô cùng coi trọng.

- Thứ cho hạ quan nói thẳng, đối với đất đai mà nước Đại Lý cai quản từ thời Tần tới nay, trải qua Lưỡng Hán, Tam Quốc, Lưỡng Tấn, Nam Bắc Triều, Tùy Đường thì nó vẫn là một bộ phận không thể tách rời của các triều đại trên. Từ cuối triều Đường tới nay, trước thì có Nam Chiếu, sau có Đại Lý, lần lượt thoát khỏi sự quản lý của triều đình. Mà bởi vì sự trọng bắc khinh nam của triều đình, cùng với ấn tượng ban đầu dẫn tới hiểu lầm về người Đại Lý đã làm cho quan hệ giữa hai nước bất hòa, sau đó lại duy trì đề phòng đối với bọn họ, theo hạ quan thấy thì điều này không đúng.

- Ah!
Hàn Kỳ cười nói:
- Sai ở chỗ nào?

- Đúng vậy, không cùng tổ tiên tất có dị tâm, đồng thời do dị tộc thành lập chính quyền như nước Liêu, Tây Hạ, thậm chí ngay như Thổ Phiên, Nam Chiếu đều cấu thành uy hiếp nghiêm trọng đối với triều đình trung ương chúng ta. Thêm vào đó, những bài học rất rõ ràng trong thực tế đã khiến cho triều đình ta đối với Đại Lý duy trì cảnh giác, thậm chí dẫn tới bất hòa, nhưng loại nhận thức như vậy quả thật rất chi là chủ quan, võ đoán. Vấn đề cụ thể thì nhất định phải phân tích cụ thể, không thể vì một việc nhỏ mà bỏ qua việc lớn được.

- Ừm.
Hàn Kỳ gật gật đầu, ra hiệu cho hắn tiếp tục nói.

- Triều đình từ trước tới nay đều xem Đại Lý giống như là một phần kéo dài của nước Nam Chiếu, từ đó cho rằng bọn họ rất hiếu chiến, nên cũng cho rằng bọn họ rất nguy hiểm. Nhưng trên thực tế thì Đại Lý và Nam Chiếu lại hoàn toàn khác nhau, Nam Chiếu thích khuếch trương, còn Đại Lý lại thích nội đấu. Thêm vào đó, bên trong đất nước Đại Lý này, đạo Phật rất phổ biến, dân chúng của nước họ đối với Đại Tống có nhiều tình cảm gần gũi.
Trần Khác nói một cách chắc chắn:
- Nói trắng ra là, chính quyền của bọn họ giống với chính quyền Đại Tống đều là loại chính quyền ôn hòa. Người nắm quyền của bọn họ chưa bao giờ muốn vượt qua giới hạn mà tạo thành uy hiếp đối với biên giới nước ta.

- Ừm.
Hàn Kỳ cuối cùng cũng lộ ra ánh mắt tán thưởng nói:
- Ngươi có thể hiểu được điểm này, chứng tỏ ngươi là người có thực tài.
Nói xong, ông ta lại cười ha hả nói tiếp:
- Chẳng qua theo những gì mà ngươi vừa nói thì Mã Chí Thư chắc chắn không thể gây ra sóng to gió lớn gì tại Đại Lý, vậy chúng ta có thể không cần phải để ý tới y nữa rồi.

- Tướng công đang muốn khảo giáo hạ quan phải không ạ?
Trần Khác thản nhiên cười nói:
- Loạn lạc do bốn dị tộc chẳng qua bắt đầu là do lòng người không theo khuôn phép. Nhưng nếu như người cố tình phạm ta, thì ta tuy xa vẫn sẽ giết tới cùng để làm kinh sợ lòng người.

Giống như bên trong Đại Lý hiện giờ có sự tranh chấp giữa ba nhà, nhưng chưa từng có nhà nào muốn dựa vào thế lực của Mã thị để đàn áp hai nhà còn lại. Mặc dù bọn họ vô tình nhằm vào Đại Tống, nhưng chẳng lẽ lại sẽ cho Mã Chí Thư một cơ hội trở mình hay sao. Nước Đại Lý sản vật phong phú, những thứ như người, ngựa, đồng, sắt lại không thiếu, nếu bọn họ thật sự để cho Chí Thư cắm rễ tại nước họ, thì không tới vài năm y sẽ lại có thể đông sơn tái khởi, giết ngược về Quảng Tây.

- Thêm nữa, hạ quan vừa rồi đã nói qua, so với Chí Thư thì bản thân Đại Lý quan trọng hơn. Hạ quan nghĩ rằng, Đại Lý có ba lý do để không cần phải quan tâm tới bọn họ.
Trần Khác bấm tay nói:
- Thứ nhất, nước họ sản vật phong phú, có rất nhiều kim loại, ngựa tốt mà Đại Tống ta khan hiếm. Thứ hai, nếu có thể thu phục Đại Lý thì đối với quốc sách của chúng ta cũng không có gì trái ngược, bởi vì mặc dù chúng ta đối phó với đồng minh Tây Hạ, nhưng điều này lại được thành lập dựa trên ý muốn cá nhân của Tán Phổ Dũng Tư La, một khi kẻ này thay đổi chủ ý hoặc kẻ kế tục của gã đi theo Tây Hạ thì hậu quả thiết tưởng sẽ không thể chịu nổi. Mà Đại Lý lại nằm ở sau lưng Thổ Phiên, có thể khống chế con đường vận chuyển buôn bán, không chỉ là địa phương quan trọng để cung cấp mà còn là một thanh đao sắc có thể chống đỡ uy hiếp. Sau khi chúng ta thu phục Đại Lý, mặc kệ Tán Phổ của Thổ Phiên là ai cũng đều phải suy nghĩ đến việc hai bên thụ địch, nên nếu muốn phía sau không có nguy hiểm thì bọn họ sẽ không dám làm phản cùng với Tây Hạ.

