Ôn Lại Chuyện Ngày Xưa

Chương 20

“Sau đó thì sao?”

“Sau đó? Sau đó mọi người không gặp được nhau nữa.”

“Không phải,” Anh chống cằm nhìn tôi, “Sau khi em vào Nam.”

“À…”

Tôi bất giác đổi tư thế, ngồi trong góc sô pha, hỏi ngược: “Em chưa kể với anh à?”

“Không kể nhiều.”

“Thời gian đó anh không có mặt.”

“Anh biết, hồi ấy anh vẫn đang lạc hướng.”

Anh tự chế nhạo, nhưng cuối câu chợt nghiêm túc, cười gượng hai tiếng rồi im lặng.

Trong nhà chỉ có hai người, sự yên tĩnh đột ngột này khá khó chịu.

“Được, để em kể anh nghe. Thật ra cũng không có gì, sau khi nhà em chuyển tới…”



Sau khi nhà tôi chuyển tới đã gặp rất nhiều khó khăn.

Bây giờ thì tôi đã hiểu việc chuyển việc là vấn đề cực kỳ phức tạp, liên quan đến hồ sơ, biên chế, tiền lương với đủ loại bằng cấp, dù chính sách năm ấy khá lỏng lẻo nhưng vẫn khá rắc rối.

Nhà cửa cũng là vấn đề. Vì chuyển giao giai đoạn nên gia đình chúng tôi tạm thời sống trong ký túc xá sinh viên, ăn ở căng tin, ngủ trên giường tầng, tôi buộc phải trở thành bạn cùng phòng với bố mẹ.

Kể ra trải nghiệm ấy rất hiếm, chống chọi qua ngày bằng tinh thần lạc quan mù quáng. Cũng coi như tôi được hưởng một kỳ nghỉ hè trong lành, gió biển sóng nhiệt rồi trầu cau, một thị trấn phương Nam hoàn toàn khác.

Nhưng sau khai giảng, mọi chuyện mới trở nên tồi tệ.

Do thủ tục chuyển trường của bố mẹ chưa được hoàn thiện nên tình trạng trường lớp của tôi cũng bị ảnh hưởng, chỉ có thể dự thính. Cô chủ nhiệm đã 40 tuổi, xếp tôi ngồi bàn đơn ở dãy cuối cùng, các bạn ngồi trước rất cao to, ngước nhìn lên bảng thì quá nửa bị chặn bởi mấy cái gáy.

Cô ấy còn rất thích nói tiếng địa phương, khẩu hiệu “hãy giảng dạy bằng tiếng phổ thông” chẳng là gì trong mắt cô ấy. Dù lên lớp hay tan học, thỉnh thoảng cô sẽ nổi hứng nói tiếng địa phương, tôi dành một nửa thời gian của mỗi tiết để quan sát mọi người, hoặc cười theo hoặc im lặng để tỏ vẻ hòa đồng.

Tôi thường không biết trong ngày phải làm bài tập gì, liên tục hỏi các bạn xung quanh, về đến nhà nằm gục xuống bàn, vừa lau nước mắt vừa làm bài tập.

Nhưng tôi cũng không dám nói với ai, vì bố tôi đang soạn giáo án ở ngay sau lưng. Bàn trong ký túc xá rất thấp, ông buộc lòng còng lưng, bởi vậy mà về sau bị đau cột sống thắt lưng.

Quãng thời gian ấy, ngoài việc nhận thư thì không có lấy nổi một phút giây hạnh phúc, sau một hai tháng, cảm xúc tiêu cực tích tụ ngày càng nhiều, cuối cùng cũng bùng nổ.

Kíp nổ là thằng béo bàn bên, hắn chỉ đi học cho đủ chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm. Cuối lớp chỉ có hai bàn đơn, là tôi và hắn, thật trớ trêu.

Ngày nào hắn cũng đi học muộn, khoảng nửa cuối giờ học, hắn sẽ đi giày trượt trượt từ cửa sau vào lớp, cũng sai tôi mở cửa cho hắn.

Có một lần thằng béo đóng cửa quá tay, kẹp trúng tay tôi vào cửa. Cái đau đó đến giờ vẫn nhớ, nước mắt ứa ra, hét lên một tiếng ngắt lời cô giáo đang giảng bài.

Cảm xúc tâm lý không bắt kịp kích thích vật lý. Giá trị chiến đấu của tôi tăng vọt đột ngột, cũng không biết lấy đâu ra sức mạnh, tôi đứng dậy đẩy mạnh bàn ra cửa… Thằng béo bất ngờ, giày trượt mất trọng tâm khiến hắn ngã ra sau.

Rồi sau đó hỗn độn cả lên. Hắn đứng ngoài liều mạng đập cửa, tôi ngoan cố chống cự bên trong, tiếng ma sát mặt đất vang đau tai. Cô giáo trố mắt bảo tôi dừng lại, nhưng lúc ấy đâu có nghe vào?

