Nửa Cõi Sơn Hà

Chương 8

Điều này thật nằm đúng trong sự ước tính của Tồn Trung. Chàng vừa nhảy xuống mặt đất, liền nghe thấy phía sau có tiếng chân người, hiển nhiên tên Sài Đạt Mộc đã nhảy theo ở phía sau. Chàng thất kinh, vội cố vận hết dư lực của toàn thân lên, nhằm phía dưới núi chạy thẳng.

Sự kiến trúc của Đông Doanh ở dưới chân núi Bắc Cố sơn doanh trại, lầu các, trạm canh, phòng ốc, la liệt khắp nơi. Tồn Trung chỉ biết cắm đấu cắm cổ chạy thẳng y phía trước, không phân biệt Đông Tây Nam Bắc gì cả.

Lúc này những vết kiếm thương trên người chàng vẫn còn máu nhảy không ngừng, đau đớn nhức nhối cực độ Đang lúc ấy, chàng bỗng thấy một đội tuần canh khoảng hơn mười tên từ phía lưng núi đi lên.

Chàng vội ẩn núp vào trong đám cỏ rậm rạp gần đó im hơi lặng tiếng không dám cục cựa.

Bỗng nghe thấy có người lớn tiếng nói với bọn tuần canh đó :

- Lý quản đái đã truyền lệnh: Chúng ta bất tất phải đuổi theo tên tiểu tử đó làm chi nữa!

Bọn tuần canh vội hỏi lại :

- Không lùng kiếm tên tiểu tử đó nữa? Tại sao lại kỳ lạ vậy?

Tên nọ liền đáp :

- Là vì Tôn Kha Ba tiền bối trở về đã ra lệnh, Tôn Kha Ba tiền bối nói: tên tiểu tử nọ không thể chạy thoát được đâu.

Bọn tuần sơn như trút được một gánh nặng, lớn tiếng dạ ran rồi quay người lại tiến thắng về phía Tây.

Tồn Trung đợi cho bọn chúng đi xa rồi, thở hắt ra một cái chui ra ngoài bụi cỏ, rời khỏi phía eo núi.

Lúc này chàng đã cách Thiên Khuyết thất rất xa, cho nên không còn thấy trạm canh, hoặc bọn tuần sơn võ sĩ nữa. Tồn Trung thấy mình đã thoát ra khỏi hiểm cảnh, trong lòng liền cảm thấy an tâm phần nào.

Nhưng lúc đó chàng không sao gượng nổi được nữa, liền ngã lăn ra đất, mê man bất tỉnh.

Không biết thời gian đã trôi qua được bao nhiêu lâu Tồn Trung bỗng dần dần lai tỉnh. Chàng cảm thấy khắp mình mẩy rã rời, nhức nhối, cổ khô miệng khát, vội mở mắt ra nhìn, thấy mình đanh nằm trong một căn phòng rất thanh tĩnh.

Phòng này không lớn lắm, có lẽ chỉ dành cho một người trú ngụ.

Những tia sáng nhẹ và mát rượi xuyên qua cửa sổ lọt vào trong phòng. Có lẽ ở bên ngoài là một khu vườn trồng đầy cây cỏ. Tồn Trung đang định ngồi dậy, thì đã thấy một con a hoàn giơ tay ra ngăn chàng lại, nói :

- Có phải tướng công cảm thấy khát nước đấy không?

Rồi nàng ta tiến tới cái bàn cạnh đó, rót một ly sữa đem tới đưa cho chàng, Tồn Trung trong lòng rất buồn bực, định mở miệng lên tiếng hỏi, thì a hoàn nọ đã không nói năng gì cả, đã nhẹ nhàng lui ra bên ngoài ngay.

Giây lát sau, lại có hai a hoàn mặc áo xanh, bưng một chiếc khay nạm vàng tới. Trên khay, những món điểm tâm được đặt trong những chiếc đĩa tuyệt đẹp.

Dọn dẹp cho Tồn Trung ăn xong hai người lại lặng lẽ rời khỏi căn phòng ngay. Sau đó có hai a hoàn mặc sắc phục như thế, một người bưng một chiếc hộp ngọc có đựng một viên thuốc tiến vào hai tay dâng lên cho Tồn Trung mời chàng uống. Tồn Trung nghĩ thầm :

- “Mấy tên thị nữ này chỉ phụng lệnh chủ nhân mà thi hành.

Nhưng không biết chủ nhân của họ là ai? Tại sao lại ưu đãi ta như thế này? Có lẽ viên dược hoàn này là linh dược dùng để trị thương? Ta hãy cứ uống đi đã không nên hỏi lôi thôi làm gì”.

Nghĩ đoạn chàng liền cầm viên thuốc đó uống luôn.

Liên tiếp mấy ngày liền Tồn Trung thương thế đã thuyên giảm được tám chín thành. Hôm đó chàng lại thấy a hoàn bưng thuốc tới hai tay dâng lên. Tồn Trung liền nói :

- Thương thế của tại hạ đã lành mạnh. Cô nương có thể dẫn tại hạ tới bái yết chủ nhân để tạ ơn cứu mạng một phen?

A hoàn nọ vội cúi đầu xuống khẽ nói :

- Tì nữ chỉ biết phụng lệnh phu nhân tới đây hầu hạ tướng công còn ngoài ra, nếu chưa có lệnh của phu nhân tì nữ đâu dám đưa công tử tới yết kiến.

Tồn Trung vội hỏi :

- Phu nhân là ai thế? Và đây là nơi nảo? Cô nương có thể nói cho tại hạ biết được không?

A hoàn đáp :

- Chưa có lệnh của phu nhân tì nữ không được phép trả lời.

Nói dứt nàng ta liền lui ra khỏi căn phòng ngay.

Tồn Trung nghĩ thầm :

- “Nếu ta cứ nấn ná ở chốn này thì sao cho tiện. Chi bằng hãy tạm thời rời khỏi nơi đây sau này có dịp sẽ trở lại bái tạ”

Quyết định xong chàng không chậm trễ lớn bước rời khỏi căn phòng đó. Chỉ thấy bên ngoài là một hoa viên rất lớn rộng, đường ngay lối dọc ngang như mắc cửi trong đó có trồng rất nhiều kỳ hoa dị thảo.

Tồn Trung rẽ sang bên phải nhưng đi quanh quẩn một hồi lúc ngẩng đầu lên nhìn thì thấy mình lại quay trở về chỗ cũ. Lại thấy có hai a hoàn áo xanh bưng một khay điểm tâm từ một con đường nhỏ trong vườn hoa tiến tới.

Bọn a hoàn liền gật đầu cung kính vái chào. Một nàng cười nói :

- Công tử, xin mời người xơi điểm tâm. Hôm nay công tử đã có hứng thú du ngoạn, sao không bẻ một vài nhánh hoa đem về cắm vào bình để thưởng thức?

Tồn Trung có vẻ luống cuống, trong lòng ngầm thất kinh. Xem tình hình, chàng biết khu hoa viên này có lẽ đã được bố trí theo những kỳ môn bát trận đồ hình. Không biết nơi đây là đâu, và trận đồ này do ai thiết lập nên?

Tồn Trung quay trở về phòng trong lòng buồn bực không vui. Tuy sự hiểu biết của chàng rất rộng, nhưng về mặt trận đồ kỳ quái này thì chàng không hiểu chút nào.

Chàng xưa nay vốn là một người rất khoáng đạt liền nghĩ thầm :

- “Vị phu nhân ở nơi đây đã cứu tính mạng của mình, chăm nom cùng trị liệu thương thế rất chu đáo, hiển nhiên là đối với mình không có chút ác ý gì. Ta hãy nán đợi bà ta ắt sẽ hiểu rõ ngay”.

Lại qua được hai hôm. Chỉ thấy có bốn a hoàn áo xanh khiêng một kiệu tới. Thiếu nữ dẫn đầu bọn vén bức rèm kiệu lên nói :

- Phu nhân có lệnh mời tướng công tới Trầm Hương Các.

Tồn Trung liền hỏi :

- Trầm Hương Các ở đâu thế?

Thiếu nữ nọ giơ tay ra chỉ vào trong kiệu, nói :

- Cứ ngồi vào trong kiệu, tới nơi sẽ biết ngay.

Tồn Trung thấy a hoàn này lời lẽ rất ngạo mạn, trong lòng hơi có vẻ bất mãn, chàng không hỏi tiếp nửa, liền bước vào trong kiệu.

A hoàn nọ liền kéo bức rèm kiệu xuống. Tồn Trung liền cười thầm nghĩ bụng :

- “Dù các ngươi có che mắt ta hay không thì có gì là quan hệ? Mỗ có am hiển cách bố trí quỷ quái của khu hoa viên này đâu mà còn phải đề phòng làm chi. Mỗ cứ ung dung ngồi trong kiệu cho khỏe đã, có chuyện gì sẽ tính sau. Nếu ta sợ hãi thì đâu đáng gọi là tay hảo hán.”

Chàng suy nghĩ, đã thấy thân kiệu hơi lắc lư, liền biết ngay bốn a hoàn nọ đã bắt đầu khiêng kiệu lên.

Tồn Trung ung dung ngồi nhắm mắt dưỡng thần, kiểm điểm lại những sự thất bại của mình vừa rồi.

Sau khi kiểm điểm kỹ càng chàng liền rút ra được kết luận như sau: Về phương diện đấu trí quả thật mình đã bị lọt vào vòng bố trí của Thông Thiên Hiểu. Tuy mình đoán ra trận bát quái đồ hình đó là một tấm ván ngược, nhưng không sao nghĩ ra được ngay nơi vị trí đặt chỗ ngồi của Lưu Chính Ngạn mới thật sự là một cái bẫy giương ra để chờ mình. Do đó đủ rõ Thông Thiên Hiểu là một nhân vật xưa nay tự phụ cơ trí hơn người. Nếu là người thường quyết không thể nào nghĩ ra được tấm bát quái đồ hình đó là một cạm bẫy, sẽ không khi nào lại đi tới vị trí của Lưu Chính Ngạn như vậy cho nên đối phó với mình, ngoài bát quái trận đồ làm kế nghi binh ra, y còn cho thiết lập thêm một cạm bẫy thứ hai đề dụ mình sa vào tròng.

Tồn Trung nhắm mắt suy tính tới đó, liền bật cười, nghĩ thầm :

- “Sự việc trên chẳng qua là do ta quá khinh địch, coi thường Thông Thiên Hiểu, không nghĩ tới điều y đã đủ tư cách làm một vị quân sư điều khiển mọi kế hoạch ở Đông Doanh tất nhiên phải là một nhân vật tài năng hãn thế. Một khi đã bố trí cạm bẫy thì làm gì còn để lộ mục tiêu để địch nhân có thể đoán biết mà tránh khỏi được?