- Tốt! Tốt!
Hàn Kỳ vỗ tay khen:
- Trạng Nguyên lang đúng là danh bất hư truyền, vị trí Xu Mật Sứ của lão phu đây tương lai không ai khác ngoài ngươi rồi.

- Tướng công quá khen.
Trần Khác khẩn trương, khiêm tốn nói.

- Chỗ tốt khi thu phục Đại Lý ta hoàn toàn đồng ý với ngươi.
Hàn Kỳ trầm giọng nói:
- Nhưng với tình trạng triều đình hiện nay, ngươi hẳn rất rõ ràng là chúng ta không thể nào khai chiến lần nữa, khiến Đại Lý cũng trở thành địch nhân của chúng ta. Cho nên, tất cả những gì mà triều đình có thẻ làm được lúc này, chẳng qua chỉ là phô trương thanh thế mà thôi. Trên thực tế, ai cũng không dám vượt qua giới hạn, vậy thì dưới tình hình như thế, chúng ta làm thế nào mới có thể thu phục Đại Lý?
Ông ta dừng lại một lúc, nói:
- Việc Đại Lý thỉnh cầu trở thành phiên thuộc của Đại Tống là không sai, nhưng đó là việc của vài thập niên trước rồi. Ai mà biết, liệu bọn họ hiện tại có thay đổi thái độ hay không?

- Việc này chúng ta nhất định phải tự mình xem xét.
Trần Khác trầm giọng nói:
- Vừa lúc chúng ta có thể mượn chuyện của Mã Chí Thư lần này để thử thái độ của bọn họ một chút.

Thật ra thì Trần Khác rất rõ ràng, hắn biết mình đã vượt qua được lần phỏng vấn này…, việc phái hắn đi sứ sắp tới sớm đã được định đoạt, chẳng qua hắn phải đảm nhiệm nhân vật nào thì còn cần mấy vị tướng công suy tính kỹ càng.

Dù gì thì cũng là đi xuất ngoại, tất nhiên phải hết sức tranh thủ quyền chủ đạo, nếu làm việc mà bị cản trở khắp nơi thì cũng không phải là việc dễ chịu gì.

Hàn Kỳ căn bản khá hài lòng với câu trả lời của Trần Khác, ông ta đang muốn hỏi tiếp thì tiếng chuông trong cung Cảnh Dương lại vang lên. Ông ta không thể làm gì khác hơn là phải bỏ dở cuộc nói chuyện này, đành nói:
- Đi, vào triều thôi.
Dừng lại một chút, nói:
- Lát nữa ở trên triều, ngươi cứ nói thoải mái, không cần phải cố kỵ điều gì.

- Tuân lệnh.

Rời khỏi Trị Phòng, Trần Khác liền tách khỏi Hàn Kỳ, người ta là tướng công đứng đầu, hắn chưa có tư cách đi theo. Chẳng qua, Vương Khuê vẫn còn chờ hắn, trong tiếng trống triều liền dẫn hắn tới ban vị, đồng thời còn dặn dò thêm mấy câu rồi mới rời đi.

Đây không phải là lần đầu tiên Trần Khác vào triều, nhưng lúc trước là lễ xướng danh Trạng Nguyên, khi đó hàng chục nghìn người chú ý, hắn nào dám nhìn xung quanh. Lúc này lại như hạc giữa bầy gà đi vào trong đám quần thần, không cần phải liếc trộm thì hắn vẫn có thể thấy rất rõ cảnh vật xung quanh. Nhưng thấy lúc này, mặt trời ló dạng từ phía đông, cửa lớn cửa nhỏ trong điện Tuyên Đức đều đã được mở rộng, kỳ giáo thủ của Hoàng Thành ti xếp thành hàng dọc theo lối đi, khôi giáp và binh khí phát ra ánh sáng chói mắt khiến mọi người không dám nhìn gần.

Sau khi tiếng trống dừng lại, hai con voi khoác lụa hồng viền xanh được dẫn từ bên trong Tuyên Đức môn ra ngoài, đứng yên hai bên cổng tò vò, rồi lấy hai cái vòi bắt lấy nhau làm thành một cái cầu. Lúc này, chuông cấm vang lên, đám triều quan quần áo nghiêm chỉnh, xếp thành hàng từ dưới chiếc cầu tạo bằng hai cái vòi voi lần lượt đi vào hoàng cung, những quan lại ở kinh thành không đủ cấp bậc thì lưu lại tại chỗ, ánh mắt thèm muốn trông theo.

Quan viên đi vào điện Thùy Củng phân chia thành tứng nhóm, chờ đợi triệu kiến. Sau khi dũ áo ba lượt, hai bên văn võ bá quan đã chỉnh tề, thiên tử ngồi xuống. Quan Điện Đầu quát lên:
- Có việc thì ra khỏi hàng khải tấu, không việc thì bãi triều.

Ngay lập tức có Xu Mật phó sứ đứng ra bẩm tấu việc liên quan đến Mã Chí Thư gần đây nhất. Thật ra thì chư vị đại liêu, mấy ngày trước đã biết được chuyện này, nhưng ở trước triều đình nói ra thì chuyện này mới được quốc gia chính thức thừa nhận, cũng hiển nhiên phải đưa ra đối sách… Còn đối sách thì sớm đã được quan gia và các vị tướng công, quan viên có liên quan thảo luận thỏa đáng. Chỉ có những sự kiện trọng đại hoặc những việc có tính tranh cãi rất mạnh mới có thể được thảo luận công khai ngay trước triều đình.

Việc này là nhằm nâng cao hiệu suất của công việc hành chính, nếu không thì chuyện gì cũng không cần phải làm mà chỉ cần gây lộn là được.

