Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huck Finn

Chương 39

Buổi sáng hôm sau, chúng tôi vào làng mua một cái bẫy chuột rồi đem xuống nhà. Chỉ trong độ một giờ, chúng tôi đã bắt được tới mười lăm con to bự. Rồi chúng tôi đem cất cẩn thận ở dưới gầm giường dì Saly. Nhưng đến lúc chúng tôi đang đi tìm bắt nhện thì thằng bé Tomas Phelps trông thấy cái bẫy chuột để đó, nó mở ra xem. Cả lũ chuột chạy ra toán loạn, vừa lúc ấy, dì Saly bước vào. Chúng tôi trở về thì thấy dì ấy đang đứng trên đầu giường kêu la ầm ĩ, còn lũ chuột thì chạy thục mạng. Dì lấy roi đánh hai đứa chúng tôi một trận.

Chúng tôi bắt được một lũ nhện, rệp, ếch nhái, sâu bọ, chúng tôi còn muốn lấy cả tổ ong bầu vẽ, nhưng không thành công. Cả gia đình ong còn đang ở trong tổ. Chúng tôi cứ đứng chờ mãi, định bụng làm cho chúng mệt lử rồi bắt. Nhưng ngược lại chúng không tỏ vẻ mệt chút nào. Chúng tôi đành bỏ đi tìm rắn, bắt được vái chục con rắn cỏ, bỏ vào một cái bị rồi đem về buồng. Vừa lúc ấy đền giờ ăn cơm tối. Nhưng cái bị không buộc chặt ở trên miệng thành ra rắn bò đi hết. Chốc chốc lại thấy một con từ trên trần nhà rơi xuống. Mà nó lại rơi vào đĩa thức ăn, vào lưng, vào gáy mình. Con nào trông cũng đẹp, nhưng đối với dì Saly thì khác. Dì ấy thấy rắn thì kinh tởm lắm. Mỗi khi có con rắn rơi xuống dì ấy lại rú lên và chạy mất hút. Tôi chưa thấy người đàn bà nào mà sợ rắn như thế. Phải đến một tuần lễ sau khi cái đám rắn mới đi ra hết khỏi nhà. Dì Saly vẫn còn sợ. Thật là lạ, nhưng thằng Tom nó bảo là đàn bà ai cũng thế cả.

Cứ mỗi khi có một con rắn bò qua chỗ dì ấy thì chúng tôi lại bị thêm một trận đòn. Tôi thì không sợ đòn, vì nó cũng chẳng đau đớn gì. Tôi chỉ ngại phải đi bắt lũ rắn khác. Chưa bao giờ thấy có cái buồng nào lại vui như cái buồng của Jim khi tất cả những con ấy bò ra nghe âm nhạc và đến bên cạnh Jim. Jim không lúc nào được yên tâm mà chợp mắt, vì khi những con rắn ngủ thì chuột lại bò ra, khi chuột quay vào thì rắn lại ra gác cho nên lúc nào Jim cũng thấy có một bọn ở dưới chân, một bọn ở trên đầu; Jim định tìm một chỗ khác nằm thì lũ nhện lại bò tới. Hắn bảo nếu mà hắn được thoát ra lần này thì sẽ không bao giờ muốn làm tù nhân nữa, có trả tiền hắn cũng không thiết.

Ba tuần lễ sau, mọi việc đều ổn cả. Chiếc áo đã được đưa vào trước, mỗi lần có một con chuột cắn thì Jim lại nhổm dậy viết một dòng nhật ký; khi mực còn ướt, bút đã làm xong, chữ và dấu hiệu đã khắc cả lên hòn đá xay; chân giường đã cưa đứt làm đôi, và chúng tôi đã phải ăn hết mùn cưa. Làm xong cái đó, chúng tôi bị đau bụng dữ dội tưởng như sắp chết. Chú Silas đã mấy lần viết thư về đồn điền ở dưới Orleans để báo cho người lên đem anh da đen ấy về, nhưng không thấy trả lời, vì ở dưới đó làm gì có đồn điền ấy. Sau cùng, chú ấy bảo rằng sẽ đăng tin Jim lên báo St Louis và Orleans. Khi chú ấy nhắc đến St Louis làm tôi giật mình lạnh toát cả người. Lúc đó thằng Tom quyết định viết thư nặc danh.

- Là cái gì? - Tôi hỏi.

- Là để báo cho người ta biết đang có chuyện gì. Khi trước, Louis thứ mười sáu định trốn khỏi ngục thì có một cô gái hầu cận làm việc đó. Thường thường là mẹ người bị giam đổi quần áo cho con, mẹ thì ở lại, còn người con thì cải trang mặc quần áo mẹ để trốn ra. Chúng mình cũng làm thế.

- Nhưng việc gì phải báo cho người ta. Người nào biết thì mặc họ.

- Tao biết rồi, nhưng nếu mình không báo cho họ biết thì không có ai và không có gì can thiệp đến chúng mình cả. Thành ra tất cả những việc vất vả khó khăn chẳng có giá trị gì, không nghĩa lý nào hết ư?

- Tao lại thích thế.

Nó nhìn tôi dè bỉu.

- Mày đừng nói nữa cho tao nhờ.

Tôi nói:

- Tao không phản đối đâu, mày làm thế nào cũng được. Thế mày tìm đâu ra người hầu gái ấy?

- Mày sẽ là người hầu gái đó. Giữa nửa đêm, mày luồn vào và mặc áo vàng đó vào.

- Thế thì được, nhưng tao mặc quần áo của tao thế này thì cũng đưa được thư vào chứ sao?

- Như thế thì mày lại không ra người hầu gái cận nữa.

- Nhưng có ai nhìn tao đâu?

- Chẳng sao. Mình làm là vì nhiệm vụ, chứ việc gì phải lo nghĩ rằng có ai trông thấy mình không. Mày không hiểu gì cả ư?

- Được, tao là người hầu gái, thế còn ai là mẹ của Jim?

- Tao là mẹ Jim. Tao sẽ mặc một cái áo của dì Saly.

- Được, vậy lúc tao và Jim trốn đi, mày phải ở lại trong nhà giam đó.

- Không phải chỉ có thể. Tao sẽ nhét rơm rạ vào đầy quần áo Jim và để trên giường giả làm mẹ hắn. Jim sẽ mặc quần áo của dì Saly tao đem đến, và cả ba chúng mình cùng trốn. Khi một người tù nhân vào loại nổi tiếng trốn đi, thì người ta gọi đó là vượt ngục.

