Phượng Tù Hoàng

Chương 130

Cả nhóm Sở Ngọc đi tìm suốt đêm, nhưng không hề thấy tung tích. Tuy trong phủ có người am hiểu cách truy tìm người, nhưng trận mưa to đã xóa sạch mọi dấu vết. Từ phía bắc thuận đường đi tới phía đông thành, lúc mưa ngừng, trời còn chưa sáng rõ, cả đoàn đến chân núi phía đông.

Việt Tiệp Phi tinh mắt nhìn thấy, có mảnh vải tím vướng vào bờ đá, lập tức phi thân nhảy tới. Nhặt mảnh vải lên, cẩn thận kiểm tra, rồi hắn nôn nóng quay về phía Sở Ngọc: “Công chúa, đây là vải áo của A Kính!”

Sở Ngọc kinh ngạc ngước lên: “Chẳng lẽ hắn lên núi? Tối qua mưa to gió lớn như thế, hắn lên núi làm gì?” Cân nhắc trong khoảnh khắc, nàng bước xuống xe, sai binh sĩ đứng canh dưới chân núi, còn mình và Dung Chỉ, Việt Tiệp Phi cùng lên tìm, xem rốt cuộc xảy ra chuyện gì.

Đang định đi, nàng bỗng nhớ ra Tiêu Biệt vẫn còn trên xe. Tiêu Biệt tiễn Lưu Sưởng ra khỏi thành, nàng cũng không tiện để hắn một mình vào thành, khiến kẻ khác dễ sinh nghi nên cứ thế cùng đi.

Sở Ngọc quay về phía Tiêu Biệt hỏi: “Ngươi ở lại trong xe nghỉ ngơi, được không?”

Tiêu Biệt lắc đầu, ôm đàn bước xuống: “Không, ta cùng công chúa lên núi!”

Mưa đã ngừng rơi, thỉnh thoảng lại có Việt Tiệp Phi hỗ trợ nên mọi người lên núi dễ dàng hơn rất nhiều so với Thiên Như Kính. Chỉ khổ Việt Tiệp Phi, hắn nóng ruột như lửa đốt, nhưng lại không thể bỏ mặc Sở Ngọc chạy lên núi một mình, chỉ có thể đi tới đi lui, gắng áp chế lo lắng trong lòng.

Trên đường không ngừng phát hiện dấu vết Thiên Như Kính lưu lại, rõ ràng là hắn lên núi.

Rốt cuộc cũng lên đến đỉnh Đông Sơn. Lúc này mặt trời đã lên cao, ánh sáng chói lọi tỏa khắp không gian, như muốn xóa tan mọi u ám trong trời đất.

Hình ảnh đầu tiên mà bốn người nhìn thấy là một bóng người trên đỉnh núi. Ánh nắng lóa mắt không nhìn rõ, người đó quay lưng lại phía bọn họ, đang đứng khoanh tay như sẵn sàng nhảy xuống bất cứ lúc nào.

Việt Tiệp Phi kinh hãi tột độ, không còn để ý gì đến Sở Ngọc nữa. Hắn phi thân nhảy đến ôm chặt người kia, kéo tránh xa khỏi vách đá và kêu lên: “A Kính, đệ ngàn vạn lần cũng không được nghĩ quẩn!”

Kéo người đó về phía sau khoảng năm, sáu bước, Việt Tiệp Phi mới thấy có chỗ không thích hợp. Cảm giác không giống…Kính sư đệ không cao như vậy…

Chần chừ buông tay, Việt Tiệp Phi lui về phía sau hai bước. Người bị hắn ôm lúc này cũng quay lại. Trên gương mặt tuấn mỹ là nụ cười tiêu sái bất kham, ánh mắt lấp lánh trêu chọc hướng về phía Việt Tiệp Phi: “Ý Chi không yêu nam giới, nên đành phải nén đau lòng mà phụ tấm thịnh tình của huynh đài!”

