Những Quận Chúa Nổi Loạn

Chương 43

Một cảnh im lặng đầy kinh hoàng tiếp theo sau mệnh lệnh đó, chỉ bị phá ngang bởi tiếng chân của viên đội trưởng đội cận vệ đang xa dần và với tiếng reo hò không ngớt của đám đông bên ngoài. Trong phòng không có một tiếng thở mạnh, mọi ánh mắt đều hướng về phía khung cửa nơi tù nhân sẽ được dẫn vào. Để chơi đúng vai trò chủ trì của mình, bà phu nhân giả tảng như đang lật và xem xét sổ bộ, công tước De La Rochefoucauld thì lấy một dáng điệu mơ màng, ông De Bouillon thì nói với bà De Tourville về căn bệnh thống phong đang làm ông khổ sở vô cùng.

Lenet đến gần bà quận chúa để thử một hy vọng cuối cùng.

- Xin phu nhân hãy nghĩ lại... - Ông nói - Phu nhân đang chơi trò may rủi trên tương lai của dòng họ mình.

- Ông chẳng cần phải nói thêm. - Bà quận chúa lạnh lùng nói - Ta chắc chắn sẽ thắng.

- Thưa ngài công tước! - Lenet nói và quay về phía ông De La Rochefoucauld - Ngài vượt xa những trí thông minh tầm thường về những tham vọng nhỏ nhặt của con người, ngài sẽ thiên về thái độ ôn hòa chứ, thưa ngài?

- Thưa ông! - Vị công tước trả lời một cách châm biếm - Hiện tại tôi đang phân vân lựa chọn vấn đề ấy và lý trí của tôi...

- Hãy lựa chọn với lương tâm của mình, thưa ông! - Lenet nói - Như vậy thì đúng hơn.

Ngay khi đó, một tiếng động nặng nề vang lên. Đấy là cánh cổng được đóng lại. Chẳng bao lâu, những tiếng chân vang lên nơi cầu thang, cửa mở ra và Canolles bước vào.

Chưa bao giờ trông chàng phong nhã và hào hoa như vậy, khuôn mặt trầm tĩnh vẫn giữ được niềm vui và vẻ thành thật. Bước chân của chàng nhẹ nhàng và không điệu bộ, tưởng chừng như chàng vẫn đang ở tại nhà các ông Lavie hay De Lalasne, và chàng kính cẩn cúi chào bà quận chúa cùng với ông công tước.

Ngay cả bà quận chúa cũng kinh ngạc trước dáng điệu thoải mái ấy, bà ngồi nhìn chàng trai trẻ một hồi lâu.

Cuối cùng bà phá tan cảnh thinh lặng.

- Mời ông đến gần đây. - Bà nói.

Canolles vâng lời và cúi chào thêm một lần nữa.

- Ông là ai?

- Tôi là nam tước De Canolles, thưa phu nhân.

- Ông giữ cấp bậc gì trong quân đội hoàng gia?

- Tôi là trung tá.

- Ông có phải là tổng đốc đảo Saint Georges không?

- Tôi có vinh dự đó.

- Ông nói sự thật chứ?

- Trong mọi điều, thưa phu nhân.

- Ông lục sự, ông có chép lại những câu hỏi và những câu trả lời không?

Viên lục sự gật đầu xác nhận là có.

- Đây, ông hãy ký vào đi. - Bà quận chúa nói.

Canolles cầm lấy cây bút với vẻ của một người không hay gì về lệnh lạc của người ta ra cho mình, nhưng cũng vâng lời kính trọng địa vị của người ra lệnh đó, và chàng mỉm cười ký vào.

- Được rồi! - Bà quận chúa nói - Bây giờ ông có thể ra.

Canolles lại chào những vị quan tòa cao quý của mình bước ra ngoài cũng vẫn dáng điệu thoải mái đó, chẳng vẻ gì là ngạc nhiên hay tò mò.

Chàng vừa qua khỏi cửa và cánh cửa vừa đóng sau lưng chàng thì bà quận chúa đứng dậy.

