Sa Vào Đêm Xuân - Nghiêm Tuyết Giới

Chương 94

Năm ấy, khi rời khỏi trấn Thanh Linh, Truy Dã vừa tròn mười sáu tuổi chưa được bao lâu.

Theo pháp luật, một người nếu đã có nguồn thu nhập độc lập để tự lo cho cuộc sống thì không còn bị xem là trẻ con nữa, mà là một cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

Vậy nên, cậu cũng tính là người lớn đi. Dù gì thì giờ cậu cũng chẳng còn ai để dựa vào, phải tự mình kiếm sống.

Nhà cậu vốn đã nghèo, suốt bốn năm cha cậu trầm cảm, gần như không chạy xe giao hàng được bao nhiêu. Cậu lo lắng với tình trạng tinh thần của cha, chưa kịp kiếm được tiền thì có khi đã bỏ mạng trên đường, nên thường khuyên ông đừng chạy nhiều. Một năm nửa năm, cũng chỉ chạy được vài chuyến, cuộc sống vô cùng túng quẫn nhưng vẫn có thể miễn cưỡng cầm cự.

Sau khi cha mất, cậu về sống cùng ông bà nội. Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, tinh thần của ông bà so với khi cha cậu còn sống sa sút đi không ít. Nhưng vì muốn nuôi nấng đứa cháu trai này, ông vẫn gắng gượng cầm cuốc ra đồng trồng trọt. Cả đời họ vốn là nông dân, ngoài bán sức lao động ra thì chẳng còn cách nào khác. Lúc còn trẻ không sao, nhưng về già, lưng eo chẳng còn được như trước, cột sống của ông nội cậu cong vẹo như vòm cầu, đi đường phải chắp tay ra sau lưng, nếu không thì người sẽ chúi về phía trước, chẳng thể nào đi nổi.

Thế nhưng với thân thể như vậy, vì muốn giúp Truy Dã có cái ăn, ông vẫn lén lút vác nông cụ lên núi, mà cậu lại hoàn toàn không hề hay biết.

Mãi cho đến một lần tình cờ, cậu bị người ta kéo ra chợ, trông thấy ở góc chợ có một bóng lưng quen thuộc. Một ông lão gầy gò, còng lưng ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ, trước mặt là một giỏ rau xanh tươi mới hái.

Truy Dã sững người từ xa, chứng kiến một bà thím đến mua rau, cò kè bớt một thêm hai từng đồng bạc lẻ. Trên tay bà ta vừa lựa cá xong, rút từ trong túi ra một nắm tiền lẻ, còn vương mùi tanh khó chịu. Thế nhưng ông nội cậu vẫn cẩn thận nhặt từng tờ tiền nhét vào chiếc hộp sắt, chẳng dám sơ suất dù chỉ một đồng.

Sau hôm ấy, cậu lặng lẽ theo ông lên núi, biết được vị trí của thửa ruộng. Rồi mỗi sáng dậy sớm hơn cả ông, cướp lấy nông cụ, một mình học theo từng động tác, bắt chước cách ông làm ruộng.

Cứ thế, cậu đã trồng rau suốt một năm. Cho đến khi cả ông lẫn bà nội đều qua đời. Số tiền họ dành dụm, cậu dùng để lo tang sự, còn lại vừa đủ để đóng học phí năm cuối cấp hai.

Nhờ số tiền ấy, cậu không phải dừng việc học ở bậc tiểu học, thuận lợi hoàn thành cấp hai.

Chiều hôm diễn ra lễ tốt nghiệp cấp hai, đám bạn cùng lớp bá vai bá cổ nhau bàn bạc về kỳ nghỉ hè, tính rủ nhau đi cắm trại bên bờ biển. Mấy thằng nhóc mới lớn chẳng có khả năng đi xa, bãi biển không mấy đẹp ở Thanh Linh đã được xem như địa điểm tốt nhất cho chuyến du lịch tốt nghiệp của họ. Một người khởi xướng, cả đám hưởng ứng, khi đến lượt hỏi Truy Dã, cậu lơ đễnh vắt chiếc ba lô cũ rích đã giặt đến bạc màu lên vai, không chút do dự lắc đầu:

“Không đi được, bận lắm.”

