Phế Đô

Chương 26

Hội nghị lại họp ba hôm, trong ba ngày ấy, Đường Uyển Nhi đến hai lần nữa, còn hẹn sẽ đến tiếp làm cho Trang Chi Điệp phấn chấn tinh thần, trong lòng cũng không để tâm nhiều đến chuyện rắc rối của bài báo kia đem lại. Bữa cơm tối nay gặp Hoàng Đức Phúc trên ghế nhà ăn, lại hết sức ngạc nhiên. Hoàng Đức Phúc gầy rộc hẳn đi, khuôn mặt vốn trắng trẻo đã héo hon như cây nến, tròn mắt hõm đen, hỏi ốm đau ra sao, thì Đức Phúc trả lời "mệt". Trang Chi Điệp liền yêu cầu chuyển lời đề nghị xin căn hộ riêng ở am ni cô làm xa lông văn nghệ tới thị trưởng, mong được trên quan tâm.

Đức Phúc mồm nói đồng ý, nhưng đã nói thẳng đừng sốt ruột, hiện giờ thị trưởng mải bận nhiều việc tối tăm mặt mũi, mà việc nào cũng quan trọng, tạm thời chưa có thời giờ lo liệu những việc vụn vặt này. Trang Chi Điệp nói:

- Việc này có mất bao nhiêu thì giờ của thị trưởng đâu, cũng có cần viết báo cáo bằng văn bản, họp hội nghị nghiên cứu đâu cơ chứ? Anh chỉ cần nói hai ba câu là xong thôi mà. Trong thời gian họp hội đồng nhân dân, chẳng phải vừa vặn, nhân lúc thị trưởng nghỉ ngơi thư giãn mà đặt vấn đề được sao?

Đức Phúc nói:

- Nên nói thế nào với đám văn nhân các anh nhỉ? Anh cứ tưởng họp hành thế này, lãnh đạo được nghỉ ngơi đấy hả?

Liền kéo Trang Chi Điệp sang một bên, khe khẽ nói, họp Hội đồng nhân dân còn căng thẳng hơn một cuộc chiến tranh là đàng khác. Trước khi họp, anh và bí thư trưởng tối nào cũng đi xe đến Uỷ ban hành chính các khu trong thành phố và huyện ngoại thành tìm hiểu tình hình, tìm người trao đổi cái gì nên nói rõ, thì nói rõ, cái gì nên ám chỉ thì ám chỉ, đã tròn năm đêm nay, anh không được chợp mắt. Trong thời gian họp càng phức tạp ghê gớm, sắp xếp nhân sự đã định trước, định thay chủ nhiệm hội đồng nhân dân, nhưng có người ngấm ngầm xâu chuỗi, cứ đòi bầu ông này chưa biết chừng ngày bầu cử cuối cùng, ông này được nhiều phiếu trúng cử thật, thì sự việc sẽ rất tồi tệ. Còn thị trưởng có được trúng khoá nữa hay không, vấn đề không lớn, song số phiếu tuy quá bán, hoặc quá bán không bao nhiêu, thì chẳng phải thị trưởng cũng đơ mặt, khó xử hay sao? Hoàng Đức Phúc nói:

- Anh có biết tình hình này không?

Trang Chi Điệp đáp:

- Tôi đâu có biết? Suốt cả hội nghị trang trọng, nồng nhiệt như thế, mà bên trong còn có bao nhiêu chuyện lòng thòng đến thế kia ư?

Hoàng Đức Phúc nói:

- Văn nhân các anh không hiểu chính trị cũng tốt. Nhưng thử nghĩ, bây giờ anh đòi lập tức nói ngay với thị trưởng chuyện nhà cửa, tâm tư thị trưởng thoải mái, sự việc có thể dễ xong, ngộ nhỡ ông ấy đang buồn bực, với một lý do tùy tiện, sẽ có thể gạt đi một cái, thì sau này anh không bao giờ nói được nữa. Chuyện này anh cứ yên tâm, tôi liệu cơm gắp mắm, khi có thời cơ sẽ làm, tôi không xếp xó không làm đâu.

Quả thật là những lời nói từ gan ruột, song Trang Chi Điệp nghe xong, cứ mắt chữ I mồm chữ o không bao giờ còn nhắc đến chuyện này nữa. Khi lại nhìn thấy thị trưởng, hoặc Hoàng Đức Phúc vui cười hớn hở bắt tay nói chuyện với các đại biểu ở hành lang khách sạn, Trang Chi Điệp cũng không đến gần chào hỏi, mà tránh ra xa, về phòng mình đọc sách.

Cũng trong buổi chiều nay, Đoàn chủ tịch đại hội thông báo thảo luận ở tổ, nhân viên phục vụ đem đến ba tờ báo đặt cho các đại biểu trong thời gian họp đại hội. Ai phát biểu thì tiếp tục phát biểu, ai chưa phát biểu thì mở báo ra xem. Trang Chi Điệp liền xem trang văn nghệ ở trang ba ở báo tỉnh trước, sau đó xem báo thành phố, gần như trang một và trang hai đều đăng tin bài có liên quan đến cuộc họp hội đồng nhân dân, cảm thấy không có ý gì, đọc xong tờ báo thứ ba có tên là "Cuối Tuần" ngay tức khắc bị một tin cuốn hút. Tiêu đề của tin này là "Trụ sở Uỷ ban thành phố đi làm lề mề, sau nửa tiếng đồng hồ người đi làm mới được quá nửa". Nội dung viết rõ, phóng viên báo Cuối Tuần ngày x tháng x năm x khi đi làm việc đột nhiên điều tra tại cổng trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố. Sau khi đến giờ làm việc mười phút có bao nhiêu người có mặt, sau nửa tiếng đồng hồ có bao nhiêu người có mặt. Cục trưởng đi muộn có mấy vị, phó chủ tịch thành phố có mấy vị đến muộn. Ngay tức khắc cuộc họp xôn xao bàn tán chủ đề từ thảo luận báo cáo công tác của Uỷ ban Nhân dân thành phố do thị trưởng trình bày, chuyển sang tranh luận mẩu tin này. Trang Chi Điệp ngồi nghe, chẳng qua là nói những lời oán than loạn xì ngậu, cảm thấy buồn tẻ vô vị, liền về phòng mình, gọi điện thoại cho gia đình, hỏi xem có chuyện gì quan trọng không. Người nhận điện là Liễu Nguyệt, hỏi thẳng "Ai đấy? Ai đấy?" Trang Chi Điệp đang định nói thì trong ông nghe vang lên tiếng nô đùa. Anh định nghe thử xem ai vui đùa, nên không trả lời. Ở đầu dây đàng kia, Liễu Nguyệt nói:

- Tâm thần!

