Papillon - Người Tù Khổ Sai

Chương 19

Đến sáu giờ sáng, tám người lính và hai người cảnh binh do một trung úy chỉ huy khóa tay chúng tôi lại và đưa chúng tôi lên một chiếc xe tải nhà binh. Chúng tôi lên đường đi Baranquilla. Xe vượt qua cái khoảng cách một trăm tám mươi cây số trong ba tiếng rưỡi đồng hồ. Đến mười giờ sáng chúng tôi đã đến cái nhà tù được gọi là "80", calle Medellin ở Baranquilla. Bấy nhiêu cố gắng để đừng đi Baranquilla mà rốt cục vẫn đến đây rồi!

Đây là một thành phố lớn. Hải cảng quan trọng nhất của xứ Colombia trên Đại Tây Dương, nhưng đặt ở phía trong cửa sông Rio Magdalena. Nhà tù của nó cũng là một nhà tù lớn: bơn trăm tù nhân và gần một trăm giám thị. Nó được tổ chức như mọi nhà tù ở châu âu. Hai bức tường có đường đi tuần tra, cao hơn tám mét. Bộ chỉ huy của nhà tù, đứng đầu là viên giám đốc Don Gregorio, đón tiếp chúng tôi. Nhà tù có bốn khoảng sân. Hai bên này, hai bên kia. Giữa hai bên là một cái nhà thờ dài trong đó thường làm lễ mi-sa, những cũng dùng làm nơi tiếp khách. Chúng tôi được phân vào cái sân dành cho những tù nhân nguy hiểm nhất.

Khi lục soát họ đã phát hiện được số tiền hai mươi ba ngàn pesos và hai mũi tên. Tôi tự thấy có bổn phận phải nói trước cho ông giám đốc biết là mấy mũi tên này có tẩm thuốc độc, và điều đó chẳng có gì làm tăng được mối thiện cảm của họ đối với chúng tôi.

- Mấy thằng Pháp ấy có cả tên độc nữa đấy?

Bị giam trong cái nhà tù Baranquilla này đối với chúng tôi là thời đoạn nguy nhất trong cuộc phiêu lưu của chúng tôi. Thật vậy, chính đây là nơi mà chúng tôi sẽ bị giao lại cho nhà chức trách Pháp. Phải, Baranquilla đối với chúng tôi chung quy là cái nhà tù khổng lồ của nó, làm thành một điểm mốc. Nhất định phải vượt ngục bằng bất cứ giá nào, dù có phải hy sinh đến đâu cũng bất chấp. Canh bạc này tôi phải đánh xả láng.

Phòng giam của chúng tôi ở chính giữa sân. Vả chăng đấy không phải là một căn phòng mà là một cái chuồng: một cái mái bằng xi-măng đặt trên những dãy chấn song lớn, ở bốn góc có chỗ rửa mặt và đi ngoài. Những người tù khác, có khoảng chừng một trăm, được phân vào những căn buồng khoét trong bốn bức tường của khoảng sân rộng hai mươi mét trên bốn mươi, mỗi buồng có một dãy chấn song trông ra sân. Mỗi dãy chấn song có lợp một thứ mái hiên bằng tôn để cho mưa khỏi hắt vào buồng giam. Chỉ có sáu tù nhân người Pháp chúng tôi trong cái chuồng trung tâm để hở bốn bên, đêm ngày đều phô ra trước mắt các tù nhân khác, nhưng nhất là trước mắt bọn lính gác.

Suốt ngày chúng tôi có thể ra sân hay vào chuồng tùy ý, từ sáu giờ sáng đến sáu giờ tối. Ở ngoài sân có thể nói chuyện, đi dạo, thậm chí ăn uống cũng được. Chúng tôi đến được hai ngày thì họ tập trung cả sáu người trong nhà thờ trước mặt ông giám đốc, mấy viên cảnh sát và bảo toán phóng viên nhiếp ảnh.

- Các anh là tù vượt ngục từ trại khổ sai Pháp ở Guyane?

- Chúng tôi chưa bao giờ phủ nhận điều đó.

- Mỗi người trong các anh đã phạm những tội gì mà bị xử nghiêm khắc như vậy?

- Điều đó không có gì quan trọng. Điều quan trọng là chúng tôi không hề làm điều gì phạm pháp trên đất Colombia, thế mà nước các ông không những khước từ cái quyền của chúng tôi được làm lại cuộc đời, mà còn cam tâm làm kẻ săn người, làm hiến binh cho chính phủ Pháp.

- Nước Colombia nghĩ rằng mình không được chấp nhận các anh vào lãnh thổ.

- Nhưng bản thân tôi và hai người nữa, trước đây cũng như hiện giờ, chúng tôi đều nhất quyết không ở trên đất này. Người ta đã bắt ba chúng tôi giữa biển chứ không phải trong khi đang đổ bộ lên đất này. Ngược lại lúc ấy chúng tôi đang cố hết sức đi thật xa nước các ông.

Phóng viên một tờ báo công giáo nói:

- Người Pháp hầu hết đều là người công giáo, cũng như người Colombia chúng tôi vậy.

- Có thể các người đều được rửa tội theo công giáo, nhưng cách xử sự của các người ít có gì giống với cách xử sự của người thờ Chúa.

- Thế anh trách cứ chúng tôi những gì?

- Các người là những kẻ cộng tác với bọn cai ngục đang săn đuổi chúng tôi. Hơn nữa các người làm chính cái việc của bọn họ. Các người đã tước đoạt chiếc thuyền của chúng tôi với tất cả những đồ đạc thuộc quyền sở hữu của chúng tôi, mà đó lại là quà tặng của những người công giáo trên đảo Curacao được Đức Giám mục Irénée de Bruyne tôn quý đại diện. Chúng tôi không thể chấp nhận rằng các người không chịu để cho chúng tôi tìm cách tự phục hồi, và tệ hơn nữa các người không cho chúng tôi đi tiếp bằng phương tiện của chính chúng tôi để tìm đến một đất nước nào có thể thừa nhận khả năng đó. Điều này thì không ai có thể dung thứ được.

- Các anh oán trách người Colombia chúng tôi ư?

- Không phải bản thân người Colombia, mà cái hệ thống luật pháp và công an của họ.

- Anh muốn nói gì?

- Tôi muốn nói rằng mọi sai lầm đều có thể sửa lại khi người ta muốn. Các người hãy để cho chúng tôi ra đi bằng đường biển đến một nước khác.

- Chúng tôi sẽ cố gắng đòi quyền đó cho các ông.

Khi chúng tôi trở ra sân Maturette nói với tôi:

- Đấy? Anh hiểu rồi chứ? Lần này thì không còn ảo tưởng gì nữa anh ạ! Chúng mình đã nằm trên chảo, và nhảy xuống chẳng dễ gì đâu.

- Các bạn ơi, tôi không biết là nếu hợp quần lại chúng ta có mạnh hơn không, nhưng tôi xin nói với các bạn rằng mỗi người từ nay có quyền muốn làm gì thì làm. Còn tôi, nhất định tôi phải vượt ngục ra khỏi cái nhà tù số "80" trứ danh này.

Hôm thứ năm họ gọi tôi ra phòng tiếp khách trong nhà thờ. Tôi trông thấy một người ăn mặc sang trọng trạc bốn mươi lăm tuổi. Tôi càng nhìn càng thấy giống Louis Dega lạ lùng.

- Anh là Papillon phải không?

- Vâng.

- Tôi là Joseph, em trai của Louis Dega. Tôi có đọc báo, cho nên bây giờ tôi đến thăm anh.

- Cám ơn.

- Anh có gặp anh tôi ở bên ấy không? Anh có quen anh ấy không?

