Quân Vương Ngự Nữ

Chương 57

Viên Hi không lên tiếng. Nàng vẫn an vị trên ghế, đôi mắt thâm sâu chẳng thể đoán được là đang nghĩ gì.

Riêng Trần Tĩnh Kỳ...

Nếu là bình thường Trần Tĩnh Kỳ tự nhiên sẽ chẳng đi hơn thua với Cao Trạm làm gì, nhưng mà hiện giờ, hắn đang diễn vai một kẻ văn nhân tự phụ, háo thắng a. Hắn bây giờ chính là bằng hữu của Thái tử, được Thái tử chiếu cố, việc gì phải sợ đại công tử của phủ Thái úy?

Đã diễn thì phải diễn cho trót, Trần Tĩnh Kỳ tỏ ra mình là một thiếu niên hãy còn nông nổi, tiếp tục cùng Cao Trạm so đấu văn chương.

Sau một hồi bất phân thắng bại, Cao Trạm mặt mày đen lại. Quạt ngọc trên tay sớm đã xếp, hắn dành cho Trần Tĩnh Kỳ một ánh mắt đầy đe doạ. Rồi hắn bỗng bật cười:

- Ha ha ha! Tốt...! Tài hoa của An Vương thật là khiến cho ta được mở mang tầm mắt!

- An Vương, ta ra một câu đối, không biết ngươi có thể đối lại được ngay chăng?

Trần Tĩnh Kỳ tràn đầy tự tin:

- Cao huynh xin cứ việc ra đề.

- Tốt!

Cao Trạm đọc:

- Ngọc tàng nhất điểm xuất vi chúa nhập vi vương.

(Ngọc giấu một chấm, ra là chúa, vào là vua)

Mọi người nghe qua, tức thời động dung.

Theo chiết tự, chữ "Ngọc" có ba nét ngang, một nét dọc ở giữa và một dấu chấm ở bên cạnh. Nếu bỏ dấu chấm đi và để nét dọc nhô ra ngoài thì thành chữ "Chúa", lui vào trong thì thành chữ "Vương".

Khẩu khí là tâm, là bản chất sâu kín của một người. Dù có che đậy giỏi thế nào thì đôi khi thông qua khẩu khí ta có thể biết được đó là người tốt hay xấu, sang hay hèn, còn có thể tiên tri về vận mệnh của một người.

Qua câu đối trên, có thể thấy Cao Trạm là một kẻ có nhiều tham vọng ngông cuồng.

Liếc thấy Trần Tĩnh Kỳ vẫn còn im lặng, Cao Trạm mới đắc ý:

- An Vương, thế nào? Ngươi có đối được hay không?

Trần Tĩnh Kỳ rất bình tĩnh, từ tốn ngâm:

- Thổ triệt bán hoành, thuận giả thượng, nghịch giả hạ.

(Thổ bỏ nửa nét ngang, thuận ở trên, nghịch ở dưới)

Đây dĩ nhiên cũng là một câu đối theo lối chiết tự. Chữ "Thổ" có hai nét ngang và một nét dọc ở giữa. Nếu bỏ nửa nét ngang trên thì chữ "Thổ" thành chữ "Thượng" nếu để thuận và thành chữ "Hạ" nếu để ngược.

Câu đối đáp rất khéo léo, không chỉ chặt chẽ về niêm luật mà còn phù hợp về tâm cảnh, ý cảnh. Nếu như câu đối của Cao Trạm thể hiện tham vọng ngông cuồng, thì câu đối của Trần Tĩnh Kỳ lại ngụ ý "khuyên" hắn phải biết cư xử cho phải đạo.

Viên Hi hiểu, sáu vị tài tử kia hiểu, bản thân Cao Trạm lại càng hiểu. Song, hiểu là một chuyện, có nghe hay không thì đấy lại là chuyện khác. Mà chiếu theo thái độ hiện giờ của Cao Trạm... khó để nói hắn chịu tiếp nhận lời khuyên của Trần Tĩnh Kỳ. Bộ dáng của hắn đương rất khó chịu, dường như đang nghĩ câu đối, muốn tiếp tục so tài.

