Phía Bên Kia Nửa Đêm

Chương 11

Trong suốt năm vừa rồi Armand Gautier thôi không còn đặt vấn đề cưới Noelle nữa. Thoạt đầu ông có cảm tưởng ông là người có vị trí cao hơn Noelle. Tuy nhiên bây giờ tình thế hầu như đã đảo ngược. Mỗi khi họ được giới báo chí phỏng vấn, câu hỏi bao giờ cũng nhắm vào Noelle và mỗi khi họ cùng nhau đi đâu, bao giờ Noelle cũng là trung tâm chú ý, còn ông chỉ được người ta nhớ đến sau.

Noelle là một người tình tuyệt vời. Nàng tiếp tục tạo cho Gautier sự thoải mái, cư xử như nữ chủ nhân của ông, và một cách có hiệu quả đã làm cho ông có địa vị của người mà khắp nước Pháp phải ghen tỵ, thế nhưng trên thực tế ông không lúc nào được một phút thảnh thơi đầu óc, bởi ông biết ông không chiếm được Noelle, và ông cũng không thể làm được việc đó, rằng đến một ngày nào đó nàng sẽ rút ra khỏi cuộc đời ông một cách tùy hứng cũng như khi nàng đã bước vào cuộc đời ông vậy. Mỗi khi ông nhớ đến việc xảy ra với ông vào cái lần Noelle bỏ ông mà đi, Gautier cảm thấy choáng cả người. Dù với bản năng của một người đầy trí xảo, có kinh nghiệm và hiểu biết đối với đàn bà, Gautier vẫn cứ yêu Noelle như điên cuồng. Nàng là sự kiện quan trọng duy nhất của cả cuộc đời ông. Nhiều đêm ông trằn trọc nghĩ ra đủ các thứ quà tặng bất ngờ đem đến cho nàng niềm hạnh phúc, ban thưởng cho ông một nụ cười, một nụ hôn hoặc một đêm truy hoan rất tự giác. Mỗi khi nàng nhìn ngắm một người đàn ông khác, Gautier tràn ngập sự ghen tuông, song ông chỉ nuốt hận mà không hề hé răng cho Noelle hay biết. Một lần sau buổi tiệc, nàng dành hết cả tối để chuyện trò với một bác sĩ danh tiếng, Gautier đã nổi cáu với nàng. Noelle lắng nghe những lời lẽ ông thóa mạ nàng, sau đó sẽ sàng đáp:

- Nếu như việc tôi nói chuyện với những người đàn ông khác mà khiến anh khó chịu đến vậy, thì Armand ạ, tôi sẽ mang đồ đạc của tôi ra đi ngay trong đêm nay.

Sau đó ông không bao giờ nhắc đến chuyện này nữa.

Vào đầu tháng Hai, Noelle bắt đầu tổ chức phòng trà tiếp tân. Lúc đầu chỉ là một cuộc họp mặt vào thứ bảy với một số bạn bè thân hữu của họ ở nhà hát, nhưng khi tin đồn loan đi khắp nơi rất nhanh và cuộc tiếp tân lôi cuốn cả các chính khách, nhà khoa học, nhà văn, nghĩa là bất kỳ ai mà nhóm thân hữu nọ nhận thấy là hấp dẫn hoặc gây cho họ hứng thú. Noelle trở thành bà chủ của phòng tiếp tân và là một trong những trung tâm thu hút sự chú ý. Ai cũng chỉ mong được trò chuyện cùng nàng, bởi vì Noelle luôn đặt ra những câu hỏi sắc sảo và nàng rất nhớ các câu trả lời. Nàng biết tình hình chính trị qua các nhà hoạt động chính trị, hoặc thu được kiến thức ngân hàng qua các chủ nhà băng. Một chuyên gia nghệ thuật có cỡ đã dạy cho nàng những hiểu biết về nghệ thuật, và chẳng mấy chốc nàng đã quen biết tất cả các hoạ sĩ lớn của Pháp hiện đang còn sống trên đất Pháp lúc đó. Nàng biết được nghề làm rượu vang qua chủ hãng vang lớn là Baron Rothschild và kiến thức về kiến trúc qua Corbusier.

Noelle có được những ông thầy xuất sắc trên thế giới và đến lượt họ, họ lại có được một cô học trò xinh đẹp và đầy quyến rũ. Nàng có một trí tuệ nhanh nhạy để thâm nhập vào đối tượng và là một thính giả rất thông minh.

Armand Gautier có cảm giác ông đang ngắm nhìn một Công nương nghênh tiếp các bộ trưởng của nàng và chỉ khi ông nhận ra điều đó, ông mới thấy là ông hiểu được hơn tính cách của Noelle.

Ngày tháng dần trôi. Gautier bắt đầu có cảm giác vững tâm hơn chút đỉnh. Ông nhận thấy Noelle đã gặp gỡ mọi loại người có thể gây tác động cho nàng, thế mà nàng vẫn không hề mảy may quan tâm chú ý đến một ai.

Nàng vẫn chưa gặp Constantin Demiris đấy thôi.