- Thế nào, thưa quý ông? - Bà hỏi.

- Thưa phu nhân, chúng ta hãy biểu quyết thôi. - Công tước De La Rochefoucauld nói.

Và quay về phía những viên quan chức.

- Các ông có ý kiến gì không? - Ông hỏi.

- Chúng tôi xin nói sau ngài, thưa đức ông. - Một người trả lời.

- Không, không thể nào trước ngài được. - Một giọng nói to vang lên. Giọng nói ấy tỏ ra cứng cỏi đến nỗi mọi người phải ngạc nhiên.

- Như vậy có nghĩa là sao? - Bà quận chúa hỏi và cố tìm cách nhận ra gương mặt của người vừa nói.

- Như vậy có nghĩa là... - Một người đàn ông vừa đứng dậy vừa nói lớn - Tôi André Lavie, chưởng lý của đức vua, cố vấn của hội đồng cố vấn, nhân danh đức vua và nhân danh nhân loại tôi đòi hỏi quyền ưu tiên và an toàn cho những tù binh danh dự bị giữ tại Bordeaux.

- Ồ, thưa ông chưởng lý, xin đừng dùng những từ ngữ trong tố tụng với tôi, bởi vì tôi chẳng hiểu gì cả. Chúng ta hãy giải quyết vấn đề theo mặt tình cảm chứ không phải là một trình tự nhỏ mọn và đê tiện, tôi nghĩ rằng tất cả thành viên của tòa án đây đều hiểu quy ước này.

- Vâng, vâng! - Các viên quan chức và sĩ quan cùng kêu lên - Chúng ta hãy biểu quyết đi.

- Tôi đã nói và tôi xin nhắc lại! - Lavie nói không tỏ vẻ gì hoang mang trước câu nhận xét của bà quận chúa - Tôi đòi hỏi quyền ưu tiên và an toàn cho các tù binh danh dự. Đây không phải là từ ngữ trong tố tụng, nhưng đây là quyền hạn của con người.

- Còn tôi xin nói thêm. - Lenet kêu lên - Người ta đã để cho Richon trình bày trước khi chết một cách tàn nhẫn, và chúng ta cũng phải tỏ ra công bằng mà để cho các bị cáo trình bày.

- Còn tôi, D Espagnet viên chỉ huy đội quân đã cùng ông De La Rochefoucauld tấn công vào Saint - Georges, tôi tuyên bố rằng nếu chúng ta tỏ ra dễ dãi, cả thành phố sẽ nổi loạn.

Những tiếng ồn ào ở bên ngoài dường như đáp lại câu tuyên bố đó.

- Chúng ta hãy nhanh lên! - Bà quận chúa nói - Chúng ta sẽ dùng hình phạt gì với bị cáo đây?

- Các bị cáo, thưa phu nhân! - Vài người lên tiếng - Bởi vì có hai bị cáo.

- Một không đủ cho các người hay sao? - Lenet nói và mỉm cười khinh bỉ trước thái độ quỵ lụy khát máu đó.

- Vậy thì tên nào? Tên nào chứ? - Những giọng kia lại ồ lên.

- Hãy lấy tên béo nhất, lũ ăn thịt người ạ! - Lavie kêu lên - Kìa! Các ông không hài lòng về một hành động bất công, các ông kêu gào trước cảnh chết chóc và các ông muốn đáp lại vụ xử tử bằng hai mạng người! Đúng là một cuộc họp giữa các nhà triết gia và các chiến hữu, chẳng khác gì những tên đồ tể.

Những ánh mắt nảy lửa của phần lớn các quan tòa dường như sẵn sàng giết viên chưởng lý can đảm của nhà vua. Phu nhân De Condé hơi nhổm người dậy, bà như đưa ánh mắt dò hỏi những người có mặt phải chăng là những câu bà vừa nghe kia là có thật, là làm sao trên đời này lại có một kẻ bạo gan dám nói những điều như vậy trước mặt bà.