Rồi bỏ máy xuống đánh cạch một tiếng. Trang Chi Điệp lại gọi, Liễu Nguyệt chẳng hỏi nếp tẻ quát luôn:

- Nhầm rồi. Đây là lò hoả táng!

Lại bỏ máy xuống. Trang Chi Điệp nóng tiết gọi thêm một lần nữa, vừa thấy Liễu Nguyệt ở đầu kia cầm ống nghe lên, liền mắng:

- Liễu Nguyệt ở nhà nhận điện thoại như thế này đấy hả?

Liễu Nguyệt đã nghe rõ giọng, vội vàng đáp:

- Thầy giáo Điệp, sao lại là thầy giáo nhỉ? Mấy hôm nay thầy giáo không ở nhà, mỗi ngày hàng chục cú điện thoại gọi đến tìm thầy giáo. Em nói thầy giáo đi vắng, được một lúc lại gọi đến. Chị cả bảo em cứ nói đã nhầm số điện thoại, thật không ngờ đã làm lỡ điện thoại của thầy giáo.

Trang Chi Điệp vẫn chưa hết bực hỏi:

- Ai đang nói chuyện với em đấy?

Liễu Nguyệt đáp:

- Thưa anh Hồng Giang đấy ạ! Anh ấy vừa đến tìm thầy giáo. Thầy giáo cần nói chuyện với anh ấy không?

Trong điện thoại vang lên tiếng Hồng Giang, đầu tiên cứ ấp úng sau đó nói đến chuyện hiệu sách, nói luôn cuốn sách ấy đã in hai hôm rồi, đã gửi xuống các điểm bán lẻ, hàng bán rất chạy. Hồng Giang lục bục nói một lúc, Trang Chi Điệp không đáp lời, Hồng Giang liền hỏi:

- Thầy giáo Điệp, thầy giáo đang nghe chứ ạ?

Trang Chi Điệp nói:

- Ừ.

Hồng Giang nói:

- Lần này trúng quả rồi. Em sơ bộ tính thử, mình bỏ ra mười vạn có thể lãi ròng ba vạn. Xem tình hình hiện nay, em định dăm hôm nửa tháng sau ta lại in một vạn. Cho nên nghĩ có nên chiêu đãi ông họ Giả ở phòng phát hành Cục bưu điện hay không? Không để mất lòng người này, ngoài con đường phát hành nghiêm chỉnh, trong lúc ông ta có mạng lưới phát hành ngấm ngầm. Nếu thầy giáo cảm thấy chủ trương này được, thầy có thể đứng ra gặp mặt ông ấy được không? Ngày mai hay ngày kia?

Trang Chi Điệp đáp:

- Tôi không có thì giờ, cậu nói với cô Thanh nhé!

Nói rồi bỏ ống nghe, kéo chăn nệm ngủ một mạch cho tới lúc ăn tối. Ăn xong cơm, Trang Chi Điệp đi ra cổng khách sạn xem thử, không thấy Đường Uyển Nhi đến. Đại hội bố trí buổi tối đi xem Tần Xoang ở Dịch Tục Xã. Nhiều đại biểu đã tốp ba tốp năm vừa đi dạo, vừa đi vào rạp hát. Có ai đó gọi Trang Chi Điệp cùng đi. Trang Chi Điệp bảo cần phải về, e nhà có việc, khách ở xa đến thăm, xin được từ chối.

Chờ người đi xem đã đi hết, trở về phòng riêng, chờ Đường Uyển Nhi đã hẹn đâu vào đấy, chợt nghĩ ra nên mua thứ gì đó chiêu đãi Đường Uyển Nhi, liền ra cửa hàng mua một hộp kẹo sô cô la trở về, thì Hoàng Đức Phúc lại gõ cửa đi vào, nói:

- Thị trưởng tìm anh đấy!

Trang Chi Điệp hỏi:

- Thị trưởng gặp tôi ư?

Liền khép hờ cửa, hai người đi đến một gian phòng ở gác hai đối diện. Đẩy cửa đi vào thì thị trưởng đang ngả người trên xa lông hút thuốc. Vừa thấy Trang Chi Điệp, thị trưởng liền đứng dậy bảo:

- Nhà văn lớn đã đến đấy hả, mấy hôm nay đều dự họp, sao không đến thăm mình?

Trang Chi Điệp đáp:

- Thị trưởng quá bận không dám quấy rầy.

Thị trưởng nói:

- Người khác không gặp, chứ anh đến sao lại không gặp cơ chứ? Đức Phúc đã nói với tôi yêu cầu của anh. Nếu ủng hộ, thì có người bảo mình chỉ nắm văn hoá, không nắm kinh tế chính trị, nên làm bộ trưởng văn hoá, chứ không phải thị trưởng. Hừ, hừ. Giữ cái chức danh này, mình quả thật muốn làm một số việc cho anh em trí thức. Căn hộ riêng ở am ni cô, thôi thì để cho các anh, sau này có hoạt động gì, nếu cảm thấy mình có thể làm người nghe thì đừng quên thông báo cho mình nhé!

Trang Chi Điệp nảy khỏi ghế sa lông, nói:

- Thật là cám ơn thị trưởng! thị trưởng nắm văn hoá, đấy là đã nắm chắc đặc điểm của Tây Kinh. Văn hoá bác sân khấu, kinh tế lên diễn kịch. Chuyện này đâu phải chỉ là chuyện của văn hoá? Tôi không hiểu nhiều các ngành khác, chứ trong giới văn nghệ, thành tích chính trị của thị trưởng có thể nói ai ai cũng biết.

Thị trưởng nói:

- Đức Phúc này, cậu trao chìa khoá cho Chi Điệp nhé!

Quả nhiên Hoàng Đức Phúc móc chìa khoá và giấy chứng nhận sử dụng ngôi nhà trong túi ra, nói:

- Thị trưởng chu đáo lắm, kỹ lưỡng hơn tôi, thị trưởng bảo các anh đi làm giấy chứng nhận sử dụng nhà, lại phải tìm người, không nên để mất thì giờ của nhà văn, trưa hôm nay đích thân bảo tôi đi làm xong thủ tục.

