Quân Vương Ngự Nữ

Chương 138

Tất thảy rồi sẽ sáng tỏ, sự thật sẽ được truyền lưu. Ở mai sau.

Còn hiện tại...

Lý Long Tích đã rất đỗi hân hoan, thời điểm hồi kinh thì lại càng thêm vui mừng. Số là cũng trong năm đó, giống như Phụng Thiên, quận Phúc Kiến cũng xảy ra lũ lụt. Song, chẳng được như Phụng Thiên, hệ thống kênh đập mà Cửu vương Lý Long Thành cho xây đắp, khai mở ở Phúc Kiến đã không thể nào trụ vững trước mưa bão. Con đập mới đắp chưa bao lâu đã bị hư hại, các kênh đào cũng không thể phát huy tác dụng thoát lũ, khiến cho nông dân Phúc Kiến lại phải một phen lao đao, lâm vào khốn khổ.

Lý Long Thành đã thiếu minh mẫn rồi ư?

Kỳ thực chẳng thể trách hắn. Bởi nếu không nhờ hắn thì e Phúc Kiến tổn thất còn nhiều hơn. Lý Long Thành hắn đã làm rất tốt, con đập hắn cho đắp, dòng kênh hắn cho đào, so với trước đó đều ổn định, vận hành trơn tru hơn. Bị hư hại, chẳng qua vì mưa lũ quá lớn, sức nước quá mạnh.

Tới đây, Lý Long Tích lại không thể không cảm khái về sự hiểu biết, tầm nhìn của Trần Tĩnh Kỳ. Lần đầu tiên hắn mới thấy có một con đập toàn bằng đá được xếp chồng lên nhau và giữ chắc hơn bằng những đụn rễ cây phun chai. Tính khắp cương thổ Đại Hạng, duy cũng chỉ có Mộc Thạch khác biệt như vậy.

So với chuyện cứu tế trước đó thì việc trị thủy này đương nhiên lại càng thêm trọng yếu. Nhờ có sự giúp sức của Trần Tĩnh Kỳ và Lê Công Lượng, Lý Long Tích đã trở thành người thắng cuộc. Thành tích của hắn hơn hẳn Lý Long Thành; ngôi vị Thái tử, đấy là điều hắn đang chờ trông. Hắn nghĩ mình đủ xứng đáng tiếp quản lại.

Không khiến cho hắn phải thất vọng, lần này Hạng đế rốt cuộc cũng chính thức đưa ra quyết định. Theo đó, ngôi vị Thái tử, một lần nữa đã được sắc phong cho Lý Long Tích hắn. Thật đúng như câu "Hợp Phố châu hoàn".

"Một người đắc đạo, gà chó thăng thiên", Lý Long Tích vinh hiển, thuộc hạ dưới trướng dĩ nhiên cũng được thơm lây. Bậc chủ công, phận bầy tôi, trên dưới ai nấy đều hoan hỉ, duy chỉ ngoại trừ một người: Trần Tĩnh Kỳ.

Hắn không thấy vui. Buồn? Cũng chả phải. Tâm trạng của hắn khá là phức tạp. Mang theo sắc diện ưu tư ấy, hắn một đường đi thẳng đến Mai Hương Viện.

Hạng đô đệ nhất kỹ viện này, đã lâu rồi hắn chưa ghé qua.

...

Mai Hương Viện tọa lạc ở phía tây Hạng đô, nằm gần một cái ngã tư, vốn là khu vực rất đỗi sầm uất.

Lúc Trần Tĩnh Kỳ tới nơi thì cũng đã qua hết giờ dậu, trời đã tối mịt; trước cửa toà viện, mấy chiếc đèn lồng màu đỏ treo cao, tấm biển thu hút mọi ánh nhìn. "Mai Hương Viện", ba chữ này danh khí thật sự là chẳng nhỏ một chút nào. Chả vậy mà nam nhân Hạng đô, ai nấy đều muốn tới đây đó ư?

Chỉ có điều, không phải loại khách nhân nào Mai Hương Viện cũng đều tiếp đón. Muốn bước vào đệ nhất kỹ viện này, ngươi nhất định phải là người phú quý. Bởi vì ở đây, dịch vụ vô cùng đắt đỏ, thứ dân bình thường căn bản là chẳng thể chi ra.

Hãy nhìn xem. Hai bên đại môn toà kỹ viện, những cỗ xe ngựa đang đậu san sát nhau đây, có cái nào lại không sang trọng? Chủ nhân của chúng, chắc chắn đều là kẻ lắm tiền nhiều của, thân phận tôn quý.

Trần Tĩnh Kỹ bước xuống xe, dặn dò Bao Tự mấy câu rồi nhắm đại môn tiến vào.

Hắn vừa tiến nhập bên trong thì liền ngửi thấy một mùi hương thư thái dễ chịu, có thể khiến cho người ta phấn chấn tinh thần. Đi thêm mấy bước, dưới chân hắn là một tấm thảm đỏ mượt mà, êm ái được mang từ đất nước Tây Cơ xa xôi về.

Trong không gian ấm áp, thoang thoảng hương thơm, hai cô gái vóc dáng yểu điệu, gương mặt xinh đẹp đi tới chỗ Trần Tĩnh Kỳ, tươi cười tiếp đón.

