Phượng Vu Cửu Thiên

Chương 86

CHƯƠNG 12

Người dịch: Đài Lạc

Tái biên: Dương



Hôm sau Dung Điềm đã bặt tăm bặt tích từ tận sớm, dễ tám phần mười đã phải lao đi xử lý quốc vụ. Phượng Minh nằm dài thượt trên giường, tay mân mê dây tơ hồng Lộc Đan đưa ngày trước, nghĩ vẩn vơ cả ngày, đầu càng lúc càng đau nhức. Cậu ba chân bốn cẳng gọi đám Thu Nguyệt Thu Tinh lại thay y phục, sau rốt mới phát hiện từ đầu chí cuối Thu Lam không hề xuất hiện.

“Thu Lam đâu? Vẫn dỗi à?”

Thu Nguyệt bật cười khúc khích: “Sao Thu Lam tỉ tỉ lại dám giận Minh vương chứ? Sớm nay Đại vương có bâng quơ khen món đậu hủ tối qua, nên giờ tỉ ấy cứ lụi hụi trong trù phòng tìm mấy phương thức chưng nấu mới đó mà.”

“Dung Hổ vụng chân đoảng tay cũng nhảy vào, bị Thu Lam tỉ tỉ đá khỏi trù phòng, e là giờ này đã chuồn đi tuần mấy chỗ gần Thái tử điện rồi cũng nên.”

Phượng Minh sực nhớ tới sự vụ giữa Thu Lam và Dung Hổ, chợt thấy cao hứng vô cùng, cậu chớp mắt nhìn đám Thu Nguyệt Thu Tinh: “Các ngươi cũng nhìn ra?”

“Người đui cũng thấy mà.”

Hai tỉ muội họ tiếp tục rúc ra rúc rích, tuôn thêm một tràng hài kịch giữa Dung Hổ và Thu Lam, khiến Phượng Minh chỉ biết lắc đầu cười khổ: “Muốn khóc quá đi, bao nhiêu náo nhiệt thế mà ta lại lỡ hết.”

Thu Nguyệt giúp Phượng Minh thắt chặt ngoa bì: “Minh vương định đi đâu vậy?”

“Tới thăm Lộc Đan.”

Một mình lướt qua dãy hành lang gấp khúc, tới viện lạc nơi Lộc Đan cùng đoàn thị tùng trú ngụ, vừa khéo thấy người ấy đã sẵn ngồi trên ghế, đối diện với cửa viện, chú tâm đọc sách. Chợt ngước lên thấy Phượng Minh, Lộc Đan kinh ngạc bật dậy: “Sao Minh vương lại có thời gian rảnh ghé thăm chốn này?”

“Ngày nào ta cũng rảnh mà, ta là kẻ nhàn rỗi nhất vương cung đó.” Phượng Minh sải bước qua cửa, tuỳ tiện ngồi xuống một chiếc ghế gần đó, ngỏng cổ cò qua hỏi: “Quốc sư đang đọc gì vậy?”

“Chỉ thuận tay cầm một cuốn giải sầu thôi.”

Phượng Minh chăm chú nhìn, thì ra là một cuốn chú giải địa thế Tây Lôi, liền bật cười: “Thật phục người có nhẫn nại, mỗi lần đọc cuốn này ta lại ngủ gà ngủ gật. Hôm nay tiết trời không tồi, vốn đang định cùng người ra ngoài dạo mát, vậy mà ta lại không được phép rời Thái tử điện. Quốc sư từ phương xa tới, có nhã hứng muốn thăm quan đô thành Tây Lôi đặng hiểu biết thêm chút ít về phong thổ nơi đây chăng? Ta có thể gọi vài tên thị vệ dẫn người ra ngoài ngao du.”

Lộc Đan hơi buông cuốn thư trên tay, y nhìn thẳng vào Phượng Minh, giọng điệu ôn nhu: “Lộc Đan có thể tự do xuất cung sao?”

“Đương nhiên có thể.”

“Chuyện này… Minh vương hãy thỉnh ý Đại vương trước rồi hẵng nói lại.”

Phượng Minh ngạc nhiên: “Gì kia?”

Lộc Đan mỉm cười bí hiểm, cầm lại cuốn thư, chú mục từng chữ, miệng nói: “Đã không thể đi, thì cứ vậy đọc sách cũng tốt. Thỉnh Minh Vương thứ cho Lộc Đan này tội thất lễ, hôm nay ta quả thực không có hứng mạn đàm.” Tư thái y văn nhã, thanh dật mà ôn hoà, khiến người vô phương trách cứ.

