Quái Khách Muôn Mặt

Chương 10

Lúc ấy đang là mùa hè, nhưng về đêm tiết trời đã mát dịu, Long Uyên nhân trời nhá nhem liền rời khỏi gia đình. Hồi tối hôm đó, chàng ra khỏi thành đi theo đường cái quan phóng ngựa tiến thẳng. Không bao lâu đã tới thị trấn Tiểu Linh Sơn, nơi mà ba hôm trước chàng đã cứu Đường tiểu thư. Long Uyên không ngừng lại mà cứ phóng ngựa như dông gió đi luôn, vì chàng nóng lòng muốn đi thật xa nhà đã, rồi mới ngừng chân nghỉ ngơi.

Chàng đi tới sáng ngày thứ hai đã xa được mấy trăm dặm. Trong khi đi đường, chàng lại hóa trang má bên trái có một vết thẹo đen dài.

Đến Cao Mật, chàng dừng chân nghỉ ngơi. Vừa vào khách điếm, bọn tửu bảo mới trông thấy mặt chàng đã tỏ ra không ưa rồi nhưng vẫn thản nhiên như thường. Chàng ăn cơm sáng xong đi dạo phố một vòng và mua ít đồ dùng. Lúc về phòng, chàng thay bộ đồ gấm mặc vào quần áo trắng, cột khăn vải vào trông không khác gì một văn nhân nghèo nàn. Mặt chàng hóa thành vàng khè lại còn có một cái sẹo lớn, nếu mặc quần áo lịch sự khiến ai cũng phải chú ý và nghi ngờ. Nhưng lúc này chàng cải trang thành một văn nhân ốm yếu thì không còn ai chán ghét nữa, trái lại còn thương hại chàng nữa là khác.

Long Uyên ăn uống, mua sắm xong, nghỉ ngơi một chút lại lên đường ngay.

Khi ra cửa chàng xem xét địa thế một lúc, nhớ kỹ trong lòng rồi thẳng hướng đi Giang Nam.

Không bao lâu, chàng đã đi tới huyện thành ở biên giới tỉnh Tô, con ngựa đen của chàng quả thật phi phàm, đi nhanh như bay, lại hiểu ý người nên chỉ trong vài ngày nó được chàng thương vô cùng.

Ba ngày sau chàng đã tới Lâm Hàn. Trên trời mây đen kéo tới và không bao lâu trời mưa rất lớn. Lúc ấy, chàng đang đi giữa đường vội đưa mắt nhìn chung quanh để tìm kiếm chỗ trú mưa. Chàng chợt thấy phía bên trái có một cái núi to. Trên núi cây cối um tùm và hình như trong bụi cây lại có một ngôi miếu, chàng liền bụng dạ bảo rằng :

- Đằng nào ta cũng đi du hiệp ở bên ngoài không có mục đích nhất định nào cả. Bây giờ trời đang mưa to, chi bằng ta vào trong miếu tạm thời ở một đêm khỏi bị ướt lạnh có hơn không.

Nghĩ đoạn, chàng phóng ngựa tiến thẳng lên trên núi. Ngờ đâu khi đến trên núi chàng phát giác có một hiện tượng quái dị dù trời mưa lớn như thế đầu và lưng ngựa không bị ướt một giọt mưa nào cả. Thoạt tiên chàng rất kinh ngạc, sau nghĩ lại mới biết và lẩm bẩm tự nói :

- Sao ta lại hồ đồ thế, trong túi ta có hạt Tị Thủy châu thì mưa làm sao ướt ta được.

Nói tới đó, chàng bảo thầm :

- Bây giờ ta không sợ mưa nữa, khỏi cần phải vào miếu làm chi, cứ đi thẳng tới Lâm Hàn mà vào khách điếm ngủ trọ có hơn không?

Nghĩ đoạn, chàng thúc ngựa quay trở ra đường cái quan để đi tiếp. Bỗng nghe có tiếng đánh nhau, hò hét vọng tới, chàng ngạc nhiên vô cùng, nghĩ thầm: “Ai lại đánh nhau trong lúc trời mưa lớn như vậy?”

Lòng hiếu kỳ thúc đẩy, chàng liền tiến về phía đó xem sao rồi chàng lẳng lặng xuống ngựa, cột con ngựa núp ở dưới gốc cây để tránh mưa. Còn chàng thì giở khinh công tuyệt mức ra lướt trên ngọn cây tiến thẳng lên trên núi, nơi có tiếng hò hét quát tháo. Chàng lên tới trên đỉnh núi ẩn thân ở trong một cành cây rậm rạp.

Chàng thấy ngôi chùa hồi nãy chàng trông thấy là một đạo quan, đạo quan này đồ sộ lắm chiếm cả đỉnh núi. Trước cửa quan có một cái cổng bằng đá trắng cao ngót hai trượng, trên có bốn chữ sơn son thiếp vàng: “Mao Sơn Đạo Quan”. Dưới cổng có một quảng trường rộng chừng mười trượng cỏ mọc xanh rì giữa quảng trường đang có bốn đạo sĩ mỗi người cầm một thanh bảo kiếm đang vây đánh một thiếu niên. Thiếu niên ấy hai tay cầm một đôi Hổ trảo, mặt rất anh tuấn, thiếu niên đó chính là Hổ Hùng mà chàng đã gặp đêm nọ.

Hổ Hùng lợi hại thật, múa đôi Hổ trảo chống đỡ thế công của bốn đạo sĩ mà vẫn ung dung không tỏ vẻ gì núng thế hết.

Cả năm bị nước mưa ướt như chuột lột mà vẫn ác chiến như thường. Long Uyên thấy trận đấu chênh lệch như vậy bất mãn vô cùng, nhưng vì hai bên ngang tài nhau, nhất thời không phân biệt cao thấp được.

Hai là chàng chưa rõ nguyên nhân đôi bên kết thù oán với nhau như thế nào, nên chưa tiện xuất hiện ngăn cản vội. Vì thế, chàng cứ lẳng lặng đứng xem biến hóa của trận chiến ra sao. Đồng thời, chàng cũng muốn nhân lúc này xem đường Hổ trảo của Hổ Hùng có chỗ nào sơ hở không?

Đang lúc ấy, trong đạo quán bỗng có một tiếng rú thánh thót vọng ra làm chấn động cả tai mọi người.

Long Uyên nghe thấy tiếng rú ấy trong lòng thầm khen: “Nội công của người này thâm hậu thật”.

Thì đột nhiên trong đạo quán có một bóng người phi ra. Khi người đó ra tới ngoài quảng trường, chàng đã nhận ra y là một đạo nhân gầy gò tuổi chừng năm mươi, mặc áo đạo bào màu vàng, đầu đội đạo quan màu vàng, râu đen và dài tới bụng, hai mắt lóng lánh có thần, chỉ thoáng trông cũng biết ngay là người có công lực rất cao siêu và rất kiêu ngạo nữa. Long Uyên vừa thấy đạo sĩ đó ra đã lo âu hộ Hổ Hùng, chỉ sợ y địch không nổi đối phương thôi.

Đạo sĩ đưa mắt liếc nhìn một vòng rồi lớn tiếng quát bảo :

- Có ngừng tay không!

Tiếng quát của y không lớn lắm nhưng năm người đang đấu nghe tiếng quát ấy tựa như sấm nổ bên tai vậy.

