Quân Vương Ngự Nữ

Chương 164

Phân nửa các cánh cửa trong phòng đều đã được mở. Bên hoạ án, Triệu Cơ an tĩnh ngồi ở trên ghế, cạnh Trần Tĩnh Kỳ.

Thủ lễ đứng cách Triệu Cơ hai bước chân, Trần Tĩnh Kỳ nói:

- Nương nương, trước khi bắt đầu hướng dẫn, Tĩnh Kỳ cần phải biết người đối với hội hoạ đã am hiểu bao nhiêu.

- À...

Triệu Cơ nghĩ một chút, nói:

- Nếu xét theo tiêu chuẩn bình thường, thư và hoạ của ta có thể nói đã tinh thông. Nhưng so với tài nghệ của nhà ngươi... e ta thúc ngựa cũng đuổi không kịp.

- Nương nương nặng lời. Một chút tài nghệ của Tĩnh Kỳ nào có đáng chi.

Rồi hắn bảo:

- Nương nương, để tiện cho Tĩnh Kỳ, xin cho phép Tĩnh Kỳ hỏi người vài câu để xác minh trình độ.

- Được, ngươi cứ hỏi.

Trần Tĩnh Kỳ bắt đầu câu hỏi...

Triệu Cơ nghe qua, trong đầu sắp xếp, chiếu theo câu hỏi mà đáp rành mạch từng ý:

- Văn phòng tứ bảo: bút, mực, giấy và nghiên, là bốn thứ cần thiết cho nghệ thuật này. Kỹ thuật cầm bút, đòi hỏi họa sĩ phải có đôi bàn tay điêu luyện, uyển chuyển, nhất là khi xử lý màu sắc đậm nhạt theo cảm xúc cũng như ý tưởng sáng tác, đường nét bay bướm để tạo cho bức tranh sống động phóng khoáng. Nếu cảm nhận hình ảnh không gian, với bút pháp điêu luyện sẽ cho một hiệu quả ấn tượng hết sức sinh động. Ví như tác giả không hề vẽ nước, nhưng người thưởng ngoạn vẫn thấy nước đang chảy, thấy mây bay, thác gầm và hoa đang nở...

- Khác với luật viễn cận trong hội hoạ của người Thát, nghệ thuật của người Tiên Việt chúng ta chứa đựng tư tưởng hư vô, cho nên có khuynh hướng biểu diễn cái vô cùng của vũ trụ vào ngay trong cái nhỏ bé của cái hữu hạn trong thế giới nhị nguyên. Điều quan trọng với họa sĩ là cốt tìm nắm lấy cái căn bản của vũ trụ, tức là cái hư vô ẩn trong từng sự vật hữu hạn. Hư không trong hội họa cũng được tượng trưng bằng những nét bút mạnh mẽ và thẳng, cũng có thể phớt nhẹ trên mặt giấy mà ta cảm thấy như nó đang bay đi vun vút và mất dạng trên không trung, một cảm giác bàng bạc mênh mông như không đọng lại trên mặt giấy, những nét bút vừa mạnh mẽ vừa nhẹ nhàng, màu sắc khi đậm khi nhạt, đạt đến sự điêu luyện còn gọi là “thần bút”. Muốn nhận thấy cái “thần” trong chữ viết hoặc trong bức họa, người ta nhìn ở nét bút của họa sĩ, nét nào đã phóng ra, không bao giờ đồ lại, nét đồ lại là nét chết.

Trần Tĩnh Kỳ đứng gần bên, âm thầm gật đầu. Những điều Triệu Cơ nàng vừa nói quả thật không sai.

Hắn tiếp tục lắng nghe.

- Còn nói về bố cục. Trong hội hoạ của người Tiên Việt chúng ta, bố cục của một bức tranh phải hết sức chặt chẽ, công phu và điêu luyện. Mức độ chặt chẽ tạo hồn cho tranh còn gọi là “tụ thư” (nhiều, ít) giữa chủ cảnh và phối cảnh phải phân bố thật khéo léo, thẩm mỹ, bố trí phù hợp tạo cho cảm giác tổng quan cảnh vật trong tranh được cân bằng không quá dày sẽ bị rối hoặc quá thưa. Việc trình bày một bài thơ bằng thư pháp bên cạnh tranh cũng cần cân nhắc sao cho tăng hiệu quả thẩm mỹ. Sau cùng “lạc khoản” (đề ngày tháng, tên họ) và dấu ấn được bố trí khéo léo, làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho bức tranh...

- Những gì nương nương vừa nói đích xác đều không sai.

Trần Tĩnh Kỳ nhanh chóng tiếp lời:

- Bức tranh vẽ ra, cốt cũng là để thưởng thức. Vậy, theo nương nương, cần phải như thế nào thì mới có thể thưởng thức được trọn vẹn một bức tranh?

