Có con sâu to do bà ta tự nuôi, bà nội Năm nhanh chóng khai hết những gì mình biết.
Bà nội Năm đến từ Miêu Cương, vốn là miêu y, giỏi về nuôi sâu chế thuốc, về sau nghìn dặm xa xôi gả đến tỉnh Giang, gả cho một người đàn ông trong thôn xóm xa xôi này, người đàn ông đó được thôn dân tôn xưng một tiếng ông Năm, nên bà ta cũng thành bà nội Năm.
Ông Năm rất đẹp trai, cũng rất tốt với bà nội Năm, chưa từng có nửa câu phàn nàn về việc bà hồi trẻ nuôi sâu làm hỏng thân thể nên suốt đời không thể đẻ con, trừ hơi nghèo ra thì người đàn ông này quá hoàn mỹ với bà ta, nên bà ta yên ổn ở lại thôn này.
Ông Năm có địa vị rất cao trong thôn, trưởng thôn thường nói chuyện với ông, nghe ý kiến của ông, cộng thêm thảo dược của bà nội Năm, gia đình bọn họ nhanh chóng có danh vọng trong thôn.
Trong thôn rất nghiêm khắc về nam nữ khác nhau, thông thường phụ nữ không được vào từ đường, không được vào phần mộ tổ tiên, không được tham gia họp trong thôn, bị cấm tham gia nhiều hoạt động. Khu vực duy nhất họ được cho phép là giúp chồng dạy con, lúc bình thường ít có cơ hội ra khỏi thôn.
Nhưng bởi vì hoàn cảnh thời ấy là thế, tập tục của trại Miêu cũng không khác biệt bao nhiêu nên bà nội Năm không để bụng sự phân biệt này.
Mãi khi bà ta đi theo chồng nghe và làm càng nhiều chuyện mới mơ hồ phát giác thôn này kỳ lạ.
Tất cả đàn ông trong thôn không được rời thôn định cư, cũng không được ở rể, cả đời đều chỉ có thể ở trong này, sinh lão bệnh tử đều ở trong thôn.
Về sau bác sĩ trong thôn chết, bà nội Năm là phụ nữ, tuy bị mọi người phản đối nhưng bởi vì trong thôn không có đàn ông biết y thuật, bà ta vẫn nhận gậy từ bác sĩ, bà ta cũng được xem càng nhiều thứ hơn.
Bà ta phát hiện trong thôn khi có người chết, phụ nữ thì không sao, được chôn theo phong tục bình thường, nhưng nếu là đàn ông, mặc kệ lúc còn sống có vợ hay chưa đều được mặc áo chú rể màu đỏ nhập liệm. Phụ nữ đưa tang thường là ban ngày, đàn ông đưa tang đều ở buổi tối, đội ngũ mai táng lặng yên đưa linh cữu của đàn ông vào phần mộ tổ tiên. Nhưng bà nội Năm nghe những cuộc nói chuyện của các bà vợ thì khi bát tiên nâng linh cữu đi phần mộ tổ tiên, trong quan tài thường sẽ phát ra tiếng cào cấu kỳ lạ.
Bà nội Năm không rõ điều này có ý vị như thế nào, bà ta tò mò, cộng thêm tự tin vì là phụ nữ người Miêu khiến bà chẳng thèm để ý cái thôn có vẻ khác với những thôn vùng núi bình thường khác.
Đàn ông trong thôn không nhiều, nhưng đều giữ sự cân bằng kỳ lạ, mỗi năm năm sẽ chết một người, cách năm năm sinh ra một, không nhiều cũng không thiếu. Con gái thì không có cân bằng kỳ dị đó, nhưng con gái đều là gả vào thôn, sẽ không kén rể, cho nên không ảnh hưởng bao nhiêu.
Bà nội Năm càng lúc càng tò mò, bà ta theo dõi từ đường không cho nữ quyến đi vào lúc làm tang lễ.
Năm năm trôi qua, lại một người đàn ông chết, bà nội Năm không kiềm được lòng tò mò, thừa dịp những người đàn ông không chú ý thì lén chạy vào từ đường.
Bà nội Năm núp sau rèm che rách rưới phía sau từ đường, nhìn sự tình phát sinh ở bên trong.
Ngày đầu tiên không xảy ra chuyện gì, bà nội Năm cho rằng mình đã suy nghĩ nhiều, sau khi về đến nhà ngủ một giấc, bà ta tự nhủ không có việc lạ. Nhưng hôm sau, bà nội Năm vẫn không thể kiềm nén tò mò chạy vào từ đường.
Bà nội Năm mơ màng ngủ đến chạng vạng, từ đường vẫn yên ổn, bà ta đang định lén lút về nhà, cố gắng không kinh động ông Năm thì cửa lớn của từ đường bỗng mở ra.