Phượng Minh ngượng ngùng đứng dậy: “Chuyện này nhất định là hiểu lầm, để ta hỏi lại cho rõ ràng.”

Trên đường quay về cậu thuận tay vẫy một tên thị vệ lại hỏi: “Đại vương đã tan buổi chầu sớm chưa?”

Thị vệ kính cẩn đáp: “Bẩm, vẫn chưa, ước chừng phải thêm một hồi nữa.”

“Vậy gọi Dung hổ tới đây.” Phượng Minh khựng lại ngẫm nghĩ một chút, mới tiếp tục quay về.

Chỉ lát sau, Dung Hổ đã tới, vừa bước qua cửa y đã hỏi ngay: “Minh Vương sai thị vệ truyền gọi tiểu nhân, có phải đã xảy ra chuyện gì hay không?”

Phượng Minh nhảy dựng lên tra hỏi: “Chuyện Lộc Đan rốt cuộc là sao? Y không thể rời vương cung? Ngươi là thị vệ cai quản nội cung, Đại vương đã dặn thế nào?”

“Lộc Đan? Ngay cả Thái tử điện y cũng không được phép rời khỏi. Đại vương đã đặc ý căn dặn, muốn chúng thần giám sát chặt chẽ người này.”

Phượng Minh cau mày quặc lại: “Để làm gì?”

Dung Hổ hiển nhiên đã biết trước, chỉ cười cười đối kháng: “Minh vương không biết ư? Từ lúc Lộc Đan nhập cảnh tới giờ, Đại vương đã liên tục phái người giám thị. Y thân là quốc sư, có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ tới Đông Phàm, cũng là người nơi tâm khảm của quốc vương nước ấy, để lừa y tới đây, Đại vương đã phải hao tổn không ít tâm tư.”

Phượng Minh đã sớm thấy cách cư xử của Dung Điềm trong chuyện này vô cùng quỷ dị, nếu không phải khi phúc đáp lại Đông Phàm vương hắn dùng ngôn ngữ ám muội, hứa hẹn cho mượn lương, thì giờ làm gì có chuyện Lộc Đan phải lặn lội vạn dặm tới đây. Mùi âm mưu xộc thẳng vào khoang mũi.

Dung Hổ vừa dứt lời, Phượng Minh đã chực xông ra cửa: “Ta phải đi hỏi Dung Điềm thực hư chuyện này là sao?”

Vội vã được nửa đường, đúng lúc Dung Điềm trở về, hắn cười nói: “Sao hôm nay lại đặc ý tới tận đây đón ta thế này?” Hơn mười vị đại thần theo sát chân Dung Điềm đều cung kính hành lễ với Phượng Minh.

Phượng Minh thấy đông người, cũng không lập tức bùng nổ, chỉ liếc mắt ra hiệu, đoạn gằn giọng: “Trở về ta có chuyện muốn hỏi ngươi.”

Đùng đùng lôi Dung Điềm vào phòng, bày ra phong thái khởi binh vấn tội, cậu tra hỏi: “Rốt cuộc ngươi định giở trò quỷ gì với Lộc Đan? Tại sao dụ dỗ người ta tới đây còn mượn cớ giam lỏng?”

Dung Điểm chỉ ơ hờ nhìn qua cậu: “Minh vương đây là vì Lộc Đan mà đứng ra bất bình, hay chỉ đơn thuần vì hoài nghi bản vương nhìn trúng Lộc Đan mà bày đặt ghen tuông?” Đỡ được quả đấm phủ đầu của Phượng Minh, hắn bật cười ha hả: “Vốn định để Lộc Đan nếm thử mùi vị bị giam lỏng thêm mấy ngày nữa, vậy mà y đã nghĩ ngay ra cách đánh động ngươi, đành thôi vậy.” Truyền một tên thị vệ tiến vào, hạ lệnh: “Đi thỉnh quốc sư Đông Phàm lại đây.”

Chẳng tốn bao nhiêu thời gian, Lộc Đan đã xuất hiện. Sau khi uyển chuyển hành lễ với Dung Điềm, y cảm kích liếc sang Phượng Minh.

