Trường An vào thu, gió thổi khắp thành, lá rụng đầy.
Nguyên Diệu bước đi trong Chợ Tây, trong lòng suy nghĩ về lộ trình tiếp theo. Hắn ra ngoài với ba mục đích: Thứ nhất là đến "Phủ Vũ Cư" lấy khăn lụa đã đặt may của Bạch Cơ; thứ hai là đến chợ mua cá khô thơm cho Ly Nô; thứ ba là đến "Thụy Dung Trai" mua điểm tâm ăn cùng trà. Ngoài ra hắn còn muốn tự mình đến các quán nhỏ phía nam Chợ Tây để xem gần đây có sách chép tay nào mới đang lưu truyền không.
Nguyên Diệu thầm sắp xếp sao cho có thể hoàn thành bốn việc này một cách nhanh nhất và tiết kiệm thời gian nhất. Vì đang mải suy nghĩ nên khi đi ngang qua một quán rượu của người Hồ thì đâm sầm vào một nam nhân vừa từ quán rượu bước ra.
Nguyên Diệu đang chuẩn bị ngã thì nam nhân phản ứng nhanh đưa tay ra đỡ lấy hắn: “Huynh đài, cẩn thận." Nhờ sự giúp đỡ của nam nhân nên Nguyên Diệu mới đứng vững, không bị ngã.
Nguyên Diệu cảm thấy rất ngại, ngẩng đầu nhìn nam nhân, nam nhân cũng vừa ngẩng đầu nhìn hắn sau đó cả hai cùng đồng thanh thốt lên một tiếng "Ơ."
Nam nhân vui mừng nói: "Hiên Chi!"
Nguyên Diệu cũng cười: “Ma Cật!"
Nam nhân này Nguyên Diệu quen biết, biểu ca Vương, tên Duy, tự là Ma Cật. Nương của Nguyên Diệu họ Vương và cha của Vương Duy - Vương Xử Liêm là tỷ muội cùng dòng họ, Nguyên Diệu và Vương Duy là biểu huynh đệ. Khi còn nhỏ Vương Duy đã từng ở nhà Nguyên Diệu một thời gian, hai người cùng học tư thục, có quan hệ rất thân thiết. Sau này Vương Duy theo cha chuyển đến Bồ Châu nên hai người chỉ còn qua lại bằng thư từ. Không lâu sau Vương Xử Liêm qua đời, Vương Duy và các đệ đệ theo mẫu thân Thôi thị sống qua ngày. Sau đó cha của Nguyên Diệu là Nguyên Đoạn Chương qua đời, từ đó gia đình Nguyên Diệu sa sút nên thư từ giữa hai người cũng ít đi. Lúc nương của Nguyên Diệu qua đời, Vương Duy không ngại đường xa đến Tương Châu viếng. Vương Duy ở nhà Nguyên Diệu vài ngày thấy gia cảnh của Nguyên Diệu khó khăn nên đã khuyên hắn theo mình về nhà họ Vương ở Bồ Châu. Nguyên Diệu không muốn làm phiền dì và biểu huynh bèn quyết định ở lại quê nhà chịu tang nhân tiện ôn thi luôn. Vương Duy cũng không ép buộc hắn, một mình về nhà nhưng thỉnh thoảng gửi tiền bạc hỗ trợ Nguyên Diệu. Khi Nguyên Diệu chịu tang ở nhà, hắn viết thư cho Vương Duy nói chuẩn bị đi Trường An dự thi. Vương Duy trả lời có thể hắn cũng sẽ đến Trường An, hai người bèn hẹn gặp nhau ở Trường An. Ai ngờ Nguyên Diệu đến Trường An còn không kịp dự thi thì đã bị bán thân, hàng ngày sống cùng một con rồng một con mèo và hàng ngàn yêu quái tại Phiêu Miểu các.
Vương Duy nói: "Đúng là trùng hợp, không ngờ lại gặp Hiên Chi ở đây."
Gặp người quen nơi đất khách nên Nguyên Diệu cũng rất vui mừng: “Ma Cật đến Trường An khi nào thế?"
