Ổ Buôn Người

Chương 35

Người trực ban Khmer chau đôi mày đen rậm không đoán ra điều gì. Hóa ra anh ta không thông minh như mấy gã xe ôm, Long nghĩ. Nói nữa cũng vô hiệu. Mặt anh ta đần thối sau những câu nói xoắn lưỡi đến ngọng líu của Long. Bỗng anh ta quắc mắt dơ tay làm hiệu như tìm ra một sáng kiến. Cúi xuống im lặng rồi nhấc máy bấm số, mắt không rời người khách kì lạ, hắn nói một tràng Khmer liến thoắng rồi dập máy. Một phú sau, một viên sĩ quan vẻ sáng sủa hơn bước ra. Gã này đeo lon trung úy, tức hơn anh một cấp và ắt hẳn gã phải tốt nghiệp đại học. Như vậy gã phải biết tiếng anh, tất nhiên theo lí thuyết. Anh lại lặp lại mấy dòng tiếng khmer nhưng không ai hiểu anh. Long bực mình xổ một tràng tiếng Việt:

- Tìm vợ giúp tôi!

Nói xong chờ đợi phản ứng của họ. Hai gã cảnh sát nhìn nhau rồi viên trung úy nhanh trí bắt được tín hiệu từ anh.

Mặt anh ta long lanh nhìn Long khích lệ:

- Tốt!

À, anh ta nói được tiếng Việt đây. Khá lắm. Long vận dụng hết khả năng diễn đạt nhưng không hiểu sao một tràng tiếng Khmer vô duyên lại bật ra.

- Tôi muốn tìm cô ta. - Long rút ví lấy thêm chiếc ảnh khổ bé chụp vợ chồng anh đi biển năm ngoái.

- Ok! – Viên trung úy đón lấy chiếc ảnh lật trước lật sau.

Anh ta ngắm qua chiếc ảnh rồi ngửng lên xổ một tràng tiếng khmer. Hóa ra tiếng Việt của hắn chỉ đủ hiểu chứ không phải nói. Long không biết người gốc Việt và người khmer biết tiếng Việt chiếm 30% dân số xứ Chùa Tháp này đang công tác ở đâu. Quá thất vọng, Long đòi lại chiếc ảnh. Làm sao bây giờ, chợt anh nhớ đến cô tiếp viên khách sạn nhanh trí luôn hiểu những gì anh nói đêm qua. Anh bấm máy phân trần với cô ta rồi nhờ cô ta giải thích lại cho viên sỹ quan hiểu. Viên sỹ quan lại cầm máy. Sau khi nghe một hồi, mặt anh ta đanh lại nói câu gì đó rồi trả máy cho Long. Anh cầm máy lên thì giọng cô tiếp viên vẫn thánh thót bên kia:

- Anh gì ơi, em nói cho ông kia rồi đấy. Ông ta đồng ý sẽ giúp anh tìm cô gái kia, nhưng anh phải khai báo người phụ nữ kia là ai. Cô ta đã làm gì anh. Ăn cắp hay giết người.

- Không. Cô ta là vợ tôi...tôi chỉ cần tìm cô ta. Thế thôi. Không có tội tình gì hết.

- Anh cứ trình bày cho ông ấy đi, chào anh.

Long buông máy rồi đi theo viên sỹ quan. Viên cảnh sát Khmer da ngăm đen nổi bật lên trên bộ cảnh phục màu be nhạt chỉ chiếc ghế bảo Long ngồi xuống rồi vứt một đơn kê khai trước mặt. Sau đó anh ta xin tấm ảnh vợ Long rồi vội vã bước sang phòng khác. Nhìn căn phòng trống trải, chỉ kê một chiếc bàn và mấy chiếc ghế gỗ mộc. Long cúi xuống nhìn bản kê khai nhiều ô trống. Có cả tiếng Khmer và tiếng anh. Anh thầm nghĩ. Mình mắc vào mớ bòng bong này thì khó mà thoát ra đây. Định ghi bừa vào cho qua chuyện nhưng bỗng anh chợt nhớ nếu viên cảnh sát kia quay lại kiểm tra hộ chiếu thì bị lộ hết. Họ sẽ bắt anh chứ không phải tìm vợ cho anh. Long liếc ra cửa định lẻn ra nhưng có tiếng bước chân thình thịch từ ngoài cửa bước vào. Viên sỹ quan mau lẹ tiến sát anh. Long bối rối nhìn anh ta rồi nhìn tờ giấy đang bỏ trống trước mặt, tay mân mê chiếc bút bi.

