Những Vụ Án Trên Thế Giới

Chương 77

Vẻ bề ngoài khiến vụ mất tích này chẳng khác những lần khác là mấy: đoàn leo núi thám hiểm 9 thanh niên đã bỏ mạng trên Đèo Dyatlov, một con đèo vốn hiểm trở mà trong đêm định mệnh ấy, nhiệt độ đèo xuống tới -30 độ C.

Nhưng những chi tiết cụ thể của vụ tai nạn này mới là thứ làm bản sởn gai ốc và dựng tóc gáy. Đêm ngày mùng 2 tháng Hai năm 1959, các thành viên của đội thám hiểm này đã rạch lều chui ra ngoài dưới thời tiết rét cóng, chẳng mặc đồ gì trên người ngoài những thứ quần áo mỏng dính họ mặc trước khi đi ngủ.

Ba tuần sau tai nạn trên, đội tìm kiếm thấy 5 cái xác nằm cách khi cắm trại vài trăm mét. Hai tháng sau, 4 cái xác còn lại mới được tìm thấy. Điều kì lạ là đây: cả bốn cái xác đều mặc một chút quần áo vốn thuộc về 5 nạn nhân được tìm thấy trước đó, quần áo đều phát ra phóng xạ mạnh. Ngoài điều kì lạ đó và những vết thương nặng như vỡ sọ, gãy xương sườn thì không có bằng chứng nào cho thấy họ đã bị "chơi đểu".

Các nhà điều tra Nga nhanh chóng đóng vụ án lại.

Nhóm sinh viên xấu số này đều là sinh viên đang học và đã tốt nghiệp từ Đại học Công nghệ Bang Ural, tất cả họ đều có kinh nghiệm trong việc thám hiểm. Chuyến đi lần này được Igor Dyatlov, 23 tuổi đứng ra tổ chức. Họ nhắm tới việc thám hiểm những sườn núi Otorten thuộc miền Bắc Dãy núi Ural, chuyến đi bắt đầu vào ngày 28 tháng Giêng năm 1959.

Yury Yudin, người sống sót duy nhất trong đoàn thám hiểm đáng lẽ có 10 người, đã thoát chết bởi anh ốm đột ngột, và đã ở lại khu làng nghỉ chân. Chín người còn lại bước vào cuộc hành trình mà không ai biết rằng đó sẽ là chuyến thám hiểm cuối đời mình. Theo như những tấm ảnh hiện trường chụp lại, thì họ đã cắm trại vào chiều tối ngày mùng 2 tháng Hai, trên sườn đồi cạnh Ortoten.

Ngọn núi này vốn được bộ lạc Mansi bản địa biết tới với cái tên Kholat Syakhl, dịch nôm na là "ngọn núi của người chết". Một cái tên đáng sợ đến hoàn hảo trong một câu chuyện không lời giải đáp như thế này.

Thế nhưng nhóm bạn xấu số không thể đổ hoàn toàn tội lỗi cho ngọn núi này được: họ đã hạ trại tại sườn núi tuyết, một quyết định khó hiểu khi mà cách đó tầm 1 cây số rưỡi, họ có thể tìm được những rặng cây an toàn hơn nhiều.

Nhưng cũng có thể họ có lý do của riêng mình. "Dyatlov có lẽ đã không muốn mất công đi một đoạn xa, hoặc anh ấy quyết định muốn thử tập dựng trại trên sườn núi xem sao", Yudin nói với tờ St. Petersburg Times như vậy hồi năm 2008.

Dyatlov nói rằng họ sẽ có thể nối lại liên lạc với người dân địa phương vào khoảng ngày 12 tháng Hai, nhưng cũng có thể lâu hơn một chút. Cho đến ngày 20 cùng tháng, người ta mới báo động rằng đã có đoàn thám hiểm mất tích trên núi. Đến ngày 26, đội giải cứu và đội tình nguyện tìm thấy khu cắm trại của 9 cá nhân trên.

Đội điều tra tới nơi, nhận thấy rằng lều đã bị rạch từ phía trong để 9 người họ chui ra, từ cửa lều dẫn ra ngoài là những dấu chân trần trên tuyết, hướng tới rặng cây đằng xa. Theo những gì các nhà điều tra tìm ra, thì họ đã để toàn bộ giày và dụng cụ leo núi lại tại lều, không đi lên chân thứ gì ngoài đôi tất mỏng, bên cạnh đó người cũng chẳng có mấy vải che thân. Dường như họ đang lội trong lớp tuyết dày tới bụng trong vội vã, dù không có bằng chứng nào cho thấy đã có người cố ý chơi khăm họ.

Hai cái xác đầu tiên được tìm thấy tại rặng cây, cụ thể là dưới gốc một cây thông lớn. Như đã nói ở trên, rặng cây cách chỗ cắm trại khoảng 1,5 km, tức là những con người xấu số này đã cuốc bộ dưới trời rét, không mảnh vải che thân, suốt 1,5 km đó. Cả hai cái xác đầu tiên này đều chẳng mặc gì ngoài đồ lót, cả hai đều đi chân trần. Cành cây gẫy vương vãi đó đây chứng tỏ họ đã cố trèo lên cây, cạnh họ là một đống lửa nhóm lên trong tuyệt vọng.

