Phế Đô

Chương 37

Liễu Nguyệt nói:

- Một buổi sáng em đi ba cái chợ, em có kêu ca gì đâu có phàn nàn sưng chân lên đâu. Em là đứa ở, số phận em là nấu cơm cho người, em đâu có sợ nấu cơm!

Thường ngày Liễu Nguyệt vâng theo Ngưu Nguyệt Thanh, bây giờ nghe Liễu Nguyệt nói vậy, Ngưu Nguyệt Thanh lại cảm thấy mình cưng chiều cô ta quá, đối đáp với cô ta như thể tnày, tức giận càng không có chỗ nào để trút, bèn bảo:

- Vậy thì cô là con người lá mặt lá trái, khi bàn bạc thì cô nói thế nào, bây giờ người ta không đồng ý, thì cô quay mặt sang người ta. Người ta là thầy của cô là danh nhân mà lại! Người đời thường bảo một khi anh chồng không coi vợ là người nữa, thì giậu đổ bìm leo, người khắp gầm trời chẳng còn đứa nào coi chị ta ra người nữa. Câu nói ấy quả không sai! Liễu Nguyệt này, kiến thức cô cao, xin cô cho biết việc này làm sao đây? Cô nói đi! Cô nói đi!

Liễu Nguyệt uất quá nghẹn tắc cổ, liền khóc thút thít.

Trang Chi Điệp cứ ngồi lì một chỗ, tức đến tái mặt đi, thấy Liễu Nguyệt khóc, một là cảm thấy, xét cho cùng thì cô ta là người ngoài, hai nữa cũng có ý tức giận Ngưu Nguyệt Thanh, liền đập bàn bảo:

- Liễu Nguyệt, khóc cái gì? muốn giày vò cứ để cho chị ấy giày vò, đến hôm ấy em đi với tôi sang bên ngôi nhà ở hội văn học nghệ thuật, em chỉ nấu cơm cho tôi và em ăn.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Được rồi, anh làm ra tiền thuê được người ở thì các người muốn làm thế nào thì làm. Cứ hùa nhau mà chỉnh tôi đi. Không dám động đến chồng, không dám động đến con ở, tôi sống làm cái gì cơ chứ? Tôi xấu hổ với bậc bố mẹ, với người đi trước.

Nói rồi chị cũng oà lên khóc nức nở. Trang Chi Điệp trong cơn điên tiết dữ dội, đang đinh quát tháo ầm lên thì bà già run lẩy bẩy bước đến, Liễu Nguyệt vội vàng dìu bà. Bà đẩy Liễu Nguyệt ra, tay chỉ vào Trang Chi Điệp, song mồm cứ líu lại không nói ra được. Trang Chi Điệp quay người kéo cửa bỏ đi, đêm đó sang ngủ ở ngôi nhà bên hội văn học nghệ thuật. Trang Chi Điệp cứ ở lì bên đó, Ngưu Nguyệt Thanh cũng ở bên này không sang, hai người thi gan nhau, ngày sinh cũng thôi không tổ chức nữa. Từ sau ngày cãi nhau, Liễu Nguyệt không gần gũi mà giữ khoảng cách với Ngưu Nguyệt Thanh, trong thâm tâm lại có phần nào vui mừng trên nỗi đau khổ của người khác. Hàng ngày hết sức giữ gìn nụ cười tiếng nói. Mỗi khi có tốp người yêu chuộng văn học đến thăm, Liễu Nguyệt cũng ứng xử tự nhiên, không rụt rè không kênh kiệu. cuối cùng đã chỉnh lý từng phần việc cần làm như những bức thư quan trọng, những đơn đặt viết bài của toà soạn các tạp chí, những giấy mời hoạt động xã hội có liên quan, rồi nói với Ngưu Nguyệt Thanh:

- Chị cả ơi, những tài liệu này phải đưa cho thầy Điệp kịp thời, chị đưa sang hay để em đưa sang?

Ngưu Nguyệt Thanh thầm ngạc nhiên:

- Cô ta lại có tâm tính này ư? Quả là tài giỏi hơn mình!

Liền bảo:

- Chị không gặp anh ấy.