May sao, đúng lúc này Viên Hi mỉm cười lên tiếng:

- Cao công tử, Trần công tử, tài hoa của hai vị công tử thật khiến cho người ta phải khâm phục. Nào, Viên Hi mời hai vị một ly.

Viên Hi ra mặt, tức khí của Cao Trạm cũng dần lắng dịu. Mọi người lại an ổn đàm luận, bầu không khí trong thuyền rốt cuộc cũng trở lại bình thường...

Từ sau đêm ấy, người ta chẳng còn thấy Cao Trạm ghé qua Túy Vân thi quán nữa. Có lời đồn bởi do hắn quá bận rộn sự vụ, không có thời gian, nhưng cũng có kẻ cho rằng Cao Trạm sở dĩ không đến là vì Trần Tĩnh Kỳ...

Đồn đoán của thế nhân, Trần Tĩnh Kỳ nghe qua rồi cũng thả nước trôi sông, chả buồn để bụng. Mỗi ngày hắn vẫn uống rượu, vẫn ngâm thơ, cùng các tài tử trong giới văn nhân kết giao bằng hữu; nhưng, kẻ xứng đáng để làm tri kỷ của hắn nhất thì chỉ có duy nhất một người: Quán chủ của Túy Vân thi quán - Viên Hi.

Theo thời gian, qua những lần tiếp xúc, đối ẩm ngâm thơ, mối quan hệ của hai người càng lúc càng trở nên thân thiết, gần gũi. Tới mức Viên Hi có thể thản nhiên ngồi ở trước mặt Trần Tĩnh Kỳ mà soi gương trang điểm.

Tại Ngọc Hồ, Trần Tĩnh Kỳ mở cửa đi vào bên trong lâu thuyền, nhìn thấy Viên Hi đang ngồi điểm trang như vậy liền ngâm:

- Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.

(Soi gương kẻ lông mày, một nét hóa ra hai nét)

Câu đối này, nếu là người khác thì cũng không có gì đặc biệt, nhưng ở trong trường hợp này, khi đối tượng hướng đến là Viên Hi thì ý nghĩa lại khác.

Viên Hi vốn có tên tự là Hồng Điểm, do đó chữ "điểm" trong câu đối của Trần Tĩnh Kỳ vừa là nét vẽ lại vừa là tên, ý nói soi gương, một nàng Điểm thành hai nàng Điểm (Một Điểm ở bên ngoài và một Điểm hiện trong gương).

Chữ nghĩa, ý cảnh đều không thể chê vào đâu được. "Lời chào hỏi" này của Trần Tĩnh Kỳ, người bình thường khó có khả năng đáp lại.

Song Viên Hi há lại là hạng nữ tử tầm thường?

Nàng từ tốn đem bút kẻ lông mày để xuống bàn, xoay đầu nhìn Trần Tĩnh Kỳ, mỉm cười đáp:

- Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân.

(Tới hồ ngắm trăng, một vầng hóa ra hai vầng)

Tương tự Trần Tĩnh Kỳ, Viên Hi cũng đem tên của hắn lồng vào trong câu đối một cách rất đỗi tài tình.

"Luân" chính là lấy từ "Cẩn Luân" - tên tự của Trần Tĩnh Kỳ. Nó vừa là ví mặt trăng tròn như bánh xe, lại vừa là tên. Câu đối của Viên Hi có ý muốn nói nhìn xuống ao, một ông Luân hóa ra hai ông Luân.

Chữ đối chữ, ý đối ý, tương xứng như thế, còn có chỗ nào để chê?

Trần Tĩnh Kỳ thật sự rất khâm phục tài năng của Viên Hi. Từ khi quen biết tới nay, chưa một lần nào hắn có thể làm khó được cho nàng. So với Viên Hi nàng, Cao Trạm kia thật phải nói là kém xa.

- Viên Hi cô nương, nhiều lúc ta tự hỏi, không hiểu tại sao mà trên thế gian lại có một người uyên bác như cô.

