Quán Trọ Hoang Thôn

Chương 32


Bỗng nhiên, ánh mắt tôi chạm vào tấm bình phong dưới ánh đèn dầu tù mù, có thể nhìn lơ mơ vài họa tiết tinh xảo. Tôi vội vàng bưng đèn dầu tiến sát lại tấm bình phong.
Đây là một bức bình phong bốn cánh bằng sơn dầu, cao khoảng hai mét, rộng bốn mét. Khung bình phong được làm bằng gỗ, ở giữa sơn đỏ, tuy năm tháng trôi qua đã khiến nó bị phai màu, nhưng dưới ánh nến vẫn còn tàn lưu chút sắc màu rực rỡ. Bình phong có thể gấp thành bốn cánh, trên mỗi cánh đều vẽ tranh màu, chắc là sản phẩm của đời Thanh trước đây.
“Trời ơi, đây chính là một thứ đồ cổ đấy!” Tôi không kìm nén được thốt lên.
Tôi thật sự không ngờ rằng thứ đồ cổ quý như vậy lại được đặt trong căn phòng trống, còn để người lạ như tôi ở trong đó, quả thật không biết trong “Tiến Sĩ Đệ” này còn cất giấu bao nhiêu báu vật nữa? Tiểu Chi không trả lời, ánh mắt cô ấy có chút kì lạ. Tôi không buồn để ý mà tỉ mỉ nhìn tranh trên bình phong, phong cách hơi giống tranh minh họa trong sách cổ, chỉ là niên đại quá xa mà thôi, màu sắc xem ra hơi nhạt. Nhưng khiến người ta kinh ngạc hơn chính là nội dung những bức vẽ trên tấm bình phong này.
Cánh thứ nhất bên trái bình phong là một đôi nam nữ, người phụ nữ đẹp mê hồn, ngồi tựa vào cửa mái nhà tranh, còn người đàn ông khoác hành lí dáng vẻ như sắp phải đi xa, hai người nhìn nhau đầy lưu luyến, xem ra là cảnh đôi vợ chồng lưu luyến li biệt, có chút mùi vị “Rừng phong ai nhuộm đỏ tươi, phải chăng nước mắt của người biệt li.”
Chính giữa cánh bình phong thứ hai vẫn là người phụ nữ đó, hình như đang đau buồn khóc lóc, trước mặt cô ấy là một tăng nhân diện mạo kì dị. Trên tay tăng nhân có cầm một chiếc sáo trúc đang đưa nó đến trước mặt cô gái. Tôi lắc lắc đầu, nhìn không hiểu bức tranh này.
Trên cánh bình phong thứ ba vẽ cảnh trong phòng, người phụ nữ đang ngồi một mình trên chiếu trúc, tay cầm chiếc sao đưa lên môi, hình như là đang thổi sáo. Và trên xà nhà trong tranh treo một dải lụa trắng dài ba thước, lẽ nào cô ấy muốn treo cổ tự vẫn? Cả bức tranh bao trùm sự thê lương và sát khí khiến người ta nổi da gà.
Cánh bình phong thứ tư vẫn vẽ cảnh trong phòng, giữa phòng là một người đàn ông, bên cạnh anh ta có đặt một chiếc quan tài sơn đỏ! Đáng sợ hơn ở chỗ, nắp quan tài được mở ra. Tay người đàn ông vẫn cầm chiếc sáo vẻ mặt kì dị quá đỗi. Nhìn bức tranh này, tay tôi đang cầm đèn pin không khỏi run rẩy, ánh lửa không ngừng phập phồng, vài bóng đen kì dị trên bình phong lay động, dường như người đàn ông trong tranh đang thực sự bước từ trong tấm bình phong ra, tôi lập tức sởn cả tóc gáy, tay chân cuống quýt làm đổ cả chiếc đèn dầu.
Tôi há hốc mồm kinh ngạc: “Tiểu Chi, tấm bình phong này thực sự rất kì quái, bốn bức tranh này nghĩa là gì?”
Cô ấy chau mày, do dự hồi lâu mới rầu rĩ nói: “Tấm bình phong này là câu chuyện của Yên Chi.”
