Nhất Thụ Nhân Sinh

Chương 14

Tưởng niệm là gì?

Tưởng niệm vốn dĩ là chứng bệnh bắt rễ từ xương tủy, lúc mùa đông sẽ hóa thành khí lạnh toát ra khỏi cơ thể, khiến mỗi thốn thịt da máu huyết phải buốt rét đau đớn. Đi trên đường tình cờ nghe thấy một bản nhạc, dầu có là giai điệu rộn ràng vui vẻ cũng biến thành khúc ly ca sầu muộn, chui vào trong tâm can trí óc khiến trái tim co rút đau đớn. Tình tự ngàn muôn vạn mối cũng như trăm sông dồn về một biển, đặt hết lên trên một người duy nhất.

Bởi vì cô đơn nên nhung nhớ, lại vì nhung nhớ mà càng thêm cô đơn.

Bởi vì đeo mang trong lòng tình cảm đó nên lúc nào cũng thấy mệt mỏi, nửa đêm giật mình tỉnh thức tâm trí bần thần không yên.

Tạ Nhất cắn chặt răng, lựa chọn rời xa, rời xa, chỉ có thể là rời xa.

*

Thành phố Thượng Hải nằm ở rìa phía Nam dòng Trường Giang đã hoàn toàn phá vỡ hình tượng Giang Nam sóng biếc hoa mộng mà một thời thi ca đã không tiếc ngợi khen, nào là chốn thủy ngoại đào nguyên, xuân sắc êm đềm một dòng trôi xuôi cả thời không. Kinh đô sầm suất rộng lớn này vận hành một cách chóng mặt, ai ai cũng vội vã bận rộn lướt qua nhau. Tạ Nhất có đôi khi đứng nhìn thành phố người qua kẻ lại như mắc cửi từ trong con hẻm nhỏ hẹp vắng tanh lại sẽ thấy cô đơn và buồn bã đến lạ.

Thế nhưng lại có một cỗ sức mạnh to lớn cứ ngày đêm không ngừng trỗi dậy, nhằm bóp chết đứa bé nhu nhược yếu ớt, để tất cả quá khứ vùi chôn tận cùng mãi mãi hệt như tuyết rơi phủ lấp lối đi đường về vào cái đêm mà thiếu niên quyết tuyệt bỏ ra đi.

Tựa như một đấm đã nện vào mặt Tạ Thủ Chuyết. Triệt để kéo lôi sự bạo ngược vẫn luôn được chôn giấu quá lâu trong đáy tâm hồn. Và cũng chính sự kiên quyết không thuộc về thiếu niên đó đã xé rách thân thể Tạ Nhất, biến cậu thành một người trưởng thành chỉ trong một đêm.

Tạ Nhất đã lừa Giả Quế Phương, hoàn toàn không có người cậu ruột nào, dầu có, cậu cũng sẽ không liên hệ. Đến cả huyết mạch tương liên lâu ngày không ngó ngàng tới còn hóa lạnh máu xương thì nói chi tới thân thích gần xa.

Ngày xưa, Hoàng Thái Hương nhất mực muốn gả cho Tạ Thủ Chuyết, đã cãi nhau với người trong gia đình, bao nhiêu năm rồi, cơ hồ là đã đoạn tuyệt quan hệ. Chỉ có người mẹ lương thiện của cậu là vẫn không dứt tình thân, len lén giấu tiền gửi về cho nhà họ ngoại từng tháng một, mong có được chút ít sự thứ tha của gia đình.

Nhưng, số tiền đó chỉ có thể mua về một phong bì từ tay người đàn ông trung niên mặt mày lạnh tanh xa lạ, chẳng bù cho Tạ Thủ Chuyết đổi rượu uống, trong tang lễ của Hoàng Thái Hương.

Tình cảm lắm lúc như một cuộc đầu tư. Anh bỏ tiền đầu tư vào đó, và đồng thời cũng phải chuẩn bị cho việc mất cả vốn lẫn lãi sau này. Nói ra có hơi bạc bẽo, nhưng chính xác là như thế.