Hổ Hùng biến sắc mặt vội thâu song trảo lại, còn bốn đạo sĩ kia cũng lần lượt nhảy ra bên ngoài chạy lại vái chào lão đạo sĩ mới ra và bỏ kiếm vào trong bao, rồi đứng xếp hàng ngang ở phía sau lão đạo sĩ nọ.

Lão đạo sĩ kiêu ngạo vô cùng, hai mắt tỏ vẻ khinh bỉ liếc Hổ Hùng một cái nhưng lại ngẩng đầu lên, hai mắt nhìn lên cao lớn tiếng hỏi :

- Nhỏ kia ngươi ở đâu tới? Xem thế võ của ngươi thì hình như là thế võ của Thiên Cơ đạo sĩ phái Hoa Sơn sao bỗng đến Mao Sơn đạo quan của ta phá bĩnh như vậy? Có mau khai thật hay không?

Từ khi lão đạo sĩ hiện ra đến giờ, Hổ Hùng đã phòng bị. Y lại thấy đạo nhân nọ không coi y vào đâu, hỏi như quan tòa xét hỏi tội nhân vậy. Y không nhịn được nữa, liền trợn ngược đôi lông mày nhưng hình như nghi kỵ điều gì, nên vội dẹp lửa giận ngay, vênh váo đáp :

- Thiếu gia chính là Hổ Hùng, môn hạ của Thiên Cơ chân nhân của phái Hoa Sơn. Đạo sĩ là ai thế?

Y chưa nói dứt lời, lão đạo sĩ đã ngẩng mặt lên trời cười the thé, tiếng cười của y như xé lụa. Bốn đạo sĩ đứng sau đạo nhân ấy cũng đều cau mặt lui bước, hình như chịu đựng không nổi tiếng cười ấy.

Long Uyên đứng cách đạo sĩ ngoài năm trượng và đã vận Đơn Thiết thần công rồi mà còn thấy hơi đinh tai. Như vậy, Hổ Hùng đứng cách đạo sĩ không đầy một trượng, nội công lực đạo còn kém Long Uyên nhiều, như vậy y chịu sao nổi. Nhưng y vẫn phải gượng làm ra vẻ thản nhiên để khỏi bị mọi người chê cười, nhưng sắc mặt nhợt nhạt, chân tay run lẩy bẩy, mồ hôi lại toát ra như tắm.

Thấy Hổ Hùng như vậy, lão đạo sĩ liền ngắt tiếng cười đột nhiên cười “khì” một tiếng và nói tiếp :

- Ta tưởng tiểu tử có bao nhiêu đạo hạnh, không ngờ lại tầm thường đến thế. Ta mới cười một tiếng mà đã chịu không nổi, như vậy mà đạo sĩ Thiên Cơ lại yên tâm để cho ngươi hạ sơn à?

Nói xong, y trợn tròn xoe đôi mắt, giọng nói thay đổi hẳn, liền quát bảo Hổ Hùng rằng :

- Nếu đạo gia không sợ thiên hạ chê cười đạo gia lớn bắt nạt nhỏ thì ngươi không bị đạo gia giết ngay tại chỗ cũng bị ta ghi vào một vài vết sẹo ở trên mặt rồi. Nhưng dù sao đạo gia cũng là bạn của sư phụ ngươi. Ngày hôm nay, đạo gia nể mặt sư phụ ngươi mà tha cho ngươi xuống núi.

Hổ Hùng bị mắng một hơi, xấu hổ quá hóa nổi giận, vì y từ khi xuống núi tới giờ chưa hề bị đánh bại lần nào, vì vậy mà y ngông cuồng đến nỗi không còn coi ai ra gì hết. Xưa nay chỉ có y mắng chửi người chứ chưa hề bị ai nói như thế này cả, nên y chịu nhịn làm sao nổi.

Nhưng Hổ Hùng cũng biết lão đạo sĩ là người rất nóng tính, và có tiếng ác độc nhất trong võ lâm. Trước kia y tự phụ đôi Phi Hổ trảo thiên hạ vô địch. Nhưng ngày nay y thấy lão đạo sĩ có nội công thâm hậu như vậy, y mới biết đối phương quả thật danh bất hư truyền, nếu không biết sớm rút lui thì chưa biết chừng không chết ngay tại chỗ cũng khó mà thoát thân được một cách yên lành.

Hổ Hùng đảo tròn đôi ngươi mấy vòng, cố nén lửa giận rồi đáp :

- Chắc đạo trưởng là người Chưởng môn của phái Mao Sơn, Tiêu Dao chân nhân phải không? Đạo trưởng quen biết với ân sư. Nếu vậy, việc này coi như xí xóa. Hổ Hùng tôi xin cáo biệt ngay.

Nói rồi, y chắp tay chào một cái, rồi quay mình đi luôn.

Tuy Long Uyên có vẻ bất bình vì thấy thái độ của Tiêu Dao chân nhân quá lố như vậy, nhưng chàng đã thấy Hổ Hùng chịu nhịn và rời khỏi một cách ôn hòa như vậy, chàng cũng định đi luôn.

Cho nên Hổ Hùng vừa quay người đi, Long Uyên rẽ cành cây đi nốt, nhưng tiếng động nho nhỏ ấy đã đến tai lão đạo sĩ, nên chàng chưa kịp đi, Tiêu Dao chân nhân đã quát hỏi :

- Ai lén lút ẩn nấp ở trên cây như thế? Nếu không xuống ngay, đạo gia sẽ thân hành tới hỏi chuyện đấy.

Sở dĩ lão đạo sĩ biết là vì cành lá có dính những hạt nước mưa nên khi chàng vừa gạt cành lá một cái, những hạt mưa rơi xuống kêu “lách tách”. Vì thế mới để cho lão đạo sĩ hay biết ở trên cây có người.

Cũng vì kinh nghiệm của Long Uyên còn non nớt, giọng của đối phương như vậy rõ ràng đã biết chàng ẩn thân ở trên đó rồi, nhưng chàng không biết tại sao đối phương lại biết mình ẩn nấp ở trên cây như vậy, cứ tưởng là lão đạo sĩ này rất lợi hại hay biết mình ẩn nấp ở trên cây chứ không ngờ mình đã làm rớt những hạt mưa.

Chàng kinh hãi thầm, trong lòng vẫn còn trù trừ không biết có nên ra mặt hay không thì bỗng nhiên nghe thấy trong đạo quan đã có tiếng chuông báo động kêu vang.

Tiêu Dao chân nhân lại lớn tiếng quát tiếp :

- Tiểu tử họ Hổ hãy quay trở lại! Tiểu tử ở trên cây có xuống hay không? Bằng không thì đừng trách đạo gia ra tay độc ác đấy nhé.

Long Uyên ở trên càng cây ngó vào trong đạo quan có một căn nhà đã bốc cháy.

Đồng thời chàng thấy trên nóc nhà có một cái bóng người mảnh khảnh tay cầm kiếm, tay rỗ hoa đi nhanh như điện chớp, tiến thẳng về phía ngoài đạo quan.