“Yên Chi là ai?”
Ánh đèn dầu leo lét lại ánh đỏ lên khuôn mặt Tiểu Chi, cô ấy rủ rỉ rù rì kể: “Vào những năm Gia Tĩnh triều Minh, Hoang thôn có một đôi vợ chồng trẻ, người vợ tên là Yên Chi. Hai vợ chồng sống cuộc sống thanh bình sớm tối có nhau, điều đáng tiếc duy nhất là họ không có con. Sự thanh bình chẳng mấy chốc đã bị chiến tranh tàn phá, lúc đó vùng ven biển Chiết Giang chiến tranh liên miên, cướp biển Nhật Bản thường xuyên ẩn hiện, giai đoạn lịch sử này chắc anh cũng biết rồi phải không?”
“Đương nhiên, những năm Gia Tĩnh triều Minh là lúc cướp biển hoành hành nghiêm trọng nhất, và Chiết Giang cũng là trọng điểm mà cướp biển công kích.”
“Năm đó, quan triều đình đã đến Hoang thôn để chiêu binh, cưỡng chế chồng Yên Chi nhập ngũ để đi đánh trận ở tỉnh ngoài. Tuy hai vợ chồng Yên Chi vô cùng yêu thương nhau, nhưng trước chiến tranh thì chẳng còn cách nào cả. Người chồng trước khi lên đường đã hẹn ước với Yên Chi: Tết trùng dương ba năm sau, anh ấy nhất định quay trở về cùng cô tương ngộ, nếu như đến lúc đó mà vẫn không gặp được nhau, hai người sẽ cùng nhau tự tử vì tình vào đúng đêm tết trùng dương. Trong những ngày chồng đi xa, Yên Chi luôn thấp thỏm bất an, kìm nén sự cô đơn trong Hoang thôn, một mình với căn phòng trống vắng, khốn khổ chờ chồng quay về. Thời gian dần trôi qua, thoáng cái ba năm đã qua đi, tết trùng dương đã cận kề, còn người chồng phương xa vẫn bặt vô âm tín. Yên Chi ngày ngày đều ra cổng Hoang thôn ngóng chờ nhưng vẫn không thấy chồng trở lại. Vào trước đêm tết trùng dương, cô ấy đã gặp một tăng nhân đi khất thực ở cổng thôn. Tăng nhân vừa nhìn là đã hiểu thấu tâm can của cô ấy và liền đưa cho cô một chiếc sáo.”
“Sáo?” Tôi phát hiện lúc cô ấy kể câu chuyện này, đôi mắt ẩn chứa bóng tối dường như đang ánh lên những tia sáng dị thường.

“Đúng vậy, tăng nhân đã trao cho cô ấy một chiếc sáo rồi dặn dò hãy thổi chiếc sáo này vào đúng đêm tết trùng dương thì chồng cô sẽ trở về. Đêm tết trùng dương, Yên Chi chờ đợi trong nhà, cô đã chuẩn bị sẵn một dải lụa dài ba thước, ngộ nhỡ người chồng không trở về thì sẽ tự tử vì tình theo lời nguyện ước. Nửa đêm, người chồng vẫn chưa trở về, cô ấy đành làm theo lời dặn của tăng nhân, thổi chiếc sáo đó lên. Cô ấy đem mọi nỗi tương tư và đau khổ gửi gắm cả vào trong tiếng sáo. Tiếng sáo đêm trùng dương như tiếng khóc thút thít, u sầu bay bổng khắp núi non và bờ biển Hoang thôn. Sau khi tiếng sáo kết thúc, Yên Chi đã chuẩn bị thắt dải lụa trắng ba thước trên xà nhà. Bỗng nhiên, cô ấy nghe thấy tiếng gõ cửa nặng trĩu.”
Tim tôi giống như bị cô ấy tóm lấy, lập tức thở hắt ra: “Chồng của Yên Chi trở về rồi?”