Xem như vậy Thi Huyền trưởng lão đã cho bồ câu đưa tin, báo cho anh em ở phân đàn Kiện Khang hãy khuyên mình chớ nên đơn thân mạo hiểm, chỉ vì sợ mình sẽ coi thường Thông Thiên Hiểu.”

Tồn Trung nghĩ như vậy, đột nhiên đối với việc ngồi trên chiếc kiệu này chàng cũng đâm ra hoài nghi nghĩ thầm :

- “Chiếc kiệu này chẳng lẽ cũng là một xảo kế của Đông Doanh bày ra chăng?”

Chàng nghĩ tới đó bỗng thấy chiếc kiệu đứng khựng lại, bên tai liền nghe thấy tiếng một thiếu nữ hỏi :

- Có phải tướng công đã tới đấy không?

Rồi có tiếng của một nàng đáp lại :

- Phải rồi, đang ngồi ớ trong kiệu.

Tiếp theo đó, lại nghe thấy tiếng bước chân nhè nhẹ tới gần chiếc kiệu, Tồn Trung thầm nghĩ bụng :

- “Các ngươi lại định cái trò ma quỉ gì ra đây? Nếu lôi thôi hãy coi chừng song chưởng này của mỗ.”

Kế đó, lại nghe thấy giọng của một thiếu nữ truyền tới :

- Phu nhân có lệnh, thỉnh tướng công hãy tạm thời tới Tây Uyển nghỉ ngơi.

Tiếp theo đó, lại thấy thân kiệu rời khỏi mặt đất, quanh đi quẹo lại một hồi, rồi đột nhiên dừng lại. Một thanh y a hoàn liền bước tới cuốn bức rèm kiệu lên.

Tồn Trung đưa mắt nhìn, thấy cảnh sắc trước mặt như được bao phủ bởi tuyết trắng, một tòa nhà nguy nga tường sơn màu trắng toát như sữa cạnh bên một vườn hoa. Trong vườn trồng thứ hoa màu trắng. Những cánh hoa lung linh trước gió, tỏa ra hương thơm ngào ngạt.

Dưới giàn hoa, trên giá có hai con oanh vũ sắc lông toàn trắng đang xòe cánh, líu lo ca hát. Thiếu nữ dẫn đầu bọn thanh y a hoàn trên đầu cũng cắm một đóa hoa trắng rất lớn, cúi mình thi lễ, nói :

- Thỉnh tướng công vào trong nhà nghỉ ngơi.

Tồn Trung bước ra khỏi kiệu, miệng hít một luồng khí mát rượi vào lồng ngực rồi theo hai thanh y a hoàn tiến vào trong nhà.

Hai a hoàn vội vào trong nhà bưng trà thơm ra mời chàng giải khát. Sau đó, hai ngjới cùng rút lui ra bên ngoài, khép cửa lại. Liễu Tồn Trung cười thầm, nghĩ bụng :

- “Ta chờ xem bọn ngươi còn định giở những trò gì ra nữa!”

Khoảng nửa giờ sau, cánh cổng mở toang. Một a hoàn bưng vào một chiếc chén kiểu tuyệt đẹp, đặt trên bàn, nói :

- Đây là một thứ Tuyết liên bổ phẩm, chỉ sinh sản trên đỉnh núi Thiên Sơn. Phu nhân thỉnh tướng công hãy thưởng thức ngay lúc nó còn đang bốc hơi nóng.

Lúc này Tồn Trung đã bụng đói miệng khát, không đợi nàng nọ nói thêm, liền bỏ luôn vào miệng ăn hết ngay, bụng nghĩ :

- “Nếu bọn họ muốn dùng độe để hãm hại mình thì đã sớm ra tay rồi, còn đợi gì đến bây giờ nữa. Loại Tuyết liên này ăn quả thật thơm ngon. Không biết vị phu nhân là ai mà lại hậu đãi ta như vậy?”

Chàng liền nói với a hoàn nọ :

- Xin cô nương hãy thay mặt tại hạ ngỏ lời cảm tạ giùm sự hậu đãi của phu nhân.

A hoàn chỉ mỉm cười rồi khép cửa lại đi ra bên ngoài luôn.

Tới lúc hoàng hôn lại có một a hoàn đẩy cửa bước vào trên tay bưng một bình nước hoa mùi thơm ngào ngạt thỉnh Liễu Tồn Trung vào bên trong tắm gội. Theo sau nàng nọ có tiểu a hoàn tay bưng một bộ y phục mới toanh để Tồn Trung thay đổi.

Lại qua mấy ngày sau Liễu Tồn Trung mỗi ngày lại ăn một chén Tuyết Liên bổ phẩm cùng rượu ngon thịt béo cho nên thương thế của chàng đã lành mạnh hẳn, tinh thần được phục hồi như xưa.

Lúc này chàng không còn có ý nghĩ rời khỏi nơi đây nữa. Không phải chàng tham ăn ngon mặc đẹp, mà chàng cảm thấy địa phương này quả thật là nơi đầy vẻ thần bí, vì ngoài chàng ra không còn thấy một người đàn ông nào khác. Hơn nữa cho tới lúc này cả người mà bọn a hoàn xưng hô là phu nhân chàng cũng chưa được biết rõ là ai?

Hôm đó trời mới chập tối lại hai a hoàn đẩy cửa bước vào. Một người nói :

- Tướng công! Phu nhân thỉnh tướng công tới gặp người.

Người thứ hai giơ tay ra vẫy nói :

- Thỉnh tướng công hãy đi theo tì nữ.

Tồn Tnmg vội đi theo hai nàng nọ, xuyên qua mấy hành lang tới một dãy lầu các rất nguy nga. Thì ra nơi đây được thiết lập dưới chân núi cách một con sông không xa vì chàng phảng phất nghe thấy có tiếng sóng nước rì rào.

A hoàn dẫn Tồn Trung vào trong một đại sảnh rồi nói :

- Xin tướng công hãy ngồi chờ đây giây lát.

Một lúc sau lại có tiếng của một thiếu nữ truyền ra :

- Phu nhân thỉnh tướng công vào trong nội sảnh tương kiến.

Kế đó a hoàn nọ liền dẫn Tồn Trung đi qua hai cái sân rộng trong trồng toàn những kỳ hoa dị thảo tiến thẳng về phía hậu viên.

Tới nơi Tồn Trung liền đưa mắt nhìn thấy trong đại sảnh có một thiếu phụ đẹp tuyệt trần đang ngồi tựa mình trên một chiếc đôn ỷ.

Mỹ phụ nọ ăn mặc toàn lụa là gấm vóc, trên mái tóc có gài những hạt minh châu xanh biếc, lóng lánh. Thiếu phụ nằm nghiêng, đôi chân ngọc nõn nà gác trên thành ghế. Bỗng nàng ta phất tay một cái, bọn a hoàn đều lặng lẽ lui ra bên ngoài. Trong đại sảnh lúc này còn lại một mình Tồn Trung. Chàng không đợi cho mỹ phụ lên tiếng mời, liền ung dung ngồi xuống chiếc ghế cẩm đôn gần đó. Thiếu phụ nọ liền giơ tay ra vẫy, nói :

- Thiếu hiệp hãy ngồi xích lại gần đây.

Tồn Trung chần chừ giây lát, rốt cuộc chàng cũng nhích chiếc ghế lại gần đôi chút. Mỹ phụ cất giọng rất yểu điệu nói :

- Người này thật chẳng biết ơn nghĩa gì cả. Đã được người ta ban cho hậu lễ như vậy, mà cả đến một lời cảm tạ cũng chẳng thấy thốt ra!

Tồn Trung vội đứng dậy thi lê, nói :

- Ơn cứu mạng của phu nhân tại hạ xin khắc cốt ghi tâm.

Mỹ phụ lại hỏi :

- Trông thiếu hiệp khí phách ngang tàng, tại sao dùng những lời lẽ hủ lậu như thế/ Tồn Trung ngẩn người ra giây lát nói :

- Tại hạ chưa hề gặp gỡ phu nhân, không biết mỹ danh xưng hô ra sao?

Thiếu phụ chớp chớp khóe thu ba, bao hàm đầy vẻ tình tứ, nói :

- Thiếu hiệp hà tất cứ phải xưng hô tiếng phu nhân nghe chướng tai lắm. Cần phải kiếm câu xưng hô nào cho chúng ta thân mật nhau hơn nữa, thiếu hiệp nhích lại gần đây thêm chút nữa.

Tồn Trung trên gương mặt lộ ra vẻ khó nghĩ, vì lúc này chàng ngồi chỉ còn cách thiếu phụ có chừng bốn thước, nếu xích lại gần thêm thế nào cũng phạm vào lễ giáo. Giang hồ nhi nữ tuy không câu nệ nam nữ thọ thọ bất thân nhưng Tồn Trung vốn là một nhân vật hiệp nghĩa đạo, từ nhỏ đã được Bang chủ Lữ Di Đạo huấn giáo, đào tạo thành thành một con người quang minh lỗi lạc cho nên trước tình hình đó, chàng cảm thấy rất khó xử liền giả bộ nói lảng sang chuyện khác hỏi :

- Dám hỏi phu nhân danh tánh là chi?

Mỹ phụ nọ cười rất yểu điệu nói :

- Tôi không có họ, chỉ có một cái tên là Hoàn Ngột Nhã. Tên Hoàn Ngột Nhã ấy có đẹp không?

Tồn Trung liền vỡ lẽ nghĩ bụng :

- “Chả trách thiếu phụ này đã không coi trọng vấn đề nam nữ đố kỵ gì cả. Thì ra nàng ta là người Kim, kẻ tử thù của Cái bang. Ta thường được nghe Thi Huyền trưởng lão nói cho nghe Kim chúa Hải Lăng Vương có mộng tiêu diệt nhà Tống cho nên đã bí mật phái một vị mỹ nhân của Kim quốc xuống miền Nam này để hiệp trợ cho Lưu Chính Ngạn. Lưu Chính Ngạn đối với nàng rất e dè kính nể và phải răm rắp tuân lệnh của nàng. Vị mỹ nhân Kim quốc này theo lời đồn đại thì ngoài võ công rất cao xa lại còn am hiểu những kỳ môn trận pháp. Xem như vậy thiếu phụ này đến chín thành là nàng ta rồi. Nếu vậy lúc này mình vẫn bị câu thúc ở Bắc Cố sơn chưa thoát khỏi ra hiểm địa. Chẳng trách bọn thanh y a hoàn không hề dám thổ lộ với ta nửa lời.”

