Đại đức Thích Trúc Thái Minh giải thích về tà niệm như sau: “Tà niệm là nhớ nghĩ về những điều tà bậy, không chân chính. Nghĩ những chuyện tà dâm, nghĩ những chuyện lừa đảo, dối trá, nghĩ những chuyện ác hại người. Đấy là tà niệm”. Tựu chung lại, Sư Phụ chỉ dạy niệm nào có động cơ do tham, sân, si chi phối thì niệm đấy là niệm tà. (nguồn phatgiao.org)
**
Trời vừa rạng sáng, hai bên đường đều là các dinh thự, công sở của quan lại.
Phía đông gồm có Bí Thư Tỉnh, Thái Thường Tự, Tả Tàng Khố và Cảnh Linh Đông Cung, phía tây thì có Cảnh Linh Tây Cung, Lưỡng phủ bát vị [1], phủ Khai Phong, Đô Đình Dịch, và với nơi A Bảo căm ghét nhất – Ngự Sử Đài.
[1] Tạm dịch từ nguồn Baidu
Đường rộng hơn hai trăm bước, hai bên có hành lang hoàng gia, đặt các rào chắn sơn đen, quan phủ nghiêm cấm người dân bá tánh mua bán tại đây, trung ương ngự phố (phố hoàng gia) là lối đi dành riêng cho kiệu xe của Hoàng đế, ngày thường nghiêm cấm người và ngựa qua lại. Bởi vậy khung cảnh uy nghiêm chứ không có gì náo nhiệt để xem.
Tuy vậy, cảnh vật nơi đây vẫn khá đẹp.
Bên trong hành lang hoàng gia có hai rãnh nước xây bằng gạch, gần bờ có trồng đào mận lê mơ, trong đầm trồng sen và ấu, sóng xanh xuân hạ lung linh, hoa sen tỏa hương, phong cảnh đẹp như thêu trên gấm. Chỉ tiếc giờ đây trời rét, ngó sen giữa hồ úa tàn, cảnh tượng trở nên tiêu điều.
A Bảo cùng Lương Nguyên Kính tay trong tay, vừa đi dọc bên bờ liễu rủ đến vai vừa nói về chuyện lăng tẩm.
“Chàng nói Triệu Tòng sẽ chôn em ở đâu nhỉ? Hoàng lăng Lạc Dương thì không thể, cũng không ở Đông Kinh…”
Chắc không phải ném ra bãi tha ma đâu ha?
A Bảo nhíu giữa hàng mày, cho rằng dù Triệu Tòng có hận nàng bao nhiêu cũng sẽ không làm đến mức đó đâu.
Lương Nguyên Kính nhéo nhéo lòng bàn tay nàng, an ủi nói: “Đừng nóng vội.”
A Bảo thầm nghĩ gấp chứ, sao không vội được, nếu vết thương trên tay chàng không ổn, bọn họ sẽ trực tiếp gặp mặt nhau dưới địa phủ mất.
Nhưng mà Lương Nguyên Kính có bản lĩnh xoa dịu tâm tình nôn nóng của nàng. Có khi chưa cần chàng mở miệng, chỉ cần nhìn cặp mắt êm dịu như hồ nước tĩnh kia thôi là nàng có thể bình tĩnh lại ngay.
Lương Nguyên Kính sinh ra để khắc nàng, đôi khi A Bảo sẽ nghĩ vậy.
Cả hai đi về phía nam, qua Châu Kiều, ra đến Chu Tước Môn, đi tới gần Long Tân Kiều, cuối cùng đường xá mới nhộn nhịp. Quán rượu quán ăn mở cửa, người bán rong cũng bày sạp bán sớm, vật phẩm trong tháng chạp ngoài quả khô chà bông ra còn có ít thịt thỏ, dạng thịt thú hoang, và cả người gánh hàng rong rao bán dọc đường.
A Bảo muốn mua quà tặng cho cháu gái nhỏ chưa từng gặp mặt, nàng lôi kéo Lương Nguyên Kính đến trước sạp hàng để chọn lựa.
Lựa lựa bỗng thấy tay trái có chút bất tiện, đang tính thả tay Lương Nguyên Kính ra thì chàng đã tăng thêm sức lực, gắt gao bắt lấy tay nàng không buông.
