Phản Ứng Bản Năng

Chương 12

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Sáng nay Lý Xuyên đã làm xong thủ tục và xuất viện, ngoài đường giờ sớm còn khá lạnh, cậu đứng đợi đèn đỏ ở ngã tư với mấy đứa học sinh mặc đồng phục, khoác ba lô. Một chiếc xe bus chậm rãi lăn bánh qua, hình bóng cậu trai trẻ phản chiếu lên cửa kính xe.

Áo sơ mi trắng thoang thoảng mùi mốc, quần bó cộc lộ mắt cá chân, vóc dáng vốn cân đối ưa nhìn cũng đành chào thua trước combo phối đồ tàn tạ. Đúng ra Lý Xuyên không định mặc bộ này nhưng nhìn áo quần còn lại cũng chẳng hơn gì, thật tình cậu không còn lựa chọn nào khác.

Đèn vừa chuyển màu xanh cậu liền rảo bước vào bến, lên xe bus về căn hộ mình thuê.

Khu Lý Xuyên ở rất gần trường đại học, đi về chỉ mất tầm mươi phút. Nơi đó tòa nhà cao nhất là năm tầng, các tòa xây san sát nhau, chỉ chừa những lối đi rất hẹp giữa các bức tường xi-măng, nhìn từ ngoài vào vô cùng bí bách. Đương nhiên là không có thang máy nên chỉ có thể leo bộ lên.

Cậu thuê nhà ở tầng năm, hành lang dãy nhà nồng mùi ẩm mốc, lên đến tầng bốn thì Lý Xuyên bắt đầu hụt hơi, nhiều năm sinh hoạt vô tổ chức và tự hại khiến thể trạng cậu đáng lo ngại lắm rồi.

Cánh cửa bằng tôn xộc xệch vừa mở ra là mùi hôi mốc ập ngay vào mặt cậu. Đang ban ngày nhưng trong nhà tối om, không có đèn trên lối đi nên Lý Xuyên đành bật điện thoại để chiếu sáng rồi mò mẫm tìm công tắc điện. Bóng đèn vàng bật sáng như ánh lửa, soi rõ cảnh vật trong phòng, trước mắt Lý Xuyên là cái giường với cốc mì ăn dở không biết từ mùa nào, con ruồi bay qua đậu lại rồi bay đi.

Lý Xuyên: “…”

Cậu xắn tay áo, cúi xuống nhặt lon coca rỗng dưới chân rồi bắt đầu dọn dẹp căn nhà.

Buổi trưa Lý Xuyên xuống ăn cơm ở một tiệm ăn nhỏ, có người nhận ra cậu nên ngồi xuống cái ghế đối diện, “Ái chà, còn sống cơ đấy.”

Lý Xuyên ngẩng lên nhìn người nọ, đó là một “ông chú” râu ria lởm chởm – người đã gọi xe cấp cứu bếch cậu ra từ “núi rác”.

“Anh ăn gì?” Lý Xuyên hỏi, “Tôi mời.”

Ông chú kia trố mắt hỏi lại, “Hử hử, phải không đó, mặt trời mọc đằng Tây hay gì?”

Lý Xuyên đáp: “Vậy thôi, khỏi mời.”

“Ấy chớ chớ, mời đi mời đi. Hay quá anh chưa ăn cơm, kêu mấy bát tào phớ ra lót dạ nào.” ông chú cười hí hí.

Lý Xuyên bình thản nói, “Ừ, anh gọi đi.”

Ông kia: “…”

Ông kia chặc lưỡi: “Mời anh thật à? Không để dành tiền nạp game nữa à?”

“Không chơi game nữa.” Lý Xuyên vét nốt cơm trong đĩa, “Rồi anh có ăn không, không ăn thì tôi lên nhà đây.”

Ông chú ngạc nhiên hỏi, “Lên nhà làm gì?”

Lý Xuyên đứng dậy, nhìn xuống ông ta, “Làm vệ sinh.”

“…”

Bấy giờ Lý Xuyên đã có vẻ hơi mất kiên nhẫn, “Tóm lại là anh có ăn không?”

