Ôn Lại Chuyện Ngày Xưa

Chương 45

Hình như là vào cuối năm ngoái, tôi đang lướt Weibo thì đọc được tin nghiên cứu sinh tự sát không thành, biên tập là Trần Nhiên. Lúc ấy dư luận rất xôn xao, tôi chấn động nhìn chằm chằm màn hình, đến nỗi hoàn toàn không nghe thấy Lý Miễn nói chuyện.

“Này.” Mãi tới khi bị đập vào gáy, “Nhìn gì đấy?”

“Hả?”

“Dịch tay đi chỗ khác, đã phụ thì phải tập trung vào.”

“À à à,” Lúc này mới rụt cái tay thừa thãi về, nhìn anh dán câu đối Tết, lùi một bước hỏi tôi, “Có bị nghiêng không?”

“Thẳng lắm, quá lợi hại.”

Lý Miễn hừ một tiếng, dù lời khen không có tâm nhưng anh vẫn rất hưởng thụ. Anh xoay người thu dọn băng keo hai mặt rơi dưới cửa, tiện hỏi: “Thấy gì trên điện thoại à?”

“Trên mạng đang xôn xao vụ một sinh viên bị giảng viên bức tự sát, may mà cứu được.”

“Tại sao luôn có chuyện như vậy nhỉ,” Anh vừa mở cửa vừa nói, “Lấy được tin này ắt cũng không dễ dàng.”

Tôi theo anh vào phòng, ngồi xuống ghế, đăm chiêu nói: “Em quen phóng viên này, ngày trước cùng thực tập chung ở tòa soạn, bọn em đều được Tiêu Kính hướng dẫn.”

“Cái gì?” Lý Miễn nhớ lại, “Anh nhớ em thực tập xong thì không còn ý định làm phóng viên nữa mà, người ta ngược lại em à?”

“Ừm…” Tôi mím môi, làm vẻ thần bí, “Đó là vận mệnh.”

“Hồi ấy em đã gây họa đúng không? Anh vẫn còn nhớ.”

“Cùng nhau gây họa.”

Không phải tôi đang kiếm cớ cho mình, mà năm ấy đúng là tôi với Trần Nhiên đã cùng gây họa, cũng đẩy chúng tôi đi trên con đường lựa chọn nghề nghiệp khác nhau.

“Sau sự việc đó em không muốn làm phóng viên nữa, còn cô ấy càng cương quyết theo đuổi, là bởi vì tính cách bọn em khác nhau. Bản chất của cô ấy là người chủ nghĩa lạc quan, còn bản chất của em là bi quan.”

Lý Miễn tựa vào bàn ăn kẹo Nougat, đùa: “Em suốt ngày hi hi ha ha vô tâm, có thấy bi quan đâu.”

“Vậy có nghĩa là anh không chạm đến được bản chất tinh thần của em.”

Anh ngạc nhiên, cười phì một tiếng, suýt phun cả kẹo ra ngoài, nói: “Thế chứng tỏ em có bản lĩnh lắm, che giấu được 20 năm.”

Tôi đang cảm thán, chẳng mấy khi được dịp sâu sắc như thế, mặc kệ anh ngắt lời, nói tiếp: “Khi nhìn thấy mặt tối nào đó thì bản năng con người sẽ muốn thoát ra, nhưng nếu nghĩ kỹ lại, ta sẽ có câu trả lời khác. Người lạc quan làm việc chăm chỉ để mọi thứ tốt hơn, ngay cả khi năng lực của họ có hạn, còn người bi quan cảm thấy có quá nhiều đau khổ ở đây, cần phải tìm một đường vòng lối tắt khác.”

Lý Miễn im lặng, tiện tay thảy cho tôi một cục kẹo, đoạn nói: “Đi đường vòng lối tắt cũng là vì để chuyện được tốt hơn, không phải Lỗ Tấn đã bỏ Y theo Văn đấy sao, còn em bỏ phóng viên theo điện ảnh, đúng không quản lý Khương?”