“?” A Bảo khó hiểu quay đầu, “Chàng làm gì vậy?”
“Làm sao vậy?”
A Bảo giơ tay hai người nắm chặt lên cho chàng nhìn, “Buông tay ra, chàng như vậy sao em chọn được đây?”
Lương Nguyên Kính hỏi: “Em muốn thử cái nào?”
Ngầm hiểu, chàng đưa cho nàng xem.
A Bảo: “…………”
Người bán hàng cười nói: “Già đi khắp ngõ hẻm nhiều năm, lần đầu thấy vợ chồng ân ái như lang quan và tiểu nương tử đây, chúc hai vị đồng vợ đồng chồng, đầu bạc răng long.”
Dứt lời, còn tặng cho A Bảo một cái chong chóng.
Tuy A Bảo là người có da mặt dày, nghe xong lời này hai má không khỏi ửng hồng, khuôn mặt tuấn tú của Lương Nguyên Kính trở nên hồng nhạt, nhưng cho dù có ngượng ngùng cỡ nào vẫn không tính buông tay A Bảo ra.
A Bảo hỏi người bán có món đồ nhỏ nào phù hợp với trẻ nhỏ hoạt bát không.
Ánh mắt người bán lập tức dời xuống phần bụng bằng phẳng của nàng, làm khuôn mặt đẹp của A Bảo đỏ hơn, vội vàng xua tay nói: “Không không… Không phải tôi, là cháu gái nhỏ của tôi… Ừm… Tầm năm sáu tuổi ấy.”
Người bán cười to: “Thấy tiểu nương tử cùng phu quân đằm thắm như vậy, sớm muộn gì cũng có con, nhìn thử mấy món mô hạ lạc này đi, sấp nhỏ thích lắm đó.”
A Bảo nghĩ thầm cái người bán hàng rong này nói nhiều quá, cũng không dám đáp theo ông ấy, sợ sẽ bị trêu chọc nhiều hơn, chỉ cúi đầu chọn mô hạ lạc [2]. Đây là món đồ chơi thời Đại Trần nhà nhà đều có, như đồ gốm đất, gỗ điêu khắc, đất sét, bởi vì có ý nghĩa về con cái, ngày lễ bảy tháng bảy cầu xin Chức Nữ, nên người ta thường trưng nó cùng hoa quả, rượu và đồ nướng để phụ nhân dâng hương cầu nguyện.
[2] Đất sét nặn thành hình trẻ con dễ thương, người chăn trâu bò Ngưu Lang và nữ thợ dệt Chức Nữ được bán vào dịp Tết, Thất Tịch. Thường có ý cầu xin cho con cái thông minh và muốn có thêm em bé. (nguồn Baidu)
Mô hạ lạc được nặn thành hình em bé mới sinh, có cả nam lẫn nữ.
A Bảo lấy một cái hình tiểu cô nương mặc áo xanh váy đỏ và một tiểu lang quân mặc áo giáp sắt tay cầm giáo gỗ, nhất thời phân vân chưa biết nên chọn cái nào, bèn hỏi Lương Nguyên Kính: “Chàng thấy cái nào đẹp?”
Lương Nguyên Kính nghĩ nghĩ: “Nếu là tiểu nương tử vậy hợp với bé gái hơn?”
A Bảo bĩu môi không đồng tình lắm: “Nhưng mà tiểu nương tử của chúng ta thích tiểu lang quân mà, từ nhỏ đã mong chờ sẽ gả cho lang quân như ý.”
Lương Nguyên Kính đành sửa lại lời nói: “Vậy chọn bé trai đi.”
A Bảo vẫn nhíu mày: “Nhưng mà tiểu lang quân này nhìn uy nghiêm quá, hung dữ kiểu gì ý, sẽ làm cô bé nhà a ca sợ tới mức ban đêm gặp ác mộng thì làm sao đây…”
“……”
Tới đây, Lương Nguyên Kính mới nhận ra nàng đang cố ý làm khó dễ chàng, đành phải nói: “Mua hết.”
A Bảo phì cười.
Quả nhiên một ngày nàng không lấn lướt Lương Nguyên Kính thì cả người sẽ khó chịu mà.
Lương Nguyên Kính lấy túi tiền từ tay áo, hỏi nàng: “Muốn gì nữa không?”