Trần Tĩnh Kỳ đến ngồi bên chiếc bàn gỗ đặt giữa căn phòng trên lâu thuyền, thâm ý nói.

Viên Hi đem thức ăn từ chiếc hộp bày ra, miệng đáp, thanh âm trong trẻo dịu dàng:

- Trần công tử, câu này lẽ ra phải nên để Viên Hi nói mới đúng. Viên Hi thực rất muốn biết làm thế nào mà trên đời lại xuất hiện một người như công tử. So với Viên Hi, công tử còn ít hơn mấy tuổi.

Trần Tĩnh Kỳ khẽ cười, không bình luận gì thêm.

- Công tử, mời.

Viên Hi cầm ly rượu đã rót đầy đưa lên.

- Mời.

Trần Tĩnh Kỳ cũng liền đáp lễ, nâng ly uống cạn.

Trong lúc hai người đối ẩm, những vần thơ cũng được gieo ra. Nam một câu, nữ một câu, giữa lâu thuyền tiếng nói tiếng cười vang lên không dứt...

Gần đến nửa đêm thì Viên Hi đã ngà ngà say. Trần Tĩnh Kỳ thân là nam tử, dĩ nhiên phải có trách nhiệm đưa nàng trở về. Địa điểm được hắn lựa chọn là Thính Phong Các ở ngọn đồi Túy Vân. So với phủ Trung Vương thì Thính Phong Các rõ ràng thuận đường hơn.

...

Tiến vào toà các thanh nhã, Trần Tĩnh Kỳ cẩn thận dìu đỡ Viên Hi bước lên các bậc thang. Phòng ngủ của Viên Hi, nó nằm ở tầng ba.

Có điều là... chỉ mới đi đến tầng hai thì chân Viên Hi đã khụy xuống, người cũng mềm nhũn ra. Chắc rượu đã ngấm hẳn, Viên Hi thực đã say...

- Viên Hi cô nương.

- Viên Hi cô nương.

- Hồng Điểm...

Trần Tĩnh Kỳ phải lay gọi mấy bận thì Viên Hi mới hé mắt. Đôi mắt mơ màng, bên trong dường có chút hơi nước phủ giăng.

- Công tử...

Viên Hi mở miệng, thanh âm yếu ớt.

- Viên Hi... đi không nổi nữa... Phiền công tử... bế ta...

Nói xong Viên Hi lại nhắm mắt, người ngả ra.

Cái này...

Trần Tĩnh Kỳ có hơi khó xử. Nhưng cũng không lâu. Xét ở trong tình cảnh này thì còn để ý làm gì đến cái vấn đề "nam nữ thụ thụ bất thân" kia nữa chứ.

Đem lễ tiết gạt sang một bên, hắn luồn tay qua người Viên Hi, bế nàng lên.

Ôm giữ giai nhân, ngửi mùi hương thiếu nữ, trong lòng Trần Tĩnh Kỳ có chút lâng lâng. Hắn cúi xuống nhìn Viên Hi.

Cánh môi hồng giai nhân khẽ động, lại như mời gọi. Ôi, khuôn mặt này, sự thanh tao thoát tục này, thật không khỏi khiến lòng người xao xuyến...

Trần Tĩnh Kỳ đã rung động. Chẳng phải giả vờ. Hắn nhận ra là bản thân cũng muốn chiếm hữu nữ nhân này cho riêng mình.

Nhưng... không được. Viên Hi là người của Trung Vương phủ. Hắn được biết Trung Vương Lý Long Việt rất coi trọng nàng. Từ các bằng hữu kết giao, hắn còn nghe nói giữa nàng và Trung Vương có mối quan hệ "không bình thường"...

Khẽ lắc đầu, Trần Tĩnh Kỳ đem cơn xúc động dằn xuống, bế Viên Hi vào phòng, đặt nàng lên giường.

Xong xuôi đâu đấy, hắn xoay đầu, đang tính đứng lên thì... một bàn tay bỗng đưa ra níu giữ.

- Hãy ở lại...
Bình Luận (0)
Comment