Constantin Demiris là chúa tể một vương quốc rộng hơn và mạnh mẽ hơn so với rất nhiều nước. Ông không có chức danh hoặc một địa vị chính thức nào, song ông thường xuyên mua bán các thủ tướng, hồng y giáo chủ, đại sứ và vua chúa. Demiris là một trong số hai hoặc ba nhân vật giàu bậc nhất thế giới, có một hãng máy bay, là chủ nhiều tờ báo, ngân hàng, nhà máy cán thép, mỏ vàng. Những chiếc vòi bạch tuộc của ông vươn ra khắp mọi nơi, đan kết chằng chịt trên hoạt động kinh tế của hàng chục quốc gia khác nhau.

Ông có một trong những bộ sưu tập nghệ thuật quý giá nhất trên thế giới, có cả một phi đội máy bay riêng, hàng chục căn nhà và villa rải rác trên khắp hoàn cầu.

Constantin Demiris có vóc người cao trên mức trung bình, bộ ngực đồ sộ, đôi vai rộng. Vẻ mặt của ông u tối, ông có chiếc mũi rộng kiểu người Hy Lạp và đôi mắt đen ánh lên vẻ thông minh. Ông không quan tâm đến chuyện ăn mặc, tuy nhiên ông vẫn luôn luôn được liệt vào danh sách những người ăn mặc sang trọng nhất. Người ta đồn rằng ông có trên năm trăm bộ com lê. Tình cờ đi đến đâu ông cũng có thể cho đặt may quần áo. Com lê của ông do các thợ may trứ danh Hawes và Curtis ở London cắt, sơ mi thì do Brioni ở Roma may, còn giày thì do Daliet Grande ở Paris đóng, cà vạt thì mua từ hàng chục nước khác nhau.

Demiris có một sức hấp dẫn lạ lùng mỗi khi ông xuất hiện ở đâu đó. Một khi ông bước vào một căn phòng nào, những người chưa từng biết ông là ai cũng phải chăm cú nhìn ông. Báo chí trên khắp thế giới đã từng viết hàng loạt chuyện về Constantin Demiris và những hoạt động của ông, cả trên phương diên kinh doanh và quan hệ xã hội.

Giới báo chí thường hay trích dẫn lời của ông. Khi có một ký giả hỏi ông rằng bạn bè ông có giúp ông được gì trong việc thành đạt không, ông đáp: "Muốn thành đạt cần phải có bạn bè thân hữu. Còn muốn thành đạt cao thì cần phải có kẻ thù".

Khi người ta hỏi ông có bao nhiêu người làm công, Demiris đáp: "Đâu có, chỉ toàn những giáo hữu thôi. Một khi quyền lực và tiền bạc dính líu vào, công việc kinh doanh trở thành một tín ngưỡng và các văn phòng trở thành đền thờ".

Ông lớn lên trong sự giáo dục của Nhà thờ Cơ đốc giáo Hy Lạp, song ông nói về tôn giáo có tổ chức chặt chẽ đó như sau: "Nhân danh tình thương yêu, người ta đã phạm những tội ác nhiều gấp hàng ngàn lần so với nhân danh sự cứu dân".

Cả thế giới biết rằng ông đã thành hôn với con gái của một gia đình hoạt động lâu năm trong ngành Ngân hàng Hy Lạp, rằng mỗi khi Demiris đi chơi bằng con tàu buồm của ông hoặc ở trên hòn đảo riêng, bà vợ ông rất ít khi đi cùng. Thay vào đó, ông thường có một nữ tài tử hoặc một người phụ nữ nào đó đang được ông lưu tâm. Những cuộc đi chơi xa đầy mơ mộng cũng mang tính huyền thoại và rực rỡ chẳng khác gì các hoạt động tài chính của ông. Ông đã ăn nằm với hàng tá minh tinh màn bạc, những phu nhân của các ông bạn thân cận của ông, với một tiểu thuyết gia mới mười lăm tuổi và với những quả phụ vừa mới goá chồng. Người ta còn đồn đại rằng có một lần ông còn bị cả một tốp nữ tu sĩ gạ gẫm bởi những người này muốn có một tu viện mới.

Đã có nửa tá sách viết về Demiris, song chưa một quyển nào đề cập đến bản chất của con người này hoặc cố tìm cách phát hiện ra được bí quyết thành công của công.

Constantin Demiris tuy là một trong những nhân vật được cả thế giới biết tới, song ông lại là một người hết sức kín đáo, và ông đã tạo ra hình ảnh bề ngoài trước thiên hạ để che giấu con người đích thực ở bên trong ông. Ông có vài ba chục bạn bè thân tín ở khắp mọi tầng lớp xã hội song không một ai thực sự hiểu hết con người ông. Những thực tế rành rành thì ai cũng biết rõ cả. Ông ra đời ở Piraeus trong một gia đình bố làm người thầu hàng trên tàu thủy, có mười bốn anh chị em cả thảy, cho nên trên bàn ăn không lúc nào đủ thức ăn và nếu có đứa con nào muốn có thêm cái gì thì nó phải giành giật mới có được. Ở Demiris luôn luôn có nhu cầu thôi thúc đòi hỏi nhiều thêm cho nên cậu bé đã phải giành giật để đoạt lấy.

Ngay từ khi còn nhỏ, một cách tự nhiên, đầu óc Demiris đã chuyển mọi thứ thành toán học. Cậu biết rõ số bậc thềm đền Parthernon, đi tới trường mất mấy phút, trong một ngày nào đó số con tầu neo ở cảng là bao nhiêu.

