Quán Trọ Hoang Thôn

Chương 5


NGÀY THỨ NĂM
Đúng vậy, ác mộng của tôi cũng dần dần bắt đầu rồi.
Ban đầu khi viết "Hoang thôn,” tôi không hề ý thức được sức mạnh của nó lại lớn đến nhường vậy, khiến bốn sinh viên như bị trúng tà, hơn nữa họ còn thực sự tìm thấy Hoang thôn. Sau khi biết họ đã đặt chân tới Hoang thôn, tôi thực sự không thể dự đoán được những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Khi biết được sự thật tuyệt đối không thể lãng mạn giống như tiểu thuyết, nếu như quán trọ Jamaica thực sự tồn tại thì nhất định sẽ khủng khiếp hơn gấp vạn lần tiểu thuyết của Daphne du Maurier.
Buổi sáng hôm nay, điện thoại của tôi nhận được tin nhắn hình, người nhắn chính là số điện thoại của chàng sinh viên đêm qua gọi cho tôi.
Tôi mở tin nhắn hình ra, hình ảnh được chụp lại bằng điện thoại, bối cảnh là tấm bia đá ở cổng Hoang thôn, bốn sinh viên đứng dưới tấm bia, dáng vẻ vô cùng hưng phấn, ngón tay còn giơ cả dấu hiệu chữ V.
Cả bốn người đều trong ảnh rồi, vậy thì ai đã chụp ảnh cho họ? Có lẽ là nhờ người dân trong thôn cầm điện thoại chụp hộ. Đêm hôm qua, bốn sinh viên này nhất định đều đã vào Hoang thôn rồi, không biết họ đã qua đêm ở đâu?
Nhìn mặt họ trên tin nhắn hình, tuy vẫn còn trẻ, nhưng tôi lại có cảm giác đặc biệt quan tâm đến họ. Đúng thế, nếu tôi không viết "Hoang thôn,” họ làm sao có thể đến địa điểm đó? Nếu như họ xảy ra chuyện gì ở Hoang thôn, ít nhất về mặt đạo lí tôi cũng không thoát khỏi liên quan.

Nhưng họ làm thế nào mà tìm được Hoang thôn?
Hiện tại tôi có thể nói với các bạn, lúc đó tôi đã phát hiện ra Hoang thôn như thế nào. Mấy tháng trước, trong vòng một đêm tôi đã đọc xong cuốn sách “Cổ gương u hồn kí” và liền hạ quyết tâm nhất định phải tìm bằng được Hoang thôn. Sau đó, tôi đã tới thư viện Thượng Hải, trong đó có một phòng đọc tư liệu nội bộ, đấy là nơi tôi tường ghé qua.
Nhưng để tìm một tác giả đời Thanh tên là “Hoang thôn kiếm khách” thật chẳng khác nào mò kim đáy bể. Thời đó, mỗi văn nhân đều có tới vài bút danh kì quái, có khi tác giả nổi tiếng đời Thanh hậu thể lại chỉ biết tới những bút danh khác của tác giả đó, còn ông ta rốt cuộc là ai thì cũng chẳng có cách nào để kiểm chứng cả. Thế nên, trước tiên tôi tìm nhà xuất bản của “Cổ gương u hồn kí” – nhà sách Cô Sơn Hàng Châu, và thời gian phát hành là đời Càn Long thứ 43. Tôi bỏ ra cả một ngày và đã tìm ra được nhà sách Cô Sơn Hàng Châu, căn cứ vào tài liệu ghi chép lại thì nhà sách này sáng lập vào đời Khang Hi thứ mười chín, kinh doanh mãi đến tận thời Hàm Phong thứ sáu mới đóng cửa. Những năm đó, “nhà sách” tương đương với nhà xuất bản ngày nay, thời đó số lượng nhà sách rất đông, nhưng quy mô lớn lại rất ít, lúc nào cũng đối diện với nguy cơ phá sản. Nhà sách Cô Sơn Hàng Châu rốt cuộc phát hành bao nhiêu sách, trong tài liệu cũng không ghi chép. Và “Cổ gương u hồn kí” cũng không thấy được nhắc đến trong những tài liệu văn hiến. Xem ra cuốn “Cổ gương u hồn kí” đang nằm trong tay tôi là một cuốn hiếm thấy và đã không còn phát hành nữa. Như vậy là, manh mối của tôi lại bị đứt đoạn, trong tình hình không còn chứng cứ nào khác thì làm cách nào để biết được Hoang thôn ở đâu đây? Biết đâu nó vốn dĩ chỉ là một địa danh mà tác giả tưởng tượng ra?