Chàng vừa nghĩ tới đây, đã nghe thấy Hoàn Ngột Nhã buột miệng nói :

- Giống thật! Tướng mạo thiếu hiệp tuấn lắm! Trông càng nhìn càng giống người đệ đệ của ta?

Tồn Trung thiếu chút nữa thì bật cười nghĩ thầm :

- “Nàng này nói gì mà kỳ quái như vậy. Em trai người ắt phải là người Kim thì làm sao giống ta được?”

Chàng không nhịn được liền hỏi :

- Lệnh đệ của phu nhân hiện giờ ở đâu?

Hoàn Ngột Nhã mặt lộ vẻ rầu rĩ, đáp :

- Y mất tích đã hơn mười năm nay, từ hồi mới biết bò.

Tồn Trung nói :

- Lệnh đệ đã mất tích từ nhỏ như vậy, làm sao phu nhân có thể nhận biết được tướng mạo của chàng như thế nào?

Hoàn Ngột Nhã đáp :

- Ai bảo là không nhận được? Tuy nó đã được đưa từ Trung Nguyên về rồi sau đó lại bị mất tích từ hồi còn nhỏ nhưng nét mặt của nó vẫn in sâu trong đầu óc của tôi làm sao có thể quên được!

Tồn Trung vốn là người tính nết thuần hậu, thấy Hoàn Ngột Nhã đối với người anh em tình thân nghĩa trọng như vậy, chàng bất giác đem lòng cảm mến. Hơn nữa, nàng lại còn có ơn cứu mạng mình cho nên trong lòng chàng lúc này không còn coi nàng như kẻ địch nữa, liền hỏi :

- Lệnh đệ đã là người Trung Nguyên, chẳng lẽ phu nhân cũng là người Trung Nguyên hay sao?

Hoàn Ngột Nhã cúi đầu, đáp :

- Không phải, tôi là người Kim. À tại sao thiếu hiệp lại tới Đông Doanh này và đã bị ai đả thương thế?

Tồn Trung thản nhiên đáp :

- Tại hạ vào đây để cứu người.

- Cứu ai?

Tồn Trung đáp :

- Cứu một thiếu nữ.

Hoàn Ngột Nhã à lên một tiếng hỏi :

- Thế thiếu hiệp có phải là nhân vật của Cái bang Trung Nguyên không?

Tồn Trung ung dung đáp :

- Đúng vậy. Chúng ta là thù địch của nhau. Nhưng nay dù sao tại hạ cũng chịu ơn cứu mạng của phu nhân.

Hoàn Ngột Nhã liền nói :

- Sở dĩ tôi cứu thiếu hiệp là vì thiếu hiệp giống hệt người đệ đệ ấy cho nên câu cứu mạng đó không nên đề cập đến làm chi. Nhưng tại sao Cái bang các người lại đương đầu với Đông Doanh như vậy?

Hoàng đế Tống triều của các người hồi trước chả đã nhận Kim chúa là nghĩa phụ rồi ư? Lưu Chính Ngạn vì không muốn phá hoại cuộc giao bang của hai nước, duy trì mối tình phụ tử ấy mà đứng ra điều giải.

Cái bang các ngươi đã không hiểu rõ nổi khổ tâm, lại còn gây hấn với người Kim đối địch với Đông Doanh, thật là đại nghịch, bất đạo.

Liễu Tồn Trung hiên ngang đáp :

- Vua Cao Tông chúng tôi lên ngôi, nước tôi đã bị nước phu nhân chiếm đóng phân nửa, chỉ còn lại nửa cõi sơn hà. Triều đình của nước chúng tôi đã phải dời xuống Lâm An. Mọi quyền hành đều nằm trong tay Miêu Truyền tổng chế, Thái Thượng hoàng của chúng tôi thì bị giam cầm trên đất Kim của phu nhân. Chúng tôi đã chịu mọi sự nhục nhã mà nước của phu nhân còn chưa chịu vừa ý muốn chiếm nốt nửa mảnh giang san còn lại, thử hỏi chúng tôi là người dân trong nước ngồi yên khoanh tay sao được? Giả sử phu nhân ở địa vị chúng tôi thì phu nhân hành xử ra sao?

Hoàn Ngột Nhã nghĩ thầm :

- “Người này ăn nói thật cứng cỏi, lý lẽ thật vững chắc, ta không thể dùng lý luận mà thuyết phục hắn được phải dùng võ công hạ hắn thì hắn mới khẩu phục tâm phục đầu hàng nước ta”.

Nghĩ đến đây Hoàn Ngột Nhã đáp :

- Khỏi nói nhiều lời, nếu chống đỡ được mấy chiêu kiếm pháp của tôi chẳng thảo luận dông dài.

Dứt lời nàng khẽ rút thanh trường kiếm để sẵn bên cạnh.

Liễu Tồn Trung nghĩ bụng, người thiếu phụ này có công cứu tử ta lẽ nào ta lại vô ơn mà động thủ cùng nàng ta được.

Liễu Tồn Trung liền tươi cười đáp :

- Phu nhân hà tất phải can thiệp tới chuyện của tại hạ. Tại hạ không quen dùng kiếm thì làm sao có thể trả đũa được.

Hoàn Ngột Nhã tưởng Liễu Tồn Trung hãi sợ mình liền đắc chí hỏi :

- Ngươi đừng có lắm mồm, bổn cô nương sẽ không buông tha cho đâu.

Liễu Tồn Trung ngạc nhiên hỏi :

- Ủa tại sao phu nhân lại xưng mình là cô nương như thế?

Hoàn Ngột Nhã hậm hực đáp :

- Chuyện đó không việc gì đến ngươi cả. Ai bảo bổn cô nương là phu nhân nào, coi kiếm.

Vù một tiếng nàng lại múa kiếm nhắm trước sau tả hữu chàng tấn công tới kiếm phong như gió. Đồng thời lên tiếng quát bảo :

- Ngươi không trả đũa thể nào bổn cô nương cũng đâm chết ngươi cho mà coi.

Kiếm phong của nàng đã từng từng lớp lớp dồn dập đẩy tới. Kiềm pháp của hoàn Ngột Nhã thật nhanh nhẹn, hung hãn và đích xác có thể đã đạt tới mức tinh vi của kiếm thuật.

Liễu Tồn Trung dùng toàn thân khinh công hết tránh Đông lại Tây, kiếm của Hoàn Ngột Nhã chưa đụng vào vạt áo chàng được.

Hoàn Ngột Nhã thấy Liễu Tồn Trung không ra tay phản công nên nàng lại không dè dặt gì nữa, kiếm thế mỗi lúc lại nhanh tấn công như vũ bão không hề bảo thủ gì cả khiến có mấv phen Liễu Tồn Trung hơi né tránh chậm chút suýt đã bị trúng thương.

Hoàn Ngột Nhã nghĩ bụng “ta cứ đánh cho hắn trọng thương rồi lại cứu chữa chớ lo gì”. Kiếm thế của nàng mưa sa bão táp bốn mặt tám hướng tấn công tới. Hoàn Ngột Nhã thấy đấu như vậy không hứng thú liền lớn tiếng hỏi :

- Nếu ngươi cứ không chịu trả đũa thì chết đừng có oán trách ta đấy nhé?

Tồn Trung cười ha hả cầm lấy thanh kiếm để sẵn bên cạnh ra chống đỡ luôn.

Chỉ nghe thấy một tiếng cảng, Hoàn Ngột Nhã bỗng thấy cổ tay tê tái liền hoảng sợ nhảy lùi về phía sau buông xuôi thanh kiếm xuống đất thở hổn hển.

Tồn Trung bỗng giơ tay phất lên một cái chỉ nghe phập một tiếng thanh kiếm đã rời khỏi tay bay ra cắm ngập vào xà nhà gần đó thân kiếm rung động không ngớt, rồi đứng khoanh tay nhìn Hoàn Ngột Nhã mỉm cười.

Hoàn Ngột Nhã giận dữ nói :

- Ngươi còn cười cái gì nữa? Ngươi chỉ cậy vào sức lực vũ phu như vậy thì hay ho gì nào?

Liễu Tồn Trung cười đáp :

- Tại hạ đâu có sức lực gì đâu mà chỉ tại không quen sử dụng kiếm đó thôi.

Hoàn Ngột Nhã liền nghĩ thầm :

- “Người này võ công trên hẳn mình, nay dùng lời lẽ thuyết phục y cũng không lay chuyển nổi. Chỉ còn cách dùng Kỳ môn trận pháp để cầm giữ không cho y tẩu thoát rồi lấn lần tìm kế thu phục sau”.

Nghĩ đoạn nàng liền phất tay nói :

- Thôi được, ngươi đi đi. Ngươi đã không hợp tác với Đông Doanh ta cũng không muốn cưỡng ép làm chi. Hãy đi cho khuất mắt ta. Lần sau đừng có để lọt vào tay cô nương này thì khó lòng mà thoát khỏi cái chết.

Liễu Tồn Trung cười đáp :

- Tại hạ bị vây bắt trong Bắc Cố sơn này thì làm sao có thể đi thoát được? Phu nhân, à quên cô nương có thể chỉ dẫn cho tại hạ được không?

Hoàn Ngột Nhã sắc mặt hờn giận hừ một tiếng rồi nói :

- Bổn cô nương không chi dẫn cho ngươi gì hết. Ngươi muốn đi đâu thì đi. Nếu không đi thoát thì cứ việc trở về ngôi nhà trắng đó, đã có sẵn rượu ngon thịt béo, cứ việc ăn uống không chết đói đâu mà sợ.

Dứt lời nàng khẽ vỗ tay một cái, một thanh y a hoàn cung kính chạy lại.

Hoàn Ngột Nhã liền ra lệnh :

- Hãy đem y trở về đi.

A hoàn nọ vội khom mình vâng lệnh.

Hoàn Ngột Nhã liền quay người uyển chuyển bước vào trong đại sảnh.

Liễu Tồn Trung thấy nàng đã khuất, bất giác thở phào một tiếng nghĩ thầm :

- “Cô nương này tâm địa không có gì là ác độc cả, chỉ tiếc thay nàng lại là người Kim kẻ thù của Cái bang ta.”

Chàng đưa mắt nhìn ra bốn phía phát giác sau bụi cây rậm rạp thấp thoáng có bóng người ẩn núp liền nghĩ thầm :

- “Có lẽ cái bóng nọ là một a hoàn đang ngầm giám định hành động của ta chứ không sai” Nghĩ đoạn chàng cũng không lưu ý đến nữa, liền theo thanh y a hoàn trở về căn bạch các.

