Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết

Chương 5

Tôi không có lịch sử. Cũng chẳng nhớ mặt mũi các đấng sinh thành mình ra sao. Chẳng có ông bác, ông chú, ông cậu nào, chẳng có anh em họ hàng, chẳng biết quê hương bản quán mình ở đâu. Chỉ có mỗi người anh lớn hơn tôi hai tuổi. Vào tuổi lên ba, lúc đó anh tôi - Artie - mới lên năm, cả hai chúng tôi bị mẹ đem bỏ trong một viện mồ côi ở vùng ngoại ô New York. Tôi chẳng có hồi ức nào về bà.

Tôi không kể chuyện này cho Cully, Jordan và Diane nghe. Tôi không bao giờ nói về những chuyện này. Ngay cả với anh Artie, người thân thiết với tôi trên cuộc đời này hơn bất kì ai.

Tôi không bao giờ nói về chuyện này bởi vì nghe có vẻ cảm động sướt mướt quá, mà thật ra cũng không hẳn như vậy. Cô nhi viện nơi chúng tôi sống khá khang trang, sạch sẽ, ngăn nắp với một hệ thống trường học tốt và một nhà quản lý thông minh. Nơi chốn đó đã làm tốt công đức đối với chúng tôi cho đến khi Artie và tôi cùng rời nơi đó.

Năm ấy, anh mười tám tuổi và đã tìm được việc làm và chỗ ở. Tôi trốn viện để đến sống với anh. Sau vài tháng tôi cũng xa anh, khai gian tuổi mình để nhập ngũ và ra trận trong Thế chiến 2. Và giờ đây, mười sáu năm sau, tại thành phố Vegas này, tôi kể lại cho Jordan cùng Cully và Diane về cuộc chiến và cuộc đời tôi, như sau đây.

Điều trước tiên mà tôi làm sau cuộc chiến là ghi danh vào các lớp học viết văn tại Học viện nghiên cứu xã hội. Thuở đó ai cũng muốn làm nhà văn, cũng như hai mươi năm sau ai cũng hy vọng trở thành nhà làm phim.

Tôi đã nhận thấy là tìm bạn trong quân đội rất khó. Ở trường học thì dễ hơn. Tại đó, tôi gặp được người vợ tương lai của mình. Bởi vì tôi không có gia đình, trừ người anh hiện ở xa, nên tôi dành nhiều thời giờ cho trường học hay lang thang nơi các tiệm caféteria hơn là quay về phòng trọ đơn côi của mình ở Grove Street. Thời đó thật vui.

Thỉnh thoảng tôi gặp may và tán tỉnh được một em xiêu lòng chịu về chung sống với tôi độ vài ba tuần. Mấy anh chàng tôi đánh bạn, tất cả đều sau khi ra khỏi quân đội và đến trường dưới tấm thẻ G.I(1), đều sử dụng loại ngôn ngữ của tôi. Có điều phiền là họ đều quan tâm đến đời sống văn học còn tôi thì không. Tôi chỉ muốn trở thành nhà văn bởi vì tôi vẫn luôn luôn mơ tưởng đến các câu chuyện. Những cuộc phiêu lưu huyền hoặc làm tôi cách ly với thế giới chung quanh.

Tôi tự phát hiện rằng tôi đã đọc nhiều hơn bất kì ai khác, ngay cả những tay đang nghiên cứu để soạn luận án tiến sĩ về văn học. Thực sự tôi không có nhiều chuyện để làm, dù tôi luôn chơi bài. Tôi tìm ra một quán sách ở Phố Đông gần Đường Số mười và mỗi ngày vẫn đánh cá về bóng đá, bóng rổ, bóng chày. Tôi viết vài truyện ngắn và khởi thảo một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh. Tôi gặp vợ tôi nơi một trong những lớp dạy viết truyện ngắn.