Trang Chi Điệp nhận chìa khóa, thật tình không biết nói thế nào hơn. Thị trưởng bảo:

- Giới văn nghệ các anh, sau có việc gì cứ trực tiếp đến gặp mình. Nghe nói trong thành Tây Kinh có bốn danh nhân lớn, vậy mà mình mới có gặp Trang Chi Điệp và Nguyễn Tri Phi. Đức Phúc này, cậu chọn một chủ nhật, triệu tập bốn danh nhân lớn cùng đến, mình mời các anh ấy ăn bữa cơm, kết bạn với nhau.

Hoàng Đức Phúc đáp:

- Thế thì tuyệt quá! Thủ tướng Chu n Lai e suốt đời thích kết bạn với giới văn nghệ. Thủ tướng đã từng nói, một nhà chính trị không có mấy bạn văn nghệ sĩ, thì không thể thành nhà chính trị lớn được.

Thị trưởng nói:

- Những người ấy đều là châu báu của thành phố đấy. Người xưa nói, cửa nhà quan thì kiên cố, còn quan thì như nước chảy. Mình đây là thị trưởng, hôm nay thì làm thị trưởng, chứ ngày mai không làm thị trưởng nữa, thì mình chả là cái gì cả. Nhưng các anh thì khác, có tác phẩm hay, tên còn muôn thưở.

Trang Chi Điệp cười đáp lời:

- Thị trưởng khiêm tốn quá đấy. Làm cái nghề văn nghệ của chúng tôi, xét cho cùng là cái thứ trừu tượng. Tháng trước tôi đi tới đầu phố Lục Phủ, thấy ở đây mới xây dựng một nhà máy nước, trên tường có sơn sáu chữ to đỏ chói "Uống nước không quên thị trưởng". Quả thật tôi sâu sắc lắm, tên tuổi để đời thật sự, đều là những sự việc thực tế đem lại lợi ích cho quần chúng nhân dân. Đê Bạch, Đê Tô ở Hàng Châu, Tả Công Liễu ở Cam Túc là những bằng chứng rõ nhất.

Thị trưởng cười ha hả bảo:

- Ở đầu phố Lục Phủ chỗ ấy luôn luôn không có nước máy, nhất là mùa hè, bà con phải xách thùng xách xô ra mãi ngõ phố khác, cách ngoài ba dặm lấy nước, bà con có ý kiến khiếp lắm. Sau khi nắm được tình hình này, mình triệu lãnh đạo Cục xây dựng thành phố và công ty máy nước đến để các vị nói xem vì sao, đương nhiên họ có nhiều khó khăn thực tế. Mình liền nóng tiết lên, mặc dù nói trời nói biển như thế nào, chứ thành phố Tây Kinh hiện đại bề thế như vậy, mà vẫn có một mảng không có nước uống sao? Phải có nước đến đó trong mười ngày, nếu ngày thứ mười một tôi đến đó thấy không có nước, thì trách nhiệm thuộc về ai, tôi sẽ tước chức của người đó. Quả nhiên đến ngày thứ chín thì có nước. Hôm đó mấy ngàn người ở đó khua chiêng đánh trống, đốt pháo ăn mừng, lại còn làm biển định đưa tới trụ sở Uỷ ban, mình biết tin đó, đã bảo Đức Phúc ngăn chặn ngay. Mình nghĩ bụng, bà con trăm họ tốt vô cùng, chỉ cần anh thật sự làm cho họ một chút việc, họ sẽ vĩnh viễn không quên.

Trang Chi Điệp reo lên:

- Chà, chà, một đề tài hay như thế, Hội văn học nghệ thuật chúng tôi nên tổ chức mấy anh em đi viết.

Thị trưởng nói:

- Chuyện ấy các anh không nên viết, nó dính dáng tới việc của cá nhân, ở đây đã có một bài, do một số đồng chí bên dưới viết, đưa lên chỗ mình để mình duyệt, mình xem xong cũng thấy hay, nghe đâu báo tỉnh sắp sửa đăng, nhưng bao giờ thì chưa biết. Nghe anh em nói, nề nếp tác phong hiện giờ không tốt, ngay đến báo Đảng đăng bài, cũng phải có người quen, quả là làm gì có cái lý ấy cơ chứ!

Thị trưởng nói rồi đưa một tập bản thảo cho Trang Chi Điệp bảo:

- Anh thử đọc xem.

Trang Chi Điệp đã nhận bản thảo, thị trưởng liền nói:

- Thế này nhé, Đức Phúc ơi, cậu và nhà văn lớn sang phòng cậu mà xem, ba phút nữa mình còn phải sang Thị uỷ có cuộc họp. Chi Điệp à, lúc nào đấy mình sẽ sang phòng anh nói chuyện, anh ở phòng bảy linh ba phải không?

Trang Chi Điệp nói:

- Nếu thị trưởng có thời gian xin cứ gọi điện thoại, tôi sẽ đến.

Hai người lại sang phòng bên cạnh. Hoàng Đức Phúc liền đóng cửa, nói:

- Anh đọc bản thảo đi đã.

Trang Chi Điệp mở ra xem. Tên bài văn là Thị trưởng đích thân nắm cải cách đi tiên phong. Phụ đề là: Tác phong mới ở trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố Tây Kinh. Nội dung hầu như nhằm trúng bài phê bình của báo "Cuối Tuần" từ một khía cạnh khác. Hoàng Đức Phúc hỏi:

- Anh đọc bài trên báo Cuôí Tuần hôm nay rồi chứ, đó là có kẻ đang âm mưu chính trị. Những tin bài như thế đáng ra nên đăng trên báo thành phố, đằng này lại đăng ở báo Cuối Tuần. Mục đích của họ rất rõ ràng, tức là hạ thấp, bôi nhọ công tác của Ủy ban Nhân dân thành phố trước khi bầu cử. Bài này ảnh hưởng cực xấu, qua điều tra, thì do tay chân của vị chủ nhiệm Hội đồng nhân dân kia viết. Sáng nay chúng mình kịp thời đưa ra bản thảo này, quyết định, hai tờ báo Đảng của tỉnh và thành phố đăng cùng một lúc. Báo thành phố đương nhiên không chậm trễ, chỉ có điều hai tờ báo tỉnh và thành phố thường hục hặc nhau, luôn luôn không phối hợp với nhau nhịp nhàng cho lắm, mà báo tỉnh là của trên tỉnh, thành phố mình lại không có quyền quản lý người ta. Anh quen biết nhiều người ở báo tỉnh, việc này anh phải đứng ra, nhất định đòi họ bảo đảm ngày mai đăng báo, mà lại phải đăng ở cột trang đầu. Anh cảm thấy giao thiệp với ai, do anh quyết định, anh khỏi phải lo chuyện chi tiền, cho dù bỏ ra mấy vạn đồng mua trang báo của họ cũng được.