Lúc này, tôi đột nhiên nghĩ đến địa phương chí. Đúng, nếu như Hoang thôn và thị trấn Tây Lãnh thực sự tồn tại thì chúng có thể được phản ánh ở trong địa phương chí. Trong phòng đọc vừa vặn sưu tập một lượng lớn địa phương sử chí triều Thanh. Tôi chỉ cần tìm kiếm vùng Chiết Giang là được, nhưng Hoang thôn trong “Cổ gương u hồn kí” nằm cạnh biển, vậy thì phạm vi mà tôi cần tìm kiếm càng nhỏ hơn, chỉ cần tìm đọc huyện chí hoặc phủ chí của các huyện phủ ven biển tại Chiết Giang thời kì giữa và cuối đời Thanh là ổn. Nhưng cái đó nói thì dễ, một quyển huyện chí của triều Thanh có những mấy tập, mấy ngày mấy đêm cũng xem không hết. Tôi chủ yếu là tìm kiếm theo mục lục và hướng dẫn tra cứu, xem xem có điều mục nào liên quan tới thị trấn Tây Lãnh. Cuối cùng đến năm giờ chiều, khi phòng đọc sắp phải đóng cửa, tôi đã tìm thấy thị trấn Tây Lãnh trên một quyển phù chí.
Trong chú thích của quyển sách cổ về thị trấn Tây Lãnh này quả nhiên nhắc đến "Hoang thôn,” tôi lập tức ghi chép lại đoạn sách đó.
“Hoang thôn, tên gọi ngày nay, hai mươi dặm về phía đông Tây Lãnh, bốn mươi dặm về phía đông nam kinh thành, Đông giáp biển xanh, non xanh trùng điệp, Nam là bãi chăn thả gia súc, Bắc kề khe nước sâu, đất đai cằn cỗi, cổ danh Hoang Thôn. Hoang Thôn tự cổ không giao tiếp với bên ngoài, tương truyền là vùng đất này không may mắn, con người không lương thiện, tứ phương tám hướng, không ai dám cả gan vào thôn này, nghe danh Hoang thôn là đã hồn xiêu phách lạc, nếu như có đứa trẻ nào ngỗ nghịch, chỉ cần bảo một câu: đưa tới Hoang thôn, đứa trẻ sẽ lập tức ngoan ngoãn. Duy chỉ có những năm triều Gia Tĩnh, Hoang thôn xuất hiện một tiến sĩ cao trung, danh thế đã khiến mẹ ông được ngự giá phong tặng tấm bia tiết hạnh.”
(Lời văn trong sách cổ không có dấu câu, tôi đã tự đánh thêm dấu câu để tiện cho độc giả đọc.)
Xem ra Hoang thôn này thực sự tồn tại, thị trấn Tây Lãnh cũng tuyệt nhiên không phải do bịa đặt. Tôi lại chép tiếp vài trang phủ chí, tóm lại là sau khi đã hiểu rõ huyện phủ cụ thể của thị trấn Tây Lãnh và Hoang thôn, tôi liền vội vã rời khỏi thư viện.
Việc tiếp theo thì dễ xử lí rồi, tôi căn cứ vào tên và vị trí huyện phủ thời nhà Thanh nhanh chóng tìm thấy thành phố K, quả nhiên trên bản đồ giao thông của thành phố K phát hiện thấy thị trấn Tây Lãnh. (Bản đồ tỉnh Chiết Giang tôi cũng đã tìm kiếm qua, nhưng trên bản đồ tỉnh không tìm thấy thị trấn Tây Lãnh).
Cuối cùng thì đã biết Hoang thôn ở đâu, tôi lập tức chuẩn bị một số thứ cho chuyến du lịch, mang theo cả cuốn “Cổ gương u hồn kí,” một mình bước lên chuyến xe khách liên tỉnh từ Thượng Hải tới thành phố K.
Thông qua sáu, bảy tiếng đồng hồ đường trường, tôi đã đến thành phố K, sau đó lại ngồi xe buýt mới đến được thị trấn Tây Lãnh. Tôi hỏi thăm mọi người ở thị trấn Tây Lãnh về tình hình Hoang thôn, nhưng thanh niên bản địa dường như chưa từng nghe thấy cái địa danh Hoang thôn này. Tôi lại tìm khắp các bến xe ở thị trấn Tây Lãnh cũng không tìm thấy một chiếc xe khách nhỏ nào đi tới Hoang thôn.
Sau đó, tôi hỏi mấy người già ở thị trấn mới biết Hoang thôn thực sự có thật, nằm trên bờ biển cách thị trấn Tây Lãnh hai mươi dặm về phía Đông. Do nghe nói nơi Hoang thôn này không may mắn, những người ở thị trấn Tây Lãnh và gần đó đều rất kị Hoang thôn, từ trước đến nay không ai dám tới Hoang thôn, còn những người Hoang thôn cũng rất ít khi tới thị trấn Tây Lãnh, ở đó dường như cách biệt với thế giới bên ngoài. Nếu như muốn tới Hoang thôn, chỉ có thể đi bộ một đoạn đường núi rất dài.