“Mời quốc sư ngồi. Mấy ngày qua bản vương liên tiếp sự vụ, đã có chút chậm trễ.” Ba người phân thứ vị an toạ đâu đấy, Dung Điềm mỉm cười nhìn Lộc Đan: “Hôm qua bản vương đã hạ lệnh cho chưởng quản lương khố tính toán lại, con số quốc sư yêu cầu tuy có điểm khiên cưỡng, nhưng nếu Tây Lôi kiệm lại đôi chút, vẫn có khả năng đưa đủ số lương thực cấp Đông Phàm vượt qua cửa ải khó khăn này.”

“Đa tạ Đại vương.” Sắc diện Lộc Đan tươi tắn hẳn lên, nhưng y vẫn hơi cúi người, tựa hồ đang đợi Dung Điềm nói dứt.

Quả nhiên, Dung Điềm lại tiếp tục: “Nhưng bản vương hành sự thích có qua có lại. Số lương thực đó, đương nhiên không thể cho Đông Phàm mượn không.”

“Chỉ cần có thể giúp bách tính Đông Phàm vượt qua được mùa đông giá rét này, vương của ta nguyện hiến toàn bộ bảo vật trong cung,” Lộc Đan thẳng lưng ngồi dậy, nấn ná một chút, lại tiếp: “Ngoại trừ Thiên địa hoàn.”

Khoé môi Dung Điềm, chợt xuất hiện nét cười mỏng mảnh khiến người nhìn phải rợn tóc gáy.

Phượng Minh thấy vậy, liền quay sang hỏi Lộc Đan: “Thiên địa hoàn là cái gì?”

Thái độ Lộc Đan đối với Phượng Minh rất tốt, y khẽ cười: “Đó là bảo vật trấn quốc của tệ quốc, hàm chứa sức mạnh vi diệu mà lớn lao của trời đất, được nhiều đời vương tộc thờ phụng tại nơi sâu nhất của thần điện.”

Chân mày Phượng Minh nhướn lên, cậu chợt nhớ tới một cố sự mà bất cứ một học sinh trung học nào cũng từng phải nghe qua. Nhân vật chính của nó, là vị Tần Hoàng bạo ngược khét tiếng, và Lạn Tương Như* túc trí mà dũng cảm. Ấy cũng là thời loạn thế khi các quốc gia không ngừng tranh đoạt lẫn nhau, quân chủ đại quốc ỷ mạnh hiếp yếu, không ngừng áp bách quốc gia yếu nhược dâng hiến quốc bảo.

Chẳng lẽ Dung Điềm chưa chi đã bắt đầu phát triển theo thiên hướng này? Tim Phượng Minh đông cứng lại, cậu trộm nhìn Dung Điềm, những đường nét uy nghiêm trên gương mặt anh tuấn ấy càng lúc càng hiển hiện. Nhưng nếu, có một ngày nhất thống thiên hạ, nắm trong tay quân quyền cường đại, liệu hắn có trở thành một Tần Thuỷ Hoàng thứ hai?

“Quốc sư không cần hiểu lầm, nghe danh Thiên địa hoàn thần diệu đã lâu, bản vương chẳng qua chỉ muốn mượn xem chút đỉnh, tuyệt không có ý chiếm giữ.” Từng từ từng ngữ rõ rành rành rời khỏi miệng Dung Điềm.

Nguy rồi nguy rồi, sao ngay đến cớ mượn cũng y đúc chuyện xưa thế này. Phượng Minh biến sắc, quay ngoắt lại thăm dò phản ứng của Lộc Đan.

Lộc Đan không chút dao động, làn mi nồng đượm thoáng buông rũ, lạnh nhạt mà rằng: “Thiên địa hoàn không phải thường vật, thứ cho Lộc Đan này vô pháp cam đoan. Nếu đã không thể mượn lương, thỉnh đại vương cho phép Lộc Đan cáo từ rời cung, còn sớm bẩm lại cùng Đại vương ta.”

“Quốc sư quá vội rồi,” Dung Điềm cười khan: “Bản vương mới phái người báo tin với Đông Phàm vương, nói quốc sư còn muốn lưu lại đây thêm vài ngày nữa đó là.”

Bầu không khí càng lúc càng trở nên căng thẳng ngặt nghèo, Phượng Minh âm thầm cuộn chặt tay.

Đến lúc này Lộc Đan mới trừng trừng đôi mắt xinh đẹp không gì miêu tả nổi mà khẽ khàng đáp lại: “Lộc Đan vốn phận thần tử thấp hèn, Đại vương chỉ nghĩ dùng ta làm con tin là đoạt nổi Thiên địa hoàn sao?”

“Chuyện này cứ để Đại vương của ngươi tự quyết, còn quốc sư, cứ chuyên tâm nghỉ dưỡng là được.”

