Quân Vương Ngự Nữ

Chương 232

Nội dung bức thư (cứ cho là bức thư) được gói gọn bằng sáu câu thơ, mỗi một câu đều thể hiện rõ sự quan tâm, lời lẽ chân thành tha thiết. Ý tứ tự trách, khuyên giải thiệt hơn kia, vốn không khó để cho người thấu hiểu.

Càng xem, càng ngẫm, Lâm Thục Nhu lại càng thấy nôn nao, lòng đầy bối rối.

Tại sao?

Tại sao hắn phải để ý nàng như vậy? Tại sao phải lo lắng cho nàng như vậy? Nàng với hắn có là gì của nhau đâu. Chuyện hôm đó bất quá một cái bẫy, chẳng ai mong muốn. Lỡ đã phát sinh, thì thôi hãy cứ coi như cơn ác mộng, cố để mà quên. Nhưng hắn cứ quan tâm lo lắng cho nàng thế này, nàng làm sao thôi suy nghĩ được đây?

Tâm mới bình ổn đôi chút bây giờ đã lại rối ren, Lâm Thục Nhu cắn môi, một đỗi sau thì thở dài.

Nàng tự hỏi bản thân mình liệu có thực sự oán giận Trần Tĩnh Kỳ không? Hay tất cả chỉ là ngụy tạo, vì muốn trút nỗi thương tâm buồn khổ...

Cả đêm Lâm Thục Nhu chẳng tài nào ngủ được. Trong đầu nàng cứ mãi hiện lên những câu chữ chân thành tha thiết kia. Sáng ra, nàng cảm thấy rất bực. Qua hai hôm sau, khi đã làm đủ mọi cách mà dạ vẫn chưa yên, nàng mới quyết định viết thư hồi đáp. Nội dung đại khái chế giễu, khinh thị tâm ý của Trần Tĩnh Kỳ, cho hắn là kẻ tiểu nhân đang cố tỏ ra là mình quân tử. Tương tự Trần Tĩnh Kỳ, bức thư của nàng cũng được gói gọn bằng sáu câu thơ đầy tinh tế và được gửi đi thông qua chiếc túi thơm hôm nọ. Lý do mà Lâm Thục Nhu dùng để qua mặt con gái là: hương liệu bên trong chiếc túi đã phai nhạt, muốn nhờ Trần Tĩnh Kỳ thay mới.

Tiểu công chúa Lý Long Tranh nghe vậy, cứ nghĩ chỗ thảo dược đựng trong túi đối với mẫu phi mình có hiệu quả, liền vui vẻ nhận lời, cầm theo chiếc túi đến lớp, rồi cẩn thận đem nó giao cho Trần Tĩnh Kỳ, chuyển lời nhờ vả.

Biết là Lâm Thục Nhu đã tìm thấy bức thư mình gửi, bây giờ hồi đáp, Trần Tĩnh Kỳ âm thầm gật đầu thu lấy. Sau buổi học, vừa ngồi lên xe ngựa đi ra khỏi hoàng cung hắn liền mở túi ra xem.

Bên trong quả nhiên là giấu một bức thư.

Hắn chăm chú đọc...

Đọc xong bức thư, Trần Tĩnh Kỳ lâm vào trầm mặc, vài giây sau đó hắn bỗng cười khì, miệng thì lẩm bẩm: "Nàng ấy thật giống như thiếu nữ đang hờn dỗi."

...

Ngày hôm sau, chiếc túi thơm với chỗ thảo dược đã thay mới được Trần Tĩnh Kỳ trao cho tiểu công chúa Lý Long Tranh, rồi tiểu công chúa lại đem nó giao lại cho mẫu phi của mình.

Thời điểm tiếp nhận, Lâm Thục Nhu cũng có phần mong đợi. Điều đó được thể hiện qua nét mặt của nàng, dù không quá rõ.

Chuyện cứ như thế tiếp diễn, trên danh nghĩa cấp phương thuốc an thần, thông qua tiểu công chúa Lý Long Tranh, Trần Tĩnh Kỳ và Lâm Thục Nhu đã thư từ qua lại, nhanh thì ba hôm, chậm thì năm sáu hôm, mỗi tháng trung bình bảy tám bức.