- Ô hay, không biết chữ à? Ghi đi. - Viên cảnh sát trỏ ngón tay dùi đục xuống mấy ô chữ bỏ trống. Đó chính là tên tuổi và số chứng minh thư (hộ chiếu). Thấy người thanh niên chần chừ, viên cảnh sát gắt lên:

- Đây là tên này. Đây là sex. Anh là nam hay nữ? Sinh ngày? Ghi vào đi. Còn chờ gì nữa!

Long cầm bút hí hoáy mãi không xong. Viên sỹ quan thở dài ngán ngẩm nhìn người thanh niên chất giọng đặc nhà quê đang cắm đầu trên giấy như đứa trẻ gặp bài toán khó. Long cầu khấn hắn bỏ đi ra ngoài là anh cũng chạy luôn. Nhưng không, viên cảnh sát ung dung ngồi xuống chiếc ghế đối diện đưa hai tay chống cằm nhìn anh chằm chằm. Giờ thì khó mà ra ngoài đây. Long cố tình ghi sai mấy dòng rồi quay sang viên sĩ quan:

- Tôi ghi nhầm, anh có tờ nào không cho tôi tờ khác đi. - Viên sỹ quan nhổm dậy tiến lại xem tờ khai nham nhở gạch xóa trên tay Long. Hắn phát cáu rồi lẩm bẩm chửi thề câu gì Long mà không nghe rõ rồi mở cửa đi sang phòng bên. Chỉ chờ có thế, Long đứng dậy lẻn nhanh ra cửa như con mèo. Gã bảo vệ đang ghe điện thoại. Không có ai khác. Long chạy vòng qua đầu hồi. Vẫn không ai nhìn thấy, anh nhảy qua bờ tường thấp chạy ra phố.

Những ý nghĩ dồn dập đến với anh. Vợ mình có thể đi đâu được nhỉ. Cô gái khoa văn hóa phỏng đoán là vợ anh đêm qua ngủ tại khách sạn Apsara. Sáng nay nếu chưa về Việt nam thì chắc chắn với sở thích mua sắm cô ta sẽ không bỏ qua khu chợ nổi tiếng Thmey sầm uất này. Nếu một khách du lịch đến một quốc gia khác. Trước hết là đi ăn đặc sản và mua sắm. Vậy trước tiên anh phải tìm các quán ăn và ưu tiên quán đặc sản hoặc Macdonal... sau đó là lùng khu mua sắm. Các danh lam thắng cảnh đẹp nhất ở Pnompenh cũng có khả năng vợ anh ghé qua là rất cao. Lần lượt từng bước anh phải đi tìm. Cuối con phố Sisovath đông đúc này có quán Macdonal. Chỗ này cách khu khách sạn không xa, Long quyết định vào đấy hỏi xem. Lướt qua một lượt không có, anh thất vọng bước ra.

Không nản chí, Long tiếp tục đến Thmey chật ních người với hi vọng mong manh.Sau khi dạo hết một lượt khu phố sầm uất không có kết quả. Anh ngồi xuống đầu phố một lát. Những đứa trẻ đánh giày, bán hàng lưu niệm liên tục lảng vảng khắp phố và sẵn sàng đeo bám khách du lịch hàng giờ đồng hồ. Bỗng anh chợt nảy ra ý tưởng. Chính mấy đứa bán rong này mới có khả năng giúp anh. Chúng nó có thể nói một lúc cả tiếng Việt, Anh lẫn Pháp. Anh chọn tiếng Anh rồi cất lời gọi một đứa bán kẹo.

- Ê! bán rong.