A Bảo cố ý xuyên tạc ý tứ của chàng: “Chàng hỏi ai cơ? Cháu gái nhỏ?”
“Không, anh đang hỏi em.” Lương Nguyên Kính nói.
A Bảo ngắm nghía xong mới nói: “Vậy chàng mua cho em cây tuyết liễu đi, phải là kiểu đón xuân mới được.”
Lương Nguyên Kính mua xong cài lên búi tóc thay nàng.
A Bảo lắc lắc đầu, hỏi chàng: “Đẹp không?”
“Đẹp.” Lương Nguyên Kính nói ngay không chút nghĩ ngợi.
Tuyết liễu bán lẻ trên phố so với cây tuyết liễu bướm đêm làm từ lụa cung đình thì trông có vẻ rẻ tiền hơn. Nhưng bất kỳ vật phẩm trang sức gì đặt cạnh dung nhân ngây thơ hồn nhiên của A Bảo đều trở nên vô cùng phù hợp, hoa lụa vàng nhạt gắn lên tóc mai đen huyền càng tôn lên nhan sắc nổi bật cùng nước da trắng sáng của nàng.
Dòng người tấp nập, ý cười luân chuyển trong mắt A Bảo: “Đẹp đến mức nào cũng đâu đến mức ngây người ngắm nhìn chớ.”
Lương Nguyên Kính mới kịp hoàn hồn bừng tỉnh, ý thức được bản thân đã nhìn nàng chằm chằm hồi lâu, vì thế thẹn thùng cười: “Đi thôi.”
Hai người nắm tay tiếp tục đi dạo, tới trên Long Tân Kiều, A Bảo thoáng chậm lại phía sau, như thế có thể thoải mái ngắm nhìn bóng hình của Lương Nguyên Kính.
Thân hình chàng cao lớn, vai lưng thẳng tắp, tay còn lại đang xách mô hạ lạc mới mua, thật giống người cha đi dạo phố, thuận tiện mua món đồ chơi về nhà dỗ dành con trẻ.
A Bảo chợt suy nghĩ, nếu ngày sau mình không còn nữa, Lương Nguyên Kính sẽ có con sao?
Chàng cũng sẽ giống như bây giờ, dắt tay phu nhân mới ra đây đi dạo sao? Vào mười lăm tháng giêng, chàng sẽ một bên bồng con và một bên nắm tay phu nhân đến ngắm đèn trước Tuyên Đức Lâu?
Nếu thật là thế, chàng nhất định sẽ có một gia đình hạnh phúc mỹ mãn. Trước mặt nương tử, chàng sẽ là lang quân dịu dàng săn sóc. Trước mặt con cái, chàng sẽ là người cha ôn hoà hiền từ.
Chỉ là tưởng tượng hình ảnh một nhà ba người họ hoà thuận vui vẻ, lòng A Bảo lại đau rát, như bị kịch độc rắn rết gặm nhấm. Tránh không khỏi dần dần nổi lên ý niệm đen tối, hận sao để Lương Nguyên Kính phải cô độc sống hết quãng đời còn lại mới phải, hận sao để cả đời này chàng phải nhớ thương nàng mãi mới tốt.
Ý niệm vừa nảy sinh, lòng bàn tay nàng nắm lấy Lương Nguyên Kính bỗng dưng nổi lên trận đau nhức, đau đến mức suýt nữa nàng đã hét to lên, vội vã hất tay của chàng ra.
“Em sao vậy?” Lương Nguyên Kính ngạc nhiên quay đầu lại.
“Không… Không sao hết.”
A Bảo miễn cưỡng cười, giấu tay phải ra sau lưng.
Sắc mặt Lương Nguyên Kính tệ đi: “Em lại bị bỏng rồi phải không?”
A Bảo lập tức chối bỏ: “Không phải.”
Lương Nguyên Kính vốn đã không tin, muốn nàng duỗi tay đang giấu ra, A Bảo thì không phối hợp, chàng trực tiếp xuống tay, A Bảo tức giận siết chặt năm ngón tay thành quyền, bất chấp giãy giụa nói: “Chàng làm gì vậy? Đã nói không phải rồi mà, chàng còn vậy nữa em sẽ nổi giận đó!”
Nhưng nàng có cố sức đến đâu cũng không bật lại một nam tử trưởng thành.