Vương Duy nói: "Đã đến một năm rồi nhưng không thường xuyên ở đây, thỉnh thoảng lại cùng bạn bè đi khắp nơi. Còn Hiên Chi hiện giờ ở đâu? Việc thi cử thế nào rồi?"
Nguyên Diệu nói: "Chuyện này nói ra dài lắm."
Vương Duy kéo Nguyên Diệu quay lại quán rượu: “Chuyện dài vậy thì từ từ nói. Nào, nào, đã lâu không gặp, chúng ta vào uống một chén kể lại chuyện cũ nào."
Nguyên Diệu không từ chối được sự nhiệt tình của Vương Duy, cùng hắn vào quán rượu, hai người tìm một góc yên tĩnh rồi ngồi xuống uống rượu ôn chuyện cũ.
Một cô nương người Hồ da trắng mắt xanh mang rượu tới, thấy Nguyên Diệu là khách lạ bèn ném cho hắn một cái nhìn tình tứ, Nguyên Diệu đỏ mặt không dám nhìn nàng. Vương Duy không khỏi bật cười: "Tính cách của Hiên Chi vẫn ngại ngùng như xưa."
Nguyên Diệu cũng cười: “Đã lâu không gặp, dì và các đệ đệ thế nào rồi?”
Vương Duy kể chi tiết tình hình gần đây của mình. Nguyên Diệu mới biết rằng, các em của Vương Duy đều ở cùng mẫu thân Thôi thị tại quê nhà Bồ Châu, chỉ có Vương Duy một mình phiêu bạt đến Trường An, định cư ở một biệt viện tại vùng ngoại ô phía nam Trường An. Những ngày gần đây vì một người bạn tổ chức hội thi thơ nên Vương Duy đến thành để đáp lễ, ở lại nhà bạn. Hôm nay hắn rảnh rỗi nên một mình đến chợ Tây dạo chơi thì tình cờ gặp Nguyên Diệu.
Vương Duy hỏi về tình hình gần đây của Nguyên Diệu, Nguyên Diệu không muốn nói chi tiết chỉ đáp rằng tự biết tài hèn học kém, không hy vọng gì về công danh nên không tham gia kỳ thi, hiện đang giúp việc ở một tiệm đồ cổ tại chợ Tây.
Vương Duy biết gia cảnh của Nguyên Diệu nghèo khó, nghĩ đến việc hắn không có tiền đi đường nên phải làm kế toán trong tiệm đồ cổ để kiếm sống thì lập tức rơi nước mắt: “Hiên Chi và ta là biểu huynh đệ có quan hệ huyết thống, dù ta chỉ hơn để có một tháng nhưng dù sao cũng là biểu huynh, không thể nhìn đệ chịu khổ được. Đệ hãy từ bỏ công việc kế toán theo ta về biệt viện cùng ở, đệ không cần lo lắng chuyện làm ăn, chỉ cần chuyên tâm ôn thi thôi.”
Nguyên Diệu gãi đầu, tuy rất cảm kích ý tốt của Vương Duy nhưng hắn không muốn rời khỏi Phiêu Miểu các, cũng không biết nên giải thích và từ chối thế nào.
Vương Duy thấy vậy bèn nói: "Nếu Hiên Chi không tiện trực tiếp từ chức với chủ tiệm thì ta có thể đi nói thay đệ. Tiệm đồ cổ đệ làm tên gì?"
"Phiêu Miểu các." Nguyên Diệu nói.
"Chưa từng nghe thấy, nó ở đâu vậy?" Vương Duy hỏi.
"Gần phường Quang Đức, trong một con hẻm có cây hoè lớn." Nguyên Diệu thành thật trả lời. Thực ra người không có duyên thì dù đi vào con hẻm cũng chưa chắc nhìn thấy được Phiêu Miểu các.
Vương Duy nói: "Được. Ngày khác ta sẽ đến thăm và nói chuyện kỹ với chủ tiệm."
Nguyên Diệu đành nói: "Cũng được."
Nguyên Diệu nghĩ Vương Duy không chắc có thể đi vào Phiêu Miểu các. Nhưng hắn ăn nói vụng về, không biết làm sao để từ chối Vương Duy, chỉ có thể tạm thời đồng ý, định về sẽ tìm Bạch Cơ khéo miệng để hỏi cách từ chối khéo trong thư gửi đến biệt viện của Vương Duy.
