Những Vụ Án Trên Thế Giới

Chương 202

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 30 tháng 3 năm 1896 khi người ta phát hiện ra một gói bưu kiện bị gạch đè dưới lòng sông Thames. Trong gói bưu kiện có chứa thi thể của một đứa trẻ bị quấn chặt băng trắng quanh cổ và đã bị phân hủy nghiêm trọng.

Ngay sau đó cảnh sát và các thám tử đã bắt tay cùng nhau điều tra vụ án này. Không ai ngờ rằng cũng chính từ đây, người ta sẽ khám phá ra được một trong những vụ án giết trẻ em hàng loạt rùng rợn nhất lịch sử nước Anh.

1. Amelia Dyer và tuổi thơ đau khổ: Đây chính là nguồn cơn?

Amelia Dyer sinh ra trong một gia đình khá giả có năm người con ở Bristol, Anh. Cha của Amelia là một bậc thầy đóng giày có tiếng nên từ nhỏ Amelia Dyer đã được giáo dục rất tốt và bà ta còn rất yêu thích thơ văn. Tuy nhiên thật không may, mẹ của Amelia Dyer lại mắc chứng bệnh tâm thần do di chứng từ một cơn sốt phát ban, nên Amelia luôn phải hứng chịu những trận đòn roi, hành hạ tàn bạo từ mẹ mình.

Sau cái chết của người mẹ, Amelia chuyển đến sống với người dì. Lớn lên, mụ kết hôn với một người đàn ông lớn tuổi tên George Thomas và học nghề y tá. Thời đó, y tá là một công việc được trọng vọng nhưng thu nhập lại không cao. Chính vì thế mụ ta quyết định bỏ việc sau khi sinh con gái.

Năm 1869, người chồng của mụ ta qua đời vì già yếu. Vì gánh nặng tài chính, mụ Amelia đã mở một nơi tạm trú để chứa chấp những người phụ nữ không chồng mà chửa, hoặc những đứa trẻ sinh ra nhưng không được xã hội bấy giờ công nhận.

2. Hành trình tội ác kinh hoàng

“Nhà tình thương” của mụ Amelia tất nhiên cũng thu phí, nhưng tính ra tiền phí đó ít hơn rất nhiều so với chi phí để nuôi lớn một đứa trẻ. Người thông minh chỉ cần chú ý quan sát một chút sẽ hiểu được rằng ngay từ đầu, mụ ta chẳng hề muốn dưỡng dục những đứa trẻ để chúng trưởng thành tốt đẹp.

Thế nhưng, với những kỹ năng y tá của mình, mụ ta vẫn nhận được sự tin cậy của khách hàng. Mụ luôn đảm bảo với họ rằng sẽ tìm cho những đứa con ngoài giá thú của họ một mái ấm thực sự với tình yêu thương và sự chăm sóc đầy đủ.

Mụ ta nhận tiền của những bậc phụ huynh nhưng không chăm sóc hay tìm cha mẹ nuôi cho đứa trẻ. Amelia Dyer thường xuyên bỏ đói chúng, thậm chí mụ ta còn cho những đứa trẻ tội nghiệp hút thuốc phiện để chúng nhanh chóng tử vong. Các bà mẹ của những đứa trẻ cũng thỉnh thoảng đến thăm chúng nhưng Amelia Dyer thường xuyên tìm đủ lý do để trì hoãn cũng như không cho họ gặp con mình. Mặc dù các bà mẹ đã sớm nghi ngờ nhưng họ lại không dám báo cảnh sát vì sợ bị phát giác “chửa hoang”.

Không chỉ vậy, Amelia còn tiếp tay cho những người mẹ lầm lỡ muốn chối bỏ đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra ngay từ khi mới lọt lòng rồi đem đi giấu xác.

Năm 1879, Amelia bị bắt khi một bác sĩ nghi ngờ việc quá nhiều trẻ em chết gần khu vực chăm sóc trẻ của mụ. Ông khẳng định, bà liên quan đến những cái chết bất thường đó và báo với cảnh sát. Tuy nhiên, với lý do bị khủng hoảng tinh thần, thay vì bị kết tội giết người hay ngộ sát, mụ ta lại được sự “ân xá đặc biệt” khi chỉ phải nhận án phạt 6 tháng lao động khổ sai vì đã không chăm sóc trẻ em cẩn thận.

Sau khi được phóng thích, bà tìm được một công việc trong bệnh viện tâm thần. Lúc này, Amelia nhận ra rằng, giết chết trẻ em ngay lập tức sẽ dễ dàng và an toàn hơn so với việc để chúng chết từ từ.