Trang Chi Điệp nói:

- Người quen thì nhiều nhưng ngày mai phải đăng, liệu có kịp không?

Hoàng Đức Phúc nói:

- Ngày kia bầu cử rồi, chỉ có thể đăng ngày mai, chuyện này trông chờ vào tài năng của anh. Xe tối nay đã bố trí đâu vào đấy, tôi đi theo anh.

Trang Chi Điệp nói:

- Vậy thì được, bây giờ tìm tổng biên tập, thì không kịp. Chủ nhiệm phòng sắp xếp tin bài là anh trai của bạn tôi, bảo ông ấy rút bài khác đi, nhét bài này vào.

Trang Chi Điệp liền viết ra một số tên người, yêu cầu mua cho mỗi người một ít quà gì đó, Hoàng Đức Phúc lập tức nhờ người đi mau một số đồ dùng như nồi điện, hòm sấy, trò chơi điện tử, bảo:

- Đêm nay bài báo không in ra chúng mình không quay về.

Trang Chi Điệp tỏ ra băn khoăn. Hoàng Đức Phúc hỏi:

- Tối nay anh có việc hả?

Trang Chi Điệp đáp:

- Kể ra cũng không có việc gì. Thế này nhé. Anh ở đây chờ tôi, tôi về phòng mình lấy cái túi.

Hoàng Đức Phúc bảo:

- Tôi đi cùng với anh. Anh là danh nhân, nhiều người đến tìm, biết đâu đi một cái lại gặp ai cuốn níu mất.

Trang Chi Điệp chằm chặp kêu khổ trong lòng, đành nói:

- Vậy thì thôi không đi nữa.

Đêm ấy quả nhiên Trang Chi Điệp không về được. Anh và Hoàng Đức Phúc đi tìm bạn của anh, bạn anh vừa khéo đi công tách xa, đành phải trực tiếp đi tìm chủ nhiệm phòng sắp xếp tin bài, nêu ra yêu cầu. Bài viết đã đưa lên khung. Nhưng không ai ngờ, một vị tổng biên tập trực ban đêm đó khi xem mẫu báo đã hỏi một câu:

- Anh nào viết bài này thế? Sao nội dung ngược hẳn với bài của báo Cuối Tuần? Suy cho cùng,thì tình hình của trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố Tây Kinh thế nào, mình phải thận trọng vẫn hơn.

Ông chủ nhiệm không dám trả lời, về phòng ở tập thể của ông gặp Trang Chi Điệp và Hoàng Đức Phúc. Cả hai lại đi gặp phó tổng biên tập nói rõ tình hình. Phó Tổng biên tập nói:

- Một người là thư ký lớn của Uỷ ban Nhân dân thành phố, một người là nhà văn có tên tuổi, đương nhiên tôi tin phục các anh, đưa bài vào được thôi. Nhưng chưa chắc đã ra số báo ngày mai được, ngày kia nhất định đăng, thế nào?

Hoàng Đức Phúc trả lời:

- Không được đâu, để bài rút ra ngày kia đăng có được không?

Phó tổng biên tập nói:

- Anh không biết đâu. Bài ấy đã hoãn đăng ba hôm rồi. Người ta ủng hộ tiền một cuộc thi viết của toà báo, ông giám đốc đã mấy lần đến yêu cầu.

Hoàng Đức Phúc nói:

- Đưa tin của một nhà máy nhỏ có quan trọng bằng chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân thành phố không?

Thế là nói đi nói lại, lúc cứng lúc mềm, cuối cùng đi đến thoả thuận, cho toà báo một vạn đồng. Bài báo coi như được lên khung. Trang Chi Điệp thấy công việc đã xong, sốt ruột không biết Đường Uyển Nhi tìm anh đã chờ bao nhiêu lâu rồi, liền thúc giục Hoàng Đức Phúc trở về khách sạn. Hoàng Đức Phúc lại bảo chờ cho bằng được mẫu báo ra lần cuối cùng, để tự tay đối chiếu xong mới về. Hai người ngủ gà ngủ gật ở buồng chủ nhiệm một lúc, mẫu báo đã ra. Hoàng Đức Phúc lại chê tiêu đề nhỏ quá, chủ nhiệm liền nhăn nhó, bảo công nhân đã mệt mỏi. Hoàng Đức Phúc ra chợ đêm, mua về mấy tút thuốc lá thơm, phân phát cho công nhân xưởng in mỗi người một chút, lại mua một con gài, một chai rượu để uống với chủ nhiệm và Phó tổng biên tập. Chủ nhiệm hễ có chất cay vào bụng là lắm lời, cứ rối rít khen Hoàng Đức Phúc có thái độ công tác cẩn thận, chịu trách nhiệm đến thế, thanh niên như vậy quả thật hiếm thấy, xúc động lên, liền nêu ý kiến ông cần phải viết lời toà soạn, nói viết là viết, nhân lúc say viết rất trôi chảy, quan điểm rõ ràng, lại rút đi một tin ngắn đưa lời toà soạn vào. Hoàng Đức Phúc sung sướng đến mức, vừa tặng danh thiếp của mình, vừa ghi số điện thoại của chủ nhiệm và cứ nói đi nói lại, có việc gì cứ đến tìm anh. Vật lộn như thế đến nửa đêm, khi cầm được một xấp báo mới, Trang Chi Điệp đã mệt lử không nhấc được đầu lên, mơ mơ màng màng, bị Hoàng Đức Phúc kéo lên xe định về khách sạn, thì dường như trời đã sáng bảnh mắt.

Xe phóng qua đầu đường trước am ni cô, Trang Chi Điệp tự dưng tỉnh ngủ, nói đã đến đây, sao không để xem căn hộ kia một chút, Hoàng Đức Phúc liền dẫn anh lên tầng năm của ngôi nhà, mở của phòng ra, ba phòng một sảnh, bởi ở gác trên cùng, nên yên tĩnh vô cùng. Hoàng Đức Phúc hứa hẹn trưa nay anh sẽ đứng ra bảo khách sạn Cố Đô chở đến mấy cái xa lông cũ, một cái bàn, một cái ghế và một cái giường, thậm chí còn bảo chở thêm một bộ chăn nệm. Các nhà văn nghệ sĩ ai cũng nghèo, có lẽ chẳng có ai tự bỏ tiền túi, mua đồ dùng cho mọi người sử dụng. Trang Chi Điệp lại xúc động tỏ lời cám ơn. Chợt nghe dưới gác có người nói to:

- Một đoạn nữa đi! Một đoạn nữa đi!

