Những Ngày Đợi Nắng

Chương 17

Và đương nhiên Winner không dùng bữa trưa với mọi người. Cô rất muốn có một bữa cơm gia đình nhưng không phải là với gia đình nhà người ta. Nơi đó, cô tự hiểu không có chỗ cho mình. Không nên có mặt để làm không khí thêm nặng nề và chiêm nghiệm sâu sắc cái cảm giác lạc lõng. Phần lí do còn lại là vì gần trưa Đăng đã ùa vào phòng, lôi cô ra ngoài chơi. Vẻ không vui của anh lúc cô thức dậy lần đầu đã hoàn toàn không còn.

Anh lại vui vẻ chỉ cho cô những điều thú vị và đưa cô đến những quán ăn ngon. Thậm chí hôm nay anh còn cười nhiều hơn mọi khi khiến Winner có chút không yên tâm. Hình như Nguyên đang có tâm sự.

"Trứng này! Anh ổn chứ?" – Winner không hay thể hiện sự quan tâm của mình, thế nên vẻ mặt cô lúc này thật rất giống một đứa trẻ bối rối không biết nên chọn biểu cảm nào cho thích hợp.

Lần đầu tiên thấy Winner trong bộ dạng này, Đăng bật cười thành tiếng, những mệt mỏi ưu phiền đều đã vơi mất một nửa. Anh đã không ổn vài tiếng trước, nhưng bây giờ thì anh ổn. Ngay khi cảm thấy sắp sửa gục ngã, anh đã nghĩ đến cô. Và cô luôn là liều thuốc an thần cho anh trong mọi trường hợp.

"Giờ thì ổn rồi." – Đăng thở hắt ra, ánh mắt xa xăm một chút rồi bất ngờ dựa đầu vài vai cô. Cả hai đang ngồi trong công viên, có rất nhiều cặp tình nhân đang ôm nhau, nhưng chẳng có cặp nào chàng trai lại gục đầu vào vai cô gái như Đăng và Winner.

Trong đầu cô lập tức hình thành một kết luận, anh không hề ổn!

Cô đã đúng. Tâm trạng anh lúc này như một cuộn len bị con mèo nghịch ngợm làm cho rối tung. Nhìn vào rất u ám và phức tạp. "Con mèo" làm rối "cuộn len" chính là ba anh. Đã rất lâu rồi không gặp, gặp lại vẫn cứ quen thuộc cái cảm giác thù hận và căm phẫn. Tại sao ông lại đến Đà Lạt?

Sáng nay khi đang chuyên tâm ngắm Winner ngủ, Đăng bị cuộc điện thoại từ số lạ phá đám. Biết được đầu dây bên kia là ai thì vẻ mặt càng lúc càng u ám hơn.

Ba anh gọi cho anh khi ông đã lên đến Đà Lạt, nói muốn gặp anh. Bản thân anh thì chẳng muốn gặp dù chỉ một chút, nhưng nếu không tự đi đến thì cũng sẽ bị ông bằng cách này hay cách khác buộc anh phải đến. Anh biết rõ ba mình là con người thủ đoạn đến mức nào. Vì vậy Đăng đành rời mắt khỏi Winner mà đi đến quán café Cát Tường.

Quán buổi sáng rất đông, chỗ để xe thậm chí còn phải chen chúc. Mọi người đều thích ngồi một chỗ vừa thưởng thức điểm tâm vừa có thể uống cà phê ngay sau đó. Hơn nữa ngồi nơi này nhìn ra con đường tấp nập cảm thấy rất thoải mái. Cảm giác cuộc sống rất nhộn nhịp và bản thân muốn cố gắng hơn. Đây cũng là một trong những quán Đăng thường chọn để dùng bữa sáng. Còn đang có ý định sẽ bắt Winner dậy sớm một ngày để đến đây cùng ăn với anh.

Nhưng giờ phút này anh thấy ghét nó ghê gớm. Đông thế này, anh cũng vì thể diện mà chẳng thể đứng lên bỏ đi khi không vừa mắt với ba mình, càng không thể nổi cáu với ông. Chẳng tự nhiên mà chưa gặp anh đã biết trước những gì sẽ xảy ra, từ sâu thẳm trong tim Đăng, cảm giác thù hận đối với ba mình là điều không bao giờ có thể xóa bỏ.