Nàng là một cô gái mang hai dòng máu Ireland và Scotland nhỏ nhắn nhưng nửa thân trên khá nở nang với đôi mắt xanh biếc to tròn và rất ư nghiêm trang về mọi chuyện. Nàng phê bình những truyện ngắn của người khác một cách cẩn thận, với lời lẽ ôn tồn nhưng không kém khắt khe. Nàng chưa có cơ hội để phê phán tôi bởi vì tôi vẫn chưa đưa truyện nào ra đọc cho lớp nghe. Nàng đọc truyện của nàng. Và tôi rất ngạc nhiên ở đó là một truyện hay mà lại rất tếu nữa, nói về các ông chú. Ông bác người Ireland của nàng, tất cả đều là những con sâu rượu. Vì thế khi câu truyện được đọc xong, cả lớp nhào tới nàng để cổ vũ cho cái nguyên mẫu người Ireland say rượu. Khuôn mặt xinh xắn của nàng bỗng méo xệch đi vì kinh ngạc và cảm thấy bị xúc phạm. Cuối cùng, nàng được cho một cơ hội để trả lời.

Nàng có một giọng nói êm ái du dương và than vãn:

- Nhưng tôi đã lớn lên với người Ireland. Họ đều uống rượu. Điều đó không đúng sao?

Nàng nói mấy lời ấy với thầy giáo, tình cờ cũng là người Ireland. Tên ông ta là Maloney và là một hảo bằng hữu của tôi. Mặc dầu không lộ ra, song vào lúc đó, ông ta cũng đang ngà ngà.

Maloney dựa ngửa vào lưng ghế và long trọng tuyên bố:

- Tôi không rõ, vì tôi là người Bắc Âu.

Chúng tôi cười rộ lên và nàng Vallie tội nghiệp bối rối cúi đầu. Tôi bênh vực nàng bởi vì đó là một truyện hay song tôi biết nàng sẽ chẳng bao giờ trở thành một nhà văn thực sự. Mọi người trong lớp đều có tài nhưng chỉ một số ít có đủ sức lực và hoài bão để đi suốt chặng đường dài đau khổ, đánh cá cả cuộc đời vào chuyện viết lách.

Tôi là một trong số đó. Tôi cảm thấy nàng không thế. Bí mật cũng đơn giản thôi. Sống để viết, đó là điều duy nhất tôi muốn làm.

Gần đến cuối kỳ hạn tôi mới trình làng truyện ngắn của mình. Ai cũng thích. Sau buổi học, Vallie đi đến với tôi và hỏi:

- Tại sao trong khi em nghiêm trang như thế và mọi điều em viết ra lại nghe đầy chất hài hước? Còn anh vẫn luôn đùa cợt và hành động như thể anh chẳng đứng đắn chút nào, thế mà truyện của anh lại làm cho em khóc?

Nàng nói nghiêm chỉnh, như thường lệ. Vừa đủ không gượng, không rườm lời. Và tôi dẫn nàng đi uống cà phê. Tên nàng là Vallie O Grady, một cái tên nàng không mấy ưa vì quá đặc chất Ireland. Đôi khi tôi nghĩ nàng lấy tôi chỉ vì muốn thoát khỏi cái tên O Grady. Và nàng bảo tôi gọi nàng là Vallie. Tôi ngạc nhiên khi phải mất hơn hai tuần mới đưa được nàng lên giường.

Nàng không phải là cô gái tự do, dễ dãi như các em gái khác ở cái Làng Văn này và nàng muốn chắc dạ là tôi phải biết rõ điều ấy.

Phải vượt qua một yêu sách vô lý trong đó tôi phải làm sao dụ cho nàng say trước đã để nàng có thể kết tội tôi đã lợi dụng "yếu điểm chủng tộc" để đưa nàng vào tình trạng bất khả kháng! Nhưng trên giường, nàng đã làm tôi ngạc nhiên thích thú!

Trước đây tôi chưa si mê nàng đến thế, nhưng nàng thật tuyệt khi ở trên giường. Tôi đoán rằng có những người đặc biệt tương thích về tình dục, họ đáp ứng nhau trong xung động tình dục ở mọi mức độ và trên từng cây số!