(Nguyên văn: “Ý Chi không “Long dương chi hảo”…”

Thời Chiến quốc có Long Dương Quân là một cậu học trò vô cùng khôi ngô tuấn tú. Anh ta được Ngụy vương say mê vô cùng, đồng sàng cộng chẩm (ăn cùng ngủ cùng), rất được sủng ái.

Một ngày hai người cùng đi thuyền câu cá, Long Dương Quân câu được hơn mười con cá ,cá cắn câu ngày càng nhiều, thế nhưng nước mắt lại rơi, Nguỵ vương thấy vậy liền hỏi có chuyện gì, Long Dương Quân nói:“Khi đại vương câu được con cá lớn, trong lòng sẽ rất vui vẻ. Thế nhưng lưỡi câu rất nhanh chóng sẽ được thả xuống nước để tìm con cá to hơn, còn con cá vừa câu được sẽ bị vứt đi mà không được ngó ngàng tới nữa. Thần không dám liên tưởng đến, như nay thần có thể được sự sủng ái của đại vương, có được một địa vị hiển hách trong triều đình, thần dân thấy thế, đều rất kính trọng thần, nhưng khắp trời đất này, người dung mạo tuấn tú nhiều không đếm xuể, bên ngoài người ta đồn đại rằng thần sở dĩ được đại vương sủng ái, là vì dung mạo của mình. Thần tự lo lắng rằng mình cũng giống như con cá vừa bị mắc câu, sợ ngày mình bị bỏ đi không còn xa nữa, như thế thần làm sao mà không khóc được?”

Sau đó Ngụy vương ra một sắc lệnh trong cả nước rằng: Từ nay về sau nếu có người bàn luận mỹ nhân, nếu bị phát hiện sẽ bị giết mà không cần định tội. Câu thành ngữ “Long Dương chi hảo” cũng bắt nguồn từ đây)

Nhận sai người, khuôn mặt Việt Tiệp Phi thoắt đỏ thoắt trắng. Nhưng hắn lại càng thêm nóng ruột như lửa đốt, lo cho Thiên Như Kính. Chắc chắn Thiên Như Kính đã lên núi, nhưng bây giờ lại không thấy hắn đâu. Chẳng lẽ…

Tiện thể đùa bỡn Việt Tiệp Phi, rồi Vương Ý Chi cười dài bước đến chỗ Sở Ngọc, chắp tay vái chào: “Sao Tử Sở huynh lại có thú vui này, sáng sớm đã có mặt ở Đông Sơn?”

Thấy Vương Ý Chi, Sở Ngọc rất bất ngờ, cũng cười vái chào: “Chúng ta đến đây tìm người. Không rõ Ý Chi huynh có thấy một người chừng mười tám, mười chín tuổi, mặc y phục tím?”

Vương Ý Chi hơi ngẩn người, lập tức mặt giãn ra: “Hắn đang ở nhà gần đây, mời đi theo ta!”

Đi theo Vương Ý Chi, mọi người mới phát hiện, ẩn giấu bí mật trong rừng rậm trên đỉnh núi, là một tòa nhà thanh nhã tinh xảo, ngói đen thấp thoáng giữa màu xanh xám của cây rừng, nếu không nhìn kỹ rất khó phát hiện.

Vương Ý Chi dẫn mọi người qua cổng, vừa đi vừa nói: “Đây vốn là nhà của Tạ gia, ta ngẫu nhiên hứng trí, muốn lên Đông Sơn ngắm cảnh bèn hỏi mượn. Trong nhà cũng cho tôi tớ đi hết, chỉ còn ta một mình thanh tĩnh”. Đêm qua mưa to hắn ngủ ở đây, sáng sớm thức dậy để ngắm mặt trời mọc, không ngờ vừa lúc bắt gặp Thiên Như Kính hôn mê bất tỉnh.