Ba cái xác tiếp theo, bao gồm cả trưởng đoàn Dyatlov, được tìm thấy ở quãng đường giữa khu cắm trại và cái cây lớn: dường như họ đang cố quay lại khu trại. Một trong ba nạn nhân, anh Rustem Slobodin, bị vỡ sọ tuy nhiên vết thương không gây nuy hiểm tới tính mạng. Kết luận của bác sĩ khám nghiệm tử thi: cả 5 người đều bỏ mạng vì mất nhiệt

Hai tháng sau, 4 cái xác còn lại mới được tìm thấy tại một rãnh tuyết cách cái cây thông lớn nêu trên trên dưới 100 mét. 5 nạn nhân trước đã xuất hiện những biểu hiện quái lạ, nhưng 4 nạn nhân này còn để lại một cảnh tượng kinh dị hơn: cả bốn người đều gặp chấn thương lớn, dù không thấy xuất hiện nhiều tổn thương ngoài da. Nicolas Thibeaux-Brignollel bị chấn thương sọ não, xương sườn của Alexander Zolotariov nát vụn, Lumila Dubinina rạn xương sườn và mất lưỡi.

Nhiều khả năng họ đã cố gắng tìm sự giúp đỡ trong trời tuyết lạnh, rồi ngã xuống sườn tuyết này. Nhưng giả thuyết này không giải thích được lý do tại sao cô Dubinina lại mất lưỡi.

Có người cho rằng họ đã bị tấn công bởi bộ tộc Mansi, nhưng bác sĩ khám nghiệm tử thi cho rằng những vết thương trên cơ thể họ không thể được gây ra bởi người thường. "Các vết thương này tương đương với một vụ tai nạn ô tô", bác sĩ Boris Vozrozhdenny nói với tạp chí Times.

Chuyện kì lạ chưa dừng lại ở đó.

Bốn nạn nhân cuối này có vẻ mặc ấm hơn 5 người cùng đoàn được tìm thấy trước đó, có vẻ họ đã mặc lại đồ của những người bạn đã chết của mình để tiếp tục chuyến hành trình vô định của mình. Zolotariov mặc áo và đội mũ của Dubinina, còn cô Dubinina thì quấn chân bằng cái quần len vốn thuộc về một trong hai nạn nhân nằm dưới cây thông lớn.

Tất cả quần áo của bốn thành viên cuối cùng này đều nhiễm phóng xạ nặng.

Ngoại trừ việc nhiễm phóng xạ không thể giải thích ra, thì phần còn lại của câu chuyện vẫn có thể có nguyên do: 9 người đã có thể gặp một trận lở tuyết lớn, và họ vội vã rạch lều chạy thoát thân, và đã "không kịp trở tay thay quần áo", theo đúng nghĩa đen luôn.

Hồ sơ về vụ việc này được giấu kín cho tới những năm 1990. Sau đó, một bài phỏng vấn với trưởng ban điều tra, ông Lev Ivanov đã mang tới cho vụ việc một góc nhìn mới và không kém phần quái lạ. Ivanov là người đầu tiên phát hiện thấy lượng phóng xạ bất thường tại khu cắm trại. Bên cạnh đó, đã có báo cáo cho thấy xuất hiện những "vật thể bay phát sáng có hình cầu" vào khoảng giữa tháng Hai và tháng Ba năm 1959.

"Tại thời điểm đó, tôi nghi ngờ và gần như khẳng định được rằng những vật thể phát sáng hình cầu này có mối liên hệ trực tiếp tới số phận nhóm người xấu số", ông Ivanov nói với tờ báo Leninsky Put trong một bài phỏng vấn, chính tạp chí Times đã "bới" được mẩu tin bị lãng quên này.

Cách nơi nhóm 9 người trên cắm trại khoảng 50 km, một nhóm sinh viên cũng cắm trại khác cũng kể lại rằng họ thấy một vật thể sáng có dạng tròn bay phía trên ngôi làng dưới chân núi. Nó có kích cỡ tương đương với Mặt Trăng tròn, xung quanh là quần sáng xanh trắng nhấp nháy.

Có thể là nhóm leo núi xấu số đã thấy ánh sáng kì lạ trên trời và hoảng loạn, nhưng giả thuyết này không giải thích được những vết thương trên cơ thể nạn nhân; bên cạnh đó, báo cáo cho thấy không có vụ thử bom/tên lửa hạt nhân nào quanh khu vực này. Có thể những vết thương trên là do nhóm đã ngã xuống sườn núi, nhưng điều đó không giải thích được chiếc lưỡi bị mất lẫn việc Slobodin bị vỡ sọ trên đường quay về trại.

Bí ẩn vẫn bao trùm vụ tai nạn trên Đèo Dyatlov. 59 năm đã trôi qua, không có thêm bằng chứng nào được hé lộ. Bí ẩn vẫn còn đó và có lẽ, là câu hỏi lớn nhất trong thế kỉ qua: thứ gì đã gây ra những chấn thương "không thể do con người tạo ra", cái gì đã để lại dấu vết phóng xạ cực kì nặng lên khu cắm trại cũng như quần áo của những người xấu số, điều gì đã khiến họ rạch lều, lao ra trời tuyết khi không mảnh vải che thân?

Đây sẽ vẫn là chủ đề được nhắc đi nhắc lại bởi những giả thuyết gia, sẽ còn nhiều câu chuyện kì bí được thêu dệt nên,... Nhưng tất cả vẫn chẳng giải quyết được gì. Đã có chín người bỏ mạng trên "ngọn núi của người chết - Kholat Syakhl", chẳng ai giải thích được chính xác tại sao.
Bình Luận (0)
Comment