Không biết nghệ nhân nào bày bán món gì ở đây. Hai người đi xuống gác thì nhìn thấy ông già thu mua đồ đồng nát bị một tốp thanh niên vây chung quanh, đang đọc một đoạn ca dao:

Mười bảy mười tám tóc rối đầu bù

Hai bảy hai tám bồng bế con thơ

Ba bảy ba tám ngóng chờ cất nhắc

Bốn bảy bốn tám qua loa tắc trách

Năm bảy năm tám hết sách về nhà

Sáu bảy sáu tám nuôi cá trồng hoa

Bảy bảy bảy tám chấn hưng Hoa hạ

Hoàng Đức Phúc chau mày, gọi:

- Này, lão kia, nói bậy nói bạ cái gì ở đây thế?

Ông già quay đầu nhìn đáp:

- Tôi có nói gì đâu, tôi nói gì nhỉ?

Hoàng Đức Phúc nói:

- Lão còn nói điều vớ vẩn nữa, ta sẽ gọi Cục công an đuổi lão ra khỏi thành phố!

Ông già lập tức đội mũ lá lên đầu, kéo cái xe cải tiến vành sắt lọc cọc ra đi, cái giọng khản đặc lại cất lên: "Đồ đồng nát nào, có ai bán đồ đồng nát không?"

Lúc này Trang Chi Điệp còn ở trên cầu thang gác hai, đang định nói chuyện với Hoàng Đức Phúc ở bên dưới thì bước hẫng ngã quay ra, bị trẹo chân.

Ở bệnh viện ba ngày, dán cao thuôc vào chỗ trẹo, Trang Chi Điệp có thể nhảy lò cò một chân đi lại được liền ra viện về ở ngôi nhà mái chảy bên Song Nhân Phủ. Mẹ vợ đi hội chùa ở ngoại ô, hôm nay nhắn người đến bảo, còn ở một thời gian nữa, chờ trời mát mới về. Ngưu Nguyệt Thanh giữ người đến báo tin ở lại ăn cơm, rồi lấy một cái túi, bỏ mấy bộ quần áo của mẹ thay ra giặt vào trong, còn nhét cả một vài bộ quần áo cũ, giày tất cũ của chị, của chồng và bảo:

- Chi Điệp ơi, có lẽ anh không mặc đến những quần áo cũ này, gửi cho gia đình chị kết nghĩa nhé, ở nhà quê cũng không cầu kỳ lắm đâu.

Trang Chi Điệp bảo:

- Tuỳ em.

Song sắc mặt không vui vẻ.

Ngưu Nguyệt Thanh tiễn người đưa thư ra cổng, tiện tay cầm luôn bao thuốc lá trên bàn bảo mang theo hút dọc đường, rồi quay về nói với chồng:

- Để người ta mang theo mấy bộ quần áo cũ, mà sắc mặt anh không vui vẻ như vậy, trước mặt người ngoài làm em ngượng chết đi được.

Trang Chi Điệp nói:

- Ai làm ai ngượng nào? Em cho đồ đạc họ hàng có bao giờ bảo trước với anh cơ chứ. Lần nào cũng trước mặt người ta mới nói với anh một tiếng nửa câu, anh không đồng ý thì sao nào!

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Đâu phải em chỉ cho đồ họ hàng nhà em? Anh nói cũng phải có lương tâm chứ, quê hương Đồng Quan của anh chẳng phải hết người này đến người kia đến đó sao? Nào du lịch, nào khám bệnh, nào buôn bán, nào kiện cáo, ai đến chẳng ở chẳng ăn ở đây! Co ai không đối xử tử tế đâu nào. Ông cậu và con rể dì anh, hễ mở miệng vay tiền là hai ba nghìn, em đưa cho tiền chẵn rồi, lại còn cho thêm tiền lẻ. Em cũng biết đấy là chuyện đánh chó trong bị, đã đi là mất, song em đã bao giờ nói một chữ không chưa? Hiện giờ thanh niên ở Tây Kinh tìm đối tượng, tại sao con gái không tìm con trai nhà quê chính là ngại sau khi cưới phiền nhiễu về chuyện này.

Trang Chi Điệp xua tay nói:

- Em đừng nói nữa được không nào? Mấy hôm nay anh đang buồn chán.

Nói xong gắng gượng đứng lên khỏi xa lông, chống gậy lọ mọ đi vào buồng ngủ. Trang Chi Điệp bực tức bỏ đi rồi, Ngưu Nguyệt Thanh cũng hết giận. Nghĩ một lát rồi bảo Liễu Nguyệt pha một cốc nước mơ chua, hất hàm ra hiệu bưng vào phòng ngủ. Liễu Nguyệt bưng cốc mơ chua đang định đi, thì chị giằng lấy tự bưng vào. Liễu Nguyệt đứng nhìn ở cửa buồng nói:

- Chị cả ơi, việc gì chị phải khổ thế!

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Em bảo chị hèn chứ gì? Đàn bà ấy mà, có chạy nữa thì gặp ở phía trước, vẫn chẳng phải là đàn ông hay sao?

Liễu Nguyệt đáp:

- Chị làm thế sẽ càng quen thói xấu của thầy giáo Điệp. Thầy giáo không chịu uống đâu.

Nhưng Trang Chi Điệp đã uống cốc nước mơ chua, nói:

- Anh nghe em nói một câu hay quá mới uống đấy.

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Em nói câu gì nào?

Trang Chi Điệp liền buồn nản tới mức không nói lại nữa.

Liễu Nguyệt nói:

- Em biết rồi, chị bảo đàn bà có chạy nữa thì gặp ở phía trước vẫn là đàn ông. Thầy giáo Điệp thích chị dùng những lời có thể đưa vào sách. Từ nay trở đi, nếu chị mắng anh thì cứ dùng thành ngữ mà mắng, thầy giáo sẽ chẳng bao giờ bực tức nữa.