Đương nhiên, mọi người tới chỗ này không phải để nghe kết quả, nếu có gì dị nghị có thể trực tiếp nói ngay trên triều, những quan viên có liên quan sẽ giải đáp. Nếu quả thực những điều dị nghị có lý thì việc thay đổi quyết sách cũng không phải không thể thực hiện. Nghe người của Xu Mật Viện bẩm tấu, Triệu Trinh ngồi sau bức rèm che chậm rãi nói:
- Loạn giặc cướp lần này chính là tâm phúc đại họa, phải diệt trừ ngay, ai có thể phân ưu cùng quả nhân đây?


Ngay lập tức, có một nhóm võ tướng đứng ra xin được ra trận, nói:
- Thần nguyện.
- Thần nguyện vì quan gia lấy đầu phản tặc!
Trong lúc nhất thời tình cảm mọi người dào dạt, thật đúng là không thể nhìn ra ai đang diễn trò.

- Quan gia minh giám, hiện Mã quân trốn vào nước Đại Lý, là nước không có bang giao, đồng thời cũng không có tranh chấp gì với Đại Tống chúng ta.
Liền có một nhóm quan viên đứng ra giội một gáo nước lạnh nói:
- Chúng ta lại không có quyền hạ chiếu truy bắt, nếu tùy tiện động binh thì e rằng sẽ gây thù hằn giữa hai bên, chúng ta không thể không cẩn thận được.

- Lời ấy của khanh cũng có chút đạo lý.
Triệu Trinh nhìn Hàn Kỳ nói:
- Xu tướng có cao kiến gì chăng?

- Theo ý kiến của vi thần thì chúng ta nên làm theo những lời dạy bảo rõ ràng của người xưa, đó là xa thân gần đánh. Mặc dù Đại Lý có biến giới giáp với chúng ta, cũng nên liệt nước này vào hàng ngũ những nước ở xa. Bởi vì việc dùng binh ở biên giới phía tây từ xưa tới nay rất hao tài tốn của.
Hàn Kỳ thong dong đáp:
- Đột nhiên hai nước vừa không có bang giao gì với nhau, lại chưa từng lui tới, đồng thời nước đó lại ở một nơi cách xa mấy chục nghìn dặm, triều đình cũ đối với tình hình trong nước toàn bộ không hay biết gì, đây chính là đại kỵ trong sách lược ổn định của chúng ta. Người xưa thường nói, biết người biết ta trăm trận trăm thắng, cho nên vi thần đề nghị, chúng ta nên một mặt điều binh khiển tướng tràn vào biên cảnh để tạo áp lực với Đại Lý, cũng là chuẩn bị cho những điều bất trắc. Mặt khác, chúng ta phái sứ thần đắc lực, mang theo quốc thư cảnh cáo quốc chủ của Đại Lý, nói rõ ràng nếu bên kia đi theo phản tặc thì sẽ thành kẻ địch của Đại Tống, khuyên bên đó giao tặc nhân, nếu không tự chịu diệt vong. Cho dù bên kia cuối cùng quyết định ra sao thì chúng ta cũng có thể tìm hiểu thực hư.

- Ái khanh nói rất đúng.
Quan gia gật gật đầu nói:
- Phái ai đi sứ, khanh đã có nhân tuyển hay chưa?

- Kim khoa Trạng Nguyên Trần Khác, bản thân có chí hướng như Trương Quả, có dũng khí như Trần Thang, lại có tài năng vững chắc, có thể đảm nhận trọng trách lần này.

- Ý Tể tướng thế nào?
Nếu không biết, người khác còn tưởng rằng quốc chính quyết sách của Đại Tống lại giống như trò đùa của trẻ con thế này.

- Hồi bẩm quan gia, Xu tướng nói rất phải.
Phú Bật bước ra khỏi hàng nói:
- Vi thần đồng ý việc phái Trần Trạng Nguyên đi sứ, nhưng có hai điểm cần châm chước, một là Trạng Nguyên tuổi đời còn ít, nếu đột nhiên gánh lấy trọng trách nặng nề như lần này thì thần e sẽ khiến quân thần nước Đại Lý khinh thị. Hai là trong việc đi sứ lần này, Trạng Nguyên không rõ về quốc gia kia, lại vừa phải đối mặt với kẻ địch hung tàn, tình cảnh sẽ hết sức nguy hiểm, nên còn cần phải hỏi qua bản thân Trạng Nguyên lang.

- Tuổi đời hơi ít thì có thể dựa vào người khác, chúng ta sẽ phái một người có kinh nghiệm lão thành để áp trận.
Hàn Kỳ nói:
- Về phần bản thân Trạng Nguyên thì đã ở ngoài điện chờ chỉ.

- Truyền.

- Truyền tân khoa Trạng Nguyên, Tướng Tác Thiếu Giam Trần Khác lên điện gặp mặt.
Quan Điện Đầu xướng to.

Trần Khác vội vàng bước ra khỏi hàng vào điện, hành lễ theo nghi thức, rồi đợi sau khi hắn đứng lên, lúc này quan gia mới nói:
- Hai vị tướng công nói như vậy, Trạng Nguyên lang nghe rõ chứ?

- Vi thần đã nghe rõ.
Thanh âm Trần Khác vang vọng nói.

- Ý Trạng Nguyên lang thế nào?

- Thần nguyện đi!
Trần Khác lớn tiếng nói.

- Ngươi cần phải suy xét thật kỹ.
Triệu Trinh thản nhiên nói:
- Thứ nhất, theo như lệ thường, ngươi là người sắp được ban thưởng. Thứ hai, chuyến này đi sẽ có rất nhiều nguy hiểm, cũng không ai biết ngươi sẽ gặp phải cái gì trong thế giới kỳ lạ ngoài kia, nên cho dù ái khanh không đáp ứng, cũng không cần phải băn khoăn điều gì.