Tồn Trung sau khi khép cửa phòng liền thổi tắt đèn rồi tung mình nhảy qua cửa. Chàng thấy bên ngoài căn nhà có trồng vô số hoa cỏ rậm rạp duy có điều lạ cách chừng hai trượng lại thấy trong một cây tùng chỉ riêng con đường nhỏ ăn thông với bờ sông là tuyệt nhiên không thấy trồng một cây cối nào cả. Nhưng nơi đây trạm canh san sát chi chít phòng cẩn rất là nghiêm mật.

Đối với chàng thì việc tiêu diệt những trạm canh này chẳng khó khăn gì nhưng ngại một điều là chàng không có thuyền để sang sông thì biết làm thế nào. Con sông lại lớn rộng phải là một tay thật giỏi về bơi lội hầu mới có thể vượt sông nổi, ngoài ra dòng sông cũng có những trạm canh gác nổi nữa.

Chàng thầm nghĩ :

- “Đông Doanh quả thật là nơi Ngọa Hổ Tàng Long, đủ biết Thông Thiên Hiểu là con người mưu trí tuyệt luân như thế nào?”

Chàng nhớ lại đã từng nghe Hồ Thất báo cáo :

- Bắc Cố sơn ba mặt là nước bao bọc do Đông Doanh Tiềm Long đội phụ trách phòng thủ. Người đã dò la được tin đó là Hải Để Sa Lý Cửu. Tồn Trung trù trừ giây lát rồi quyết định hủy bỏ ý nghĩ thoát thân bằng đường thủy, chàng quay người tiến thẳng về phía đám cây cối rậm rạp.

Lúc ấy ánh trăng sáng tỏ như ban ngày. Chàng quan sát thật rõ ràng những đường ngang ngã dọc bên trong lùm cây ấy. Ngờ đâu khi chàng tiến vào không xa, thì đột nhiên trước mặt bỗng u ám hẳn.

Không sao phân biệt được đường hướng nữa. Mỗi bóng cây tùng trở nên mờ ảo linh động, biến thành những con quái vật khổng lồ nhe nanh múa vuốt đứng ở giữa đường cản xung quanh chàng, bốn phương tám hướng đâu đâu cũng đều thấy ảo ảnh như thế, không còn phân biệt được Đông Nam Tây Bắc gì nữa.

Tồn Trung quanh quẩn ở đó một hồi lâu rốt cuộc rồi lại phải quay về vị trí cũ trong lòng buồn bực nghĩ thầm :

- “Hoàn Ngột Nhã bố trí trận pháp quỷ quái này quả thật lợi hại.

Chả trách Đông Doanh này đã được nổi danh là một nơi Tàng Long Ngọa Hổ. Xem vậy muốn thoát khỏi Bắc Cố sơn này, trừ phi cầm giữ được Hoàn Ngột Nhã, uy hiếp nàng ta phải dẫn đường, thì không còn cách nào khác”.

Chàng quyết định như vậy thấy trong lòng cảm thấy thư thái phấn khởi ngay, liền quay trở về phòng nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, chàng chỉ mong đợi, đợi bọn thanh y a hoàn tới yêu cầu bọn chúng dẫn đường tới yết kiến Hoàn Ngột Nhã nhưng chờ hàng nửa ngày mà vẫn chẳng thấy bóng người nào tới cả. Bốn bề đều tĩnh mịch vắng lặng một cách kỳ lạ.

Tồn Trung ngạc nhiên vô cùng, nghĩ bụng :

- “Tại sao hôm nay lại không thấy một bóng người nào xuất hiện thế này? Chẳng lẽ nơi đây lại xảy ra chuyện gì chăng?”

Chàng liền đẩy cửa bước ra ngoài, thấy trên thềm có đặt một mâm cơm từ hồi nào. Dưới mâm còn để một tấm giấy viết rằng :

- “Đây là bữa cơm của Liễu Tồn Trung đại hiệp.”

Tồn Trung thấy vậy trong lòng liền thất kinh nghĩ bụng :

- “Người nào lại có trí thần cơ diệu toán thế này, có thể đoán được cả ý định trong đầu óc của ta như vậy? Đến cả một a hoàn cũng không được tiếp xúc. Trường hợp chính là đề đối phó với ý định của ta chứ không sai”. Chàng chờ mãi đến hôm đó mà vẫn không thấy bóng người nào lui tới cả, liền nghĩ thầm :

- “Kỳ Môn trận pháp này chỉ dựa theo những cây cối để che mắt người ta. Bây giờ ta thử đánh ngã hết chúng xem còn có thể ngăn trở được nữa không?”.Nghĩ tới điều đó Liễu Tồn Trung liền vận Chấn Thiên tâm pháp lên. Chỉ thấy trong lúc chân khí mình vận hành bỗng cảm giác thấy như là có một luồng hàn khí xâm nhập. Luồng hàn khí ấy giá lạnh chạy quanh thân thể chàng không ngừng, trong lòng liền nảy sinh kinh dị, chàng nghĩ thầm :

- “Tại sao lại có tình trạng kỳ dị này, hay là nàng đã bỏ chất thuốc không hình không sắc vào thức ăn của ta. Nhưng mà không đúng, tình trạng chân khí hàn lạnh này chứng tỏ là mình bị nội thương bởi một chưởng lực gì, không biết ta đã trúng phải chưởng công của ai?”

Chàng nghĩ tới đây trong người liền khó chịu vô cùng, bèn ngồi xuống vận công thổ nạp một hồi nhưng cũng không thể đẩy khí đó ra khỏi tạng phủ mà hàn khí đó chỉ tạm không phát tác như trước.

Chàng bèn ở lại nhà trắng suy tính mưu kế thoát thân sao cho lưỡng toàn.

Sáng hôm sau chàng lại thám hiểm vào những lùm cây cối ấy.

Tuy là ban ngày mà chàng cũng vẫn không thám hiểm rõ thấy được đường hướng.

Trận pháp này Hoàn Ngột Nhã đã cùng một quân sư dưới trướng của nàng tham bái Dịch Lý mà bầy thành gọi là trận Ngũ Hành Sinh Khắc Hoa Dụng. Lấy ngũ hành Kim Mộc, Thủy Hỏa thổ làm căn bản.

Các cây cối được trồng theo phương vị ngũ hành. Địa thế được chọn lại phù hợp với khí hậu và phong thổ đặc biệt của miền này.

Tất cả từ những cây cỏ lớn nhỏ đến những tảng đá đặt dựa trên âm dương. Đường đi ngõ ngách đều làm theo Bát quái Càn Khảm Cấn Chấn Tốn Ly Khôn Đoài mà thành.

Bốn phương trận lại đặt theo Tứ sinh Tứ mộ Tứ tuyệt Tứ hóa nên biến ảo khôn lường.

Nơi đây quanh năm ngày tháng có sương mù che phủ lại còn được trồng một thứ cỏ từ miền Miêu Lãnh thổ ra được một thứ chướng khí làm cho người vào trận tâm thần phiêu hốt trí cơ không được tinh minh nữa.

Ban ngày lấy mặt trời Thái Dương làm chủ, trận thế được sự phù trợ của ánh dương quang thành Thái Dương Ngũ Hành trận biến ảo vô song.

Ban đêm lấy mặt trăng Thái âm làm chủ, trận thế được sự phù trợ của ánh trăng thành Thái âm Ngũ Hành trận.

Ngoài ra, Hoàn Ngột Nhã còn cho sơn cây cỏ trong trận theo bảy cấp tinh lý Hắc, Hoàng, Lam, Lục Thanh, Chàm, Tím khiến cho nhãn quang của người vào trận phiêu hốt đâu đâu.

Những thứ cát lót dưới đất cũng được chọn là thứ cát của suối Cam Tuyền khi người có võ công giẫm lên, cát sẽ mượn sức hút chất khí trong người kẻ vào trận khiến suy giảm cả sinh lực.

Từ khi lập trận đến nay, chưa có một nhân vật võ lâm danh gia nào vào trận mà thoát ra ngoài được cả.

Hoàn Ngột Nhã đã rất đắc ý về trận pháp này. Khi Thông Thiên Hiểu đến xem cũng phái tấm tắc khen ngợi. Vì thế Hoàn Ngột Nhã rất tự tin Liễu Tồn Trung dù có ba đầu sáu tay cũng không thể nào thoát thân ra khỏi trận pháp mà thoát ra bên ngoài được.

Liễu Tồn Trung đã thám thính trận pháp vào lúc ban đêm, chàng cho rằng lúc khuya ánh sáng không được sáng tỏ nên khó lòng mà tìm được phương vị chính xác thoát trận.

Bây giờ mặt trời đã lên cao đứng ngoài trận thế thấy những cây cổ thụ trồng đều đặn không có gì khó khăn khúc khuỷu cả, chàng liền cả mừng phi thân vào trong trận.

Ai ngờ khi vào trong trận, chướng khí Miêu Lãnh liền làm chàng choáng váng. Ánh mặt trời hòa với sương mù khiến lồng ngực chàng khó chịu vô cùng.

Chàng cố gắng nhận định đâu là Sinh Lộ và quan sát cách bày trận nhưng thần trí cứ mơ mơ hồ hồ không còn biết đâu là Nam, Bắc, Đông, Tây nữa huống chi là phương vị Bát Quái, Ngũ Hành biến hóa nữa.

Tồn Trung lẩn quẩn trong trận thức hàng nửa ngày giờ, mồ hôi thấm cả áo ngoài, người cảm thấy mệt nhoài mà cũng chưa tìm được phương vị nào khả dĩ có thể tiến tới trước được.

Chàng cứ nhắm mắt bước bừa tới thì một hồi lại trở về chỗ cũ.

Chàng tức mình vận sức nhắm vào những thân cây đánh chưởng tới.

Chưởng phong vù vù nhưng chẳng trúng vào được một lùm cây ngọn cỏ nào cả.

Liễu Tồn Trung bây giờ mới cảm thấy cơ trí của Hoàn Ngột Nhã quả thật kinh người, người Kim có được những nhân tài như thế này chẳng trách họ luôn luôn nắm thượng phong.

Tồn Trung thấy dùng đủ mọi cách mà vẫn không ra khỏi trận liền lẳng lặng trở về ngôi nhà trắng, thấy ngoài bậc thềm đã để sẵn một mâm cơm từ hồi nào.

Đặc biệt trong mâm cơm kỳ này có một ly sữa dê lớn và vẫn có một tấm giấy viết :

- “Bữa cơm đạm bạc xin đại hiệp cứ tự tiện dùng, sữa dê uống cho khỏi thấm mệt xin đại hiệp đừng câu nệ mà uống cho”.

Liễu Tồn Trung cả kinh, không ngờ lần này họ cũng đoán biết hành động của chàng xông vào trận pháp, không thoát ra ngoài được mà mệt mỏi trở về chỗ cũ cổ họng thật khô rát, thèm nước vô cùng.