Chị Lưu đưa sữa ngày nào cũng dắt con bò đến khu nhà hội văn học nghệ thuật, đã hơn mười ngày không thấy Trang Chi Điệp, qua hỏi thăm mới biết là đi họp. Hiện giờ bị trẹo chân đang ở bên Song Nhân Phủ. Lần sâu vào thành phố, chị Lưu đã có ý định đi vòng hai phố lớn đưa sữa sang bên này, khi đến còn đem theo một quả bí đỏ to, bảo đắp cùi bí đỏ vào chỗ ngã đau sẽ khỏi. Ngưu Nguyệt Thanh rất cám ơn lòng tốt của chị Lưu, định trả tiền chị, chị Lưu cứ khăng khăng không nhận. Trước cổng đang có một chiếc xe đẩy bàn đậu phụ đi ngang qua, liền định mua một túi tặng chị. Chị Lưu ngăn lại bảo:

- Tôi không ăn được đậu phụ ở thành phố các chị đâu, ăn vào là buồn nôn.

Trang Chi Điệp hỏi:

- Chị Lưu ăn đậu phụ bị dị ứng à?

Chị Lưu đáp:

- Đậu phụ ở thành phố tra nước thạch cao uống không ngon bằng đậu phụ ở quê nhà tra nước tương. Tôi lại nghe người ta bảo những hộ cá thể bán đậu phụ hiện nay, thạch cao mà họ tra vào đậu phụ đều là loại thạch cao nhặt của bệnh nhân vứt ngoài tường sau bệnh viện khoa xương đem về dùng.

Trang Chi Điệp cười ha ha nói:

- Nói như vậy thì thạch cao ở chân tôi đây, sau này còn giữ lại dùng được đấy nhỉ!

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Chị Lưu nói như vậy là cố tình kiếm cớ không nhận quà của tôi đấy mà. Song tôi và anh Điệp biết cảm ơn chị như thế nào đây?

Chị Lưu nói:

- Ối chà, tôi có cần gì cám ơn đâu cơ chứ? Một người nhà quê được làm quen với anh chị cũng là tạo hoá rồi. Ngày hôm nọ vào thành, đại lộ Đông giới nghiêm xe công an rú còi inh ỏi, bảo là có quan lớn gì đó ở Bắc kinh đến thăm, xe con của quan lớn chưa đi qua, không ai được đi ngang qua đường cái. Tôi dắt bò đi qua, một anh công an mặt rỗ quát: "Người còn không được đi qua, nữa là bò!". Tôi bảo, thưa anh tôi đem sữa tươi cho Trang Chi Điệp. Anh công an mặt rỗ nói: "Trang Chi Điệp, nhà văn Trang Chi Điệp phải không?", tôi đáp: "Đương nhiên là nhà văn Trang Chi Điệp". Vậy là anh công an mặt rỗ giơ tay lên chào tôi, nói "Mời chị đi, chị nói với ông Điệp, tôi họ Tô, là người sùng bái ông ấy!". Thế là tôi dắt con bò đi qua đường. Lúc ấy mặt tôi to bằng cái chậu ấy! Anh xem vinh dự ấy cho tôi tám trăm một nghìn, liệu có thay thế được không?

Liễu Nguyệt hỏi:

- Có chuyện ấy thật sao?

Chị Lưu đáp:

- Tôi đâu dám bịa ra.

Liễu Nguyệt nhìn Trang Chi Điệp cười, cặp lông mày nhíu lên, nói:

- Em cũng nhớ lại một chuyện, ngày thứ hai thầy giáo Điệp nằm viện, Hồng Giang gọi điện bảo, có bốn nhà máy đường phố muốn chờ thầy giáo Điệp làm cố vấn cho họ, song không cần thầy giáo phải bỏ sức ra, chỉ cần viết giới thiệu sản phẩm của nhà máy, viết báo cáo công tác của nhà máy, mỗi tháng trả cố định một ngàn đồng.

Trang Chi Điệp nói:

- Hồng Giang giỏi tán lắm, vào cầu tiêu tiểu tiện cũng kết thân được một bạn gái cùng đi tiểu cơ mà! Không biết ra ngoài lấy danh nghĩa của tôi sẽ thành tinh như thế nào, tôi đi làm cố vấn cái gì!

Liễu Nguyệt đáp:

- Em cũng nói thế. Anh ấy bảo người làm công tác văn hoá dịp này cũng trúng quả ngon thơm. Ngày xưa thổ phỉ cũng cướp một ông thầy giữa đám đông, nhà máy đường phố bây giờ muốn hái ra tiền cũng đã hiểu cái lẽ này.

Đột nhiên giơ tay đập mạnh vào lưng Trang Chi Điệp, một con ruồi trâu bị đập chết tươi rơi xuống, nói tiếp:

- Bao nhiêu con ruồi trâu thế này, đốt ai chả đốt, cứ nhằm nhằm đốt thầy giáo Điệp cơ chứ!

Trang Chi Điệp nói:

- Con ruồi trâu này có lẽ không phải kẻ ưa chuộng văn học, mà là giám đốc của một nhà máy nào đấy!

Nói tới mức cả ba người Ngưu Nguyệt Thanh, Liễu Nguyệt và chị Lưu cùng cười. Nói chuyện một lúc, thấy trời đã muộn, Trang Chi Điệp vẫn cứ chống chân cúi người, đưa mồm mút sữa dưới bụng bò, Liễu Nguyệt thấy hay hay, cũng bảo cho cô ta bú thử, vừa ngả người xuống, con bò đã giơ bốn vó lên dậm lung tung, cái đuôi lông như bàn chải chà xát vào mặt rát ràn rạt. Liễu Nguyệt vội vàng tránh ra, thì cái vòng ngọc thạch đeo ở cổ tay rơi xuống đất vỡ vụn. Ngay lập tức mặt ỉu xìu, bảo vòng ngọc này là tiền công một tháng bà chủ nhà đàng kia thưởng cho cô, liền lượm nửa hòn gạch đập vào lưng bò. Trang Chi Điệp doạ cô dừng tay và bảo:

- Tôi nhìn thấy từ lâu rồi, đây là ngọc lam điền loại hai, chẳng đáng bao nhiêu tiền. Chị cả em có một cái vòng tay, là vòng ngọc hoa cúc. Chị em to, đeo không vừa, tôi sẽ bảo chị Thanh cho em.

Liễu Nguyệt tươi tỉnh nét mặt nói:

- Con bò này cũng vô lễ quá, thầy giáo Điệp mút sữa thì nó đứng im, phải chăng kiếp trước họ có duyên phận gì với nhau.