- Trần Thang đời Hán nói rằng, phàm kẻ nào xâm phạm người Hán, cho dù ở xa tất phải giết!
Vang vọng khắp nơi trong điện, âm thanh Trần Khác như kim như thạch, âm thanh đó lại quanh quẩn nói:
- Vi thần dù bất tài, cũng quyết không để chí khí thần tử Đại Tống ta thua kém!

Giọng nói phát ra khí khái hào hùng kia như lây nhiễm sang mỗi người có mặt trong đại điện.

- Tốt!
Ngữ khí của Triệu Trinh không còn ôn hòa như bình thường, vỗ tay nói:
- Trạng Nguyên được xướng tên ngoài Đông Hoa môn, quả nhiên là một hảo nam nhi!

Một câu nói đó cũng đủ để làm cho trên mặt của Hàn Kỳ, Vương Khuê – hai vị trọng thần đứng đầu trên điện lộ vẻ vinh quang. Hơn nữa, Hàn Kỳ còn như thấy được trên người Trần Khác bóng dáng của chính mình vào ba mươi năm trước, trong mắt ông ta không khỏi lộ ra vẻ tán thưởng.

- Chẳng qua lão Tể tướng đã nói như vậy, chúng ta không thể không nghe, quả nhân còn muốn tìm thêm một vị chánh sứ nữa.
Triệu Trinh hỏi Hàn Kỳ:
- Xu tướng thấy người nào có thể gánh vác trọng trách lần này?

- Hàn lâm học sĩ Vương Khuê cũng là người đất Thục, lão luyện thành thục, cùng đi với Trạng Nguyên lang đúng là rất cân đối.
Hàn Kỳ đáp:
- Cựu thần cho rằng ông ấy có thể gách vác trọng trách lần này.

- Truyền.

Vương Khuê sớm đã biết mình sẽ bị phái đi làm chánh sứ, trong lòng đã có chuẩn bị. Hơn nữa việc đi sứ là một bước quan trọng trên con đường thăng quan tiến chức, sau khi trở về thường được thăng chức rất lớn. Cho nên trong lòng ông ta cũng không quá mâu thuẫn.

Vừa mới rồi Trần Khác khẳng khái dâng trào, nhưng hắn cũng không thể làm quá, liền lớn tiếng nói:
- Chủ lo thần nhục, thần không dám đòi hỏi!
Tự nhiên liền khiến quân thần trở nên gần gũi hơn.

Mặt rồng của quan gia lộ vẻ vui sướng vô cùng, ban thưởng cho Vương Khuê “ngự tiên hoa đái”, phong làm chánh sứ. Ban thưởng cho Trân Khác “phi ngân ngư đại”, phong làm phó sứ.

Ông ta lại sai người đem tới một thanh bảo kiếm, giao vào trong tay Trần Khác nói:
- Hãy dùng Thiên Tử kiếm này chém đầu phản tặc!

- Thần tuân chỉ!
Trần Khác nâng hai tay đỡ lấy kiếm.

Tin tức Trần Khác nhanh chóng đi sứ làm kinh động những vị tiến sĩ đồng khoa, cũng khiến cho nhiệt huyết thiếu niên trong lòng bọn họ bùng phát. Tất nhiên bọn họ sẽ không chịu để cho mình hắn được đắc ý, ai nấy đều rối rít yêu cầu hy sinh ngày nghỉ để gia nhập đoàn người đi sứ.

Trần Khác xin chỉ thị Vương Khuê, người sau mặc dù biết mình là chánh sứ, nhưng chẳng qua chỉ là một người hộ tống mà thôi, cho nên toàn bộ quyết định đều dựa trên yêu cầu của Trần Khác. Cuối cùng, Trần Khác chọn Vương Thiều, Tăng Bố, Lã Huệ Khanh, Tống Đoan Bình bốn viên hổ tướng để đi cùng. Nếu như Chương Thận có ở đây thì Trần Khác chắc chắn phải mang theo anh ta, đáng tiếc là Chương Thận lại không có ở đây…

Một ngày trước khi lên đường, Âu Dương Tu hẹn huynh đệ Tăng thị, cha con Tô thị, còn có hai người Mai Nghiêu Thần và Tư Mã Quang về nhà tụ họp, đây là để tiễn biệt Trần Khác, Tăng Bố cùng Tức Tướng Xuất Tri Thường Châu – Vương An Thạch lên đường.

Vương An Thạch rất nhanh đã phải rời kinh, tất cả mọi người đều nói đó là bởi vì anh ta cắt giảm chỉ tiêu của Thái học thể quá mạnh tay, tạo ra quá nhiều kẻ thù, quan gia bất đắc dĩ phải để cho anh ta rời kinh để tránh mũi nhọn của đám thương nhân địa ngục. Nhưng người khởi xướng là Âu Dương Tu lại không nhúc nhích, hiển nhiên bên trong đó còn có huyền cơ khác.

Thật ra thì đây cũng không phải là bí mật gì, chỉ là chuyện nhỏ.

Người triều Tống thích vui chơi, thích tiệc tùng, sau thời văn chương thịnh thế tự nhiên càng thêm khắp chốn vui mừng, tiệc tùng cứ liên miên không dứt. Cũng chính ngày thứ hai của lễ truyền lư, ngày mà đám tiến sĩ đi đề tên trên bia đá lưu danh, những người hơi có chút danh tiếng hay quan lại quyền quý trong kinh thành đều đến khu vườn phía sau hoàng cung để tham gia yến tiệc ngắm hoa câu cá, quân thần cùng vui.