Lập tức ba đứa đồng loạt xông tới như vồ mồi. Mấy đứa khác gần đó cũng lao đến buộc anh phải xua cả hai tay ngăn chúng ra rồi ôn tồn:

- Bình tĩnh! đứa nào cũng có phần hết.

Anh vừa dứt lời thì có hai mẹ quấn xà rông bán đường Thốt Nốt không biết từ đâu cũng lạch bạch cập cảng. Long bỗng chốc lọt thỏm giữa đám trẻ bưng bê hệt như một minh tinh trong vòng vây người hâm mộ. Long lùi lại mấy bước lấy chiếc ảnh hai vợ chồng ra trước mắt chúng.

- Này, các cháu! Hãy giúp chú tìm cô gái này. Cô ấy đi xung quanh mấy phố này thôi. - Gần chục cặp mắt dáo dác ngước lên nhìn người phụ nữ mặc bi-ki-ni đang nghiên mái đầu xoăn tít bên vai người đàn ông cởi trần. Long trân trọng chỉ vào bức ảnh:

- Chúng mày thấy rõ cô này chưa? Đứa nào tìm được cô này, chú mua hết cả rổ hàng kia. Trước mắt, chú mua mỗi đứa một thứ để khích lệ tinh thần. Hiểu chưa?

Lũ trẻ nhao nhao xòe những thứ hàng mang theo cho Long chọn. Cố nhìn kĩ tấm ảnh để nhập tâm, chúng lập tức vụt đi. Long khoan khoái như vừa tìm ra một diệu kế. Lũ trẻ trong chốc lát đã mất tăm, thần kì như khi chúng đến. Chợt một sự tiếc nuối bao trùm khi anh quên dặn chúng rằng ngoài đời vợ anh có thể già và béo hơn trong ảnh đôi chút. Thôi kệ, anh tìm một chiếc ghế đá bên phố ngồi xuống nghỉ. Anh chợt nhận ra nếu chỉ trông chờ vào lũ trẻ mà ngồi mãi đây thì rất lãng phí thời gian. Nếu thông minh hơn chút nữa anh đã cho chúng số điện thoại của anh phòng khi có tin vui. Lúc này lương tâm không cho phép anh ngồi đây ngơi nghỉ được. Long nhác thấy một đứa trẻ đánh giày lúc nãy đã nhận tiền thưởng của anh rồi mà không hiểu sao vẫn đang ngồi thu lu một góc. Hắn ngồi dựa lưng vào cửa hàng, mặt hướng ra phố luôn mồm chào mời. Vợ mình bị bắt đến nơi mà hắn vẫn ngồi phe phẩy ở đây. Sốt ruột xen lẫn bực bội, Long gọi hắt sang:

- Này, thằng kia, sao mày vẫn ngồi đấy hả?

Thằng bé nhổm dậy xách tráp khó nhọc tiến đến trước mặt Long. Nhìn đôi chân thọt đáng thương của hắn, Long mới vỡ lẽ cậu ta không thể đi tìm vợ cho anh được. Tiến đến trước mặt Long, hắn cất giọng như người có lỗi:

- Cháu không đi tìm cô ấy như các bạn khác được. Chú để cháu đánh giày cho chú nhé. – Hắn hạ tráp ngồi thụp xuống ngước nhìn Long áy náy. Long ái ngại nhìn thằng bé nhem nhuốc, phải khó khăn đến mức nào khi cu cậu cố ngồi xuống vỉa hè. Ở đâu cũng vậy, vẫn có những trẻ em bị bỏ rơi thế này.

- Chú không cần đánh. - Long chìa đôi giày thể thao há mõm cho hắn xem rồi móc ví ra lấy môt tờ 1000 riel đưa cho hắn.