Lời còn chưa dứt, cậu đã sải bước rời đi, chẳng có chút lưu luyến hay buồn bã nào dù hôm ấy là ngày cuối cùng.

Người khởi xướng bối rối, lẩm bẩm: “Ra vẻ cái gì chứ!”

Truy Dã chẳng buồn bận tâm, phóng xe đạp vút đi như gió, thẳng đến một nhà hàng.

Cậu không nói dối. Thật sự rất bận, bận đi làm.

Cậu tìm được một quán ăn đang tuyển phụ bếp, lương theo giờ khá cao, vì quán không chỉ phục vụ bữa tối mà còn mở đến khuya để bán đồ ăn đêm. Người lớn tuổi không chịu nổi cường độ làm việc khuya như vậy, nên cậu có lợi thế nhờ tuổi trẻ. Hơn nữa, cậu còn biết nấu ăn, nên ông chủ đã nhận cậu vào làm.

Cậu đến quán từ sớm, xắn tay áo chuẩn bị trước tất cả nguyên liệu cho đầu bếp chính. Đến giờ cơm tối bận rộn nhất, căn bếp chật chội tràn ngập mùi thơm, khiến bụng cậu réo ầm ĩ, nhưng nào có thời gian để ăn? Đơn gọi món từ bên ngoài liên tục dồn vào. Có lúc bát đĩa không đủ dùng, phải vừa rửa vừa dùng ngay, tốc độ phải cực kỳ nhanh.

Lúc mới làm, chưa quen tay, cậu luống cuống làm vỡ mấy cái đĩa, bị trừ mất hai ngày lương, lòng đau như cắt. Nhưng giờ thì cậu đã thành thạo, vừa rửa bát vừa tranh thủ dùng một tay gắp chút thức ăn bỏ vào miệng. Dù vất vả cũng không thể để bản thân chịu thiệt quá, phải biết tìm chút niềm vui trong cái khổ.

Ví như mỗi tối khi quán đóng cửa, khoảng một giờ sáng, mọi người đã về hết, chỉ còn mình cậu dọn dẹp bãi chiến trường. Cậu coi căn bếp bẩn thỉu, đầy dầu mỡ này như sân chơi riêng của mình, lấy chiếc radio luôn mang theo trong balo ra, bật cuộn băng mà chị đã tặng, rồi vừa lẩm nhẩm hát theo Tiểu Mạc Lị vừa nhún nhảy. Chẳng mấy chốc, bát đĩa đã sạch bong.

Mùa hè oi bức năm ấy, ký ức của Truy Dã gần như chỉ gắn liền với mùi dầu mỡ, bọt xà phòng, chất tẩy rửa và đôi bàn tay phồng rộp vì ngâm nước quá lâu. Những mảnh ghép rời rạc ấy đã tạo nên một mùa hè của cậu.

Khi quán quá bận, cậu còn bị điều ra ngoài nhận đơn, bưng bê. Công việc này vốn chẳng khó khăn gì, nhưng trớ trêu thay—cậu lại gặp cô giáo chủ nhiệm cũ của mình.

Cô dẫn chồng và con đến ăn, không ngờ lại bắt gặp học trò cũ đang làm thêm ở đây.

“Truy Dã?”

Cậu lập tức quay đầu muốn đi, nhưng bị cô gọi lại, đành bất đắc dĩ quay lại, miễn cưỡng chào một tiếng: “Chào cô.”

Cô giáo nhìn cậu đầy lo lắng: “Cô đã gọi đến nhà em mấy lần mà không ai bắt máy. Cô cứ nghĩ em không muốn nghe, hóa ra là do bận làm thêm ở đây sao?”

Cậu khẽ gật đầu: “Cô tìm em có chuyện gì ạ?”