Tôi kể lại cho Joseph nghe câu chuyện của Dega cho đến ngày hai chúng tôi chia tay ở bệnh viện. Anh ta cho tôi biết rằng Louis bây giờ đang ở Quần đảo Salut: anh ta biết tin này nhờ một bức thư gửi từ Marseille. Khách đến thăm tù ở nhà thờ của trại giam là vào ngày thứ năm và ngày chủ nhật. Joseph nói với tôi rằng ở Baranquilla có độ mươi, mười hai người Pháp đem vợ con sang đây để tìm cách làm giàu. Họ đều làm nghề trùm điếm. Trong một khu vực riêng của thành phố có khoảng gần hai mươi gái điếm đang duy trì cái truyền thống cao cả của nước Pháp về nghệ thuật mãi dâm trang nhã và khôn khéo. Ở đây cũng vẫn những kiểu người đàn ông và đàn bà đúng hệt như từ Le Caire đến Liban, từ nước Anh đến nước Úc, từ Buenos-Aires đến Caracas, từ Sài Gòn đến Brazzaville, đang truyền bá trên khắp trái đất cái nghề chuyên môn xưa cũ như nhân loại: nghề mãi dâm và cách sử dụng nghề này để sống sung túc.

Joseph Dega cho tôi biết một điều thật hay ho: mấy ông trùm điếm ở người Pháp ở Baranquilla đang lo lắng. Họ sợ rằng chúng tôi đến ở nhà tù của thành phố này sẽ kinh động đến sự yên ổn của họ, làm phương hại đến cái ngành thương mại đang phồn vinh của họ. Quả nhiên, nếu trong chúng tôi có người vượt ngục, cảnh sát sẽ đến tìm những người đó trong các "casetas" của mấy cô điếm người Pháp, dù người vượt ngục không bao giờ đến nhờ cậy gì các cô hay các ông trùm cả. Hậu quả gián tiếp là công an có thể phát hiện ra khá nhiều điều: giấy tờ giả mạo, giấy phép cư trú quá hạn hay mất hiệu lực. Đi tìm chúng tôi sẽ đưa đến những cuộc kiểm tra căn cước và quyền cư trú. Trong khi đó có những người đàn bà và cả những người dàn ông nữa mà nếu bị lộ thì có thể phiền to. Như thế là tôi đã được thông báo kỹ tình hình.

Joseph Dega nói thêm rằng anh ta sẵn sàng giúp đỡ tôi bất cứ việc gì, thứ năm và chủ nhật nào anh cũng sẽ vào thăm tôi. Tôi cảm ơn con người tốt bụng ấy: về sau anh ta đã cho tôi thấy rõ rằng, theo các báo, nhà chức trách Colombia đã chính thức đồng ý trao trả chúng tôi cho nước Pháp. Tôi gọi các bạn lại.

- Thưa các Ngài. Tôi có rất nhiều điều cần thưa lại các Ngài.

- Gì thế - Cả năm cùng đồng thanh thốt lên một lượt.

- Trước hết là đừng có ảo tưởng. Việc trao trả đã quyết định xong xuôi. Một chiếc tàu đặc biệt của Guyane thuộc Pháp sẽ đến đây chở chúng ta về trại khổ sai. Thứ đến là sự có mặt của chúng ta gây ra nhiều lo âu cho mấy ông trùm đĩ đồng hương với chúng ta đã lập nghiệp trong thành phố này. Không phải cái ông vừa đến thăm tôi đâu. Ông này thì cóc cần. Nhưng các bạn đồng nghiệp của ông ta sợ rằng một người trong chúng ta vượt ngục thì họ sẽ gặp phải nhiều phiền hà.

Cả bọn cười phá lên. Họ tưởng tôi nói đùa. Clousiot nói:

- Thưa ngài ma-cô Jean Mỗ, xin ngài vui lòng chuẩn y cho tôi vượt ngục, có được không ạ?

- Thôi đừng giỡn nữa. Nếu mấy con đĩ có đến thăm ta, phải báo nó đừng đến nữa. Đồng ý chứ?

- Đồng ý.

Như tôi đã nói, trong sân của chúng tôi có khoảng một trăm tù nhân người Colombia. Họ tuyệt nhiên không phải là những thằng ngốc. Có nhiều tay thứ thiệt: kẻ trộm ưu tú, chuyên gia làm bạc giả, giấy giả, những tên bịp bợm tinh xảo, những tên chuyên cướp của có vũ khí, những tên buôn lậu ma túy mà mấy tên sát nhân chuyên nghiệp đã nhờ kinh nghiệm phong phú mà trở thành điêu luyện trong cái nghề này, một nghề rất tầm thường ở Châu Mỹ. Ở đây những kẻ giàu có, các chính khách và các phần tử lưu manh đã thành đạt đều thuê những tên sát nhân chuyên nghiệp này làm việc cho họ. Màu da của họ rất khác nhau. Từ nước da đen nhánh của người Sénégalais đến nước da màu lá trà của người Créoles ở Martinique thuộc Pháp; từ màu gạch của người Anh- điêng thuộc chủng tộc Mongoloid với bộ tóc trơn màu đen có ánh tím đến màu da trắng thuần chủng.

Tôi thử bắt liên lạc với họ, tìm hiểu khả năng và ý chí vượt ngục của một vài cá nhân được chọn lọc kỹ càng. Phần đông những người đó đều như tôi: vì bị xử dài hạn hoặc sợ bị xử dài hạn, họ sống trong tư thế luôn sẵn sàng vượt ngục. Trên chớp bốn bức tường của khoảng sân hình chữ nhật này có một con đường tuần tra ban đêm thắp đèn rất sáng, ở mỗi góc tường đều có một cái chòi canh nhỏ có một tên lính gác đứng ở trong. Như vậy đêm ngày lúc nào cũng có bốn tên lính canh thường trực, cộng thêm một tên nữa đứng trong sân, ở cạnh cửa nhà thờ. Tên này không cầm vũ khí. Thức ăn khá đầy đủ, và có nhiều tù nhân bày bán những món ăn và những món uống như cà phê hay nước ngọt làm bằng các thứ quả vùng này: cam, dứa, đu đủ, v.v... mua từ bên ngoài vào.

Thỉnh thoảng mấy gã tiểu thương này lại bị một vụ cướp bằng vũ lực được thực hiện một cách nhanh chóng lạ thường. Chưa kịp thấy có ai đến thì họ đã bị trùm lên một tấm khăn lớn không sao kêu cứu được nữa, kèm theo đấy là một mũi dao gí vào sườn hay vào cổ, chỉ cần nhúc nhích một cái là bị đâm sâu vào thịt. Nạn nhân bị lột hết số tiền thu được trước khi có thì giờ hiểu được việc gì đã xảy ra. Khi tấm khăn được bỏ ra thì đồng thời cũng có một quá đấm nện vào gáy. Không bao giờ có ai hở miệng nói gì sau khi sự việc đã xảy ra. Đôi khi người bán hàng "đóng cửa hiệu" nghĩa là cất hết những thứ hàng đang bán, và dò xem ai đã cướp mình. Nếu hắn dò ra được thì sẽ có một trận huyết chiến, bao giờ cũng dùng dao.

Hai tên kẻ trộm Colombia đến gặp tôi để bàn việc. Tôi lắng nghe họ rất chăm chú. Theo họ thì trong thành phố có những tên cảnh sát đồng lõa với kẻ trộm. Mỗi khi đến phiên tuần phòng của họ trong một khu vực nào đấy, họ báo cho đồng lõa biết để đến hành nghề trong khu vực này. Hai người khách của tôi biết hết những tên cảnh sát này và nói với tôi rằng nếu trong tuần này không có một trong những tên cảnh sát đó đến gác cửa nhà thờ thì thật là không maỵ Tôi phải làm sao có được một khẩu súng ngắn, do một người khách vào thăm đưa lén cho. Tên cảnh sát kiêm kẻ trộm kia sẽ dễ dàng nhận lời giả vờ bị chúng tôi bắt phải gõ vào cánh cửa sau của nhà thờ dẫn vào một trạm gác nhỏ gồm có bốn hay sáu tên lính canh. Trong lúc bất ngờ, bị chúng tôi chĩa súng vào mặt, bọn này sẽ phải để cho chúng tôi chạy ra đường. Lúc bấy giờ chỉ còn có việc trà trộn vào những người qua đường đi lại tấp nập ở đoạn này.