Ban đầu Lâm Thục Nhu chỉ tính giễu khinh, cố tình công kích để Trần Tĩnh Kỳ biết là mình đối với hắn rất có thành kiến, vô cùng ác cảm, chỉ muốn tránh xa. Ý tứ kiểu như: "Ta với ngươi chả là gì cả, vậy nên Lâm Thục Nhu ta sống thế nào, tâm trạng ta ra sao không cần ngươi phải để ý. Quản? Ngươi quản cái gì chứ? Ngươi lấy tư cách gì để quản? Ta không có mượn! Ta không cần!".

Thời gian đầu Lâm Thục Nhu chính là mang tâm lý như vậy đấy, thế nhưng càng về sau, suy nghĩ của nàng càng khác đi. Sự sai lệch này, nó phát triển theo chiều hướng hoàn toàn trái ngược. Thay vì chán ghét, cố trang lạnh lùng, những bức thư sau này của Lâm Thục Nhu, giọng điệu đã dịu dàng hơn, cũng bớt chua ngoa hơn. Dần dà, từ châm biếm, giễu khinh, xa cách, nàng bắt đầu biết lắng nghe, tiếp nhận.

Tới đây, không thể không kể đến sự kiên trì nhẫn nại của Trần Tĩnh Kỳ. Khoảng thời gian qua, mặc Lâm Thục Nhu đay nghiến ra sao, "chà đạp" tâm ý của mình thế nào thì hắn vẫn cứ như cũ, luôn tử tế ôn nhu. Chính điều đó đã khiến Lâm Thục Nhu thầm cảm động.

Thôi trách móc, nàng thử mở lòng. Một chút, rồi thêm một chút, thế rồi chẳng biết tự khi nào Trần Tĩnh Kỳ đã trở thành bạn tri âm, một người tri kỷ. Rất nhiều chuyện, rất nhiều thứ được nàng viết ra, cùng hắn tâm sự...

...

Nhân sinh chính là kì diệu như vậy. Hôm qua người đó đã làm ta đau buồn, chán nản, nhưng hôm nay cũng chính người đó lại khiến cho ta cảm thấy vui vẻ, lạc quan yêu đời. Buồn - vui vốn chỉ cách nhau một ý niệm, thông suốt thì dạ được an nhiên.

Chuyện cùng Trần Tĩnh Kỳ thuở ấy, Lâm Thục Nhu có lẽ đã bỏ xuống được rồi. Bây giờ, nàng đã không còn trách, trong lòng cũng thôi dằn vặt. Đối với một nữ nhân nhu mì đằm thắm, xem trọng đạo nghĩa luân thường như nàng, để làm được như vậy, tính ra cũng là cả một quá trình tranh đấu nội tâm. Nếu không nhờ Trần Tĩnh Kỳ thường xuyên viết thư khuyên nhủ, động viên, đôi lúc còn cố ý pha trò trêu chọc, thiết nghĩ nàng sẽ rất khó buông được. Cho dù có thực lãng quên, dám cá cũng là quên theo cách khác, với một tâm thái khác, khô khan và lãnh đạm.

Hiện giờ, nàng không còn cảm thấy quá cô đơn lạc lõng giống như trước kia nữa. Trong quá khứ, khi đối diện với những nỗi ưu tư phiền muộn, Lâm Thục Nhu nàng thường chỉ biết lẳng lặng cam chịu, một mình ôm giữ. Chốn hậu cung người tranh ta đấu, mưu toan đầy rẫy này, có mấy người nàng có thể an tâm tin tưởng đây? Cho dù là Hạng đế Lý Uyên - trượng phu của nàng, nàng cũng không dám thổ lộ; mỗi lần hầu chuyện, nàng chỉ lắng nghe, vì trượng phu san sẻ. Còn riêng bản thân mình...

Trần Tĩnh Kỳ chính là người đầu tiên. Lâm Thục Nhu nàng đã hướng hắn than buồn than khổ, kể nỗi sầu thương. Thỉnh thoảng, nàng xem hắn như là một chiếc hộp để cho mình đem tâm tư trút vào trong ấy...

Phải, rất kì lạ. Tại sao nàng lại có thể đem những nỗi niềm riêng tư vẫn luôn chôn giấu kể cho hắn nghe chứ? Chẳng phải chính hắn là kẻ đã hủy đi danh tiết của nàng ư? Thân thể nàng vốn là bị hắn làm hoen ố...

Có lẽ, đối với hắn, Lâm Thục Nhu nàng không cần phải phòng bị. Hắn và nàng đều giống như nhau, thân mang trọng tội, cả hai sớm đã bị buộc chung một con thuyền, phúc hoạ tương liên. Nàng nghĩ đó là lý do.