Trong trường hợp của mình, tôi nghĩ rằng vì cả hai chúng tôi đều cả thẹn, đều quá thu mình vào nội tâm, nên chúng tôi không được thoải mái với các đối tác tính dục khác. Và rằng chúng tôi đã cung ứng cho nhau trọn vẹn vì một lý do huyền bí nào đó, phát xuất từ tính cả thẹn của đôi bên. Dẫu sao thì sau cái đêm hôm ấy đêm gì, bóng dương lồng bóng trà mi chập chùng đó, chúng tôi trở nên bất khả phân ly, dính nhau như đôi sam. Chúng tôi cùng đi đến mọi rạp hát lớn nhỏ trong Làng Văn, xem hết mọi cuốn phim nội cũng như ngoại. Chúng tôi đến các nhà hàng Ý và tiệm ăn Tàu, thưởng thức đủ món khoái khẩu rồi quay về phòng tôi quần thảo nhau tơi bời cho đến nửa đêm, tôi sẽ đưa nàng đến trạm xe điện ngầm để nàng có thể về với gia đình ở Queens. Nàng vẫn còn chưa đủ lì để ở lại với tôi qua đêm. Cho đến một lần cuối tuần nọ, nàng không còn có thể cưỡng được nữa. Nàng muốn ở cùng tôi ngày Chủ nhật để sáng dậy làm món điểm tâm cho tôi và cùng tôi đọc mấy tờ báo Chủ nhật trong suốt buổi sáng. Vậy là nàng vận dụng những lời nói dối thông thường của các cô gái đối với bố mẹ và ở lại đêm với tôi.

Một dịp cuối tuần thật đẹp. Nhưng khi trở về nhà, nàng rơi vào một cuộc đụng độ nảy lửa. Cả nhà nhào đến xỉa xói nàng và khi tôi gặp lại nàng vào tối thứ hai, nàng đầm đìa nước mắt.

- Ôi chà! - tôi nói. - Vậy thì chúng ta cưới nhau đi!

Ngạc nhiên, nàng nói:

- Em có dính bầu đâu.

Và nàng càng ngạc nhiên hơn khi tôi phá ra cười lớn. Nàng thực sự thiếu ý thức hài hước, trừ khi nàng viết văn.

Cuối cùng tôi phải thuyết phục nàng rằng tôi nói điều đó nghiêm chỉnh, rằng tôi thực sự muốn cưới nàng và nàng đỏ mặt rồi khóc ngon lành.

Thế là vào dịp cuối tuần sau đó, tôi đến nhà bố mẹ nàng ở Queens, ăn cơm cùng gia đình nàng tối chủ nhật đó. Quả là một đại gia đình với bố mẹ, ba cậu con trai, ba cô con gái, tất cả đều còn trẻ hơn Vallie. Bố nàng là một công nhân lớn tuổi của Tammany Hall và kiếm sống bằng công việc chính trị nào đó. Có mấy ông chú, ông cậu đến chơi và ông nào cũng đã ngà ngà song đều vui tính, dễ chịu, không có gì phiền. Mặc dầu tôi không thường uống rượu, tôi cũng nhâm nhi tí tỉnh và chúng tôi đã có khoảng thời gian thoải mái với nhau.

Bà mẹ có đôi mắt nâu láo liên. Rõ ràng Vallie thừa hưởng tính dục từ bà mẹ và tính thiếu hài hước từ ông bố. Tôi có thể thấy ông bố và các ông chú, ông cậu quan sát tôi với đôi mắt lờ đờ, cố phán đoán xem tôi có thuộc loại ranh con láu cá dụ dỗ để phá đời con gái của Vallie yêu dấu của họ không, và lỡm nàng về chuyện cưới hỏi để rồi sau khi con ong đã tỏ đường đi lối về, liễu chán hoa chê thì sẽ quất ngựa truy phong vù đi mất dạng hay không.

Cuối cùng ông O Grady đưa thẳng vào trọng điểm:

- Khi nào hai anh chị định tiến hành lễ cưới đây?