Thế rồi Tom viết thư nặc danh, và đêm đó tôi mặc cái áo vàng của đàn bà vào, đem thư nặc danh đến nhét xuống dưới cửa, đúng như thằng Tom dặn.

Thư viết:

Chú ý: Sắp có chuyện lớn xảy ra. Phải để ý cho kỹ.

Người bạn vô danh.

Đêm sau, chúng tôi dán một cái tranh do thằng Tom vẽ, bằng máu có một cái sọ người với hai cái xương chéo dán ở cửa trước. Và đêm tới nữa lại dán ở cửa sau với một cái tranh vẽ quan tài. Cả gia đình đều run sợ. Cánh cửa đóng mạnh cũng làm cho dì Saly giật mình. Dì ấy sợ không dám đi ngủ nhưng không nói ra. Thế là công việc tiến hành rất tốt. Sáng sớm hôm sau vừa lúc trời rạng thì chúng tôi đã viết xong một bức thư nữa và tự lấy làm lạ rằng không hiểu tại sao mình lại tài thế. Đến bữa tối, họ nói rằng mấy anh da đen sẽ đứng gác suốt đêm ở cả hai cửa đằng trước, đằng sau nhà. Thằng Tom tụt xuống cột đèn dán cái thư đó vào gáy anh da đen rồi quay lên. Thư viết thế này:

“Đừng phản bội lại tôi, tôi muốn là người bạn của ngài. Hiện nay, đang có một toán giết người rất nguy hiểm sẽ cướp tên da đen chạy trốn của ngài, và họ khuyên ngài đừng ngăn cản họ. Tôi là một người trong toán họ, nhưng tôi muốn từ bỏ chúng và sống một cuộc đời lương thiện, cho nên tôi muốn báo cho ngài biết. Họ sẽ từ phía Bắc đi xuống, qua hàng rào, vào đúng nửa đêm, mang theo một chìa khóa giả vào buồng tên da đen để cướp hắn ra. Tôi sẽ đứng gần đó, nếu thấy có gì nguy hiểm thì tôi thổi một tiếng còi. Khi nào chúng đến gần thì tôi sẽ không thổi còi mà kêu be be như một con cừu. Rồi trong khi họ tháo dây xích thì ngài hãy đến mà khóa chặn họ ở bên trong và có thể giết họ như thế nào là tùy ngài. Ngài đừng làm gì khác ngoài các cách tôi đã bảo ngài trên đây; nếu không thì họ sẽ nghi ngờ là có chuyện và sẽ hú lên gọi cả bọn đến giải thoát. Tôi không đòi hỏi một phần thưởng gì cả, mà chỉ biết rằng tôi đã làm một việc chân chính”.

Người bạn vô danh

Sau khi ăn sáng, chúng tôi thấy khoan khóai bèn ra sông vớt cái xuồng lên rồi đi câu cá, lại mang theo cả thức ăn buổi trưa. Mãi đến gần tối, chúng tôi mới về, thấy cả nhà đang rất lo sợ, Ăn tối xong, họ giục chúng tôi đi ngủ, nhưng đến lưng chừng cầu thang, thấy dì Saly đã quay lưng đi rồi, chúng tôi lẻn xuống tủ lấy một ít đô la ăn nguội đem về buồng và đi ngủ, cho đến một giờ rưỡi thì dậy. Thằng Tom mặc áo của dì Saly nó mới lấy cắp được và đem đồ ăn đi. Nó bảo tôi:

- Bơ đâu rồi?

- Tao bỏ một miếng to vào bánh mì rồi.

- Sao không có đấy?

- Không có bơ cũng được.

- Mày xuống nhà lấy đi. Tao đi nhét rơm rạ vào quần áo Jim để giả làm mẹ hắn, rồi tao sẵn sàng chờ ở đó kêu be như con cừu, hễ mày đến thì cứ vào ngay.

Rồi nó đi ra, và tôi xuống nhà hầm. Tôi lấy miếng bánh rồi tắt đèn, lẩn nhành qua nhà dưới. Bỗng dì Saly tay cầm một cây nến ở đâu đi tới, tôi vội bỏ miếng bánh vào trong mũ rồi chụp lên đầu. Trông thấy tôi, dì ấy hỏi:

- Cháu ở dưới nhà hầm lên ư?

- Thưa... vâng.

- Cháu ở dưới đó làm gì?

- Không làm gì ạ.

- Đúng không?

- Đúng ạ.

- Thế thì đang đêm thế này xuống đó làm gì?

- Thưa ... cháu không biết ạ.

- Không biết? Đừng trả lời dì như thế, Tom. Dì muốn biết cháu làm gì ở dưới đó?

- Cháu chẳng làm gì cả, dì Saly ạ, cháu thề đấy.

Tôi đã tưởng dì ấy để cho đi, vì mọi lần dì vẫn làm như vậy. Nhưng có lẽ dạo này có nhiều chuyện bất thường xảy ra trong nhà nên dì ấy để ý đến từng cái nho nhỏ. Dì ấy nói rất cương quyết.

- Vào trong phòng và đừng chờ ở đó. Để dì xem thế nào đã, rồi sẽ nói chuyện.

- Dì ấy đi rồi, tôi mở cửa bước vào phòng khách. Thật ngạc nhiên, một đám đông đang ở trong phòng. Mười lăm người ngủ trại, người nào trong tay cũng cầm súng cả. Tôi ngồi phịch xuống. Họ đang thì thầm nói chuyện với nhau, trông ai cũng có vẻ bực mình, khó chịu, nhưng vẫn làm ra bộ như không có gì. Nhưng tôi biết, vì thấy họ cứ nhấc mũ ra lại đội mũ vào, đứng lên ngồi xuống, tay thì vân vê khuy áo. Chính tôi cũng sốt ruột, nhưng tôi không bỏ mũ ra như họ.

Tôi mong dì Saly đến đuổi tôi ra ngoài để tôi còn chạy ra bảo thằng Tom là hai đứa đã làm to chuyện quá và bây giờ phải cùng với Jim mà chạy trốn đi trước khi bọn người kia bực mình lên vớ được chúng tôi thì chết.