Thời gian là một số được chia thành nhiều phần mà Demiris học sử dụng không để lãng phí. Kết quả là ở chỗ không cần phải có một sự nỗ lực thật sự nào, Demiris vẫn có thể hoàn thành một số lượng lớn công việc. Khả năng tổ chức ở ông đã trở thành bản năng, một tài nghệ hoạt động hoàn toàn có tính chất tự động dù cho ông làm việc nhỏ nhặt nhất cũng vậy. Trong bất cứ việc gì, ông cũng đem trí xảo của mình ra để ganh đua với trí xảo của những người xung quanh ông.

Khi Demiris nhận ra rằng mình thông minh hơn đa số mọi người, ông không lấy thế làm tự cao tự đại. Khi có một phụ nữ xinh đẹp nào muốn chung chăn gối với ông, ông không một chút nào tự tán dương bản thân rằng đó là nhờ mẽ bề ngoài hoặc tính cách của ông, song ông cũng không bao giờ cho phép việc đó khiến ông phải bận tâm suy nghĩ.

- Thế giới là một thị trường lớn, con người nếu không phải là kẻ mua thì là người bán. Ông hiểu rằng có một số phụ nữ bị tiền của ông hấp dẫn, một số khác bị quyền lực của ông hấp dẫn và chỉ có một số, song cũng rất ít là bị trí tuệ và sức tưởng tượng của ông hấp dẫn.

Hầu như mọi người mà ông gặp đều muốn lấy ở ông một cái gì đó: hoặc cầu xin sự thương cảm, tài trợ cho một dự án kinh doanh hoặc muốn giành uy lực nhờ sự quen biết ông mà có được. Demiris rất thích thú với việc tự ông phát hiện ra xem người ta đang thực sự mưu cầu cái gì, bởi vì động cơ đó ít khi bộc lộ rành rành ra cho ông thấy ngay. Với một đầu óc phân tích, luôn luôn hoài nghi trước những sự thật bề ngoài, và cũng do những hậu quả đã chỉ ra cho thấy, ông không bao giờ tin một chuyện gì ông nghe được cũng như chẳng bao giờ tin một ai cả.

Các ký giả đã từng lập biên niên sử cuộc đời đời ông chỉ thấy được ở ông một sự vui tính, hấp dẫn mà thôi, và một con người rất mực phong nhã lịch lãm, thạo đời. Họ không bao giờ nghi rằng ẩn dưới cái vẻ bề ngoài đó, Demiris là một kẻ sát nhân, một tên du thủ du thực mà bản năng của y là luôn tìm đến chỗ hiểm của kẻ khác.

Đối với những người Hy Lạp cổ đại thuật ngữ thekaeossine, công lý thường đồng nghĩa với ekthekissis, sự trả thù và Demiris thấm nhuần cả hai khái niệm đó. Ông nhớ rất kỹ từng chi tiết những gì ông đã từng phải chịu đựng, và những kẻ nào không may phải chuốc lấy sự hằn thù của ông thì phải trả giá gấp hàng trăm lần. Họ không bao giờ nhận ra được điều đó, bởi đầu óc tính toán rạch ròi của Demiris sẽ biến cuộc trả thù thành một trò chơi, ông kiên trì vạch ra từng cạm bẫy tinh vi, tiến hành những mưu mô phức tạp rối rắm để cuối cùng chộp bắt và tiêu diệt kẻ thù của mình.

Khi Demiris mười sáu tuổi, ông đã tham gia một công ty kinh doanh đầu tiên với một người lớn tuổi hơn tên là Spyros Nicholas. Demiris đã nghĩ ra việc mở một quán ăn nhỏ trên bến cảng để phục vụ thức ăn nóng cho những người bao thầu hàng làm việc ca đêm. Chàng thanh niên Demiris đã góp vào một nửa số tiền cho công ty, nhưng đến khi công việc làm ăn khá lên Nicholas lại tìm cách hất cẳng chàng trai ra khỏi công ty và một mình nắm lấy tất cả Demiris đã chấp nhận số phận và tiếp tục gây dựng những cơ nghiệp khác.

Hai mươi năm sau Spyros Nicholas đã có trong tay công nghiệp kinh doanh ngành đóng thịt hộp và trở nên giàu có, phát đạt. Ông ta đã có vợ, ba con và trở thành một trong những nhân vật tăm tiếng ở Hy Lạp. Trong suốt những năm đó, Demiris vẫn kiên trì thu mình ngồi yên, mặc cho Nicholas gây dựng nên vương quốc nhỏ bé của ông ta. Cho đến khi Demiris nhận thấy Nicholas đã thành đạt và sung sướng đủ độ rồi thì Demiris mới đụng tới.

Do sự nghiệp kinh doanh đang tiến triển, Nicholas nghĩ đến việc mua các nông trại để tổ chức chăn nuôi tự cung cấp lấy thịt và mở hàng loạt cửa hàng bán lẻ.