“Đúng. Dưới ánh trăng lạnh lẽo, Yên Chi nhìn thấy người chồng mà mình ngày đêm mong nhớ đang đứng ngoài cửa. Người chồng dáng vẻ phong trần mệt mỏi, thậm chí trên người vẫn còn bộ giáp trụ chưa trút xuống. Cô ấy mừng vui khôn xiết chạy ra cửa đón chồng, giúp anh tháo bỏ bộ quần áo giáp sắt đánh trận, bưng trà nóng cho anh, cô ấy đã gột rửa bụi trần cho chồng bằng sự ấm áp dồn nén ba năm qua. Có lẽ là do vất vả trở về từ nơi xa xôi ngàn dặm, khuôn mặt người chồng trở nên trắng bệch, cơ thể suy nhược, không nói lấy một câu. Yên Chi chỉ có thể dịu dàng hầu hạ chồng ngả lưng. Mấy hôm sau, người chồng nhất mực trốn trong nhà không dám ra ngoài, có lẽ anh ta đã đào tẩu về nhà. Tuy Yên Chi luôn cảm thấy chồng mình có biểu hiện rất lạ, nhưng họ vẫn cùng nhau trải qua vài đêm hạnh phúc.”
“Đại đoàn viên rồi?” Tôi bỗng có chút thất vọng.
“Không… vài hôm sau khi người chồng trở về, vào một đêm Yên Chi lại thổi sáo, có lẽ là muốn thổi để cho chồng nghe. Nhưng người chồng vừa nghe thấy tiếng sáo đã lao bắn ra ngoài cửa. Yên Chi đuổi theo sau, nhưng chỉ nhìn thấy một vùng tối đen bên ngoài Hoang thôn, sương khói bao trùm khắp nơi, người chồng đã mất tích trong một rừng cây bị sương khói phủ kín. Yên Chi lúc đó vô cùng ân hận, cô ấy tìm kiếm khắp nơi ba ngày ba đêm nhưng mãi vẫn không thấy tung tích của chồng đâu, anh ta giống như một ảo ảnh bị tiếng sáo trong bóng đêm nuốt chửng vậy. Lại qua mấy hôm sau, vài người trong thôn cũng bị ép gia nhập quân đội cùng chồng Yên Chi trước đây đã trở về rồi, họ nói với cô ấy, chồng cô đã chết trận vào đúng đêm trùng dương mười mấy ngày trước. Yên Chi không tin, nhưng rất nhiều người đã đều tận mắt chứng kiến chồng cô chết. Còn có cả những người biết chuyện kể lại, đêm tết trùng dương đó, chồng cô ngoài sa trường xa xôi ngàn dặm, biết mình không thể thực hiện lời hẹn ước trở về với vợ nên đã cố ý xông lên tuyến đầu trong chiến sự ác liệt. Kết quả là bị loạn tên của cướp biển bắn chết. Anh ấy với danh nghĩa chết trận nhưng thực tế là tự tử vì tình, lấy cái chết để thực hiện lời nguyện ước với vợ.”
“Vậy thì người đàn ông trở về nhà vào cái đêm trùng dương đó là ai?”
“Hồn ma.” Tiểu Chi chậm rãi thốt ra hai từ đó. “Là hồn ma của chồng Yên Chi, trở về vào đúng đêm tết trùng dương.”
“Tôi hiểu rồi, chồng của Yên Chi đã chết trận trong tết trùng dương để hồn mình có thể bay qua vạn núi ngàn sông trở về cố hương, trở về bên người vợ thân yêu của mình. Và khi Yên Chi thổi chiếc sáo của tăng nhân du hành trao cho cô ấy, tiếng sao thần bí đã lan tỏa khắp trời đêm, có thể giúp linh hồn cô quả của người chồng tìm thấy đường về nhà.”
Tôi run rẩy trong lạnh giá nói hết câu này, bỗng nhiên cảm thấy câu chuyện này lãng mạn tột đỉnh nhưng cũng khủng khiếp tới tột đỉnh.
“Anh sao thế?” Tiểu Chi khẽ hỏi bên tai tôi.
Lúc này tôi mới ý thức được sự thất thần của mình: “Xin lỗi, làm cô sợ hãi. Thế Yên Chi sau đó ra sao?”