Rồi lát sau dì ấy đến hỏi tôi nhiều câu, nhưng tôi không thể nào trả lời ngay được vì tôi không biết trả lời dì như thế nào. Những người kia thì đang nóng ruột muốn khởi sự ngay. Trông họ như đang điên lên cả. Họ bảo chỉ còn mấy phút nữa là đến nửa đêm. Vài ba người khác thì bảo hãy khoan, để chờ tiếng be của con cừu kêu lên làm hiệu đã. Còn dì Saly thì cứ hỏi dồn tôi mãi, tôi sợ quá run bắn người lên và như sắp ngã gục xuống. Trong phòng mỗi lúc một nóng nực. Miếng bơ để trong mũ tôi bắt đầu chảy, chảy ròng ròng xuống qua mang tai và chạy xuống gáy. Bỗng có một người nói:

- Để tôi đi đến đó trước đã, chờ chúng nó tới là bắt.

Tôi suýt nữa quỵ xuống, một vệt bơ chảy xuống giữa trán. Dì Saly trông thấy, tái bệch cả mặt và kêu lên:

-Trời ơi, thằng bé làm sao thế này? Đúng là nó bị đau màng não rồi đây, óc chảy cả ra đây này.

Mọi người chạy đến xem. Cô ấy nhấc cái mũ lên đầu tôi ra, miếng bánh cũng rơi xuống, chỗ bơ còn lại thì dính lên đầu; thế là cô ấy nắm lấy tôi lay một hồi nói:

- ồ, cháu làm cho dì sợ quá.Thật may là không đến nỗi quá tệ như dì tưởng. Sau cháu không nói ngay cho dì khỏi lo lắng. Thôi bây giờ cháu đi ngủ đi, đừng có ló mặt ra đây từ giờ đến sáng nữa nhé.

Chỉ một giây đồng hồ, tôi đã nhảy lên gác, tụt ngay xuống cột đèn và lẩn trong bóng tối đi ra phía hiên nhà. Tôi lo quá không nói gì được nữa. Nhưng tôi bảo thằng Tom thật nhanh là phải chuồn ngay đi, đừng chậm một phút, trong nhà đầy những người, họ mang cả súng.

Mặt nó sáng lên, nó hỏi:

- ồ, thật thế hả? Huck này, nếu diễn lại cái trò này, tao tính có thể kéo được đến hai trăm người tới. Hay là mình hoãn đến...

Tôi ngắt lời nó:

- Phải đi ngay thôi. Jim đâu?

- Bên cạnh mày, cứ giơ tay ra với là sờ thấy. Jim mặc xong quần áo rồi. Bây giờ chúng mình chuồn ra ngoài và làm hiệu nhé.

Ngay lúc đó, chúng tôi nghe thấy tiếng chân rầm rập của mọi người, rồi tiếng mở khóa, một người nói:

- Tôi bảo là hãy còn sớm quá; chúng nó chưa đến, cửa còn khóa. Vài người vào sẵn bên trong phục ở chỗ tối, hễ chúng nó đến là giết luôn, còn những người kia đứng dàn ra một quãng và nghe ngóng.

Họ bước vào, nhưng trong đêm tối không nhìn thấy chúng tôi. Suýt nữa họ giẫm phải chúng tôi trong khi chúng tôi đang chui xuống gầm giường. Nhưng chúng tôi chui lọt và nhẹ nhàng chuồn ra ngoài. Jim ra trước, rồi đến tôi. Tom ra sau cùng. Đó là theo lệnh của Tom. Chúng tôi bò ra phía cửa, Tom bảo chúng tôi dừng lại nhìn qua khe cửa trước đã, nhưng tối quá chẳng thấy gì. Nó lấy khuỷu tay huých một cái ra hiệu cho Jim bò lên trước. Nó đi sau cùng. Nó lại ghé tai vào khe của nghe ngóng, vẫn thấy bước chân đi lạo xạo bên ngòai. Sau đó, nó huých chúng tôi, chúng tôi bò đi lom khom, nín thở, không có một tiếng động, và cứ thế ra đến hàng rào theo kiểu bọn người da đỏ. Tôi và Jim trèo qua rồi, nhưng thằng Tom lại móc quần áo vào đầu cọc cứ lúng túng ở đó mãi. Bỗng nghe thấy tiếng chân chạy đến, nó phải giằng mạnh làm gẫy cả cọc kêu đánh rắc một cái. Nó vừa kịp chạy theo chúng tôi thì có tiếng người quát:

- Ai đấy? Trả lời mau, nếu không tao bắn bỏ!

Chúng tôi không trả lời, cứ cắm đầu cắm cổ chạy. Một đám người lao đến. Đoàng, đoàng, đoàng! Đạn hay vèo vèo xunh quanh chúng tôi. Họ la lên:

- Chúng đây rồi! Chúng chạy ra bờ sông! Anh em ơi, đuổi theo đi. Thả chó ra mau lên!

Họ ùa đến. Chúng tôi nghe rất rõ vì họ đi giày ủng, miệng la hét, còn chúng tôi không đi giầy ủng và cũng không la hét. Chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ dẫn đến xưởng. Lúc họ chạy gần tới sau lưng, chúng tôi tránh sang bên nấp vào bụi để cho họ đi qua, rồi lại bước ra chạy sau lưng họ. Lũ chó chạy đến, sủa váng cả lên nghe như có đến một triệu con. Chúng tôi đứng nguyên đó chờ cho lũ chó đến nơi. Toàn là chó nhà nên khi thấy chúng tôi, chúng quẫy đuôi mừng rồi lại kéo chạy lên phía trước theo bọn họ đang lục sục la hét. Rồi chúng tôi quay ngược lên phía trên sông, miệng huýt sáo đàng hoàng ở sau lưng họ; đi đến gần xưởng rồi rẽ vào bụi cây chỗ buộc cái xuồng của tôi. Chúng tôi nhảy cả vào xuồng chèo ra giữa sông, và cố gắng không làm gì quá ầm ĩ. Thế là chúng tôi chèo đi, nhẹ nhàng, thoải mái, nhằm phía hòn đảo nơi tôi đã giấu chiếc bè. Chúng tôi vẫn còn nghe tiếng người la hét, tiếng chó sủa ở dọc bờ sông. Cho đến lúc đã đi xa, những tiếng đó mới mờ dần và mất hẳn. Bước lên bè rồi, tôi nói:

- Jim, bây giờ anh được tự do rồi, và chắc sẽ không bao giờ còn phải làm nô lệ nữa.

Chúng tôi đứa nào cũng khóai trá lắm. Nhưng thằng Tom nó khóai hơn cả, vì nó bị một viên đạn vào bắp chân.