Lavie hiểu rằng sự có mặt của ông sẽ như dầu đổ thêm vao lửa, và thay vì cứu thoát cho các bị cáo, chính ông sẽ làm cho số phận của họ thêm xấu đi. Vì thế ông quyết định rút lui, nhưng với tư cách của một quan tòa bất bình chứ không phải như một người lính đảo ngũ.

- Nhân danh Thượng Đế, tôi chống lại điều mà các vị đang toan tính, nhân danh đức vua, tôi phản đối điều đó. - Lavie gầm lên.

Và sau khi xô ngã chiếc ghế của mình với một cử chỉ giận dữ oai hùng, ông bước ra khỏi phòng, đầu ngẩng cao, bước chân quả quyết như một người đã hoàn tất bổn phận của mình và không quan tâm gì đến những hậu quả tai hại có thể đến với mình.

- Tên xấc láo! - Bà quận chúa lẩm bẩm.

- Được! Được lắm! Cứ để mặc y! - Vài người lên tiếng - Rồi sẽ đến lượt y.

- Chúng ta hãy biểu quyết thôi! - Phần đông các quan tòa nói.

- Nhưng mà... - Lenet lại nói - Tại sao lại biểu quyết trong khi các bị cáo chưa lên tiếng? Có thể một trong hai người là có tội hơn cả. Có thể các ngài sẽ chỉ cần báo thù với một sinh mạng thay vì cần đến cả hai.

Ngay khi đó, lại vang lên tiếng mở cửa cổng sắt.

- Thôi được! - Bà quận chúa nói - Chúng ta sẽ biểu quyết sau khi đã nghe họ phân trần.

Các quan tòa vừa đứng dậy trong cảnh ồn ào, lại ngồi xuống. Lại nghe những tiếng bước chân, tiếng mở cửa và đến lượt Cauvignac xuất hiện.

Người mới đến mang một hình ảnh hoàn toàn khác hẳn với Canolles, y phục của y vẫn còn xộc xệch sau cảnh giằng xé của đám đông, mặc dù y đã cố công sửa sang. Đôi mắt liếc nhanh về phía các vị quan chức, các sĩ quan, các công tước và bà quận chúa, nhìn bao quát khắp lượt cả tòa án, rồi với dáng điệu của một con cáo già đang chuẩn bị trổ mưu mô, y tiến đến, có thể nói như là y thăm dò tình hình qua từng bước chân chậm chạp, tai vểnh lên, nghe ngóng, mặt tái nhợt lộ rõ vẻ lo âu.

- Phu nhân đã cho tôi được vinh dự đến diện kiến người? - Y nói mà không đợi ai hỏi.

- Phải, thưa ông. - Bà quận chúa trả lời - Tôi muốn được nghe ông trình bày về vài điểm có liên quan đến ông đang làm cho chúng tôi đây phải hoang mang.

- Nếu vậy tôi đây, thưa phu nhân. - Cauvignac trả lời và cúi chào - Tôi xin sẵn sàng đáp ứng lại ân huệ mà phu nhân đã dành cho tôi.

Rồi y lại vái chào cố hết sức để tỏ ra lịch thiệp, nhưng rõ ràng là thái độ đó không được thoải mái và tự nhiên cho lắm.

- Sẽ nhanh thôi. Bà quận chúa trả lời - Nếu ông trả lời cũng rõ ràng như chúng tôi sắp hỏi ông.

- Tôi xin mạn phép lưu ý phu nhân rằng các câu hỏi đều phải chuẩn bị từ trước, còn câu trả lời thì không được như vậy, nên tôi cho rằng trả lời luôn luôn dễ hơn là hỏi.

- Ồ, các câu hỏi của chúng tôi rất rõ ràng và chính xác. - Bà quận chúa nói - Và tránh cho ông phải nhọc công suy nghĩ. Tên ông là gì?

- Ấy thưa phu nhân, đây lại chính là một câu hỏi khá phức tạp.