Tiểu Chi đang chuẩn bị nói tiếp thì một âm thanh kì lạ bỗng từ bên ngoài vọng vào, là tiếng sáo! Nó mang theo giai điệu kì dị nào đó, giống như lưỡi dao sắc nhọn rạch nát màn đêm tối đen của Hoang thôn.
Sắc mặt cô ấy cũng lập tức biến đổi, cô tự bụm miệng mình lại rồi ra mở cửa sổ, nhưng trong màn đêm chẳng thấy rõ gì cả. Tôi cũng bị tiếng sáo làm dựng cả tóc gáy, lúc nhỏ có học qua thổi sáo, đến nay vẫn biết thổi vài giai điệu, nhưng tiếng sáo đáng sợ thế này thì từ trước đến nay chưa từng nghe thấy.
Tiểu Chi bất giác sát lại gần tôi, tôi thuận tay khoác vai cô ấy. Tiếng sáo hình như đến từ ngọn núi bên ngoài Hoang thôn, chúng tôi không nhận biết được phương hướng, bỗng chốc không biết phải làm thế nào. Yên Chi thì thào: “Không, tôi không thể nói tiếp được nữa, anh nghỉ sớm đi nhé.”
Tôi vẫn muốn nói điều gì đó, nhưng thấy khuôn mặt hoảng sợ của Tiểu Chi nên đành không nói thêm gì cả. Tiểu Chi chạy ra khỏi phòng, căn gác sập sệ sắp đổ phát ra chuỗi âm thanh hòa quyện cùng tiếng sáo khiến tim tôi đập thình thịch.
Vài phút sau, tiếng sáo đột nhiên biến mất, ngôi nhà cổ lại phục hồi trạng thái im ắng tĩnh mịch. Lúc này, cả căn gác gỗ chỉ còn lại mỗi mình tôi, câu chuyện kì dị trong những bức tranh trên tấm bình phong cổ đang hiện lên trước mặt tôi, không biết người trong bình phong có chạy ra ngoài lúc đêm tối không nữa? Phải chăng thực ra tôi cũng đã từng được nghe kể về kiểu truyện kì dị này.
Tôi lấy chăn bông trải lên giường, tức tối chui vào đó. Đây là đêm đầu tiên tôi ở Hoang thôn, thần kinh và cơ thể của tôi đều mệt mỏi cực độ, chẳng mấy chốc đã ngủ thiếp đi…
Sau nửa đêm tôi lại tỉnh dậy, phát hiện toàn thân mình đang run rẩy, mồ hôi hột lấm tấm trên trán. Dự cảm kì lạ xâm chiếm đầu óc và tâm trí tôi, nhịp tim thình thịch dường như khiến tôi nức nở. Sao lại thế này? Tôi bò dậy trên chiếc giường gỗ, trong phòng tối om, tĩnh lặng như đã chết.
Tôi mặc quần áo lên, cẩn thận rón rén bước ra khỏi phòng. Ngoài cửa phòng là dãy hành lang được làm từ gỗ, đêm đông lạnh giá mông lung, tôi chỉ có thể lờ mờ thấy viền bao quanh của “Tiến Sĩ Đệ” giống như một ngôi mộ cổ đại.
Bỗng nhiên, tôi cảm thấy một luồng hơi thở kì dị, tôi run rẩy quay đầu lại, dồn mắt về phía căn phòng bên cạnh.
Ánh nến xuyên qua cửa sổ.
Trời ơi, tôi suýt nữa hét lên, đó là căn phòng đóng cửa để không, sao nửa đêm lại sáng ánh nến như vậy? Tôi vẫn không kìm chế được mình, trước tiên là mút ướt ngón tay, khẽ khàng chọc thủng một lỗ nhỏ trên cửa sổ giấy.
Khuôn mặt tôi từ từ áp sát cửa sổ, dán mắt lên chiếc lỗ nhỏ đó. Kích cỡ chiếc lỗ vừa vặn để tôi có thể nhìn thấy cảnh tượng trong phòng. Trước bàn trang điểm kiểu dáng tao nhã có thắp một ngọn nến, ánh nến mịt mờ phập phòng soi sáng một bóng dáng trước bàn trang điểm.