Tôi không thấy vừa lòng lắm với kế hoạch này. Muốn đưa một khẩu súng ngắn vào tù, đó phải là một khẩu súng cỡ rất nhỏ, tối đa là một khẩu 6,35. Một khẩu súng nhỏ như vậy rất có thể không đủ sức làm cho bọn lính gác hoảng sợ. Hoặc giả một trong bọn chúng có thể có một phản ứng bất giờ và chúng tôi sẽ đành phải giết hắn. Tôi từ chối. Không phải chỉ có tôi đứng ngồi không yên vì khát khao hành động, mà các bạn tôi cũng vậy. Chỉ có chỗ khác nhau là thỉnh thoảng, trong những ngày buồn nản, họ có khi đành lòng chấp nhập rằng chiếc tàu đến chở chúng tôi, sẽ gặp được chúng tôi còn ở trong nhà tù. Từ đó đến chỗ chịu thua không xa. Thậm chí họ còn bàn bạc xem thử về đến trại chúng tôi sẽ bị xử lý ra sao, phải chịu những hình phạt gì.

- Tôi không thể nghe nổi những câu chuyện ngu xuẩn của các cậu. Khi nào các cậu muốn nói muốn bàn đến cái thứ tương lai ấy, các cậu chớ để tôi nghe thấy, hãy kéo nhau ra một góc nào đấy mà bàn. Miễn đừng có lôi cái số phận mà các cậu nói tới chỉ có thể chấp nhận được nếu chúng ta đều là những kẻ tàn phế bất lực Các cậu đã tàn phế cả rồi sao? Trong đám các cậu có cậu nào bị thiến? Nếu có thì cho tôi hay. Vì tôi nói cho các cậu biết: khi tôi nghĩ đến vượt ngục, thì đó là vượt ngục cho cả bọn. Tôi nghĩ đến long óc ra để thu xếp cách vượt ngục chỉ vì tôi muốn cả bọn chúng mình cùng vượt ngục. Sáu người cùng vượt ngục không phải là chuyện dễ. Vì nếu chỉ mỗi một mình tôi thì khi thấy cái ngày ấy đã quá gần mà mình chưa làm được gì cả, tôi rất dễ giải quyết: tôi giết một tên cảnh sát Co-lom-bia để kéo dài thời gian. Tôi mà giết một tên cảnh sát thì họ không đời nào lại trao trả tôi cho nhà chức trách Pháp. Lúc bấy giờ tôi sẽ có thì giờ rộng rãi. Và vì trong trường hợp này tôi vượt ngục một mình, cho nên mọi sự sẽ dễ dàng hơn.

Hai người tù Colombia chuẩn bị một kế hoạch khác, cũng khá tinh xảo. Sáng chủ nhật vào giờ xem lễ, nhà thờ bao giờ cũng đầy những tù nhân và những người khách vào thăm. Lúc đầu mọi người cùng xem lễ rồi khi buổi lễ đã xong, trong nhà thờ chỉ còn lại những tù nhân có khách đến thăm. Hai người Colombia yêu cầu tôi chủ nhật tới sẽ vào nhà thờ xem lễ để nắm vững cách diễn biến và thu xếp chương trình hành động cho chủ nhật sau. Họ đề nghị tôi đứng ra làm người cầm đầu cuộc nổi loạn. Nhưng tôi từ chối cái vinh dự ấy: tôi chưa biết được thật kỹ những người sẽ cùng hành động. Tôi nắm vững được trong tay bốn tù nhân Pháp. Anh chàng người Bretange và anh chàng "Bàn là" không đồng ý tham gia. Cũng chẳng sao, họ chỉ có việc đừng đến nhà thờ. Đến ngày chủ nhật, chúng tôi, tức bốn người trong cuộc, sẽ đến dự buổi xem lễ. Cái nhà thờ này hình chữ nhật. Trong cùng là bàn thờ; ở khoảng giữa nhà thờ, mỗi bên có một cái cửa mở ra sân. Cửa chính đưa thẳng vào trạm gác. Cửa này có một dãy chấn song, ở bên kia là đội gác, gồm khoảng hai mươi cảnh binh. Cuối cùng, sau lưng họ là cửa ra phố. Vì trong mỗi buổi lễ, nhà thờ bao giờ cũng đông nghịt, bọn lính gác mở chấn song và xếp hàng sát cạnh nhau đứng chắn cửa trong suốt buổi lễ.

Trong số những người khách vào thăm tù nhân sẽ có hai người đồng lõa và mấy người khác giấu vũ khí trong người. Đó là mấy người đàn bà mang những khẩu súng ngắn buộc vào phía trong bắp vế. Khi mọi người đã vào trong nhà thờ, họ sẽ tuồn súng cho hai người đàn ông kia. Đó sẽ là hai khẩu súng cỡ to, 38 hay 45. Người tù đứng đầu cuộc nổi loạn sẽ nhận được một khẩu súng ngắn từ tay một người đàn bà, và người này sẽ lập tức ra khỏi nhà thờ. Hễ cậu bé giúp lễ rung chuông lần thứ hai, cả bọn phải hành động vào cùng một lúc. Phần việc của tôi là gí một con dao lớn và họng viên giám đốc nhà tù Don Grégorio, nói: "Da la orden de nos dejar, panar, sinh, te mao". (Hãy ra lệnh bảo họ để cho chúng tôi đi ra, nếu không tôi giết anh). Một người khác cũng sẽ làm như vậy với ông linh mục. Ba người kia, từ ba góc khác nhau, sẽ chĩa súng vào mấy tên cảnh sát đứng ở cửa chấn song của lối vò chính. Hễ tên nào không bỏ súng xuống thì phải bắn chết ngay. Những người tham cuộc không có vũ khí sẽ ra trước. Ông linh mục và ông giám đốc sẽ được dùng làm bình phong cho hậu quân. Nếu mọi việc diễn biến một cách bình thường, tốp cảnh sát đều sẽ bỏ súng xuống đất. Những tù nhân có súng ngắn sẽ lùa họ vào nhà thờ. Chúng tôi sẽ ra ngoài, sau đó đóng cửa chấn song trước, rồi đến cánh cửa gỗ. Căn phòng dùng làm trạm canh sẽ bỏ trống vì cả tốp cảnh sát đều phải đứng dự buổi xem lễ. Ở bên ngoài, cách đây năm mươi mét, sẽ có một chiếc xe tải đậu sẵn, phía sau có móc một cái thang nhỏ để lên xe thật nhanh. Chiếc xe tải sẽ khởi hành sau khi người đứng đầu cuộc nổi loạn lên xe. Người này sẽ lên xe sau cùng.

Sau khi dự một buổi xem lễ, tôi đồng ý với kế hoạch này. Mọi việc đều diễn ra như Fernando đã miêu tả. Joseph Dega sẽ không vào thăm chúng tôi vào chủ nhật tới. Anh ta biết rõ tại sao. Anh ta sẽ chuẩn bị một chiếc xe tắc-xi giả để cho chúng tôi khỏi phải lên xe tải, và sẽ đưa chúng tôi đến một chỗ trống cũng là do anh ta chuẩn bị. Suốt tuần ấy tôi ở trong một tình trạng kích thích cao độ và rất nóng lòng chờ lúc hành động. Fernando đã tìm cách có được một khẩu súng lục bằng một phương tiện khác. Đó là một khẩu 45 của quân Cảnh vệ Colombia, một vũ khí rất đáng sợ. Đến thứ năm, một cô gái trong nhóm "chị em" của Joseph vào thăm tôi. Cô ta rất hòa nhã ân cần, và cho tôi biết rằng chiếc tắc-xi sẽ đón chúng tôi là một chiếc xe sơn màu vàng, chúng tôi sẽ không thể nhầm lẫn được. O K., cám ơn.

- Chúc các anh may mắn. Cô ta hôn lên hai má tôi một cách dịu dàng và không khỏi có phần xúc động.

- En tra, en tra (mời vào, mời vào). Hãy vào cho chật ngôi nhà thờ này để lắng nghe tiếng nói của Chúa, ông linh mục nói.