“Cái gì chứ…” Tốt nghiệp xong tôi vào làm ở một công ty điện ảnh, cũng đã gần 5 năm, sự nghiệp cũng khá xuôi cheo. Tôi bị anh chọc cười, bóc kẹo đút vào miệng, xấu hổ đáp, “Vẫn chưa được phê duyệt thăng chức, đừng gọi em như thế.”

“Không ngờ anh cưới được một người phụ nữ thành công, có tài đức gì chứ.” Anh lắc đầu.

“Ây da anh đủ rồi đấy!” Dù nói vậy nhưng khóe miệng đã toét tới tận mang tai, thật sự không khác gì Lý Miễn.

Cười đùa xong, tôi bình tĩnh trở lại, nhớ đến đánh giá của Tiêu Kính lúc ấy. Anh ta nói tôi là người chủ nghĩa hiện thực, Trần Nhiên là người chủ nghĩa lý tưởng, ắt cũng có cái lý nhất định.

Để tham gia tranh cử ủy viên tuyên truyền, tôi tạo cho mình giấc mơ làm phóng viên, sau đó lại đổi thành làm ủy viên đại đội; vì trốn tránh Toán cao cấp, tôi vào tòa soạn báo để thực tập, khi gặp chướng ngại vật, tôi cũng sẽ thay đổi hướng đi.

Những người không có lý tưởng là những người bình thường và thực tế.

Còn Trần Nhiên thì, từ lâu tôi đã biết kiểu gì cô ấy cũng sẽ trở thành phóng viên xuất sắc. Buổi tối lướt điện thoại, thấy Tiêu Kính đăng bài đầu tiên trong Wechat.

Anh ta nói: Nghe nói trong tòa soạn lộn xộn, cứ như quay về 7 năm trước.



Nghỉ hè năm 2012, vẫn đang thực tập. Đó là vào một ngày rất bình thường, họp chọn chủ đề, tôi và Trần Nhiên gặp nhau dưới tòa soạn báo, khi vào cửa thì trông thấy một bà cụ.

Dáng người lom khom, tóc muối tiêu, mặt đầy nếp nhăn, vẻ ngơ ngác. Trời nắng chang chang lại mặc áo dài tay, kiểu dáng giống đồng phục công nhân những năm 80, có vài chỗ đã bạc màu.

Bà ngồi trên bậc cấp cạnh tòa soạn, cách mái hiên râm mát vài bước, tay cầm một tấm ảnh đen trắng và một mảnh bìa cứng có chữ to. Hai chúng tôi không hẹn mà cùng đi chậm lại, đọc rõ chữ bên trên:

Trả lại công bằng.

Những người như vậy xuất hiện ở cổng tòa soạn rất thường xuyên, tìm kiếm công bằng một cách vụng về vô ích. Thời gian trôi qua quá nhanh, khiến họ bị tụt lại phía sau, không gian cho diễn ngôn trực tuyến đã mở rộng, nên với bọn họ lại càng thêm bất lực.

Hai người nhìn nhau, đọc được suy nghĩ của đối phương. Trần Nhiên bất đắc dĩ nói: “Em e bà ấy sẽ bị cảm nắng mất, không có chỗ râm nào.”

“Vì bảo vệ không cho bà ấy tới gần.” Tôi thở dài, nhìn xung quanh, “Chúng ta cũng không lo được đâu, hay đi mua cho bà ấy chai nước đi.”

Nhìn đồng hồ, thời gian vẫn sớm, và lúc này tôi đã đưa ra một quyết định sai lầm. Chúng tôi mua nước khoáng ở cửa hàng tiện lợi gần đó, lúc đưa cho bà ấy thì bị từ chối.

Bà ấy hỏi tôi có phải là phóng viên không, ánh mắt đục ngầu đầy tha thiết.

Lúc ấy bài viết về ô nhiễm đã được đăng báo, Trần Nhiên trả lời là phóng viên thực tập, bà ấy vội chụp lấy cổ tay như bắt được cọng rơm cứu mạng.

Hai chúng tôi đứng còn bà thì ngồi, cảm giác bị ngước nhìn van xin rất khó chịu, khiến người ta bất giác khuỵu gối… Và tiếp theo là một loạt các sai lầm.