- Tại sao vậy chứ?

- Vâng, vì đôi khi người ta lại có đến hai tên, tên do gia đình đặt cho mình và tên do chính mình tự đặt ra. Ví dụ như tôi đây, tôi cho rằng mình có lý do riêng để không dùng đến cái tên đầu tiên để sử dụng một tên khác ít ai biết đến. Vậy phu nhân muốn tôi phải thú nhận tên nào?

- Tên mà ông đã sử dụng khi đến trình diện ta ở Chantilly, tên mà ông đã sử dụng khi đứng ra chiêu mộ cho ta một đội quân, và tên mà ông đã dùng khi đến bán mình cho lão Mazarin.

- Xin phu nhân thứ lỗi. - Cauvignac nói - Nhưng hình như tôi đã được vinh dự trả lời tất cả các câu hỏi đó trong lần yết kiến mà phu nhân đã rộng lòng ban cho tôi vào sáng nay.

- Bởi vậy, giờ ta chỉ muốn hỏi ông một câu thôi. - Bà phu nhân đã bắt đầu mất kiên nhẫn - Ta chỉ hỏi tên ông.

- Đây! Chính là câu khiến tôi khó nói hơn cả.

- Hãy ghi tên nam tước Cauvignac. - Bà quận chúa nói.

Bị cáo không phản đối gì cả và viên lục sự ghi vào.

- Bây giờ đến chức vụ của ông. - Bà quận chúa nói - Tôi hy vọng ông không khó khăn gì với câu hỏi này.

- Trái lại, thưa phu nhân, chính câu hỏi này đối với tôi lại khó trả lời hơn cả, nếu phu nhân hỏi về chức vụ của một người thông thái như tôi, thì tôi là tú tài về văn chương, cử nhân về luật, tiến sĩ về thần học, và như phu nhân vừa thấy đó tôi trả lời mà không phải ngập ngừng gì.

- Không thưa ông, chúng ta nói đến chức vụ trong quân đội của ông.

- Ấy, về điểm này tôi hoàn toàn không thể nào trả lời với phu nhân được.

- Tại sao vậy chứ?

- Bởi vì chính tôi cũng chưa bao giờ rõ mình là gì nữa.

- Hãy cố gắng nói rõ điểm này thưa ông, bởi vì tôi, tôi rất muốn biết.

- Nếu vậy, tôi xin nói là thoạt đầu tôi tự mình phong cho cấp bậc trung úy. Nhưng vì 4ôi không có nhiệm vụ là tự ký cho mình một văn bằng, vả lại suốt cả khoảng thời gian mà tôi giữ cấp bậc đó tôi chỉ có dưới tay sáu người thôi nên tôi cho rằng mình không có quyền giữ cấp bậc đó.

- Nhưng tôi - Bà quận chúa nói - tôi đã phong cho ông chức đại úy, vậy thì ông là đại úy.

- À chính vì thế mà tôi lại càng thêm bối rối và lương tâm tôi cắn rứt. Từ bấy lâu nay, tôi đã có quan niệm rằng mọi cấp bậc trong quốc gia phải là phát xuất từ ý muốn của đấng quân vương thì mới có giá trị. Thế nhưng phu nhân đã có ý định phong tôi làm đại úy, nhưng tôi tin rằng người không có quyền đó. Bởi vậy, tôi cũng chưa từng là đại úy cũng như chưa từng là đại úy.

- Thôi vậy cũng được, cứ cho như là ông chưa hề tự phong cấp bậc đại úy, cũng như chưa hề được ta phong cho cấp bậc đại úy, vì ta cũng như ông chẳng có quyền hạn gì để ký một văn bằng thì ít ra ông cũng là tổng đốc thành Braune. Thế nhưng vì lần này chính đức vua đã ký giấy bổ nhiệm ông, vậy ông không chối bỏ giá trị của văn bản đó chứ?

- Thưa phu nhân - Cauvignac trả lời - Trong ba vấn đề, đây lại là điều xa nhất.