Clousiot đã sẵn sàng từ đầu đến chân. Maturette hai mắt sáng long lanh, còn người kia không rời tôi một tấc. Rất điềm tĩnh, tôi đứng vào chỗ đã định. Don Grégorio, viên giám đốc nhà tù, ngồi trên một chiếc ghế tựa bên cạnh một bà béo. Tôi đứng sát đường. Bên phải tôi là Clousiot, bên trái tôi là hai bạn kia, đều ăn mặc tử tế để đến khi ra đường không bị người ta để ý. Con dao của tôi đã mở sẵn, được áp sát vào cánh tay phải bằng một sợi dây thun và khuất hắn trong ống tay áo sơ-mi ka-ki cài kỹ ở cổ tay. Bây giờ phải chờ đến lúc "nâng mình thánh", khi mọi người cúi đầu xuống như thể để tìm một cái gì ở dưới đất, và cậu bé giúp lễ sau khi rung chuông rất nhanh, sẽ cho nghe ba hồi chuông tách bạch. Hồi chuông thứ hai là hiệu lệnh của chúng tôi, mỗi người đều biết rõ lúc ấy mình phải làm gì. Hồi chuông thứ nhất, hồi thứ hai... Tôi lao vào Don Grégorio, con dao dí sát cái cổ to và nhăn nheo của ông ta. Ông linh mục kêu: "Misericordia, no me ma ta (Xin tha cho, đừng giết tôi)" và tuy không nhìn thấy, tôi nghe rõ ba người kia ra lệnh cho bọn lính gác bỏ súng xuống.

Mọi việc đều trôi chảy. Tôi nắm chặt cái cổ áo bộ com-lê rất đẹp của Don Grégorio, nói: Sigua y no tengas miedo, no te ha ré dao. (Theo tôi và đừng sợ, tôi không làm gì ông đâu). Ông linh mục được giữ yên bằng một con dao cạo dí sát họng, gần nhóm chúng tôi. Fernando nói: vamos, Francès, vamos a la salida (Ta đi thôi, anh bạn Pháp, ra cửa đi). Lòng khấp khởi vì niềm vui đắc thắng, tôi xua các bạn về phía cửa dẫn ra đường, thì bỗng nhiên có hai tiếng súng nổ cùng một lúc. Fernando gục xuống, và một trong những người có súng cũng ngã lăn ra. Tôi vẫn tiến thêm được một thước nữa, nhưng lúc bấy giờ bọn lính gác đã đứng dậy và giơ súng chặn lại. May thay giữa họ với chúng tôi có mấy người đàn bà, nên họ không dám bắn. Lại hai phát súng trường nữa, sau đó là một phát súng lục. Người bạn có súng thứ ba của chúng tôi vừa bị bắn chết sau khi đã bịp bắn một phát hú họa làm bị thương một người con gái. Don Grégorio mặt xanh như tàu lá, nói với tôi: - Đưa dao đây. Tôi đưa dao cho ông ta. Tiếp tục đánh nhau chẳng có ích gì. Trong khoảng không đầy nửa phút tình thế đã bị đảo ngược lại.

Hơn một tuần sau tôi được biết rằng cuộc nổi loạn đã thất bại vì một tù nhân thuộc một sân khác lúc bấy giờ đứng ở ngoài nhà thờ để xem mọi người làm lễ. Ngay những giây đầu tiên chúng tôi hành động, hắn đã báo cho bọn lính canh ở trên thành. Những tên này đã nhảy từ trên bức tường cao hơn sáu mét này xuống sân, hai tên nhảy xuống hai bên nhà thờ, rồi qua những chấn song cửa hai cửa ngang, họ bắn vào hai người đang đứng trên một chiếc ghế dài chĩa súng vào tốp cảnh sát. Sau đó vài giây họ lại bắn gục người thứ ba lúc bấy giờ đi qua tầm bắn của họ. Sau đó là một cuộc "corrida"* (*trận đấu bò tót, trong đó những người đấu bò (toreadores) phải giết chết con bò) ngoạn mục. Tôi lúc bấy giờ đang đứng cạnh viên giám đốc bắt ông ta ra lệnh này nọ. Rốt cục mười tù nhân trong đó có bốn chúng tôi bị xích lại và nhốt vào xà lim, chỉ được ăn bánh mì với nước lã. Don Grégorio đã tiếp Joseph Dega. Ông ta cho gọi tôi lên nói rằng để làm vui lòng Joseph, ông ta sẽ cho tôi trở ra sân cùng với các bạn tôi. Nhờ có Joseph, mười ngày sau cuộc nổi loạn, tất cả chúng tôi đều được trở về khoảng sân cũ và cùng được giam chung trong phòng giam trước kia.

Khi về đến phòng giam, tôi yêu cầu các bạn im lặng vài phút để tưởng nhớ đến Fernando và hai người bạn của anh ta đã chết trong khi hành động. Trong một buổi vào thăm, Joseph cho tôi biết rằng anh ta đã tổ chức một cuộc quyên tiền, và trong giới trùm điếm anh ta đã thu được năm ngàn pesos để đút cho Don Grégorio. Cử chỉ này làm cho chúng tôi có phần coi trọng bọn trùm điếm hơn trước chút ít. Bây giờ tôi sẽ làm gì? Biết phát minh ra cách gì khác đây? Chẳng lẽ tôi lại chịu thua và đợi chuyến tàu kia mà không hành động gì cả hay sao?

Nằm trong phòng rửa mặt chung, tránh được ánh nắng gay gắt, tôi có thể kín đáo theo dõi cách thức đi lại của bọn lính canh trên con đường tuần tra. Ban đêm cứ mười phút họ lại lần lượt gọi nhau: "Lính canh, hãy coi chừng." Làm như vậy viên chỉ huy đội canh có thể kiểm tra xem trong bọn tên lính canh có tên nào ngủ không. Nếu có ai không trả lời, người kia gọi lại cho đến khi hắn trả lời mới thôi. Tôi tưởng đã tìm được một chỗ sơ hở. Số là ở mỗi chòi canh đặt ở bốn góc đường đi tuần đều có treo một cái lon buộc vào một sợi dây. Khi một người lính canh muốn uống cà phê, hắn gọi người cafetero đến rót cho hắn một hay hai chén cà phê vào lon, rồi kéo dây lên mà uống. Cái chòi canh ở cuối sân bên phải hơi nhô ra phía sân một chút. Tôi tự nhủ là nếu tôi có được một cái móc to buộc vào đầu một sợi dây đan, nó sẽ có thể mắc vào cái chòi canh ấy một cách dễ dàng. Chỉ trong mấy giây tôi có thể vượt qua bức tường trông ra đường. Vấn đề duy nhất là làm sao vô hiệu hóa được tên lính canh. Bằng cách nào?

Tôi trông thấy tên lính canh đứng dậy đi mấy bước trên con đường tuần tra. Tôi thấy hình như hắn nóng quá không chịu nổi và đang ra sức chống lại cơn buồn ngủ. Thôi đúng rồi, phải làm thế nào cho hắn ngủ? Trước hết tôi sẽ đang sợi dây, và nếu kiếm được một cái móc chắc chắn, tôi sẽ tìm cách làm cho hắn ngủ và có thể phen nữa. Trong hai ngày một sợi dây dài gần bảy mét đã được tết bằng tất cả những chiếc áo sơ- mi bằng vải bền mà chúng tôi kiếm được, nhất là những chiếc áo bằng vải ka-ki. Cái móc thì tìm tương đối dễ, đó là thanh sắt đỡ một cái mái hiên lắp ở cửa các phòng giam cho mưa khỏi hắt vào. Joesph Dega đã đem đến cho tôi một chai thuốc ngủ rất mạnh. Theo lời chỉ dẫn thì mỗi lần chỉ được uống mười giọt. Cái chai đựng gần mười thìa xúp lớn.

Tôi tìm cách làm cho tên lính canh chịu uống cà phê của tôi biếu và quen dần với việc ấy. Hắn thòng cái lon xuống, tôi rót cho hắn mỗi lần ba cốc cà phê. Vì dân Colombia đều hay rượu, mà thứ thuốc ngủ kia lại có vị giống như rượu hồi, cho nên tôi nhờ kiếm một chai rượu hồi. Tôi nói với tên lính canh:

- Anh muốn uống cà phê pha kiểu Pháp không?

- Nó là thế nào.

- Có cho cả rượu hồi vào đấy.

- Để thử xem, cho tôi nếm đã.

Nhiều tên lính canh đã được nếm mùi cà phê rượu hồi của tôi. Bây giờ mỗi lần tôi mời cà phê họ đều nói: "kiểu Pháp nhé!".

- Có ngay

Tôi cứ thế rót rượu hồi vào.