Long Uyên không đoán ra được nguyên nhân ấy, chỉ trong nháy mắt chàng đã thấy một vật gì phi tới gần. Long Uyên thấy vậy vội giơ tay phải ra khẽ chộp một cái bắt lấy vật đó. Tuy đã bắt được vật đó, nhưng chàng cũng phải giật mình kinh hãi. Thì ra vật mà chàng bắt được không những do sức ném của đối phương mạnh khôn tả, đồng thời chàng cũng đã thấy rõ vật ấy chỉ là miếng vỏ cây thôi.

Môn võ công Trích Diệp Phi Hoa này mạnh đến nỗi khiến cánh tay của chàng cũng phải hơi tê tái, đủ thấy đối phương có một sức mạnh như thế nào, làm sao mà chàng không kinh ngạc sao được. Chàng bụng bảo dạ rằng: “Nếu lão đạo sĩ đã biết rõ ta ở đây rồi, thế nào cũng hiểu lầm ta là đồng đảng của Hổ Hùng. Nếu vậy, ta phải xuất hiện để nói rõ mới được.

Hơn nữa, bóng người ở trong đạo quan phi ra rõ ràng là một thiếu nữ, tại sao nàng ta lại ở trong đạo quan của Mao Sơn mà phóng hỏa lén như thế?”

Nghĩ tới đó, chàng ngẩng đầu lên nhìn, đã thấy Tiêu Dao chân nhân đứng ở giữa bãi cỏ, mặt tỏ vẻ kinh ngạc và giận dữ, hai mắt lóng lánh có thần, liếc nhìn bốn bề chung quanh một lượt.

Lúc bấy giờ Hổ Hùng đã ngừng chân ở bên cạnh rừng, mặt tỏ vẻ lo âu nhìn vào trong đạo quan.

Long Uyên thấy vậy, biết Hổ Hùng thế nào cũng là người đồng môn với thiếu nữ nọ, cho nên Hổ Hùng cố ý ở trước đạo quan khiêu chiến để dụ bọn đạo sĩ chú ý, rồi thiếu nữ nọ lẻn vào trong đạo quán phóng hỏa.

Lúc ấy có mười đạo sĩ tay cầm trường kiếm ở ba mặt xông lại bao vây thiếu nữ nọ. Thiếu nữ nọ không biết họ lập kế, cứ chạy thẳng về phía không có người ngăn cản. Hổ Hùng thấy vậy thật khó nghĩ quá, y biết ở lại thế nào cũng bị thiệt thòi, nhưng không ở lại thì không được.

Long Uyên đã vội nhảy xuống dưới đất từ từ đi tới giữa bãi cỏ.

Tiêu Dao chân nhân là cao thủ hạng nhất ở năm tỉnh miền Bắc, nội ngoại công đều luyện tới mức thượng thặng. Vữa rồi y đã dùng thủ pháp Trích Diệp Phi Hoa ném một miếng vỏ cây vào chỗ có người ẩn nấp. Y yên trí đối phương đã đứng ẩn nấp mà còn để có tiếng động, như vậy võ công chắc không được cao siêu lắm nên chỉ một miếng vỏ cây đó cũng đủ đánh đối phương sứt da gãy xương mà rớt xuống đất rồi.

Ngờ đâu miếng vỏ cây của y ném đi rồi như đá chìm xuống đáy biển, không thấy người đó kêu đau hay té xuống đất gì hết, thậm chí một càng cây hay lá cây ở trên đó cũng không bị miếng vỏ cây của mình đánh rụng nên y mới kinh ngạc vô cùng. Tiêu Dao chân nhân kinh hãi thầm, rồi lửa giận lại nổi lên, cho là người nọ với Hổ Hùng và cô gái là một đồng bọn cố ý khiêu khích và khinh thường Mao Sơn.

Vì thế, y không nói năng gì cả, ngấm ngầm vận chân lực quyết chí không xía tới người ở trên cây trước, chờ các đạo sĩ trong quan đuổi thiếu nữ qua bên này rồi mới phát chưởng ra đánh chết luôn, để xem Hổ Hùng với ngườì ẩn thân ở trên cây ấy phản ứng như thế nào rồi hãy địch đoạt sau.

Đối với Hổ Hùng, lão đạo sĩ biết Thiên Cơ chân nhân của phái Hoa Sơn xưa nay khét tiếng là người hay bênh môn đồ lại thêm môn phái ấy nhiều người thế mạnh hùng cứ ở một phương, nay đánh chết môn hạ của y thì đạo sĩ ấy quyết không để yên cho đâu. Vì thế mà Tiêu Dao chân nhân cứ chần chừ không chịu hạ thủ. Trong lúc y đang ngấm ngầm vận công thì Long Uyên đã xuống dưới đất đi vào giữa đấu trường.

Hổ Hùng thấy Long Uyên đã nhận ra ngay, chính là người đã đùa giỡn với mình mấy ngày hôm trước, tự xưng là họ Long tên là Linh Vân, trong lòng y lại tức giận ngay.

Y chỉ mong Long Uyên ra tay trước Tiêu Dao chân nhân rồi thừa cơ đào tẩu.

Tiêu Dao chân nhân thấy thiếu niên ở trong rừng ra mặt vàng khè như đau ốm nặng mới khỏi và có một cái sẹo lớn xấu xí lạ thường, nhưng ăn mặc lại tao nhã bước đi có vẻ ẻo lả, nên trông như người không luyện võ vậy. Nếu không phải vì miếng vỏ cây vừa rồi mất tích một cách khả nghi và nếu thiếu niên này không phải phía đó tới thì lão đạo sĩ cũng hiểu lầm chàng là một văn sĩ đi lạc đường vào trong Mao Sơn này thôi.

Nhưng đã nghi thiếu niên này là nhân vật của võ lâm, Tiêu Dao chân nhân cũng không coi chàng vào đâu, vì y cho rằng dù chàng có biết võ đi nữa nhưng bằng sao được Hổ Hùng. Vì thế mới khinh thường không coi chàng vào đâu hết.

Long Uyên thấy thái độ của Tiêu Dao chân nhân như vậy mừng thầm liền chắp tay chào Hổ Hùng rồi hỏi :

- Hổ huynh vẫn mạnh giỏi đấy chứ? Có còn nhớ Long Linh Vân này không?

Đó là lời khách sáo của chàng, đồng thời chàng cũng thích bộ mặt anh tuấn chính khí của Hổ Hùng nên muốn kết thành bạn. Nhưng Hổ Hùng lại tưởng chàng mỉa mai, nên y dung giọng mũi kêu “hừ” một tiếng, và bỗng nghĩ ra một kế cũng chắp tay đáp lễ vừa cười vừa hỏi lại :

- Long huynh tới thật là may mắn lắm, tiểu đệ đang cảm thấy khó xử.

Tiêu Dao chân nhân nghe hai người đối đáp mới biết hai người đã biết nhau trước, trong lòng càng tức giận thêm, liền cười một tiếng quay người lại.

Lúc ấy, Hổ Hùng đã đến gần chàng, Long Uyên lại cười và hỏi lại :

- Hổ huynh có sự gì nan giải thế, có thể nói cho tại hạ nghe không?