Tồn Trung cũng quá đói khát, ngồi ngay xuống ăn hết bữa cơm thịnh soạn nọ rồi uống hết ly sữa dê kia. Chàng ngả mình xuống giường nghĩ ngợi một chút rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Đến khi chàng tỉnh dậy thì trời đã xế chiều, một bữa cơm khác đã để sẵn tự bao giờ.

Tồn Trung thầm đoán họ có một chỗ nào để quan sát hành động của mình được nên họ đợi khi mình ngủ là dọn sẵn cơm tới.

Tồn Trung lẳng lặng dùng cơm rồi ngồi suy tính kế sách thoát thân.

Tồn Trung ngồi suy tính mãi thấy trận pháp này quả thật kỳ bí khó lòng mà xông qua cho được chỉ còn phải tìm đường thoát thân bên thủy lộ vậy.

Chàng thầm quyết định đêm nay sẽ đi thám thính con đường dốc phía bờ sông lớn.

Đến nửa đêm chàng nai nịt gọn ghẽ, dùng chăn xếp thành đống làm như mình còn đang say ngủ rồi tung mình lên một cây cổ thụ gần đó rồi nhảy xuống phía bờ sông.

Chàng thấy con đường từ chỗ căn nhà thủng thẳng ra tới sông san sát là những chòi canh đặt thành những lều hình tam giác. Dù người võ công cao siêu như thế nào cũng khó mà đi qua hết những chòi canh ấy mà không lộ hình tích. Dẫu có đi được như thế cũng khó lòng mà qua khỏi con sông lớn rộng ấy được, ngoài ra trên sông còn có những trạm canh nổi và dưới lòng sông không khéo họ cũng mai phục máy móc tinh xảo gì rồi.

Tồn Trung càng thấy khó lòng mà thoát ra khỏi nơi đây, nhưng dù sao cũng phải điều tra hư thực của đối phương đã.

Cũng may cho chàng hôm ấy hai tên canh trạm đầu tiên say rượu ngồi đánh cờ nên chàng từ căn nhà trắng chạy đến mà chúng không hề phát giác. Tồn Trung núp một bên lều thấy hai tên canh trạm vừa đánh cờ vừa nói chuyện.

Một đứa bảo :

- Hừ, Thông Thiên Hiểu sư gia chỉ hay lắm chuyện, con đường này từ xưa tới nay không hề có kẻ địch xâm phạm mà cứ bắt đặt chúng ta ngày đêm phải chăm chỉ canh gác. Gần đây có một tiểu tử họ Liễu gì đó bị quận chúa thuyết phục, nghe nói hắn đã cố gắng xông pha trận pháp của quận chúa mà chưa làm gì được, đời nào hắn dám nghĩ đến thoát thân bằng đường thủy này. Nếu hắn mà ra khỏi nhà, từ đây chúng ta đã thấy hình bóng rồi. Hơn nữa vừa rồi có người thông báo là hắn đã ngủ say như chết. Hừ, dù hắn có ba đầu sáu tay cũng không dám.

Hai tên canh trạm vừa nhậu nhẹt vừa nói chuyện lu bù, thố lộ tất cả những bí mật. Liễu Tồn Trung đứng ngoài nghe họ nói chột dạ mấy lần. Biết rằng Hoàn Ngột Nhã cho người theo dõi mình từng cử chỉ nhỏ nhặt một, nếu mình không dùng kế Kim Thiền Thoát Xác thì khó lòng mà đi dò xét được như đêm nay.

Hai tên trạm canh ăn uống no say đâu còn tâm tri đánh cờ liền ngã lăn ra ngủ. Tồn Trung thấy trong mình hắn có một tờ giấy trắng liền vào lục lấy rồi lấy luôn một cây bút trong phòng.

Xong xuôi chàng nhảy ngồi trên đỉnh lều quan sát tứ phía. Vì nơi đây thuộc loại đất dốc nên chàng trông rất rõ tất cả những vị trí trạm gác dọc theo con đường ra thẳng bờ sông.Tồn Trung cố ghi nhớ rồi lặng lẽ bỏ về phòng. Về đến nơi chàng ngồi lấy giấy ra ghi hết tất cả những vị trí trạm canh. Chàng ngồi suy nghĩ phải làm thế nào qua mặt được tất cả những trạm canh này mà không lộ hình tích rồi sẽ tìm cách sang con sông kia sau.

Chàng bỗng sực nhớ hồi còn ở tổng đàn, một hôm Hải Để Sa Lý Cửu có lật bản đồ trình cho chàng coi, nói rằng chỗ lau sậy phía bờ bên này con sông chính là phạm vi do thám của hắn, cứ ngày chẵn là hắn thường lặn đến chỗ đó để nghe ngóng tin tức.

Tồn Trung đêm hôm qua quan sát thấy chỗ lau sậy mà Lý Cửu chỉ trong bản đồ chính là khúc sông này, nó cách trạm cuối cùng chừng năm mươi trượng.

Tồn Trung ngồi ngẫm nghĩ :

- “Ta phải làm cách nào liên lạc được với Hải Để Sa Lý Cửu bảo hắn đến đem thuyền tới đó thực sẵn rồi mình tới nơi sẽ dùng thuyền vượt sông”.

Vấn đề đầu tiên là phải qua mặt được tất cả những trạm canh này đã.

Chàng tính xong mưu kế rồi liền cứ giả bộ ở lỳ trong căn nhà không đi đâu nữa.

Giây lâu có người rón rén đặt một mâm cơm trên bậc thềm rồi đi ngay. Tồn Trung cứ giả bộ làm như không hay biết. Đợi a hoàn nọ đi được một khoảng khá xa chàng khẽ ra ngoài bậc thềm đem cơm vào ăn.

Chàng thấy trên mâm cơm lại có một bài thơ, chàng liền cầm lên xem :

- “Đêm hoa đăng Đông Doanh ôi tuyệt đẹp

Tỏa sáng ngời cung điện nguy nga

Cung nga ngàn điệu tưng bừng múa

Lòng chàng sắt đá mãi thế hay sao?”

Chàng mỉm cười khen ngợi ý thơ lai láng đủ biết Hoàn Ngột Nhã là người diễm lệ vô song mà lại còn văn võ song toàn thật là hiếm có.

Nhưng lòng chàng đã quyết trung trinh vì tổ quốc, há vì một chút vinh hoa mà trở thành kẻ bán nước cầu vinh sao?

Tồn Trung cơm nước xong xuôi lại giả bộ lên giường nằm ngủ đến canh ba chàng lau nhỏm dậy nai nịt gọn ghẽ rồi lại xếp chăn gối thành đống rồi tung mình lên mái nhà ra khỏi căn nhà.

Trời gần sáng các trạm canh luân phiên đổi gác, Tồn Trung đã ấn định sẵn kế hoạch. Chàng phi thân một chút rồi lại nằm phủ phục xuống mặt đất.

Cứ mỗi lần đổi gác là bọn lính canh lại nói khẩu hiệu và trò chuyện một chút. Tồn Trung chăm chú lắng nghe từng khẩu hiệu cố ghi nhớ trong lòng rồi nhân lúc họ đổi phiên gác mà lén băng mình qua.

Nhờ chàng đã biết đường lối trước nên chăng mấy chốc đã đến chỗ lau sậy đã định.

Liễu Tồn Trung khẽ tháo tờ giấy trong mình cột chặt vào một cây sậy có khắc vết dao, dấu hiệu riêng của Hải Để Sa Lý Cửu, Tồn Trung thấy vậy mừng rỡ vô cùng biết Lý Cửu vẫn thường đến thám thính.Trong tờ giấy chàng đã viết hẹn canh ba ngày Nguyên Tiêu hãy đem thuyền đến đón ta đi. Dưới có vẽ một cành liễu là dấu hiệu riêng của chàng mà trong Bang ai cũng đều hay biết.

Xong xuôi chàng lại theo đường cũ trở về. Chỉ có vào lúc gần sáng là trạm canh hơi chểnh mảng còn bấy giờ lại giới thủ rất nghiêm khắc.

Cũng may Tồn Trung có trí nhớ hơn người nên trong lúc này chàng đã thuộc lòng tất cả khẩu hiệu của từng trạm một. Tồn Trung cứ thế thong thả đi qua từng trạm một mà không hề bị lộ hình tích.

Chàng về đến phòng thì mặt trăng đã sắp sửa lặn bên lẻn lên giường đánh một giấc cho đến sáng.

Ngày hôm sau chàng lại giả bộ cứ nằm lý trong phòng. Đến giờ cơm thì có một a hoàn khẽ đặt ngoài bậc thềm. Hôm nay cơm với những món ăn thịnh soạn hơn hôm trước. Mỗi ngày đổi một món, món nào món nấy thực là ngon không thể tả.

Tồn Trung là một khiếu hóa tử nay đây mai đó chưa từng hề được nếm qua những món ăn ngon quý giá này. Nào là Bào ngư bát bửu, Long tu tần hạt nhân, Tuyết sâm hầm tủy gấu.

Hằng ngày lại có người đem những quần áo lụa là thật là sang trọng cho chàng thay nữa. Nhưng Tồn Trung chỉ ăn uống qua loa còn quần áo chàng không bao giờ động đến.

Chàng lại y kế hoạch như cũ, đến nửa đêm lại ra khỏi tòa nhà đọc khẩu hiệu qua những trạm canh trên bờ tiến tới chỗ lau sậy.

Đến nơi chàng đã thấy một hán tử nằm sát trên mình thuyền ẩn núp hắn khẽ huýt gió theo lối Cái bang, hán tử kia liền ra hiệu cho chàng xuống thuyền.

Chàng liền bước xuống thuyền đã nhận ra hán tử nọ người phủ đầy rêu cỏ kia chính là Hải Để Sa Lý Cửu.

Chàng khẽ hỏi :

- Lý Cửu, sao ngươi lại đem thuyền được vào chỗ này, ngươi quả thật là tài tình lắm.

Lý Cửu khẽ đáp :

- Tiểu nhân phải úp thuyền lật ngược trôi trên sông còn tiểu nhân thì lặn ở dưới đáy thuyền mà theo vào. Cũng may tiểu nhân hai mươi năm lúc nào cũng luyện tập bơi lặn không thì đã chết ở dưới đáy sông rồi.

Tồn Trung tuy cũng biết bơi lội nhưng không thể lặn từ đây sang tới bên bờ bên kia bát ngát hàng trăm trượng. Lý Cửu hỏi Tồn Trung tại sao lại lưu lạc đến chốn này. Tồn Trung liền khẽ kề sơ lược cho hắn nghe.