Thiên Như Kính đang nằm mê man trên giường, khuôn mặt tái nhợt. Dung Chỉ bắt mạch, thấy hắn chỉ là mệt mỏi mất sức quá độ, các vết thương trên người cũng chỉ ở ngoài da, không có gì nghiêm trọng.

Biết Thiên Như Kính không nguy hiểm đến tính mạng, Việt Tiệp Phi mới rốt cuộc yên lòng.

Vương Ý Chi mời Sở Ngọc nghỉ lại chỗ này, nàng liền đồng ý. Suốt một đêm không chợp mắt, bây giờ nàng thấy thật mệt mỏi, bèn giao những việc vặt khác cho Dung Chỉ xử lý.

Vừa nằm xuống giường, Sở Ngọc liền ngủ lịm không biết gì nữa.

Giấc ngủ thật ngọt ngào yên ổn, khiến cả người nàng thoải mái khoan khoái. Sở Ngọc biếng nhác mở to mắt, nhìn màn lụa trên đỉnh đầu. Thấy trời còn tối, nàng lại mơ màng xoay người tiếp tục ngủ, nhưng một lát sau, bị tiếng “ọc ọc” trong bụng cưỡng chế đánh thức.

Ngủ được một giấc, Sở Ngọc miễn cưỡng bò xuống giường, xỏ giày khoác áo, rồi đẩy cửa bước ra ngoài. Cảm giác mát mẻ thấm vào da thịt. Không khí mát rượi sau cơn mưa khiến người ta thư giãn.

Nàng cho rằng bây giờ là sáng sớm, nhưng ngẩng lên, sao sáng nhấp nháy trên đầu.

Trên nền trời tối thẫm cao rộng, những chấm sáng nhỏ lóe lên. Trong nháy mắt, toàn bộ không gian thu vào tầm mắt, bầu trời chứa vô vàn những đốm sáng lấp lánh, tạo ảo giác như nhìn thấy lân tinh phiêu du trong nước biển.

Sở Ngọc sửng sốt một hồi, mới phát hiện mình đã ngủ suốt ngày.

Hai bên không thấy ai, một loạt gian phòng xung quanh cũng vắng lặng. Nhưng Sở Ngọc bước được mấy bước thì nghe thấy lờ mờ phảng phất có tiếng người.

Sở Ngọc men theo hướng có âm thanh mà bước tới, vòng qua một loạt gian nhà, trước mắt bỗng thấy có ánh sáng. Cả mấy người cùng tụ tập bên suối, giữa khu đất trống trong rừng. Vương Ý Chi, Tiêu Biệt, Thiên Như Kính, ngay cả Việt Tiệp Phi cũng ở đây.

Dừng lại nhìn kỹ, Sở Ngọc thấy họ dựng bếp bên suối, trên bếp đặt một nồi sắt to. Trong nồi là canh gì đó đang sôi trào, tỏa ra từng đợt hương thơm. Vương Ý Chi và Dung Chỉ thỉnh thoảng lại cho thêm thứ gì đó vào canh.

Tiêu Biệt và Thiên Như Kính đứng một bên. Một người ôm đàn, một người ép sát tay vào tay áo, thái độ cứng ngắc như không biết phải làm sao, hình như là bị lôi tới.

Chốc lát sau có một tiểu đồng bưng khay tới, không hề nhìn Sở Ngọc mà cứ thế bước qua. Nàng nhận ra đó là tiểu đồng thường ngày vẫn hầu hạ bên cạnh Vương Ý Chi. Lúc tiểu đồng lướt qua, nàng nhìn rõ thứ hắn mang là một khay sứ men xanh, trên đó xếp chỉnh tề từng lớp thịt thái lát mỏng, cá, dê, lợn, thỏ, bò…Màu sắc các loại thịt khác nhau, ánh lên màu xanh của khay sứ, trông lại càng tươi ngon.

Đây có phải là…lẩu?