Liễu Nguyệt liền sang bên nhà ở hội văn học nghệ thuật. Trang Chi Điệp thấy Liễu Nguyệt đã đến, đương nhiên vui lắm, lại thấy các tài liệu sắp xếp gọn gàng đâu ra đó, quần áo trên người mặc đẹp đẽ phấn sáp chu đáo thơm thọ đã kéo tay Liễu Nguyệt nói nhiều chuyện, lại còn đòi nấu cơm xong hãy về. Như vậy, từ đó Liễu Nguyệt đi đi về về hai bên. Ngưu Nguyệt Thanh tuy giận Trang Chi Điệp nhưng xét cho cùng Trang Chi Điệp là chồng, thấy Liễu Nguyệt đi lại như con thoi như vậy, không nói cho đi, cũng không nói không cho đi, song vẫn mua một số thức ăn ngon lẳng lặng để vào làn. Liễu Nguyệt liền đem đi.

Thời gian này, Đường Uyển Nhi đến nhà bên hội nhà văn học nghệ thuật mấy lần. ngay đến bà Vị gác cổng cũng nhớ rõ một người đàn bà mắt đẹp hay cười, đã từng hỏi Trang Chi Điệp cô ấy có phải là diễn viên không. Trang Chi Điệp liền không hẹn Đường Uyển Nhi đến đây nhiều, chỉ sang "nhà cầu khuyết". Hôm nay vừa mưa một trận, mặt trời lại toả nắng chói chang, không khí ẩm ướt càng thêm ngột ngạt. Trang Chi Điệp chờ Đường Uyển Nhi ở "nhà cầu khuyết". Chờ chán chờ chê, đem cả chiếc ống nhòm mấy hôm trước hai người mua về để thưởng thức cảnh đẹp thành phố ở đây ra quan sát động tĩnh ở ngôi nhà đối diện. Đó là nhà tập thể nữ của xưởng thêu ren, một bầy con gái trẻ có cặp mắt và hàm răng cực đẹp, cứ tám cô một nhà, có lẽ hết giờ làm việc vừa mới về, cô nào cũng bưng chậu nước lau rửa. Trang Chi Điệp giương ống nhòm lên quan sát, cô gái nào cũng mặc quần đùi, áo cũng cởi bỏ, chỉ còn áo lót, có ba cô đang túm tụm lại vui đùa bởi một chuyện gì đó. Đang say sưa quan sát, thì ở cửa sổ kia có một tờ giấy treo lên, trên đó có mấy chữ to tổ bố viết bằng bút mực "Nhòm ngó cái gì". Trang Chi Điệp chợt thấy xấu hổ, vội vàng đi vào nhà, thả luôn cả rèm cửa sổ xuống. Lúc này mới phát hiện ở một bên lối cửa có một mẩu giấy nhỏ, nhặt lên xem thì ra Đường Uyển Nhi nhét vào lúc sáng sớm, mà khi mình mở cửa không nhìn thấy. Mẩu giấy viết: "Báo với anh một tin vui. Chu Mẫn bảo ông phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn hoá đã bị hạ bệ, trưởng ban tuyên truyền đã phê vào tờ soạn bản tuyên bố kia mấy chữ: do Sở tự quyết định. Toà soạn tạp chí liền giữ vững quan điểm cứ đăng theo bản tuyên bố đã soạn thảo. Cảnh Tuyết Ấm không đồng ý, Chung Duy Hiền liền bảo: không đồng ý ta cũng không đăng, cho nên tạp chí số hai này không đăng nữa". Bên dưới lại ghi một dòng: "Hôm nay em không đến được, một người bạn của Chu Mẫn ở Đồng Quan đến phổ biến tình hình ở nhà quê cho chúng em, em và Chu Mẫn phải làm cơm tiếp khách, nhân lúc đi mua thức ăn em đến báo cho anh biết, mong anh thông cảm".

Trang Chi Điệp thở một hơi dài khoan khoái, phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn hoá đã đổ rồi, đổ đúng lúc quá. Ngưu Nguyệt Thanh đòi tổ chức sinh nhật sẽ xông được vía dữ. Tổ chức sinh nhật liệu có xông được vía dữ không? Bây giờ có tổ chức đâu, mà việc mừng vẫn đến đó thôi? Chỉ tiếc Đường Uyển Nhi không đến được, không thì sẽ cùng cô ấy uống vài ly rượu thoải mái ở đây. Bất giác liền nghĩ ngay đến chuyện họ sẽ làm gì sau khi uống rượu. Cứ thế nghĩ vẩn nghĩ vơ, tự mình thoả mãn lấy (tác giả cắt bỏ bốn mươi tám chữ).