“Ăn chứ, đây anh gọi liền đây, chú…” ông chú nhìn nhìn cậu rồi ngập ngừng hỏi, “chú em làm sao thế, tỉnh đòn rồi hay lại ngáo thêm à?”

Lý Xuyên trả tiền hai bát tào phớ rồi đáp, “Tôi không ngáo, tôi vẫn nhớ anh tên là Hà Cường, 26 tuổi.”

“Ông chú” râu ria ngồi bên kia bàn cười hề hề, “Ấy chính thế, đích thị là tại hạ.”

Hà Cường trông hơi lấc cấc, anh ta làm công nhân cho một xưởng sản xuất gần đấy, ngụ tại tầng dưới nhà Lý Xuyên. Anh ta cũng đam mê chơi game như Lý Xuyên, thỉnh thoảng hai đứa lập team cùng đánh. Bữa đó vì sao anh ta phát hiện ra Lý Xuyên uống thuốc tự tử, ấy cũng vì đã hẹn vào team mà mãi không thấy Lý Xuyên đăng nhập, anh ta mới sinh nghi lên nhà tìm cậu.

Khu Lý Xuyên ở người ngoài hay gọi là “bãi rác”, bình thường chẳng ai lại rúc vào xó này ngoại trừ dân nghèo mạt rệp với đám bợm nhậu chỗ nào cũng ngả được ra. Ở đây không đến mức có người chết hàng ngày nhưng thỉnh thoảng gặp là thường, Hà Cường thì không cần biết đến chuyện Lý Xuyên bị bệnh thần kinh ra sao, chỉ cần cậu ta đánh game được, cày rank với mình được là đủ. Chết sống ai hơi đâu mà quan tâm.

Lúc này Lý Xuyên đã dọn hòm hòm căn nhà, người mồ hôi nhễ nhại nên cậu ra nhà tắm công cộng tắm, trở về lại gặp Hà Cường.

“Lại đi đâu đấy?” Hà Cường hỏi.

Lý Xuyên: “Đến trường.”

Hà Cường ngỏng cổ ra, “Đi đâu đi đâu?”

Lý Xuyên: “Điếc à?”

Hà Cường: “… đời nào… nhưng sao bảo chú mày không thích đi học? Hôm nay vừa về đã nhiệt tình thế, chẳng giống mày tí nào.”

“Đằng nào cũng phải đi, không đi thì bỏ học à?” Lý Xuyên nhíu mày, vuốt lại cái áo sơ mi vàng ố trên người, cậu đang cảm thấy hết sức khó ở.

Trước khi đi Lý Xuyên đã nhắn tin trao đổi với giảng viên định hướng, cậu tỏ ra rất lễ độ, còn bên kia thì phải gọi là nhũn nhặn, chắc cũng sợ hết vía với loại sinh viên đầy “án tích” như cậu rồi. Giảng viên còn khuyên cậu nếu không cố được thì cứ nghỉ lấy dăm bữa nửa tháng cũng không sao.

Lý Xuyên chỉ đáp: [Cũng được.]

Giảng viên định hướng của cậu là nữ, mới hướng dẫn được một khóa sinh viên, đến khóa thứ hai thì gặp ngay đối tượng khó nhằn là Lý Xuyên. Phải nói là cô ta khóc không ra nước mắt. Đã đến mức khuyên thôi học rồi mà thằng nhỏ nhất định không chịu, mà cậu ta đi học thật ra cũng ngoan, mỗi tội thỉnh thoảng lên cơn lại cho mọi người một phen hết vía.

Lần này cậu ta đồng ý nhanh quá làm cô giảng viên kia cũng ngạc nhiên, đương nhiên tạm nghỉ học thì trường sẽ báo về gia đình nhưng cô ta chưa kịp thở phào Lý Xuyên đã nhắn tiếp: [Hay là thôi cô ạ.]

Cô giảng viên thầm nghĩ cậu đùa tôi đấy à, nhưng tay chỉ dám gõ chữ: [Bạn nghỉ dài quá rồi, hay là trước mắt bạn cứ đến trường báo danh xem thế nào đã.]