Là một phụ nữ mặc áo trắng, cô ấy đang quay lưng lại phía tôi, tuy trước bàn trang điểm có tấm gương nhưng đã bị đầu cô ấy che mất, bởi vậy tôi không có cách nào để nhìn thấy mặt cô ấy. Từ hình thể sau lưng có thể thấy đó là một cô gái trẻ.
Tay cô ấy cầm một chiếc lược gỗ màu nâu, đang từ từ chải tóc. Tóc cô ấy vừa dài vừa đen, lấp lánh dưới ánh nến. Cô ấy hơi nghiên người, tay phải cầm lược, tay trái đỡ tóc giống như thác nước đang đổ lên sườn. Cô ấy cứ ngồi như vậy trước bàn trang điểm, hình như tất cả tâm trí đều tập trung vào chải và chải…
Trong đêm đông lạnh giá của ngôi nhà cổ “Tiến Sĩ Đệ” này, qua lỗ nhỏ trên cửa sổ giấy tôi đã nhìn thấy cảnh tượng khiến người ta không thể hiểu nổi, giống như đang nhìn thấy cảnh tượng của một thời đại khác.
Tôi thật sự rất sợ hãi nhưng nín nhịn để không hét lên. Tôi khẽ khàng lui lại một bước thì mới phát hiện chân mình đã mềm nhũn ra. Tôi lập tức về phòng mình, quệt mồ hôi trên tán, nhưng vẫn không dám thót lên, bởi vì cô gái đó ở ngay sát vách phòng tôi.
Nghĩ tới đây tôi lại không dám ngủ nữa, tôi khẽ khàng cuộn tròn trên giường, tuy mắt nhắm nghiền nhưng đầu óc vẫn không ngừng hiện lên cảnh tượng đó.
Cô ấy là ai?
- 3 -

Sáng hôm sau, trong tiền sảnh ngôi nhà cổ, Tiểu Chi đang đợi tôi ăn sáng.
Tôi khẽ nói: “Hoang thôn đúng là một nơi độc nhất vô nhị, vừa khiến người ta tò mò, vừa khiến người ta sợ hãi.”
“Đây là cũng là nguyên nhân mà tôi thích tiểu thuyết của anh.”
“Tiểu Chi, tiếng sáo đêm qua rốt cuộc là thế nào? Sao lại đáng sợ như vậy? Lẽ nào lo sợ tiếng sáo sẽ dẫn hồn ma quỷ về sao?”
Nhưng tôi vẫn chưa dám kể cho Tiểu Chi nghe về người con gái chải đầu sau nửa đêm mà tôi nhìn thấy.
“Suỵt, nói nhỏ chút!” Nhìn điệu bộ của Tiểu Chi như đang sắp bịt miệng tôi lại, cô ấy ngẩng đầu nhìn lên bức chân dung treo chính giữa phòng khách, người đàn ông mặc quân phục triều Minh đang lạnh lùng nhìn chúng tôi.
“Cô sợ những gì chúng ta nói bị ông ấy nghe thấy?”
Tiểu Chi không trả lời thẳng, cô ấy hình như rất khiếp sợ người trong bức tranh: “Tôi đương nhiên không tin ma quỷ trong truyền thuyết. Nhưng ở đây là Hoang thôn, khác với những nơi khác.”
“Hoang thôn có ma sao?”
“Tôi không phải ý đấy. Nhưng Hoang thôn có tập tục riêng của mình, anh không cần quan tâm nhiều, nhanh chóng ăn sáng đi.”
Buổi sáng, tôi muốn đi lòng vòng gặp gỡ những thôn dân nhưng bị cô ấy dứt khoát ngăn lại. Cô ấy dẫn tôi ra khỏi thôn bằng một con đường nhỏ, không ai phát hiện ra chúng tôi. Cả một buổi sáng, chúng tôi đều đi dạo trên những ngọn núi hoang vu không một bóng người gần đó.
Sau bữa tối, tôi nghe thấy Tiểu Chi và cha cô ấy nói chuyện trong phòng, họ hình như không vui vẻ lắm. Âu Dương tiên sinh từ phòng Tiểu Chi đi ra, dáng ông bước đi trong đêm tối thật giống một xác chết.