Ba anh ngồi nơi chiếc bàn đón nhiều nắng, gió khẽ thổi làm mái tóc bạc bay bay. So với mười một năm trước thì giờ ông đã gày đi nhiều lắm, dáng vẻ cũng chẳng còn oai phong bệ vệ, chỉ còn là một ông già cam chịu tác động của thời gian, đôi mắt ngả màu lặng lẽ đếm từng mùa rồi chẳng mấy nữa sẽ về với đất. Lòng Đăng có chút xót xa, dù gì cũng là ba mình, nhưng chút xót xa ấy chẳng thể làm anh tha thứ cho ông.

"Sao ba lại lên đây?" – Ngồi xuống đối diện, Đăng vào thẳng vấn đề. Đã mười một năm không hay biết chút tin tức nhưng một câu hỏi thăm anh cũng chẳng nỡ phí phạm.

"Ba lên tìm con." – Ông Bách mắt sâu thẳm nhìn con trai mình. Ông vẫn luôn cho người theo sát và chụp hình lại từng hoạt động của anh, thế nhưng vẫn hơi ngỡ ngàng khi trực tiếp đối diện. Ngày ấy học xong cấp hai, Đăng dứt khoát đoạn tuyệt, bỏ nhà lên Đà Lạt tự đi học rồi đi làm, một tiếng ba cũng không muốn gọi ông. Thế mà thấm thoát đã mười một năm, anh đã trở thành một người đàn ông trẻ mất rồi.

Con người ta, sau khi đã bước qua rồi nghĩ lại thì cảm thấy rất nhanh. Thế nhưng nếu nghĩ về những biến cố lần lượt ghi dấu thời gian thì sẽ nhận ra nó lâu đến mức nào. Mười một năm, cả Đăng và ba anh đều cảm giác như chỉ chớp mắt một cái, thế nhưng thời gian đã kịp tô vẽ quá nhiều nên gương mặt và suy nghĩ của hai người. Anh ngày càng trưởng thành hơn thì ông lại ngày càng già đi. Những nếp nhăn thi nhau đổ dài trên gương mặt gầy guộc, đôi mắt sâu hẳn vào hốc mắt và đã bắt đầu mờ dần. Chẳng ai nghĩ một đại ca xã hội đen oai phong lẫm liệt với hàng trăm ngàn đàn em giờ đây về già chỉ còn là một ông lão bất lực trước sự thách thức của tháng năm.

Lòng Đăng tê buốt, khóe mắt có chút cay cay nhưng anh chẳng muốn ông nhận thấy. Tránh ánh mắt ba mình, anh lạnh nhạt hỏi: "Để làm gì?"

"Về Sài Gòn với ba đi con." – Giọng ông Bách như van nài. Đôi bàn tay gầy rất muốn nắm lấy đôi tay con mình đang để trên bàn nhưng lại không dám. Ông biết lỗi lầm của mình lớn đến mức nào.

"Ba muốn con về đó làm gì?" – Đăng vẫn cố chấp giữ thái độ lạnh nhạt, đôi mắt phí phạm cái nhìn ra con đường chứ nhất định không nhìn ba mình.

"Ba cần con, các anh em trong tổ chức cũng thế."

"Ba muốn con gia nhập tổ chức của ba?" – Đăng nhếch môi, vẽ lên gương mặt một nụ cười đầy khinh miệt và cũng thật chua chat. Hóa ra ba anh đến lúc gần đất xa trời vẫn nhất định không tỉnh ngộ.

"Ba không thể tiếp tục làm thủ lĩnh. Con hãy thay ba làm điều đó." – Nhìn vẻ mặt của ông Bách lúc này rất khổ tâm. Nếu Đăng nói chắc ông cũng quỳ xuống mà cầu xin.

Thái độ của Đăng và cả nét mặt đều đồng loạt chán ghét. Những tưởng phải miễn cưỡng cùng ba mình uống ly cà phê, ăn bữa sáng nhưng xem ra không cần thiết nữa rồi.