Tôi biết nếu tôi trả lời ấm ở, tôi có thể bị vỡ mồm dập mũi từ những cú đấm của ông bố và mấy ông chú, ông cậu, ngay tại chỗ và liền tức khắc. Tôi có thể thấy rằng ông bố ghét tôi vì chuyện đã "đóng ốc vít" cô con gái bé bỏng của ông trước khi cưới hỏi nàng. Nhưng tôi hiểu ông. Chuyện dễ hiểu quá mà. Vả chăng, tôi đâu có lừa dối. Tôi không bao "vờ" lừa dối ai. Hay là tôi tự nghĩ thế, cho nên tôi cười thẳng thắn và đáp:

- Ngay sáng mai, nếu hai bác cho phép!

Tôi cười bởi vì tôi biết câu trả lời đó làm họ yên tâm nhưng lại là câu trả lời mà họ không thể chấp nhận ngay. Họ không thể chấp nhận bởi vì như vậy tất cả bạn bè của họ sẽ nghĩ rằng chắc cô Vallie đã mang bầu nên mới phải gấp thế?

Cuối cùng chúng tôi thoả thuận thu xếp vào một ngày khoảng hai tháng sau để sẽ có thông báo chính thức và chuẩn bị lễ cưới cho được long trọng sự thể. Đối với tôi, như thế cũng ổn. Tôi không biết chắc là chúng tôi có thực sự yêu nhau hay không. Tôi hạnh phúc và thế là đủ. Tôi không còn cô độc, và có thể bắt đầu câu chuyện đời thực sự của mình. Cuộc sống sẽ hướng ngoại hơn để quân bình lại bản chất hướng nội tự nhiên nơi tôi. Sẽ có một gia đình với vợ con đề huề và gia đình bên vợ sẽ là gia đình của tôi. Sẽ định cư nơi một khu nào đấy của thành phố này, sẽ là thành phố của tôi. Sẽ không còn là một cá thể cô đơn trơ trọi nữa. Chúng tôi sẽ tổ chức những ngày lễ và những ngày sinh nhật. Nói vắn tắt là, lần đầu tiên trong đời, tôi sẽ có cuộc sống bình thường. Cuộc sống quân ngũ trước đây thực sự cũng không có gì đáng kể nữa. Và trong mười năm tới, tôi sẽ làm việc để xây dựng địa vị của mình trong xã hội.

Những người duy nhất tôi biết mình sẽ mời dự dám cưới là anh tôi, Artie, và vài bạn thân ở trường viết văn.

Nhưng có một vấn đề. Tôi phải giải thích cho Vallie rằng tên thực của tôi không phải là Merlyn. Hay đúng hơn tên gốc của tôi không phải là Merlyn. Sau chiến tranh tôi đã đổi tên mình một cách hợp pháp.

Tôi phải giải thích cho quan toà rằng tôi là một nhà văn và rằng Merlyn là cái tên tôi chọn làm bút danh. Tôi nêu ra cái tên Mark Twain làm thí dụ. Quan toà gật đầu như thể ông ta từng biết hàng trăm nhà văn đã làm việc đó.

Sự thực là vào thời đó, tôi mang cảm thức huyền nhiệm về việc viết văn. Tôi muốn nó thuần tuý, không bị vẩn đục. Tôi sợ trở thành gượng gạo nếu có ai đó biết điều gì về tôi và biết rõ tôi là ai. Tôi muốn viết về những con người phổ quát.

Chính nhờ những mối quan hệ chính trị của ông bố vợ O Grady, tôi có được việc làm như một nhân viên dân sự Liên bang, một Trưởng phòng văn thư GS-6 của các Đơn vị dự bị của quân đội Mỹ.

Sau khi có con, đời sống hôn nhân có phần tẻ nhạt nhưng vẫn còn hạnh phúc. Vallie và tôi chẳng bao giờ đi ăn ngoài. Vào những ngày lễ, ngày nghỉ, chúng tôi đến ăn uống với gia đình nàng hay đến nhà anh Artie của tôi.

Khi tôi làm việc ban đêm, nàng và các bạn ở cùng chung cư sẽ đi thăm viếng lẫn nhau. Nàng làm bạn với nhiều người. Vào những đêm cuối tuần, nàng sẽ đi thăm các căn hộ của họ khi họ tổ chức những party nho nhỏ, còn tôi ở lại giữ nhà, trông chừng bọn trẻ và viết lách. Tôi chẳng bao giờ đi đâu. Khi đến lượt nàng khoản đãi, tôi ghét chuyện ấy và tôi đã không khéo giấu được sự bực mình.