“Cô nghe nói... em vẫn chưa quyết định học cấp ba ở đâu? Nếu gặp khó khăn về tài chính, em có thể tìm đến cô. Ngoài ra, còn có học bổng hỗ trợ học sinh nghèo của nhà nước, những khoản này có thể giúp được em.”

Cậu còn chưa kịp trả lời thì bên trong bếp đã có người sốt ruột gọi tên cậu ầm lên.

“Cảm ơn cô.” Cậu chỉ tay về phía bếp, “Em hơi bận, em vào trước đây.”

“Khoan đã!”

Cô giáo kéo tay áo cậu lại, vội vàng lấy tờ giấy ăn trên bàn, nhanh chóng viết một dãy số rồi nhét vào túi áo cậu.

“Lúc nào cũng có thể gọi cho cô.”

Cậu chạm vào mảnh giấy trong túi, rồi sải bước đi xa, vén rèm bước vào bếp.

Cậu chưa từng gọi cuộc điện thoại đó.

Quán ăn mở cửa quanh năm, nhưng khi gặp mưa giông vào mùa hè, hiếm hoi lắm mới có một ngày nghỉ. Trên núi, mưa càng lớn, thậm chí còn bị dột. Cậu nằm ngay đơ trên giường, nhìn những vệt nước thấm qua trần nhà, lan ra tạo thành đủ hình thù kỳ quái.

Căn nhà hai tầng nhỏ hẹp vang vọng tiếng gió mưa, nhưng lại tĩnh mịch đến đáng sợ.

Cậu bật dậy khỏi giường, chộp lấy cây dù, vừa mở cửa thì cơn gió dữ dội đã giật phăng phần mái dù.

Thấy vậy, cậu dứt khoát quăng chiếc dù ra cửa, nhét tay vào túi áo rồi lao thẳng vào màn mưa như chuỗi hạt đang đổ xuống.

Khi đến quán net, toàn thân cậu đã ướt sũng, giũ đầu một cái cũng có thể khiến nước văng khắp nơi. Cậu nghênh ngang bước đến quầy, thuê một máy rồi chui vào góc khuất nhất, đeo tai nghe lên. Tiếng mưa ào ạt bên ngoài lập tức biến mất.

Thay vào đó, một giọng nữ khàn nhẹ vang lên ngay bên tai: “Chuyện này sao có thể gọi là viển vông được?”

Người đang nói là Ô Mạn trong màn hình. Cô mở to mắt, nhưng đôi đồng tử xinh đẹp lại phủ một lớp xám xịt. Cô nhìn về phía ống kính, nhưng dường như chẳng nhìn thấy gì cả.

"Với bộ dạng mù lòa này, cô còn muốn hát cho khán giả nghe ư?"

"Tôi chỉ là mù, chứ đâu có câm, tại sao không thể?"

"Cô tưởng hát chỉ cần có giọng sao? Sai! Kinh kịch là thứ phải truyền tải qua đôi mắt." Người đàn ông cười khẩy. "Ngay cả điểm này cũng không hiểu, dù cô có đôi mắt lành lặn cũng chẳng hát nổi đâu!"

Gương mặt Ô Mạn đỏ bừng, im lặng hồi lâu rồi kéo nhẹ tư thế, vận khí xuống đan điền, cất giọng hát:

"Tiểu ni cô vừa tròn mười sáu tuổi,

Tuổi xuân phơi phới, bị sư phụ cạo trọc mái đầu.

Mỗi ngày trong Phật điện, dâng hương thay nước,

Thấy các công tử chơi đùa dưới cổng chùa."

Người đàn ông sững sờ: "Đang yên đang lành… cô làm gì vậy…"

Ô Mạn không đáp, chỉ tự mình xoay người tại chỗ, tiếp tục ngâm nga lời thoại:

"Từ nay rời xa tháp chuông, Phật điện,

Xuống núi tìm một chàng thiếu niên.

Mặc chàng đánh, mặc chàng mắng, mặc chàng cười ta, chế giễu ta,

Một lòng không muốn thành Phật, chẳng niệm Di Đà Bát Nhã Ba La!"