Trang Chi Điệp nói:

- Cũng chẳng biết được đâu, nó làm hỏng của em một cái vòng đeo tay, có lẽ kiếp trước em còn nợ nó một món tiền nho nhỏ.

Lời nói vô tình, song Liễu Nguyệt lại hữu ý, nghe xong suốt ngày rầu rĩ, cứ hoang mang cảm thấy trước khi sinh ra, mình có thù hận gì với con bò này thật. Ăn cơm tối xong, một mình đi ra chân tường thành, cắt một làn cỏ bạch khao non, rau châu chấu cỏ lác, bảo là sáng sớm ngày mai bò đến sẽ cho ăn. Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Liễu Nguyệt có tấm lòng tốt như vậy, chị em mình xứng đáng chung sống với nhau. Chị hay thương người, nhà ai có người chết, con cái khóc lóc kêu lên một cái, là nước mắt chị cứ tuôn ra. Trước cổng có người đến ăn xin, trong nhà không có cái gì ăn được cũng ra quán mua bánh bao cho họ. Đầu mùa hè năm ngoái, trời mưa tầm mưa tã, có ba người thợ gặt lúa mì ở tận núi Chung Nam đến, không tìm được việc làm, nằm co ro tránh mưa ở mái nhà đầu ngõ, chị liền bảo họ vào nhà mình ở một đêm. Thầy giáo Điệp của em hễ nhắc tới những chuyện này liền cười chị, bảo chị là mạng nghèo khổ.

Liễu Nguyệt nói:

- Chị cả còn coi là mạng nghèo khổ ư? Có bao nhiêu người sung sướng như chị? ngay đến chị Lưu bán sữa cũng nói, bà chủ nhà em có khuôn mặt bằng cái đĩa bạc, mũi thẳng mắt sáng, là tướng hoàng hậu đấy.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Anh ấy bảo chị từ trong xương tuỷ đã là mệnh cùng khổ.

Liễu Nguyệt nói:

- Nói thế cũng phải. Trước kia chưa đến đây, em cứ tưởng gia đình ta phải ăn sơn hào hải vị cơ. Sau khi đến thì thấy gia đình chị lại thích ăn cơm thường, rau ăn hàng ngày cũng không xào, cũng không thái, luộc bằng nước lã trong nồi, nhà quê chúng em cũng ăn như vậy.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Như thế bổ hơn, ai cũng biết thầy giáo Điệp nhà em thích ăn cháo ngô, khoai tây luộc, đâu có biết bữa nào chị cũng rắc bột sâm cao ly vào bát của anh ấy.

Liễu Nguyệt nói:

- Nhưng chị thì không thiếu tiền tiêu mà sao không thấy chị may mặc cho hợp mốt gì cả. Đồ trang điểm cũng không nhiều bằng bà chủ cũ nhà em!

Ngưu Nguyệt Thanh cười đáp:

- Thầy giáo Điệp của em ca cẩm chị như thế, em cũng nói thế chứ. Quả thật chị lôi thôi không ra sao phải không?

Liễu Nguyệt đáp:

- Không phải thế, nhưng ở độ tuổi của chị đang là lúc ăn diện, chị cũng không phải không có nền tảng, trang điểm một thì sẽ đẹp mười.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Chị không thích hôm nay chải kiểu tóc này, ngày mai uốn kiếu tóc khác, trên mặt thì bôi như diễn viên sân khấu. Thầy Trang Chi Điệp của em bảo chị bảo thủ, chẳng thay đổi gì cả. Chị nói với anh ấy, chị thay đổi cái gì? Chị đã hy sinh sự nghiệp của chị từ lâu, chỉ một lòng thu vén gia đình mà thôi. Nếu chị trang điểm như yêu tinh, chị cũng giống như những người đàn bà mốt trên đường phố, suốt ngày dạo thương trường, chơi công viên, vào khách sạn uống cà phê, tới tiệm nhảy disco, thì anh ấy cũng chẳng thể ngồi yên trong nhà mà viết được một ngày.

Liễu Nguyệt bỗng chốc ngắc ngứ, một lúc sau lại hỏi:

- Chị cả ơi, những tiểu thuyết thầy giáo Điệp viết ra chị đọc cả chứ ạ?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Chị biết anh ấy đều bịa ra, đã đọc mấy cuốn, xong cứ thấy không vào.

Liễu Nguyệt nói:

- Em đọc hết cả rồi, anh ấy giỏi viết về đàn bà nhất.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Ai cũng bảo anh ấy viết về đàn bà rất giỏi, đàn bà ai cũng như bồ tát. Năm kia có một chị biên tập ở Bắc Kinh đến đặt bản thảo, chị ấy cũng bảo như vậy, nhận xét thầy giáo Điệp của em là một người theo chủ nghĩa nữ quyền. Chị cũng chả hiểu thế nào là chủ nghĩa nữ quyền hay không nữ quyền.

Liễu Nguyệt nói:

- Em lại không thấy vậy, thầy giáo Điệp miêu tả tâm lý đàn bà rất tinh tế. Những lời nói trên đây của chị, em hình như cũng đã đọc ở cuốn sách nào đó. Theo em thì sở dĩ thầy giáo Điệp viết đàn bà hay như vậy, ai cũng lương thiện và xinh đẹp như bồ tát, lại miêu tả đàn ông bề ngoài thật thà chất phác, nội tâm lại cực kỳ phong phú, song vẫn không dám vượt qua vùng cấm một bước đã biểu hiện anh ấy là một người kìm nén ức chế về tình dục.

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Thầy giáo Điệp của em kìm nén, ức chế về tình dục ư?

Nói xong chị cười, chỉ vào trán Liễu Nguyệt tiếp:

- Nên nói thế nào với em nhỉ, cái con ranh chết rấp này. Em chưa lấy chồng, ngay đến tình yêu cũng chưa có, em biết thế nào là ức chế tình dục cơ chứ? Thôi không nói đến chuyện ấy nữa. Liễu Nguyệt này, em vẩy một ít nước vào đống cỏ cắt về, rồi đặt vào chỗ râm mát trong nhà vệ sinh, trời nóng nực thế này đãi trong sân sẽ héo đi, ngày mai bò ăn cũng không thấy tươi mới nữa.