Tôi lặng lẽ lên cầu thang của Tiểu Chi, đẩy cửa phòng cô ấy.
“Ngại quá, ban nãy tôi vừa nghe được mấy câu.” Tôi lúc đó có chút bối rối. Phòng cô ấy rất sạch sẽ, trên tường còn quét vôi, còn có cả ti vi và máy vi tính, chỉ có vài cánh cửa sổ khiến người ta nhớ tới đây là một ngôi nhà cổ. “Xảy ra chuyện gì? Có phải cha cô cảm thấy tôi đã quấy nhiễu cuộc sống yên bình của hai cha con cô không?”
“Không, không phải.” Tiểu Chi hình như có chút căng thẳng, bất giác lùi về phía bàn học.
Lúc này tôi mới chú ý tới trên bàn có đặt một khung ảnh, bên trong có tấm ảnh đen trắng của Tiểu Chi, cô ấy trong ảnh thật hấp dẫn, chỉ có ánh mắt là phảng phất buồn. Nhưng trong bức ảnh này lại có một cảm giác rất khó nói thành lời, tôi không kìm chế được hỏi: “Tiểu Chi, bức ảnh này của cô chụp lúc nào thế?”
Cô ấy không lập tức trả lời, ngập ngừng một lúc mới rầu rĩ nói: “Người trong bức ảnh này chết từ lâu rồi.”
“Cái gì? Cô đừng có dọa tôi chứ.” Sống lưng tôi lạnh toát.
“Đây là ảnh của mẹ tôi.”
Căn phòng trĩu nặng hồi lâu, tôi thực sự không ngờ rằng hai mẹ con cô ấy lại giống nhau đến vậy.
“Lúc tôi còn rất nhỏ, mẹ tôi đã lâm bệnh rồi qua đời, bà đã mất trong căn gác mà anh đang ở. Một mình cha nuôi tôi khôn lớn, tôi chỉ có thể nhìn thấy bóng dáng mẹ qua ảnh.” Tiểu Chi buồn bã trả lời, ánh mắt u sầu của cô ấy giống như đúc người trong ảnh.
“Xin lỗi.” Tôi có chút áy náy nhìn cô ấy, hít một hơi thật sâu nói. “Cha cô chắc rất yêu cô.”
Tiểu Chi không trả lời, không khí trong phòng càng lúc càng bối rối, tôi đành vội vã rời khỏi đây.
Trở về phòng mình, tôi không dám ngủ, chỉ có thể thắp ngọn đèn dầu, khoác áo khoác cuộn tròn trên giường. Dưới ngọn đèn dầu cô độc, tôi hoảng hốt thức trắng đêm nay.
Bỗng nhiên, tiếng sáo từ nơi xa xăm truyền đến tai tôi. Tôi nhảy thót lên như bị kim châm, lắc đầu lia lịa, hi vọng rằng tiếng sáo này là ảo giác.
Tiếng sáo vẫn đang tiếp tục. Tôi không thể kìm nén được sự kích động của mình bèn xách đèn dầu lặng lẽ ra khỏi “Tiến Sĩ Đệ.”
Hoang thôn nửa đêm mang một bầu không khí chết chóc, chỉ có tiếng sáo trên núi đang du dương bay bổng. Tôi ra khỏi cổng thôn, đứng dưới tấm bia tiết hạnh nhìn ngó xung quanh, những dãy núi liên miên trong bóng đêm giống như một tòa lâu đài nghiêm ngặt. Tôi nhằm thẳng vào đỉnh núi cao nhất, xách đèn dầu chạy về hướng đó. Quả nhiên, tiếng sáo kì dị càng lúc càng rõ, xem ra tôi đã tìm đúng hướng rồi.
Trăng lên, ánh trăng lạnh lẽo đang đâm thủng mây đen trong bóng đêm, rắc lên núi hoang trơ trọi.
Bỗng nhiên, tôi cảm thấy hình như tiếng sáo vang lên từ phía sau lưng, tôi vội vàng nhìn lên khe núi đằng sau, chỉ thấy dưới ánh trăng bàng bạc có một bóng đen đang đứng, còn tiếng sáo thê lương thì đột ngột im bặt.