Dùng mẩu giấy kia lau chùi, chợt phát hiện ở mặt sau lại có dòng chữ: "Lại báo cho anh một tin mừng, nghe Chu Mẫn nói một mắt của thầy giáo Phòng đã bị mù". Đọc xong liền giật nảy mình, sửa soạn lại quần áo, rửa mặt rồi hẩp ta hấp tấp đi đến nhà Mạnh Vân Phòng.

Quả nhiên Mạnh Vân Phòng bị mù một mắt. Nhưng mù một cách hết sức lạ lùng, nhìn bên ngoài thì vẫn nguyên vẹn, anh Phòng cũng chẳng thấy đau thấy ngứa, chỉ có điều chẳng nhìn thấy gì cả. Mạnh Vân Phòng không bi quan, vẫn cười bảo:

- Sáng sớm hôm qua ngủ dậy phát hiện ra, đi vào bệnh viện gặp bác sỉ, cũng không kiểm tra nguyên nhân. Chi Điệp này, từ nay về sau làm những việc gì lừa dối mình phải cẩn thận. Mình bây giờ chỉ liếc qua một cái là biết ngay.

Trang Chi Điệp vẫn thấy thương cho anh, khuyên anh đi khám ở một bệnh viện không được, phải đi khám ở nhiều nơi. Mạnh Vân Phòng nói:

- Tôn Tư Mạc lúc còn sống cũng không chữa nổi, anh biết nguyên nhân tại sao không? Gần đây mình nghiên cứu "Thiệu tử thần số", đã có tiến triển! Anh đến thử xem.

Nói rồi lấy từ gầm bàn ra một cái vali da, trong vali da là ba chồng sách đóng chỉ cao cao. Anh nói:

- Anh sinh lúc tám giờ tối, ngày hai mươi ba tháng bảy, năm thìn năm một nghìn chín trăm năm mươi. Mất chữ gì anh chờ một lát, tính ra một nhóm chữ số đã, anh lấy tay tra ra đi.

Trang Chi Điệp bị Mạnh Vân Phòng làm cho chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, nhìn Vân Phòng kê ra ba nhóm bốn con số. Theo cách tra Mạnh Vân Phòng hướng dẫn, đã mở quyển sách đóng chỉ ra, kết quả tìm được ba bài thơ.

Bài một:

Lông ngỗng cắt vụn gặp heo may

Trong tuyết càng sáng láng tuyết mai

Sinh năm thìn mùa hè

Ngày hai mươi ba tháng bảy nhuận

Bài hai:

Nhạn hồng lạc bầy lệ tuôn rơi

Tuổi thọ anh em chẳng giống người

Tạo hoá sinh thành ba ruột thịt

Một anh phận mỏng sớm qua đời

Bài ba:

Bố tuổi Hợi cõi tiên định sẵn

Quẻ càn khôn lắm nỗi truân chuyên

Cung song thân ông sớm từ trần

Bà còn ở thế gian hưởng thọ

Trang Chi Điệp đọc từng bài, ngạc nhiên đến mức cứ há mồm trợn mắt. Anh nói:

- Dưới gầm trời còn có loại sách lạ lùng đến thế này ư? Tình hình của gia đình tôi viết hết ở trong này.

Mạnh Vân Phòng gấp sách lại, bảo:

- Trước đây mình đã nói với Điệp, Điệp lại không tin. Quyển này là một quyển thần kỳ nhất trong các điển số của Kinh dịch. Nó bị thất lạc mấy trăm năm nay, nhiều cao thủ bói toán đều được nghe, chưa được thấy. Theo đại sư Trí Tường nói lại, thì ở thư viên Hoàng Thành Tây Kinh đã từng có một quyển. Ngày xưa Khang Hữu Vi đến Tây Kinh tìm kiếm các văn vật quý hiếm khắp mọi nơi, trước khi đi đã ăn cắp mang theo mấy thứ. Thư viện Hoàng Thành và chùa Dựng Hoàng chỉ phát hiện bị ông ta lấy đi một cái nghiên mài mực và một quyển kinh, liền báo lên Đốc quân Thiểm Tây. Đốc quân hạ lệnh cử người đuổi theo đòi lại. Ngựa khoẻ đuổi thẳng đến Đồng Quan mới kịp, vênh mặt lên đòi lại thẳng thừng. Chuyện này thời ấy đã kinh động xôn xao cả nước. Nhưng sau đó lại phát hiện thiếu một quyển, khi tra lại thư mục, mới biết là quyển "Thiện tử thần số", biết bao nhiêu người tìm mà không tìm thấy, liền vỡ lẽ ông Khang Hữu Vi đã ăn cắp mang đi. Sau khi Khang Hữu Vi qua đời, cũng không ai biết tung tích quyển sách này. Năm kia, có một cao nhân Đài Loan, tự xưng có "thần số", song chỉ có "Thần số" mà không có cách tra "Thần số", đã từng đi thăm hỏi mười ba tỉnh thành ở đại lục, song cũng trở về tay không. Bây giờ thì chính mình đã có.

Trang Chi Điệp nói:

- Nói gì mà huyền ảo cao xa thế, sao không thấy anh nói năng gì?

Mạnh Vân Phòng nói:

- Anh đừng tưởng mình bạ đâu nói đấy à? Thì cũng phải xem sự việc gì đã chứ! Mình đã nói với Điệp, Điệp phải giữ mồm giữ miệng thật kín đấy, sách này là của một ông già sáu mươi hai tuổi ở Bắc Giao. Ông già không nói lai lịch của quyển sách, nghe đâu ông ấy người Mãn, là đời sau của Chính Hồng Kỳ, sách này chắc là kiếm được ở nơi nào đó của nhà vua. Ông gia mấy chục năm nay không hé răng nói về quyển sách này với ai cả, cũng không có cách tra giải, nghiên cứu miệt mài mười tám năm không tìm ra. Sau đó quen biết mình ở chỗ đại sư Trí Tường, qua mấy lần tiếp xúc mới tiết lộ bảo mình tra giải. Hiện giờ mình mới đi được một bước, hiểu cách chuyển đổi tháng năm sinh thành bốn con số như thế nào, điều tra được cũng chỉ là anh sinh tháng nào năm nào, bố mẹ anh cầm tinh con gì trong mười hai con giáp, anh em có mấy người, lấy vợ họ gì. Đằng sau còn có trước khi đẻ ra là con vật gì, sau khi chết hoá kiếp thành con gì, trong lúc còn sống thì năm nào có hoạ, năm nào có phúc, ngày nào phát tài, ngày nào mất của, làm quan đến cấp bậc nào, nổi tiếng ra sao. Nhưng mình hoàn toàn không biết cách tra giải. Ngay ở trang đầu quyển sách này đã viết "Tiết lộ thiên cơ thì mù mắt câm miệng". Mình đi được bước này thì đã mù một mắt.

Mạnh Vân Phòng nói một mạch khiến Trang Chi Điệp phát khiếp. Anh nói:

- Vậy thì không xem lại sách đó nữa.

Mạnh Vân Phòng hỏi:

- Sao lại không xem nữa? không giải sách này thì mắt người sáng, mắt người chỉ nhìn được thế giới hiện thực. Giải được sách này thì mắt người bị mù, song lại nhìn được thế giới tương lai, vậy thì nặng đầu nào nhẹ đầu nào? Cho nên sau khi mù mắt, mình đi bệnh viện không tìm được nguyên nhân, mà trong lòng vẫn vui, biết mình đã thật sự giải được một chút sách trời, về nhà tinh thần càng tươi tỉnh, hăng hái nghiên cứu ngày đêm, chỉ tiếc là không tiến triển được nữa.

Đến nước này thì Trang Chi Điệp cũng chỉ nói:

- Anh đã say sưa với đạo này thì hãy tra thêm cho tôi xem bà xã như thế nào?

Mạnh Vân Phòng lại tính toán một lúc, liệt kê ra một nhóm bốn con số, rồi tra sách, trong sách viết rằng:

Cây khô trước cửa dáng Phượng về

Ngựa lộc muốn tìm chẳng thấy chi

Biết biến khuyết kia thành ưu nọ

Lôi thôi rặt những chuyện vỉa hè

Trang Chi Điệp nói:

- Thế này là có ý gì nhỉ? Xem ra là Nguyệt Thanh, lại hình như không phải Nguyệt Thanh?

