Phượng Tù Hoàng

Chương 60

Thở sâu vài cái, Sở Ngọc mới có thể khôi phục nội tâm chấn động. Nàng quay sang Vương Ý Chi chất vấn: “Ta đã nói tên mình rồi, bây giờ đến lượt ngươi thực hiện lời hứa”.

Nàng không quên, mục đích ban đầu là khiến Vương Ý Chi giúp nàng phân loại hương liệu.

Vương Ý Chi khẽ cười, mở túi gấm, ngửi mùi hương trong đó rồi nhíu mày suy nghĩ.

Sở Ngọc thấy thái độ của hắn có vẻ không ổn: “Thế nào?” Chẳng lẽ đến hắn cũng không phân biệt được?

Nâng tay lên, Vương Ý Chi quay lại nhìn nàng: “Túi hương liệu này do ai điều chế ra?”

Sở Ngọc nháy mắt mấy cái: “Ta mà biết, còn phải đến tìm ngươi sao?”

“Cũng phải”, Vương Ý Chi nhún vai, không đứng dựa tường nữa mà dẫn Sở Ngọc đi vào gian phòng bên trong. Buồng trong còn sạch sẽ hơn cả phòng ngoài, không bày biện đồ đạc gì. Nhưng ở giữa phòng, có một phiến đá tròn, bề mặt sáng bóng trơn trượt như mặt kính.

Vương Ý Chi đến bên phiến đá, đổ một ít hương liệu ra, rồi lấy một con dao bạc nhỏ chậm rãi tán rộng chỗ hương liệu. “Tảng đá này là khi trước xây nhà đào được dưới nền đất. Ta thấy nó có hình dáng đẹp, chất liệu đá tốt, liền sai người mài đi một chút là được như bây giờ”.

Tay hắn chậm rãi tán các mảnh vụn hương liệu, rồi lấy một chút đưa lên mũi ngửi, động tác giống y chang vị sư phó lúc trước nhưng mang vẻ thản nhiên tự tại hơn nhiều.

Buồng trong tối hơn rất nhiều so với gian ngoài. Mới vừa rồi còn mang dáng vẻ lười nhác tùy hứng, lúc này Vương Ý Chi nghiêm túc hẳn lên. Khuôn mặt nghiêm trang, góc cạnh hình dáng như càng được khắc sâu trong bóng tối.

Sau một lúc lâu, Vương Ý Chi thở dài một hơi: “Vị huynh đài nào điều chế hương liệu này, đúng là cao thủ hiếm gặp! Nếu có thể, ta rất muốn cùng với sư phó ở phường Hâm Lan gặp mặt vị này!”

Tất nhiên Sở Ngọc không để lộ nguồn gốc túi hương, chỉ nôn nóng hỏi: “Thế nào?”

Vương Ý Chi không trả lời, chỉ cầm con dao bạc cẩn thận đảo chỗ mảnh vụn hương liệu thêm một lần nữa rồi đưa lên mũi ngửi kỹ.

Hương liệu bị tán quá nhỏ vụn, thành phần hỗn hợp đều nhau nên chỉ nhìn không thôi thì sẽ khó nhận ra hình dạng ban đầu. Vì vậy Vương Ý Chi bỏ qua bước đầu tiên trong quy trình phân loại hương liệu là “nhìn”, mà tập trung dùng ngay khứu giác để phán đoán.

Năm giác quan của con người như bổ sung hỗ trợ cho nhau. Khi một giác quan bị thiếu, các giác quan khác lại được tăng cường. Ở trong bóng tối, thị giác khó có thể phát huy, ngược lại khứu giác dường như sẽ mẫn cảm hơn.

Trầm tư, nhíu mày, mỉm cười, sau khoảng hai nén hương, Vương Ý Chi mở rộng tay áo, cất dao bạc nhỏ vào trong, lại đổ hương liệu vào túi gấm rồi nói với Sở Ngọc: “Đợi thêm một lát”.

Hắn đi ra phòng ngoài, mở cửa gọi người mang nước vào. Rồi hắn đến bên tường, lấy ở trong rương ra rất nhiều bình và lọ. Hắn ngồi xếp bằng, đặt phía trước một loạt bát sứ trắng cao khoảng hai tấc, trông rất ngay ngắn.

Sao trông quen thế nhỉ?

Sở Ngọc hơi hơi nheo mắt. Người hầu bê một thùng nước vào, Vương Ý Chi múc nước vào từng bát, rồi lấy một thứ bột phấn trong bình rắc vào bát, dùng thìa sứ khuấy đều. Đến lúc này Sở Ngọc mới giật mình hiểu ra.

Hèn gì mà trông quen thế! Cách mà Vương Ý Chi đang làm rất giống với thí nghiệm hóa học thời nàng học phổ thông. Chẳng qua Vương Ý Chi không có ống nghiệm thủy tinh, nên phải dùng bát sứ trắng.