Nguyên Diệu và Vương Duy trò chuyện đủ thứ chuyện trên đời đến lúc mặt trời đã ngả về tây. Thấy trời không còn sớm nữa nên Vương Duy và Nguyên Diệu đã rời quán rượu rồi từ biệt nhau. Vương Duy về phủ của bạn, Nguyên Diệu thì đi làm việc.
Nguyên Diệu thấy trời đã muộn, nghĩ rằng nếu còn tiếp tục đi mua đồ thì e rằng không thể kịp trở về Phiêu Miểu các trước giờ giới nghiêm mất. Vì vậy, hắn đã trở về tay không. Hắn thở dài một tiếng, hôm nay không làm được việc gì thế này chắc chắn Bạch Cơ và Ly Nô sẽ rất tức giận.
*
Phiêu Miểu các.
Bạch Cơ pha một ấm trà chờ Nguyên Diệu mua bánh ngọt về. Nhưng nàng chờ đến khi trà đã nguội mà bánh ngọt vẫn chưa tới. Ly Nô nhóm một lò lửa chuẩn bị nướng cá khô. Nó chờ đến khi lửa lò đã tàn nhưng Nguyên Diệu vẫn chưa mua cá khô về.
Ly Nô không vui mắng: "Mọt sách chắc lại trốn đâu đó lười biếng rồi."
Bạch Cơ đặt ấm trà lên bếp châm lửa lại: “Có lẽ là gặp ai đó rồi. Hôm nay có vẻ nhưng không thấy áo choàng lụa, không ăn được bánh ngọt và cá khô rồi."
Ly Nô nói: "Chủ nhân, trong bếp vẫn còn một ít hạt dẻ sống."
"Vậy thì vừa uống trà vừa ăn hạt dẻ nướng thôi." Bạch Cơ cười nói.
Ly Nô đồng ý: “Được."
Nguyên Diệu trở về Phiêu Miểu các thì thấy Bạch Cơ và Ly Nô đang ngồi bên bếp lửa uống trà nóng và ăn hạt dẻ nướng. Thấy Nguyên Diệu trở về tay không, Ly Nô bĩu môi nói: "Mọt sách quả nhiên trốn đi đâu đó lười biếng không mang về thứ gì rồi."
Nguyên Diệu ngượng ngùng gãi đầu.
Bạch Cơ cười nói: "Không phải không mang về thứ gì, Hiên Chi vẫn mang theo một thứ mà."
Ly Nô và Nguyên Diệu cùng tò mò hỏi: "Thứ gì?"
Bạch Cơ cười nói: "Người. Hiên Chi không đánh mất bản thân, vẫn mang mình về."
Ly Nô cười hì hì.
Nguyên Diệu tức giận: “Tiểu sinh sao có thể đánh mất bản thân được? Tiểu sinh chỉ gặp một vị biểu huynh lâu ngày không gặp trên đường nên nói chuyện lâu hơn một chút thôi."
Nguyên Diệu kể lại chuyện gặp Vương Duy trên đường, cũng như tình cảm giữa hai người trong quá khứ rồi nói: "Hôm nay chưa làm xong việc, ngay mai tiểu sinh sẽ làm, chắc chắn không chậm trễ nữa đâu."
Bạch Cơ thở dài oán trách nhìn Nguyên Diệu: “Hiên Chi có nhiều biểu huynh thật, đi một vòng lại gặp được một người, ta thì không có nhiều biểu huynh như vậy."
Ly Nô cũng thở dài oán trách nhìn Nguyên Diệu: “Ly Nô không có một biểu huynh nào."
Nguyên Diệu lạnh lùng: “Có bao nhiêu biểu huynh đâu phải là chuyện mình có thể quyết định."
Trời thu cỏ dại bay lượn, trăng tròn như chiếc đĩa.
Dưới mái hiên của sân sau Phiêu Miểu các, Bạch Cơ, Nguyên Diệu, Ly Nô ngồi trên đất, vừa uống rượu vừa ngắm trăng.