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Mình cũng xin chịu.

Trang Chi Điệp lại hỏi:

- Anh thử tra những người chúng ta quen biết xem nào?

Mạnh Vân Phòng nói:

- Anh xem cái này.

Nói rồi lấy từ một quyển sách ra một tờ giấy, đưa cho Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp mở ra xem song không hiểu. Mạnh Vân Phòng nói:

- Đây là nội dung mình tra cho bà xã, đúng trăm phần trăm. Trong mệnh của cô ấy là phải lấy hai đời chồng. Những người khác mình không nắm được tháng năm sinh.

Trang Chi Điệp bảo:

- Vậy tôi nói ra ba người, một người là Đường Uyển Nhi, sinh giờ hợi ngày mồng ba tháng ba năm năm bảy, một người là Liễu Nguyệt sinh giờ mão ngày mười tám tháng mười hai năm sáu ba, người thứ ba là vợ Uông Hy Miên sinh giờ dậu ngày mồng tám tháng chạp năm năm mươi.

Mạnh Vân Phòng tra từng người một, lạ thay mỗi người chỉ có thể tra ra một nhóm bốn con số, hơn nữa không phải là kiểu thơ bốn câu bảy chữ.

Của Đường Uyển Nhi là:

Biển hồ mênh mang thả câu trong sóng khói

Mồi hết cá chẳng thấy, mất cả chì lẫn chài

Của Liễu Nguyệt là:

Mừng, mừng, mừng cuối cùng có giữ được hay không

Vớ châu báu dưới cổ rồng đen tuyền, bỗng dưng giành mất, vẫn còn trong nước

Của vợ Uông Hy Miên là:

Lòng rười rượi, mồm ra rả, hết suy nghĩ này đến lo lắng khác bảo thôi lại không thôi

Trang Chi Điệp hỏi:

- Tại sao trong này không viết chút gì về việc hôn nhân của họ nhỉ?

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Việc hôn nhân có lẽ sẽ tra ở nhóm bốn con số khác, nhưng dựa vào ngày tháng năm sinh của họ, mình chỉ tra được ngần ấy.

Trang Chi Điệp cứ tiếc mãi, song lại nghĩ, thế lại hoá hay, nếu để mình biết hết cũng là việc đáng sợ. Nếu tất cả đều do số mệnh quyết định, thì Ngưu Nguyệt Thanh, nếu tương lai không thuộc về mình, thì mình với cô ấy như vậy là xong, nếu tương lại đầu bạc răng long với cô ấy, thì làm sao lấy được cả hai? Nếu Đường Uyển Nhi có thể cuối cùng lấy mình, cũng còn được, nếu là lấy người khác, thì không biết hẫng hụt cả hai đầu, mình còn được tâm tư với cô ấy nữa không? Lại còn Liễu Nguyệt, lại còn vợ Uông Hy Miên, thậm chí sau này còn gặp người nào nữa? Cứ xem xét theo "Thiệu tử thần số" thì cuộc đời của con người, thật ra mọi thứ kể từ lúc mới sinh ra đều đã được sắp xếp đâu vào đấy vậy thì thành tựu ta đạt được, thanh danh có được và mối quan hệ dây mơ rễ má với những người đàn bà bên mình phải như vậy thì cũng chẳng kích thích được bao nhiêu. Nghĩ đến đây, Trang Chi Điệp lại hối hận không nên tra quyển sách này làm gì, anh nói:

- Không tra được cũng hay, anh đừng bao giờ tra những người quen biết nữa, chuyện hôm nay cũng không được nói với ai cả nhé!

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Nên như vậy. Không thì Điệp cũng biết quá nhiều, mắt không mù thì mồm cũng câm. Điệp không so với mình được, hiện giờ Điệp đang như mặt trời giữa trưa, cứ yên trí và sống cho vui vẻ.

Trang Chi Điệp chỉ lắc đầu:

- Tôi mà sống vui vẻ ư?

Khoảng một tiếng sau thì Hạ Tiệp trở về, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chào hỏi Trang Chi Điệp rồi ngã người ngồi phịch xuống ghế xa lông, kêu mệt bã người, bảo Mạnh Vân Phòng châm cho một điếu thuốc. Mạnh Vân Phòng châm thuốc đưa cho vợ. Trang Chi Điệp hỏi:

- Chị cũng hút thuốc ư?

