Quân Vương Ngự Nữ

Chương 134

Trần Tĩnh Kỳ phân phát lương thực thiếu sót, dùng tiền không thoả? Nhân tâm Phụng Thiên, hắn trấn an không được?

Hoàn toàn trái lại, Trần Tĩnh Kỳ đã làm rất tốt. Cách hắn phân phát lương thực, hỗ trợ dân chúng, ổn định nhân tâm, hết thảy đều vẹn toàn, hiệu suất cũng cực kỳ cao. Khiến Lý Long Tích bất mãn, căn nguyên chỉ đơn giản nằm ở danh nghĩa, sự tuyên truyền.

Trong suốt quá trình cứu tế, giúp đỡ dân chúng Phụng Thiên, từ đầu tới cuối Trần Tĩnh Kỳ đều luôn nêu cao danh nghĩa của Hạng đế, nói với dân chúng Phụng Thiên rằng đây là ân đức của Hạng đế, sự nhân từ của ông. Lý Long Tích không thích như vậy. Hắn muốn Trần Tĩnh Kỳ tuyên truyền, nêu cao tên tuổi của mình hơn. Có câu "Sức dân là sức nước, nước có thể đẩy thuyền cũng có thể lật thuyền", nếu như để cho dân chúng Phụng Thiên mang ơn Lý Long Tích hắn, danh vọng của hắn chẳng phải sẽ càng được nâng cao, ích lợi hơn ư?

Ngồi trong sảnh đường phủ Thứ sử Phụng Thiên, trên ghế thủ toạ, Lý Long Tích cau mày nhìn kẻ vừa mới được triệu kiến:

- Trần Tĩnh Kỳ, coi bộ lời nói của bổn vương đối với ngươi không có chút giá trị nào nữa nhỉ?

- Điện hạ, Tĩnh Kỳ vẫn luôn kính sợ vương uy.

- Kính sợ?

Lý Long Tích cười lạnh:

- Nếu ngươi biết kính sợ thì há lại làm trái lời ta?! Trần Tĩnh Kỳ, chẳng phải ta đã bảo ngươi phải nêu cao danh nghĩa của ta rồi hay sao?!

Khuôn mặt Trần Tĩnh Kỳ vẫn trấn định như thường. Hắn nói:

- Điện hạ, những gì Tĩnh Kỳ làm đều là vì suy nghĩ cho điện hạ.

- Suy nghĩ cho ta?

Lý Long Tích không chút tin tưởng, tuy vậy vẫn bảo:

- Nếu vậy thì ngươi nói ta nghe xem, rốt cuộc Trần Tĩnh Kỳ ngươi đã vì ta như thế nào?

Trần Tĩnh Kỳ nói:

- Điện hạ, nếu nêu cao danh nghĩa của điện hạ, đúng thật sẽ khiến dân chúng Phụng Thiên mang ơn, tôn kính ngài, đối với tương lai của điện hạ ngài rất là có lợi. Thế nhưng, điện hạ đã quên mất một điều.

- Bổn vương đã quên điều gì?

Lý Long Tích chú mục, hai vị mưu sĩ Từ Thức, Hàn Dũ cũng chăm chú nhìn xem.

Trần Tĩnh Kỳ nói ra đáp án:

- "Hoàng thượng".

Hoàng thượng?

- Phụ hoàng ta thì sao? Trần Tĩnh Kỳ ngươi muốn nói cái gì?

- Thưa điện hạ, giang sơn này hiện vẫn là giang sơn của Hoàng thượng; dân, chính là con dân của Hoàng thượng. Điện hạ thử nghĩ: So với nghe dân chúng Phụng Thiên tôn kính, biết ơn ngài và hay dân chúng Phụng Thiên ca ngợi ân đức, sự nhân từ của mình, cái nào sẽ khiến Hoàng thượng vui vẻ hơn?

Nếu như mới rồi Lý Long Tích còn giữ thái độ hiềm nghi, trong lòng bất mãn thì khi nghe tới đây, thần sắc hắn đã dần biến chuyển. Nét mặt dịu lại, hắn trầm giọng bảo:

- Ngươi nói tiếp đi.

Trần Tĩnh Kỳ theo lời, tiếp tục phân tích đúng - sai, ưu - khuyết. Vấn đề này, vốn dĩ hắn và Lê Công Lượng đã cùng nhau bàn bạc kỹ lưỡng, sớm đã chuẩn bị sẵn nên lý lẽ đưa ra rất rõ ràng, thuyết phục. Chả thế mà sau khi nghe xong, Từ Thức và Hàn Dũ đã phải thay đổi cách nhìn, đứng ra bênh vực.