Tôi và Jim nghe thấy thì không còn vui được nữa. Vết thương làm nó đau lắm, máu chảy nhiều. Chúng tôi cho nó nằm vào trong lều rồi xé một cái áo của quận công còn để đó ra băng bó cho nó. Nhưng nó nói:

- Để tao làm lấy. Đừng dừng ở lại đây, như thế cuộc vượt ngục mới thành. Cho bè đi đi thôi! Mình làm rất tài, tài thật đấy. Tao nghĩ rằng mình có cái tài của Louis thứ mười sáu đấy, không, chúng mình còn vượt xa hơn thế nữa. Chúng mình làm dễ dàng như chơi. Thôi, lên đường đi, nhanh lên.

Jim và tôi nhìn nhau suy nghĩ. Một phút sau, tôi bảo

- Jim nói đi!

Jim nói:

- Tôi nghĩ thế này, cậu Huck ạ. Giả sử cậu là người được cứu thoát, và một trong những người cứu cậu bị thương thì liệu cậu có đang tâm để cho người bị thương đó nằm chờ chết không? Chắc là không! Và Jim cũng không làm như vậy đâu. Nếu không có bác sĩ thì nhất định Jim không đi khỏi nơi này cho dù phải chờ bốn mươi năm nữa.

Tôi nói Jim nói rất thật lòng. Tôi bảo Tom là để tôi đi tìm bác sĩ. Nó nhất định khăng khăng không nghe; nhưng Jim và tôi cũng không chịu. Nó định bò ra ngoài tự tay tháo bè nhưng chúng tôi cũng không cho nó làm thế. Nó cằn nhằn một hồi, xong rồi cũng thôi.

Thấy tôi chuẩn bị buồng sẵn sàng, nó nói:

- Thôi được, nếu như mày nhất định đi thì tao bảo mày những việc cần làm khi vào trong làng, Mày đóng cửa vào, bịt mắt bác sĩ và trói chặt lại, bảo ông ta thế phải im không nói gì, rồi để một bọc vàng vào tay ông ta, đưa ông ta đi khắp các lối tắt và đường hẻm trong chỗ tối, rồi dắt ông ta xuống xuồng, đi một lượt vòng quanh các hòn đảo. Mày phải lục lọi khắp các túi của ông ta, không để ông ta giữ một mẩu phấn nào, nếu không ông ta sẽ lấy phấn đánh dấu vào cái bè này để rồi sau lại tìm thấy được.

Tôi hứa sẽ làm đúng như vậy, còn Jim phải nấp trong rừng cho đến khi nào thấy bác sĩ đến và đi khỏi bè thì mới trở lại.

Bác sĩ là một người đã nhiều tuổi và có vẻ hiền lành. Tôi đánh thức ông ta dậy và bảo ông ấy rằng hai anh em tôi đang ở trên đảo Tây Ban Nha đi săn bắn từ chiều hôm qua trên một cái bè. Đến giữa đêm, chẳng may nằm mê bóp phải cò súng. Súng nổ trúng ngay vào chân. Cho nên mời bác sĩ đến đó chữa cho và đừng nói gì về chuyện này, đừng cho ai biết, vì đêm nay chúng tôi muốn trở về nhà làm cho người nhà phải ngạc nhiên. Ông ta hỏi:

- Người nhà của cháu là ai vậy?

- Nhà Phelps, ở dưới kia.

- à, ra vậy.

Lát sau, ông ấy lại hỏi:

- Cháu nói bạn cháu bị thương như thế nào nhỉ?

- Bạn ấy mơ ngủ, rồi bị trúng đạn.

- Lạ nhỉ!

Thế rồi ông bác sĩ thắp đèn, xách túi thuốc đi ra. Nhưng đến lúc trông thấy cái xuồng, ông ta không thích bảo là xuồng nhỏ quá chỉ đủ vừa một người, ngồi hai người thì không chắc chắn. Tôi nói:

- Ông đừng sợ, ba người chúng cháu vẫn ngồi tốt mà.

- Sao lại ba người?

- Cháu, Sid và... và... súng nữa là ba.

- à ra thế

Ông ta đặt chân lên mạn xuồng, nhấn thử rồi lắc đầu bảo là để ông ấy phải tìm một cái xuồng to hơn, song xuồng nào cũng buộc dây xích và khóa cả. Thế là ông ta lại trèo ra khỏi xuồng của tôi, bảo tôi chờ ông ta quay lại.

Tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ. Tôi tự bảo: nhỡ ông ta không chữa khỏi ngay được cái chân của Tom thì sao? Nhỡ phải chữa đến ba bốn ngày thì sao? Chúng tôi làm thế nào? Phải chờ đó đến khi ông ta chữa xong ư? Tôi biết làm gì bao giờ? Tôi sẽ chờ, lúc nào ông ta quay lại, nếu ông ta bảo không đi nữa thì tôi sẽ xuống đó, nếu cần thì bơi xuống, chúng tôi sẽ bắt giữ ông ta trói lại, rồi đưa xuống dưới kia, và sau khi chữa xong cho Tom rồi sẽ trả cho ông ta xứng đáng bằng tất cả những gì chúng tôi có. Sau sẽ để ông ta lên bờ.

Thế rồi tôi nằm ngả lưng vào đống củi gỗ gần đó để chớp mắt một lát. Đến lúc tỉnh dậy để thấy mặt trời lên đến đỉnh đầu. Tôi vùng dậy chạy ngay đến nhà bác sĩ thì họ bảo là bác sĩ đi từ đêm chưa về. Tôi nghĩ bụng thế này thì nguy cho Tom lắm. Tôi phải đi ra hòn đảo ngay. Tôi quay ra, đến chỗ rẽ ở góc đường thì đâm ngay đầu vào bụng chú Silas. Chú ấy hỏi:

- Ơ kìa Tom, cháu đi đâu từ lúc đó đến giờ?

- Cháu chẳng đi đâu cả, cháu và Sid đi đuổi tên da đen chạy trốn.

- Mày đi những đâu? Dì chúng mày đang sốt cả ruột lên kia kìa.

Tôi đáp

- Dì sốt ruột làm gì chứ, chúng cháu có sao đâu. Chúng cháu chạy theo bọn người với lũ chó, nhưng họ chạy nhanh quá, chúng cháu bị lạc, sau chúng cháu tưởng nghe thấy họ ở dưới sông, chúng cháu lấy xuồng đuổi theo và sang bên kia sông, nhưng vẫn chẳng thấy họ đâu cả. Rồi chúng cháu lên bờ ngồi nghỉ, mệt quá, mới buộc cái xuồng lại và ngủ một giấc, vừa mới dậy cách đây một giờ thôi. Xong chúng cháu chèo xuồng về đây để nghe tin tức xem thế nào. Sid chạy ra nhà bưu điện để nghe ngóng, còn cháu thì ra đây xem có gì ăn rồi chúng cháu mới về nhà.