Người đầu tiên phát hiện ra Sở Ngọc là Tiêu Biệt. Vương Ý Chi và Dung Chỉ phụ trách nêm nếm gia vị, hắn không thông thạo nấu nướng, không biết phải làm gì ngoài việc khó xử ngó nghiêng xung quanh. Không ngờ hắn lại nhìn thấy Sở Ngọc đứng ở đằng xa, đang chăm chú nhìn về phía này.

Bị phát hiện, Sở Ngọc lập tức bước đến, trước hết vái chào Vương Ý Chi: “Ý Chi huynh, đa tạ huynh đã tiếp đãi!”

Sau nồi lẩu là hai chiếc bàn lớn. Trên bàn, trừ khay thịt mà tiểu đồng vừa bưng ra, còn có các loại rau tươi vừa rửa sạch sẽ, ánh lên xanh biếc. Ngoài ra, còn có mấy chén đĩa sứ trắng, đựng thứ gì thì Sở Ngọc không nhìn rõ vì bên này hơi tối.

Nước suối theo khe đá chảy róc rách. Bây giờ là đầu thu, không còn hoa thơm nhưng không gian thoáng đãng mát mẻ. Vương Ý Chi lấy một bát sứ múc gia vị hỗn hợp để chấm. Hắn cầm đũa trúc gắp một miếng thịt, nhúng vào nồi đảo qua đảo lại rồi chấm gia vị, bỏ vào mồm: “Không tệ! Mọi người còn chờ gì nữa, ở đây không có tay phục vụ đâu, ai thích ăn gì thì tự lấy đi! Tử Sở huynh cũng tới đây!”

Nhìn thấy Sở Ngọc, Vương Ý Chi gọi luôn mà không hề ngạc nhiên.

Sở Ngọc không thể khách khí, nhìn thấy giữa Vương Ý Chi và Dung Chỉ còn chỗ trống liền ngồi xuống, tự động cầm đũa trúc trên bàn. Lẩu là món mà ở thời hiện đại nàng thường ăn. Sau khi đến thời đại này, nàng không quá để ý bữa ăn, trong phủ cũng không có ai làm. Quang cảnh trước mặt làm nàng nhớ lại trước kia, và ngay cả lúc này, giống như nàng và người thân trong gia đình ngồi quây quần bên nồi lẩu.

Vương Ý Chi gắp cho nàng miếng thịt và đưa bát gia vị, Sở Ngọc nhúng một chút rồi bỏ vào mồm. Miếng thịt tươi mới nóng bỏng, vừa mới cắn trong mồm liền lan tỏa vị ngon nơi đầu lưỡi. Vị ngọt của thịt hòa quyện với nước tương hơi cay, lại có thêm dấm chua ngọt.

Sở Ngọc ăn xong miếng thịt, đang định gắp tiếp thì thấy Vương Ý Chi đưa bát gia vị chấm cho Dung Chỉ. Nàng vội vàng chặn lại, đứng dậy cầm bát gia vị nhét vào tay Thiên Như Kính đang đứng ở phía ngoài: “Thiên Như Kính, bát này của ngươi, tới đây cùng ăn đi!”

Nằm ngoài dự liệu của nàng, vốn cho là phải mời mọc thêm vài lần nữa, nhưng vừa nói xong thì Thiên Như Kính ngồi xuống một chỗ trống khác. Thiên Như Kính ngồi xuống, Việt Tiệp Phi ngồi bên cạnh. Tiêu Biệt không thể đứng một mình, nên cũng ngồi xuống cùng mọi người.

Sở Ngọc cầm chiếc bát không đưa Dung Chỉ: “Ngươi tự trộn gia vị đi!”

Người khác không biết, nhưng Sở Ngọc vẫn còn nhớ rõ. Ngày đó trong rừng trúc, Dung Chỉ nói vị giác của hắn khác mọi người. Chuyện này thật phiền toái, Sở Ngọc cũng lười phải giải thích dài dòng.

