Sùng Thiệu Đế nhìn tấm bùa, rơi vào trầm mặc, hồi lâu mới lên tiếng: “Trẫm biết rồi, con về trước đi.”
Bùi Trường Hoài vẫn còn quỳ: “Hoàng thượng sẽ phái binh đến Bắc Khương sao?”
Sùng Thiệu Đế đáp: “Ta sẽ suy nghĩ cẩn thận.”
“Suy nghĩ?” Giọng nói của Bùi Trường Hoài lạnh nhạt: “Hoàng thượng, có lúc thần thật sự không hiểu, người rốt cuộc là bình tĩnh hay là máu lạnh…”
Lời này là đại bất kính, Trịnh Quan nghe xong thì giật thót, vội vàng giúp y nói khéo: “Tiểu Hầu gia lỡ lời, xem ra ngài vẫn chưa tỉnh rượu đúng không? Còn không mau tạ tội với Hoàng thượng…”
Bùi Trường Hoài giương mắt nhìn Sùng Thiệu Đế: “Hoàng thượng, thần rất tỉnh táo.”
Trịnh Quan thấy y còn dám lớn lối, vừa định khuyên răn thì Sùng Thiệu Đế cất giọng: “Cứ để nó nói!”
Trịnh Quan sợ run người, không dám chen vào nữa.
“Bùi Trường Hoài, Bùi Dục.” Sùng Thiệu Đế cười lạnh: “Trẫm biết trong lòng con luôn ôm hận với trẫm, không, phải nói là con thù ghét tất cả mọi người mới đúng! Trẫm cho phép con nói, trẫm đang nghe đây, có bao nhiêu oán hận cứ nói ra hết đi!”
Ánh mắt Bùi Trường Hoài mơ màng, tựa như ngóng trông phương xa nào đó, chuyện cũ chìm trong bụi tháng năm, lớp bụi ấy một khi được phủi đi, lộ ra dưới ánh mặt trời, mỗi chuyện cũ đều là bể máu.
Nhưng khuôn mặt Bùi Trường Hoài rất bình tĩnh, thù hận, oán giận, kẻ khác có thể dễ dàng quên lãng, nhưng y thì không, không quên, càng không dám quên.
Đối với Bùi Trường Hoài mà nói, ký ức chẳng phải là đẫm máu, mà là thống khổ dày vò y, cắn xé y trong mỗi giấc mộng.
“Năm đó Bảo Nhan Chử Đồ Lặc dẫn binh làm phản, lấy cớ không muốn dâng cống phẩm xâm phạm biên cương Đại Lương. Đại ca thần Bùi Văn mang ấn soái ra trận, nhị ca Bùi Hành làm tiên phong, chỉ trong ba tháng ngắn ngủi đã ép Chử Tô Lặc vào đường cùng. Chử Tô Lặc thất bại, bài mưu dẫn nhị ca vào nơi cùng cốc, dưới mai phục của hắn, trúng ngàn tiễn mà ch/ết thảm.
Sau khi nhị ca ch/ết, Chử Tô Lặc còn chặt một chân huynh ấy cho người đưa đến Vũ Lăng quân, đại ca nhìn thấy, đau buồn quá độ, đánh mất bình tĩnh, sau đó liên tục thất bại, cuối cùng ch/ết dưới đao của người Bắc Khương…
Hoàng thượng, người có biết thi thể của bọn họ là cái dạng gì không? Binh sĩ Vũ Lăng quân đem hai cỗ quan tài về Hầu phủ, mấy vị lão tưởng giữ chặt phụ thân không cho ông ấy nhìn, nhưng thần nhìn thấy rồi…”
Có một loại người, khi bi ai đến cùng cực sẽ không còn chút phản ứng, lúc đó thiếu niên Bùi Trường Hoài đi đến bên cạnh quan tài, bên tay trái là Bùi Văn, bên tay phải là Bùi Hành, y cứ ngây ngốc đứng đó nửa ngày, không rơi một giọt lệ.
Áo liệm cũng không che được một thân thương tích.
Trên mặt Bùi Văn loang lổ vết đau, lộ cả thịt, mười ngón tay không toàn vẹn. Bùi Hành cũng coi như còn giữ được mặt mũi, vết thương đều giấu vào trong áo, nhưng Bùi Trường Hoài nhìn thấy, chân phải của y thất lạc sa trường, không thể tìm lại.