Hổ Hùng nghe nói mới biết chàng nọ đã mắc phải mưu kế, liền mỉm cười lớn tiếng đáp :

- Long huynh chưa biết đấy thôi, tiểu đệ có người bạn họ Phong tên Lan là cháu gái của Võ Di bà bà ở núi Võ Di. Tiểu đệ cùng cô ta kết bạn đi lên miền Bắc, giữa đường vì đuổi theo một tên đạo tặc nên hai người đã tạm chia rẽ mấy ngày. Lúc gặp lại, đệ thấy cô Phong Lan nói có một Mao Sơn yêu tặc thấy cô đẹp liền chọc ghẹo cô ta nhiều lần. Nàng tức giận vô cùng liền ra tay đả thương yêu tặc ấy, ngờ đâu lại để cho đối thủ đào tẩu mất. Chắc Long huynh chưa biết rõ nàng ta là người thế nào. Nàng chưa học hết chân truyền của Võ Di bà bà tay trái cầm kiếm, tay phải cầm lẵng hoa, không những tinh ảo tuyệt luân mà tính nết lại ngang tàng. Lúc ấy, tiểu đệ khuyên mãi cô ta, bảo rằng yêu đạo đã đụng chạm đến người cô, đã bị cô đả thương thì hà tất phải bận tâm làm chi. Nhưng nàng nhất định không nghe, cứ cương quyết đòi tới núi Mao Sơn này, và phải tìm ra đạo sĩ mới chịu thôi. Tiểu đệ cũng biết người Chưởng môn của Mao Sơn là Tiêu Dao chân nhân không những là bạn thân với gia sư, võ công của ông ta lại rất cao siêu và là một tay cao thủ hiếm thấy trên năm tỉnh miền Bắc này. Môn quy của phái Mao Sơn xưa nay rất nghiêm khi nào lại để cho đệ tử của mình có hành vi tồi bại như thế. Cho nên tiểu đệ mới hết sức khuyên ngăn, Phong Lan vẫn không chịu nghe. Nhân lúc tiểu đệ không để ý, nàng lẻn đi. Sau, tiểu đệ biết đuổi theo để ngăn cản, ngờ đâu vừa tới trước đạo quan đã bị bốn vị đạo trưởng trẻ tuổi vây lại tấn công không cho phép tiểu đệ nói, khiến cho tiểu đệ không sao biện bạch. Bây giờ...

Không những y nói rất có lý và còn tự giới thiệu lý lịch mình cho Tiêu Dao chân nhân biết nữa. Hơn nữa, y cũng cho đối phương biết Phong Lan là môn đồ của Võ Di bà bà, một nhân vật võ nghệ rất cao siêu nổi danh đã lâu, từ hồi năm mươi năm về trước, có thể ngang hàng với Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm Cô Độc Khách. Sở dĩ Võ Di bà bà được nổi tiếng là vì có một lần Cô Độc Khách đi du ngoạn tiện đường ghé thăm Võ Di bà bà. Hai người đã đấu với nhau năm ngày năm đêm liền. Võ Di bà bà chỉ chịu thua có một thế kiếm thôi.

Võ Di bà bà tuy bị Cô Độc Khách đánh bại, nhưng vì thế mà tiếng tăm lừng lẫy khắp nới, vì Cô Độc Khách là người vô địch thiên hạ, các đại môn phái ở Trung Nguyên bất cứ cao thủ tài ba đến đâu một đấu với một đều địch chưa tới trăm hiệp là bị Cô Độc Khách đánh bại ngay.

Trước kia, Võ Di bà bà rất ít người biết tới, không ngờ sau khi đấu với Cô Độc Khách luôn năm ngày năm đêm, kỳ tích hiếm có và kinh người ấy khiến thiên hạ võ lâm đều chấn động.

Hổ Hùng biết rõ điều ấy, cho nên y nhắc nhở cái tên của Võ Di bà bà là để cho Tiêu Dao chân nhân không dám hạ độc thủ. Mặt khác, y còn lại tâng bốc Tiêu Dao chân nhân và còn nhắc nhở tình bạn bè của ông với sư phụ của y. Như vậy, dù sao Tiêu Dao chân nhân cũng không dám hạ độc thủ giết một hậu sinh tiểu bối mà sư phụ của y lại là bạn cũ của mình. Quả nhiên Tiêu Dao chân nhân tuy bực mình Phong Lan phóng hỏa đốt đạo quan nhưng trong lòng vẫn còn phải kiêng dè nên đổi ý không giết chết họ nữa.

Long Uyên là người mới vào đời tất nhiên chàng tin lời nói của Hổ Hùng, nên chàng đã ngấm ngầm quyết định hòa giải cho đôi bên. Sự thật lời nói của Hổ Hùng chỉ đúng có một nửa, vì đến đây phóng hỏa là ý kiến của y chứ không phải là của Phong Lan.

Y mê Phong Lan và coi nàng như người yêu của y vậy. Nửa tháng trước, y kết bạn với Phong Lan rồi lên miền Bắc du ngoạn, giữa đường gặp Hoa Tùng Âm Sát Bốc Tường. Lúc ấy thấy Bốc Tường đang gây nên những vụ hái hoa ở vùng Sơn Đông, Phong Lan liền ra tay can thiệp đánh cho Bốc Tường một trận nên thân. Tên dâm tặc ấy võ công cũng lợi hại lắm, tuy bị thương nặng nhưng vẫn tẩu thoát được.

Phong Lan quyết tâm diệt trừ tên giặc ấy tới cùng nên đề nghị với Hổ Hùng mỗi người đi một đường để lùng bắt và nhất định phải tìm cho được Bốc Tường giết chết mới thôi.

Hổ Hùng đi về phía đông, khi tới thị trấn Tiểu Linh Sơn thì vừa gặp ngay Long Uyên rồi hai người giao đấu với nhau. Long Uyên muốn kết bạn với y nên chống đỡ chứ không đánh bại.

Hổ Hùng đã giở hết tài ba ra mà không sao thắng nổi, nên hậm hực bỏ kế hoạch tìm Bốc Tường và rời thị trấn đó đi kiếm Phong Lan. Lúc đó Phong Lan đang ở núi Thái Hàn, tất nhiên nàng tìm kiếm sao được Bốc Tường ở nơi đó. Nhưng nàng lại gặp đạo sĩ của Mao Sơn, bọn đạo sĩ thấy nàng trẻ đẹp lại đi một mình liền tới gần chọc ghẹo.

Vì tìm không thấy tên dâm tặc, Phong Lan đang bực tức lại thấy bọn đạo sĩ bất lương như vậy nàng liền nổi giận giở võ công gia truyền ra đánh cho bọn đạo sĩ một trận tơi bời, nhưng không giết chúng.

Sau Hổ Hùng tìm tới, hai người gặp nhau, Phong Lan kẻ lại chuyện này cho y nghe. Hổ Hùng nghe xong cả giận và biết bọn đạo sĩ đó là người của Mao Sơn, y liền chủ trương lên Mao Sơn tìm kiếm bọn Tiêu Dao chân nhân khiển trách một phen cho đỡ tức.

Đoạn trước đã nói, từ khi ra đời tới giờ y chưa hề gặp địch thủ nên mới tự kiêu tự đại như thế. Y tự cho thiên hạ nay ngoài sư phụ y ra thì không ai địch nổi y cả. Dù y gặp Long Uyên và tuy không thắng nổi đối phương nhưng y vẫn còn kiêu ngạo như thường. Cho nên hai người cùng lên Mao Sơn, một người ra mặt, một người ngấm ngầm đánh lén, vì vậy y mới ở cửa quan khích và nói rõ ý định của mình.