Nếu đã gọi là tiệc ngắm hoa câu cá, tất nhiên ngoại trừ ăn uống và xem biểu diễn ra thì phải có hoạt động ngắm hoa và câu cá. Ngắm hoa thì chả có gì để nói, một đám đại lão gia vây quanh những đóa hoa tươi chỉ chỉ trỏ trỏ, chỉ nghĩ thôi cũng khiến cho người khác buồn nôn rồi. Câu cá thì không tệ lắm, quan gia cung cấp cần câu, mồi câu, rồi lệnh cho các đại thần câu cá bên hồ trong ngự hoa viên, sau đó giao cá câu được cho đầu bếp trong cung làm thịt nhắm rượu.

Tự mình ra tay thực sự là thích thú vô cùng, khiến quần thần ai nấy đều hăng hái dào dạt. Quan gia lại phát hiện chỉ có một người ngồi ngây ra tại chỗ, anh ta ngơ ngác nhìn mặt nước, thỉnh thoảng lại đưa mồi câu trong cái đĩa màu vàng bỏ vào trong miệng, cũng là mồi câu trong cung khá ngon miệng nên anh ta đem cả một khay mồi câu ăn hết mà cũng không phát giác có gì khác thường.

Anh bạn này chính là đồng chí tiểu Vương.

Từ nhỏ đã chịu giáo dục nghiêm khắc theo cách thức của một quân vương trong hoàng gia, thế nên quan gia Triệu Trinh là người trời sanh tính tình thận trọng, ý thức quy phạm rất mạnh, rất chú trọng những tiểu tiết trong cuộc sống. Sau khi nhìn thấy như vậy, ông ta không cách nào hiểu được hành động kỳ quái kia, đành cho đây là vì Vương An Thạch nhầm lẫn.

Quay đầu lại, ông ta liền nói với Tể tướng:
- Vương An Thạch giả vờ sao, ăn nhầm cả mồi câu.
Nếu cho rằng anh ta là tiểu nhân giả vờ, quan gia hiển nhiên sẽ không hết sức bảo vệ nữa. Không qua mấy ngày, thì bổ nhiệm Vương An Thạch làm Tri Thường Châu được hạ xuống.

Cho nên lần này ngoại trừ đưa học trò của mình xuất chinh, lão Âu Dương cũng muốn mượn cơ hội này để trấn an Vương An Thạch đôi chút.

Giờ này, mặt trăng cũng đã ló dạng, khách nhân căn bản cũng đến đông đủ, ngay cả Vương An Thạch cũng đã đến, nhưng Trần Khác và ba người Tô gia vẫn chậm chạp chưa tới.

Khách quan trọng chưa tới, bữa tiệc tự nhiên không thể bắt đầu, Âu Dương Tu để cho con của lão đi xem một chút. Âu Dương Biện đi tới cửa liền quay trở lại, cùng anh ta tiến vào còn có Trần Khác đang mang theo vẻ mặt ngưng trọng.

Sau khi đi vào, Trần Khác liền chắp tay nói:
- Lão sư, nhạc mẫu của học trò bị bệnh nặng nên cha con ba người nhạc phụ của học trò đã ra khỏi thành vào lúc hoàng hôn rồi, không kịp cáo từ nữa, ủy thác cho học trò thay bọn họ tạ lỗi với người.

- Ah, không có việc gì gấp chứ?
Trên mặt Âu Dương Tu lộ vẻ ân cần nói.

- Con cũng không rõ.
Trần Khác lắc đầu, tâm tình hỏng hết.

Lẽ ra hắn nên cùng bọn họ lên đường, nhưng ngày mai Lễ bộ còn muốn mở tiệc tiễn đưa, há có thể vì việc riêng mà bỏ việc công?


Những con mưa rả rích trong tiết thanh minh khiến cho những người đi trên đường như muốn mất hồn.

Cũng không biết là ai chọn ngày, mà ngày đi sứ hôm nay lại vừa vặn vào tiết thanh minh.

Trần Khác ngồi trên con ngựa “hãn huyết bảo mã” do quan gia ban thưởng, ở khắp nơi phía trước là rất nhiều các vị đồng niên đưa tiễn, đi theo phía sau là đoàn hộ vệ của Hoàng thành ti có nhiệm vụ hộ tống hắn đi sứ. Hắn không mở dù, cũng không bởi vì đi sứ mà mặc lên người quan bào màu đỏ cùng ngân ngư đại, quan phục của hắn vẫn là màu lục như trước đây.

Cũng không phải vì hắn khiêm tốn gì, chỉ có điều hắn nghe nói Trình phu nhân đang bệnh tình nguy kịch, nếu hắn lại đi mặc quan bào màu đỏ thì có vẻ rất không hợp lẽ.

Cũng vì tin tức đó mà trong lòng hắn có thêm vài phần lo lắng cùng sa sút tinh thần, không còn vẻ khẳng khái trào dâng như lúc ở trên đại điện nữa rồi.

Cũng chính vì hắn sa sút tinh thần như thế đã khiến cho đội ngũ tiễn đưa giảm đi vài phần hăng hái, nhiều thêm mấy phần ngưng trọng.

Đội ngũ vừa từ Nam Huân môn đi ra ngoài được khoảng ba dặm, thì ở phía xa xa liền thấy một trạm nghỉ chân, đó chính là đình Xuân Nhai dùng để đưa tiễn quan lại rời kinh. Xung quanh mái hiên đình Xuân Nhai có binh lính đứng gác, nhân viên tạp vụ không được phép tới gần. Nhưng hôm nay mọi người từ xa nhìn lại, liền có thể thấy được không ít những chiếc xe ngựa được trang trí đẹp đẽ đang đứng chờ hai bên đường, lại có vô số tạp vụ cùng dân chúng vây xem, khiến cho quan đạo rộng lớn trở nên chật chội.