Trong chén rượu bằng sứ trắng trong vắt hiện ra một mảnh ánh trăng, Bạch Cơ uống ánh trăng vào cổ rồi vui vẻ cười.
Nguyên Diệu cầm chén rượu, ngắm nhìn trăng đêm và mây bay chợt thấy lòng yên tĩnh vô cùng. Hắn quay đầu nhìn Bạch Cơ, ánh trăng phản chiếu trong mắt nàng, khóe miệng nở nụ cười. Nguyên Diệu nhìn theo ánh mắt của nàng thì thấy cây đào bên giếng cổ.
Cây đào có rất nhiều quả to và đỏ. Từ xa nhìn lại quả chín đầy cành nhìn rất đẹp.
Bạch Cơ cười nói: "Ly Nô muốn ăn đào không?"
Mèo đen cười nói: "Muốn."
Bạch Cơ cười nói: "Nhưng ai đi hái đây?"
Mèo đen đưa móng chỉ vào Nguyên Diệu: “Mọt sách."
Nguyên Diệu không vui nói: "Ly Nô, ai muốn ăn thì tự đi mà hái."
Mèo đen nhe chiếc răng nhọn: “Gia muốn ăn, mọt sách đi hái." Nguyên Diệu sợ Ly Nô cắn đành phải đặt chén rượu xuống đi hái đào.
Nguyên Diệu đến dưới cây đào, nhờ ánh trăng ngẩng đầu nhìn lên. Hắn thấy ba quả đào to và đỏ mọc trên một cành bèn kiễng chân muốn hái. Nhưng tay hắn vẫn không với tới được cành cây đó nên có hơi sốt ruột.
Đột nhiên bên tai Nguyên Diệu vang lên tiếng cười như chuông bạc, một bàn tay nhỏ nhắn từ trong cành đào thò ra hái cành cây có ba quả đào lớn đưa cho Nguyên Diệu.
Nguyên Diệu nhận lấy rồi đỏ mặt nói: "Cảm ơn A Phỉ cô nương."
A Phỉ là tinh quái của cây đào nụ cười ngọt ngào. Hắn rất xinh đẹp lại thích mặc y phục lộng lẫy của nữ giới, khiến Nguyên Diệu luôn tưởng rằng hắn là nữ.
Cách đó không xa, Bạch Cơ và Ly Nô nhìn Nguyên Diệu đỏ mặt đối diện với tinh quái hoa yêu ló ra từ trong lá cây.
Ly Nô thắc mắc hỏi: "Chủ nhân, tại sao mọt sách thấy A Phỉ lại đỏ mặt thế?"
Bạch Cơ cười tủm tỉm nói: "Vì Hiên Chi rất nhút nhát. Ly Nô không được nói cho Hiên Chi biết A Phỉ là nam nhé."
"Tại sao?" Ly Nô ngơ ngác hỏi.
Bạch Cơ cười nói: "Vì Hiên Chi đỏ mặt rất đẹp."
Mèo đen dụi mắt, nhìn mọt sách ngơ ngác mặt đỏ bừng. Nó cực kỳ nghi ngờ thẩm mỹ của chủ nhân vì nó hoàn toàn không thấy vẻ ngượng ngùng của mọt sách đẹp chỗ nào. So với vẻ ngượng ngùng của mọt sách thì nó thích cái mặt dài như mướp đắng của hắn hơn.
Nguyên Diệu vui vẻ mang ba quả đào tới đặt lên khay đựng rượu.
"A Phỉ cô nương thật tốt bụng, nàng ấy đã giúp tiểu sinh hái đấy." Thư sinh cười nói.
"À à, xem ra Hiên Chi rất thích A Phỉ nhỉ, nàng ấy chắc chắn cũng rất thích Hiên Chi." Bạch Cơ cười nói.
"Đừng nói bừa. A Phỉ cô nương nghe thấy sẽ hiểu lầm đấy." Nguyên Diệu đỏ mặt.
"Hì hì." Bạch Cơ cười quỷ quyệt.
Ly Nô chọn quả đào lớn nhất đặt trước mặt Bạch Cơ. Sau đó lấy quả lớn hơn trong hai quả còn lại lên cắn một miếng, nhưng không rút răng ra được.
"Meo meo - meo -" Ly Nô lo lắng kêu lên.