Thế là cả hai người cùng ra nhà bưu điện để tìm Sid. Nhưng tôi biết tất nhiên là Sid không có ở đấy. Ông chú lại nhận được một lá thư mới gửi tới. Chúng tôi ngồi đợi thêm một lát nữa không thấy Sid. Ông ấy bảo phải đi về thôi, để cho dì Saly biết là chúng tôi không sao, còn Sid sẽ tự tìm về. Về đến nhà, dì Saly mừng rỡ quá, nửa cười, nửa khóc, ôm chặt lấy tôi, cho tôi ăn một cái bánh thật ngon và dì ấy bảo chờ Sid về cũng cho ăn thế nữa.

Trong nhà đầy chật những người, họ ăn uống, nói chuyện ồn ào. Bà Hotchkiss cứ liền thoắng liên mồm.

- Chị Phelps này, tồi đã vào xem cái buồng giam đó rồi, và tôi thấy tên da đen thật là lạ. Tôi cũng bảo với chị Damrell như thế, có phải không chị Damrell? Chà, nó quái gở thật. Cứ xem hòn đá xay đó thì biết. Nào là tan nát trái tim, nào là sống mòn mỏi ba mươi bảy năm, rồi con đẻ của Louis... lắm thứ vô cùng. Cái tên da đen này thật là quái gở!

Bà Damrell nói:

- Mà cái thang làm toàn bằng giẻ rách ấy, không biết là nó dùng cái đó để làm gì chứ?

- Nhưng làm thế nào mà nó lại đem hòn đá xay vào đó được chứ? Đứa nào đào cái lỗ ấy chứ?

- Tôi cũng đang định hỏi thế đấy. Không biết thế nào mà nó đem được hòn đá xay vào đấy. Một mình nó mang được à? Nhất định là có đứa nào giúp nó, chà, mà nhiều đứa giúp nữa; phải có đến hơn một chục đứa giúp cái thằng da đen ấy. Tôi mà biết đứa nào thì tôi lột da tất cả bọn da đen ở vùng này đi! Chà!

- Hơn chục người ấy à? Có đến bốn chục người cũng chẳng làm hết được, bấy nhiêu thứ ấy. Đấy, cứ thử nhìn vào đống dao, cưa, cuốc, xẻng ấy mà xem. mệt lắm chứ, rồi lại cái chân giường cưa đứt ấy là cũng phải sáu người làm hết một tuần lễ, cái tên da đen làm bằng rơm rạ để trên giường ấy, rồi thì cái...

- Quái lạ, hẳn đêm nào cũng phải có một đám da đen vào đó mà làm đến bốn tuần lễ mới được bấy nhiêu thứ, chị Phelps ạ. Đấy, cứ xem cái áo đấy, cứ mỗi một tấc áo là có một dấu hiệu bí mật của dân châu Phi viết bằng máu! Chắc là phải có một bọn luôn luôn ở đó chứ không đâu. Tôi là cứ trả ngay hai đô la cho người nào đọc được cho tôi nghe những chữ bí mật ấy, mà cái tên da đen nào viết cho tôi cũng phải hỏi xem ra sao chứ...

- Có người giúp nó đấy, tôi chắc các vị đây cũng nghĩ thế cả nếu như các vị đứng lại trong cái buồng đó một lúc. Chúng nó có thể đánh cắp tất cả mọi thứ, dù cho mình đứng cạnh. Chúng nó đánh cắp cái áo ngay trên dây thép. Còn cái khăn trải giường mà chúng nó làm thang ấy, có ai mà không bảo là chúng nó đánh cắp được? Rồi bột mì, rồi nến, chân nến, thìa, cả cái lồng ấp cũ, rồi đến một nghìn thứ mà tôi không nhớ hết nữa; rồi cái áo vải của tôi. Thế rồi tôi với Silas, với Sid, với Tom, suốt ngày đêm canh gác. Đấy! Như tôi nói đấy, chả có người nào trong chúng tôi thấy động tĩnh gì cả. ấy thế mà đùng một cái, nó đi qua ngay dưới mũi mình và làm cho mình một mẻ; chẳng những thế mà lại còn cả đám cướp da đỏ nữa, thế rồi bây giờ nó cuỗm được cả tên da đen ấy đi mà cả mười sáu người với hai mươi con chó đuổi theo cũng không ăn thua gì! Đến ma quỷ cũng không thể làm ghê gớm hơn thế và nhanh chóng như thế được. Lũ chó của chúng tôi đấy, các vị đã biết, thế mà cả bầy chó cũng chẳng tìm được dấu vết gì cả...

- Ghê thật, tôi chưa bao giờ...

- Sợ thật đấy! Khiếp quá, tôi không dám đi ngủ, không dám nằm, không dám ngồi. Tôi cứ cầu Chúa, mong sao nó đừng đánh cắp một người nào trong gia đình đi! Ban ngày, tôi cũng đến phát điên lên, trên gác có hai thằng cháu nó ngủ, tôi cứ phải đóng cửa khóa chặt lại. Ai mà không lo sợ cơ chứ. Cứ mỗi ngày ghê gớm hơn, rồi ma quỷ lại ám ảnh nữa, đâm ra tôi làm lắm thứ dại dột. Thế rồi, tôi lại nghĩ nếu mình là đứa trẻ nằm trên đó, mà thấy cửa lại không khóa thì...

Dì ấy dừng lại, nhìn quanh quẩn, lúc đôi mắt ấy trông thấy tôi, tôi đứng dậy bước ra ngoài ngay. Dì ấy kéo tôi lại, hôn tôi và vỗ vào đầu tôi, đang ngồi đó nghĩ miên man, bỗng dì ấy giật mình, giọng hốt hoảng:

- Đã gần tối rồi mà thằng Sid còn chưa về! Hay nó gặp chuyện gì rồi?

Tôi thấy may quá, vụt đứng dậy nói:

- Để cháu đi kiếm về.

- Không, cháu đừng đi nữa. Một đứa mất tích còn chưa đủ hay sao? Đến giờ ăn mà nó không về thì để chú đi tìm.

Đến giờ ăn tối, nó vẫn chưa về. Thế là ăn xong, chú Silas đi ngay.