Constantin Demiris có một ngân hàng mà Nicholas lại đang vay vốn. Ngân hàng này khuyến khích vay tiền để mở rộng kinh doanh với một lãi suất mà Nicholas bị hấp dẫn mạnh. Nicholas lao như điên vào và trong lúc công việc đang diễn tiến nủa chừng thì ngân hàng đó đột ngột đòi thu hổi vốn của Nicholas. Khi Nichoìas lúng túng lên tiếng phải kháng rằng ông ta không thể thanh toán được, ngân hàng lập tức bắt đầu xúc tiến các thủ tục tịch biên tài sản. Những tờ báo của Demiris mau mắn đưa câu chuyện này lên trang nhất và các chủ nợ khác cũng lục tục tuyên bố tịch biên của cải của Nicholas. Ông ta đi hết các nhà băng và các cơ quan tín dụng, song vì một lý do gì ông không rõ. Tất cả đều từ chối tài trợ cho ông ta. Ngày hôm sau lâm vào tình thế phá sản, Nicholas đã phải tự vẫn.

Quan điểm của Demiris về thekaeossine là một con dao hai lưỡi. Nếu như ông không tha thứ cho một vết thương thì ông cũng không bao giờ quên một việc làm hảo tâm nào. Bà chủ nhà đã từng cưu mang chàng trai quá nghèo, túng không đủ tiền trả hồi nào, lại còn chu cấp cho cậu có đủ miếng cơm manh áo thì bỗng đột ngột một hôm trở thành là chủ nhân của cả một toà nhà gồm nhiều căn nhà, song bà cũng không hề biết được ân nhân của bà là ai. Một thiếu nữ trẻ đã từng cưu mang anh chàng Demiris không một xu dính túi hồi nào, được một người vô danh tặng cho cả một chiếc villa và một khoản lương hưu suốt đời. Những người đã từng có quan hệ với chàng trai đầy tham vọng trước đây bốn chục năm đều không hay biết rằng những quan hệ tình cờ như vậy sẽ có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời họ. Chàng Demiris trẻ trung năng động trước kia đã từng cần đến sự giúp đỡ của các chủ nhà băng, các luật sư thuyền trưởng, các hiệp hội, chính trị gia và các nhà tư bản tài chính. Có một số người đã khuyến khích giúp đỡ chàng, song cũng có nhiều kẻ khác dìm chàng, lừa lọc chàng. Trong tim óc của con người Hy Lạp đầy tự đắc đó luôn luôn ghi khắc từng vụ việc một. Bà vợ Melina của ông có một lần lên án ông về việc ông đóng vai trò của vị Chúa phán xét.

- Mọi người ai cũng đều có vai Chúa hết - Demiris bảo với bà - Chỉ có điều một số người trong chúng ta chuẩn bị cho vai này tốt hơn những kẻ khác.

- Song nếu như tiêu diệt sinh mạng của người khác thì điều đó không được, anh Costa ạ.

- Không có gì là không được cả. Đó chính là công lý.

- Là sự trả thù thì đúng hơn.

- Đôi khi hai cái đó cũng chỉ là một. Đa số những kẻ xấu tìm cách rũ bỏ những cái ác mà họ đã làm. Anh chỉ muốn bắt họ phải đền bù lại những việc họ đã làm. Đó chính là công lý.

Ông thích bỏ ra nhiều thì giờ để nghĩ ra những phương kế đưa các đối thủ của ông vào cạm bẫy. Ông nghiên cứu rất kỹ càng những nạn nhân của mình, phân tích cá tính của họ, đánh giá kỹ mặt mạnh mặt yếu.

Hồi Demiris mới có ba chiếc tàu chở hàng cỡ nhỏ và ông cần vốn để phát triển đội tàu của mình, ông có đến gặp một chủ ngân hàng Thuỵ Sĩ ở Basel. Chủ ngân hàng này không những từ chối ông mà lại còn gọi điện thoại cho các bạn bè cũng là chủ ngân hàng, khuyên họ không nên cho người thanh niên Hy Lạp này vay tiền. Cuối cùng Demiris phải xoay sang vay tiền ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Demiris đã chờ đợi thời cơ khá lâu. Ông xác định rằng cái gót Asin(1) của gã chủ ngân hàng này chính là lòng tham vô đáy. Demiris đã thương lượng với Ibn Saud ở Ả Rập nhận cho đấu thầu một khu vực mới tìm thấy dầu lửa. Vụ đấu thầu này trị giá khoảng vài trăm triệu đô-la đối với công ty Demiris.

Ông chỉ thị cho một nhân viên tìm cách để dò dẫm tin này cho ông chủ ngân hàng Thuỵ Sĩ kia biết về vụ làm ăn sắp tới Chủ ngân hàng được mời tham gia 25 phần trăm cổ phần trong công ty mới nếu như ông bỏ ra năm chục triệu đô-la. Chủ ngân hàng nhanh chóng cho thẩm tra lại vụ làm ăn này và khẳng định sự việc có thực. Vì cá nhân ông không có sẵn số tiền này, ông đã lặng lẽ vay ở ngân hàng mà không thông báo cho ai biết cả, bởi vì ông muốn làm ăn mảnh. Tuần sau, khi công việc giao dịch xảy ra rồi, lúc đó ông có thể hoàn lại số tiền ông đã rút ra.