Tôi hoàn toàn giả điếc, thế giới trước mắt ngập tràn bông tuyết, như một chiếc TV đời cũ không còn nhận được tín hiệu.

Rồi sau đó khi bố mẹ được mời đến trường, bọn họ mới bắt đầu nhận ra vấn đề của tôi, chạy vạy nhờ cậy để tôi có đãi ngộ hơn ở trường. Nhưng nói thật, những chuyện này đã không còn tác dụng, tôi không có bạn, thay vào đó càng có nhiều kẻ thù.

Tên mập có những trò rất bẩn thỉu, giả vờ vô tình làm đổ cốc nước của tôi, bất ngờ kéo cặp tôi xuống khi đang đi trên đường, đặt cho tôi biệt danh “con bé ngoại địa”… Mấy tháng trước mọi người còn gọi tôi là Lộc Lộc, Lý Miễn còn chạy bộ theo tôi, Ngô Thừa Thừa tíu tít với tôi, Ngụy Tiêu hát cho tôi nghe, Từ Chi Dương đợi tôi tan học.

Khoảng cách đã tát tôi một vố đau.



Tôi cũng liên lạc với Lâm Hiếu Thành trong thời gian đó. Lúc ấy tôi rất dễ xúc động, đôi khi nhạy cảm hay gây gổ, đôi khi lại lầm lì, vừa khóc vừa lật giở những món đồ ngày trước, kết quả phát hiện địa chỉ của Lâm Hiếu Thành trên bức thư nằm ở thành phố lân cận.

Vậy là tôi đã viết thư cho cậu ta, khiêm tốn hỏi cách mắng chửi bằng tiếng địa phương, sau đó nhanh chóng nhận được thư trả lời, cứ thế quan hệ ngày một thân thiết.

Mà trái lại, liên lạc với nhóm bạn dường như đang dần bị đứt đoạn từng chút một. Thật ra tôi từng nhận được thư của Lý Miễn, là một bảng điểm kèm một tờ giấy viết: “Ngô Thừa Thừa nói, cậu hỏi cậu ấy thành tích của tớ thế nào, tớ gửi cậu xem.”

Tôi đoán có lẽ cậu ấy chưa bao giờ viết thư cho người khác.

Cũng nhận được thư của Từ Chi Dương, cậu ấy kiểm tra rất nhiều thông tin địa phương, nói tôi biết món nào ăn ngon chỗ nào chơi vui.

Còn nhận được cả bưu thiếp của Ngụy Tiêu.

Mà đương nhiên nhiều nhất vẫn là Ngô Thừa Thừa, cậu ấy là trung tâm tình báo của tôi. Nên nếu thắc mắc chúng tôi dần dần mất liên lạc thế nào, thì ngoài ảnh hưởng của khoảng cách và không gian, khả năng lớn nhất là ảnh hưởng từ lá thư kia của cậu ấy.

Vào một ngày đông đầu tiên không có tuyết rơi trong đời, trên đường tan học, tôi mở thư của Ngô Thừa Thừa. Hồi ấy mới thịnh hành trào lưu tạp chí trường, cậu ấy cũng bị ảnh hưởng, giữa những hàng chữ toát lên “ý thơ của thiếu nữ e ấp tình cảm” – bức thư ấy viết về một tình yêu thầm kín.

Cậu ấy phát hiện mình thích một người.

Tôi đọc tiếp, tim đập càng lúc càng nhanh, khi đọc tới câu cuối thì da đầu run lên.

“Tớ cảm thấy mình thích…”

*Soạt* một tiếng lật mặt sau lại, là hai chữ nắn nót viết bằng bút máy: “Lý Miễn.”

Tôi đứng đờ tại chỗ.



“Con bé ngoại địa!”

“Con bé ngoại địa!”

Tôi ngơ ngác cầm bức thư, bất chợt hoàn hồn, thấy thằng béo chạy đến trước mặt, thịt trên người rung lên theo bước đi.

“Ồ, nhìn mày có nhiều thư quá ha, cầm nhiều thế có nổi không.” Hắn giơ tay toan cướp của tôi, tôi lập tức né người, cúi đầu đi tiếp, trong đầu toàn là chuyện về Lý Miễn.

Không ngờ hắn ta lại đuổi theo, kéo mạnh bím tóc đuôi ngựa của tôi. Tôi bị kéo đổ người về sau, thư trong tay rơi xuống.

“Cậu làm gì thế! Thả tớ ra!” Muốn nhặt nhưng không thể, thế là trở tay túm lấy hắn, song lại không thoát được.

Trông hai đứa như đang đánh nhau.

Mà cũng thật khéo, lúc ấy đang độ mùa mía, đâu đâu cũng thấy các gánh hàng bán mía.

Có một gánh bên cạnh chúng tôi. Ông chủ vừa cắt một khúc, tôi tiện tay cầm lấy vung ra sau, cũng chẳng để ý đã đâm trúng chỗ nào của hắn, cảm giác trên đầu nhẹ đi, vội vàng nhặt thư chạy về nhà.