- Trọng Phương huynh không hổ là là người phong lưu đứng đầu a, rời kinh đi sứ mà lại được nhiều cô nương nổi tiếng toàn thành đến đưa tiễn.
Có người vẻ mặt hâm mộ nói:
- Thực sự là khiến người khác bội phục a!

- Không thể nào, ta lần này rời kinh cũng chẳng nói với ai mà.
Trần Khác nói:
- Các nàng chắc chắn không phải đến vì ta.

- Vậy là vì ai?
Mọi người khó hiểu nói:
- Còn ai có sức hấp dẫn lớn như vậy nữa chứ? So với Trạng Nguyên lang của chúng ta còn lớn hơn nữa à?

- Quả thật là có một người như vậy, chẳng qua cũng không đáng để lo lắng, bởi vì người đó đã là cổ nhân rồi.
Có một vị tiến sĩ Biện Kinh nói:
- Hôm nay là ngày toàn thiên hạ đều ghi nhớ, ngày viếng phong lưu mộ phần.

Mọi người như trong mộng tỉnh lại nói:
- Tiết thanh minh, ngoài Nam Huân môn tế Liễu Thất, thì ra là sự thật a!

Bọn họ liền nhìn qua, chỉ thấy bên cạnh quan đạo lúc này dấy lên một màu xanh biếc. Những cô gái thường ngày ăn mặc trang điểm xinh đẹp đủ loại sắc thái thì lúc này tất cả đều đổi lại một màu áo xanh, trên đầu mỗi người đều quấn vải đen. Trong tay họ ai nấy đều có một nén nhang, vẻ mặt trang nghiêm đứng trước một ngôi mộ lớn và một ngôi mộ nhỏ hơn kế bên.

Đây toàn là những nữ lục sự lấy việc mua vui chuốc cười làm nghề nghiệp, ai nấy đều xinh đẹp quyến rũ, nhưng giờ phút này trên mặt mỗi người đều lộ vẻ bi thương, như cha chết mẹ mất.

Song những người vây xem lại không thể lý giải nổi loại tình cảm này, ngược lại bọn họ còn hưng phấn chỉ trỏ xoi mói những danh kỹ ngày thường cao không thể với tới này… Ngay cả thập đại hoa khôi thì tới nơi đây cũng đã có chín người, chín người này nếu tham gia bình hoa bảng thì sẽ không ai không đạt, còn lại cũng đều là danh kỹ.

Các nàng lại không thèm để ý đến những âm thanh ngả ngớn xung quanh mà vẫn một mực cung kính dâng hương. Bọn họ đứng ngay tại trước bia mộ được viết “Phụng chỉ điền từ Liễu Tam Biến chi mộ” mà đồng thanh xướng lên một khúc hát khi Liễu Thất còn sống đã từng sáng tác:

- Hàn thiền thê thiết,
Đối trường đình vãn,
Sậu vũ sơ yết.

Đô môn trướng ẩm vô tự.
Lưu luyến xứ,
Lan chu thôi phát.

Chấp thủ tương khan lệ nhãn,
Cánh vô ngữ ngưng ế.

Niệm khứ khứ.
Thiên lý yên ba,
Mộ ái trầm trầm Sở thiên khoát.

Đa tình tự cổ thương ly biệt,
Cánh na kham,
Lãnh lạc thanh thu tiết!

Kim tiêu tửu tỉnh hà xứ?
Dương liễu ngạn,
Hiểu phong tàn nguyệt.

Thử khứ kinh niên,
Ưng thị lương thần.
Hảo cảnh hư thiết.

Tiện túng hữu thiên chủng phong tình,
Cánh dữ hà nhân thuyết?

Dịch thơ:

Buồn sao lạnh tiếng ve than,
Trường Đình lấp loáng chiều tàn dần trôi.
Cơn mưa chợt dứt hạt rồi,
Đô thành rượu tiễn, không vơi giọt sầu.
Luyến lưu chẳng nỡ rời nhau,
Mà thuyền lan đã giục mau xa bờ.
Nghẹn nào biết nói chi giờ,
Dùng dằng tay nắm, đẫm mờ khoé mi.
Dặm ngàn khói sóng xa đi,
Mênh mông trời Sở, chiều khi đượm buồn.
Đa tình khóc biệt đã thường,
Còn thêm não cảnh thu sương lạnh tràn.
Tỉnh say nơi chốn mơ màng,
Bên bờ dương liễu, trăng tàn gió mai.
Lần đi cách biệt năm dài,
Ngày lành cảnh đẹp, bỏ hoài từ đây.
Phong lưu dẫu lắm vẻ hay,
Cũng không tỏ được lòng này cùng ai!

Các nàng cùng với những giọt nước mắt mang theo đau buồn vừa ca vừa múa. Một khúc “Vũ Lâm Linh” bi thiết được miêu tả vô cùng nhuần nhuyễn, khiến người nghe đều bị nỗi sầu thương cảm nhiễm, nước mắt rơi ướt cả vạt áo…

Sức lôi cuốn mạnh mẽ đến mức khiến những kẻ không hiểu phong tình, những kẻ vô lại nhàn rỗi cũng phải an tĩnh lại. Bọn họ không nhịn được mà rơi lệ theo, mặc dù họ cũng không thể hiểu được người nào lại có thể chiếm lấy toàn bộ tâm tư của những cô gái đẹp như tiên nữ giáng trần kia, các nàng sao phải khóc đến thương tâm như vậy vì người đó.

Những tân khoa tiến sĩ mười phần cảm tính, đôi mắt đã ửng đỏ, cảm nhận được nỗi bi ai sâu lắng, nhưng cũng có không ít người lắc đầu khẽ thở dài:
- Hận không thể làm Liễu Thất, để mỹ nữ khắp thiên hạ khóc trước mộ! Dù cho cả đời có phải phiêu bạt giang hồ cũng đáng!