Tồn Trung khẽ hỏi :

- Ngươi đã nghĩ được cách nào an toàn để hai chúng ta thoát thân chưa?

- Tiểu sư tổ không thạo thủy tánh nên không thể dùng kế sách của tiểu nhân lặn dưới sông lớn mà ra ngoài, chỉ còn cách chèo thuyền vượt qua sông. Nhưng như vậy thể nào cũng bị những trạm canh hai bên bờ hỏi khẩu hiệu, nếu chúng ta biết được ám hiệu của chúng thì sẽ qua khỏi nơi đây một cách dễ dàng. Tiểu nhân thường lặn dưới sông đến đây nghe ngóng nên khẩu hiệu các trạm canh không hề biết một tý gì.

Tồn Trung ngẫm nghĩ :

- “Nước đến chân phải nhảy không còn cách nào khác nữa, mọi sự dành cho thiên định cứ tận lực xông pha ra khỏi đây chứ không thể ở trong hang hùm này một ngày nào nữa được”.

Chàng liền khẽ gật đầu nói :

- Ngươi cứ việc cho thuyền xông qua đi còn phần khẩu hiệu đã có ta phụ trách.

Thuyền đi được một quãng bỗng trên bờ có tiếng hô lớn :

- Đông Hải Chi Hùng!

Tồn Trung chưa biết ứng phó ra sao thì tên nọ lớn tiếng nói :

- Đông Hải Chi Hùng, Đông Hải Chi Hùng!Đằng kia các ngươi câm rồi ư. Tại sao không trả lời.

Tồn Trung thấy nhũng khẩu hiệu mỗi trạm một khác nhau khó mà suy đoán được liền đằng hắng một tiếng khẽ nói với Lý Cửu :

- Ngươi hãy mau hô Phi Tượng Quá Giang đi.

Lý Cửu ngạc nhiên hỏi lại :

- Phi Tượng Quá Giang đâu có đối với Đông Hải Chi Hùng được.

Tồn Trung bật cười nói :

- Đối với chả đối cái con khỉ. Ta bảo ngươi Phi Tượng Quá Giang là người cứ xông bừa lên vượt qua bọn chúng. Còn những việc khác có ta đảm nhiệm hết. À, hiện trong mình ngươi có đem theo bạc vụn hay không?

- Dạ có, nhưng tiểu sư tổ hỏi để làm gì?

Tồn Trung đáp :

- Lũ chó má này toàn hạng gian tham cả. Mỗi tên thí cho chúng một ít tiền là êm chuyện cả, mau lấy tiền ra đây.

Lý Cửu không biết Tồn Trung định làm trò trống gì để giải được cơn nguy cấp này, chỉ biết thò tay trong người lấy ra đưa cho chàng một ít bạc vụn thôi.

Tồn Trung lại nói :

- Xông lên.

Lý Cửu vội khua động mái chèo, thuyền đã như một mũi tên lướt thắng về phía trước.

Liễu Tồn Trung thuận miệng hô lớn :

- Phi Tượng Quá Giang.

Lúc ấy trên chiếc thuyền lớn đậu sát gần bờ liền nổi lên những tiếng hô vang dậy :

- Gian tế, gian tế.

Tiếp theo liền có những tiếng kêu ối cha rồi những tiếng lõm bõm. Bọn Tiềm Long đội đã có những tên bị bạc vụn của Tồn Trung ném trúng, té lăn xuống nước.

Hai chiếc thuyền nọ đều quay ngang sang bên. Lý Cửu thấy Tồn Trung sử dụng thế Mãn Thiên Hoa Vũ để tấn công bọn võ sĩ nọ liền cả mừng, lại múa chèo như giông gió lướt tới. Chiếc thuyền tựa như con rồng rẽ sóng, lướt như bay trên mặt nước.

Đang lúc ấy, bỗng nghe thấy bốn phương tám hướng có tiếng tù và nổi lên vang dậy. Chỉ trong nháy mắt đã có vô số những bó đuốc được thắp lên sáng rực, chiếu khắp một khoảng sân rộng.

Lý Cửu vội cho thuyền lướt thẳng sang bên trái, nhắm về phía lửa thắp sáng nhất lướt tới. Tồn Trung thấy vậy quát lớn :

- Lý Cửu ngươi điên rồi sao? Tại sao không quay thuyền trở sang phía bên phải?

Lý Cửu đáp :

- Dưới phía sông bên kia bố trí nhiều cơ quan máy móc, thuyền không thể nào sang bên đó được. Đệ tử đã lặn ở dưới nước hàng nửa ngày, dò xét hết những bí mật ở dưới đáy hồ, chỉ còn có cách duy nhất là xông thẳng về phía những chiếc thuyền lớn đó mới được an toàn thôi.

Lúc ấy Tồn Trung đã ném hết số bạc vụn đó, đang không biết tính sao thì bỗng thấy trên thuyền có một mái chèo rất lớn. Chàng đưa tay chộp lấy, rồi quay sang Lý Cửu nói :

- Sự chiến đấu trên mặt sông, thì cách bắn tên là một phương pháp hữu hiệu nhất. Bọn khốn kiếp đó tất nhiên thế nào cũng sẽ tấn công bằng loạn tiễn. Ngươi cứ việc núp ở mạn thuyền, điều khiển mái chèo, còn để mặc ta đối phó với bọn chúng.

Lý Cửu nói :

- Nếu như bốn phía tên đều bắn như mưa, liệu tiểu sư tổ có thể bảo vệ được sự an toàn của chúng ta không?

Tồn Trung đáp :

- Làm sao có thể xảy ra chuyện ấy được, khi thuyền của chúng ta xông tới gần bọn chúng, liền nhảy tới đánh xáp lá cà. Nếu bọn chúng còn bắn tên bừa bãi ắt sẽ tự tàn sát lẫn nhau. Còn khi chúng ta vừa tới sát chúng thì việc đầu tiên là sẽ tiêu diệt ngay tiễn trận của chúng là xong.

Lý Cửu thấy tình hình tối nguy cấp như vậy mà tiểu sư tổ vẫn thản thiên như thường, không lộ chút gì lo âu cả phán đoán rất rành rẽ. Trong lòng y bội phục vô cùng vội ra sức chèo thẳng về phía trước.

Bỗng có tiếng hiệu lệnh của tên chỉ huy Tiềm Long đội rồi tên bắn ra tua tủa, nhắm thắng chiếc thuyền của hai người bay tới.

Tồn Trung vội múa tít chèo lên, kình phong kêu vù vù gạt những mũi tên đó rớt xuống dưới nước hết. Chỉ trong nháy mắt thuyền đã tới sát thuyền của bọn Tiềm Long đội nọ.

Tồn Trung lại múa mái chèo đánh ngã hết những tên võ sĩ Tiềm Long đội ấy. Lúc đó, bên tai chàng bỗng nghe thấy trong chòi canh ở phía bờ sông có tiếng trống báo động nổi lên vang dội.

Mười chiếc thuyền nọ bỗng rẽ sang hai bên, vây chặt lấy thuyền của Tồn Trung vào giữa. Bọn chúng đều tuốt kiếm ra khỏi vỏ, hoặc vũ lộng đao thương thiết luyện, ập tới tấn công.

Tồn Trung gầm lên một tiếng, huy động mái chèo như bão táp quét ngang bổ dọc, khí thế rất hung mãnh. Lại có một số võ sĩ Tiềm Long đội bị chàng đánh té xuống nước.

Lúc ấy tiếng chiêng trống trên chòi canh mé sông nổi lên ầm ầm.

Tiếp theo đó, liền có một số trong bọn Tiềm Long đội nhảy xuống dưới nước, lặn xuống đáy sông mất dạng. Lý Cửu cả kinh nói :

- Bọn khốn kiếp này định đục thuyền của chúng ta đấy.

Chỉ trong nháy mắt, đầu thuyền đã chìm dần xuống, và thân thuyền không sao tiến thoái được nữa. Tồn Trung vội giơ tay ra chộp lấy Lý Cửu nhấc y lên mặt thuyền thét lớn một tiếng, một tay vũ lộng mái chèo, quét mạnh ra một thế. Bọn Tiềm Long đội quanh đó liền bị đánh rớt xuống nước.Chàng liền xách Lý Cửu tung mình nhảy thẳng về phía trước, miệng quát bảo :

- Lý Cửu buông tay chèo ra!

Tồn Trung vừa tung mình nhảy lên, Lý Cửu cảm thấy mình tựa như đằng vân giá vũ, lướt qua khỏi vòng vây hạ thân xuống một chiếc thuyền gần đó.

Lúc ấy những trạm canh ở bờ sông đều đốt pháo hiệu. Cứ cách mười trượng lại một chiếc thuyền xông ra ngăn cản. Phía sau lửa thắp sáng rực cả một góc trời. Chiêng trống nổi lên liên tiếp, không ngừng.

Lại có thêm mười chiếc thuyền lớn rẽ sóng đuổi tới Lý Cửu chưa bao giờ được thấy thanh thế nào khủng khiếp như vậy, y hãi sợ đến nỗi chân tay cuống quít. Tồn Trung bỗng ngửng mặt lên trời, lớn tiếng cười ha hả nói :

- Đại trượng phu vì quốc gia dân tộc, có chết đi cũng không đáng tiếc mà còn phải lấy làm danh dự mới đúng, sao ngươi lại tỏ vẻ khiếp sợ như thế. Ngươi hãy mau điều khiển thuyền cứ việc xông thẳng về phía trước. Bọn giặc tay sai của rợ Kim này cứ để cho ta giải quyết.

Dù có thêm trăm ngàn tên nữa thì có gì là đáng sợ Chàng nói những lời đó là để trấn an Lý Cửu tăng sự can đảm cho y mà thôi. Kỳ thật chàng thọ trọng thương mới được lành mạnh nguyên khí chưa khôi phục, vừa rồi lại ra sức chiến đấu xông ra khỏi vòng vây nên chân nguyên đã bị hao tổn rất nhiều. Lúc ấy đột nhiên trong người chàng cảm thấy có một luồng khí âm hàn ngấm ngầm lâm nguy, chàng liền thất kinh.

Lý Cửu đối với tiểu sư tổ này kính phục cực độ nên nghe thấy lời lẽ cùng khí thế của chàng hùng dũng như một vị thần, vận hết sức toàn thân tay chèo lia lịa. Chiếc thuyền đã vượt ra khỏi vòng vây như một con kình ngư vượt sóng lướt thẳng về phía hạ du.

Thuyền đi được khoảng hơn mười dặm, Lý Cửu bỗng giơ tay chỉ về phía bờ sông nói :

- Chúng ta đã tới vùng Tiêu Sơn rồi, Tiểu sư tổ muốn lên bờ thì quả là một địa điểm rất tốt.