Vấn đề này nằm ngoài kiến thức sách vở, Triệu Cơ chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm của bản thân để trả lời. Sau một thoáng trầm ngâm, nàng đáp:

- Vấn đề thưởng thức và đánh giá một bức tranh, đòi hỏi người thưởng ngoạn phải cùng hòa vào bức tranh, thấy được màu sắc và cảnh vật trong tranh, bằng trực giác để nhận thấy kỹ xảo của tác giả thể hiện sao cho vẽ cái gì giống cái đó theo phép tả thực, ví dụ như núi cao trùng điệp hùng vĩ, con vật sinh động khả ái, cây cỏ hoa lá thì tươi đẹp... cũng bằng trực giác cảm thụ được bút pháp của họa sĩ lột tả được thần thái của cảnh vật và con vật, giúp người xem thấy được tinh - khí - thần sâu lắng trong nội tại của bức tranh. Song song, việc thấu hiểu được những câu thơ đề trong tranh cũng rất quan trọng, giúp việc thưởng thức tăng thêm bội phần...

- Thế nào? Ta có nói sai chỗ nào không?

Đáp lại là một cái lắc đầu. Trần Tĩnh Kỳ phải công nhận Triệu Cơ đối với thư, hoạ cũng rất am hiểu.

- Nương nương, bây giờ xin người hãy vẽ một bức tranh để Tĩnh Kỳ có được cái nhìn cụ thể hơn.

- Ngươi muốn ta vẽ loại tranh nào?

- Chủ đích của nương nương là tranh chân dung, vậy người hãy vẽ tranh chân dung.

- Được.

Triệu Cơ sai hai tì nữ thiếp thân của mình đi mài mực, căng giấy. Khi mực đã được mài, giấy đã được căng, lúc này nàng mới tiếp lấy cây bút lông từ tay Tiểu Thúy. Chỉ là, qua một đỗi vẫn chưa thấy nàng động bút vẽ tranh.

Trần Tĩnh Kỳ lấy làm nghi hoặc:

- Nương nương, có vấn đề gì sao?

Triệu Cơ ngẩng lên, thần tình lộ vẻ khó khăn:

- Ta không biết phải vẽ chân dung của ai.

Cái này...

- Nương nương, chi bằng hãy vẽ Hoàng thượng.

- Hoàng thượng?

Triệu Cơ lắc đầu:

- Ta sợ vẽ không tốt, sẽ mạo phạm người.

- Vậy... hay là nương nương cứ vẽ một người nào đó mà nương nương cảm thấy ấn tượng.

- Người ta ấn tượng sao...

Triệu Cơ lẩm bẩm, khoé môi nhếch lên một cách khó hiểu.

- Được rồi, ta nghĩ là bây giờ mình đã biết phải vẽ chân dung ai rồi.

Dứt câu, nàng bắt đầu động bút. Trên mặt giấy xuyến chỉ, mực in dấu mỗi lúc một nhiều...

Bức chân dung này Triệu Cơ vẽ khá nhanh, đâu độ nửa canh giờ liền xong. Được vẽ là một nam nhân, vóc người cao ráo, tay cầm quạt, cử chỉ tao nhã, thoáng nhìn cũng đủ biết hạng tài tử phong lưu. Trừ khuôn mặt.

Nếu từ cổ trở xuống đẹp đẽ bao nhiêu thì khi nhìn đến khuôn mặt, cảm xúc lại tụt dốc bấy nhiêu. Diện mạo và vóc dáng, trên - dưới phải nói là khác nhau một trời một vực!

Khuôn mặt được Triệu Cơ vẽ đây, răng giống như bị hô, nụ cười thì kiểu "hê hê" hèn mọn. Cũng chính là nụ cười này, nó đã khiến cho nếp nhăn lộ rõ, làm cho cặp mắt trở nên ti hí.

Tục, tiện, hèn, bộ mặt của một tên tiểu nhân vừa nhìn đã biết!

Bởi do ban nãy, lúc bắt đầu vẽ chi tiết khuôn mặt, Hoàng hậu Triệu Cơ không cho phép Trần Tĩnh Kỳ đứng bên cạnh nên mãi tận lúc này, khi bức tranh đã hoàn tất thì hắn mới có thể xem xét tận tường. Chưa xem thì thôi, vừa ghé mắt xem qua, hắn thật... đứng hình.

Không chỉ bởi gương mặt này quá "xấu" mà còn vì... chỉnh thể nhìn khá giống hắn! Phải, trừ bỏ những "khuyết điểm" kia ra thì phần còn lại rất tương đồng!

- Hoàng hậu nương nương, bức tranh này... nương nương là vẽ ai vậy?

- Ngươi a.

Triệu Cơ một bộ hồn nhiên:

- Ta vẽ giống như vầy mà ngươi không nhận ra được sao?

Trần Tĩnh Kỳ im lặng. Mặc dù trong lòng cũng đã đoán ra, nhưng tới khi nghe chính miệng nàng xác nhận, hắn vẫn khó tránh... giống như là bị nghẹn.

Xuyên tạc!

Quá xuyên tạc!

Gương mặt của Trần Tĩnh Kỳ hắn từ lúc nào lại biến thành ti tiện tới như vậy?!
Bình Luận (0)
Comment