Liễu Nguyệt nhúng nước, để cỏ vào nhà vệ sinh, đi ra nói:

- Chị cả ơi, nói đến con bò, lòng em cứ hoang hoảng thế nào ấy. Trong thôn chúng em đã từng xảy ra một sự việc quái gở lắm chị ạ. Khi bố Trương Lai Tử còn sống, cảnh nhà khấm khá, cho ông cậu của Trương Lai Tử vay tám mươi đồng. Một hôm bố Lai Tử đào đất, vách đá bị sập đè chết. Lai Tử đòi cậu trả nợ, cậu Lai Tử bảo không mượn. Hai cậu cháu cãi nhau một trận. Cậu Lai Tử liền niệm chú thề rằng nếu ông ấy quỵt nợ, thì chết sẽ làm kiếp con bò, Trương Lai Tử nghe cậu nói vậy cũng không đòi nữa. Tháng ba năm đó con bò nhà Trương Lai Tử đẻ ra một con bê. Con bê vừa đẻ ra một cái, thì có người đến cổng báo tang, nói là cậu đã chết. Trương Lai Tử biết ngay con bê này, cậu ruột hoá kiếp sinh ra trong lòng rất đau buồn. Sau đó chăn nuôi cẩn thận, bê con to lớn rồi, cũng không bắt kéo cày, lôi cối xay gì cả. Một hôm dắt nó ra bờ sông uống nước, gặp người ở thôn bên cạnh gánh một gánh chậu sành ở đầu đường, con bò không đi nữa. Lai Tử bảo: "Cậu ơi, cậu ơi, sao cậu không đi nữa?". Người kia cảm thấy lạ lùng, hỏi tại sao gọi con bò là cậu. Lai Tử nói rõ ngọn nguồn, người kia mới biết cậu Lai Tử đã chết. Người kia quen biết cậu Lai Tử, liền khóc mấy giọt nước mắt. Nào ngờ con bò lại đá về đàng sau một cái, đá đổ gánh chậu sành, chậu sành vỡ sạch. Lai Tử liền hỏi số chậu sành đáng giá bao nhiêu tiền, người kia bảo: "Lai Tử ơi, không phải đền, khi còn sống, cậu anh cho tôi mượn bốn mươi đồng. Đây là ông ấy đòi nợ tôi đấy". Chị cả ơi, con bò sữa này làm vỡ của em chiếc vòng đeo tay, phải chăng em đã mắc nợ nó thật?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Cho dù nợ thật, thì chẳng phải đã trả xong nợ là gì? Thầy giáo Điệp của em cũng đã nói, cái vòng ngọc hoa cúc của chị để đấy cũng là để không, em cứ lấy mà đeo.

Nói xong lấy vòng đeo vào tay Liễu Nguyệt. Cũng rõ khéo cho Liễu Nguyệt, chiếc vòng ngọc rất vừa vặn, không to cũng không nhỏ. Từ đó trở đi, Liễu Nguyệt thường vén ống tay áo, để lộ cánh tay trắng trẻo. Một buổi sáng sớm, Liễu Nguyệt dìu Trang Chi Điệp uống sữa bò ở cổng, rồi lại cho bò ăn cỏ non. Ngưu Nguyệt Thanh đã đi làm. Trang Chi Điệp với nói chuyện với chị Lưu ở cổng vừa xem con bò ăn cỏ, Liễu Nguyệt vào trong nhà trước. Rỗi rãi không có việc gì, liền ngồi ở phòng sách lấy một quyển ra đọc. Từ hôm Trang Chi Điệp sang ở bên này, đã hết sức chú ý đem từ khu nhà của Hội văn học nghệ thuật rất nhiều sách. Khi Liễu Nguyệt chuyển sách sang, chẳng đưa sang đồ cổ văn vật nào, song đã đem luôn bức tượng đất người hầu gái thời Đường, đặt trên chiếc bàn nhỏ trong phòng sách. Cũng là sau khi có suy nghĩ kiếp trước còn mắc nợ con bò, Liễu Nguyệt thường nhớ lúc mới đến, mọi người bảo cô giống hệt người hầu gái này, cô cũng cảm thấy có lẽ điều này có duyên số gì chăng. Thế là ngày nào cũng sang phòng sách xem một lúc. Đọc sách một lúc như vậy, bất giác đâm ra mê luôn, đến khi Trang Chi Điệp đi vào ngồi viết trước bàn, thì cô vội vàng định đi ra phòng khách. Trang Chi Điệp bảo:

- Không sao, em đọc sách của em, anh viết sách của anh.

Liễu Nguyệt ngồi lại đọc, song không sao đọc nổi. Cô cảm thấy bầu không khí này tốt quá, một người ngồi đọc sách, một người ngồi viết sách, bỗng dưng thấy thèn thẹn, ngẩng lên nhìn cô hầu gái đời Đường trên chiếc bàn nhỏ, cái dáng muốn cười mà không cười, chưa cười đã xấu hổ, quả thật cũng hết sức tình tứ. Bản thân thường thức bản thân như thế, người ngồi liền hâm mộ kẻ đứng, thầm bảo: mình ngồi tiếp anh ấy, chỉ có thể đọc sách một lúc còn bạn, thì hễ anh ấy bước vào phòng sách là đã tiếp luôn! Liền bĩu môi tức tối với người hầu gái kia. Cho đến lúc Trang Chi Điệp lên tiếng hỏi:

- Liễu Nguyệt, hai em đang nói chuyện gì đấy?

Liễu Nguyệt thẹn thùng đáp:

- Chúng em có nói gì đâu!

Trang Chi Điệp bảo:

- Anh nghe được mà, hai em nói chuyện bằng mắt.

Liễu Nguyệt mặt đỏ ửng như hoa đào, nói:

- Thầy giáo không chăm chú viết văn, lại nghe trộm chuyện của người khác!

Trang Chi Điệp nói:

- Từ sau khi em đến, ai cũng bảo cô hầu gái đời Đường này giống em. Cô hầu này dường như có hồn người thật, hễ anh bước vào đây đọc sách hay viết sách, liền cảm thấy cô ấy đang nhìn mình, hôm nay lại ngồi một hầu gái đời Đường sống, thì anh còn nhập cuộc vào văn chương làm sao được!

Liễu Nguyệt hỏi:

- Em giống cô hầu đời Đường này thật sao?

Trang Chi Điệp nói:

- Cô ấy so với em, chỉ thiếu một mụn ruồi ở giữa lông mày.

Liễu Nguyệt liền đưa tay sờ mụn ruồi ở giữa lông mày, song không sờ thấy, bèn hỏi:

- Nốt ruồi này xấu phải không?

Trang Chi Điệp đáp:

- Đó là nốt ruồi của người đẹp.
Bình Luận (0)
Comment