Tôi xách đèn dầu chạy về phía bóng đen đó. Bóng đen không hề chuyển động, đứng im tại chỗ như một cái cây. Tôi giơ đèn dầu lên soi, dưới ánh đèn mờ ảo, khuôn mặt tiều tụy hốc hác hiện ra.

“Âu Dương tiên sinh?”
Tôi kêu lên kinh ngạc, bóng đen này hóa ra là cha Tiểu Chi! Trên tay ông ấy đang cầm một chiếc sáo.
Âu Dương tiên sinh theo phản xạ lấy tay che mặt, miệng lầm rầm nói: “Sao cậu lại tới đây?”
“Đây… đây là thế nào?” Trên đỉnh núi cao cao trong bóng đêm, ánh trăng âm u cùng ánh đèn dầu leo lét rọi vào mắt Âu Dương tiên sinh, tôi hoảng hốt nói: “Tiếng sáo ban nãy là do bác thổi sao?”
“Đúng vậy, tôi là thầy giáo nhà quê, sức khỏe từ trước tới nay không tốt lắm, mấy hôm nay tôi toàn mất ngủ.” Âu Dương tiên sinh thở dài một tiếng, biểu hiện của ông đã dần bình tĩnh lại, “Do không ngủ được, nên tôi mới lên núi thổi sáo, như vậy có thể khiến mình thư thái hơn.”
“Cháu hiểu rồi. Nhưng cháu cảm thấy chiếc sáo này của bác rất đặc biệt.”
Âu Dương tiên sinh đưa chiếc sáo vào tay tôi. Đầu ngón tay tôi lập tức cảm thấy lạnh buốt, run bắn lên một cách khó hiểu. Mượn ánh sáng đèn dầu, tôi nhìn rõ chiếc sáo này. Đây là một chiếc sáo kiểu dáng truyền thống, dài khoảng bốn mươi phân, thanh sáo được quét sơn nâu, giữa lỗ sáo có treo dây màu hồng tím, trên màng lỗ dán một lớp màng mỏng như cánh ve.
“Có lẽ cậu không tin rằng, chiếc sáo này đã có mấy trăm năm lịch sử rồi.”
“Mấy trăm năm?”
“Tiểu Chi đã kể cho cậu nghe về truyền thuyết Yên Chi rồi chứ.”
Tôi gật gật đầu, xem ra Tiểu Chi và cha cô ấy đều không vui, đại khái chắc là vì chuyện này rồi.
“Trong truyền thuyết Yên Chi, có một tăng nhân hành khất tặng cô ấy một chiếc sáo.” Âu Dương tiên sinh chỉ vào chiếc sáo trên tay tôi nói: “Chính là cái này.”
Tay phải tôi đang cầm sáo lập tức lạnh ngắt.
“Cậu nhất định chưa được biết kết cục của truyền thuyết Yên Chi đúng không?” Âu Dương tiên sinh lắc lắc đầu nói. “Yên Chi trong đêm tết trùng dương đã thổi chiếc sáo này, tương ngộ với linh hồn chồng, cùng nhau trải qua mấy đêm, cũng chính là chồng ma mà người già chúng tôi thường gọi. Sau khi Yên Chi biết được sự thật chồng mình đã chết, cô ấy đau khổ vô cùng, mấy lần định tự sát nhưng đều sống lại một cách kì lạ. Mãi tới ba tháng sau, cô ấy phát hiện mình đã có thai.”
“Chồng cô ấy không phải đã chết rồi sao? Lẽ nào Yên Chi mang thai của ma?”