Tồn Trung vội hỏi lại :

- Thế ngươi định đi đâu?

Lý Cửu cung kính đáp :

- Đệ tử trở về phân đàn phục lịnh.

Tồn Trung khẽ gật đầu. Hai người liền cho thuyền vào sát mé sông rồi tung mình nhảy lên bờ.

Lý Cửu cung kính nói :

- Xin tiểu sư tổ bảo trọng lấy thân thể, đệ tử xin cáo biệt.

Nói xong y vái vài cái, quay mình trở về phân đàn.

Lúc ấy trời đã gần sáng. Chiến đấu suốt đêm, Tồn Trung cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Chàng lại cảm thấy bụng đói miệng khát liền bước nhắm thẳng phía Tiêu Sơn cất bước. Trong đầu chàng tính toán thầm :

- “Hãy tới Tiêu Sơn đã, sau đó sẽ quyết định trở về tổng đàn thỉnh giáo Thi Huyền trường lão hoặc quay tìm kiếm Vô Trần đạo nhân báo cho ông ta hay việc Tố Tố bị cầm giữ ở Bắc Cố sơn, bàn định với ông ta cách đối phó.”

Thời gian khoảng nửa tuần trà chàng đi tới một con đường nhỏ hai bên cây cối mọc um tùm. Con đường nhỏ này là con đường tắt gần nhất đi tới Tiêu Sơn.

Tồn Trung quẹo qua một khúc quanh, phía trước mặt con đường đã trở nên quang đãng rộng rãi, Tồn Trung bỗng cảm thấy luồng khí âm ở trong người bộc phát dữ dội. Toàn thân chàng cảm thấy giá lạnh như băng tuyết, gân cốt tứ chi co lại. Chàng liền thất kinh nghĩ thầm :

- “Hỏng rồi, tại sao trong người ta lại nổi lên căn bệnh quái dị này?”

Bên cạnh đường là một cây cổ thụ lớn. Ánh dương quang buổi ban mai chiếu qua ngọn cây lan nhẹ xuống bên dưới những tia nắng ấm áp. Tồn Trung bỗng cảm thấy luồng khí âm hàn ở trong người bộc phát lâm nguy, toàn thân giá lạnh, thấy dưới gốc cây ấy có ánh dương quang, chàng vội vã ngồi xuống hành công vận sức.

Nhưng quả thật rất kỳ lạ, khí chân nguyên trong cơ thể chàng không thể nào vận chuyển lên được, luồng khí ấy tới Trương Môn huyệt liền bị một luồng khí âm hàn rất quái dị đè xuống. Lúc này chàng đã cảm thấy tay chân tê cóng. Thần trí mơ hồ, hơi thở dồn dập.

Đột nhiên, ở phía con đường nhỏ bỗng có một hán tử Cái bang chạy như giông như gió tới nơi. Lúc y lướt qua bên người Tồn Trung chàng bỗng cảm thấy trong người nóng hổi, thần khí đột nhiên tỉnh táo lại. Tiếp theo đó, lại có tiếng chân người dồn dập chạy tới, một đại hán trung niên khí độ rất phong lưu tiêu sái, dẫn hai tên võ sĩ áo lam chạy như bay tới.

Trung niên đại hán tung mình nhảy lướt qua đầu đệ tử Cái bang nọ, rồi quay người lại đứng ngăn cản lối đi. Hai tên võ sĩ áo lam nọ đã rẽ sang hai bên, cả ba đứng theo hình chữ phẩm, bao vây đối phương vào giữa.

Kế đó đại hán trung niên cười hắc hắc giơ tay lạnh lùng nói :

- Mau đưa ra đây cho ta!

Tên Cái bang nọ vẻ mặt ngơ ngác không hiểu vội hỏi lại :

- Ngài vừa bảo đưa ra cái gì thế?

Đại hán trung niên cười vẻ rất nham hiểm nói :

- Tam Thủ Thần Thâu, ngươi còn vờ vĩnh nữa phải không? Thiên Sơn Mặc Ngọc là vật của Kim Phật Giáp chúng ta. Kim Phật Giáp tuy đã bị tàn phá, nhưng ta Tề Như Phong này vẫn còn sống thì làm sao ngươi có thể chiếm được phiến ngọc ấy?

Đệ tử Cái bang nọ vẫn ngơ ngác hỏi :

- Đại Tổng quản, bạn nói gì mà lạ vậy? Thiên Sơn Mặc Ngọc là gì thế? Tam Thủ Thần Thâu mỗ chưa hề nghe nói bao giờ, thì làm sao có thể đưa ra cho bạn được?

Đại hán tự xưng là Tề Như Phong cười nhạt nói :

- Nếu không phải ngươi dòm ngó chiếm đoạt Mặc Ngọc ấy thì sao ngươi lại lén lén lút lút trốn ra khỏi Kim Phật Giáp như thế. Hơn nữa, xưa nay ai chả biết Tam Thủ Thần Thâu ngươi vốn là một tên rất nhanh tay lẹ mắt, hễ thấy đâu có bảo vật quý giá mò mẫm tới ngay. Như vậy vật báu hãn thế đó làm sao ngươi có thể bỏ qua cho được.

Đệ tử Cái bang cười hì hì nói :

- Đại tổng quản đã quá khen. Cái câu khen tặng “lanh tay lẹ mắt”

đó quả thật mỗ không dám nhận.

Tề Như Phong lại quát bảo :

- Tam Thủ Thần Thâu, mỗ nói một lần chót, hãy trao Mặc Ngọc đây cho ta! Đừng có cứng đầu cứng cổ, rượu mời không uống lại cứ thích uống rượu phạt.

Đệ tử Cái bang nọ hỏi lại :

- Đại tổng quản, mỗ đã bảo là không có, vậy phải làm thế nào thì bạn mới tin?

Tề Như Phong nói :

- Phải lục soát trong người ngươi?

Hán tử Cái bang nói :

- Được lắm! Mỗ đã nói không có là không có, các bạn cứ việc tiến lại xét đi!

Nói dứt lời y liền giơ cao hai tay lên. Tề Như Phong cùng hai tên võ sĩ nọ liền xông tới nơi, đưa tay ra lục soát hết khắp thân thể tên hán tử nọ, một hồi lâu sau chỉ thấy một xâu chìa khóa đủ loại cùng một ít bạc vụn.

Hán tử Cái bang liền nghiêm nét mặt nói :

- Thế nào? Mỗ đã nói là chưa hề thấy qua viên Mặc Ngọc đó các bạn đã tin chưa?

Hai tên võ sĩ áo lam nọ mặt đã lộ vẻ thất vọng. Tề Như Phong hơi suy nghĩ giây lát, cười nhạt nói :

- Ngươi tưởng giấu viên Mặc Ngọc vào một nơi nào đó, hòng có thể qua mắt được Tề mỗ có phải không, bằng không tại sao lúc mỗ tới nơi lại thấy ngươi chui ra khỏi huyệt địa ở phía sau trang, và chiếc Bàn Long Hộp bị mở toang ra như vậy.

Một tên võ sĩ áo lam nói :

- Đúng lắm, nếu tên này không có tà ý gì thì tại sao ngươi thấy chúng ta đến ngươi lại lẩn trốn một cách lén lén lút lút như vậy.

Hán tử Cái bang nọ cả cười nói :

- Kim Phật Giáp đã lâm vào tình cảnh đáng thương như vậy mà mỗ đã nghe giang hồ ban cho cái biệt hiệu là Tam Thủ Thần Thâu nay lại xuất hiện ở một nơi vô chủ, như thế thử hỏi còn mặt mũi nào nhìn thấy ai nữa? Và rủi nếu các vị là người của quan phủ thì có phải là nguy hại cho Thần Thâu mỗ không?

Tề Như Phong bỗng động lòng nói :

- Như vậy ta hãy thay mặt quan phủ bắt ngươi đem về tra hỏi mới được!

Tam Thủ Thần vừa nghe thấy Tề Như Phong nói như vậy liền thất kinh định rảo cẳng bỏ chạy. Nhưng Tề Như Phong đã sớm đoán ra được ý định của y, liền giơ tay chộp một cái.

Chỉ nghe thấy bốp một tiếng. Tam Thủ Thần Thâu đã bị điểm trúng huyệt đạo, ngã lăn ra đất. Tề Như Phong liền quay lại nói với hai tên võ sĩ áo lam :

- Hai ngươi hãy trói y lại. Đem về Đông Doanh tra hỏi y sẽ ra manh mối ngay.

Đang lúc ấy bỗng nghe trong rừng có tiếng người nói :

- Bao Đả Thắng, lại có dịp xem ngươi trổ tài rồi đấy!

Liền có tiếng thở dài đáp :

- Hà! Chúng ta Ngao Sơn thủy tổ, có một tên đồ đệ lại mất tích nếu không đi tìm tên đồ đệ thừa kế y bát đó, thì Ngao Sơn phái chúng ta sẽ bị mai một, vậy thử hỏi còn có hứng thú gì mà ngươi bảo mỗ trổ tài với không trổ tài nữa.

Tiếp theo đó, trong rừng liền xuất hiện hai người là Bao Đả Thắng và Y Bất Tử. Hai người từ khi ở Viễn Dương phiêu cục cứu được Hắc Hài Tử đem về Ngao Sơn Trở Vũ Nham, cưỡng bách y thâu làm đồ đệ. Bao Đả Thắng dạy nó võ công, còn Y Bất Tử truyền y thuật.

Hắc Hài Tử vì nóng lòng muốn báo thù cho Lâm thúc, cho nên ngày đêm cố gắng luyện tập, cho nên hai người rất lấy làm hài lòng.

Bao Đả Thắng và Y Bất Tử trong một tháng thì có đến tám hoặc mười ngày ra ngoài giang hồ hành đạo, chỉ để lại Hắc Hài Tử một mình ở Trở Vũ Nham ôn tập những điều học hỏi.

Lần này trở về hang đều vẫn y nguyên như cũ không hề suy suyển chút nào. Hai người đoán chắc Hắc Hài Tử có lẽ ham vui nên đã đi quá xa rồi lạc lối trở về sơn động. Hai người lại tái xuất giang hồ tìm kiếm đồ đệ. Hôm nay đi tới đây lại thấy trò vui xảy ra liền nán lại chờ cơ hội xen chân vào cuộc vui.

Y Bất Tử liền cười hi hí nói :

- Bao Đả Thắng hôm nay ngươi lại được giãn gân giãn cốt đấy.