Và Vallie bực vì chuyện ấy. Tôi nhớ một lần tôi vào phòng ngủ để trông chừng đám nhóc và đọc mấy trang bản thảo. Vallie rời bỏ đám khách để đến tìm tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên được tia nhìn bị xúc phạm khi nàng thấy tôi chăm chú đọc bản thảo, như vậy hiển nhiên là tôi rất miễn cưỡng trong việc quay lại với nàng và các bạn nàng.

Chính sau một trong những vụ việc lặt vặt đó mà tôi phát ốm lần đầu tiên. Tôi thức giấc lúc hai giờ sáng và thấy đau quặn thắt bao tử và khắp cả lưng.

Tôi không đủ tiền để đi khám bác sĩ tư, vậy nên ngày hôm sau tôi đến bệnh viện Cựu chiến binh và rồi họ làm mọi thứ xét nghiệm trong vòng một tuần lễ. Họ không thể tìm thấy cái gì, nhưng rồi tôi lại bị cơn đau khác tấn công dữ dội và chính từ những triệu chứng lâm sàng, họ chẩn đoán là tôi bị đau túi mật.

Một tuần sau, tôi trở vào bệnh viện với cơn đau khác, và họ tống đầy moóc-phin vào người tôi. Phải bỏ hai ngày làm việc. Thế rồi vào khoảng một tuần trước Giáng Sinh, ngay lúc sắp hoàn tất công việc ban đêm, tôi lại bị một cơn đau đến xanh mặt (Tôi chưa kể rằng tôi đang làm thêm buổi tối cho một ngân hàng để kiếm tiền tiêu vào dịp lễ Noël). Cơn nhức nhối chịu không nổi.

Nhưng tôi nhớ tôi có thể đến bệnh viện Cựu chiến binh ở đường Hai mươi ba. Tôi kêu một chiếc taxi chở và bỏ tôi xuống khoảng nửa dãy phố cách cổng vào. Lúc đó đã quá nửa đêm. Khi chiếc taxi đi xa, cơn đau tấn công tôi kịch liệt đau quằn quại như điên. Tôi quỳ gối, ôm bụng, gập cong người trên đường phố tối mờ. Cơn đau toả ra khắp lưng tôi. Tôi nằm bẹp xuống hè phố lạnh giá. Không có ai chung quanh, chẳng có ai để giúp tôi. Cổng vào bệnh viện còn cách cả trăm bước. Tôi bị cơn đau làm tê liệt đến không còn nhúc nhích nổi. Tôi cũng hết còn thấy sợ nữa. Thật ra, tôi đang mong ước phải chi mình chết đi, để cho cơn đau cũng tiêu đời luôn. Đếch cần phải để lại một lời trối trăng cuối cùng nào cho vợ con hay ông anh yêu quý của mình. Chỉ muốn mình tan biến vào hư không. Có một lúc tôi đã nghĩ đến nhân vật Merlyn huyền thoại.

Đúng rồi, tôi chẳng phải là một pháp sư tài ba nào cả. Tôi nhớ mình đã một lần lăn tròn để mong dừng lại cơn đau và lăn đến lề vỉa hè, sát miệng cống. Cái nắp đậy miệng cống đã trở thành chiếc gối cho tôi tựa đầu.

Và giờ đây tôi có thể thấy những ánh đèn Noël nhấp nháy trang trí cho một cửa hàng gần đó. Cơn đau rút xuống một chút. Tôi nằm đó, nghĩ rằng mình là một con thú tật nguyền, một sinh vật thật yếu đuối, mỏng manh, giòn vỡ. Này đây tôi là một nghệ sĩ đã có một quyển sách được xuất bản, và hơn một nhà phê bình đã từng gọi tôi là thiên tài, một trong những niềm hy vọng của nền văn học Hoa Kỳ. Thế mà niềm hy vọng đó lại đang hấp hối như một con chó bên miệng cống. Mà chẳng phải lỗi tại tôi. Chỉ vì tôi không có tiền trong nhà băng. Chỉ vì chẳng có ai thực lòng quan tâm tôi sống hay chết. Đó là sự thật bao trùm toàn bộ vấn đề. Lòng thương thân cũng có tác dụng gần như thuốc phiện.