- Tại sao kia chứ? - Bà quận chúa hỏi.

- Tôi đã được bổ nhiệm, đúng vậy, nhưng lại chưa nhận nhiệm vụ tước hiệu có giá trị là như thế nào? Chính không phải là chỉ mang tước hiệu không thôi, mà phải hoàn thành những nhiệm vụ gắn liền với tước hiệu đó. Thế nhưng tôi chưa hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ nào của tước hiệu mà tôi được phong cho, tôi chưa đặt chân đến lãnh địa của tôi, tôi chưa bắt tay vào một công việc nào, bởi vậy tôi chưa từng là tổng đốc thành Braune, cũng như chưa từng là đại úy, trước khi lên chức tổng đốc và cũng chưa từng là trung úy trước khi lên đại úy.

- Thế nhưng, thưa ông, ông đã bị bắt trên đường đến Braune.

- Có thể lắm, nhưng cách nơi tôi bị bắt giữ hơn một trăm bước, con đường chia làm hai ngả. Một đi đến Braune và một đến Issor. Ai có thể bảo rằng tôi đi đếN Braune chứ không phải đến Issor?

- Thôi được. - Bà quận chúa nói - Các quan tòa đây sẽ nhận định lời bào chữa của ông, lục sự hãy ghi vào, tổng đốc thành Braune.

- Tôi không dám chống đối - Cauvignac nói - về việc phu nhân cho ghi theo ý thích của người.

- Xong rồi, thưa phu nhân! - Nhân viên lục sự nói.

- Tốt. Và bây giờ mời ông ký vào bản hỏi cung này giùm cho.

- Tôi rất lấy làm sung sướng mà làm việc đó, thưa phu nhân. - Cauvignac nói - Và tôi rất lấy làm thích thú được làm một điều gì khiến cho phu nhân vui lòng. Nhưng trong cuộc chống trả với đám đông vào sáng nay, mà phu nhân đã có lòng tốt can thiệp giúp đỡ, rủi thay cổ tay phải của tôi đã bị chặt và tay trái tôi chưa hề viết được một chữ nào bao giờ.

- Hãy ghi vào lời từ chối của bị cáo. - Quận chúa nói với viên lục sự.

- Mất khả năng, thưa ông, hãy viết mà mất khả năng. - Cauvignac nói - Tôi có thể làm sao từ chối một điều gì với một vị phu nhân cao cả như người, nếu như điều đó nằm trong khả năng của tôi?

Và Cauvignac lại cúi chào với một vẻ kính cẩn vô cùng rồi bước ra ngoài với hai người lính kèm hai bên.

- Tôi cho là ông đã có lý, ông Lenet à! - Ngài công tước De La Rochefoucauld nói - Và chính ta đã sai lầm mà không biết.

Lenet đang quá bận rộn với những ý nghĩ riêng tư để trả lời. Lần này tính kiên trì thường nhật của ông đã phản lại ông, ông đã hy vọng là Cauvignac sẽ lôi kéo về phía hắn sự giận dữ của các vị quan tòa. Nhưng với những mưu mẹo muôn thủa của y, Cauvignac đã khiến cho các vị quan tòa phải buồn cười hơn là bực tức. Có điều là cuộc hỏi cung đó đã xua tan hình ảnh đẹp đẽ, nếu như có, của cuộc hỏi cung Canolles, và những gì là thanh cao, là thành thật, là thẳng thắn đã biến mất sau những mưu mẹo của người sau. Cauvignac đã xua mất hình ảnh của Canolles.

Vì thế, khi đến phần biểu quyết, phần đông đều yêu cầu án tử hình.