Tề Như Phong và hai tên võ sĩ thấy sự tự nhiên lù lù xuất hiện hai lão quái vật liền kinh hoảng. Vì hắn từng nghe nói, trên giang hồ mới xuất hiện hai nhân vật tánh tình cực kỳ cổ quái là Bao Đả Thắng và Y Bất Tử. Bao Đả Thắng tánh nết rất kỳ lạ, hễ chứng kiến bất cứ trận đấu nào y nhất định so tài kẻ thắng, bất kể người đó thuộc phe tà hay phe chính. Còn Y Bất Tử thì y thuật ngang Hoa Đà Biển Thước, chuyên cứu sống những người sắp chết. Hai người tự sáng lập Ngao Sơn phái và tự xưng là Ngao Sơn thủy tổ. Võ công của hai người này thiệt là cao cường có thể so sánh với một trong Vũ Trụ Ngũ Kỳ.

Tề Như Phong thấy hai người vừa cười vừa nói vội hoảng hốt nói :

- Nhị vị sư phụ, xưa nay Tề Như Phong này luôn luôn kính ngưỡng hiệp giá của nhị vị sư phụ, xin cả hai đừng dính tay vào việc này.

Bao Đả Thắng cười hoạt kê nói :

- Ta đâu có phải sư phụ ngươi mà ngươi kêu ta là sư phụ. Chúng ta chỉ có độc nhất một đệ tử là Hắc Hài Tử chứ không thèm nhận bọn chó chết nào là đệ tử nữa, đừng hòng nhận vơ.

Y Bất Tử tiếp lời :

- Ngươi đã bảo từng nghe danh hai chúng ta đã lâu sao lại không biết tánh nết chúng ta thật là đồ láo toét.

Bao Đả Thắng liền nói :

- Nào, ngươi đã thắng tiểu tử kia hãy mau động thủ đi đừng chần chờ gì nữa.

Tề Như Phong thật sống dở chết dở, định tra hỏi Tam Thủ Thần Thâu viên Mặc Ngọc nếu hắn không cung khai sẽ đem về đại doanh giao cho Thông Thiên Hiểu sư gia là sẽ tìm ra chứng cớ ngay, như thế ít ra hắn cũng lập được đại công sự tưởng thưởng không phải là nhỏ.

Ai ngờ giữa đường lại gặp hai lão quái vật xui xẻo này.

Hai tên võ sĩ áo xám đi bên cạnh thấy đội trưởng có vẻ sợ hãi hai lão già chó chết này làm giảm cả oai phong của Đông Doanh liền sấn tới :

- Hai tên già chó chết kia, chúng ta là người của Đông Doanh lừng lẫy khắp thiên hạ ai ai cũng phải khiếp sợ. Ngươi dựa vào thế lực nào mà dám cản trở công việc của chúng ta như vậy?

Vừa nói dứt hai tên này liền vung kiếm chém tới. Bao Đả Thắng cười ha há đáp :

- Ta thị sức vào hai bàn tay này đấy.

Chưa dứt lời tay của Bao nả Thắng đã lẹ làng thần tốc điểm ra.

Hai tên võ sĩ áo xám chưa kịp thấy đối phương ra chiêu như thế nào đã bị điểm trúng Nhuyễn Ma Huyệt mềm nhũn ngã lăn ra đất.

Y Bất Tử cười hí hí nói :

- Ối chà, hai bạn kia vừa rồi sao hung hăng thế bây giờ lại như mèo cúp đuôi thúc thủ như thế này. Oai phong Đông Doanh lừng lẫy của bạn để đâu? Hì hì người giang hồ bây giờ thường hay nói một lời mà làm một nẻo.

Tề Như Phong đang nghĩ cách đối phó, không ngờ hai tên võ sĩ thủ hạ không biết nếp tẻ lại xông ra tấn công như vậy thật là làm hỏng hết đại sự. Hắn chưa kịp quyết định như thế nào đã nghe thấy tiếng Bao Đả Thắng vang lên :

- Thế nào ông bạn kia sao cứ đứng thừ người ra thế? Bạn vừa mới dọa nạt người ta ầm ĩ thế kia sao bây giờ lại tiu nghỉu như cơm nguội thế. Nào hãy động thủ đi ta khảo sát võ công của bạn có hơn nổi võ công của Ngao Sơn phái ta không?

Tề Như Phong biết cục diện đã biến đổi như thế này, không ra tay không xong. Liền bất thần vung kiếm phóng ra một chiêu tối ư lợi hại nhằm cổ Bao Đả Thắng lia tới.

Bao Đả Thắng quả thật không hổ với danh hiệu, liền nhanh như chớp giơ hai ngón tay kẹp lấy mũi kiếm miệng hô :

- Buông ra ngay.

Như Phong cảm thấy hổ khẩu tay đau nhức vô cùng, thanh trường kiếm đã rời khỏi tay, đồng thời Nhuyễn Ma Huyệt đã bị tay kia của Bao Đả Thông điểm trúng, người hắn liền mềm nhũn ngã xuống.

Bao Đả Thắng chán nản nói :

- Thật là một lũ vô dụng, chỉ được cái dọa nạt người, khiến ta phải bẩn cả tay thử sức.

Bỗng Y Bất Tử ý lên một tiếng nói :

- À, nơi đây có người bị thương, hôm nay không sợ thất nghiệp nữa.

Thì ra Liễu Tồn Trung bị khí âm hàn phát tác đang đau đớn sắp sửa hôn mê liền ngồi dựa gốc cây bên vệ đường gắng sức chống chọi.

Tam Thủ Thần Thâu chạy qua thấy có một người ăn mặc lối Cái bang mà hắn bị rượt sát quá, khó bề chạy thoát liền không kịp suy nghĩ nhét luôn khối Mặc Ngọc vào trong người Tồn Trung.

Tồn Trung đang cảm thấy giá lạnh bỗng cảm thấy ấm áp, liền gắng gượng ngồi dậy vận công điều tức thì Y Bất Tử phát giác thấy.

Y Bất Tử lại gần nắm lấy cổ tay Liễu Tồn Trung bắt mạch, Liễu Tồn Trung đang vận công bỗng thấy Y Bất Tử chạy lại không kịp đề phòng. Chàng thấy lão ta đã nắm lấy mạch môn mình để thăm mạch chứ không có ác ý gì liền lẳng lặng ngồi yên cho Y Bất Tử bắt mạch như thế nào?

Y Bất Tử thăm mạch hết tay phải rồi sang tay trái, hốt hoảng nói :

Người này bị trúng phải chất độc cực kỳ âm hàn, bây giờ khí âm hàn phát tác nên mới giá lạnh như thế này.

Bao Đả Thắng nói khích :

- Thế nào, bệnh này kỳ lạ lắm, có làm bạn phải dẹp cái danh hiệu Y Bất Tử không? Người này còn sống đàng hoàng mà không cứu chữa được thì bạn đừng ra ngoài giang hồ nữa.

Y Bất Tử bực mình đáp :

- Ai bảo chữa không được, tuy từ khi xuất sơn đến giờ ta chưa hề gặp một căn bệnh khó trị nào như bệnh này cả. Kể ra cũng không khó khăn gì, chỉ ần có đủ tiện nghi là ta sẽ chữa khỏi cái một mà. À, mà người này đáng lẽ đã toi mạng nhưng nhờ có luyện một môn nội công tâm pháp gì rất đặc biệt cho nên mới tạm thời chế ngự được khí âm hàn ấy trong người.

Liễu Tồn Trung điều công vận tức một hồi đã thấy trong người khỏe khoắn trở lại, liền đứng dậy vòng tay thi lễ nói :

- Tại hạ Cái bang Liễu Tồn Trung xin kính chào nhị vị tiền bối và xin cám ơn lão tiền bối đã thăm mạch hộ.

Tề Như Phong, Tam Thủ Thần Thâu và hai võ sĩ áo xám nằm dưới đất nghe Liễu Tồn Trung xưng tên liền rúng động tinh thần.

Thần Thâu thì mừng rỡ rồi lại lo âu. Tề Như Phong lo lắng cho số phận mình.

Bao Đả Thắng nói :

- Đói lắm rồi, chúng ta hãy tìm một nơi nào ăn cho đỡ đói rồi hãy nói chuyện sau.

Y Bất Tử đáp :

- Phải rồi con sâu đói trong bụng lão tử cũng đang gào gọi đây, nhưng hãy giải quyết mấy con chó ghẻ này đã!

Tề Như Phong và hai tên võ sĩ nghe nói liền run lẩy bẩy. Bao Đả Thắng phất tay một cái đã giải huyệt đạo trên mình bốn người rồi quát :

- Lũ ăn hại cút di cho khuất mắt ta ngay. Ta mà còn trông thấy mặt thì sẽ xẻo tai từng đứa một trừng trị nghe không?

Bọn Tề Như Phong mừng rỡ như cha mẹ sống lại, co giò chạy trối chết, Tam Thủ Thần Thâu liền chạy lại Liễu Tồn Trung để vái chào.

Y Bất Tử liền nói :

- Này bạn trẻ kia, muốn triệt để ấy trừ được chất hàn dốc ấy thì phải tìm một nơi chí hàn trong thiên hạ rồi mới có thể nghĩ phương cách mà giải cứu, bằng không nội trong một tháng cái mạng của bạn trẻ không tồn tại được đâu.

Tam Thủ Thần Thâu hoảng hốt hỏi :

- Dám hỏi lão tiền bối, không còn một phương cách gì có thể chịu đựng kéo dài không?

Y Bất Tử trả lời :

- Chỉ trừ phi có được Thiên Sơn Mặc Ngọc mang theo sát trong người nhưng dù có vật ấy cũng chỉ kéo dài mạng sống đến năm năm là cùng. Khi hết thời hạn ấy vẫn phải tìm một nơi chí hàn luyện công tự chữa hay phải ăn được mật của một con động vật sống tới già được. Bây giờ hai anh em lão phu không có thì giờ để tìm nơi ấy cho bạn vì còn phải đi tìm dỗ đệ của chúng ta.

Bao Đả Thắng vội xen lời :

- Bạn trẻ kia, trông nhân dáng của ngươi cũng oai phong lẫm liệt lắm, bây giờ bạn đang mắc bệnh ta không tiện thứ sức tạm thời hãy kết giao với bạn. Khi nào bạn chữa khỏi bệnh lúc ấy hai chúng ta sẽ thử sức vui chơi nhé.

Liễu Tồn Trung liền cung kính đáp :

- Vãn bối xin tuân lịnh.

Bao Đả Thắng cười ha hả nói :

- Thật là hảo bằng hữu, phải nhanh nhảu như thế chứ.

Nói xong Y Bất Tử đã kéo tay Bao Đả Thắng đi mất dạng.
Bình Luận (0)
Comment