Sau khi Demiris cầm tấm ngân phiếu của chủ nhà băng trong tay, ông tuyên bố với các báo chí là cuộc thương lượng với Ả Rập đã bị hoãn lại. Cổ phiếu bị khê đọng. Chủ ngân hàng không cách nào bù lại được những thua lỗ, và vụ biển thủ của ông ta bị phát hiện. Demiris chỉ gỡ lại ở các cổ phiếu của chủ ngân hàng mỗi đô-la có vài ba xu, nhưng sau đó vẫn cứ tiếp tục công việc khai thác dầu lửa.

Cổ phiếu lại lên vùn vụt. Song chủ ngân hàng đã bị kết án hai mươi năm tù về tội biển thủ.

Trong cuộc chơi của Demiris cũng có một số đối thủ mà ông chưa có dịp gặp lại được, song ông vẫn chưa vội vàng gì. Ông rất thích những dụ án, phương sách và quá trình thực thi phương sách. Cũng giống như trong môn cờ vua, Demiris là một kiện tướng về cờ. Tạm thời lúc này ông không có ai là kẻ thù bởi vì không ai dám đứng ra đương đầu với ông, vì thế sự quàn tâm của ông chỉ khoanh lại với những kẻ nào đã cản trở đường đi của ông trong quá khứ.

Con người này vào một buổi chiều Chủ nhật đã xuất hiện ở phòng tiếp tân của Noelle Page. Ông dừng lại ở Paris vài giờ trên đường đi Cairo, và một nữ nghệ sĩ điêu khắc mà ông ghé thăm đã gợi ý họ nên dừng lại tại phòng tiếp tân này. Vừa mới thoạt nhìn thấy Noelle, Demiris nhận ngay ra rằng ông cần đến nàng.

Ngoài cái phong thái quá vương giả mà đối với cô con gái một ông lái cá ở Marseille không được coi là gì, có lẽ Constantin Demiris còn có vẻ gì đó hấp dẫn hơn mà ngay cả một ông vua nhiều khi cũng không thể có được. Ba ngày sau khi nàng gặp ông, Noelle đã bỏ dở vở kịch của nàng mà không hề cho ai hay biết, nàng đã va ly khăn gói lên đường theo Constantin Demiris sang Hy Lạp.

Do Noelle và Constantin Demiris đều là những người có những địa vị nổi tiếng cho nên một điều có tính chất tất yếu là quan hệ giữa họ trở thành một cause célèbre(2) có tính chất quốc tế. Các phóng viên nhiếp ảnh và viết bài thường xuyên tìm cách phỏng vấn bà vợ của Demiris, song cho dù tâm trí bà có bị xáo động bà vẫn cố giữ hết sức bình thản.

Melina Demiris trước sau chỉ bình luận với báo chí rằng chồng bà có rất nhiều người bạn trên khắp thế giới và trong chuyện này bà không thấy có gì là lấn cấn cả. Nhưng riêng cá nhân, bà đã thuật lại cho hai ông bà cụ nhà bà, những người rất lấy làm khó chịu về chuyện bê bối này rằng Costa cũng đã từng có nhiều quan hệ trước đây, rằng sớm muộn mọi chuyện sẽ trôi qua như những vụ trước đây mà thôi.

Chồng bà thường có những chuyến công du mở rộng kinh doanh và bà được thấy nhiều tấm hình đăng tải trên báo chí có ông cùng với Noelle hết ở Constantinople lại ở Tokyo hoặc Rome. Melina Demiris là một phụ nữ đầy tự đắc, song bà quyết phải ngậm bồ hòn làm ngọt bởi bà thực sự yêu chồng. Bà đành chấp nhận sự thật, mặc dù bà không bao giờ có thể tìm ra được nguyên nhân. Sự thật đó là có nhiều đàn ông cần có nhiều hơn một người đàn bà và thậm chí một người đàn ông rất yêu vợ vẫn có thể ngủ với một người đàn bà khác. Còn với bà, bà thà chết chứ không để cho một người đàn ông nào khác đụng đến bà. Bà không bao giờ trách cứ chồng, bởi bà biết rằng nếu có làm như vậy cũng chẳng đạt được mục đích gì mà chỉ đẩy ông ra xa hơn. Họ giữ thế cân bằng trong một quan hệ hôn nhân tốt đẹp. Bà biết rằng bản thân bà không phải là một người biết yêu say đắm, song bà sẵn sàng để cho chồng muốn làm gì mình trên giường mỗi khi ông muốn, và bà cũng cố gắng đáp ứng sự khoái lạc mà bà có thể làm được. Bà không biết những cách làm tình của Noelle với chồng bà, chứ nếu không, bà sẽ choáng váng lên, và nếu bà biết chồng bà thích thú như thế nào, hẳn là bà sẽ đau khổ vô cùng.

Sự hấp dẫn chính của Noelle đối với Demiris, một người không còn thấy ngạc nhiên trước bất kỳ phụ nữ nào, chính là ở chỗ nàng là một kho đầy ắp những điều bất ngờ. Đối với ông, một người ham chuộng những điều kỳ lạ thì nàng đúng là một câu đố hết sức khó giải. Ông chưa từng gặp một phụ nữ nào như nàng. Nàng chấp nhận những vật xinh đẹp ông đem tặng nàng, song nàng vẫn thấy sung sướng khi ông chẳng tặng nàng thứ gì cả.