Bạch Cơ bế Ly Nô lên, Nguyên Diệu nắm lấy quả đào, hai người dùng sức kéo mạnh mèo đen và quả đào mới tách ra được.
Bạch Cơ đặt Ly Nô xuống rồi cười nói: "Ly Nô à, lúc ăn đào thì hóa thành người tiện hơn đấy." Mèo đen đáp xuống đất lập tức hóa thành một thiếu niên áo đen thanh tú.
Thiếu niên áo đen cười hì hì ngượng ngùng gãi đầu: “Ly Nô nóng vội quá nên quên mất.”
Nguyên Diệu đưa quả đào cho Ly Nô: “Đây này Ly Nô lão đệ.”
“Cảm ơn mọt sách.” Ly Nô cười nhận lấy cắn một miếng, trong miệng ngập tràn hương vị ngọt ngào.
Bạch Cơ và Nguyên Diệu cũng cầm quả đào lên ăn.
Quả đào ngọt mát nhiều nước tan chảy trên đầu lưỡi khiến Nguyên Diệu cảm thấy ánh trăng càng thêm đẹp đẽ.
Nguyên Diệu cảm thán: “Ngon thật. Đào tiên của Vương Mẫu nương nương truyền thuyết cũng chỉ đến vậy thôi.”
Ly Nô nói: “Đào của Tây Vương Mẫu không ngon đâu, lần trước chủ nhân đi dự yến tiệc ở Dao Trì mang về cho Ly Nô một quả, vừa chua vừa đắng.”
Bạch Cơ cắn một miếng đào, nói: “Đó là vì trên đường về ta bị trễ vài ngày nên đào tiên đã hỏng rồi. Thực ra đào tiên rất ngon, dù sao cũng ba ngàn năm mới kết quả một lần mà.” Nguyên Diệu há hốc miệng.
Ly Nô nói: “Chủ nhân, lần sau đi Dao Trì ngài cũng mang Ly Nô đi theo để ăn đào tiên nhé.”
Bạch Cơ nói: “Tây Vương Mẫu ghét mèo. Ngươi đi rồi sẽ không về được đâu.”
Ly Nô nói: “Chủ nhân, ngày nào Tây Vương Mẫu không có ở đó thì ngài hãy mang Ly Nô đi Dao Trì ăn đào tiên nhé.”
Bạch Cơ nói: “Ừ, như vậy thì chúng ta đều không về được.”
Ly Nô thất vọng, tức giận cắn một miếng đào: “Ly Nô ghét Tây Vương Mẫu.”
Nguyên Diệu nói: “Bạch Cơ, thật sự có Dao Trì, Thiên Cung, Ngọc Hoàng Đại Đế, Vương Mẫu nương nương sao?”
Bạch Cơ nói: “Tất nhiên là có.”
Nguyên Diệu ngẩng đầu nhìn trời, há hốc miệng.
Bạch Cơ cười nói: “Người và phu nhân đều là chúng sinh, tiên nhân cũng là một loại phi nhân. Tiên nhân thường xuyên đến nhân gian gặp gỡ con người.”
Nguyên Diệu nói: “Tiên nhân tại sao lại đến nhân gian gặp gỡ con người?”
“Vì có duyên thôi.” Bạch Cơ cười nói.
Nguyên Diệu vì câu nói này của Bạch Cơ mà rơi vào trầm tư. Chữ “duyên” thật sự rất phức tạp khó hiểu, nhưng lại đơn giản đến mức không cần giải thích, giống như hắn gặp Bạch Cơ và gặp Phiêu Miểu các vậy.
Bạch Cơ nhìn quả đào trong tay chợt nhớ ra điều gì đó nói: “Hiên Chi có từng nghe câu chuyện Hán Vũ Đế và Tây Vương Mẫu gặp nhau không?”
Nguyên Diệu tỉnh lại, cười nói: “Tiểu sinh từng nghe. Trong cuốn ‘Bác Vật Chí’ của Trương Hoa đời Tấn có ghi lại, một năm nào đó vào đêm mồng bảy tháng bảy, Tây Vương Mẫu ngồi xe mây tím đến cung Thừa Hoa gặp Hán Vũ Đế. Bà còn tặng cho Hán Vũ Đế bảy quả đào tiên. Bạch Cơ, chuyện đó có thật không thế?”