[Được.]

Bây giờ thì Lý Xuyên đã đứng trước mặt giảng viên, vẫn lầm lì kiệm lời nhưng trạng thái có vẻ tốt hơn tháng trước nhiều, ít nhất là cậu ta có thể đứng thẳng lưng và bình tĩnh nhìn vào mắt cô.

Trong tư thế đàng hoàng này cô mới chính thức nhận ra cậu này rất cao nhưng bờ vai gầy trơ cả xương đòn.

Nữ giảng viên hơi mủi lòng, cô bảo: “Tôi thấy tình trạng bạn khá hơn rồi đấy, ngày mai bạn đi học lại cũng được. Có điều đừng tái diễn chuyện như thế nữa.”

Lý Xuyên bập bập môi như đang suy tính gì đó.

Cô giảng viên cứng cả người, chỉ sợ cậu chàng lại bảo xin lỗi em không dám hứa.

May thay Lý Xuyên chỉ hỏi, “Thưa cô, ngày kia em mới đi học được không?”

Cô giảng viên chớp chớp mắt, “Hả, gì kia? À bạn bảo đi học ạ? Được, được thôi.”

“Vâng, vậy thì cảm ơn cô.”

Lý Xuyên rời khỏi văn phòng, bên ngoài có mấy cô sinh viên đi ngang qua, cười cười nói nói, thấy cậu các cô bước chếch sang một bên để nhường đường.

Cậu cúi xuống đọc qua giấy tờ giảng viên mới đưa, đó là tài liệu về xin trợ cấp và học bổng. Mấy sinh viên nam đi từ đầu kia hành lang lại, có người lướt qua huých vào bả vai Lý Xuyên.

Lý Xuyên hơi khựng người, đầu không ngẩng lên nhưng cậu lạng mình tránh ra một chút.

Đã một giờ chiều, cậu khá là vội.

Ra khỏi trường đại học, Lý Xuyên bắt xe đi thẳng đến trung tâm thương mại, trong thẻ của cậu không còn nhiều tiền, cậu đi mua quần áo mà mặc cả tận tình đến mức chủ cửa hàng phải ngán ngẩm bảo: “Này anh trông chú em cao to đẹp trai thế này tưởng phải thoáng tính chứ lị, sao chú trả giá gắt thế hả?”

Lý Xuyên bấy giờ đã thay sang quần áo mới, cậu nhanh tay rút ví trả tiền. Giờ thì chẳng còn cái vẻ khôn lanh đanh đá như lúc mặc cả nữa, cậu kệ cho tay chủ hàng than thở. Thanh toán xong cậu nhìn qua số dư tài khoản trong điện thoại rồi chuẩn bị rời đi.

“Ấy, quần này bỏ hả chú em?” tay chủ hàng hỏi.

Lý Xuyên khựng lại rồi quay đầu xách túi quần áo cũ trên quầy.

Ra khỏi cửa hàng, cậu ném luôn túi đồ cũ vào thùng rác trên đường.

Tháng nào Lý Lệ Mai cũng gửi cho cậu ba ngàn tệ sinh hoạt phí, tháng này cậu nằm viện hơn chục ngày, hôm Lý Lệ Mai vào thăm đã nộp phần lớn viện phí cho cậu, phần còn lại sáng nay cậu tự thanh toán nốt. Lúc này trong tay cậu còn được mấy trăm tệ.

Người chồng mới của bà mẹ rất khá giả nên sẵn lòng chi tiền cho Lý Xuyên, nhưng lại không sẵn lòng để cậu sống chung một mái nhà với họ. Nguyên nhân thì đơn giản – vì Lý Xuyên có bệnh. Dăm bữa nửa tháng cậu sẽ lên cơn đòi tự tử, chính Lý Lệ Mai còn phải sợ đứa con mình đẻ ra. Vậy là một khi ông chồng đã không tiếc thì bà ta cũng vui vẻ dúi tiền cho Lý Xuyên tự ra ngoài thuê nhà ở.