Thấy Đăng chuẩn bị đứng lên, ông Bách vội chồm người giữ anh lại, giọng lạc đi vì cảm xúc: "Các anh em theo ba ngần ấy năm, họ sẽ thế nào nếu không còn người đứng đầu? Các băng nhóm khác sẽ giết họ. Xin con hãy cứu lấy những con người đã tận tâm với ba." – Ông chỉ dừng lại khi Đăng đã chịu ngồi xuống. Hít một hơi dài để lấy lại bình tĩnh, ông tiếp lời: "Ba đã... đã là giai đoạn cuối rồi. Ba đến tìm con sau đó sẽ vào bệnh viện nằm đợi ngày ra đi. Làm ơn đừng bỏ mặc mấy trăm con người ấy. Họ được đảm bảo khi đi theo ba, nếu giờ tổ chức tan ra, tất cả bọn họ đều sẽ chết mất."

Là bác sỹ, điều đầu tiên mà Đăng phải học cách chấp nhận đó chính là "con người ai cũng sẽ chết đi". Người trước mặt anh lại là người anh đã dùng cả cuộc đời để hận. Thế nhưng giờ đây lòng anh ngoài bàng hoàng ra còn có một cảm giác nhức nhối. Anh sẽ không còn ba nữa sao? Dù đã chối bỏ ông nhưng anh vẫn thừa nhận anh đến với thế giới này nhờ cha mẹ mình.

"Ba biết con trở thành bác sỹ là để cứu giúp những người cần giúp đỡ. Vậy xin con hãy cứu họ." – Ông Bách đứng lên khỏi ghế, quỳ xuống trước mặt Đăng trong tiếng bàn tán xôn xao của cả quán. Thứ mà ông dùng cả đời để làm cho hùng mạnh không phải là gia tài mà là danh tiếng. Và giờ đây ông bỏ đi tất cả tự tôn mà quỳ trước mặt anh.

"Ba đứng lên đi!" – Đăng lúng túng muốn đỡ ba mình dậy nhưng cơ thể chẳng còn nhớ cách phải cử động như thế nào. Ngần ấy thời gian không gặp, tất cả những cử chỉ đụng chạm đều rất ngượng nghịu.

Cuối cùng, anh đành đóng vai ác: "Nếu ba không đứng lên con sẽ bỏ đi đấy."

Ông Bách bị lời nói của Đăng làm cho giật mình, vội đựng lên trở lại ghế của mình. Nhưng ở tuổi của ông, có vội vàng đến mấy thì hành động vẫn rất chậm chạp.

"Ba biết là con hận ba. Hận ba gián tiếp gây ra cái chết của mẹ con." – Ông Bách tiếp lời ngay khi vừa ngồi xuống như sợ Đăng hết kiên nhẫn để nghe.

Mi mắt Đăng khẽ khép lại che đi từng tia máu đang đỏ ngầu. Gián tiếp thôi sao? Trong suy nghĩ của anh, ông chính là người hại chết mẹ.

"Mẹ có kể cho con ba là trẻ mồ côi không? Ba không có gì ngoài tình yêu dành cho mẹ con nên ông bà ngoại đã kịch liệt phản đối khi ba mẹ đến với nhau. Khi ấy có một đại ca xã hội đen để ý đến ba, hứa hẹn cho ba mộtmức lương tháng cao. Ba gia nhập xã hội đen là từ đó."

"Ý ba là vì mẹ." – Giọng Đăng đầy vẻ giễu cợt.

"Con có thể không tin nhưng đó là sự thật."

"Thế tại sao sau khi cưới mẹ rồi ba không dừng lại?" – Đăng tiếp tục chất vấn.

"Chuyện gì sẽ xảy ra với mẹ con nếu ba dừng lại. Có quá nhiều kẻ thù và ngay cả đại ca cũng sẽ không buông tha cho ba." – Giọng ông Bách khẽ run lên vì những hồi ức đáng sợ. Sống và thấp thỏm bảo vệ người phụ nữ của mình là nỗi ám ảnh lớn nhất cuộc đời ông.

"Gia nhập là vì mẹ, ở lại cũng vì mẹ." – Đăng phá lên cười, rất muốn giễu cợt nhưng những gì ông Bách nói quá hợp lí để anh phải tin.