Nếu phái Mao Sơn trọng nghĩa mà trao dâm tặc ra thì thôi. Bằng không, Phong Lan sẽ ở chỗ tối phóng hỏa đốt đạo quan.

Phong Lan ra đời không lâu, tính lại hay tinh nghịch và cũng không hề bị ai đánh bại, nên chả biết trời cao đất rộng là gì cả. Nàng nghe kế hoạch của Hổ Hùng như vậy liền tán thành ngay. Thế là hai người đến đạo quan, một người ở trước cửa, còn một người lẻn vào phía trong.

Ngờ đâu thiên bất dung gian, khi Phong Lan sắp sửa phóng hỏa, trời bỗng đổ một trận mưa lớn, nên nàng không sao đốt được. Sau nàng mới tìm kiếm được củi, vừa châm đốt thì bọn đạo sĩ đã ra tay chữa luôn.

Phong Lan thấy bọn đạo sĩ xuất hiện đông tới mấy chục người đuổi bắt mình, nàng định theo kế hoạch đào tẩu, không ngờ bên địch số người quá đông ở ba mặt bao vây tới.

Tuy nàng rất tinh nghịch nhưng lại là người rất nhân hậu, nàng cảm thấy bọn đạo sĩ này không có thù oán gì với mình nên không muốn ra tay đả thương hay giết chết họ. Đồng thời nàng còn ở trên mái nhà rất cao, xa xa trông thấy Hổ Hùng đứng trước cửa quan chưa rút lui, mà cạnh y tuy có mấy đạo sĩ nhưng không thấy hai bên đánh với nhau, nàng lại tưởng Hổ Hùng đang cãi với bọn đạo sĩ cho nên nàng mới chạy tới.

Ngờ đâu, Hổ Hùng lại đổ hết vào đầu nàng, tuy ý định của y không tai hại cho lắm nhưng làm thế không phải là hành vi của một người quân tử.

Hổ Hùng chưa dứt lời, Phong Lan đã phi thân tới, chân vừa chấm đất, nàng đã mở miệng nói :

- Hổ đại ca! Vì trời mưa to, tiểu muội không sao đốt cháy được. Đại ca đã nói chuyện xong với đạo sĩ chưa?

Tiêu Dao chân nhân nghe thấy nàng ta nói vậy, cau mày lại tỏ vẻ bất mãn và thầm nghĩ: “Con nhỏ này kiêu ngạo thật, không còn coi ai ra gì cả”.

Long Uyên thấy Phong Lan ngây thơ và thẳng thắn một cách đáng yêu, nên dù mới gặp lần đầu, chàng đã có cảm tình với nàng ngay.

Hổ Hùng cau mày lại nhìn chàng không nói nữa, trong lòng oán thầm Phong Lan, vì bỗng dưng nàng quay trở lại mà thốt ra những câu không đâu vào đâu. Phong Lan bất chấp ai nghĩ gì thì nghĩ, nàng chạy tới cạnh Hổ Hùng trợn đôi mắt đen nhánh ngắm nhìn mọi người một lượt. Nàng vừa trông thấy mặt Long Uyên đã nhếch môi cười như hoa nở.

Hổ Hùng thấy vậy lòng ghen tức liền đùng đùng, “hừ” một tiếng rồi sầm nét mặt lại. Long Uyên thấy vậy ngạc nhiên vô cùng. Còn Phong Lan đúng yên ở đó tay trái cầm thanh bảo kiếm, tay phải cầm cái lẵng hoa nhỏ. Trong lẳng đựng đầy những bông hoa ngũ sắc rất đẹp nhưng không đẹp bằng người. Nàng đứng ở đó không khác gì một tiên nữ hạ thế vậy. Long Uyên ngắm nhìn nàng, ngấm ngầm so sách với Vân Tuệ, chàng cảm thấy khí chất của hai người tuy khác nhau nhưng sắc đẹp thì một người là hoa lan mùa xuân, một người là hoa cúc của mùa thu, không sao phân biệt được ai hơn ai kém cả.

Vì thế chàng đột nhiên thấy Phong Lan nhìn mình mỉm cười cũng đáp trả nàng bằng một nụ cười. Phong Lan tính hãy còn trẻ con, thoạt tiên nàng trông thấy Long Uyên có bộ mặt vừa đen vừa vàng lại có một cái sẹo to như thế trông rất kỳ lạ nên nàng mới nhếch môi cười như vậy. Nhưng khi thấy Long Uyên nhìn lại thì bỗng cảm thấy hai gò má đỏ bừng, trông ngực đập mạnh liền cúi đầu xuống. Đây là lần đầu tiên nàng cảm thấy trong người có sự khác lạ như vậy.

Trong khi đó, Tiêu Dao chân nhân đã lên tiếng nói, nàng lại ngẩng đầu lên nhìn, không hiểu nàng hữu ý hay vô tình đua mắt liếc nhìn Long Uyên một cái như mừng như hờn. Tuy vậy vẫn để ý nghe Tiêu Dao chân nhân nói :

- Con bé này là Phong Lan phải không? Sao vô duyên vô cớ lại phóng hỏa định đốt Mao Sơn đạo quan.

Năm nay đã mười sáu, Phong Lan ghét nhất người ta bảo mình còn nhỏ nên vừa nghe thấy Tiêu Dao chân nhân gọi mình là con bé, nàng không sao nhịn được liền cãi ngay :

- Lão đạo sĩ gọi ai là con bé? Cô nương ta trông thấy cái nhà này là tức rồi, muốn đốt thì đốt, các ngươi không có quyền can thiệp vào chuyện của ta.

Hổ Hùng đứng cạnh thấy vậy trong lòng kêu khổ thầm, chỉ sợ nàng làm cho đạo sĩ nổi giận thì không làm sao dàn xếp nổi, cho nên y vội kéo tay áo Phong Lan, khẽ bảo rằng :

- Lan muội...

Y vừa nói vừa đưa mắt ra hiệu bảo nàng im. Ngờ đâu, Phong Lan không những không nghe lời y, lại còn hất tay áo y ra lùi về phía sau ba bước, quay lại làm dữ với Hổ Hùng mà trả lời rằng :

- Sợ cái gì nào! Chẳng lẽ đạo sĩ này dám ăn thịt người hay sao? Đại ca sợ thì cứ đi trước đi.

Hổ Hùng nghe nói mặt đỏ bừng, trong lòng vừa yêu vừa hận nhưng không làm gì được nàng. Long Uyên đứng cạnh đó thấy Phong Lan chu miệng lên giận dỗi trông rất thích thú, liền cười khì một tiếng. Hổ Hùng quay đầu lại giận dữ lườm chàng một cái. Tiêu Dao chân nhân và mọi người đều nhìn cả vào mặt chàng. Phong Lan thấy Long Uyên cười bỗng cảm thấy trống ngực đập mạnh hơn, bao nhiêu nỗi tức giận đều tiêu tan hết. Long Uyên thấy mọi người nhìn mình thì ngượng ngùng vô cùng. Nhân đó, chàng vội giơ tay lên chào và nói rằng :

- Xin chào đạo trưởng! Tại hạ Long Linh Vân đi qua nơi đây thấy đạo trưởng với Hổ huynh tranh chấp, đứng quan sát mới biết hai bên đều hiểu lầm nhau. Cũng may Phong cô nương tuy định phóng hỏa nhưng chưa gây lên tai họa, đạo trưởng với sư trưởng của Hổ huynh lại là bạn cũ. Tục ngữ có câu: “Không nể Kim Cương cũng nể Phật”. Đạo trưởng là cao nhân đương thời, nên khoan hồng cho họ để khỏi bị tổn thương hòa khí của ba nhà và trái tôn chỉ của võ lâm. Chẳng hay đạo trưởng nghĩ sao?