Cuối cùng tay nàng bị Lương Nguyên Kính bẻ ra từng ngón, lòng bàn tay nên trắng nõn, giờ đây lại thành một mảng cháy đen, như đoạn gỗ bị thiêu đốt.
Thoáng chốc, con ngươi Lương Nguyên Kính co rút, gương mặt trắng bệch, sắc môi tái mét.
A Bảo sợ chàng sắp ngất xỉu hoặc phụt ra máu đen nữa nên hoảng loạn nói: “Chàng đừng vậy mà, không… Không đau, chàng nghe em nói đã… Nè! Chàng tính làm gì?!”
Lương Nguyên Kính tháo vòng chuỗi Phật châu thất bảo trên cổ tay xuống, cứ thế định quăng xuống lòng sông Thái Hà.
A Bảo sợ hãi, vội nhào lên ngăn cản nhưng còn sợ Phật quang ngũ sắc nên không dám, chỉ có thể cất cao giọng la: “Đừng ném! Chàng mà ném nó thì em sẽ không để ý tới chàng nữa!”
Lời uy hiếp tuy ấu trĩ nhưng vẫn hữu dụng, Lương Nguyên Kính không dám ném đi thật, chàng ngoảnh đầu nói với nàng: “Nó làm em bị thương!”
“Đó… Đó là vì em vừa mới nghĩ, suy nghĩ…”
A Bảo không nói được, bất lực dựa lên thành cầu.
Nàng suy nghĩ cái gì?
Nàng muốn Lương Nguyên Kính sống cô độc hết quãng đời còn lại, sau đó cảm thấy áy náy vô tận, cứ thế nhấn chìm nàng.
A Bảo nghĩ, nàng đúng là xấu xa quá đi, sao có thể nhẫn tâm để Lương Nguyên Kính cô độc cả đời chứ?
Xem ra Giác Minh hoà thượng nói phải, tâm tính của nàng đã bị oán khí nuốt trọn. Có thay đổi ra sao cũng như nước chảy đá mòn, như lửa cháy lan ra đồng cỏ, một khi nổi lên d.ục v.ọng sẽ sinh ra bất mãn, d.ục vọ.ng không được thoả mãn, tích tụ càng nhiều oán khí sẽ bao phủ lấy toàn bộ trái tim nàng, sẽ biến nàng thành ma quỷ mất hết tình người.
Cho đến giờ phút này, A Bảo thầm thấy may mắn, sự mong cầu không cam lòng mới chính thức bị chợp tắt.
Không thể quay đầu, không còn con đường khác nào để đi, nàng chỉ có hai con đường, một là đi đầu thai chuyển thế, hai là hồn bay phách tán, tan thành mây khói.
“Em nghĩ gì vậy?” Lương Nguyên Kính hỏi nàng.
A Bảo cố gắng mượn lực chống đỡ, nở một nụ cười, nửa thật nửa giả thở dài: “Em nghĩ em yêu Lương công tử thật rồi, yêu đến mức không biết sao mới tốt đây.”
Lương Nguyên Kính hoàn toàn sửng sốt.
A Bảo nói: “Đeo Phật châu lên đi, nó có thể bảo hộ chàng.”
Lương Nguyên Kính chưa đeo lên cũng thu tay lại từ hướng lòng sông, gió thổi quét tóc mai chàng rụng lả tả, chẳng biết là bao lâu, đột nhiên chàng nghiêng đầu nhìn A Bảo, nghiêm túc nói: “Anh cũng yêu em.”
Chàng tuân thủ lễ giáo nghiêm ngặt, quân tử phong độ, da mặt lại mỏng, chưa từng nói chữ ‘yêu’ ra ngoài miệng, nhưng hôm nay chàng không những nói ra mà còn nói đến chân thành tha thiết như vầy.
A Bảo đang tính đùa vui một hai câu ghẹo chàng như thường ngày, bỗng nhiên sắc mặt nghiêm túc, chỉ về phía trước nói: “Nhanh! Bắt kịp bà ta!”
“?”
Lương Nguyên Kính quay người lại, thấy nàng chỉ là một phụ nhân lạ mặt đang xách chiếc giỏ tre, có hơi không hiểu: “Vì sao?”
“Ây da⎯ Không kịp giải thích với chàng đâu!”
A Bảo túm lấy ống tay áo của chàng chạy xuống cây cầu.