Hạ Tiệp đáp:

- Những thứ đàn ông các anh hưởng thụ được, thì em cũng phải được hưởng chứ? Vân Phòng ơi, hôm nay ăn gì? Anh đã nấu xong chưa?

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Chi Điệp đến chơi, bọn anh mải nói chuyện, làm gì có thời gian rảnh rỗi mà nấu cơm. Em làm cho bọn anh một ít mì sợi nhé!

Hạ Tiệp đáp:

- Anh ngồi trong nhà mát mẻ cả buổi sáng, lại sai em đi nấu cơm. Em không nấu đâu!

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Không nấu cũng được, anh ra phố mua một ít phở chua ngọt về ăn.

Nói rồi xách cặp lồng bước khỏi cửa. Mạnh Vân Phòng vừa đi ra, Hạ Tiệp đã nói với Trang Chi Điệp:

- Chắc anh cho rằng em làm thế là quá quắt phải không? Gần đây em cố ý, thậm chí chẳng làm việc gì trong nhà. Anh không biết đấy thôi, hiện giờ anh Phòng suốt ngày vùi đầu vào "Thiệu tử thần số", người cũng trở nên tâm thần mất rồi. Em nói, anh ấy hoàn toàn không nghe. Đầu tiên kính nể nhà sư Trí Tường như thần thánh, sau đó lại ca ngợi ni cô Tuệ Minh hết lời, bây giờ thì quen biết một lão già chết tiệt ở Bắc Giao, sùng bái ông ta hết chỗ nói. Anh ấy là một người mỗi thời kỳ không có một đối tượng để sùng bái, thì không sống nổi hay sao ấy!

Trang Chi Điệp cười hỏi:

- Bây giờ không đi làm cố vấn cho những nhà máy sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khoẻ thần ma nữa à?

Hạ Tiệp đáp:

- Bỏ từ lâu rồi! Anh nhìn gầm giường mà xem, một đống túi đựng bảo nguyên thần công kia kìa. Hồi ấy anh Phòng viết giới thiệu sản phẩm, nói trong túi bảo nguyên có xạ hương, có băng phiến, có dương v*t hổ, em bảo một nhà máy sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khoẻ, một ngày sản xuất biết bao nhiêu là túi, anh đào đâu ra dương v*t hổ, một con hổ một cái dương v*t, đựng được bao nhiêu túi? Anh nuôi hổ dưới gầm giường hay săn bắt ở núi Trường Bạch vùng đông bắc, anh không sợ Cục công an đến hỏi tội giết bừa bãi động vật quý hiếm của nhà nước hay sao?

Trang Chi Điệp cười ha ha. Mạnh Vân Phòng bưng phở chua ngọt về hỏi cười cái gì mà vui vẻ thế. Hạ Tiệp nói với Trang Chi Điệp:

- Không nói với anh ấy, cười những kẻ đáng cười ấy mà!

Mạnh Vân Phòng cũng không vặn hỏi làm gì. Ba người bắt đầu ăn cơm. Ăn xong, Mạnh Vân Phòng lại đi đi với Trang Chi Điệp, Hạ Tiệp bực mình cứ tỉnh bơ. Vừa ra khỏi cửa, Mạnh Vân Phòng đã hoạt bát hẳn lên, yêu cầu Trang Chi Điệp dùng xe máy đưa anh đến thôn Tiểu Dương ở Bắc Giao, anh bảo ông già kia ở thôn đó. Lại còn kể lể ông già ấy lạ lùng như thế nào, những năm gần đây đi khắp bốn phương tìm kiếm những người tu hành đắc đạo ở các nơi, để từ những người đó tra dò cách tra giải "Thiệu tử thần số". Riêng anh sở dĩ nhập được môn, cũng là do ông già nghe được một câu vè của một bà lão nắn bóp xương về nói lại. Trang Chi Điệp cũng định đến xem ông già đó là người như thế nào. Thế là chở Mạnh Vân Phòng phóng như bay ra ngoại ô phía bắc thành phố.