Buổi tối, tôi nằm gục trên bàn viết thư trả lời, nhưng ghi được vài chữ lại xé bỏ, không biết nên nói gì. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi cầm thẻ điện thoại chạy ào xuống lầu.

Dưới ký túc xá có bốt điện thoại công cộng, tối nào cũng có một hàng dài người đứng xếp hàng chờ. Đội ngũ dịch chuyển nửa tiếng mới đến lượt tôi.

“Cháu chào chú Ngô, Thừa Thừa có nhà không ạ?”

“Ôi chao, là Lộc Lộc đấy hả, nhà cháu giờ sao rồi? Ở trong đó có ổn không, ngoài nhà tuyết rơi nhiều lắm, có phải chỗ cháu ấm lắm không?”

“Vâng, mọi chuyện vẫn ổn ạ…”

“Công việc của bố mẹ cháu thế nào?”

“Bình thường ạ… Chú Ngô, Thừa Thừa có ở đó không ạ?”

“À, nó đi học thêm chưa về, bây giờ tụi nhỏ đang ôn Olympic Toán học.”

“… Vâng ạ, vậy cháu gọi lại sau, chào chú Ngô.”

“Đợi Thừa Thừa về, chú sẽ bảo nó gọi điện cho cháu.”

“Không cần ạ, đây là điện thoại công cộng… Nhà cháu vẫn chưa lắp máy bàn.”

Và cũng không thể lắp được, vì ký túc xá không có đường dây điện thoại.

48 giây, tôi cúp máy, chán nản rời khỏi đội ngũ.



Thứ hai đến trường, cô giáo nói tôi làm xước mắt tên béo, phụ huynh nhà hắn không chịu bỏ qua, gọi bố tôi tới trường.

Từ nhỏ đến lớn tôi luôn là con ngoan trò giỏi trong mắt cô thầy, nhưng không ngờ mới ở đây một thời gian ngắn ngủi, phụ huynh đã “tiến cung lần hai”.

Trên đường về, bố con tôi không ai nói chuyện, lúc đi ngang qua quầy bánh, bố hỏi tôi có muốn ăn gì không.

Tôi đáp có.

Hai bố con đứng trước quầy, tôi lắm lời hỏi: “Dì ơi, bánh này nhân gì ạ?”

Dì ấy trả lời bằng phương ngữ, thấy tôi không hiểu thì bổ sung: “Một tệ.”

Tôi nhìn bố, gật đầu: “Vâng, là nhân gì ạ?”

“Một tệ!”

Không hiểu vì sao lúc ấy lại cứ cố chấp với vấn đề này, tôi vụng về truy hỏi: “Nó là nhân mặn hay nhân ngọt?”

Dì ấy bực bội bắn cả tràng phương ngữ, cuối cùng cao giọng quát: “Một tệ là một tệ!”

Đúng, dì ấy chỉ biết mỗi câu đó trong tiếng Quan thoại.

Ngay lúc ấy, một cảm giác cô lập dâng trào từ mọi hướng đã nhấn chìm chúng tôi, hai chân bất động như bị đóng đinh xuống đất. Thời điểm tuyệt vọng thật sự là quả pháo câm, rơi xuống không tiếng động.

Một lúc lâu sau, bố nắm tay tôi nói: “Chúng ta không ở đây nữa, chuyển nhà.”



Về sau chúng tôi lại chuyển nhà lần nữa, tới thành phố rộng hơn ở bên cạnh, nhiều dân tứ xứ nên cũng dễ thở hơn, cuộc sống của gia đình tôi đã trở lại đúng hướng.

Thực ra đây chính là quê nhà của Lâm Hiếu Thành, chúng tôi trở thành bạn cấp 3.

Tôi và Lý Miễn hoàn toàn cắt đứt liên lạc, cậu ấy cứ như đã biến mất. Nghe Ngô Thừa Thừa kể bố mẹ cậu ấy đã ly hôn trước kỳ thi tuyển cấp 3, sự việc rất ồn ào, cậu ấy bị ảnh hưởng, không thi đậu trường cấp 3 trọng điểm, cũng dần dà tách biệt khỏi mọi người.

Tôi và Ngô Thừa Thừa vẫn thân thiết như xưa, chỉ là không ai nhắc đến lá thư đó nữa, mà có vẻ cậu ấy cũng quên rồi.

Tôi vẫn giữ liên lạc với Từ Chi Dương, kể cả khi chuyển nhà lần hai, không bị gián đoạn.

Ngụy Tiêu vẫn khiến tôi ngạc nhiên như thường. Cậu ấy bỏ thi đại học, đeo cây đàn ghi-ta trên lưng, một mình lên Bắc Kinh lang bạt.

Tôi thường ngẩn ngơ nhìn món đồ sứ trang trí nọ. Bàn đu vẫn đung đưa, nhưng năm đứa trẻ đã bước đi trên con đường khác nhau.*Qin: Trời ơi em tôi.:((((((((( Về đây chị thương.:(((
Bình Luận (0)
Comment