- Cháu cứ ở đây, ngồi đây mà làm gì thì làm. - Long lấy mẩu giấy có ghi số điện thoại đưa cho hắn:

- Khi nào mấy đứa bạn cháu đến tìm chú thì đưa số điện thoại này bảo chúng gọi cho chú nếu có tin vui nhé. Chú sẽ thưởng tiếp cho bọn mày. Thằng bé sung sướng không tin vào mắt mình khi cầm tờ bạc trên tay. Từ bé đến giờ chưa ai cho không hắn một thứ gì. Long thoắt cái đã đến cuối đường. Mảng trung tâm như vậy khá yên tâm. Long nghĩ. Mình phải đi những nơi xa hơn mà khả năng Thu Hương sẽ ghé qua. Đúng rồi. Cung Điện Hoàng Gia, tại sao giờ mình mới nghĩ ra nhỉ. Vợ anh luôn mơ ước được qua đó còn gì. Ngay đêm trước khi đi cô ta còn nói rằng lần này xong việc sẽ nghé qua đó. Vậy mà giờ anh mới nhớ ra. Lẽ ra ngay sáng nay thay vì phung phí thời gian tại đồn cảnh sát mình nên ghé qua Cung Điện Hoàng Gia trước mới phải. Chẳng phải mình cũng ao ước đến đó sao. Nếu không tìm thấy vợ thì coi như đi ngắm kì quan thế giới. Chẳng phí thời gian đi đâu cả. Long chắc bẩm rồi liếc mắt tìm xe.

Anh tìm Taxi nhưng đúng giờ giao ban nên lại quyết định gọi Tuk-Tuk. Đúng nửa tiếng sau, cảnh quan quần thể chùa chiền kì vĩ ánh vàng lấp lánh bên bờ sông Tônle-Sáp mênh mông mờ sương hiện ra trước mắt.

Cung Điện Hoàng Gia là một quần thể di tích cung đình và chùa chiền dành cho Quốc Vương được xây dựng từ hơn một thế kỉ trước. Một quần thể kiên cố với nét kiến trúc đặc trưng của xứ sở chùa tháp. Nếu đi hết phải mất nửa ngày tròn, trời đã nhá nhem tối, những dòng khách du lịch thập phương đang tản về qua cánh cổng chính trên đường So-thea-ros ngắm hoàng hôn đỏ rực trên ngã ba sông. Nếu vợ đang ở trong hoàng cung này, xác suất là mấy phần trăm đây. Dù chỉ 1 phần trăm anh cũng không được bỏ qua. Còn nước còn tát. Lúc này chỉ có cách duy nhất là chặn ngay lối cửa chính may ra còn gặp. Khi tìm được một chỗ đắc địa bên chiếc cổng sắt, ở đó có thể bao quát dòng người đang ùa ra. Anh định tiến đến ngồi phệt xuống đất. Khi lại gần, Long lập tức phát hiện một tấm bản đồ kim loại gắn trên mảng tường chạm trổ đầy hoa văn. Anh như sụm xuống khi nhận ra nó có tới 4 trục đường xung quanh và có tới 4 cổng lớn. Nếu vợ mình không ra cổng này thì sao? Lại định nhờ mấy đứa bán rong, nhưng xung quanh lại không hề có đứa nào. Phố xá lác đác đèn, anh mạnh bạo tiến lại quầy bán vé trong cổng. Một cô gái da trắng dòng Khmer hạ đang chống cằm nhìn ra bờ sông qua song cửa.

- Cung Điện Hoàng Gia mấy giờ đóng cửa hả cô?

- Anh người Việt Nam? cô gái nheo nheo đôi mắt lả lơi nhìn Long trong ánh chiều tà.

- Chính xác, cô tinh mắt thật.

- Bố em là người Việt Nam mà.

Nhìn cô gái trắng trẻo, nếu trong hoàn cảnh khác anh sẽ hỏi bố em xưa thuộc trung hay đại đội nào đóng ở đâu. Nhưng bây giờ không phải lúc. Trong đầu anh chỉ có mỗi hình ảnh Thu Hương mà thôi.