Đến mười giờ chú ấy quay về, mặt buồn bã, vì chẳng thấy tăm hơi thằng Tom đâu cả. Dì Saly lo lắm; nhưng chú Silas bảo không sao đâu, rồi đến sáng mai nó sẽ về. Dì Saly tạm yên tâm, nhưng vẫn còn cứ ngồi đấy chờ để đèn sáng cho thằng Tom trông thấy mà tìm về.

Lát sau tôi đi lên gác. Dì ấy cũng đem cây nến lên theo, dắt tôi vào trong buông, vỗ về tôi nhiều quá khiến tôi thấy xấu hổ, không dám nhìn thẳng vào mặt dì ấy nữa. Rồi dì ấy ngồi xuống bên giường nói chuyện với tôi một lúc lâu, và bảo thằng Sid thật là một đứa thông minh. Chốc chốc lại hỏi tôi rằng liệu nó có bị lạc ở đâu không, hay bị thương, hay chết đuối, hay là lúc này nó đang nằm ở đâu đấy. Rồi nước mắt dì ấy lặng lẽ chảy xuống, tôi phải bảo với dì ấy rằng thằng Sid vẫn vô sự, và sáng mai thế nào nó cũng về. Sau dì ấy nắm chặt tay tôi, có lẽ hôn tôi nữa, bảo tôi nhắc lại câu ấy đi, cứ nói nữa như thế đi cho dì ấy yên tâm vì dì đang bối rối lắm. Rồi dì ấy bước ra, quay lại nhìn tôi trìu mến và nói:

- Dì không khóa cửa đâu, Tom ạ. Chỗ kia có cửa sổ, gần cột đèn, nhưng cháu phải ngoan nghe không, đừng có đi đâu đấy. Phải thương dì!

Tôi thì sốt ruột chỉ muốn đi xem thằng Tom thế nào. Đã sắp sửa bò dậy đi, xong thế nào lại thôi.

Nhưng tôi vẫn nghĩ đến dì Saly, nghĩ đến thằng Tom trằn trọc ngủ không yên. Hai lần tôi tụt cột đèn xuống lần ra phía ngòai, rồi quay lại nhìn ngọn nến ở cửa sổ và thấy đôi mắt dì Saly nhìn ra ngòai đường, nước mắt chảy ròng, tôi lại nghĩ rằng mình phải làm cái gì cho dì ấy, nhưng không làm gì được. Lần thứ ba, tôi dậy từ lúc tờ mờ sáng, xuống dưới nhà, thấy dì Saly vẫn còn ngồi đó, dì ấy đã ngủ gục trên bàn tay.

Chú Silas đi tìm thằng Tom từ trước lúc ăn sáng đã về, nhưng vẫn không thấy tăm tích thằng Tom đâu cả. Hai vợ chồng ngồi bên bàn nghĩ ngợi không nói một câu, trông rất buồn bã. Tách cà phê đã nguội lạnh mà họ vẫn không thiết ăn gì. Một lát ông nói:

- Tôi đã đưa thư cho bà chưa?

- Thư nào?

- Lá thư tôi nhận được ở bưu điện hôm qua.

- Không, ông có đưa thư nào cho tôi đâu.

- Có lẽ tôi quên đấy.

Ông lục soát trong túi không thấy, rồi đi đến chỗ nào đó để lấy cái thư đưa lại cho bà. Bà nói:

- Thư ở Peterburg gửi tới à, thư của chị ấy đây.

Tôi nghĩ bụng có lẽ nên đi ra ngoài chơi một lát thì hơn. Nhưng dì Saly chưa kịp mở thư ra thì bỗng rơi bức thư xuống và dì chạy ra. Đó là thằng Tom đang nằm trên một cái cáng có đệm, rồi ông bác sĩ, rồi Jim, mặc quần áo vải, hai tay bị trói ra đằng trước với một lô người theo sau. Tôi nhặt vội bức thư giấu đi. Dì Saly lao đến chỗ Tom vừa khóc vừa nói:

- Ôi, nó chết rồi, tôi biết mà...

Thằng Tom quay đầu lại nói nhỏ cái gì đó, thế là dì Saly lại giơ hai tay lên.

- Ôi, lạy Chúa, nó còn sống! Thế là may rồi.

Rồi dì hôn nó, chạy bay vào nhà sửa soạn giường, rối rít ra lệnh làm cho đám người da đen cũng cuống cả lên. Tôi đi theo đám người để xem họ sẽ làm gì Jim còn ông bác sĩ kia và chú Silas theo Tom vào trong nhà. Bọn người kia có vẻ giận dữ, người thì muốn đem Jim treo cổ lên ngay để làm gương cho những người da đen khác, nhưng người khác lại nói không nên làm như thế vì hắn không phải là người da đen của vùng này, nhỡ chủ hắn đến bắt đền thì sao. Nghe nói thế, họ bớt giận dữ đi một chút. Họ chửi Jim ghê lắm. Chốc chốc lại có người đá cho Jim một cái. Nhưng Jim không nói gì, và làm như không biết tôi là ai. Rồi họ lại đem nhốt Jim vào cái buồng giam cũ, cho Jim mặc quần áo cũ, lại xích hắn vào tấm ván to lát dưới nền nhà, lại xích cả hai tay, hai chân, và họ bảo rằng chỉ cho ăn bánh không với nước thôi, chờ lúc nào chủ hắn đến hoặc là đem bán đấu giá. Rồi họ bịt lại cái lỗ chúng tôi đào, và giao cho hai người đêm nào cũng phải cầm súng đứng canh; ban ngày thì buộc một con chó dữ ở trước cửa. Xong đâu đấy, họ sắp sửa ra về, từ biệt Jim bằng một câu chửi thì ông bác sĩ kia đến, ông bác sĩ nhìn qua một cái rồi nói:

- Bà con đừng đối đãi với hắn tệ bạc như vậy, vì hắn không phải là một tên da đen xấu đâu. Lúc tôi đến tìm cậu bé kia, tôi không có ai giúp đỡ để gắp được viên đạn ra. Mà tôi cũng không thể nào bỏ cậu bé này ở đó được, cậu bé thì mỗi lúc một nguy kịch. Cậu ta như điên lên, nhất định không cho tôi đến gần, và bảo tôi rằng nếu tôi mà vạch phấn vào cái bè thì cậu ta sẽ giết tôi. Tôi thấy không thể làm gì được với cậu ta. Bỗng lúc đó thấy anh da đen này ở đâu bò ra nói rằng sẽ giúp một tay. Cố nhiên, tôi đã nghĩ ngay rằng đó là tên da đen chạy trốn. Thế là tôi cứ phải ở lại đó suốt một ngày một đêm. Thật là bị kẹt đấy! ở nhà tôi có mấy bệnh nhân đang đợi, tôi muốn chạy về xem họ thế nào, nhưng không được, vì tôi cũng sợ anh da đen chạy trốn mất thì tôi sẽ bị người ta trách móc; và lúc ấy lại không có thuyền bè nào đi qua mà gọi cả. Thế là phải chờ cho đến tận sáng nay. Mà tôi chưa thấy có anh da đen nào lại khéo tay và trung thành hơn thế; anh ta lại hy sinh cái tự do của mình để làm việc đó. Anh ta cũng rất mệt mỏi nữa. Tôi thấy rõ rằng là gần đây chắc anh ta làm việc nhiều lắm. Một người da đen như thế thì đáng giá một ngàn đô la lắm, và đáng đối đãi tử tế hơn nữa. Rồi thấy có mấy người đi thuyền tới, cũng may là anh da đen lúc đó đang ngồi trên tấm ván gục xuống hai đầu gối ngủ say, tôi ra hiệu cho chiếc thuyền lại gần, họ mới nhảy lên giữ chặt lấy anh da đen và trói lại, thành ra chúng tôi cũng chẳng khó khăn lắm. Còn cậu bé thì cũng nằm thiếp đi. Chúng tôi bỏ mái chèo sang cái bè chèo đi, rồi nhẹ nhàng đỗ lại, buộc bè vào. Anh da đen này từ đầu đến cuối vẫn không có một tí gì tỏ ra là muốn nhúc nhích hoặc nói một câu gì. Anh ta không phải là một người da đen xấu đâu, tôi nghĩ như vậy đấy.

Có người nói:

- Phải, tôi cũng thấy thế.

Rồi những người khác cũng dịu đi đôi chút. Tôi thầm cám ơn cái ông bác sĩ già ấy đã nói đỡ cho Jim, ông ta là người tốt bụng có một không hai. Mọi người đều đồng ý rằng Jim đã làm rất tốt, đáng được khen và được thưởng nữa. Thế là mọi người đều thành thật hứa rằng họ sẽ không chửi Jim nữa.

Rồi họ đi ra, nhốt Jim ở trong ấy và khóa cửa lại. Tôi mong có người nào nói rằng có thể bỏ bớt đi một vài cái xích cho Jim vì mấy cái xích kia nặng quá, cho Jim được ăn rau, ăn thịt với bánh, với nước. Nhưng chẳng có ai nghĩ đến điều đó cả. Dì Saly suốt ngày đêm thường trực trong phòng người ốm, hễ lúc nào thấy chú Silas quanh quẩn ở đó thì tôi lại tránh đi.

Sáng hôm sau, thấy Tom khá hơn, và dì Saly đi ngủ một lát, tôi lển vào phòng người ốm, nếu thấy nó thức thì sẽ cùng nhau bịa ra một câu chuyện sao cho hợp lý. Nhưng nó vẫn ngủ, mặt mũi xanh xao, chứ không hồng hào như hôm nó mới đến. Tôi ngồi xuống, chờ cho nó tỉnh dậy. Khoảng nửa giờ sau, dì Saly bước vào, tôi giật mình. Dì ấy bảo tôi lặng im, rồi ngồi xuống bên tôi. Dì tỏ vẻ mừng rỡ vì Tom đã trở lại bình thường. Rồi chúng tôi ngồi đó nhìn. Lát sau, nó cựa quậy, mở mắt ra rất tự nhiên. Nó nhìn một cái rồi nói:

- Sao mình lại ở nhà? Cái bè đâu rồi?

- Yên ổn cả rồi - Tôi đáp.

- Thế còn Jim?

- Cũng thế - Tôi trả lời, giọng không được bình tĩnh lắm. Nó lại nói:

- Thế thì tuyệt lắm! Mày có nói với dì không?

Tôi đang định trả lời thì dì Saly chen vào hỏi

- Về cái gì, cháu?

- Về tất cả mọi chuyện đã diễn ra.

- Chuyện gì?

- Chuyện chúng cháu thả anh da đen ra...

- Sao? Thả tên da đen ... Thằng bé này nó nói gì thế? Nó lại nói mê mất rồi.

- Không, cháu mê đâu. Chính Tom và cháu thả hắn ra đấy...

Thế là nó bắt đầu kể, còn dì Saly ngồi im nghe nó. Còn tôi, thấy mình nói chen vào cũng vô ích.

- Chúng cháu phải mất bao nhiêu công sức vào đó, hàng tuần lễ, hàng giờ, hàng đêm lúc cả nhà đi ngủ hết. Rồi chúng cháu ăn cắp cả nến, khăn trải giường, áo của dì, rồi thìa, đĩa sắt, dao găm, lồng ấp, đá xay, bột mì, đủ các thứ khác. Dì không thể nghĩ rằng những cái cưa, cái bút những chữ hiệu ấy... để làm gì; và dì cũng không tưởng tượng được cái trò thú vị ấy. Rồi chúng cháu cũng vẽ cả những hình quan tài, viết thư nặc danh của bon cướp, chúng cháu vẫn cứ tụt lên tụt xuống ở cái cột đèn; rồi đào cái lỗ trong nhà giam, làm cái thang dây, rồi nấu cái bánh và nhét thang dây vào đó, rồi đưa thìa và những thứ khác vào cái túi áo làm bếp của dì.

- Lạy Chúa! - Dì Saly thốt lên.

-... . Rồi chúng cháu lại đem chuột và rắn vào đó để nó làm bạn với Jim; rồi dì giữ thằng Tom ở lại đây lâu quá đến nỗi chảy cả miếng bơ để trên mũ và suýt nữa thì dì làm hỏng cả công việc của chúng cháu. Rồi chúng cháu bị đuổi theo, cháu bị mắc lại nên mới trúng đạn. Chúng cháu tránh vào bên đường để cho họ đi qua, rồi lấy xuồng chèo ra bè. Tất cả đều tốt đẹp, và Jim được tự do. Dì thấy có hấp dẫn không?

- Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, dì chưa từng nghe chuyện nào kì quái như vậy. Thì ra những thằng rannh, chúng mày đã gây ra tất cả cái chuyện rắc rối này làm cho mọi người cuống quýt lên và sợ chết khiếp. Chẳng lẽ chúng mày thích làm cho dì đêm nào cũng phải khổ sở thế ư. Chúng mày là những tên quỷ quái, dì sẽ cho chúng mày một trận để mà chừa kiểu đùa ma mãnh ấy đi.