Sở Ngọc trợn mắt há mồm nhìn Vương Ý Chi hòa bột phấn với nước thành một thứ dung dịch, rồi lấy một ít hương liệu đổ vào dung dịch, chăm chú quan sát sự thay đổi. Rất lâu sau nàng không nhịn được cất tiếng hỏi: “Cách làm này ngươi học từ ai?”

“Học từ ai?” Vương Ý Chi dường như vẫn đang chìm đắm với vấn đề hương liệu, lặp lại lời Sở Ngọc mới hiểu được ý hỏi của nàng. Hắn khe khẽ mỉm cười nói: “Phương pháp này chính ta nghĩ ra. Thế nào? Nàng có thấy ai biết cách phân biệt hương liệu giống thế này không?”

Chính hắn nghĩ ra?

Sở Ngọc vừa hơi thất vọng, vừa hơi nghi ngờ.

Vương Ý Chi cười cười nói: “Quả thật chính ta nghĩ ra. Nhưng có một số dụng cụ và nguyên liệu là do thái sử lệnh trước kia góp ý, ví dụ như bát, và một số dược vật”.

Thái sử lệnh? Sở Ngọc nghĩ một chút mới nhớ đây là chức quan của đạo sĩ rởm Thiên Như Kính, nhưng không biết thái sử lệnh trước nữa là người nào.

Cách làm này của Thiên Như Kính, nếu phát triển thêm có thể trở thành thí nghiệm hóa học hiện đại. Thời cổ đại, khi các đạo sĩ luyện đan, thường xuyên tiếp xúc với các khoáng chất. Cũng có thể coi, bọn họ chính là các nhà hóa học đầu tiên. Chỉ có điều, con đường khoa học chỉ nảy sinh chứ không phát triển, bị đủ các loại nguyên nhân bóp chết từ trong trứng nước.

Thái sử lệnh tiền nhiệm.

Sở Ngọc do dự một chút, nhưng cũng không hỏi Vương Ý Chi về thái sử lệnh tiền nhiệm. Trong lòng bỗng nảy ra một ý nghĩ, nhưng nàng cũng không thể nào xác định được.

Vương Ý Chi không hề để ý đến Sở Ngọc. Hắn vẫn cúi đầu đùa nghịch với những dụng cụ trước mặt, thỉnh thoảng lại rắc thêm bột phấn, hoặc đổ thêm hương liệu và chăm chú quan sát phản ứng biến hóa của chúng.

Sở Ngọc bỗng nhiên không cảm thấy gấp gáp, mà thậm chí là khá an tâm. Nhìn những động tác của hắn, nàng bất giác lại nhớ về những lần thí nghiệm hóa học thời phổ thông ở trong kiếp trước, cứ thế hoài niệm thật lâu.

Cho đến khi Vương Ý Chi hoàn tất, đổ hết chất lỏng vào một thùng gỗ, sai người hầu rửa sạch dụng cụ, Sở Ngọc mới nhẹ nhàng hỏi: “Ngươi rất thích hương liệu?”

Vương Ý Chi nhún vai. Vẻ mặt hắn đã hết nghiêm túc đứng đắn, lúc này lại bắt đầu tản mạn tùy ý: “Ban đầu, ta có hứng thú nghiên cứu hương liệu, là vì một cô nương”.

Sở Ngọc cảm thấy rất hứng thú ngồi xuống cạnh hắn thúc giục: “Cô nương? Vậy kể xem nào?” Nàng rất hiếu kỳ, phải là một người con gái thế nào mới khiến lãng tử Vương Ý Chi động lòng?

Vương Ý Chi cúi đầu nhìn những ngón tay thon dài mạnh mẽ của mình, trong mắt ánh lên vẻ dịu dàng: “Có gì thú vị đâu, chuyện cũ mười năm trước ấy mà, bây giờ nàng không còn nữa”.

Sở Ngọc hơi hối hận, nàng cúi đầu thấp giọng nói: “Xin lỗi…” Nàng đã vô ý chạm vào vết thương của người khác.

Vương Ý Chi đưa tay vén vài sợi tóc của nàng, đầu ngón tay vẫn còn vương lại hương thơm: “Không cần áy náy! Nàng ấy có tình cảm với ta, đó đã là may mắn cho ta rồi! Trước khi nàng ra đi, thấy ta sống vui vẻ nàng càng được thanh thản. Ta sẽ không tự chôn vùi mình trong đau buồn đâu!”

Tuy đã từng trải qua bi thương, nhưng bi thương sẽ phai đi cùng năm tháng, chỉ còn sinh mệnh trên đời là quý giá, quan trọng nhất. Vương Ý Chi là người biết đối xử tử tế với chính bản thân mình. Hắn biết cách làm thế nào để sống tốt, không lưu luyến quá khứ đã một đi không trở lại.

Dựa người vào tủ gỗ tử đàn, bởi vì nghĩ đến người mình đã từng yêu thương, giọng nói của Vương Ý Chi trở nên hết sức mềm mại, phảng phất như gợn sóng lăn tăn êm ả: “Trong đó có những hương liệu gì, ta đã hiểu được hơn một nửa. Nàng có muốn hỏi ta điều gì không?”
Bình Luận (0)
Comment