Phù Sinh Ngoại Truyện: Bảy Đêm

Chương 51

Đêm thứ bảy!

Tới phiên tôi rồi! Cuối cùng đã tới lượt tôi! Trong lòng tôi đang hò reo!

- Vợ ơi, em phải cố lên nhé! Nhất định phải phát huy hết cỡ bản lĩnh ba hoa phét lác mà em đã học được trong tiệm Không Dừng trước đây! Chẳng phải là em đã nghe bao nhiêu là câu chuyện đấy à? Hãy tung ra câu chuyện hay nhất cho bọn họ phải lăn ra chết khiếp!

Ngao Xí vừa lải nhải không ngơi nghỉ, vừa nắn bóp miệng tôi, nói là để tôi thư giãn cơ bắp, bị tôi cho một cái tát bay biến.

Ánh sao đêm nay rực rỡ nhất trong bảy đêm. Tới cả ông trời cũng nể mặt tôi.

Tôi cũng chọn cách ra ngoài lều kể chuyện. Trước khi bắt đầu, tôi còn đun một ấm nước trên đống lửa.

- Đun nước làm gì thế? – Áo đen số một đoán mò một cách thâm hiểm – Lẽ nào cô định tạt nước sôi để hủy hoại dung nhan của nữ hoàng, phòng khi câu chuyện của cô thất bại?

- Lờn chừng này rồi, đừng có trẻ con như thế! – Tôi lừ mắt với gã, rồi lấy trong túi ra một bình sứ nhỏ màu trắng – Mấy hôm nay ăn chùa ở chùa, cũng có chút áy náy. Hơn nữa dù bảy câu chuyện của chúng ta có thể khiến nữ hoàng khai ân hay không, tôi cũng phải thể hiện tấm lòng, mời mọi người uống chút gì đó.

Lấy tách ra, tôi nâng bình sứ lên, lần lượt rót vào từng tách.

Tất cả mọi con mắt đều đổ dồn vào tay tôi, bốn bề yên tĩnh lạ thường.

Trong không khí khô rang, lan tỏa một hương thơm nhàn nhạt, còn mang theo chút ẩm ướt vấn vương, dịu dàng bao trùm lên vùng sa mạc đặc biệt, có căn lều, có ánh lửa, có khán giả, và những câu chuyện.

Phán Phán mà tôi đang nhắc đến, không phải là con gấu trúc Asiad, mà là một cô gái. Nói chính xác hơn, là cô hồn của một cô gái. Cô ấy quanh năm ở trên một đầu cầu Nại Hà, hơi ngốc nghếch, lại có phần vui vẻ ngồi đó, chờ đợi, tay chống cằm, nghiêm túc nhìn từng linh hồn nam, nữ đi qua cầu, ánh mắt lúc mơ màng, lúc thất vọng.

Thoáng cái, đã bốn mươi năm.

Thanh Thủy đã đứng ở đầu cầu múc canh bốn mươi mốt năm, kể từ khi tiếp quản chiếc muôi múc canh của cha mình cho tới khi hoàn toàn quen với động tác múc canh máy móc, anh đã mất nguyên một năm. Muốn làm một Mạnh Bà đạt chuẩn, không phải là việc dễ dàng. Một muôi canh, nhiều hơn hay ít hơn một giọt đều không được. Nhiều hơn, sẽ khiến linh hồn đầu thai biến thành ngu si. Ít hơn, sẽ không xóa hết được ký ức của kiếp này, có thể gây phiền phức cho kiếp sau. Là người kế nhiệm đời thứ một trăm lẻ hai của gia tộc Mạnh Bà, Thanh Thủy rất nỗ lực làm tròn chức trách.

Đúng vậy, Mạnh Bà không phải là một người cụ thể, mà là một gia tộc, là một nghề nghiệp có lịch sử lâu đời. Có thể trụ vững tại vị trí này suốt hàng trăm ngàn năm, bởi vì các thành viên trong gia tộc Mạnh Bà bẩm sinh đã không có dây thần kinh cảm xúc, hay nói cách khác là bọn họ không có tình cảm. Tới cả việc kết hôn, cũng chỉ là một công việc để duy trì nòi giống mà thôi. Cho nên, họ có thể thản nhiên đối diện với các linh hồn nam, nữ lụy tình, khóc lóc cầu xin không phải đi qua cầu Nại Hà, từ chối quên đi ký ức của kiếp này. Mỗi lần gặp phải vị khách nước mắt thành sông, sống chết không chịu qua cầu, thề không uống canh, Thanh Thủy luôn lắc đầu, giơ muôi múc canh gõ nhẹ lên đầu họ một cái, bọn họ bèn lập tức ngừng khóc, ngoan ngoãn uống canh, sau đó từ đầu cầu bên này bước qua một cuộc đời mới.

Thanh Thủy rất không muốn dùng muôi múc canh gõ lên đầu họ, bởi vì những người bị gõ muôi canh, kiếp sau sẽ trở nên rất ngu ngốc, sai lầm của kiếp này, tới kiếp sau vẫn sẽ lặp lại. Giống như có một anh chàng nhảy lầu tự tử vì tình, năm đầu tiên khi Thanh Thủy làm Mạnh Bà, đã bị anh ta nước mắt nước mũi giàn giụa ôm chặt lấy chân, khẩn cầu Thanh Thủy đừng bắt anh ta uống canh, anh ta không muốn quên đi cô gái ấy.

Không uống canh là việc không thể. Thanh Thủy đương nhiên đã từ chối. Chàng trai ấy tiếp tục ngoan cố, cuối cùng đã bị gõ một muôi vào đầu.

Một ngày nào đó của hai mươi lăm năm sau, Thanh Thủy lại gặp chàng trai này ở đầu cầu, vẫn là tự sát, lần này là uống thuốc độc. Bi kịch của hai mươi lăm năm trước lại tái hiện. Thanh Thủy không thể không giơ cái muôi múc canh lên lần nữa.

Bi lụy vì tính, kết quả chỉ là trong vòng tuần hoàn ác tính, Thanh Thủy nghĩ như vậy. Anh hy vọng, khi gặp lại anh chàng này lần sau, anh ta sẽ bằng lòng chủ động uống bát canh mùi vị chẳng ra sao này.

Thời gian trôi qua như nước chảy trong công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, nhưng Thanh Thủy chẳng bao giờ thấy cô liêu, bởi vì bên cạnh luôn có người trò chuyện. Suốt bốn mươi năm nay, những thứ anh nhìn thấy, ngoài cây cầu không bao giờ thay đổi, những linh hồn qua lại và những thùng canh xếp ngay ngắn, còn có một cô hồn tên là Phán Phán.
Bình Luận (0)
Comment