Những người già đều ra sức khuyên tôi không nên đi, tôi hỏi họ tại sao ở Hoang thôn thì không may mắn, bản thân họ cũng không nói được cụ thể. Thực ra, những gì mà họ nói càng kích thích ham muốn thám hiểm của tôi. Bởi vậy tôi bất chấp tất cả, ngay chiều hôm đó xuất phát đi bộ trên con đường núi dẫn đến Hoang thôn trong truyền thuyết.

Đường núi khúc khuỷu khó đi, cảnh vật xung quanh giống như tôi viết trong tiểu thuyết. Trời đổ bóng xế chiều, cuối cùng tôi đã tới Hoang thôn, tâm trạng lúc đó của tôi thật sự rất khó diễn đạt thành lời. Tôi vẫn còn nhớ giây phút mà mình ngửa mặt lên nhìn bốn chữ to: “Trinh Liệt Âm Dương” trên tấm bia đá triều Minh mà thở không ra hơi.
Tôi cẩn thận rón rén tiến vào Hoang thôn, thỉnh thoảng lắm mới nhìn thấy vài người dân, sau khi thấy tôi họ đều tỏ ra vô cùng kinh ngạc, giống như nhìn thấy ma quỷ vậy, hoặc là có lẽ tôi đang trở thành vị khách hiếm hoi của Hoang thôn. Tôi đi một vòng quanh Hoang thôn, phát hiện ra một ngôi nhà cổ sân rộng sâu hun hút nằm giữa những căn nhà ngói. Tôi cả gan gõ cửa, ra mở cửa là một người đàn ông trung niên ngoài năm mươi tuổi, ông nhìn tôi chằm chằm một lúc, tôi cũng thành thật nói rõ cho ông biết mục đích chuyến đi của mình.
Ông ấy chính là Âu Dương tiên sinh, chủ nhân của ngôi nhà cổ: Tiến Sĩ Đệ này. Âu Dương tiên sinh tiếp đãi tôi không hề khách sáo, tối hôm đó tôi đã đi hơn hai mươi dặm đường núi nên thật sự rất đói, lúc đó ông đã giữ tôi lại ăn bữa cơm tối, nói thật lòng là đến giờ phút này tôi vẫn chưa quên được khẩu vị ngon tuyệt của bữa ăn hôm đó. Âu Dương tiên sinh lại chủ động mời tôi ở lại Tiến Sĩ Đệ, ông nói từ trước tới nay chưa từng có người ngoài đến Hoang thôn, thế nên ở đây không có lấy một quán trọ nào cả, còn Tiến Sĩ Đệ lại còn rất nhiều phòng trống. Tuy những căn phòng này xem ra rất đáng sợ, ngôi nhà to như vậy mà chỉ có duy nhất Âu Dương tiên sinh ở, nhưng điều đó vừa vặn hợp với ham muốn thám hiểm và khảo cổ của tôi. Tôi liền nghỉ đêm tại Tiến Sĩ Đệ.
Đêm đầu tiên của tôi tại Hoang thôn bình an vô sự, không thấy xuất hiện những sự việc đáng sợ như trong truyền thuyết. Ngày thứ hai, tôi xin thỉnh giáo Âu Dương tiên sinh về lịch sử của ngôi nhà cổ Tiến Sĩ Đệ. Ông rủ rỉ kể cho tôi nghe ba câu chuyện thời cổ đại. Ba câu chuyện vể tổ tông gia tộc Âu Dương đã thực sự làm tôi chấn động, sau này tôi hầu hết đã viết lại nguyên văn ba câu chuyện này trong truyện ngắn "Hoang thôn" của mình.
Tôi lấy ra cuốn “Cổ gương u hồn kí,” Âu Dương tiên sinh tỏ ra rất kinh ngạc, ông cũng lấy ra một quyển sách giống hệt như thế, nghe nói là do gia tộc tổ tông gia đình ông truyền lại. Hiển nhiên, “Hoang thôn cuồng khách” chính là một tiên nhân của gia tộc Âu Dương Hoang thôn triều Thanh, còn về xuất xứ tiểu sử của tác giả cuốn “Cổ gương u hồn kí” thì Âu Dương tiên sinh cũng không biết rõ.
Trong hai ngày sau đó, tôi đi loanh quanh trong phạm vi Hoang thôn, tỉ mỉ quan sát địa hình và cảnh vật lân cận, quả thật đây là một vùng đất cằn cỗi hiểm ác. Tuy đối diện với biển lớn nhưng không hề cảm nhận được chút lãng mạn nào của thôn nhỏ ven biển, ngược lại còn tạo cho người ta cảm giác đè nén, dường như biển đen lúc nào cũng có thể nuốt chửng thôn xóm. Có lẽ do nguyên nhân môi trường đã tạo nên tính cách trầm mặc, bảo thủ của người dân Hoang thôn.