Mụ đã học được những cách mới để “lẩn trốn” tai mắt của cảnh sát. Kẻ sát nhân tiếp tục mở “nhà tình thương” và đứng ra nhận nuôi các đứa trẻ. Nhưng lần này mụ ta không những sử dụng tên thật của mình mà còn sử dụng cả những cái tên giả khác nhau, thường xuyên chuyển vị trí nhà của mình để tránh khỏi nghi ngờ.

Năm 1895, Amelia chuyển đến Kensington, Reading để “hành nghề”. Amelia cho đăng những mẫu quảng cáo chăm sóc trẻ vô cùng hấp dẫn và đầy tính nhân đạo trên báo nhằm thu hút những bà mẹ “trót dại”.

3. Chuỗi những vụ án chấn động

Tháng 1/1896, Evelina Marmon - một cô hầu bàn lỡ sinh đứa con ngoài giá thú. Amelia đã đến tận nhà Evelina nhận tiền công và hứa sẽ đưa trẻ đến với một gia đình có điều kiện đang cần nuôi con ở Reading.

Nhưng thay vì đưa đứa trẻ đến Reading, mụ ta lại đến nhà con gái Polly của mụ ở London. Tại đó, mụ đã thẳng tay siết cổ đứa bé bằng một dải băng trắng rồi bọc thi thể đứa bé lại trong một chiếc khăn trải bàn.

Mụ đem bán tất cả áo quần, đồ đạc của đứa bé cho tiệm cầm đồ để lấy tiền. Đứa trẻ mang tên Harry Simmons là nạn nhân tiếp theo được đưa đến ngôi nhà “ấm áp” đó và cũng bị sát hại bởi cách mà bà đã làm với con của Evelina. Sau đó, mụ bọc hai xác chết lại kèm theo một số gạch và tìm đến một đoạn hẻo lánh của sông Thames để thả xuống sông phi tang.

Cùng thời điểm đó, người ta phát hiện được một xác chết trẻ em (sau này xác định được là Helena Fry) trên sông Thames đoạn chảy qua Reading. Các thám tử nhanh chóng vào cuộc và lần ra được cái tên “Thomas” cùng với một địa chỉ. Trong quá trình điều tra, cảnh sát đã tìm ra “trang trại trẻ em” của “mụ phù thủy” Amelia Dyer nhưng vẫn chưa đủ bằng chứng để khởi tố.

Sợ mụ ta sẽ “lặn” mất nếu phát hiện ra đang bị giám sát, họ đã quyết định dùng một phụ nữ trẻ làm mồi nhử. Nhưng Amelia cũng đã rất tinh ranh khi phát hiện được đang bị các thám tử theo dõi. Kế hoạch thất bại.

4. Dấu chấm hết cho “mụ phù thủy nước Anh”

Ngày 3/4, cảnh sát đã ập vào nhà Amelia để lục soát, họ ngửi thấy mùi xác thối nồng nặc khắp căn phòng nhưng không tìm thấy một thi thể nào. Thay vào đó, họ tìm được một số bằng chứng quan trọng khác là dải băng gây án, hóa đơn cầm đồ, thư từ của những bà mẹ hỏi thăm về con cái của họ… Ngay lập tức, mụ ta bị bắt về đồn.

Sau cuộc điều tra, ước tính rằng có tới 400 đứa trẻ đã bị giết. Đây có thể coi là vụ sát hại lớn nhất trong lịch sử nước Anh. Cảnh sát ngay lập tức bắt giữ Amelia và cuối cùng Amelia Dyer cũng thừa nhận tội ác của mình.

Ngày 22 tháng 5 năm 1896, tại Old Bailey (Tòa án hình sự trung ương của Anh) quan tòa chỉ mất chưa đầy 5 phút đã có thể đưa ra bản án cho Amelia Dyer, mụ ta bị kết án tử hình sau ba tuần.

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 10 tháng 6, bản án tử dành cho Amelia Dyer được thi hành tại nhà tù Newgate. Trước khi Amelia chết, mụ ta đã viết một bản thú nhận toàn bộ tội lỗi của mình và đưa chúng cho các mục sư, mụ ta nói “Bây giờ, tôi không còn gì để nói nữa”.

Với những tội ác đã gây ra, nhiều người cho rằng bản án tử hình có lẽ vẫn là quá nhẹ đối với Amelia Dyer.
Bình Luận (0)
Comment