Tiêu Dao chân nhân tuy nghe thủ hạ báo cáo nhà cửa chưa hề bị cháy căn nào nhưng nếu không trừng trị kẻ phóng hỏa, tin này đồn vào tai các nhân vật giang hồ thì danh dự của Mao Sơn mình thế nào cũng bị ảnh hưởng.

Nhưng nếu ra tay đấu, sau lưng Hổ Hùng với Phong Lan lại còn có sư phụ của chúng đều là những tay lợi hại cả, mình đánh học trò của họ thì khi nào họ để yên. Vì những lẽ ấy mà y nhất thời cứ trù trừ không biết nên giải quyết như thế nào cho phải.

Lúc này lão đạo sĩ thấy Long Uyên lên tiếng giảng hòa, y liền nghĩ ra một kế, cười nhạt một tiếng và đỡ lời :

- Các hạ là người qua đường đã nhiệt tâm khuyên bảo như thế thì đạo gia cũng không tiện làm trái ý các hạ. Nhưng các hạ phải biết trong võ lâm có luật lệ muốn can thiệp việc của người, thì mình phải có tài ba hơn người mới dám nhúng tay vào.

Nói xong, y ngừng giây lát, đưa mắt nhìn ba người rồi nói :

- Cho nên đạo gia muốn mời các hạ diễn một hai thế tuyệt kỹ. Nếu các hạ có thể thắng nổi ba đệ tử của bổn quan thì đạo gia này sẽ nghe lời khuyên bảo của các hạ mà tha thứ cho hai người kia không truy cứu nữa.

Thật là Long Uyên khuyên người chưa xong lại còn bị dây dưa vào mình!

Phong Lan thấy lão đạo sĩ không dám đối phó với mình mà lại làm khó dễ người qua đường yếu ớt như thế kia, nên tức giận khôn tả. Còn Hổ Hùng thì đắc chí, vẻ mặt hớn hở tươi cười ngay.

Long Uyên thấy Phong Lan có vẻ bất mãn như vậy biết nàng không muốn mình đấu với lão đạo sĩ, chàng vội lên tiếng trả lời ngay :

- Đạo trưởng nói như vậy tại hạ đành phải tuân theo tôn lệnh, nhưng tại hạ tài hèn sức mọn chỉ muốn quý vị đừng có xích mích thôi. Còn bây giờ tại hạ có ra tay đấy với quý đệ tử cũng chỉ muốn ấn chứng võ học chứ không mong muốn gây thù gây oán với nhau. Xin đạo trưởng ra lệnh cho lệnh cao túc hay khi trận đấu phân hơn thua là phải ngừng tay lại. Chẳng hay đạo trưởng nghĩ sao?

Tiêu Dao chân nhân thấy Long Uyên cứ khuyên can hoài như vậy mà thái độ lại rất trầm tĩnh, y càng không hiểu tài ba của chàng ra sao.

Nên nghe chàng nói, y liền suy nghĩ giây lát rồi đáp :

- Người trẻ tuổi đa số tính rất nóng nẩy, ít có người khiêm tốn và ôn hòa như các hạ. Đạo gia vui lòng nhận sự thỉnh cầu của các hạ, bảo môn hạ không đả thương các hạ.

Nói xong, y quay lại đưa mắt nhìn bọn đồ đệ, rồi gọi :

- Pháp Trần! Con ra đây đấu chưởng với thí chủ đây. Vừa rồi, sư phụ nói với người ta như thế, con đã nghe thấy chưa?

Pháp Trần chắp tay chào vâng lời :

- Đệ tử đã nghe rồi.

Nói xong, y liền đi ra đứng ở giữa quảng trường đợi chờ.

Long Uyên thấy Pháp Trần tuổi ba mươi, mặt trắng không râu, mình hơi cao, người hơi mập, hai mắt lóng lánh có thần, chỉ thoáng trông cũng biết nội công của y đã luyện tới mức cao siêu.

Pháp Trần là đệ tử thứ hai của Tiêu Dao chân nhân, xưa nay vẫn nổi tiếng là chưởng lực hùng hậu. Lúc này, y thừa lệnh ra đấu, y thấy đối phương chỉ là một hậu sinh trẻ tuổi, mặt mũi xấu xí như vậy nên không coi vào đâu hết. Vì thế mà y vênh váo đi ra quảng trường đứng yên, rồi cởi áo khoác bên ngoài ra, thuận tay vặn một cái rồi quăng về sau cho một đạo sĩ giữ hộ. Cái áo khoác ấy đi thẳng như một cây côn vậy. Chỉ với một thủ pháp vứt áo ấy cũng đủ thấy y lợi hại như thế nào.

Quý vị nên rõ, nếu nhúng ướt vải và quấn tròn thành cái gậy rồi dung nội công và khiến nó cứng như cây côn thì không khó khăn gì, nhưng áo hay vải khô vừa rời khỏi tay là xòa ra ngay làm sao mà dồn sức vào được?

Các đạo sĩ thấy Pháp Trần biểu diễn môn đó đều vỗ tay khen ngợi.

Phong Lan thấy vậy cũng phải ngại thầm cho Long Uyên.

Long Uyên biết đối phương có ý khoe tài, mỉm cười, chàng không cởi áo mà vẫn mặc áo dài ung dung chắp tay chào và nói :

- Nội công các hạ lợi hại thật. Vân mỗ xin lãnh giáo, mong các hạ nương tay cho.

Pháp Trần thấy chàng khách sáo như vậy cũng chắp tay chào đáp lễ và trả lời :

- Thí chủ quá khen đấy thôi, sự thật Pháp Trần tôi rất hèn mọn, không dám nhận lời khen của thí chủ. Vậy xin mời thí chủ ra tay đi!

Y vừa nói dứt lời, đã múa chưởng nhằm Long Uyên tấn công. Vừa ra tay y đã dùng thế Ngưỡng Quang Bắc Đẩu, một thủ pháp rất lợi hại của phái Mao Sơn.

Long Uyên vẫn đứng yên như thường không có vẻ gì phòng bị hết. Chàng chỉ giơ hai tay lên vái chào, đồng thời trả lời một câu :

- Mời đạo trưởng cứ tự tiện!

Nói xong, chàng lại đứng yên như chờ đợi.

Pháp Trần thấy vậy một mặt ngờ chàng không biết võ công, một mặt lại ngờ võ công của chàng quá cao siêu, cho nên mới khinh thường mình như thế. Đồng thời, y thấy chàng không cởi áo, không ra tay tấn công, nên y hết sức cẩn thận, bụng thì nghĩ thầm: “Nếu quả thật y không biết võ công thì mình còn thâu kịp lại. Nêu võ công của y cao thâm khôn lường thì ta sẽ đánh cho y không kịp trở tay”.

Pháp Trần nghĩ vậy đã vận khí ba vòng giơ bàn tay lên tiến tới cạnh Long Uyên, khẽ quát một tiếng “đánh”, hữu chưởng đã dùng ba thành công lực nhằm vai trái của đối phương tấn công luôn.