Ngoài điều đó ra, tôi không phát hiện thêm nhiều điều ở Hoang thôn, chỉ cảm thấy trong Tiến Sĩ Đệ nồng nặc một mùi vị rất đặc biệt, hình như ẩn giấu thứ gì đó, tôi cũng định thỉnh giáo luôn Âu Dương tiên sinh, nhưng ông chỉ im lặng không đáp, dường như ông vẫn lo lắng điều gì đó.
Tôi hiểu ra Hoang thôn vẫn còn rất nhiều bí mật, nhưng sự cẩn trọng đã khiến tôi không dám thâm nhập vào trong thôn dân, tôi cảm giác trên người họ có một luồng khí u uất khiến con người thật khó sinh tồn. Bắt buộc phải thừa nhận, chuyến đi Hoang thôn này của tôi đã không đến được nơi mình định đến. Đến ngôi nhà cổ Tiến Sĩ Đệ, tấm bia được ngự giá ban tặng, nghĩa trang ven biển, còn có cả ba câu chuyện của gia tộc Âu Dương đều khiến nỗi nhớ thấp thỏm Hoang thôn của tôi càng thêm mãnh liệt. Dĩ nhiên, tôi không thể thực sự thậm nhập vào bên trong, bí mật của Hoang thôn giống như một mê cung khổng lồ, tôi đã tìm thấy cửa mê cung nhưng lại không có chìa khóa mở cửa.
Đủ rồi, tôi không muốn hồi tưởng tiếp nữa để có thể vĩnh viễn quên đi những kí ức đó.
Những ngày qua phát sinh một loạt những truyện li kì, khiến tôi càng lúc càng mệt mỏi, mấy hôm nay tôi không lên mạng (thực tế là lo lắng trên mạng sẽ lại bị quấy rồi khi gặp phải cái người không chỗ nào không có mặt “Nhiếp Tiểu Sảnh” kia), nên tối tối tôi đều đi ngủ từ rất sớm.
Không biết bao lâu sau, một hồi chuông điện thoại vồn vã vang lên kéo tôi trở về với thực tại. Đầu tôi mơ màng chuyển hướng, mở mắt, trời ơi, bây giờ là ba giờ sáng, tôi lập tức nghĩ tới mấy sinh viên đang ở Hoang thôn.
Lập cà lập cập cầm lấy điện thoại, nhưng đầu dây bên kia lặng thinh, điện thoại vẫn chưa ngắt, tôi lớn tiếng gào lên mấy câu: “Là Hoắc Cường à? Hay là Hàn Tiểu Phong? Các bạn đang ở Hoang thôn sao?”
Vẫn không có tiếng nói, tôi lại đợi thêm mấy phút, đợi đến khi tôi hết kiên nhẫn thì đột nhiên lại nghe thấy giọng con gái nhỏ nhẹ: “Anh đang nói chuyện với ai?”

Không phải họ, tôi lập tức ngây người ra, giọng nói đó hoàn toàn xa lạ, nhưng lại có sức hút mạnh mẽ như nam châm kích thích màng nhĩ tôi.
Tôi hỏi thăm dò: “Xin hỏi cô là ai?”
Đối phương lại im lặng, tôi “alô” liên tục mấy tiếng nhưng chỉ nghe thấy những tiếng tạp âm kì quái.
Rốt cuộc là ai? Phút chốc, tim tôi run rẩy, hình như là giác quan thứ sáu thần kì đã khiến tôi nghĩ tới một người không thể nghĩ tới.
“Nhiếp Tiểu Sảnh? Cô là Nhiếp Tiểu Sảnh đúng không?”
Tôi cẩn thận hỏi một câu, nhưng đối phương không đáp lại, tôi tiếp tục truy vấn: “Là cô, nhất định là cô. Tại sao không nói gì?”
Đúng lúc này, đối phương gác máy.
Rốt cuộc, tôi thở hắt ra một hơi thật dài rồi ném điện thoại lên ghế sô pha.
Thực ra trong lòng tôi cũng mơ hồ, đó thật sự là “Nhiếp Tiểu Sảnh” sao? Nhưng làm sao cô ta lại biết được số điện thoại di động của tôi? Lẽ nào đây đúng là một u hồn không lỗ nào là không chui vào được?
Tôi nghi ngờ hay là cô ta bị bệnh tâm thần? Nửa đêm tiếng chuông điện thoại lôi tôi dậy từ trong mơ rồi lại bồng bềnh bay mất như một con ma.
Đêm đó, tôi cũng không sao ngủ lại được nữa.


Bình Luận (0)
Comment