Bùi Trường Hoài giương mắt nhìn, rất lâu sau mới cảm thấy dạ dày đau nhói, y ấn mạnh vào bụng, mùi tanh tưởi của thi thể làm y buồn nôn.
Y đứng không vững, ngã xuống bên cạnh quan tài, đầu đập trên nền đất, trước mắt tối sầm.
Tạ Tùng Tuyển ở bên cạnh, đỡ y dậy, vừa đứng được một lát lại ngã xuống, nước mắt vẫn không rơi, nhưng cơn đau trong dạ dày vẫn chưa thôi hành hạ y.
Tạ Tùng Tuyển không đỡ y nữa, trực tiếp ôm y vào lòng, giơ tay xoa gáy y, nhẹ giọng: “Trường Hoài.”
Phụ thân y, Bùi Thừa Cảnh, đang đứng đó, sự tồn tại như thần linh uy nghiêm mà trước giờ y chưa từng dám mạo phạm, nay lại không quan tâm đến tôn nghiêm của mình nữa, quỳ trước linh đường.
Những vị lão tướng kia mắt rưng rưng muốn đỡ ông dậy, nhưng Bùi Thừa Cảnh lại chậm rãi, chậm rãi cúi người, tựa như một đứa trẻ tuyệt vọng vùng vẫy trong thống khổ vô biên.
“Đại ca lúc còn sống cực kỳ say mê âm luật, thổi sáo đánh đàn, ngay cả nhạc sư trong cung cũng tự thẹn không bằng. Lúc nhỏ mỗi lần gặp ác mộng, sợ đến nỗi không dám ngủ, đại ca sẽ ngồi bên giường thổi sáo dỗ thần ngủ. Người như thế, trước khi ch/ết lại bị chém đứt mười ngón tay…”
Giọng nói của Bùi Trường Hoài rất trầm tĩnh, cho dù có bi thống cỡ nào, cũng đàm định như không.
“Lúc thần nhìn thấy tay của huynh ấy, trong lòng nghĩ, sau này cũng không thể nghe được tiếng sáo của huynh ấy nữa rồi.”
Trịnh Quan nghe xong, nước mắt ướt mặt, giơ tay áo gạt lệ.
Sùng Thiệu Đế ngồi trên long ỷ, có chút thất thần, nhưng lại không nhìn ra nét bi ai.
“Nhị ca của thần dũng cảm mạnh mẽ, người người đều thấy huynh ấy oai nghiêm quyết liệt mà không biết huynh ấy rất nhát gan. Huynh ấy sợ côn trùng, sợ mất mặt, sợ nhất là tẩu tẩu.”
Khuôn mặt trắng bệch của Bùi Trường Hoài cố nặn ra một nụ cười, tiếp tục nói: “Có binh sĩ trong quân tiên phong thoát nạn, trở về kể lại, lúc Chử Tô Lặc chặt đứt chân của nhị ca, huynh ấy vẫn còn sống, trong tiếng cười chế nhạo của quân Bắc Khương, huynh ấy cứ bò về một hướng, không hề dừng lại… Thần không biết trước khi ch/ết huynh ấy đã nghĩ gì, chỉ biết lúc thi thể được đưa về kinh đô, trong tay huynh ấy vẫn còn nắm chặt chiếc trâm cài huynh ấy muốn tặng cho thê tử…”
Sùng Thiệu Đế nghe Bùi Trường Hoài nói, không dám tưởng tượng lại cảnh tượng đó, chỉ nhớ tới lúc Bùi Văn, Bùi Hành còn tại thế.
Lúc đó Tiên đế vẫn còn là Vương gia, Bùi Thừa Cảnh là cánh tay đắc lực của Tiên đế, Sùng Thiệu Đế thân là đích trưởng tử, thường xuyên cùng Tiên đế gặp gỡ Bùi Thừa Cảnh và mưu sĩ Tống Quan Triều, vì vậy cũng thường hay gặp gỡ người nhà của bọn họ.
Lúc đó Bùi Thừa Cảnh chỉ có Bùi Văn Bùi Hành, đều là mấy đứa trẻ độ mười tuổi, nhỏ hơn Sùng Thiệu Đế rất nhiều. Bùi Văn tính tình trầm ổn, Bùi Hành lại phóng khoáng.
Bùi Văn văn chương hoa mỹ, ngay cả mưu sĩ Tống Quan Triều cũng hết lời khen ngợi, khẳng định sau này sẽ thành rường cột quốc gia. Bùi Hành hay cười, lúc nào cũng thoải mái, không bị lễ nghi gò bó.