Trái với những thanh lâu khác, các kỹ nữ của Mai Hương Viện ai nấy đều rất hiểu lễ nghĩa, biết ý tứ. Các nàng không bao giờ vồ vập, lôi kéo khách nhân mà luôn tỏ ra ôn nhu, từ tốn.

Con người như thế, khung cảnh cũng vậy. Bên trong Mai Hương Viện này, nội thất rất tinh xảo, sang trọng, lại được bài trí gọn gàng, trang nhã. Bước chân vào đây, không ai còn nghĩ nó là chốn bán phấn buôn hương. Cảm giác giống như nơi ở của những hoàng hoa khuê nữ quyền quý, thanh lịch hơn.

"Chủ nhân của Mai Hương Viện quả đúng là có con mắt thẩm mỹ, cũng rất biết cách để mê hoặc người ta..."

Trần Tĩnh Kỳ thầm cảm thán. Mặc dù đây đã không phải lần đầu tiên hắn đi vào Mai Hương Viện, nhưng đối với không gian nơi này, hắn vẫn như cũ ưa thích. Đối với kẻ đứng phía sau điều hành, hắn thực cũng rất hiếu kỳ muốn gặp.

Từ bên dưới, Trần Tĩnh Kỳ theo các bậc cầu thang đi lên. Tổng cộng có tất thảy năm tầng lầu, phòng ốc mỗi tầng đều đóng chặt, trước cửa phòng nào cũng đều có treo một chiếc đèn lồng màu đỏ.

Đó là quy tắc ở đây. Chiếc đèn lồng kia, tự nhiên có dụng ý. Theo đó, khi đèn ở phòng nào được thắp sáng thì nghĩa là phòng đó đã có khách hoặc đang chờ khách. Lầu hai có giá năm trăm lượng bạc một phòng, lầu ba thì một ngàn hai, lầu bốn có giá hai ngàn hai, còn lầu năm... không phải kẻ đại phú, chẳng phải người đại quý, tốt hơn hết ngươi đừng nên nghĩ.

Trần Tĩnh Kỳ ư?

Hắn chính là đang hướng lầu năm đi lên.

...

Trên lầu năm, có một khu vực tách biệt với chung quanh, gọi Vọng Nguyệt Các. Đây chính là chỗ ở của Lạc Doanh Doanh - hoa khôi của Mai Hương Viện, cũng đồng thời là đệ nhất kỹ nữ của Hạng đô hiện giờ.

Sống ở đế đô, hễ phàm nam nhân thì không ai là không biết đến Lạc Doanh Doanh. Nàng nổi tiếng bởi dung nhan khuynh thành, cốt cách cao ngạo, cùng cầm nghệ siêu phàm thoát tục. Đặc biệt là cầm nghệ. Lạc Doanh Doanh nàng có món đàn tì bà vô cùng tuyệt diệu, khiến những ai đã một lần được nghe là liền sinh tâm mê luyến, chỉ muốn nghe thêm một lần, rồi một lần, khắc khoải tương tư...

Tiếc thay, rất ít người được nghe Lạc Doanh Doanh gảy đàn đến hai lần. Tiền không phải tất cả. Đâu phải lúc nào Lạc Doanh Doanh cũng nhìn vào số tiền khách nhân bỏ ra để lựa chọn; chủ yếu nằm ở tâm tư, ý muốn của nàng.

Hết thảy những điều đó Trần Tĩnh Kỳ đều là nghe kể, còn bản thân hắn thì vẫn chưa được thưởng thức cầm nghệ của Lạc Doanh Doanh bao giờ. Trước đây hắn đã từng được nàng mời lên Vọng Nguyệt Các, nhưng mà lần đó, chủ ý vốn dĩ của Viên Hi, bồi tiếp hắn cũng là Viên Hi. Hắn còn nhớ rõ, đêm hôm ấy hắn và Viên Hi đã rất đỗi điên rồ, bọn hắn đã triền miên suốt từ tối cho đến tận gần bình minh mới ngưng...

(*) "Hợp Phố châu hoàn" hay "châu về Hợp Phố" là thành ngữ được hình thành từ điển tích. "Châu” là từ vốn dùng để chỉ ngọc trai, về sau để chỉ ngọc nói chung, còn “Hợp Phố” vốn là tên của một quận xa xưa của Giao Châu. Đây là một nơi sản xuất châu nổi danh.

Tương truyền, ở thời Hậu Hán có tên quan Thái thú tham lam, bạo tàn, thường bắt dân lấy ngọc châu rất ngặt. Vì thế mà châu đã bỏ quận nhà để sang quận Giao Chỉ. Cho đến khi Mạnh Thường đến thay chức Thái thú, ra những đạo luật mới, bỏ những tệ cũ, cho dân chúng tự do kiếm châu, sản xuất châu, thì châu từ quận Giao Chỉ trở về quận Hợp Phố quê nhà. Từ tích này, người ta mới dùng câu “châu về Hợp Phố” để chỉ vật quý trở lại chốn cũ, hay nhận lại những vật quý đã mất.
Bình Luận (0)
Comment