Hai cặp mắt lãnh liệt ngang ngửa, đụng chạm nhau, bắn lửa tung toé.

“Dung Hổ.” Dung Điềm vỗ tay truyền gọi Dung Hổ: “Hộ tống quốc sư trở về, phái người cẩn thận chăm lo cho an toàn của người, không cho phép xảy ra sơ sót.”

Dung Hổ nhận lệnh.

Lộc Đan từ từ đứng dậy, biểu tình không chút lo lắng cũng chẳng hề vội vã, chỉ ung dung hành lễ với Phượng Minh: “Lộc Đan phải đi, Minh Vương xin đừng quên phó thác của Lộc Đan.” Rồi không một lần quay đầu mà khuất dạng.

Thấy Lộc Đan đi mất, Dung Điềm thoải mái đứng dậy, âu yếm cười nhìn Phượng Minh: “Giờ đã biết tại sao ta phải khổ công dụ y tới đây chưa? Có Lộc Đan trong tay, không sợ Đông Phàm vương bất tuân, chúng ta sẽ nhanh chóng có tin tức. Ha ha, mau lấy một bình rượu ngon tới đây, kêu Thu Lam làm thêm mấy món ngon nữa, đêm nay ta cùng ngươi thưởng nguyệt được không nào?”

Phượng Minh thình lình đứng bật dậy, sắc diện lạnh tanh đi vào tẩm thất.

“Phượng Minh?” Dung Điềm đuổi theo, vừa đẩy, cửa bên trong đã bị Phượng Minh khoá trái.

Note:

 Lạn Tương Như: là chính khách nước Triệu thời Chiến quốc, nổi tiếng là người giỏi ứng biến, đã từng giúp nước Triệu khỏi nhiều lần mất mặt trước mặt chính quốc.

– Cố sự cầm ngọc quý đi sứ Tần quốc – [Credit to wikipedia] –

Đời vua Huệ Văn Vương, nước Triệu được viên ngọc bích của họ Hoà nước Sở bảo vật nổi tiếng trong chư hầu khi đó. Vua Chiêu Vương nước Tần nghe tin, sai người đưa thư cho vua Triệu, xin đem mười lăm thành để đổi lấy viên ngọc bích. Vua Triệu cùng đại tướng quân Liêm Pha và các vị đại thần bàn rằng: Nếu cho Tần ngọc bích thì sợ không được thành của Tần, chỉ bị lừa, nếu không cho thì lại lo binh Tần đến đánh. Kế chưa quyết định, tìm người có thể sang trả lời Tần, tìm mãi chưa được ai.

Khi đó hoạn quan Mục Hiền bèn tiến cử Lạn Tương Như với Triệu Huệ Văn vương. Vua Triệu liền cho mời ông đến, hỏi Lạn Tương Như:

Vua Tần đem 15 thành đổi lấy viên ngọc của quả nhân, nên cho hay không?

Tương Như nói:

Tần mạnh, Triệu yếu, không cho không được.

Vua Triệu nói:

Họ lấy ngọc ta mà không cho ta thành thì làm thế nào?

Lạn Tương Như nói:

Tần đem thành đổi lấy ngọc mà Triệu không cho, thì điều trái là ở Triệu. Triệu cho ngọc mà Tần chẳng cho thành thì điều trái là ở Tần. Xét lại kế đó thì thà cho ngọc để Tần chịu phần trái.

Vua Triệu hỏi:

Ai có thể sai đi sứ?

Lạn Tương Như nói:

Nếu nhà vua thiếu người, thần xin mang ngọc bích đi sứ. Thành có về tay nước Triệu thì ngọc mới ở lại đất Tần.Nếu thành không về, thần xin giữ nguyên vẹn viên ngọc đem về Triệu.

Triệu Vương bèn sai Tương Như mang ngọc sang hướng Tây vào đất Tần.

Vua Tần Chiêu Tương vương đón tiếp Tương Như ở Chương đài. Ông mang ngọc bích dâng vua Tần. Vua Tần mừng rỡ, trao cho các mỹ nhân và các quan hầu xem, các quan hầu đều hô: Vạn tuế!

Tương Như thấy vua Tần không có ý cắt thành cho Triệu, bèn tìm cách lấy lại ngọc quý. Ông tiến lên nói:

Ngọc bích có vết, tôi xin chỉ cho đại vương xem.

