Phượng Tù Hoàng

Chương 262

79 Trích trong câu thơ: “Kinh phong phiêu bạch nhật, quang cảnh trì tây lưu”. (nguyên văn tiếng Trung: 惊风飘白日,光景西驰流) Tạm dịch nghĩa: gió thổi, ngày qua, mặt trời ngả về phía tây, ý nói ngày ngày dần trôi, trích trong bài thơ “Không hầu dẫn” của Tào Thực. (Cảm ơn bạn MinnieKemi giúp mình tra câu này!)

“Không đến Lạc Dương! Không đến Lạc Dương!”

“Đến Lạc Dương! Đến Lạc Dương!”

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tiểu Thác Bạt khôn lớn dần, biết nói, biết bò, biết đi, rồi chẳng bao lâu biết chạy lẫm chẫm.

Nhưng đáng ngạc nhiên là, cuộc phân tranh quyền lực giữa thái hậu và Thác Bạt Hoằng, hoặc nói cách khác là cuộc giao tranh ngầm giữa Dung Chỉ và Thiên Như Kính lại không trở nên gay gắt, cũng chưa đi đến hồi kết thắng thua rõ ràng.

Sở Ngọc không biết tình hình cụ thể của hoàng cung và triều đình, cũng không muốn biết, chỉ tường tận chuyện trong nhà. Nhà nàng chỉ có mấy người nhưng cũng bày ra cục diện giằng co. Rõ ràng quan hệ giữa bọn họ chẳng tốt đẹp chút nào nhưng vẫn duy trì bề ngoài hòa bình, không bạo phát vấn đề gì.

Hoàn Viễn tất nhiên là đi sớm về muộn, vì Bắc Ngụy hoàng đế Thác Bạt Hoằng mà bày mưu tính kế, thậm chí soạn thảo các sách lược chế định. Làm mưu thần Bắc Ngụy không phải là việc dễ dàng, vì người Bắc Ngụy vốn có nguồn gốc du mục. Mặc dù bọn họ cố gắng học tập quy củ theo người Hán nhưng vẫn còn rất nhiều lỗ hổng khó khăn. Muốn cải cách chế độ xã hội là một việc làm rất tổn hao trí lực. Kế hoạch của Hoàn Viễn phải tiến hành dần dần từng bước một, vừa làm vừa căn cứ trên tình hình thực tế để chỉnh sửa.

Mặc dù bản thân không thừa nhận, nhưng quả thật Hoàn Viễn đã đặt một viên gạch cho sự nghiệp Hán hóa các tộc người thiểu số.

Hai người còn lại trong nhà, Hoa Thác và A Man ngày ngày quanh quẩn trong sân để luyện võ. Sau khi Dung Chỉ đến đây, không những Hoa Thác chăm chỉ luyện tập mà A Man cũng siêng năng hẳn lên. Mỗi lần đi qua ngưỡng cửa biệt viện của họ, Sở Ngọc lại nghe thấy tiếng binh khí va chạm loảng xoảng. Nhìn vào bên trong, nàng thấy ánh đao ánh kiếm lóe lên vun vút, xem chừng là đao kiếm mài soàn soạt để nhằm hướng Dung Chỉ.

Nhiều lần, Hoa Thác và Dung Chỉ chạm mặt ở lối đi trong trang viện, nhưng Hoa Thác thực sự giữ vẻ bình thản. Có lẽ hắn biết rõ thực lực của mình chênh lệch thế nào với Dung Chỉ. Trước khi xác định có thể đối phó với người này, hắn sẽ không lỗ mãng khiêu khích.

Bây giờ thái độ của hắn dửng dưng đến thành thục, nhưng sự thành thục này là điều hắn muốn ư?

Về phần Sở Ngọc, nàng và Dung Chỉ có lẽ là những người nhàn rỗi nhất trong nhà. Tuy Dung Chỉ có chức quan, nhưng ỷ rằng mình là thân thích của thái hậu, cả ngày hắn toàn “ốm bệnh” tại gia. Mỗi tháng, cùng lắm hắn ra khỏi cửa bốn hoặc năm ngày, chẳng khác với người thực sự nhàn rỗi như Sở Ngọc là bao.