*

Tiền làm công đợt hè vừa đủ cho cậu trang trải lộ phí và tiền căn phòng cậu lần đầu đi thuê. Tạ Nhất sống cho gian phòng ọp ẹp, có thể bị phá bỏ bất cứ lúc nào, khuất sâu trong con hẻm nhỏ. Người thuê chung phòng với cậu là một thanh niên tên Tiểu Ngô, đến từ An Huy, hiện đang đi làm công qua ngày. Phòng ốc nhỏ hẹp chật chọi, tường không cách âm, hàng xóm kế bên cãi nhau gì đều nghe lồng lộng, toilet xài chung do không thường xuyên tẩy rửa quét dọn nên lúc nào cũng nghe cái mùi ngai ngái khó chịu.

Mùa đông lạnh lẽo, thành phố miền Nam tuy không lắp đặt hệ thống sưởi ấm, nhưng so ra vẫn tốt hơn phương Bắc suốt ngày thâu đêm luôn có gió tây bắc rít gào vần vũ. Thế nhưng vì nơi này tình cảnh sinh hoạt quá mức nghèo nàn nên cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Thật ra cũng tại Tạ Nhất ham rẻ, thuê phòng tồi tàn, chăn đệm cũng là chủ nhà cấp cho, mền mùng luôn có mùi ẩm mốc, chân tường xó góc rêu mọc đầy, như thể một vết sẹo lồi cắt ngang da thịt.

Những ngày đầu mới đến, cậu hoàn toàn nghe không hiểu dân ở đây nói gì, giọng Thượng Hải cứ lơ lớ tiếng phổ thông khiến chóng cả mặt. Thỉnh thoảng cũng nghe ra đôi ba tiếng, nhưng chung quy đều mơ hồ cả.

Càng là như vậy thì nỗi cô độc lại càng lớn dần rồi lan rộng. 

Sau vài ngày, Tạ Nhất chịu không nổi nữa, đi mua một xấp giấy viết bản thảo, đem tất cả những lời không thể thốt ra với ai viết lên trên giấy, rồi mang đi đốt trong cái chậu gốm tráng men, nhìn những hàng chữ đen đen từ từ hóa ra bụi tro, tựa như đang tâm tình với người mẹ quá cố, thuận tiện sưởi ấm cho đôi bàn tay.

Về chuyện việc làm, so với tưởng tượng ban đầu thì còn dễ hơn rất nhiều. Từ bé Tạ Nhất đã quen chịu khổ, chẳng bao giờ chê lương ít, mang so với nguồn nhân lực nội địa thì cậu vừa có sức vừa chăm chỉ lại bằng cấp cao, tới nơi nào đều có người hồ hởi đón nhận.

Tạ Nhất làm một lúc bốn việc, cuối tuần cũng chẳng nghỉ ngơi, nhặt sách báo người ta bỏ đi, gom góp mang bán ve chai, đổi vài chục đồng bạc lẻ. Một đồng tiền cũng xẻ ra hai. Thường ngày ngoại trừ nhu cầu sinh hoạt cơ bản và tiền giấy bút thì Tạ Nhất chẳng xài cho cái gì, đến cả một cú điện thoại cũng không gọi. Và đương nhiên, cũng không có ai để cậu cần mà liên hệ.

Làm phụ hồ ở công trường được người ta cấp đồ ăn miễn phí, muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Tạ Nhất hầu như là sống dựa vào mớ thực phẩm đó, cầm cự cháo dưa qua ngày, có bao nhiêu thì cố ăn hết bấy nhiêu, ráng mà trôi qua một ngày. Có đôi khi đói quá, trong hộc tủ ở nhà có vài ba vắt mì sợi, rồi ra chợ nhặt rau cải người ta bỏ đi, mang về nấu với nước lã cùng muối đường bột ngọt mà ăn lót dạ.

Một năm, Tạ Nhất liều mạng đi làm. Hạ quyết tâm trong một năm phải kiếm đủ tiền học cùng sinh hoạt phí. Thời gian cho cậu tạm nghỉ học chỉ có một năm.

Cuộc đời trêu cợt cậu mười tám năm, cậu nhẫn nhục chịu đựng, nhu nhược chịu thua, bây giờ nên tới lúc hai bên hòa nhau rồi.

Tạ Nhất cắn răng, cố giữ cho mình tôn nghiêm mà sống.