Lý Lệ Mai là người đàn bà có nhan sắc, tuổi cũng chưa hẳn về chiều, bây giờ lại sinh cho người đàn ông kia một đứa con gái nên gia đình mới của bà ta kể như viên mãn. Sự tồn tại của Lý Xuyên trở nên hoàn toàn thừa thãi, bảo sao cậu không bị bỏ vẳng trong bệnh viện.

Lý Xuyên vào một tiệm cắt tóc, cậu yêu cầu chính xác kiểu tóc mình muốn, anh thợ lại đề nghị: “Anh thấy cái đoạn lông mày cạo của cậu chất quá, hay là anh đi tông-đơ bên dưới rồi cũng làm một đường…”

“Khỏi cần.” Lý Xuyên đáp gọn lỏn, “Anh chỉ cắt thôi, đừng sáng tác gì hết, khi nào tôi bảo dừng thì dừng.”

Lần đầu tiên anh chàng thợ cạo gặp một vị khách bướng bỉnh như vậy, nhưng thằng nhỏ này trông cứng quá nên anh ta đành tiu nghỉu gật đầu.

Tóc cắt xong quả là đẹp thật nhưng anh thợ vẫn chưa cam tâm, anh ta lại máy mồm nói: “Anh thấy là nên…”

“Không.” Lý Xuyên đứng dậy, cậu cao một mét tám hai, đứng mà nhìn xuống cũng làm người đối diện bị áp lực ra trò, “Thế này là được rồi, quét mã trả tiền được chứ?”

“… được.”

Rời khỏi tiệm cắt tóc đã là hơn hai giờ, Lý Xuyên vẫy một chiếc taxi, mới lên xe thì nhận được tin nhắn của Lâm Lạc Dương.

[Sao hôm nay em cũng xuất viện mà không bảo anh?]

Lý Xuyên gõ chữ: [Hứng lên thì em về thôi mà.]

Xóa.

[Định cho anh một bất ngờ mà.]

Xóa tiếp.

[Đợi em tí thôi, em sắp đến rồi.]

Lại xóa.

Đến khi xe chạy gần tới nơi cậu mới biên được một tin nhắn hoàn chỉnh và chính thức bấm gửi.

[Anh ơi em xin lỗi mà, em không cố tình giấu anh đâu  ]

Đã gửi.

Lý Xuyên thỏa mãn nhìn lại dòng tin mình vừa gửi đi rồi móc năm mươi tệ ra trả lái xe.

Người lái xe nhìn tờ tiền có vẻ nghi ngờ, Lý Xuyên nói: “Tiền thật đấy, hôm nay dọn nhà khua được trong khe giường.”

Người lái xe: “… À, à, được.”

Bấm chuông xong Lý Xuyên sốt ruột chỉnh lại áo quần cho thẳng thớm, đợi hồi lâu không thấy ai ra mở cửa cậu lại bắt đầu nghi hay mình đoán nhầm mất rồi?

Mãi một lúc sau mới có tiếng bên trong vọng ra, rồi Lâm Lạc Dương xuất hiện trước mắt cậu với vẻ mặt đầy kinh ngạc.

Bấy giờ Lý Xuyên mới nở nụ cười đầu tiên trong ngày dù đáy mắt không giấu kịp nỗi hoang mang.

“Em đến tìm anh nè.” cậu ngắm nhìn Lâm Lạc Dương lúc này, tóc xõa khiến gương mặt càng nhỏ nhắn, cổ tay vẫn mảnh mai như thế… nhưng không sao, sức khỏe có thể từ từ rèn luyện được. Cậu chợt hạ giọng như thì thầm, “Anh, anh không vui vì em đến à?”

Cậu rất sẵn lòng gọi tiếng “anh” ấy, gọi bất cứ lúc nào cậu thấy là nên.

Và thế là gương mặt Lâm Lạc Dương giãn ra trông thấy, niềm vui nở rộ không hề giấu giếm.

“Đương nhiên là vui rồi!”
Bình Luận (0)
Comment