Nghe thấy những lời cảm thán, hâm mộ này, trong lòng Trần Khác thầm than, hắn cuối cùng cũng hiểu được một chút, vì sao sau khi qua đời nhiều năm như vậy, mà hình tượng của Liễu Vĩnh trong lòng các kỹ nữ vẫn còn tốt hơn cả thần thánh. Đó là bởi vì nam nhân ở đời này xem nữ nhân chỉ là đồ vật, đặc biệt là đối với kỹ nữ. Bọn họ xem các nàng như một thứ đồ chơi, dùng các nàng để phô bày sự giàu có của mình chứ không xem các nàng như một con người!

Chính mình từ trước tới nay không phải luôn cảm giác như thế hay sao?

Liễu Vĩnh lại không giống thế, ông ta xem các nàng như bạn bè, như một con người…

Nhưng vận mệnh của Liễu Vĩnh lại là đau khổ cùng cực. Ông vốn là con cháu quý tộc, ngày thường tuấn mỹ vô song, tài hoa lại độc nhất vô nhị, đồng thời còn có một trái tim tinh tế tỉ mỉ. Bi kịch của ông ta ai cũng biết. Bởi vì bài “Hạc Xung Thiên” mà ông làm ngay sau khi thi rớt đã bị vị quan gia nổi tiếng nhân từ lúc đó của Đại Tống liệt vào những phần tử bất hảo, rồi ra lệnh cho ông ta “cứ việc uống rượu ca hát, chứ cầu công danh phù phiếm chi nữa?”.

Thế là từ đó về sau, triều Đại Tống thiếu đi một quan viên học vấn và tu dưỡng sâu sắc, lại nhiều ra một Liễu Tam Biến phụng chỉ điền “từ”. Từ lúc đó trở đi, ông ta liền suốt ngày đắm chìm trong sáng tác những khúc ca chốn phong nguyệt, ký thác tinh thần nơi kỹ viện. Mà những danh kỹ kinh thành bấy giờ cũng có thể vì ông ta mà dâng hiến tất cả.

Liễu Vĩnh không có nghề nghiệp đang hoàng, trong nhà cũng cắt đứt nguồn cung cho ông ta, nhưng danh kỹ kinh thành lại tranh nhau đòi nuôi ông ta. Những danh kỹ đó tốn hết ngàn vàng chỉ để cầu được ngủ cùng Liễu Thất quan nhân một đêm, hoặc cầu được một “từ”, một bài thơ của ông ấy. Ngay lúc đó, trong thành Biện Kinh còn lưu truyền tâm sự của một kỹ nữ như thế này:

“Không cần mặc lụa là, chỉ theo Liễu Thất ca. Không cần quân vương triệu, chỉ cần Liễu Thất gọi.

Không cần ngàn hoàng kim, chỉ cầu được ở trong tim Liễu Thất. Không cần gặp thần tiên, chỉ cầu thấy mặt Liễu Thất…”

Cứ như vậy, Liễu Thất lăn lộn cả đời trong mỹ nữ. Sau khi qua đời, ông ta được các kỹ gia góp tiền tổ chức tang sự cho ông vô cùng hoành tráng. Trong ngày đưa tang, khắp thành Biện Kinh không một kỹ gia nào lại không đến, tiếng khóc rung trời. Từ đó về sau, tiết thanh minh hàng năm đã trở thành ngày mà các nàng viếng mộ Liễu Thất.

Thật ra mà nói, các nàng tế Liễu Thất trong tiết thanh minh, không bằng nói là những người đồng bệnh tương liên mượn cơ hội khóc lớn một hồi trước mộ… Mặt ngoài làm ra vẻ náo nhiệt như vậy, nhưng không thể che dấu được sự tự ty trong nội tâm, cũng như không thể thay thế được sự sợ hãi đối với tương lai của các nàng.

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Đợi khúc hát kết thúc, những binh lính mới khôi phục lại tinh thần, bắt đầu tiến lên xua đuổi những dân chúng cản đường.

Đoàn người tản ra, Trần Khác lúc này đang ngồi thẳng trên lưng một con ngưa cao to, liền nhanh chóng lọt vào tầm mắt của các vị danh kỹ trước mắt.

Các nàng ngây người ra một lúc, rồi lập tức hiểu ra, sau đó đồng loạt tiến lại gần cầu chúc hắn vạn phúc.

Trần Khác ở trên ngựa gật đầu, biểu thị đáp lễ.

Phần tôn trọng này khiến các vị hoa khôi cảm thấy rất dịu dàng, bọn họ đều lưu luyến không rời nói:
- Mắt thấy đại hội bình hoa sắp bắt đầu, Trạng Nguyên lang lại phải rời kinh rồi.

- Công việc bên người, không thể không như vậy.
Trần Khác mỉm cười nói:
- Hơn nữa, ta cũng chỉ là kẻ vô đức vô năng, tốt hơn hết vẫn là tránh đi để khỏi mất mặt.
Những danh kỹ ở chỗ này, gần như mỗi người đều đã từng theo hắn cầu “từ”, các nàng đã mang “từ” của lão Tân, tiểu Lý và lão Khương trong trí nhớ Trần Khác lấy đi một nửa. Còn lại một nửa phần nhiều là thù mất nước, hận dân tộc, nếu có lấy ra thì cũng không thể phù hợp rồi.

Cho nên những lời hắn nói đúng là sự thật, nếu hắn không dừng bút thì quả thật phải lộ ra những thứ còn lại.