Ông mua cho nàng một chiếc villa sang trọng ở Portofino nơi nhìn ra bãi biển cong vành móng ngựa, nước xanh trong vắt, song ông biết rằng nếu đem đổi lấy một căn nhà nhỏ bé ở khu Plaka cổ lỗ ở Athens thì đối với nàng cũng chẳng có gì là khác nhau.

Trong đời, Demiris đã từng gặp rất nhiều phụ nữ cố tình lợi dụng giới tính của mình để mè nheo ông cái nọ cái kia song Noelle chưa bao giờ vật nài ông cái gì cả. Có những phụ nữ đến với ông để được lấy cái vinh quang toả ra ở ông, song trường hợp Noelle, nàng lại chính là người hấp dẫn các phóng viên báo chí và nhiếp ảnh. Đã có lúc Demiris thích thú đối với ý nghĩ cho rằng có lẽ nàng yêu ông chính là vì ông danh giá, song ông phải thành thực với mình là đừng nên giữ cái ảo tưởng đó.

Lần đầu tiên trong đời, Demiris gặp được một người đàn bà còn mãnh liệt hơn cả ông, tình dục ở nàng vượt hơn ông. Bất kỳ việc gì nàng đều làm tốt hơn, thường xuyên hơn và diệu nghệ hơn ông, cho đến khi cuối cùng ông chỉ còn biết nằm thư giãn trên giường, ngắm nhìn nàng và lấy làm thích thú vì chưa một người đàn bà vào đem lại cho ông sự thích thú như vậy. Nàng là một hiện tượng luôn luôn bộc lộ những khía cạnh mới mẻ để cho ông thích thú.

Noelle biết nấu nướng khéo léo chẳng kém gì những tay đầu bếp mà ông trả giá đắt như những đầu bếp của nhà vua và nàng hiểu biết nghệ thuật chẳng kém gì người quản lý sưu tầm tranh tượng cho ông. Ông thích thú lắng nghe họ thảo luận về nghệ thuật với Noelle và họ ngạc nhiên trước tầm hiểu biết sâu rộng của nàng.

Demiris mới mua một bức tranh của Rembrandt và tình cờ Noelle có mặt tại hòn đảo nghỉ hè khi bức tranh được chở tới. Lúc đó có mặt cả người phụ trách bảo tàng trẻ tuổi, người đã tìm được bức tranh này cho ông.

- Đây là một trong những kiệt tác của nhà danh hoạ đó - Anh quản lý trẻ vừa lật tấm vải phủ bức tranh, vừa nói vậy.

Đó là bức tranh tuyệt đẹp vẽ một bà mẹ bế đứa con gái.

Noelle im lặng ngồi trong một chiếc ghế, vừa nhấm nháp một ly ouzo(3) vừa ngắm bức tranh.

- Đẹp tuyệt - Demiris tán thưởng, sau đó ông quay sang Noelle - Em thích bức tranh đó không?

- Thật đáng yêu - Nàng đáp, rồi ngoảnh sang anh chàng quản lý - Ông kiếm ở đâu ra bức tranh này?

- Tôi đã lùng được nó ở một nhà buôn ở Brussels. - Anh ta đáp vẻ tự hào - Và tôi phải thuyết phục mãi ông ta mới bán nó cho tôi.

- Ông đã trả bao nhiêu? - Noelle hỏi.

- Hai trăm năm mươi ngàn bảng Anh.

- Món hời đấy chứ?

Noelle cầm lên một điếu thuốc lá, chàng trai kia vội tiến đến châm thuốc cho nàng.

- Cảm ơn - sau đó nàng quay sang nhìn Demiris - Anh Costa ạ, nếu đúng là anh ta mua bức tranh này từ tay chủ của nó thì mới thật gọi là hời.

- Anh không hiểu - Demiris nói.

Người quản lý bảo tàng nhìn nàng ngơ ngác.

Noelle giải thích:

- Nếu đúng rằng đây là bức tranh thật thì nó phải từ tài sản của Công tước xứ Toledo ở Tây Ban Nha - Rồi nàng quay sang người quản lý hỏi:

- Có đúng như vậy không?

Mặt anh ta bỗng tái nhợt, anh ta lắp bắp:

- Tôi… tôi không rõ. Người bán tranh không nói gì với tôi cả.

Noelle mắng át luôn:

- Thôi đi. Anh định nói là anh mua bức tranh này với một số tiền lớn như vậy mà không xác định được xuất xứ sao? Điều đó thật khó tin. Tài sản định giá bức tranh này là một trăm bảy mươi lăm ngàn bảng. Thế là có người đã bị lừa mất bảy mươi lăm ngàn bảng rồi.

Và điều đó đúng là thực. Viên quản lý kia cùng với gã buôn tranh đã bị khép tội đồng loã và bị đi tù. Demiris trả lại bức tranh. Sau này mỗi khi nghĩ lại câu chuyện trên, ông nhận thấy chính sự trung thực của nàng còn làm ông cảm kích hơn so với sự hiểu biết của nàng. Nếu như nàng muốn, nàng chỉ việc gọi riêng người quản lý kia ra một chỗ, đe doạ tống tiền y và đòi chia tiền là xong. Thế nhưng nàng đã công khai thách thức y trước mặt Demiris chẳng vì một động cơ vụ lợi gì. Ông đã mua tặng nàng một chiếc vòng đeo bằng ngọc bích rất đắt tiền để tỏ lòng biết ơn, song nàng đón nhận món quà đó với sự biết ơn cũng chẳng khác gì khi nàng đón nhận một chiếc bật lửa hút thuốc lá.