Long phân trần:

- May quá, tôi là hướng dẫn viên khách du lịch Việt Nam hiện có thành viên bị lạc đoàn. Nếu cô thấy người này nhờ cô nhắc họ đứng đây chờ tôi. Mà không, phiền cô gọi cho tôi theo số này hoặc bảo cô ta gọi thẳng cho tôi. Tuyệt đối không được đi đâu trước khi tôi quay lại. Tôi phải qua mấy cổng kia tìm xem sao. - Long lấy tấm ảnh có hai người đang nghiêng ngả bên bãi biển cho cô gái xem. Cô gái cầm tấm ảnh nhìn trân trân hồi lâu. Long hồi hộp như bị cô giáo kiểm tra bài tập. Bỗng đôi mắt cô ta trĩu xuống nhìn Long.

- Nhưng tôi phải về, hết giờ rồi. – Cô gái duyên dáng nhìn chiếc đồng hồ nhỏ xíu trên cổ tay rồi đứng dậy.

Long lập tức đổi giọng thân mật:

- Em à, giúp tôi đi. Đoàn chúng tôi tối nay phải rời Pnompenh rồi, thiếu người thì không ổn. Nếu em giúp tôi, tôi sẽ đề nghị trưởng đoàn trả ơn em đường hoàng. Em yên tâm.

Cô gái cười rạng rỡ:

- Giúp nhau tí mà. Thôi anh cứ đi đi. Đây trông giùm cho, may ra...

- Vâng, tôi sẽ quay lại. - Long chạy vụt đi.

Giao việc cho cô ta xong, Long hộc tốc chạy đến cánh cổng tiếp theo trên phố Oknha cách đó những 500m. Vẫn đóng vai một hướng dẫn viên du lịch đầy trách nhiệm, những người bán vé và gác cổng không thể từ chối một lời yêu cầu đơn giản nhưng đầy cấp bách đến thế. Đến cổng thứ tư, đôi chân dù được rèn luyện võ công cũng gần như sụp xuống sau một ngày với quãng đường gần hai chục km. Long quyết định đích thân ngồi gác chiếc cổng cuối cùng này. Nhưng trới trêu thay, dưới hàng đèn đường mờ tỏ, anh nhận ra cánh cửa sắt đã đóng tự khi nào. Giật mình nhìn đồng hồ, đã gần 9 giờ đêm. Anh móc chiếc Motorola ra xem có cuộc gọi nào bị nhỡ hay mẩu tin nhắn nào không. Không có gì. Vậy là sau 36 giờ truy tìm, nàng vẫn biệt vô âm tín. Không thể đầu hàng. Long thất thểu quay lại cửa chính đầu tiên để khép kín chu vi hình chữ nhật khổng lồ. Niềm hi vọng cuối cùng đang ở cô gái bán vé đầu tiên. Những tưởng cô gái bán vé đã về từ lâu, nhưng lạ thay cô ấy vẫn ngồi một mình trong quầy như đang đợi anh. Vừa nhìn thấy anh, cô gái vẫn nở một nụ cười tươi:

- Anh ơi, không thấy cô tóc xoăn nào như cái ảnh của anh đâu. Có thể họ ra từ trước khi anh đến đây rồi.

- Sao em vẫn chưa về?

- Thì chờ anh đấy thôi. Điện thoại em hết pin. Em cũng lo chị ta bị bọn xấu lừa đi. Bọn ma cô hay lừa khách nước ngoài nhan nhản ra đấy. Em rất lấy làm xấu hổ vì điều đó. Nếu cần gì hãy gọi cho em theo số cầm tay. - Cô gái vui vẻ lấy ra một tấm card cho Long.

- Tôi thực tình cảm ơn lòng tốt của em. Thôi em hãy về đi, có gì tôi sẽ gọi nhờ em giúp. Samaki !

- Samaki ! – cô gái mấp máy đôi môi vẫy vẫy tay.

Long cảm ơn cô gái nhỏ có đôi mắt ưa nhìn rồi bắt xe ôm quay lại khu trung tâm. Anh không thể phung phí một phút nào hết. Có lẽ vợ anh không đến đây mà ở một nơi nào khác. Tuy nhiên, cầu trời cô ta chưa rơi vào tay bọn bắt cóc. Xuống chỗ lúc trưa, vẫn cậu bé đánh giày ngồi ngoan ngoãn đợi khách. Lúc này Long thực sự quý tính tôn trọng lời hứa của người Miên.