Tiếp nhận chiếc bát, Dung Chỉ hơi ngẩn người, lập tức khóe miệng cong lên thành nụ cười.

Ăn lẩu là việc rất náo nhiệt. Số người ở đây không nhiều, trong đó tính tình lại còn lãnh đạm, nhưng bị không khí lôi cuốn, cũng say sưa ngồi nghe Dung Chỉ, Vương Ý Chi và Việt Tiệp Phi kể về những điều họ mắt thấy tai nghe trước kia.

Tiểu đồng mang rượu đến, Sở Ngọc liền đón lấy, vừa uống rượu vừa ăn lẩu. Nàng cũng không nhớ mình uống bao nhiêu, chỉ biết nồng độ cồn như bị cái nóng của lẩu chưng cất thêm, máu chảy sôi trào trong huyết quản, tâm tình hưng phấn xúc động khác thường.

Tiêu Biệt là người đứng lên sớm nhất. Hắn ăn rất ít, nhìn thấy Sở Ngọc với Dung Chỉ hữu ý hữu tình, cảm thấy không thoải mái. Đi vài bước, hắn khoanh chân ngồi xuống, lấy cây đàn cổ trong hộp ra, ngước nhìn sao trời, tay bắt đầu gảy.

Nghe tiếng đàn thanh u nổi lên, Vương Ý Chi thừa dịp tửu hứng, cầm đũa gõ vào cạnh bát làm nhịp, cất tiếng: “Quân bất kiến…” Hắn vừa mở đầu, Sở Ngọc bên cạnh lập tức tiếp lời: “Quân bất kiến, Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi” (Anh có thấy, nước sông Hoàng hà từ trời cao tuôn xuống, cuồn cuộn đổ ra biển khơi mà không hề trở lại?)

Vương Ý Chi sửng sốt quay đầu nhìn lại, thấy trên gương mặt thanh nhã của nàng, gò má ửng hồng tựa như bạch ngọc san hô, mắt nàng ánh lên chấm nhỏ thần quang, đẹp không sao tả xiết. Không để ý đến vẻ kinh ngạc của Vương Ý Chi, Sở Ngọc lại tiếp tục xướng lên: “Quân bất kiến, cao đường minh kính bi bạch phát, triêu như thanh ti mộ thành tuyết”. (Anh có thấy, cha mẹ soi gương nhìn đầu bạc mà buồn đau? Sáng như tơ xanh chiều đã thành tuyết bạc)

Dung Chỉ không nhịn được cũng quay đầu lại. Mà Sở Ngọc cười dài, nắm lấy tay hắn tiếp tục cao giọng:

“Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,

Mạc sử kim tôn không đối nguyệt!

Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,

Thiên kim tán tận hoàn phục lai.

Phanh dương tể ngưu thả vi lạc,

Hội tu nhất ẩm tam bách bôi”

(Đời người có dịp nên tận hưởng niềm vui

Chớ nên để chén vàng suông bóng nguyệt

Trời cho ta tài tất nhiên là có chỗ dùng đến

Nghìn vàng tiêu hết rồi lại có

Mổ dê giết bò để cùng vui say

Mỗi lần uống đủ ba trăm chén rượu)

Nàng cứ hát lung tung theo tiếng đàn, không thành làn điệu, nhưng lại mang ý vị phóng khoáng tự do, hát vì hứng khởi. Sở Ngọc thuận tay cầm đũa, bắt chước Vương Ý Chi gõ lên thành bát: “Tương tiến tửu, bôi mạc đình! Dữ quân ca nhất khúc, thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thính” (Sắp mời rượu, chớ nên ngừng chén. Ta vì các người mà hát một bài, xin hãy vì ta mà lắng tai nghe)

Từ lúc tới thế giới này, Sở Ngọc vẫn cẩn thận khống chế tửu lượng, trước giờ chưa từng uống say, cũng chưa từng quên giữ gìn hình tượng. Thế nhưng hôm nay, nàng say.