Chẳng qua, những hành thủ nghe vậy thì lại cho rằng hắn vẫn luôn khôi hài như thế. Chỉ là vừa thoát khỏi cảm xúc bi thương, lại lầm vào loại tình cảm lưu luyến khiến cho tất cả bọn họ đều cười không nổi. Các nàng đều lấy ra trang sức tùy thân, túi thơm, khăn tay tặng cho Trần Khác, đồng loạt chúc hắn mã đáo thành công, sớm ngày về kinh, rối rít cùng nhau nói:
- Hôm nay mặc áo tang trên người, không tiện đa lễ. Ngày sau thiếp sẽ quét dọn giường chiếu, cung nghênh công tử chiến thắng trở về.
Thật sự là khiến những người xung quanh phải ghen tỵ quá đi mất.

- Trạng Nguyên lang đứng đầu những tài tử phong lưu, quả thật là hàng thật giá thật a!
Trong trường đình, Vương Khuê cùng một đám quan viên Lễ bộ nhìn thấy cảnh ở xa xa phía này, trên mặt ai nấy đều lộ vẻ hâm mộ nói:
- Người không phong lưu phí hoài tuổi trẻ mà!

Người triều Tống có lối suy nghĩ rất kỳ quái, không đậu tiến sĩ mà chơi gái chính là làm việc không đàng hoàng, còn đậu tiến sĩ thì phong lưu được xem là có bản lĩnh. Hiện tại, toàn bộ công khanh trong triều đang nghiêm trang đứng nhìn cảnh này, thật ra bọn họ khi còn trẻ tuổi, ai lại không cưỡi ngựa Chương đài, trêu ghẹo những hành thủ trăng hoa.

Sau khi các kỹ nữ từ biệt, người xem náo nhiệt cũng đi hết, bên ngoài trường đình, bên cạnh cổ đạo, lập tức yên tĩnh hơn không ít.

Trần Khác nhìn những đồng niên đi tiễn hắn, chỉ thấy vẻ mặt Ngũ Lang buồn bực. Anh ta cũng rất muốn đi cùng, nhưng bên nhà nhạc phụ đã định ra thời gian hôn lễ, cho nên Trần Khác đành phải cưỡng chế anh ta lưu lại tổ chức đám cưới, đồng thời còn hù dọa tên này rằng, bỏ qua cơ hội này sẽ không còn cơ hội khác nữa, cẩn thận không cả đời anh ta sẽ độc thân.

Uy hiếp có hiệu quả, quả nhiên Ngũ Lang thập phần lo lắng, nhưng lại vẫn kiên trì như cũ, chẳng sợ cô độc cả đời cũng phải đi theo bảo hộ hắn. Trần Khác có chút cảm động, nhưng đương nhiên hắn không thể hại đệ đệ mình, nên liền nói cho anh ta biết hòa thượng Huyền Ngọc sẽ đi cùng, lúc này Ngũ Lang mới yên lòng.

Tứ Lang thì được đi theo Trần Khác, đầu óc anh ta tỉnh táo, phán đoán nhạy bén, kỳ thật anh ta và Lã Huệ Khanh cũng có chút trùng lặp, nhưng hai người có chỗ hữu dụng khác nhau.

Sau khi thi đậu tân khoa tiến sĩ, triều đình sẽ cho bọn họ một năm thời gian để về nhà thu xếp công việc cá nhân, hoặc có thể vui chơi đây đó để thả lỏng tâm tình, sau một năm thì quay trở lại kinh thành báo tin. Cho nên Tứ Lang cũng không cần báo cáo lại với triều đình, chỉ cần đi theo Trần Khác cùng về nhà, nửa đường lại biến thành gia nhập đoàn đi sứ luôn.

Sau khi cùng các vị đồng niên nói lời tạm biệt, nghi thức tiễn đưa do Lễ Bộ thực hiện chính thức bắt đầu. Sau khi nghi thức dài dòng kết thúc, Trần Khác nhìn về phía tiểu vương gia Triệu Tông Tích vừa xuất hiện trong trường đình. Anh ta mỗi tay xách theo một cái hộp đồ ăn thật to, nói:
- Bảy nhân hai mười bốn ngày, ăn từ trên xuống dưới. Tầng càng cao thì đồ ăn càng nhanh hư đó, càng xuống đáy thì càng để được lâu.
Nói xong, anh ta đè thấp giọng nói tiếp:
- Tương nhi làm từ tối hôm qua tới sáng nay mới xong đó, nó đã bận rộn suốt đêm, ngươi cũng không thể lãng phí, càng không thể để cho người khác ăn.

Trần Khác gật gật đầu, tự tay đem hai cái hộp đựng thức ăn để lên xe. Giờ lên đường đã tới, hắn chắp tay với Triệu Tông Tích nói:
- Cố gắng bảo trọng!
Lại ôm quyền chào mọi người nói:
- Cố gắng bảo trọng!
Nói xong liền cầm lấy dây cương trong tay thị vệ, rồi trở mình lên ngựa.

Ngay tại lúc mọi người đang chăm chú thì hắn đã theo đội ngũ đi ngày càng xa, mãi đến khi ai cũng không còn nhìn thấy nữa. Trần Khác đang có chút buồn bã thất lạc, chợt nghe có tiếng đàn vang lên, lại giống như tiếng ca từ trên ngọn đồi bên đường truyền đến:

- ... Đô môn trướng ẩm vô tự, lưu luyến xử, lan chu thôi phát. Chấp thủ tương khán lệ nhãn, cánh vô ngữ ngưng ế... Đa tình tự cổ thương ly biệt. Canh na kham, lãnh lạc thanh thu tiết. Thử khứ kinh niên, ứng thị lương thần hảo cảnh hư thiết. Liền túng hữu thiên chủng phong tình, canh dữ hà nhân thuyết?

Cũng một lời ca giống như bài hát mà các hoa khôi lúc trước vừa hát tặng cho Liễu Tam Biến, giờ đây lại là tặng cho Trần Khác.
Bình Luận (0)
Comment