Từ khi phát sinh sự kiện “đến Lạc Dương”, Sở Ngọc dứt khoát không can dự nữa. Chẳng phải Thiên Như Kính đã nói, dù nàng có làm gì cũng không thay đổi được mệnh trời đó sao?

Những lúc không ra ngoài, Dung Chỉ thường cho đặt trong rừng trúc hai chiếc giường êm, cùng với mấy đĩa điểm tâm, đun một ấm trà. Sau đó, hắn ời Sở Ngọc tới, yêu cầu nàng “lên lớp giảng bài”.

Sau khi biết những công dụng chủ yếu của chiếc vòng, Dung Chỉ thấy chưa đủ, mà còn muốn Sở Ngọc nói ra hết thảy những kiến thức mà nàng biết. Trước đã dạy Thiên Như Kính Anh văn ở Nam triều, bây giờ tới Bắc triều, Sở Ngọc lại một lần nữa có cơ hội tiếp tục nghề cũ. Đối tượng dạy học là Dung Chỉ, nhưng phạm vi kiến thức là mọi loại khoa học.

Trước khi tiến hành, Sở Ngọc đã chuẩn bị sẵn tư tưởng bị đả kích. Biết Dung Chỉ rất thông minh, học cái gì cũng nhanh, chỉ cần nhìn thoáng qua là nhớ kỹ không quên nên nàng cũng không ngạc nhiên, cứ thế chuẩn bị nội dung giảng dạy. Nhưng sau khi chính thức dạy học, Sở Ngọc vẫn bị năng lực tiếp thu của hắn làm cho kinh ngạc. Không phải đơn thuần là nghe thấy điều gì sẽ không quên, không cần nhắc lại lần thứ hai, mà thật sự đạt đến cảnh giới “học một biết mười”. Ví dụ như dạy cho hắn một công thức, thì hắn sẽ căn cứ trên những gì đã học được để mở rộng, suy luận ra mấy công thức tương quan. Hay ví dụ như dạy cho hắn một từ đơn tiếng Anh, thì các thể loại biến dạng, nối dài của từ đơn đó, không cần dạy hắn cũng biết.

Cũng may mỗi ngày Sở Ngọc chỉ dạy hắn tối đa là nửa khắc (1 khắc = 15 phút, nửa khắc: 7-8 phút), nếu không nhất định sẽ bị đả kích đến chết ngay trong ngày đầu tiên.

Đây không phải người học, mà là ma học mới đúng!

Mỗi ngày lên lớp nửa khắc thời gian là yêu cầu của Dung Chỉ. Ban đầu, Sở Ngọc cảm thấy rất không tưởng tượng nổi. Nếu mỗi ngày chỉ dạy nửa khắc, phải mất bao lâu thì nàng mới truyền đạt xong khối lượng kiến thức suốt mười năm học tập gian khổ đây? Nhưng sau khi lên lớp, nàng mới thấy Dung Chỉ đã lo nghĩ rất chu đáo, không chỉ tính toán tốc độ học tập của mình, mà còn tính đến cả sự đả kích mà nàng phải chịu đựng khi dạy hắn.

Lịch trình hàng ngày của hai người như sau: buổi sáng Sở Ngọc ngủ nướng thoải mái, ngủ đẫy giấc rồi dậy rửa mặt, sẽ có người hầu chờ sẵn ở ngoài mời nàng đi gặp Dung Chỉ. Đến nơi mà hắn đã đợi sẵn, hai người sẽ cùng ăn điểm tâm. Nếu rời giường muộn hơn, thì ăn trưa cùng nhau luôn.

Ăn uống no say, nghỉ ngơi một lúc rồi mới đến thời gian dạy học là nửa khắc ngắn ngủi. Bị đả kích nửa khắc xong là thời gian nhàn rỗi khoái trá. Sở Ngọc thường kể chuyện về thế kỷ hai mươi mốt, Dung Chỉ cũng rất hứng thú nghe, thỉnh thoảng lại xen vào đôi câu.