Âu Dương tiên sinh thần sắc nghiêm nghị gật đầu: “Không sai, đây là một kì tích, đứa trẻ mà cô ấy mang trong mình thực ra là hạt giống mà linh hồn chồng cô ấy chết ngoài sa trường trở về gieo hạt, đây là do ông trời có mắt nên không để cậu ấy bị tuyệt tự. Khi bụng Yên Chi to dần lên mỗi ngày, người dân trong thôn bắt đầu nghi ngờ cô ấy vụng trộm vượt rào, họ dùng những lời lẽ ác độc sỉ nhục Yên Chi, cho rằng Yên Chi mang thai tạp chủng, thậm chí còn có cả những tên lang thang tới bắt nạt cô ấy. Nhưng Yên Chi kiên quyết bảo vệ sự minh bạch của mình, nhất mực giữ gìn tiết hạnh với chồng. Để bảo vệ đứa con trong bụng, Yên Chi đã chịu đựng biết bao khổ hạnh, mang thai mười tháng, rốt cuộc cũng sinh ra một đứa bé trai.”
“Trời ơi, câu chuyện này thật là giống tiểu thuyết ‘Hồng tự’ của Hoắc Tang.”
Trong đêm đông lạnh giá, nghe câu chuyện thê lương này, tôi bất giác nhớ tới Hải Ti Đặc trong “Hồng tự,” còn cả chữ A màu đỏ trước ngực cô ấy. Hải Ti Đặc thà chết cũng không chịu nói ra tên người đàn ông đó, cô ấy coi con gái như thiên sứ mà thiên chúa ban tặng ình, bởi vậy cô ấy chấp nhận chịu đựng mọi đau khổ. Vậy thì Yên Chi của Hoang thôn mấy trăm năm trước thì sao? Cô ấy chính là “Hồng tự” phiên bản Trung Quốc? Hay là cô ấy thực sự đã mang thai ma mà chồng để lại?
“Kể từ đó, hai mẹ con Yên Chi đã phải chịu đựng biết bao sự kì thị và sỉ nhục, cô ấy một mình nuôi con khôn lớn, đưa con trai đến nhà thầy giáo học. Mười mấy năm sau, Yên Chi rốt cuộc lao lực mà chết, nhưng con trai cô ấy đã thi đỗ khoa cử, từ tú tài tới cử nhân sau đó là tiến sĩ, trở thành môn sinh thiên tử bảng vàng đề danh. Sau này, sự tích bà mẹ Yên Chi của ông truyền tới tai hoàng đế, hoàng đế rất cảm động trước câu chuyện này nên liền ngự giá ban tặng tấm bia tiết hạnh này, để biểu dương đức hạnh của Yên Chi.”
Thật không ngờ câu chuyện Yên Chi lại có kết cục như vậy. Tôi cúi đầu nhìn Hoang thôn dưới núi: “Hóa ra là vậy, vậy thì tấm bia tiết hạnh ở cổng thôn bây giờ là dành tặng Yên Chi? ‘Tiến Sĩ Đệ’ cũng là do con trai cô ấy xây dựng nên? Bác và Tiểu Chi nữa đều là hậu duệ của Yên Chi?”
“Không sai. Chiếc sáo này chính là tổ tiên nhà chúng tôi truyền lại.”
Tôi nhìn chiếc sáo trên tay, từ nay trở đi không dám chạm vào nó nữa, lập tức đưa lại vào tay Âu Dương tiên sinh. Tôi hỏi thăm dò: “Vậy sự tích Yên Chi rốt cuộc là truyền thuyết hay là thực?”
“Không ai rõ, nhưng mấy trăm năm nay người dân Hoang thôn đều tin đó là thật, ít nhất là chiếc sáo này là thật.”
Tôi thẫn thờ nhìn mặt Âu Dương tiên sinh, nếu như câu chuyện của Yên Chi là thật, vậy thì Âu Dương tiên sinh và cả Tiểu Chi trước mặt tôi nữa không phải là hậu duệ của chồng ma sao? Lẽ nào gia tộc Âu Dương sống trong Tiến Sĩ Đệ là một gia đình ma? Tôi bất giác lùi lại hai bước, trong đầu hiện lên truyền thuyết gia tộc ma hút máu người ở Châu Âu.
Mặt trăng chầm chậm lặn xuống, một cơn gió biển mang theo hơi lạnh thổi tới, tôi đứng trên đỉnh dốc bắt đầu run cầm cập. Tôi xách đèn dầu xuống dốc núi, khi đi qua chân tấm bia đá tiết hạnh, tim bỗng run rẩy lạ thường.


Bình Luận (0)
Comment