Bạch Cơ không trả lời trực tiếp Nguyên Diệu mà cười nói: “Hán Vũ Đế giữ lại bảy hạt đào tiên, muốn trồng cây đào tiên trong cung Vị Ương. Nhưng nhân gian không thể trồng cây đào tiên, hạt đào mãi không nảy mầm.”
Nguyên Diệu nói: “Hán Vũ Hoàng Đế hẳn là rất thất vọng.”
Bạch Cơ nói: “Ông ta rất thất vọng. Đến mức ông ta mang theo bảy hạt đào đi vào Phiêu Miểu các.”
“Hán Vũ Hoàng Đế đến Phiêu Miểu các ư?” Nguyên Diệu lại há hốc miệng, hỏi Bạch Cơ: “Ngươi có thực hiện nguyện vọng của ông ta không?”
Bạch Cơ nhìn cây đào bên giếng cổ, rơi vào hồi ức xa xăm: “Nguyện vọng thật sự của ông ta không phải là trồng cây đào tiên mà là muốn gặp lại Tây Vương Mẫu một lần nữa. Ông ta nghĩ rằng nếu trồng được cây đào tiên trong cung Vị Ương thì Tây Vương Mẫu sẽ lại đến gặp ông ta. Ta đã thực hiện nguyện vọng để ông ta gặp lại Tây Vương Mẫu lần nữa. ‘Quả’ của ông ta không đẹp đẽ cũng không lãng mạn. Lần đầu tiên ông ta gặp Tây Vương Mẫu ông ta còn là một nam nhân ba mươi mấy tuổi khỏe mạnh, lần thứ hai gặp lại ông ta đã là một ông lão bảy mươi mấy tuổi. Bốn mươi năm trôi qua, dung mạo Tây Vương Mẫu không hề thay đổi, vẫn thanh xuân xinh đẹp như xưa. Nhưng ông ta tóc đã bạc phơ, lưng còng xuống.”
Nguyên Diệu chen vào hỏi: “Bạch Cơ, chẳng lẽ đào tiên không thể giúp người ta trường sinh sao? Hán Vũ Hoàng Đế đã ăn đào tiên Tây Vương Mẫu cho…”
Bạch Cơ lắc đầu: “Đào tiên có thể kéo dài tuổi thọ nhưng không thể trường sinh.”
Bạch Cơ uống một ngụm rượu ngập tràn ánh trăng, tiếp tục nói: “Đêm đó ông ta khóc rống lên, nuốt từng hạt đào vào bụng muốn hồi phục lại dáng vẻ thanh xuân. Đáng tiếc là không có hiệu quả. Tây Vương Mẫu liếc nhìn ông ta một cái rồi thở dài cưỡi mây rời đi.”
Bạch Cơ nhìn trăng tròn trên bầu trời đêm, khóe mắt có nốt ruồi lệ đỏ như máu. Nàng vẫn nhớ rõ sau khi Tây Vương Mẫu đi, vị hoàng đế già nua đã đau khổ khóc suốt một đêm. Lần đó nàng nhận ra rằng không phải thực hiện được nguyện vọng là có thể làm người ta hạnh phúc, đôi khi nguyện vọng của con người được thực hiện rồi lại càng thêm đau buồn và tuyệt vọng.
Nguyên Diệu nghe vậy thì trong lòng không khỏi đau xót. Cuộc gặp gỡ giữa người phàm và tiên nhân đã định sẵn chỉ có thể là thoáng qua. Dù là hoàng đế nhân gian cũng không thể thoát khỏi sự ràng buộc của thời gian, không thể trường sinh bất lão.
“Sau đó thì sao hả Bạch Cơ?” Nguyên Diệu truy hỏi.
Bạch Cơ nói: “Câu chuyện của Hán Vũ Đế và Tây Vương Mẫu không tiếp diễn nữa. Nhưng hạt đào kia thì vẫn còn một vài câu chuyện nhỏ.”
“À, ngươi kể nghe xem.” Nguyên Diệu tò mò hỏi tiếp.