Trên thế gian này, tuy người biết Sở Ngọc có kiến thức vượt thời đại sớm nhất là Thiên Như Kính, nhưng người có khả năng lý giải suy nghĩ của nàng lại là Dung Chỉ.

Lúc ở phủ công chúa, Dung Chỉ có ý đồ riêng, Sở Ngọc cũng giấu diếm nhiều điều, lúc đó bọn họ tương đối xa cách, không tin tưởng lẫn nhau và vẫn còn phòng bị. Lúc ở Lạc Dương, Dung Chỉ giả làm Quan Thương Hải, lừa gạt Sở Ngọc, mà nàng thì cũng giữ khoảng cách với hắn.

…Cho tới bây giờ.

Mãi khi tới Bình Thành, giữa bọn họ, bên ngoài là giao dịch bình đẳng, bên trong thì lần đầu tiên mới thực sự thẳng thắn không giấu diếm.

Đã xác định rõ mục tiêu của bản thân, lợi ích của hai người không xung đột nên chuyện trò với nhau cũng thoải mái hơn nhiều. Sở Ngọc không còn phải lo lắng, khi nói chuyện sẽ tiết lộ điều gì. Dù sao đối với Dung Chỉ, nàng không còn điều gì đáng giá để tiết lộ, cho nên nhắc đến chuyện xuyên không trước đây cũng rất thoải mái.

Còn Dung Chỉ, tuy hắn vẫn che giấu một việc quan trọng, nhưng đây là lần hắn ở chung với nàng mà thành thật nhất từ trước đến nay. Lúc hai người đàm luận việc gì đó, hắn không còn che giấu tâm tư thật của mình nữa mà thản nhiên nói ra. Có những lúc, suy nghĩ của hắn vô tình trùng hợp với Sở Ngọc, có những lúc lại tương phản hoàn toàn.

Lúc nói đến ngôi vị hoàng đế, một người từ thế kỷ hai mươi mốt không còn chế độ “quân chủ chuyên chế”, một người ở thời kỳ mà hoàng đế ví như trời cao vượt lên trên tất cả, một người thờ ơ không quan tâm, một người thờ ơ coi nhẹ. Hai người nhìn nhau, đều cả cười.

Nhưng rất nhiều lúc, quan điểm của bọn họ hoàn toàn tương phản. Như lúc dạy dỗ tiểu Thác Bạt, Sở Ngọc kiên trì muốn dạy cậu bé phải rèn luyện “tứ đức” của con người thời đại mới, còn Dung Chỉ lại cả ngày dạy một đứa trẻ mới hai, ba tuổi ý niệm: người không vì mình, trời tru đất diệt.

“Có kỷ luật? Có lý tưởng? Có văn hóa? Có đạo đức? Thân là đế vương, đạo đức là thứ dư thừa nhất! Mà lý tưởng của nó, cũng chỉ có thể vì quốc gia của mình!”

“Được rồi, ta dạy nó về “tứ đức” của con người thời đại mới là không bình thường, còn ngươi dạy một đứa trẻ chưa lên bốn nào là quyền thế, giết người, âm mưu quỷ kế, thì bình thường sao?”

Vì chuyện này, bọn họ không ai chịu ai, lúc ra về đều không vui vẻ. Ngày hôm sau Sở Ngọc coi như không có chuyện gì lại tới ăn cơm, sau khi ăn xong lại vỗ bàn đàm luận, nhưng nói về những chuyện khác như thời tiết, tâm tình…

Đây là thời gian vô cùng vui vẻ, ngay cả cãi nhau cũng rất thú vị, so với lúc sống giả dối ở Lạc Dương vui hơn không biết bao nhiêu lần.

Nhưng trong lòng Sở Ngọc và Dung Chỉ đều biết, rồi sẽ có ngày kết thúc.

Bọn họ không nói ra, không có nghĩa là không tồn tại.

Mà ngày đó, khi tiểu Thác Bạt được bốn tuổi, tới rồi.
Bình Luận (0)
Comment