Giờ G đã đến. ấy là vào giữa trưa một ngày thứ bảy. Trời nóng kinh khủng. Các bạn tôi biết không thể nào có thì giờ cho hai người vượt qua tường được, nhưng một người tù Colombia có một cái tên A-rập là Ali nói với tôi là hắn sẽ trèo sau tôi. Tôi đồng ý. Tôi đi với anh này thì các bạn tôi khỏi bị nghi là đồng lõa và khỏi bị phạt về sau. Mặt khác tôi không thể cầm sẵn dây và móc được vì tên lính canh có đủ thì giờ quan sát tôi trong khi tôi chuyển cà phê lên. Theo ý kiến chung của các bạn tôi, nội trong năm phút hắn phải bị đo ván. Lúc bấy giờ đã đến "kém năm". Tôi gọi tên lính canh.

- Thế nào?

- Vẫn thế thôi.

- Anh có uống cà phê không?

- Có pha kiểu Pháp ấy, ngon hơn.

- Đợi tí nhé, có ngay đấy.

Tôi đến cafetero: "Hai cà phê". Trong cái lon của tôi đã rót sẵn cả chai thuốc ngủ. Nếu uống chừng ấy mà sau năm phút hắn không lăn đùng ra thì thật hết chỗ nói! Tôi đến góc tường và hắn trông thấy tôi rót rượu hồi vào lon rõ rành rành.

- Uống tí nhé?

- Ừ!

Tôi rót thêm chút nữa, rồi trút cả sang lon của hắn. Hắn lập tức kéo lên. Năm phút, mười, mười lăm, hai mươi phút trôi qua! Hắn vẫn chưa ngủ. Tệ hơn nữa, đáng lẽ ngồi xuống thì hắn lại cầm súng đi đi lại lại một lát. Thế mà hắn đã uống hết sạch chứ không phải không. Đến một giờ trưa đã đổi gác rồi. Như ngồi trên đống than hồng, tôi theo dõi từng cử động của hắn. Không có dấu hiệu gì thấy hắn đã thấm thuốc. À! hắn vừa vấp chân một cái. Hắn ngồi xuống trước chòi canh, khẩu súng trường chống giữa hai chân. Đầu hắn nghiêng sang một bên. Các bạn tôi và hai ba người tù Colombia biết chuyện cũng đang theo dõi những phản ứng của hắn một cách mải mê không kém gì tôi.

- Nào bắt đầu đi, - tôi nói với gã người Colombia.

- Dây đâu!

Anh ta đang sửa soạn ném dây thì tên lính canh đứng dậy, để khẩu súng rơi xuống đất, vươn vai rồi co chân bước mấy bước tại chỗ. Gã người Colombia ngừng lại vừa đúng lúc. Chỉ còn mười tám phút nữa là đến giờ đổi gác.

Tôi thầm cầu cứu Chúa: "Lạy Chúa giúp chúng tôi một lần nữa! Tôi van Chúa đừng bỏ rơi tôi!" Nhưng tôi kêu mãi vẫn chẳng thấy gì: cái ông Chúa của người Cơ đốc giáo nhiều khi cũng ít thông cảm với người ta lắm, nhất là đối với tôi, một người vô thần. Clousiot lại gần tôi nói:

- Thế này thì thật! Đến bây giờ mà thằng kia vẫn chưa ngủ thì là thật!

Tên lính canh định cầm súng lên nhưng lúc cúi xuống nhặt khẩu súng hắn bỗng ngã nhào ra đường tuần tra, như thể bị sét đánh. Gã người Colombia ném cái móc lên, nhưng nó lại trượt xuống. Anh ta ném lần nữa. Lần này thì mắc. Anh ta kéo xuống mấy cái để xem thử đã chắc chưa. Tôi cũng kiểm tra lại một lần nữa và khi tôi đạp chân vào tường và co tay lại để leo lên, Clousiot nói:

- Coi chừng Nó đến đổi gác kia kìa.

Tôi vừa kịp rút lui trước khi bị họ nhìn thấy.

Được sự thôi thúc tự nhiên của bản năng tự vệ và bản năng đoàn kết của những người tù, một tốp tù nhân Co-lom-bia, khoảng mươi người, chạy đến vây quanh lấy tôi, tôi liền trà trộn vào bọn họ. Chúng tôi đi dọc bờ tường, để mặc sợi dây lủng lẳng ở phía sau. Một tên cảnh sát trong đội đến đổi gác đã trông thấy cái móc và tên lính canh nằm sấp bên cạnh khẩu súng. Hắn chạy hai ba bước đến ấn vào nút còi bóng động, yên chí rằng vừa xảy ra một cuộc vượt ngục. Người ta đưa cáng đến khiêng tên lính đang ngủ. Bây giờ có đến hơn hai chục tên cảnh sát trên đường tuần tra. Don Grégorio cũng có mặt trong đám ấy. Ông ta ra lệnh kéo sợi dây lên. Cái móc đang nằm trong tay ông ta. Một lát sau bọn cảnh sát đã vây quanh sân, súng chĩa và các tù nhân. Họ bắt đầu gọi tên. Gọi đến tên ai thì người ấy phải trở về buồng giam. Lạ thay! Không thiếu ai cả. Họ liền lấy khóa khóa trái các buồng giam lại.

Lại điểm danh lần thứ hai, và kiểm tra từng buồng. Không, không có ai mất tích cả. Đến ba giờ, họ lại cho chúng tôi ra sân. Chúng tôi được biết rằng tên lính canh kia hiện đang ngáy như sấm, và tất cả các biện pháp được đem ra dùng không sao đánh thức hắn dậy được: người đồng lõa Colombia của tôi cũng thất vọng không kém gì tôi. Vừa qua anh ta tin chắc mười phần thế nào cũng thành công! Anh ta lớn tiếng chửi bới các thứ hàng Mỹ, vì thuốc ngủ vừa rồi là thuốc Mỹ.

- Biết làm thế nào bây giờ?

- Làm lại chứ còn thế nào nữa! - Tôi chỉ biết trả lời có thế.

Anh ta tưởng tôi muốn nói là phải tìm cách đánh thuốc ngủ một tên lính canh một lần nữa. Thật ra tôi đang nghĩ là phải tìm một cách khác. Anh ta nói:

- Anh tưởng là bọn cảnh sát ấy ngu đến nỗi sẽ có một thằng nữa chịu uống cà phê theo kiểu Pháp à?

Mặc dầu không khí lúc bấy giờ thật bi đát, tôi vẫn không sao nhịn cười được.

- Chắc chắn là sẽ có chứ!

Tên lính canh đã ngủ ba ngày và bốn đêm. Đến khi hẳn thức dậy, dĩ nhiên hắn báo cáo là chính tôi đã đánh thuốc ngủ cho hắn khi tôi cho hắn uống cà phê pha theo kiểu Pháp. Don Grégorio cho gọi tôi lên để đối chất với hắn. Viên chỉ huy đội lính canh rút gươm định đánh tôi. Tôi nhảy lùi vào góc phòng và thách thức hắn. Hắn giơ cao gươm lên, Don Grégorio xông vào can liền bị một nhát sống gươm vào vai. Ông ta gục xuống, xương đòn gánh gãy làm đôi. Ông ta kêu to đến nỗi viên sĩ quan kia chỉ còn quan tâm đến ông ta. Hắn đỡ ông ta dậy. Don Grégorio kêu cứu om sòm. Từ các phòng giấy bên cạnh, tất cả các nhân viên dân sự đều chạy sang. Thế là nổ ra một cuộc ẩu đả giữa viên sĩ quan, hai viên cảnh sát khác và tên lính canh đã bị tôi đánh thuốc ngủ với khoảng một chục viên chức dân sự đang muốn trả thù cho ông giám đốc.

Trong cuộc "tangana" này, nhiều người bị thương nhẹ. Người duy nhất bình yên vô sự là tôi. Vấn đề quan trọng bây giờ không còn là trường hợp của tôi nữa mà là vụ xô xát giữa ông giám đốc và viên sĩ quan. Khi ông giám đốc đã được trở vào bệnh viện, người thay thế ông dẫn tôi trở ra sân:

- Việc anh sẽ được xét sau, Francés ạ.