*

Thời gian cứ thế trôi qua, chớp mắt một cái tới thu, chớp mắt cái nữa gần hết đông. Tới độ cuối năm, có rất nhiều người làm công lục tục về nhà, bạn cùng phòng với Tạ Nhất cũng đã mua vé xe về quê. Bấy giờ là lúc dễ kiếm việc làm nhất, nên Tạ Nhất cũng bận rộn tranh thủ một phen.

Tết là thời gian dành cho người có gia đình. Còn Tạ Nhất, là kiểu người một người ăn no tự lo phận mình, nên phải ráng mà làm lụng.

Những con số trong sổ tiết kiệm là nguồn vui duy nhất với Tạ Nhất. Hàng chữ số trong sổ đã sớm vượt qua hạn mức được đề ra. Tạ Nhất ban đầu vì lo lắng nên chia tiền ra gửi trong các ngân hàng khác nhau, như vậy coi như không đặt tất cả trứng gà vào cùng một rổ. Tiền chẳng là gì cả. Nhưng lúc không tiền tới tới một cọng lông chim cũng đủ làm ngạt thở chết người ta.

Ba mươi Tết, ông chủ cho Tạ Nhất về nhà sớm. Một mình đi trên đường, lo nghĩ mãi hoài cũng dừng lại cái sạp bên vỉa hè, mua thẻ điện thoại, tìm buồng điện thoại công cộng mà gọi cho một số máy quen thuộc.

Điện thoại chỉ reo hai tiếng, đối phương dường như rất nóng vội, Tạ Nhất không kịp "A lô" thì phía bên kia, Giả Quế Phương đã nôn nóng nói, "Phải Tiểu Nhất không con? Là Tiểu Nhất phải không con? Tiểu Nhất à? Tiểu Nhất nói gì với mẹ nuôi đi con!" Nói một tràng, câu cuối đã nghẹn ngào thổn thức.

Bao nhiêu tủi hờn cay đắng một mình chịu đựng suốt hơn nửa năm nay đều cố kìm nén lại trong lòng, thế nhưng ngay trong sát na nghe thấy giọng nói quen thuộc của người mẹ hiền thì viền mắt lại nóng lên, ứa nước. Tạ Nhất ngước đầu, nhìn thành phố bầu trời rặt một màu xám đục dần chuyển sang đen này, cố gắng giữ mình bình tĩnh, lát sau mới nhẹ nhàng lên tiếng, "Mẹ nuôi, là con."

Giả Quế Phương khóc không thành tiếng.

Tạ Nhất thoáng nghe thấy phía bên kia là giọng ba nuôi đang khuyên bảo gì đấy, nghẹn ngào mãi mới thốt ra lời, "Mẹ nuôi, đừng khóc. Con không sao. Con rất khỏe. Thật đó! Con khỏe lắm!"

Vương Đại Xuyên đẩy Giả Quế Phương cứ mải khóc ra, cầm lấy điện thoại, "Tiểu Nhất hả con, là ba nuôi nè... Con đang ở đâu hả?"

Gió rét lùa qua, thốc vào trong buồng điện thoại, Tạ Nhất cười khổ một tiếng, "Ba nuôi, con đang ở Thượng Hải."

"Gì chứ, làm sao ba không biết là con đang ở Thượng Hải? Mẹ nuôi con mỗi ngày đều lải nhải, bảo rằng số mã vùng điện thoại ở Thượng Hải là 021, nên chỉ cần điện thoại vừa reo, hiện lên số 02 thôi thì bả cứ như lên đồng ấy. Thế nhưng đợi nửa năm trời cũng chẳng thấy con gọi về, mẹ nuôi con cứ nghi thần nghi quỷ. Hôm trước coi TV... chương trình gì bà? Chiếu một ông lão già rồi, bị mù lại còn lưu lạc ăn xin, làm mẹ nuôi con khóc quá trời. Bả chỉ lo con một thân một mình sống bên ngoài ăn không no mặc không ấm, lại chẳng có nơi ở lẫn tiền bạc..."