Tôi không biết phải mất bao lâu mới bò ra khỏi miệng cống. Không biết phải mất bao lâu để bò đến cổng vào bệnh viện, nhưng cuối cùng tôi cũng đến cái vòng cung ánh sáng kia. Tôi nhớ người ta đặt tôi vào một chiếc ghế đẩy và đưa tôi đến phòng cấp cứu, tôi trả lời những câu hỏi và rồi như có phép ma thuật, tôi nằm trong một chiếc giường trắng ấm áp, tôi thấy buồn ngủ một cách khoan khoái, không đau đớn. Tôi biết họ đã tiêm moóc-phin.

Khi tôi thức giấc, một tay bác sĩ trẻ đang xem mạch. Tay này trước đây đã điều trị cho tôi, tên ông ta là Cohn. Ông ta cười và nói:

- Họ đã gọi vợ ông. Bà ấy sẽ đến đây chăm sóc ông khi mấy đứa trẻ đã đến trường.

Tôi gật đầu và nói:

- Tôi đoán là mình không thể đợi đến Noël cho cuộc phẫu thuật đó.

Bác sĩ Cohn trông có vẻ hơi nghĩ ngợi và rồi ông reo lên vui vẻ:

- Được rồi, đã đến thế này tại sao ông không đợi đến sau Giáng Sinh? Tôi định thời biểu vào ngày hai mươi bảy. Ông có thể hưởng đêm Noël vui vẻ, sau đó mình sẽ tính.

- OK, - tôi nói.

Tôi tin ông ấy. Ông ta bảo với bệnh viện xếp tôi vào danh sách bệnh nhân ngoại trú. Ông ta là người duy nhất có vẻ hiểu được khi tôi nói rằng tôi không muốn giải phẫu trước ngày Noël. Tôi nhớ lời ông nói: "Tôi không rõ ông có ý nói chuyện gì nhưng nhất trí với ông là có muốn mổ xẻ gì cũng hãy để đến sau lễ rồi tính".

Tôi không thể giải thích rằng mình phải tiếp tục làm hai việc cho đến lễ Giáng sinh để các con của tôi có được đồ chơi và quần áo mới và vẫn còn niềm tin vào ông già Noël.

Rằng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với gia đình, hạnh phúc của gia đình, đó là điều duy nhất tôi có được.

Tôi vẫn luôn nhớ đến vị bác sĩ trẻ đó. Trông ông ta thật giống một diễn viên điện ảnh đóng vai bác sĩ, ngoại trừ ông ta rất khiêm cung hoà nhã, rất xuề xoà dễ mến.

Ông ký giấy cho tôi về nhà với tư cách bệnh nhân ngoại trú, cấp cho tôi một mớ moóc-phin để giảm đau. Nhưng ông ta có những lý do riêng. Vài ngày sau khi mổ, ông ta bảo tôi, và tôi có thể thấy ông vui sướng như thế nào khi nói điều ấy với tôi:

- Nghe này, ông là một người còn trẻ bị sỏi mật mà các cuộc xét nghiệm không tìm thấy gì. Chúng tôi tiếp tục chẩn đoán qua các triệu chứng lâm sàng. Nhưng chẳng có gì. Tôi đã xem rất kỹ. Khi về nhà, ông đừng lo ngại gì. Ông sẽ lại tốt như một cỗ máy mới toanh ấy thôi.

Vào lúc đó, tôi không biết ông ta muốn nói cái quỷ gì. Chỉ sau đó gần cả năm tôi mới biết là ông ta đã sợ tìm thấy bệnh ung thư nơi tôi. Và đó là lý đo tại sao ông ta đã không muốn giải phẫu cho tôi trước lễ Giáng Sinh mà muốn để tôi còn được hưởng một dịp lễ Noel vui vẻ trước khi lên đường về chầu Chúa!

Chú thích:

(1) G.I: quân nhân Mỹ
Bình Luận (0)
Comment