Demiris nằn nì đòi đưa nàng đi cùng ông đến khắp mọi nơi. Ông không tin một ai trong công việc kinh doanh, vì vậy ông bắt buộc phải tự mình quyết định tất cả. Ông thấy việc thảo luận với Noelle những vụ kinh doanh lớn là rất hữu ích. Nàng có những kiến thức uyên bác kỳ lạ về nghề kinh doanh, song chỉ riêng việc thỉnh thoảng có thể trao đổi chuyện trò với ai đó cũng khiến Demiris quyết định công việc được dễ dàng hơn. Mặt khác Noelle cũng được biết thêm nhiều công việc kinh doanh của ông hơn bất kỳ ai khác, tất nhiên là trừ các luật gia và kế toán viên của ông. Trước đây Demiris bao giờ cũng cặp bồ với vài ba nhân tình cùng một lúc, song bây giờ Noelle đã cho ông đủ mọi thứ ông cần vì vậy ông dần dần bỏ rơi các nhân tình kia. Họ chấp nhận sự congé(4) mà không hề ca thán gì, bởi Demiris là người hào phóng.

Ông có một chiếc tàu du lịch dài một trăm ba mươi lăm foot, chạy bằng bốn động cơ diesel của hãng General Motor. Trên tàu có chở một chiếc thủy phi cơ, một đội thủy thủ hai mươi bốn người, hai chiếc thuyền gắn máy và trên tàu còn có một bể bơi nước ngọt. Tàu có mười hai căn phòng kép dành cho khách được bố trí rất đẹp và có cả một căn nhà dành cho ông trong đó chất đầy tranh và đồ cổ.

Mỗi khi Demiris hưởng lạc trên du thuyền của mình thì Noelle mới đích thực là bà chủ. Khi Demiris dùng máy bay hoặc tàu thủy riêng để tới hòn đảo của mình thì cũng chính Noelle là người được ông đem theo, trong khi đó Melina phải ở nhà. Ông rất thận trọng không bao giờ cùng mang theo vợ và Noelle đi cùng nhau, ông tất nhiên ông hiểu rằng vợ ông cũng biết quan hệ riêng của ông với nàng.

Mỗi khi Noelle đi tới đâu, nàng đều được đối xử như một bậc vương giả. Song chẳng qua số phận nàng đã định như vậy. Hồi nhỏ cô bé đã từ cửa sổ của căn phòng bẩn thỉu nhà cô ngó nhìn ra đoàn thuyền của cô ở Marseille, và bây giờ lớn lên, nàng chuyển sang hạm thuyền lớn nhất thế giới cũng là điều tất yếu mà thôi. Noelle cảm phục Demiris không ở chỗ ông giàu của cải, lắm danh tiếng, mà nàng cảm phục ông bởi trí tuệ mẫn tiệp và sức mạnh ý chí.

Ông có trí khôn và ý chí của một kẻ khổng lồ, ông biến những kẻ khác khi đem so với ông trở thành những kẻ bạc nhược hèn mọn. Nàng cảm thấy ở ông có một sự tàn bạo không lúc nào nguôi, song phần nào điều đó cũng khiến ông càng thêm thích thú, bởi ông cũng tìm thấy ở nàng những nét tương tự như vậy.

Noelle nhận được thường xuyên những lời yêu cầu nàng sắm vai trong các vở kịch hoặc bộ phim song nàng vẫn dửng dưng như không. Nàng đang đóng một vai quan trọng trong câu chuyện của đời nàng, và câu chuyện này còn hấp dẫn hơn bất kỳ một kịch bản nào mà một nhà biên kịch có thể xây dựng được. Nàng dùng bữa tối cùng với các vua chúa, thủ tướng và các đại sứ, và tất cả mọi người đều vồ vập săn đón nàng bởi vì họ biết rằng nàng có cái tai thính của Demiris. Họ để lộ ra một cách tế nhị những nhu cầu đang cần, và họ hứa với nàng đủ mọi thứ nếu như nàng giúp đỡ họ. Song Noelle đã có đủ thứ trên đời rồi, cần gì nữa.

Nàng thường nằm bên Demiris, kể cho ông nghe về từng vị đang có nhu cầu gì và qua nguồn tin này Demiris có thể ước định được các nhu cầu của họ, những chỗ họ mạnh, chỗ họ yếu ra sao. Để sau đó ông sẽ gây áp lực đúng chỗ và từ đó ông lại khơi thêm nguồn tiền của đổ vào những chiếc rương vốn đã đầy ắp.