Nhưng thằng Tom lại vui thích lắm. Nó thao thao luôn mồm. Dì Saly thì vừa bực buồn cười. Dì ấy nói:

- Bây giờ chúng mày đã được vui chơi thỏa thích rồi, dì mà bắt được chúng mày còn quan hệ với nó nữa thì...

- Quan hệ với ai? - Thằng Tom vừa cười vừa hỏi, vẻ rất ngạc nhiên.

- Với ai à? Tên da đen chạy trốn chứ ai? Mày tưởng ai nữa?

- Tom nhìn tôi rất nghiêm nghị và hỏi:

- Tom, sao mày vừa bảo với tao là ổn cả? Hắn đã trốn được chưa?

Dì Saly hỏi:

- Tên da đen chạy trốn ấy à? Tất nhiên là chưa được. Họ đã bắt nó về, và lại nhốt nó vào trong buồng ấy rồi, chỉ cho ăn bánh và nước không thôi, buộc dây xích cẩn thận, chờ đến bao giờ người ta đến xin hay đem bán đi.

Tom đang nằm trên giường bỗng ngồi nhổm ngay dậy, mắt đỏ ngầu, hai lỗ mũi phập phồng như mang cá, rồi nó nhìn tôi hét:

- Họ không có quyền bắt Jim. Mày chạy ngay đi, thả hắn ra! Hắn không phải là nô lệ, hắn cũng tự do như mọi người trên trái đất này!

-Thằng bé này nói lạ nhỉ?

- Dì Saly, những gì cháu nói đều là sự thật cả đấy. Cháu và thằng Tom nữa đều biết rõ về hắn. Cô Watson đã chết từ hai tháng nay rồi, và cô ấy rất xấu hổ vì đã định đem bán hắn xuống miền Nam. Cô ấy bảo thế là cô ấy đã bằng lòng để hắn được tự do.

- Cháu biết rằng nó đã tự do rồi thì còn định trả lại tự do gì cho nó nữa?

- Đấy mới là vấn đề. Chẳng qua là cháu thích chuyện phiêu lưu, và cháu đã phải xông pha vào máu lửa để làm cái đó. Lạy Chúa! Dì Polly!

Lúc đó, tôi thấy dường như dì Polly đứng bên trong khung cửa, hiền dịu và oai nghiêm như một bà tiên.

Dì Saly chạy ra ôm chầm lấy gì Poly, suýt nữa thì va cả đầu vào bà ấy, rồi khóc lên, còn tôi thì chui tọt vào gầm giường. Tôi ghé mắt nhìn ra, trong chốc lát, dì Polly của thằng Tom đi vào, nhìn nó chằm chằm qua đôi mục kỉnh của bà ấy như sắp sửa nghiền nát nó. Rồi bà ấy nói:

- Tom, mày quay mặt đi còn hơn. Nếu là tao thì tao cũng làm như vậy.

Dì Saly kêu lên:

- Ô hay, nó không phải là thằng Tom, nó là thằng Sid, Tom! Tom! Thằng Tom nó đã chạy đâu rồi, nó vừa mới có đây mà!

- Cô muốn nói là thằng Huck Finn ở đâu đấy à? Chẳng lẽ tôi nuôi thằng nhãi con ấy bao nhiêu năm nay mà không nhận ra nó hay sao? Huck Finn, ra khỏi gầm giường đi!

Tôi chui ra, nhưng không được tự nhiên như trước nữa.

Dì Saly hoảng loạn đầu óc, còn chú Silas, khi nghe thấy mọi chuyện, chú ấy cũng hoảng loạn không kém. Đêm ấy, chú gọi cả nhà ra cầu nguyện để cho chú ấy tỉnh lại. Thế rồi dì Polly của thằng Tom mới kể hết lại rằng tôi là ai, tôi là thế nào, và tôi phải đứng dậy nói đầu đuôi tại sao. Dì Saly chen vào ngắt lời:

- Cháu cứ gọi cô là dì Saly, cô đã quen rồi, không cần phải đổi nữa.

Bà Polly bảo là thằng Tom nói đúng, cô Watson đã để cho Jim được tự do. Như vây. Thằng Tom tự rước vào mình tất cả những cái khổ sở vất vả để giải phóng cho anh da đen đã được tự do! Và mãi đến lúc này, tôi mới hiểu một người được giáo dục như thằng Tom lại cùng tôi đi giải phóng cho một tên da đen.

Rồi bà Polly kể dì Saly viết thư cho bà ấy nói rằng Tom và Sid đã nói tới nơi yên ổn cả; thì bà ấy đã tự nhủ:

- Khi cho nó đi một mình không cần phải có ai đi kèm, mình không nghĩ lại xảy ra cơ sự này. Bây giờ mình lại phải vất vả lặn lội hơn một nghìn dặm xuống dưới đó, để mà xem còn thằng nào tên là Sid nữa. Mà hỏi thì không thấy cô ấy trả lời gì cả.

Dì Saly nói:

- Em có nhận được tin gì của chị đâu?

- Tôi có viết thư cho cô hai lần hỏi rằng thằng Sid ở đấy nghĩa là thế nào?

- Em không hề nhận được lá thư nào của chị.

- Lại là mày, Tom!

- Sao cơ ạ? - Nó đáp, vẻ nghịch ngợm.

- Mày đừng hỏi tao cái gì nữa. Đưa thư ra đây!

- Thư nào ạ?

- Thư nào nữa. Tao bực mình rồi đấy, mày còn định nói dối nữa thì tao...

- Dạ, ở trong hòm ấy. Nó vẫn nguyên như lúc cháu lấy ở bưu điện về. Cháu không xem, mà cũng không sờ đến. Nhưng cháu đoán là sẽ có chuyện rắc rối, nên cháu...

- Tao nhất định phải lột da mày mới được. Tôi còn viết một cái thư nữa, báo tin cho cô là tôi đang sắp xuống đây, hay là nó cũng... .

- Thư ấy mới đến hôm qua; em chưa đọc, nhưng em đã cất nó rồi.

Tôi muốn đánh cuộc ngay hai đô la rằng hiện tại dì Saly không có lá thư ấy, nhưng nghĩ lại thấy mình nên im lặng thì hay hơn. Thế là tôi không nói nửa lời.
Bình Luận (0)
Comment