Bà quận chúa đứng dậy, trịnh trọng đọc câu tuyên án. Rồi từng người một đến ký vào sổ bộ của tòa án. Trước hết là cậu quận công D Enghien, một đứa bé đáng thương không hiểu gì về chữ ký của mình, chữ ký đầu tiên đáng giá một mạng người, sau đó đến quận chúa phu nhân, các ông công tước, rồi đến các bà trong hội đồng tư vấn, các viên sĩ quan rồi đến các quan chức. Như vậy mọi người đều có nhúng tay vào cuộc báo thù này. Quý tộc cũng như dân giả, quân đội cũng như hội đồng, cần phải trừng phạt tất cả. Thế nhưng mọi người đều biết rằng khi cần phải trừng phạt tất cả mọi người nói chung thì sẽ chẳng trừng phạt ai cả.

Và, sau khi tất cả mọi người đều đã ký, bà quận chúa đã nắm được sự trả thù trong tay, mà hành động trả thù đó thỏa mãn lòng kiêu hãnh của bà, đến tự tay mở cánh cửa sổ ra, khao khát muốn làm đẹp lòng dân, bà nói to:

- Hỡi dân chúng thành Bordeaux, cái chết của ông Richon sẽ được trả thù một cách thích đáng, hãy tin tưởng nơi ta.

Một tiếng hoan hô, chẳng khác gì tiếng sấm vang dậy sau câu tuyên bố, và dân chúng tỏa ra khắp các đường phố thích thú khi nghĩ đến cảnh tượng mà phu nhân quận chúa vừa hứa. Nhưng khi phu nhân vừa về đến phòng mình với Lenet buồn bã theo sau, vì ông vẫn còn hy vọng làm cho bà đổi ý, thì cửa bật mở ra và nữ tử tước De Cambes, mặt tái nhợt, đau khổ, đến quỳ sụp xuống chân bà.

- Ôi, thưa phu nhân, xin hãy nghe em! Xin đừng xua đuổi em!

- Có chuyện gì vậy, em thân yêu của ta? - Bà quận chúa hỏi - Mà tại sao em lại khóc chứ?

- Thưa phu nhân, em khóc bởi vì em được mọi người đều đã biểu quyết án tử hình và phu nhân đã chấp nhận. Nhưng thưa phu nhân, phu nhân không thể nào giết ông De Canolles được.

- Tại sao chứ? Họ cũng đã giết ông Richon đấy.

- Nhưng thưa phu nhân, chính ông De Canolles đã cứu phu nhân khi còn ở Chantilly.

- Ta phải biết ơn hắn vì hắn đã bị lừa trước mưu kế của chúng ta hay sao?

- Thưa phu nhân, người đã lầm rồi, ông Canolles đã không bị lừa vì sự đánh tráo đấy. Ngay từ cái nhìn đầu tiên ông ấy đã nhận ra em.

- Nhận ra em!

- Vâng, thưa phu nhân. Ông ấy với em đã cùng đi với nhau một đoạn đường. Ông De Canolles biết em, ông Canolles phải nói là khi ấy yêu em, và trong tình thế đó, thưa phu nhân... có lẽ ông ấy đã sai lầm, nhưng ông ấy không đáng để phu nhân chê trách... trong tình huống ấy, ông ấy đã vì tình yêu mà hy sinh bổn phận.

- Nếu vậy, người mà em yêu?...

- Vâng ạ! - Nàng tử tước trả lời.

- Người mà em đến xin phép ta để cưới...

- Vâng.

- Người đó là...

- Là chính ông De Canolles! - Nữ tử tước kêu lên - Ông De Canolles đã đầu hàng với em ở Saint - Georges, và nếu không có em, ông ấy đã cho nổ mình chết cùng với binh sĩ của phu nhân... Vâng, ông De Canolles đã có thể bỏ trốn, nhưng ông ấy đã buông gươm để khỏi phải xa em. Bây giờ thì chắc phu nhân đã hiểu nếu ông ấy chết thì em cũng sẽ cùng chết với ông ấy, bởi vì chính em đã giết ông ấy!

- Ôi, cô em yêu quý! - Bà quận chúa nói với một vẻ xúc động - Hãy biết rằng điều em đòi hỏi ấy là không thể được. Richon đã chết, và Richon cần phải được trả thù. Hội đồng đã biểu quyết, và bản án phải được thi hành, ngay cả như chồng ta có hỏi xin điều em vừa nói thì ta cũng sẽ từ chối.