Hôm sau viên giám đốc, vai bó bột, đến yêu cầu tôi viết một bản khai báo tố cáo viên sĩ quan. Tôi khai lại một cách thích thú tất cả những gì người ta muốn tôi khai. Họ đã quên hẳn câu chuyện thuốc ngủ. Chuyện này đối với họ không có gì thú vị nữa: càng may cho tôi.

Mấy ngày sau, Joseph Dega tình nguyện tổ chức một cuộc vượt ngục từ bên ngoài. Vì tôi có nói với anh ta rằng vượt ngục ban đêm là không thể được vì đèn thắp quanh đường đi tuần trên thành phố rất sáng, anh ta tìm cách để cắt dòng điện. Nhờ một thợ điện mách bảo anh ta đã tìm ra: cần phải hạ cầu giao ở một cái trạm biến thế ở bên ngoài nhà tù. Về phần tôi, tôi đã mua tên lính canh ở phía đường cũng như ở cửa nhà thờ. Việc đó hóa ra phức tạp hơn là người ta tưởng. Trước hết tôi buộc lòng phải thuyết phục Don Grégorio trả lại cho tôi mười ngàn Pesos lấy cớ là để nhờ Joseph gửi cho gia đình tôi, dĩ nhiên đồng thời tôi cũng "cưỡng bách" ông ta nhận hai ngàn pesos để mua quà tặng vợ ông, rồi sau khi đã xác định được người phân bố các phiên gác và giờ đổi gác, lại phải mua cả người này nữa. Hắn sẽ được ba ngàn pesos, nhưng hắn không chịu can thiệp vào những cuộc thương lượng với hai tên lính canh kia. Một mình tôi phải đi tìm họ và thương lượng với họ. Sau đó tôi sẽ cho anh ta biết tên và anh ta sẽ cắt phiên gác cho họ đúng vào giờ tôi yêu cầu.

Công việc chuẩn bị cho cuộc vượt ngục mới này phải mất hơn một tháng. Cuối cùng, mọi việc đã được ấn định từng phút một. Vì không phải giữ gìn gì với tên cảnh sát gác ngoài sân, chúng tôi sẽ cưa chấn song bằng một cái cưa kim loại có đủ bộ sậu. Tôi có ba lưỡi cưa. Người tù Colombia ném cái móc hôm trước đã được báo trước. Anh ta sẽ cưa chấn song của mình làm nhiều lần. Vào đêm hành động, một người bạn của anh ta, ít lâu nay đã giả vờ điên, sẽ đánh choang choang lên một miếng tôn kẽm và gân cổ lên hát thật to. Anh bạn tù Colombia biết rằng tên lính canh chỉ thỏa thuận cho hai người Pháp vượt ngục và đã nói trước rằng nếu có thêm một người thứ ba lên thành hắn sẽ bắn. Tuy vậy anh ta vẫn muốn cầu may và nói với tôi rằng nếu cứ theo sát nhau mà trèo thì trong bóng tối tên lính canh không thể trông thấy rõ là có một người hay hai. Clousiot và Maturette đã bốc thăm để quyết định ai sẽ cùng đi với tôi. Clousiot đã thắng.

Cái đêm không trăng mà chúng tôi chờ đợi đã đến. Viên đội và hai viên cảnh sát đã nhận một nửa số tiền mà mỗi người được hưởng. Lần này tôi không phải cắt đôi nữa, vì đã có những tờ giấy bạc được cắt đôi sẵn. Sau này họ sẽ đến lĩnh nửa còn lại ở Barrio Chino, cửa hiệu của vợ Joseph Dega. Đèn tắt. Chúng tôi cưa chấn song. Không đầy mười phút đã đứt. Mình mặc quần dài và áo sơ-mi sẫm màu, chúng tôi ra khỏi buồng giam. Người tù Colombia ra nhập bọn khi chúng tôi đi ngang. Anh ta chỉ mặc một cái si-líp đen. Tôi leo lên chấn song cửa của một buồng giam xây trong tường, đi vòng qua mái hiên, ném cái móc buộc vào ba thước dây. Chỉ ba phút sau tôi đã đứng trên đường đi tuần, không một tiếng động. Nằm sấp sát đất, tôi đợi Clousiot.

Đêm tối như mực. Tôi bỗng trông thấy, hay nói cho đúng hơn cảm thấy một bàn tay giơ ra, tôi cầm lấy và kéo mạnh. Một tiếng động khủng khiếp vang lên. Đó là vì khi người Clousiot trườn qua giữa mái hiên và bức tường, cái khóa thắt lưng của anh đã vướng vào cái mái tôn. Dĩ nhiên khi nghe tiếng động tôi ngừng kéo. Tấm tôn không kêu nữa. Tôi lại kéo Clousiot, tưởng rằng anh ta đã gỡ được, và mặc cho tấm tôn kêu vang dội, tôi kéo thật mạnh làm cho chỗ vướng bị bật ra, rồi lôi anh ta lên trên đường đi tuần. Có mấy phát súng nổ từ các chòi canh của các khu vực khác nhưng ở khu vực chúng tôi vẫn im lặng. Vì hốt hoảng khi nghe tiếng súng, chúng tôi nhảy xuống một con đường thấp cách bờ tường đến chín mét trong khi đáng lẽ phải đi sang bên phải rồi nhảy xuống một con đường khác chỉ cách có năm mét. Kết quả: Clousiot bị gãy lại chân phải. Tôi cũng không đứng dậy được: tôi bị gãy xương cá hai bàn chân. Về sau tôi sẽ biết rõ đó là hai cái xương gót chân. Người tù Colombia bị sái một bên đầu gối.

Mấy phát súng đã làm cho đội gác đêm chạy ra phố. Họ chiếu một ngọn đèn pin lớn vào chúng tôi và chĩa súng bắt chúng tôi đứng im. Tôi bật khóc vì uất ức. Tệ hơn nữa là bọn cảnh sát không chịu tin rằng tôi không đứng dậy được. Tôi phải dùng hai đầu gối bò dưới hàng trăm mũi lưỡi lê thúc vào người mà lê vào phòng giam. Clousiot thì nhảy lò cò một chân, người Colombia cũng vậy. Đầu tôi chảy máu dữ dội vì một phát báng súng. Mấy phát súng đã đánh thức Don Grégorio đang ngủ trong phòng giấy: may thay, đêm hôm ấy ông ta trực ở nhà tù. Không có ông ta họ đã đánh chết chúng tôi bằng báng súng và lưới lê rồi. Kẻ hăng máu nhất trong khi đánh đập tôi chính là viên đội mà tôi đã đút tiền để cắt phiên gác cho hai tên lính canh đồng lõa.

Don Grégorio chặn đứng ngay trận đánh đập dã man ấy, ông đe dọa sẽ đưa họ ra tòa nếu họ đánh chúng tôi trọng thương. Câu thần chú ấy làm cho họ tê liệt ngay. Hôm sau cái chân của Clousiot bó bột ở bệnh viện. Người tù Colombia được một ông thầy lang ở tù nắn lại đầu gối và được mang một cái băng Velpeau.

Trong đêm ấy thấy hai chân tôi sưng lên to bằng cả cái đầu, bị bầm giập đến cùng cực, máu me bê bết, ông bác sĩ cho tôi ngâm hai chân vào nước muối ấm, rồi sai y tá cho đỉa hút máu ba lần một ngày. Khi đã hút máu no căng, mấy con đỉa tự rơi ra, người ta bỏ nó vào dấm cho nó nhả máu. Vết thương ở đầu tôi phải khâu sáu mũi. Một nhà báo khát tin cho đăng một bài báo nói về tôi. Hắn kể rằng tôi là người đứng đầu cuộc nổi loạn ở nhà thờ, rằng tôi đã đầu độc một tên lính canh, và cuối cùng tôi đã tổ chức một cuộc vượt ngục tập thể có sự hỗ trợ từ bên ngoài vì có người đã cắt điện ở khu phố bằng cách hạ cầu giao ở trạm biến thế. "Ta hãy hy vọng rằng ở nước Pháp sẽ cho người đến thật sớm để cho chúng ta thoát khỏi tên gangster số 1 của họ. Hắn kết luận.