Long Uyên nghe tiếng gió biết ngay Pháp Trần là người có lòng nhân đức chưa dồn hết toàn lực ra tấn công mình. Chàng đợi chờ chưởng của đối phương sắp đánh trúng vai mình mới xoay người giơ tay lên chống đỡ, chỉ nghe thấy kêu “bộp” một tiếng rất giòn, hai người đã tránh sang hai bên. Công lực của cả hai đều ngang nhau. Pháp Trần giở thế đó ra là để thử tài Long Uyên, tuy chưa biết được công lực của đối phương ra sao nhưng đã biết đối phương là người biết võ công, vì thế y mới khẽ quát :

- Cẩn thận...

Nói xong, y dùng tả chưởng tấn công, lần này nhấn thêm hai thành công lực nữa nhằm hông bên trái Long Uyên công tới.

Long Uyên thấy Pháp Trần tốt bụng như vậy đã có thiện cảm ngay, nên lần thứ nhất đối chưởng chàng cũng dùng sức tương đương. Lúc ấy, chàng lại thấy đối phương dùng một chưởng đẩy tới, lần này chàng không đỡ, vội lui về trước rồi nhanh như chớp lướt tới sau lưng của Pháp Trần hữu chưởng lên đánh vào lưng đối thủ.

Pháp Trần chỉ trong nháy mắt đã mất kẻ địch và sau lưng lại có tiếng gió động, y chưa kịp thâu chưởng lại vội nhảy xổ về phía trước một bước và xoay người lại phản công luôn. Bỗng nghe thấy kêu “bộp” một tiếng, chưởng pháp chận đứng Thất Tinh Phương Vị, sau đó vận chưởng như núi và ra tay nhanh tấn công luôn.

Long Uyên không muốn Pháp Trần bị hại một cách mất sĩ diện, nên không giở tuyệt học ra, chỉ giở Huyền Thiên chưởng ra đối địch thôi.

Mọi người thấy hai người càng đấu càng nhanh càng kịch liệt, chưởng phong kêu “vù vù” và mạnh vô cùng, cỏ dưới đất bị hai người giẫm nát hết. Những người đứng ngoài xem đều chăm chú nhìn vào trận đấu. Tiêu Dao chân nhân thấy chưởng thức của Long Uyên biến hóa khôn lường, y càng xem càng thấy chưởng pháp của chàng càng lạ lùng, cho nên trong lòng hoảng sợ. Y là người có mấy chục năm kinh nghiệm giang hồ và đã gặp rất nhiều cao thủ rồi, nhưng chưa thấy ai sử dụng những chưởng pháp như của thiếu niên này cả, nên y nhận xét mãi mà không sao hiểu được lai lịch của thiếu niên xấu xí này. Đồng thời y thấy chưởng pháp của đối phương càng huyền ảo kỳ lạ vô cùng.

Trái lại, Pháp Trần giở hết pho Kim Cương chưởng pháp ra mà cũng chỉ giữ được không bại chứ muốn thắng thì thật là khó khăn khôn tả. Cho nên Tiêu Dao chân nhân vừa kinh hãi vừa thắc mắc không biết lai lịch của Long Uyên, và cũng không hiểu tài ba của chàng cao siêu tới mức nào? Lúc này, y thấy Long Uyên giở những chưởng pháp kỳ lạ mà hình như y chưa thấy bao giờ, nên y nhận thấy dù mình có đấu cũng chưa chắc thắng nổi Long Uyên.

Còn Hổ Hùng thì tự cho rằng nếu mình vào đấu với Long Uyên, chỉ cần giở Quy bộ pháp thì thế nào mình cũng thắng được Long Uyên một cách dễ dàng.

Phong Lan hãy còn tính trẻ con, thấy hai người đấu hăng như vậy thì khoái chí vô cùng. Nàng lại thấy chưởng pháp tinh kỳ của Long Uyên nên thích thú liền vỗ tay khen ngợi.

Hổ Hùng thấy nàng khen ngợi Long Uyên, lửa ghen lại bốc lên. Lúc ấy, Long Uyên mới sử dụng có năm thành Huyền Thiên chưởng. Còn Pháp Trần đã sử dụng mười thành chân lực rồi mà vẫn không sao hơn được chàng. Vì có thiện cảm với đối thủ, Long Uyên không muốn đánh cho Pháp Trần đại bại, nên chàng mới dùng năm thành công lực đối địch thôi chứ không nhấn thêm sức nữa. Cũng vì vậy mà trông chàng có vẻ ung dung lắm, chứ không mất chút hơi sức nào hết. Trái lại, Pháp Trần càng thấy mỏi mệt và cũng biết Long Uyên cố ý nương tay nhường mình chứ sự thật mình địch sao nổi đối phương, nên y cảm phục thầm và cũng kêu khổ thêm nữa. Vì chưa phân thắng bại cho nên y vẫn phải đấu cho tới cùng. Càng đấu bao nhiêu y nhận thấy chân lực càng tiêu hao bấy nhiêu, cứ đấu mãi như thế này y sẽ bị chết mệt mất. Nhưng y không dám ngừng tay lại, cố đấu tiếp và đã đấu được hơn sáu mươi hiệp rồi.

Tiêu Dao chân nhân thấy nhị đệ tử của mình mồ hôi đã toát ra ướt đẫm cả trán rồi, y hiểu nếu đấu thêm, đệ tử của mình sẽ rước lấy thảm bại, vì vậy liền quát :

- Ngừng tay!

Hai người liền ngừng tay, nhảy sang hai bên. Long Uyên sắc diện vẫn bình thường, chắp tay chào Pháp Trần rồi nói :

- Chưởng pháp của đạo huynh rất tinh ảo, tiểu đệ thành thật khen ngợi đạo huynh.

Pháp Trần nghe nói mặt đỏ bừng, giơ tay áo lên chùi mồ hôi rồi đáp :

- Long thí chủ quá khen đấy thôi. Thật ra thì thí chủ nương tay như vậy, bần đạo không lúc nào quên, xin cảm tạ thí chủ.

Nói xong, y chắp tay vái một cái. Long Uyên vội đáp lễ liền. Pháp Trần quay lại vái lạy Tiêu Dao chân nhân đang định xin lỗi thì lão đã phất tay áo một cái rồi nói :

- Lui xuống đi!

Pháp Trần vâng lời rút lui ngay. Tiêu Dao chân nhân cười hì hì quay lại hỏi Long Uyên :

- Võ công của các hạ thật bất phàm, không biết các hạ là môn đệ của ai?

Long Uyên nghe nói ngẩn người ra nghĩ thầm: “Người hỏi ta như thế cũng như không! Sự thật ta có biết ta là môn hạ của ai đâu!”

Quả thật, chính chàng cũng không biết sư phụ của mình là ai, nếu nói sư phụ thật của chàng thì phải nói là Vân Tuệ mới đúng. Nhưng bây giờ Tiêu Dao chân nhân hỏi đến sư môn thì chàng biết trả lời ra sao! Nhưng chàng lại không phải là người xảo trá nên chần chừ giây lát rồi đáp :

- Đạo trưởng không biết đấy thôi. Tại hạ vô môn phái, sư trưởng đều qua đời cả rồi, xin đừng nhắc đến nữa!