- Ôi! Khổ cho ta, khổ cho ta! - Tử tước phu nhân kêu lên, nàng bật khóc nức nở và ngã ra sau - Chính ta đã hại người yêu của ta rồi.

Khi đó Lenet từ nãy giờ vẫn im lặng, tiến đến gần bà quận chúa.

- Thưa phu nhân! - Ông nói - Một nạn nhân cũng đủ rồi, phu nhân lại cần đến hai xác chết để trả giá cho Richon hay sao?

- À! À! - Quận chúa nói - Hỡi con người nghiêm khắc, như vậy có nghĩa là ông muốn ta giết một người và tha một người, có đúng không?

- Thưa phu nhân, khi cần phải lựa chọn thì nên để lại người lương thiện, và thí kẻ xảo quyệt, đó là điều công bằng chỉ có những tên Do Thái mới đóng đinh chúa Giêsu và tha Brabas.

- Ôi, ông Lenet, ông Lenet! - Claire kêu lên - Xin ông hãy nói hộ giùm tôi! Bởi vì ông là đàn ông và mọi người có lẽ sẽ nghe theo ông. Và xin phu nhân nhớ lại giùm em! - Nàg nói tiếp quay về phía bà phu nhân - Xin hãy nhớ rằng em đã phục vụ phu nhân tất cả đời em.

- Và cả tôi nữa! - Lenet nói - Và sau ba mươi năm phục vụ trung thành, tôi chưa hỏi xin một điều gì cả, nhưng nếu trong trường hợp này phu nhân không thương xót thì tôi sẽ đổi ba mươi năm trung thành để chỉ xin một lần ân huệ.

- Hãy nói đi!

- Là xin phu nhân cho tôi được thôi việc về đến phủ phục dưới chân đức vua và xin phục vụ ngài cho đến cuối đời tôi.

- Kìa! - Bà quận chúa kêu lên - Đừng đe dọa ta nữa, Lenet thân mến. Đừng khóc nữa, Claire yêu quý của ta. Các người hãy an tâm, sẽ chỉ có một người chết thôi, như ý các người muốn. Nhưng đừng có ai đến cầu xin ta ân huệ cho kẻ phải chết nữa.

Claire nắm tay bà phu nhân và hôn tới tấp lên đó.

- Ôi, xin cám ơn, cám ơn phu nhân! - Nàng nói - Kể từ bây giờ mạng sống em và của người ấy là thuộc về của phu nhân.

- Thưa phu nhân, hành động như vậy là phu nhân đã tỏ ra vừa rộng lượng vừa công bằng. Đặc quyền đó từ trước đến này chỉ thuộc về Thượng Đế.

- Bây giờ, em có thể gặp ông ấy chưa? Em có thể xin thả ông ấy ra được chưa?

- Một hành động tương tự vào lúc này là không được. - Bà quận chúa nói - Nó sẽ mang tai họa đến cho chúng ta. Hãy để tù binh ở lại nhà tù. Họ sẽ được đưa ra cùng một khi người đến với tự do, kẻ đến với cái chết.

- Nhưng ít ra, em có thể đến gặp để trấn an ông ấy được chứ?

- Trấn an à! Cô em thân yêu, ta nghĩ là em không được quyền làm như vậy. Mọi người sẽ biết quyết định, mọi người sẽ bàn tán, không, không được đâu, em biết điều đó là đủ rồi. Ta sẽ báo với các ông công tước với quyết định của ta.

- Em đành phải chờ đợi vậy. Xin cảm ơn, xin cảm ơn phu nhân! - Claire kêu lên.

Và nàng chạy biến đi để có thể được khóc thỏa thích và để tạ ơn Thượng Đế với tất cả tấm lòng tràn ngập hạnh phúc cùng sự biết ơn.
Bình Luận (0)
Comment