Joseph có vào thăm tôi, cùng đi với vợ là Annie. Viên đội và ba viên cảnh sát đã đến đòi lĩnh nửa số tiền còn lại, mỗi người đến vào một lúc khác nhau. Annie đến là để hỏi tôi xem chị ta phải xử sự như thế nào. Tôi nói với chị là phải đưa tiền cho họ, vì họ đã làm đúng lời cam kết. Chúng tôi thất bại không phải tại họ. Từ một tuần nay các bạn phải chở tôi đi dạo trong sân trên một chiếc xe kít kít bằng sắt vốn cũng là giường nằm của tôi. Tôi nằm trên xe, hai chân gác cao lên một tấm vải căng giữa hai miếng ván lắp thẳng đứng trên hai càng xe. Đó là tư thế duy nhất không làm cho tôi đau quá. Hai chân tôi, đầy ứ những máu đông đặc, sưng to tướng, không thể đặt lên một cái gì hết, dù là ở tư thế nằm. Được gác chân lên thật cao như vậy, tôi đỡ đau được một chút.

Gần mười lăm ngày sau, nó đã xẹp đi được một nửa, và người ta cho tôi đi chiếu điện. Hai cái xương gót tôi đều gãy. Suốt đời tôi sẽ có hai bàn chân bẹt. Tờ nhật báo ra hôm nay đăng tin là cuối tháng chuyến tàu chở đội áp giải của cảnh sát Pháp đến nhận chúng tôi sẽ cặp bến. Chiếc tàu tên là "Mana", tờ báo viết như vậy. Hôm nay là ngày mười hai tháng mười. Chúng tôi còn mười tám ngày nữa: bây giờ phải đánh con bài cuối cùng. Nhưng đánh con bài gì với hai bàn chân gãy của tôi?. Joseph tuyệt vọng. Hôm vào thăm, anh ta kể cho tôi nghe rằng tất cả những người Pháp ở đây và tất cả các cô làm ở Barrio Chino đều rất khổ tâm khi thấy tôi đã vật lộn dữ dội bấy nhiêu lâu để dành tự do mà chỉ còn mười mấy ngày nữa đã bị trao trả cho nhà chức trách Pháp. Tình cảnh của tôi làm cho tất cả giới Pháp kiều ở đây xao xuyến. Đó là một trợ lực tinh thần đã an ủi tôi rất nhiều.

Tôi đã từ bỏ ngay cái dự định giết một tên cảnh sát Colombia. Thật vậy, không có lý do gì tôi lại nỡ làm thiệt mạng một người chẳng có thù oán gì với tôi. Tôi nghĩ rằng người ấy có thể có một ông bố, một bà mẹ cần được nuôi dưỡng. Tôi mỉm cười khi nghĩ rằng cần phái tìm một tên cảnh sát thật ác mà lại không có gia đình. Chẳng hạn, tôi có thể hỏi hắn: "Nếu tôi giết anh thì có ai thiệt hại gì không, có ai mất nơi nương tựa không?" Sáng hôm nay ngày 13 tháng mười, tôi rất ủ ê chán chường. Tôi nhìn một mẫu đá acid picric mà nếu ăn vào thì tôi sẽ mắc bệnh hoàng đản. Nếu người ta cho tôi nằm bệnh viện, có lẽ tôi sẽ có thể nhờ Joseph thuê người đánh tháo tôi ra ngoài. Ngày hôm sau da tôi đã vàng như nghệ. Don Grégorio đi ra sau thăm tôi: lúc bấy giờ tôi đang nằm trên chiếc xe cút kít để ở một chỗ có bóng râm, hai chân gác cao lên.

Lập tức, không quanh co, không chút thận trọng, tôi tấn công:

- Tôi biếu ông mười ngàn pesos nếu ông cho tôi nhập viện.

- Để tôi thử xem. Không phải vì mười ngàn pesos kia, mà vì tôi rất phiền lòng khi thấy anh vật vã dữ dội như vậy để tìm tự do mãi mà vẫn không được. Chỉ có điều tôi không tin rằng họ sẽ giữ anh lại ở bệnh viện, vì cái bài báo kia đã làm cho họ quá sợ anh.

Một giờ sau, bác sĩ cho tôi đến bệnh viện. Tôi chưa kịp chạm đất thì đã được đưa ra khỏi bệnh viện ngay. Được đưa từ trên xe cứu thương xuống trên một cái cáng, tôi được khám rất kỹ, có xét nghiệm nước tiểu, trong khi vẫn nằm trên cáng. Hai giờ sau họ đưa tôi trở về nhà giam. Hôm ấy là ngày 19, một ngày thứ năm. Annie, vợ của Joseph, đến trại giam với một cô người Corse. Họ cố đem vào cho tôi một ít thuốc lá và bánh kẹo. Với những lời lẽ ân cần, trìu mến của họ, hai người đàn bà này đã đem lại cho tôi một niềm an úi lớn lao. Đẹp đẽ nhất là sự thể hiện của tình bạn trong trẻo của họ, đã thực sự biến cái ngày cay cực này thành một ngày chan hòa ánh nắng. Tôi sẽ không bao giờ có thể diễn đạt được hết niềm an ủi mà tình đoàn kết của những người cùng giới đã đem lại cho tôi trong thời gian bị giam ở nhà tù "80".

Tôi cũng không sao nói hết được lòng biết ơn của tôi đối với Joseph Dega đã không ngần ngại giúp tôi vượt ngục, mặc dầu làm như vậy anh ta có thể đi đến chỗ mất quyền tự do và mất phương tiện sinh sống. Nhưng có một câu nói của Annie đã gợi cho tôi một ý hay. Trong khi chuyện trò, cô nói:

- Anh Papillon, anh đã làm tất cả những gì mà sức con người có thể làm được để tìm cách dành lại tự do. Số phận đối với anh thật quá tàn nhẫn. Anh chỉ còn thiếu cách làm nổ tung cái nhà tù "80" này?

Ừ nhỉ! Sao lại không? Tại sao tôi lại không làm nổ tung cái nhà tù cũ kỹ này đi nhỉ? Đó sẽ là một việc rất có ích cho dân Colombia. Nếu tôi cho nổ cái nhà tù này, may ra họ mới quyết định cho xây một cái nhà tù mới, vệ sinh hơn.

Khi ôm hôn hai người thiếu phụ dễ thương này để vĩnh biệt họ, tôi nói với Annie:

- Chị nói với Joseph chủ nhật vào gặp tôi nhé.

Ngày chủ nhật 22, Joseph đã có mặt.

- Joseph ạ, anh phải làm tất cả những gì có thề làm được để đến thứ năm có ai đưa vào cho tôi một thỏi thuốc nổ dynamite, một cái kíp nổ và một sợi dây ngòi. Về phía tôi, tôi sẽ tìm cách có được một cái khoan để khoan gạch.

- Anh sẽ làm gì vậy? Tôi sẽ làm nổ bức tường của nhà tù giữa ban ngày. Anh cứ hứa trả năm ngàn pesos cho chiếc xe tắc-xi giả hôm trước. Xe phải có mặt trên con đường phía sau nhà tù từ tám giờ sáng đến sáu giờ chiều, ngày nào cũng vậy. Người lái xe sẽ được năm trăm pesos một ngày nếu không có gì xảy ra, năm ngàn pesos nếu có gì xảy ra. Qua cái lỗ sẽ được mở trên tường khi mìn nổ, một tù nhân Colombia to khỏe sẽ cõng tôi ra xe, và bây giờ đến lượt người lái xe hành động. Nếu anh ta bằng lòng, anh hãy gửi thỏi mìn đến. Nếu không thì thế là hết, không còn hy vọng gì nữa.

- Anh cứ tin vào tôi, - Joseph nói.

Đến năm giờ tôi nhờ một bạn cõng tôi vào nhà thờ. Tôi bảo là tôi muốn cầu nguyện một mình. Các bạn cõng tôi vào đấy. Tôi nhắn Don Grégorio vào gặp tôi trong nhà thờ. Ông ta đến.

- Hombre, chỉ còn tám ngày nữa là anh phải ra đi.