Thôn Tiểu Dương Trang không to lắm. Ở đầu thôn có một ngôi nhà gác nhỏ, một đôi trai gái trẻ đang đứng trên ban công gác hai. Người đàn bà đang dỗ cho con bú, người đàn ông bảo: "Con có bú không nào? con không bú thì bố bú nhé!", quả nhiên anh ta bước tới bú đánh chụt một cái rất kêu. Người đàn bà bảo: "Ê, bố con xấu mặt" rồi chị vừa trêu con, vừa đọc lời hát:

Hai mươi ba ông Táo, hai mươi bốn quét dọn nhà cửa, hai mươi lăm xay đậu phụ, hai mươi sáu chưng bánh bao, hai mươi bảy giết gà sống, hai mươi tám dán hoa cửa sổ, hai mươi chín niêm phong nhà kho, ba mươi cạo móng, mồng một kiễng chân.

Trang Chi Điệp cứ trợn mắt nhìn lên, Mạnh Vân Phòng bảo:

- Con trai con dâu ông lão đấy, hai đứa đang vui đùa, anh nhìn gì mà ghê thế?

Trang Chi Điệp đáp:

- Tôi nghe họ đọc lời ca, lời hai câu cuối hay quá! Tại sao ba mươi cạo móng, mồng một kiễng chân?

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Ba mươi tết đun nước nóng ngâm rửa chân, cắt móng chân, thay giày mới, sáng sớm mồng một con cái phải cúi lạy bố mẹ, khi quỳ lạy chân phải kiễng lên mà!

Trang Chi Điệp bảo:

- Hay, hay! Người đàn bà này đặc giọng Hà Nam, vần điệu nghe hay lắm.

Mạnh Vân Phòng hỏi lên ban công:

- Bố cậu có nhà không?

Người đàn ông đáp:

- Ở trong nhà!

Mạnh Vân Phòng liền dẫn Trang Chi Điệp vào sân, đi thẳng đến gian phòng ở phía bắc, tầng dưới ngôi nhà. Quả nhiên có một ông già đang ngồi một mình uống trà ở đó. Trang Chi Điệp bước vào, ông già không đứng dậy, chỉ nghiêng người mời ngồi, đưa tới một cái chén bám đầy cáu trà, khe khẽ nói chuyện với Mạnh Vân Phòng. Trang Chi Điệp ngăm nhìn căn nhà. Căn nhà không có cửa sổ, tối om om, toả ra mùi thum thủm. Trên giường, trên bàn, chỗ nào cũng có sách cổ đóng chỉ. Mạnh Vân Phòng giới thiệu:

- Đây là người em họ, không sao đâu, ông cứ nói to lên.

Ông già lại nhìn Trang Chi Điệp nói:

- Anh hút thuốc.

Ông tìm trên người, không thấy thuốc, liền vặn người thò tay sờ mó trong đống chăn ngổn ngang trên giường, tìm được gói thuốc, vứt cho Trang Chi Điệp giọng nói vẫn còn nhỏ nhẹ:

- Tôi đã đi Vị Bắc ba lần, người ấy không đưa sách cho tôi xem. Lần thứ tư tôi đi, thì ông ấy bảo không xem được, xem cũng giống như mua, tôi bảo tôi có thể mua, ông nói giá đi. Ông ấy bảo, tôi đang cần tiền làm nhà, phải hai mươi vạn. Tôi bảo nhiều tiền thế, tôi không kiếm nổi, tôi trả ông bốn vạn nhé? Ông ấy bảo bốn vạn ít quá. Hai người mặc cả mãi, tôi tăng lên năm ngàn. Tôi chỉ có ngần ấy tiền. Chiều hôm trước tôi lại đi, ông ấy đã biến quẻ, tôi không về, ở lại nói chuyện một đêm. Tôi bảo, ông không có sách thần số, thì giữ hai mươi câu vè có tác dụng gì? Ông ấy bảo, vâng, ông không có hai mươi ba câu vè này, có quyển sách ấy cũng chẳng bằng có quyển "Từ nguyên", "Từ nguyên" ấy mà! Ông ấy nói cũng đúng. Tôi bảo, chờ bao giờ tra giải được, tôi sẽ cóp py một bộ tăng ông. Sáng hôm sau, ông ấy đã đồng ý, tôi đưa cho ông ấy bốn vạn năm ngàn đồng, ông ấy lấy ra một quyển sách nhỏ, khóc thất thanh, tự nhận mình là đứa con bất hiếu, đã trao cho người ta bảo bối của tổ tiên để lại. Ông ấy khóc đến mức không thẳng lưng lên được.
Bình Luận (0)
Comment