Khi gặp Long hắn lộ vẻ mừng rỡ làm Long hé lên vài tia hi vọng. Tuy vậy, không có một tin tức nào về những đứa bán rong kia. Không ai quay lại tìm anh. Long thẫn thờ ngồi phệt xuống. Vợ anh giờ này ở đâu hay bị quân bắt cóc bắt đi rồi. Anh lại kiểm tra điện thoại lần nữa, ngoài mấy đứa bán rong còn 3 người có số điện thoại của anh. Một là cô nhân viên khoa văn hóa. Hai là cô tiếp viên khách sạn. Ba là cô bán vé xinh đẹp. Không một ai gọi cho anh. Có thể họ quên chăng? Long chủ động gọi hỏi. Cả ba đều trả lời không nhìn thấy cô ta quay lại. Tiếp tục gọi điện về Việt Nam. Tất cả đều không có tin tức nào về vợ anh. Lúc này Long hoang mang thực sự. Định móc ví lấy ít tiền lẻ tặng cho thằng bé đánh giày, anh nhận ra đã hết. Như vậy tiền ăn tối và tiền về đã hết. Còn chiếc thẻ Visa, Long quyết định tìm một ngân hàng để rút tiền trước khi trời quá khuya.

Anh đi dọc hết mấy con phố nhưng không thấy điểm rút tiền tự động nào. Long bắt gặp một cậu học sinh mặc đồng phục đang thất thểu như bị điểm kém không dám về nhà.

- Em ơi, cho anh hỏi giùm ngân hàng ở đâu?

Thằng bé ngước nhìn anh như người bị điếc.

- Anh hỏi gì cơ? Anh nói tiếng Khmer được không?

- Thì tao đang nói tiếng khơ me đây còn gì. Xung quanh đây có ngân hàng không? Long phát bực khi trình độ ngoại ngữ của anh không hề khá lên.

- Xin lỗi, anh muốn tìm nhà hàng hay ngân hàng...?

Nếu có người khác gần đó chắc hẳn anh sẽ nhảy sang hỏi thay vì cất vấn một đứa ngốc. Nhìn quanh không còn ai đi bộ. Long nhẫn nại uốn lưỡi nói từng từ một cho thằng bé. Nhưng vội nghĩ ra một cách hiểu quả hơn, anh ra hiệu thằng bé nán lại rồi lấy tấm card của cô gái mới quen ra gọi.

Vẫn chất giọng pha nam bộ dễ nghe của cô gái bán vé chiều nay nhấc máy. Long xởi lởi:

- Lại làm phiền em. Đã khuya nhưng thú thực tôi muốn nhờ em nói với thằng bé này chỉ giùm điểm rút tiền tự động ở đâu được không.

- Nó không hiểu anh nói gì đúng không? - Cô gái cười nhẹ nhàng trong máy. –

Không sao, anh đưa máy cho nó nghe đi.

Long đưa chiếc điện thoại cho cậu học sinh đang đứng sờ sờ trước mặt. Nó ngơ ngác áp máy lên tai. Khuôn mặt tối tăm của hắn rạng lên đôi chút. Hắn nói mấy tiếng khmer gì đó rất nhanh rồi chỉ tay về sau con phố vừa đi. Long ngoái lại nhìn con phố dài có những dãy nhà cao tầng đang sáng đèn phía sau lưng. Một loạt các công trình công cộng sang trọng mới mọc lên. Các ngân hàng thường chọn địa điểm đặt trụ sở ở những nơi trung tâm như thế này. Chợt hiểu ra, anh quay lại thì thằng bé như không cánh mà bay. Chiếc điện thoại của anh đang nằm trong tay hắn. Long tá hỏa lao về phía trước. Thằng bé đã chạy biến vào ngõ hẻm. Anh đuổi theo nhưng nó đã mất hút giữa dãy nhà thấp.

- Bắt lại, bắt lại...! – Long hét lên ngây dại giữa phố xá vắng hoe.
Bình Luận (0)
Comment