Vua Tần không biết là kế, bèn trao ngọc bích, Tương Như nhân cầm ấy ngọc, đứng lùi tựa vào cột, nổi giận nói:

Đại vương muốn được ngọc, sai người đem thư đến vua Triệu. Vua Triệu cho mời quần thần bàn bạc, tất cả đều nói: “nước Tần tham, cậy mình mạnh, đem lời nói suông để cầu lấy ngọc, chưa chắc đã trả thành cho ta”. Họ bàn không muốn đưa ngọc bích cho Tần. Thần cho rằng: “kẻ áo vải chơi với nhau còn không dối nhau, huống nữa là nước lớn. Vả chăng vì một viên ngọc mà làm nước Tần mất vui thì không nên”. Vì vậy nên vua Triệu trai giới năm ngày, sai thần mang ngọc bích đi, vái mà đưa ở giữa triều đình. Tại sao thế? Vì trọng cái uy của nước lớn để tỏ lòng tôn kính vậy. Nay thần đến đại vương tiếp thần ở một nơi tầm thường, lễ tiết rất khinh mạn. Được ngọc, đại vương đưa cho các mỹ nhân để đùa bỡn thần. Thần xem đại vương không có ý trả thành ấp cho vua Triệu, cho nên thần lấy ngọc về. Nếu đại vương cứ muốn bức bách thần, thì đầu thần và viên ngọc đều vỡ ở cái cột này!

Tương Như cầm viên ngọc, nhằm cái cột, làm như muốn đập đầu và cả ngọc vào cột. Vua Tần sợ ông đập vỡ viên ngọc nên vội ngăn lại, gọi quan đương sự cầm địa đồ đến, chỉ chỗ 15 thành từ chỗ này trở đi để cắt cho nước Triệu. Tương Như đoán vua Tần chỉ lừa dối, tuy giả vờ cho Triệu thành, nhưng thực ra thì không thể được thành, bèn bảo vua Tần:

Ngọc bích họ Hoà thiên hạ đều nhận là của báu, vua Triệu sợ không dám không dâng. Khi đưa ngọc, vua Triệu trai giới năm ngày, nay đại vương cũng nên trai giới 5 ngày, đặt lễ cửu tân thì thần mới dám dâng ngọc.

Vua Tần thấy không có cách gì ép được, bèn hứa với ông trai giới 5 ngày, cho Tương Như ở lại quán tân khánh Quảng Thành. Ông đoán vua Tần tuy trai giới, nhưng thế nào cũng bội ước không trao thành, nên sai người hầu đi theo đoàn sứ của mình mặc áo ngắn, mang viên ngọc đi theo đường tắt, trốn về nộp lại ngọc bích cho vua Triệu.

Vua Tần sau khi trai giới 5 ngày bèn đặt lễ cửu tân ở triều đình để tiếp Lạn Tương Như. Tương Như đến, nói với vua Tần:

Nước Tần từ đời Mục Công đến nay, hơn 20 đời vua, chưa từng có ai giữ trọn lời hứa. Quả thực, thần sợ bị nhà vua lừa, lại phụ lòng nước Triệu, nên đã sai người cầm ngọc lẻn về đến nước Triệu rồi. Vả lại, Tần mạnh mà Triệu yếu, đại vương sai một người sứ giả đến Triệu thì Triệu lập tức đem ngọc sang dâng. Nay mạnh như nước Tần mà lại cắt trước mười lăm thành để cho Triệu thì Triệu đâu dám giữ ngọc bích để mắc tội với đại vương Thần biết rằng lừa dối đại vương tội đáng chết. Thần xin vào vạc nước sôi. Xin đại vương và quần thần bàn bạc kỹ cho.

Vua Tần và quần thần nhìn nhau cùng hậm hực, các tướng Tần muốn giết ông nhưng vua Tần ngăn lại nói:

Bây giờ giết Tương Như cũng không lấy được ngọc, mà chỉ làm tuyệt tình giao hảo giữa Tần và Triệu. Chi bằng nhân việc này mà hậu đãi ông ta, cho ông ta về Triệu. Vua Triệu há vì một viên ngọc bích mà lừa dối Tần sao?

Do đó, vua Tần vẫn tiếp Tương Như ở triều đình, lễ xong cho về. Sau khi Tương Như về, vua Triệu khen ông là một quan đại phu giỏi, đi sứ không khuất nhục với chư hầu, bèn phong ông làm thượng đại phu.

Kết quả sau đó Tần không đổi thành cho Triệu mà Triệu cũng không đem ngọc bích cho Tần.
Bình Luận (0)
Comment