Lại nói, trong thâm tâm mình, Lâm Thục Nhu nàng há lại chẳng luôn thầm mong mỏi đấy ư? Một ai đó thực dạ quan tâm, biết lắng nghe và sẵn lòng chia sẻ. Ở trong hoàng cung này, nàng đã lạc lõng quá lâu rồi...

"Vi diệu", đó là hai từ rất thích hợp để miêu tả mối quan hệ của Lâm Thục Nhu với Trần Tĩnh Kỳ. Từ chỗ không quen biết, họ dần thân thuộc, đầu tiên là với danh phận phi tử - thần tử, kế đấy là nghĩa mẫu - nghĩa tử, chừng khi bị Triệu Cơ đưa vào bẫy rập, phát sinh quan hệ thì lại càng thêm dính líu. Rồi, thông qua những lần thư từ trao gửi, động viên an ủi, thổ lộ nỗi niềm, chẳng biết tự bao giờ họ bỗng trở thành bạn tri âm, người tri kỷ.

Mối quan hệ này, nó kéo dài được bao lâu, sẽ tiếp diễn thế nào? Trong tương lai có ảnh hưởng gì đến vận mệnh?

Không ai biết được. Tất cả chỉ có thể để tương lai trả lời. Lúc này, hiện tại mới là thứ cần bận tâm.

Lâm Thục Nhu thay đổi cách nhìn, lẽ dĩ nhiên những người bên cạnh nàng, mà cụ thể là tiểu công chúa Lý Long Tranh cũng sẽ hành xử khác đi. Một đoạn thời gian rồi mẫu phi đã không còn ngăn cấm, ngược lại còn tỏ ý khuyến khích cô bé thân cận với Trần Tĩnh Kỳ.

Khỏi phải nghĩ, đối với sự thay đổi này của mẫu phi, tiểu công chúa tự nhiên là vui vẻ. Vốn dĩ cô bé chưa bao giờ muốn xa lánh Trần Tĩnh Kỳ; trong mắt cô bé, Trần Tĩnh Kỳ là một người thầy rất có năng lực, đáng để tôn kính. Ngoại trừ phụ hoàng của mình, nam nhân cô bé ngưỡng mộ nhất chính là Trần Tĩnh Kỳ hắn. Từ khi đến Hạng, người thầy này của cô bé đã vì Hạng quốc làm ra không ít việc lớn lao. Ngay đến phụ hoàng cũng đã chính miệng thừa nhận, ngợi ca tài năng của thầy, thường gọi người là "thiên cổ kỳ nhân".

Xuất phát từ nội tâm yêu mến, kính ngưỡng, Lý Long Tranh thầm nguyện với lòng nhất định không được phụ công thầy dạy dỗ, sẽ chăm chỉ học hành để mai sau có thể làm được nhiều việc cho bách tính muôn dân. Tuy cô bé là phận nữ nhi, nhưng thầy nói dù nữ nhi cũng có thể làm chuyện lớn. Trong lịch sử, chẳng phải đã từng có nữ tướng xông pha chốn sa trường giết giặc, chẳng phải đã từng có nữ sĩ dâng sách lược an bang, hiến kế bình thiên hạ?

Họ là bậc anh thư được thế nhân muôn người kính ngưỡng. Họ là người, Lý Long Tranh cũng là người, nếu họ đã có thể làm được thì tại sao cô bé lại không thể? Thông minh, cơ trí, cô bé nào có thiếu.

Tương lai, một ngày nào đó, cô bé cũng sẽ ghi tên mình vào sử sách, bằng chính năng lực của mình...

Tâm tư của Lý Long Tranh là như vậy, muốn làm anh thư, muốn sống đời oanh liệt, mặc dù nó không giống với dáng vẻ hiền lành của cô bé cho lắm. Thiết nghĩ đến Trần Tĩnh Kỳ cũng chẳng thể lường được, rằng chính những lời cổ vũ, động viên hắn nói ra trong giây phút ngẫu hứng lại tác động nhiều đến Lý Long Tranh như vậy. Lý Long Tranh, cô bé đã thầm nuôi chí lớn...

Biết đâu mai này, trong công cuộc thống nhất thiên hạ của Trần Tĩnh Kỳ, Lý Long Tranh - đứa học trò năm nào của hắn - lại trở thành chướng ngại to lớn nhất. Khi đó, mọi thứ chắc đều đã thay đổi, tình nghĩa chẳng thể như xưa. Trên chiến trường, nếu không phải kẻ địch chết thì là ta vong.
Bình Luận (0)
Comment