- Chính vì thế mà tôi nhắn ông đến đây. Ông còn giữ hộ tôi mười lăm ngàn pesos. Trước khi đi tôi muốn chuyển số tiền ấy cho bạn tôi để anh ta gửi về cho gia đình tôi. Xin ông nhận cho ba ngàn pesos, tôi xin biếu ông số tiền đó với tất cả lòng thành vì ông trước sau vẫn luôn luôn che chở cho tôi đỡ bị hành hạ. Xin ông làm ơn đưa số tiền còn lại cho tôi với một cuộn băng dính để từ đây đến thứ năm tôi dán nó lại và đưa cho bạn tôi.

- Được!

Ông ta trở lại và giao cho tôi mười hai ngàn pesos vẫn còn bị cắt đôi. Ông giữ lại ba ngàn.

Khi đã trở về nằm trên xe cút kít, tôi gọi người tù Colombia ra một góc vắng vẻ, nói cho anh ta biết dự định của tôi và hỏi xem anh ta liệu có đủ sức cõng tôi đi hai ba mươi mét ra đến xe tắc-xi không. Anh ta cam đoan là sẽ làm được. Vậy phía này có thể coi như xong. Tôi cứ hành động như thể đã biết chắc là Joseph sẽ thành công. Sáng ngày thứ hai tôi bảo các bạn đưa tôi ra phòng rửa mặt từ sớm, và bảo Maturette, người mấy hôm nay cùng với Clousiot thay phiên nhau làm "tài xế" đấy xe cút kít cho tôi, đi tìm tên đội mà tôi đã cho ba ngàn pesos và đã đánh đập tôi dã man trong vụ vượt ngục vừa rồi.

- Trung sĩ Joseph, tôi cần nói chuyện với anh.

- Anh muốn gì?

- Tôi cần một cái khoan máy rất mạnh có ba tốc độ và sáu cái mũi khoan để khoan gạch, hai cái cỡ nửa phân, hai cái cỡ một phân và hai cái cỡ một phân rưỡi đường kính.

- Tôi không có tiền để mua.

- Năm trăm pesos đây. Ngày mai thứ ba đến lúc đổi phiên gác một giờ trưa anh sẽ phải có các thứ đó.

- Chuẩn bị số tiền hai ngàn pesos kia đi.

Một giờ trưa ngày hôm sau tôi đã có đủ cái thứ đó để trong cái thùng rác rỗng ở ngoài sân - đó là một cái thùng đựng giấy lộn, cứ mỗi lần đổi gác lại đổ một lần. Pablo, người tù Colombia vạm vỡ, ra nhặt các thứ đồ khoan đem cất đi.

Ngày thứ năm 26 mãi không thấy Joseph vào. Đến cuối buổi thăm tù mới có người gọi tôi. Đó là một người Pháp già, nhăn nheo, do Joseph phái đến.

- Trong ổ bánh mì này có thứ anh cần.

- Đây là hai ngàn pesos cho người lái tắc-xi. Mỗi ngày năm trăm.

- Người lái tắc-xi là một ông già Peru rất hăng. Về phía ấy anh đừng lo gì cả. Ciao. (*chào - tiếng ý, gần như đã trở thành một cách chào quốc tế).

- Ciao.

Trong một cái túi giấy lớn, để cho họ đừng chú ý đến ổ bánh mì, các bạn tôi đã để mấy bao thuốc lá, mấy bao diêm, một chuỗi xúc xích hun khói, một khúc saucisson, một gói bơ và một lọ dầu ô-liu đen.

Trong khi người lính canh lục soát cái túi giấy, tôi cho hắn một bao thuốc lá, vài bao diêm và hai cái xúc xích. Hắn nói:

- Anh cho tôi một miếng bánh mì đi. Chỉ còn thiếu có thể nữa thôi!

- Không, bánh mì thì đi mua lấy mà ăn. Năm pesos đây, cầm lấy. Vì từng này bánh mì sao đủ cho sáu người ăn.

- Ừ.

Thật may mà thoát. Ai lại đi nảy ra cái ý cho thằng ấy ăn xúc xích!

Cái xe cút kít vội vàng lánh xa tên cảnh sát lắm chuyện kia. Việc tên cảnh sát xin bánh mì đã làm cho tôi phát hoảng đến nỗi bây giờ tôi vẫn còn toát mồ hôi.

- Ngày mai là ta bắn pháo hoa đấy. Mọi thứ đã đâu vào đấy, Pablo ạ.

- Phải khoan lỗ đúng ở phía dưới chỗ chòi canh nhô ra. Thằng mú ở bên trên không thể trông thấy cậu được.

- Nhưng hắn có thể nghe thấy.

- Tôi đã liệu trước việc này. Lúc mười giờ sáng, khoảng sân phía này sẽ có bóng rợp. Phải làm sao cho một người trong cái kíp gò đồng đang làm việc ở nhà lao gõ búa vào một tấm đồng áp vào tường cho thằng cách chúng ta vài mét, ngay ngoài sân. Có hai người càng tốt. Tôi sẽ cho họ mỗi người năm trăm pesos. Cố tìm hai người ấy đi.

Anh ta đã tìm ra.

- Hai anh bạn của tôi sẽ gõ đồng liên tiếp. Tên lính canh sẽ không nghe được tiếng khoan đâu. Có điều là anh với cái xe cút kít phải ở vào một vi trí xê ra ngoài một chút, xung quanh có mấy anh bạn người Pháp làm như đang bàn bạc việc gì với anh. Để cho tên lính canh ở góc bên kia khó trông thấy tôi.

Trong một tiếng đồng hồ cái lỗ đã khoan xong. Nhờ những tiếng búa đánh lên đồng và nhờ có một người giúp việc rót dầu lên mũi khoan, tên lính canh không thấy gì khả nghi cả. Thỏi mìn được nhét vào lỗ ngòi nổ được lắp vào mìn, thò ra ngoài có hai mươi phân ngòi. Thỏi mìn được chêm bằng đất sét. Chúng tôi lui ra. Nếu mọi việc đều ổn, đến khi mìn nổ trên tường sẽ có một lỗ hổng. Tên lính canh sẽ rơi xuống cùng với cái chòi canh và Pablo sẽ cõng tôi chui qua lỗ hổng ra xe tắc-xi. Mấy người kia sẽ tự lo liệu lấy. Trên lý thuyết thì Clousiot và Maturette dù có ra sau chúng tôi cũng sẽ đến xe tắc-xi trước chúng tôi. Ngay trước khi châm ngòi Pablo báo cho một nhóm tù người Colombia biết.

- Nếu các anh muốn vượt ngục, chốc nữa sẽ có một lỗ hổng trên tường.

- Như thế cũng tốt vì bọn cảnh sát sẽ vướng chân, và có bắn thì bắn những người chạy ở phía sau.

Chúng tôi châm ngòi. Một tiếng nổ khủng khiếp làm cả khu phố rung chuyển. Cái chòi canh rơi xuống với cả tên lính canh. Bức tường nứt nẻ thành những khe hở chạy ra tứ phía, hở rộng đến nỗi có thể nhìn thấy dãy phố bên ngoài, nhưng không có một chỗ hở nào đủ rộng để một người có thể lọt qua. Như vậy là vụ nổ dã không tạo được một đột phá khẩu cho chúng tôi, và mãi đến lúc ấy tôi mới thừa nhận rằng mình đã thất bại. Số tôi đúng là phải trở về trại khổ sai ở Cayenne. Sau tiếng nổ, cả nhà tù nhốn nháo lên một cách không có gì tả xiết. Trong sân có đến hơn năm chục tên cảnh sát. Don Grégorio hiểu rất rõ đầu đuôi câu chuyện. Ông ta nói với tôi:

- Bueno (Tốt), Francés ạ. Lần này là lần cuối cùng, tôi chắc thế.

Viên chỉ huy đội lính gác giận dữ điên cuồng. Hắn không thể ra lệnh đánh đập một người bị thương nằm trên xe cút kít, trong khi tôi, để khỏi liên lụy đến các bạn khác, cứ lớn tiếng tuyên bố rằng chính tôi và chỉ một mình tôi gây ra vụ này. Sáu tên cảnh sát được cắt đứng canh trước cái tường nứt nẻ, sáu tên trong sân nhà tù, sáu tên đứng ngoài đường, sẽ canh gác thường xuyên cho đến khi thợ nề sửa xong bức tường. Tên lính gác ở trên chòi rơi xuống, may thay, không bị thương tích gì cả.
Bình Luận (0)
Comment