Tình cảm của hai huynh đệ rất tốt, lúc nào cũng kề vai bá cổ, cười cười nói nói.
Nhìn thấy Thiệu Sùng Đế sẽ ngoan ngoãn cúi chào: “Thỉnh an Thế tử gia!”
Giọng nói của họ như phảng phất bên tay, Sùng Thiệu Đế cúi đầu, để đôi mắt chìm vào bóng tối trầm ngâm.
Lát sau, Sùng Thiệu Đế mới cất giọng: “Thế nên con vì chuyện này mà oán hận trẫm? Bọn họ là tướng sĩ của Đại Lương, hi sinh vì xã tắc, hi
sinh vì bách tính, hi sinh vì trẫm là định mệnh của bọn họ, là vinh quang của bọn họ! Bùi Dục, nếu con đã hận như thế sao năm đó không đến chiến trường báo thù cho huynh trưởng? Trẫm cho con cơ hội theo phụ thân xuất chinh, sau đó thì sao? Mẫn Lang, Mẫn Lang, nó là…”
Sùng Thiệu Đế dứt lời, vai người chùng xuống, mới nhẹ giọng nói: “Một đứa trẻ tốt như thế, lại không bao giờ quay về bên trẫm nữa.”
“Thần ngày nào cũng hối hận!”
Bùi Trường Hoài nắm chặt tay, cắn răng nói: “Hối hận bản thân quá mức yếu đuối, không dám giết người. Lúc xưa thần hay nghĩ, nếu không động tới đao kiếm thì tốt rồi, vĩnh viễn sống dưới sự bảo vệ của phụ thân và huynh trưởng, yên bình lớn lên…
Sau khi mất đi hai người ca ca thần mới nhận ra, mới biết hối hận, rõ ràng chính mình có thể làm được rất nhiều chuyện, nhưng lúc đó chỉ biết buông xuôi. Sau đó phụ thân mang ấn soái xuất chinh, còn thần ngay cả tư cách đến Tẩu Mã Xuyên báo thù cho huynh trưởng cũng không có, bởi vì sợ con trai Bùi gia đều bỏ mạng nơi chiến trường, phụ thân thà đánh gãy chân thần cũng không muốn thần đi.
Tùng Tuyển tình nguyện thay thần xuất chinh, là vì y trọng tình trọng nghĩa, cũng là vì thần ích kỷ tự bi! Biết với tính tình của y nhất định sẽ không bỏ mặc không quản lại đi cầu xin y…”
Cầu xin sự giúp đỡ, cầu xin y cứu mạng.
Ngày Tạ Tùng Tuyển lên ngựa xuất chinh, Bùi Trường Hoài vẫn tự lừa mình dối người tin tưởng lời hứa mong manh ấy.
Đợi tuyết đầu mùa phất qua kinh thành, gió bắc lướt qua nhành mai trụi lá, đến lúc đó ta sẽ đến tìm ngươi.Kinh đô đã qua bao mùa tuyết, hoa mai mỗi năm lại rợp trời, đến bao giờ người mới trở lại?
Chẳng bao giờ nữa.
Chỉ còn lại một mình y, mỗi ngày đeo lên mặt nạ giả vờ thanh cao cô độc, cẩn ngôn thận hành, ngay cả Triệu Quân cũng chê cười y là con rối ngồi trên đài cao Vũ Lăng quân.
Lời hắn nói một chữ cũng không sai.
Y chính là con rối, con rối sẽ không phạm sai lầm, điều y sợ hãi nhất là phạm sai lầm, làm Bùi gia mất mặt.
Nên Bùi Trường Hoài mới chán ghét Triệu Quân, chỉ cần nhìn thấy hắn, Bùi Trường Hoài mới ý thức được cuộc sống của y mệt mỏi nhường nào, dáng vẻ của y thảm hại đến nhường nào. Phóng khoáng in sâu trong bản tính Triệu Quân, làm y ngưỡng mộ lại làm y đố kỵ. Y khát khao cuộc sống tự do tự tại như Triệu Quân, nhưng y không xứng.
Ngay cả việc y còn sống trên đời, cũng là không xứng đáng.
Nếu đại ca và nhị ca còn sống, Chính Tắc Hầu phủ tuyệt đối không sa sút như ngày hôm nay.
Bùi Trường Hoài ngày nào cũng nghĩ… Tại sao người ch/ết đi không phải là y? Tại sao?