Tôi và Trần Nhiên đã dành 15 phút để nghe bà ấy than thở về đủ thứ bất công cùng những bi kịch do việc phá nhà gây ra: Sống hơn nửa cuộc đời, gia đình và người thân không còn nữa, tách biệt với xã hội, đấu tranh vì công lý thì gặp trở ngại liên tục.

Bà ấy nói, phóng viên trong tòa soạn đều là người có văn hóa, bà ấy tin.

Mục đích của việc học báo chí là gì? Có phải là nên cố gắng lấp đầy những khoảng trống trên thế giới không! Cảm giác sứ mệnh dâng trào thật sự có cuốn người ta đi, chúng tôi trốn tránh bảo vệ, lén đưa bà lão vào tòa soạn, thề sẽ mời Tiêu Kính làm chủ công lý.



Kết quả không ai ngờ được. Bà lão không chịu ngồi yên chờ chúng tôi mà xông thẳng vào cuộc họp chọn chủ đề. Bà tin phóng viên, nhưng có lẽ không tin phóng viên thực tập, bắt được cơ hội giải oan là lập tức dở kinh nghiệm “quấy phá”.

Tôi và Trần Nhiên mắt tròn mắt dẹt, nhưng cả hai không ngăn nổi, chẳng mấy chốc đã loạn xà ngầu. Bà ôm xấp ảnh ngồi trên bàn họp gào khóc, túm các phóng viên đòi công bằng, liên tục gào chết.

Không ai dám động vào bà, lớn tuổi rồi, sợ có chuyện chết người lại phiền. Trong hỗn loạn, không biết bà cụ lấy từ đâu ra một xấp tiền giấy ném lên không trung, ngay lập tức tất cả như đứng hình, tiền giấy màu vàng bay bay trên đầu, rơi xuống mặt bàn, lại bị giẫm dưới chân.

Tiêu Kinh nổi điên, quát lớn: “Hai người các cô đi ra ngoài cho tôi! Gọi bảo vệ! Báo cảnh sát!”



Tôi và Trần Nhiên dựa vào tường ở dưới cầu thang.

Sợ hãi im thin thít, không biết vì sao chuyện lại thành ra nông nỗi ấy. Một lúc sau, cửa phòng chữa cháy được đẩy ra, đèn hành lang bật sáng, Tiêu Kinh bình tĩnh bước vào.

“Là ý của ai?”

“… Của em ạ.” Tôi cúi đầu, ấp úng trả lời.

“Không cần thực tập nữa, nói với thầy là tôi không hướng dẫn cô được.”

Trần Nhiên nghe thế, vội ngẩng đầu nhìn anh ta nói: “Không phải ý của riêng ai cả, là của hai chúng em.”

“Vậy cô cũng không cần đến nữa.”

Hai chúng tôi im bặt, không dám thở mạnh, trong phòng chỉ còn tiếng hít thở phẫn nộ của Tiêu Kinh. Anh ta đi vòng vòng tại chỗ, nói: “Các cô chỉ là thực tập mà nghĩ mình là ai hả, bồ tát cứu khổ hay sứ giả công lý?”

“Bọn em định mời anh đứng ra bảo vệ công lý, không ngờ sự việc lại như vậy.” Trần Nhiên run run phản bác.

“Mời tôi bảo vệ công lý?” Tiêu Kính nhìn cô ấy chằm chằm, vẻ mặt phức tạp gần như là tự giễu, “Cô nghĩ, tôi và cô là ai?”

“… Anh là phóng viên.”

Tiêu Kinh tức giận ngẩng đầu lên. Một lúc sau, anh ta mới nói: “Việc phá dỡ rất phức tạp, không phải chuyện gì cũng có thể nhúng tay, cũng không phải chuyện gì tôi cũng có thể giải quyết, và không phải chuyện gì cũng có thể phơi bày, phóng viên không phải toàn năng, nếu các cô còn ngây thơ và liều lĩnh như vậy thì hãy dẹp ngay suy nghĩ của mình đi.”

Tôi như bị đóng đinh bởi những câu phủ định liên tục của anh ta, nhiều suy nghĩ lạc hướng, chỉ toàn tiêu cực.