Lý Long Tích không phải kẻ ngu, tự nhiên thấu hiểu lợi - hại bên trong. Vậy là lần đó Trần Tĩnh Kỳ thoát tội, được cho tiếp tục tiến hành công việc. Theo chủ ý của chính hắn.

Sau này, khi mọi thứ đã ổn định, nhận được tin tức từ đế đô truyền xuống, Lý Long Tích buộc phải công khai thừa nhận, rằng quyết sách mà Trần Tĩnh Kỳ đưa ra lúc trước là hoàn toàn đúng đắn. Phụ hoàng của hắn, người đã hết sức vừa ý, giữa triều đường, trước bá quan văn võ lựa chọn ngợi khen, đề cao hắn chứ không phải Cửu vương Lý Long Thành, mặc dù so với bên hắn thì việc cứu tế bên phía Lý Long Thành cũng chẳng hề thua kém. Khác nhau duy chỉ một điểm: danh nghĩa, sự tuyên truyền. Bên phía Lý Long Thành nêu cao chính là tên tuổi của vị vương gia này; còn bên phía Lý Long Tích hắn, được nêu cao luôn là "Hoàng thượng nhân từ".

Tới đây, một lần nữa Lý Long Tích phải xem xét, nhìn nhận lại Trần Tĩnh Kỳ. Đối với con người này, so với trước hắn càng thêm xem trọng, thâm tâm cũng càng thêm lưu ý đề phòng.

...

Sau buổi tiệc mừng thắng lợi, Lý Long Tích cùng với các mưu sĩ của mình lại phải tiếp tục thương thảo, nghị bàn. Bọn hắn vẫn chưa thể hồi kinh được. Nguyên do là bởi Hạng đế Lý Uyên đã lại ra chiếu chỉ, lệnh cho hắn ở lại quận Phụng Thiên, tiến hành tu sửa, gia cố đê điều, thủy lợi đồng thời thay thế quan Thứ sử quản lý tất thảy mọi sự vụ ở Phụng Thiên. Bên phía Cửu vương Lý Long Thành, nội dung chiếu chỉ cũng giống y chang.

Có thể thấy Hạng đế vẫn đang cân nhắc, chưa thể quyết định ngôi Thái tử tức thì, muốn tiếp tục quan sát, khảo nghiệm thêm.

Lý Long Thành hiểu, Lý Long Tích cũng hiểu. Bọn họ ai cũng như ai, đều quyết tâm phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Song khác trước, lần này bọn họ không thể trông cậy hết ở các mưu sĩ dưới trướng. Sách lược chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là phải tìm ra một người giỏi việc đê điều, thủy lợi để đứng ra chỉ đạo chuyên môn.

Lý Uyên, vị Hạng đế này cũng không phái các quan hà đê xuống hỗ trợ, chỉ xuất ngân khố. Nói cách khác, vấn đề nhân lực, Lý Long Tích và Lý Long Thành đều phải tự mình lo liệu.

Nên tìm ai đây?

Chọn luôn các quan hà đê của quận Phụng Thiên?

Sợ rằng không ổn. Nên nhớ, đê điều bị hư hại, hệ thống thủy lợi ách tắc, thiếu hiệu quả, trách nhiệm một phần chính là do những quan hà đê địa phương này! Năng lực của bọn họ quá nửa là có vấn đề!

Lý Long Tích không muốn trọng dụng những vị quan hà đê sẵn có của quận Phụng Thiên. Việc tu sửa đê điều, khai thông thủy lợi mà phụ hoàng hắn giao phó đây, nó cực kỳ có ý nghĩa. Những gì hắn biểu hiện, hết thảy phụ hoàng đều đang quan sát. Hắn không cho phép bản thân mình thất bại, thua kém trước Lý Long Thành.

Vốn theo ý định, Lý Long Tích tính sẽ viết thư gửi về kinh, nhờ mẫu hậu của mình trợ giúp. Tuy nhiên, khi thư tín còn chưa được phúc đáp thì Trần Tĩnh Kỳ đã chủ động đến tìm, hướng hắn xin được đảm trách việc tu sửa đê điều, khai thông thủy lợi.

Sau giây phút bất ngờ ngắn ngủi, Lý Long Tích đã nhanh chóng nhớ ra vài điều. Theo như những tin tình báo trước đây gửi về thì trong khoảng thời gian làm Án sát sứ ở quận Hà Nam, Trần Tĩnh Kỳ có thường xuyên lui tới nhà của một thầy dạy học tên gọi Lê Công Lượng. Lê Công Lượng này gốc vốn ở Trần, thân phụ thuở trước đã từng làm chức Hà đê Chánh sứ của Đại Trần quốc...

Bình Luận (0)
Comment