Tiêu Dao chân nhân nghe nói cười nhạt một tiếng, nói tiếp :

- Thôi được, nếu các hạ nói như vậy, đạo gia cũng không hỏi nữa làm chi. Chưởng pháp đã đấu xong, để đạo gia thân chinh ấn chứng võ công của các hạ, chẳng hay các hạ nghĩ sao?

Long Uyên nghe nói lại ngẩn người ra, vì vừa rồi lão đạo sĩ đã bảo môn hạ đệ tử ra tay đấu với mình, bây giờ y lại thân chinh ra đấu, nên chàng mới phân vân như vậy. Sự thật, Tiêu Dao chân nhân thấy chưởng pháp của chàng huyền ảo như thực như hư khiến người ta khó mà đoán nổi được.

Lại thấy chàng mặt tuy xấu xí nhưng cốt cách rất thanh kỳ, quả thật là một người luyện võ rất tốt, nếu để chàng có thời gian tập tành không lâu chàng sẽ đứng đầu các môn phái cũng không chừng, hay là trở nên Cô Độc Khách thứ hai cũng nên!

Tiêu Dao chân nhân nghĩ vậy liền động lòng thi tài, lại nghe chàng bảo vô môn vô phái lại càng muốn giết chàng hơn, nên y mới định dùng kiếm giết chàng ngay tại chỗ mới hả dạ.

Phong Lan đứng cạnh đó thấy lão đạo sĩ đòi thân chinh ra đấu, trong lòng liền kinh hãi và tức giận, lên tiếng chửi mắng rằng :

- Lão đạo sĩ kia thật không biết xấu hổ! Sao vừa rồi ngươi nói gì mà bây giờ lại thay đổi?

Tiêu Dao chân nhân bị nàng mắng chửi mặt đỏ bừng, hậm hực nhìn một cái. Hổ Hùng thấy vậy giật mình, vội đưa mắt ra nhìn bảo nàng đừng nói nữa.

Long Uyên liền cười và nói với nàng rằng :

- Cô nương khỏi phải quan tâm! Đạo trưởng có nể mặt tại hạ thì mới chịu ra ấn chứng như thế, và trận này cũng chỉ phân hơn thua mà ngừng tay. Được học hỏi những tuyệt kỹ của Mao Sơn như vậy, tại hạ rất mong muốn.

Phong Lan lườm chàng một cái, bụng rủa thầm: “Thằng ngốc này chả biết nếp tẻ gì hết! Cô nương chủ trì chánh nghĩa trách lão đạo sĩ nuốt lời, ngươi lại còn nói giúp y. Thôi được, chờ lát nữa ngươi địch không nổi lão đạo sĩ, xem cô nương này có can thiệp không nào. Ta chả thèm giúp ngươi nữa, ngươi mặt xấu thế kia có chết ta cũng chẳng cần để ý tới nữa”.

Rồi nàng lại nghĩ tiếp: “Y xấu xí đó là trời sinh ra, làm sao mà thay đổi được. Ta không thể vì y xấu mà mắng chửi y như thế. Thật ra tính nết của y cũng tốt lắm. Xem y khiên hòa biết bao. Y có giống Hổ Hùng làm bộ làm tịch khinh người đâu! Cái gì y cũng nghĩ cho người trước rồi mới nghĩ cho mình. Vừa rồi, rõ ràng y thắng Pháp Trần thấy rõ vậy mà cứ bảo là hòa... Hơn nữa, sao nụ cười của y lạ lùng và đáng yêu đến thế...”

Nghĩ tới đó, nàng không biết vì phấn khởi hay vì hổ thẹn, hai má bỗng đỏ bừng. Lúc này trông nàng đẹp thật. Hai má có hai núm đồng tiền, hai hàm răng nàng vừa đều vừa trắng như ngà. Nàng lại nghĩ: “Nếu mặt y không vàng khè và không có vết sẹo thì đẹp trai biết bao. Như vậy, chắc ta phải thích y lắm. Có lẽ ta còn thích y còn hơn là Hổ Hùng nữa”.

Nghĩ đến Hổ Hùng, nàng đưa mắt nhìn, thấy y đang chăm chú nhìn vào trận đấu. Nàng nhìn theo đôi mắt của Hổ Hùng, nàng giật mình đánh thót một cái, vì lúc ấy Long Uyên với Tiêu Dao chân nhân mỗi người đang cầm một thanh kiếm đấu với nhau. Nàng vội rút thanh kiếm ra cầm ở tay từ từ tới gần, định bụng hễ Long Uyên địch không nổi đối phương thì nàng sẽ ra tay cứu giúp ngay.

Sự thật, Long Uyên tuy thiếu kinh nghiệm lâm trận, và chàng cũng không hiểu công lực có bằng hay hơn công lực của Tiêu Dao chân nhân không. Nhưng khi ở nhà chàng nghe cha chàng, Long Chí Dũng nói: “Thiên hạ võ lâm kiếm thuật, các môn phái đều có những thế kiếm độc đáo riêng và các môn phái nào cũng có nhân vật nổi tiếng”.

Vì thế, Long Uyên đã sớm biết người Chưởng môn của phái Mao Sơn này khét tiếng xa gần và kiếm pháp cũng lừng danh lắm.

Nói đến kiếm thuật của Mao Sơn có thể nói là một pho kiếm pháp đứng đầu ở năm tỉnh miền Bắc. Thiên Cương kiếm pháp có bốn mươi chín thế tuần hoàn tấn công liên miên bất tuyệt.

Nếu người nào không biết rõ lai lịch của pho kiếm pháp này thì khó mà phòng bị nổi và chưa chắc chống đỡ được vài thế. Chí Dũng đã phân tích pho kiếm pháp này cho Long Uyên nghe và bảo nếu gặp cao thủ của Mao Sơn mà sử dụng cách kiếm pháp này thì bất cứ họ biến hóa như thế nào mình cũng phải dùng cách bất biến đối phó vạn biến. Như vậy dù mình không thắng nổi đối phương thì cũng không đến nỗi bị đánh bại. Long Uyên đã biết rõ bí quyết đó nên không sợ hãi chút nào và chàng cũng muốn thử xem Thiên Cương kiếm pháp của phái Mao Sơn lợi hại ra sao.

Tiêu Dao chân nhân thấy Long Uyên bằng lòng ra đấu, trong lòng hổ thẹn vô cùng, không cám ơn thì chớ, y lại còn chửi thầm: “Có lẽ tiểu tử này số chết đã tới”.

Nghĩ đoạn, y liền rút thanh trường kiếm ra, y thấy Long Uyên không có kiếm liền bảo môn hạ cho chàng mượn một thanh. Sự thật, lúc nào Long Uyên cũng mang theo thanh Đơn Thiết kiếm nhưng vì thanh kiếm ấy rất ngắn nên giấu ở trong áo, người ngoài không sao thấy được. Hơn nữa, chàng biết thanh bảo kiếm của mình rất sắc bén, đem ra đấu chỉ hơi chạm vào kiếm của đối phương một nhát là kiếm của đối phương bị gãy liền. Nếu chặt gãy bảo kiếm của người Chưởng môn của phái Mao Sơn thì đối phương còn mặt mũi nào đấu với mình nữa, vì vậy chàng đành mượn kiếm của môn hạ phái Mao Sơn để sử dụng là thế.
Bình Luận (0)
Comment