Hai chúng tôi ngồi xổm ở gốc tường, Tiêu Kính đang đứng, cũng bất giác ngồi xổm xuống. Anh ta nói với tôi: “Quay về làm luận văn đi, tôi đã nói chuyện với thầy rồi, chuyên ngành của cô là số liệu thống kê, làm nghiên cứu thực nghiệm có lợi thế, trong tương lai cũng có thể làm số liệu tin tức.”

“Còn Trần Nhiên, cô mới năm 2, vẫn còn nhiều thời gian suy nghĩ lại.”



Mặt trời ngả bóng về tây, tôi và Trần Nhiên chia tay nhau ở cửa tòa soạn, kỳ thực tập kết thúc bằng một dấu chấm không trọn vẹn.

“Sau này chị định làm gì?”

“Chị vẫn nên làm luận văn thôi, theo học thuật cũng không phí chuyên ngành.” Tôi đứng trên bậc thềm, tà dương ấm áp chiếu xuống, khác với nắng gắt ban sáng, “Còn em?”

Trần Nhiên nhún vai, “Anh ấy nói phóng viên không phải toàn năng, nhưng tính ra vẫn có thể làm gì đó chứ, nếu không vì sao anh ấy lại làm phóng viên? Không phải anh ấy đã giúp người lao động lấy lại tiền công à?”

“Vậy em cố lên nhé, phóng viên Trần.”

Cô ấy mỉm cười chào tôi: “Tạm biệt tiến sĩ Khương.”

Đó là lần cuối cùng tôi gặp cô ấy.



Tôi đứng trước giá sách kiễng chân tìm kiếm, bụi rơi xuống, đang định né thì Lý Miễn đứng sau lưng đã nhẹ nhàng che mũi lại cho tôi.

“Lại làm gì đấy?”

“Tìm vài cuốn sách.”

“Sách gì, anh lấy cho.”

“Tài liệu hồi học cao học.”

Anh lấy xuống, phủi bụi bám ngoài trang bìa rồi nói: “Tìm cái này làm gì, bỏ mấy năm rồi mà.”

“Muốn xem lại thôi.”

“Có phải hôm nay em thấy người ta đưa tin, nên lại có hứng thú không.”

“…” Không biết vì sao lại thấy xấu hổ khi phải thừa nhận, đành đánh trống lảng: “Đúng là nhiều năm rồi không đọc.”

Kéo ghế ra, mở sách vở nhìn những ghi chú do mình để lại, tôi trầm ngâm: “Anh nói xem, có phải em là người rất không có lý tưởng không, việc gì cũng không kiên trì tới cùng, lãng phí cả chuyên ngành.”

“Hôm nay em rất lạ.”

“Chỉ là cảm thấy bản thân vô dụng quá thôi…”

“Ai bảo, anh không đồng ý.” Có lẽ nhận ra sự mất mát ở tôi, anh nói, “Khủng hoảng tuổi trung niên à?”

“Lý Miễn anh thật là… tránh ra!” Tôi cúi đầu đọc sách.

Anh đi ra thật, nhưng một lúc sau lại quay vào, đặt xuống một chồng tài liệu: “Khương Lộc, anh cảm thấy em làm gì cũng tốt, nếu muốn thi tiến sĩ thì cứ thi thôi.”

“… Sao anh biết em muốn thi tiến sĩ?” Tôi ngẩng đầu.

“Nhìn là biết thôi.” Anh nắm mặt tôi, “Cái gì mà không chạm đến được bản chất tinh thần của em, hả? Lặp lại lần nữa?”



Từ sau lần đó, tôi vừa đi làm vừa tranh thủ học tập, bỏ dở chuyên ngành quá lâu nên quay lại rất khó, vược mọi chông gai mới đi được đến bây giờ.

Đa số mọi người đều bình thường, nói ra hai chữ “lý tưởng” chói lọi mới gượng làm sao.

Nhưng người không có lý tưởng cũng thật đáng thương, dẫu đi đường vòng vẫn phải tìm được chuyện mình muốn làm.
Bình Luận (0)
Comment