Vương Đại Xuyên nói liên miên một hồi, Tạ Nhất chỉ im lặng lắng nghe, khóe mắt ngần ngật nước, kìm nén thế nào cũng không xong. Trong ấn tượng ba nuôi là người thô kệch, chỉ mỗi việc ngáy ngủ thôi mà như có thể làm rung cả quả núi, lúc nào cũng thô lỗ nhưng hào phóng. Bắt đầu từ bao giờ lại đi lo ba chuyện vụn vặt như cơm nước áo quần này?

Tạ Nhất hít sâu một hơi nói, "Ba nuôi, con có chỗ ở, cũng có việc làm, có tiền. Ba nói với mẹ nuôi là đừng lo cho con. Con sắp kiếm đủ tiền đi học rồi. Đợi thêm nửa năm nữa, không chừng còn đủ luôn tiền cho năm thứ hai. Lúc đó về trường nhập học lại cũng được. Có kinh nghiệm làm việc, đối với chuyện học hành cũng rất tốt..." Thốt nhiên lại không nói được gì nữa. Bàn tay cứ nắm siết lấy ống nghe điện thoại, vì lạnh mà từng ngón tay trắng bệch, tưởng chừng như bóp nát điện thoại ra.

"Tốt lắm! Vậy là được rồi!" Vương Đại Xuyên thở dài, Giả Quế Phương đập vào lưng ông một cái, nói, "Tốt gì mà tốt? Tốt cái đầu ông ấy!" Bà nghiến răng lườm chồng rồi nhanh lau nước mắt, đoạt lấy ống nghe, lớn giọng mà nói, "Sao cái thằng gì mà không bao giờ chịu nghe lời mẹ thế này? Mình ênh sống vất vưởng chợ đời, phải chịu bao nhiêu khổ cực rồi hả con?"

"Con..."

Tạ Nhất vừa mở miệng thì liền bị Giả Quế Phương chặn lời, "Con đừng có lừa mẹ nuôi! Mẹ nuôi sống từng này tuổi, có gì chưa thấy đâu? Mẹ từng thấy người ta ban ngày vất vả đi làm, ban đêm chui vào trong cái lều rách mà ngủ... Nghe đâu chỗ của con mùa đông không lắp hệ thống sưởi hơi... Trời lại lạnh như vậy... Mỗi ngày mẹ đều xem dự báo thời tiết, Thượng Hải hổm rầy toàn dưới 0 độ, sao mà sống nổi hả con?"

Tạ Nhất lí nhí, "Con quen rồi..."

"Quen gì mà quen? Bây giờ thì con ỷ y, nhưng tới già bệnh tật tính sao? Cái lạnh ăn vào xương, già rồi đứng còn không nổi! Mẹ nói con..." Giả Quế Phương càm ràm căn dặn một phen. Tạ Nhất nhìn thông báo trên màn hình điện thoại, sắp sửa hết thời gian. Phía bên kia đột nhiên dừng lại, chốc sau Giả Quế Phương lại nói, "Trường của Tiểu Dân được nghỉ, nó muốn nói chuyện với con, con chờ chút."

Tạ Nhất sững người ra, tưởng chừng là đã ngừng thở, ngực nhói lên đau vô cùng, bàn tay càng siết chặt ống nghe. Rồi sau đó là tiếng "Này" quen thuộc, "Tiểu Tạ! Tạ Nhất! Cậu còn đó không?"

Một trận gió lạnh thốc qua khiến Tạ Nhất giật mình tỉnh táo lại, ho một tiếng, "Tôi, tôi đây." Cố gắng điều chỉnh để giọng điệu của mình thật tự nhiên, "Nghe nói cậu đậu vào trường quân đội rồi, vẫn chưa chúc mừng gì, tôi..."

Vương Thụ Dân cười lạnh, "Chúc mừng? Cậu tiêu đời rồi! Đồ con rùa khốn kiếp Tạ Nhất, nghe cho rõ đây, ngài đây vừa giựt được một vé tàu của thằng bạn, chín giờ tối mai lên tàu, chừng chín giờ sáng ngày mốt thì tới nơi. Cậu nếu còn có lương tâm thì ra trạm xe đón ngài đây! Còn mà không tới, cha chả, đừng có nhìn mặt anh em gì nữa!"
Bình Luận (0)
Comment