Có lẽ trong bóng đêm sâu lắng, tâm tình buông lỏng, có lẽ vì ăn lẩu quá náo nhiệt, nên nàng hơi say. Không chỉ say, nàng còn quên mình đã xướng lên bài thơ phải mấy trăm năm sau mới ra đời.

Dù mấy trăm năm sau ở thời kỳ thơ ca thịnh vượng nhất, tác phẩm “Tương tiến tửu” của Lý Bạch vẫn lộng lẫy chói mắt. Mà trước đó mấy trăm năm, bài thơ cũng lay động, mê hoặc lòng người như vậy.

Sở Ngọc xướng một lần chưa thấy đủ, lại xướng tiếp lần hai. Mà lần này, tiếng Vương Ý Chi cũng cất lên, hòa theo giọng Sở Ngọc ngân nga: “Quân bất kiến, Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai”

“Quân bất kiến, cao đường minh kính bi bạch phát”, Dung Chỉ cũng nhẹ nhàng hòa thanh: “triêu như thanh ti mộ thành tuyết”

Việt Tiệp Phi rút trường kiếm, múa kiếm hát vang:

“Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,

Mạc sử kim tôn không đối nguyệt!

Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,

Thiên kim tán tận hoàn phục lai”

Sở Ngọc vừa cười vừa hát: “Tương tiến tửu, bôi mạc đình!” Đũa trúc trong tay nàng chỉ vào Thiên Như Kính. Mắt nàng hàm chứa thủy quang, ánh lửa chiếu rọi trở nên mênh mang lấp lánh không gì đẹp bằng. Thiên Như Kính cảm thấy tim đập nhanh một nhịp, không tự chủ được nâng chén rượu uống cạn.

Đúng, chính là như vậy! Hôm nay uống rượu hôm nay say.

Sở Ngọc trong lòng khoan khoái, quên rằng mình vẫn nắm chặt tay Dung Chỉ, ngửa đầu lại hát vang: “Tương tiến tửu, bôi mạc đình! Dữ quân ca nhất khúc, thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thính…Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch, duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh…Ngũ hoa mã, thiên kim cừu, hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu, dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu” (Sắp mời rượu, chớ nên ngừng chén. Ta vì các người mà hát một bài, xin hãy vì ta mà lắng tai nghe…Xưa nay thánh hiền đều im lặng, chỉ có kẻ say là lưu tiếng muôn đời…Ngựa năm sắc, áo nghìn vàng, gọi con mang đổi lấy rượu ngon, để ta cùng uống cho tan vạn cổ sầu!)

“A ha…cùng uống cho tan vạn cổ sầu!”

Câu sau cùng, nàng lặp lại một lần nữa, gõ đũa xuống, chiếc bát sứ vỡ tan.

Sở Ngọc không buồn ngó xuống, buông đũa, ngẩng đầu lên lại thấy bầu trời.

Nền trời vẫn thẫm đen, điểm những chấm sáng li ti. Sở Ngọc nhìn chăm chú, bỗng giơ tay chỉ lên trời nói: “Các người biết không, những vì sao trước mắt chúng ta, đã sáng lấp lánh vài tỉ năm rồi!”

So với các vì tinh tú tồn tại vĩnh hằng, cuộc đời con người sao mà ngắn ngủi, giống như những hạt bụi bé nhỏ không đáng nhắc đến.

Theo tay nàng, mọi người cùng ngẩng đầu lên. Ngàn vạn vì sao lấp lánh rọi vào tầm mắt, giống như vô số viên đá quý phát sáng rực rỡ.

Có lẽ, sau này bọn họ sẽ chia lìa, phản bội, thống hận, thậm chí sinh li tử biệt. Nhưng giờ phút này tựa như ngọc quý khắc sâu vào tâm trí, dù có chôn vùi trong bụi đất cũng không thể nào quên.
Bình Luận (0)
Comment