"Ba rất yêu mẹ con, và cũng rất yêu con." – Có lẽ đây là điều ông Bách muốn nói nhất từ ngày Đăng bỏ đi.

Mẹ Đăng đã từng nói ba rất yêu anh, mang tên mình làm tên đệm cho anh như muốn nói ông luôn ở phía sau dõi theo con trai mình. Thế nhưng anh đã thôi tin những lời nói ấy kể từ khi mẹ mất.

Cái ngày định mệnh mà mẹ anh ngã từ trên cầu thang xuống khi đang mang thai đã làm anh không còn tin vào tình yêu thương ấy nữa. Từ trường tiểu học trở về, Đăng mặt cắt không còn hột máu khi thấy mẹ mình nằm trong vũng máu.

"Gọi... cho ba... đi con." – Đó là câu nói cuối cùng mẹ anh dùng hết sức lực để nói trước khi ngất đi.

Anh điên cuồng ấn phím ưu tiên số 1 gọi cho ba mình nhưng đáp lại chỉ là những tiếng "tút... tút..." chậm rãi vang lên.

Đăng khi đó chỉ là một đứa trẻ tiểu học, ngoài khóc và làm theo lời mẹ ra thì chẳng biết làm gì hơn.

Mãi đến khi tiếng khóc quá lớn và kéo dài khiến hàng xóm chú ý mới có người đến và phát hiện ra mẹ anh đã chết cách đó vài phút. Bà mất ngay trong căn nhà mà bà tỉ mỉ chăm chút, mất trong khi đợi người chồng mà bà giành cả cuộc đời để yêu thương, mất trong sự bất lực của anh. Nếu không phải vì cuộc họp chia địa bàn của các băng nhóm thì ba anh đã không để điện thoại chế độ im lặng, nếu khi đó anh chạy ra ngoài kêu cứu, nếu anh lớn hơn một chút và biết cách sơ cứu, nếu anh biết số gọi cho bệnh viện, nếu những điều đó xảy ra thì mẹ anh đã không mất. Suốt những năm tháng qua, anh đã sống và gánh trên vai sự dằn vặt chính mình cùng với nỗi hận người cha ruột. Đây cũng chính là lí do duy nhất khiến anh theo ngành bác sỹ.

Mải miết chìm trong ký ức đau đớn, đôi mắt Đăng nhòa đi lúc nào không hay. Chỉ đến khi bàn tay gân guốc của ông Bách vụng về vươn đến lau nước mắt cho anh, Đăng mới giật mình nhưng lại không gạt tay ông ra, cũng không tránh khỏi bàn tay ấy.

"Ba không có lời nào biện minh cho sai lầm của mình. Ba đã sai. Ba có lỗi với con và cả với mẹ con. Ba không muốn lại tiếp tục để ai đó vì mình mà chết." – Nước mắt ông Bách cũng bắt đầu rơi. Từng giọt nước mắt chết chứa theo tháng năm trượt dài trên gò má hốc hác.

Suốt những năm tháng qua, ông Bách chưa một ngày thanh thản, chưa bao giờ ngừng trách mình vì những sai lầm trong quá khứ và ông biết Đăng cũng vậy. Con trai ông vẫn luôn tin rằng sự bất lực và ngốc nghếch ngày đó của mình là một phần làm mẹ mất. Trong họ, có lẽ nỗi nhớ đã không còn dày vò triền miên, nhưng sự ân hận thì không bao giờ nhạt nhòa.

Nỗi đau ấy giống như một hình xăm, khi mới bắt đầu có sẽ luôn chú ý đến nó, nhưng dần rồi cũng sẽ không còn thường xuyên ngó ngàng. Thế nhưng nó vẫn còn ở đó. Dù có nói với cả thế giới này trên người chẳng có hình xăm nào và tất cả bọn họ đều tin thì nó cũng vẫn rành rành ở đó, chỉ chờ một ngày nhìn đến. Mỗi trái tim đều được kết nối với nhau bằng yêu thương và nặn thành hình từ những tổn thương. Yêu thương thì mong manh vô hình mà sao tổn thương thì rõ ràng quá.
Bình Luận (0)
Comment