Hòn đảo riêng của Demiris là một trong những nguồn vui lớn nhất của ông. Ông đã mua hòn đảo này khi nó còn là một mảnh đất hoang cằn và đã cải biến nó thành một thiên đường. Trên đỉnh đảo có một chiếc villa kỳ thú mà ông thường đến ở, hàng tá những ngôi nhà xinh xắn, một khu dành cho săn bắn, một hồ nhân tạo chứa nước ngọt, một hải cảng cho chiếc tàu của ông neo đậu và một bãi cho chiếc máy bay của ông hạ cánh. Trên hòn đảo có tám mươi người hầu và một đội bảo vệ có vũ trang để ngăn chặn những kẻ từ bên ngoài đột nhập vào. Noelle rất thích sự cô quạnh của hòn đảo và nàng đặc biệt thích nó nhất, mỗi khi chỉ có mình nàng là khách thôi. Constantin Demiris lấy làm hài lòng và cho rằng đó là vì nàng thích cô độc với một mình ông thôi.

Ông chắc sẽ ngạc nhiên biết chừng nào nếu ông phát hiện ra rằng nàng luôn luôn nhớ đến một người đàn ông mà Demiris không hề biết rằng anh ta có mặt trên đời.

Larry Douglas đang ở cách xa nửa vòng trái đất, đang âm thần chiến đấu trên những quần đảo bí mật. Tuy nhiên nàng biết nhiều tin tức về chàng còn hơn cả vợ chàng là người mà chàng vẫn thư từ đều đặn. Mỗi tháng ít nhất một lần Noelle lại đi Paris và ông thám tử nhỏ bé đầu hói, mắt cận thị luôn luôn có một bản báo cáo cập nhật sẵn sàng cung cấp cho nàng.

Lần đầu tiên Noelle trở lại Pháp để gặp Barbet rồi lại cố gắng rời Pháp ra đi, nàng bị người ta gây khó dễ về việc lấy thị thực xuất cảnh. Nàng phải ngồi đợi ở Sở Hải quan đến năm tiếng đồng hồ, cuối cùng người ta cho phép gọi một cú phôn cho Constantin Demiris. Mười phút sau khi nàng nói chuyện với Demiris, một sĩ quan người Đức đã đi như lao vào phòng rối rít bày tỏ lời xin lỗi của chính phủ anh ta. Noelle được người ta cấp cho một loại thị thực đặc biệt và sau đó không lần nào còn ai chặn lại nữa.

Ông thám tử nhỏ thó luôn luôn mong ngóng những cuộc thăm viếng của Noelle. Ông đang moi được ở nàng một khoản tiền kếch xù, song cái mũi thính của ông đánh hơi thấy còn những món tiền lớn hơn nhiều. Ông rất hài lòng khi thấy nàng có thêm quan hệ mới với Constantin Demiris. Ông có cảm giác rằng không cách này thì cách khác mối quan hệ đó cũng sẽ mang lại cho ông một lợi ích lớn về tiền bạc. Trước hết ông phải kiểm tra kỹ đảm bảo Demiris không hay biết tí gì rằng người tình của ông quan tâm đến Larry Douglas, sau đó ông phải phát hiện xem những tin tức này sẽ có giá trị như thế nào đối với Demiris. Hoặc nếu ông giữ yên lặng thì Noelle sẽ trả giá cho ông như thế nào. Ông đang đến gần một vụ làm ăn lớn, song ông phải thận trọng trong canh bạc này. Những tin tức Barbet thu thập được chi tiết đến mức đáng ngạc nhiên bởi lẽ Barbet có khả năng chi cho các nguồn cung cấp tin rất hậu hĩnh.

Trong lúc vợ của Larry đọc một lá thư có dấu bưu điện của một APO(5) vô danh, thì Christian Barbet thông báo cho Noelle rằng:

- Hiện nay chàng đang bay tới tốp máy bay chiến đấu số 14 Phi đoàn số 48.

Lá thư gửi Catherine viết rằng: "… cưng ơi, anh chỉ có thể cho em biết rằng anh đang ở một nơi giữa đại tây dương mà thôi…"

Còn Christian Barbet thông báo rõ cho Noelle rằng:

- Họ đang ở đảo Tarawa. Sắp tới sẽ đến Guam.

"Anh nhớ em lắm, Cathy ạ. Tình hình ở đây đang sôi động. Anh không thể nói chi tiết cho em biết được, song cuối cùng bọn anh đã có được những chiếc máy bay còn tốt hơn!"

- Anh bạn của cô đang bay các loại máy bay P-38, P-30 và P-51.

"Anh mừng là lâu nay em có công việc bận rộn để làm ở Washington. Chung thủy với anh, cưng nhé. Ở đây mọi chuyện ổn cả. Khi nào gặp em, anh sẽ có một tin nho nhỏ báo cho em hay.

- Anh bạn cô đã được tặng thưởng một DFC(6) và đã được vinh thăng trung tá.

Trong lúc Catherine nghĩ đến chồng mình và cầu chúc chàng trở về bình an vô sự, thì Noelle cũng theo dõi từng bước đi của chàng và nàng cũng cầu chúc cho Larry bình an trở về nhà. Chiến tranh chẳng mấy thời gian nữa sẽ chấm dứt. Larry Douglas sẽ trở về nhà. Trở về với cả hai người.

Chú thích:

(1) Ý nói là điểm yếu

(2) sự kiện nổi tiếng (tiếng Pháp).

(3) Rượu Hy Lạp.

(4) cho nghỉ.

(5) Quân bưu.

(6) Distinguished Flying Cross: Huân chương chữ thập về thành tích phục vụ trong không quân.
Bình Luận (0)
Comment