Cuối cùng, cô lại nhìn thẳng vào ống kính, đôi mắt sáng rực, dường như chưa từng bị mù.

"Thật là sung sướng biết bao!"

Bộ phim này ra mắt năm ngoái, kể về cuộc đời một đào kép nổi danh, nhưng cuối cùng lại không được đánh giá cao. Khán giả chê bai rằng Ô Mạn diễn quá giống một người mù, đôi mắt trống rỗng chẳng qua là diễn xuất theo bản năng, những đoạn cần bộc lộ cảm xúc lại không thấy một tia cảm xúc nào, hoàn toàn thiếu đi sự linh động.

Truy Dã cảm thấy, kẻ mù không phải là người trong phim, mà chính là những khán giả ngoài kia. Cậu cho rằng Ô Mạn diễn rất hay. Đoạn phim này, cậu đã xem đi xem lại không dưới mười lần. Bài Tư Phiền cô hát và câu kết thúc "Thật là sung sướng biết bao!" đã khiến cậu chấn động sâu sắc.

Cậu không hiểu cái gọi là diễn xuất rốt cuộc là gì, nhưng ít nhất, cậu đã cảm nhận được. Cảm xúc của cô ở khoảnh khắc đó đã truyền đến cậu, khiến cậu bừng lên quyết tâm, không chút do dự gõ lên thanh tìm kiếm—Làm thế nào để trở thành một diễn viên?

Thực ra, suy nghĩ này không phải lần đầu xuất hiện trong đầu cậu.

Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy chị trên màn ảnh rộng—vẫn là thiếu nữ năm nào—lại dùng tư thế cao cao tại thượng ấy để "tái ngộ" với cậu, cậu đã nghĩ: Nếu chị ấy không thể bước ra khỏi màn ảnh, vậy có lẽ… mình có thể bước vào trong.

Lúc đó, cậu thậm chí còn viết suy nghĩ này vào bài văn, nhưng đổi lại, là cô chủ nhiệm đọc to bài của cậu ngay giữa lớp, lấy làm ví dụ tiêu cực.

Cô nói: "Các em, có ước mơ là tốt, nhưng ước mơ không phải để các em mơ giữa ban ngày, càng không phải để các em chạy theo thần tượng!"

Truy Dã ngồi phía dưới, mặt không biểu lộ cảm xúc, lặng lẽ nghe cô chủ nhiệm nói, lười tranh luận rằng cậu không hề theo đuổi thần tượng.

Cậu là Tư Phiền.

Hôm đó, Truy Dã lướt mạng thật lâu, tình cờ tìm thấy một tin tuyển chọn diễn viên công khai. Cậu do dự không đến hai giây, dốc hết can đảm gửi đi thông tin cá nhân và ảnh chụp của mình.

Những ngày tiếp theo, ngày nào tan ca cậu cũng đến quán net, kiên trì kiểm tra hộp thư đầy ắp quảng cáo của mình, hy vọng nhận được một niềm vui bất ngờ.

Một tuần sau, điều đó đã đến.

Đối phương gửi email trả lời, nói rằng ngoại hình của cậu rất phù hợp, có một vai diễn thích hợp với cậu. Nếu có thể, hy vọng cậu đến gặp mặt trực tiếp. Đính kèm bên dưới là địa chỉ địa điểm chuẩn bị quay phim.

Truy Dã run rẩy mở email, nhưng khi nhìn thấy địa chỉ, linh hồn cậu như thoát khỏi cơ thể.

Đó là một nơi cậu chưa từng nghe đến.

Cậu lên mạng tra cứu hai chữ đó, phát hiện nơi ấy nằm ở vùng Tây Bắc xa xôi. Khoảng cách trên bản đồ vốn đã xa xăm, huống hồ khoảng cách thực tế… Nếu đi tàu hỏa loại cũ, phải mất mấy chục giờ đồng hồ mới đến nơi.

Đó là một thế giới mà cậu chưa từng đặt chân đến.

Cậu nằm dài trên bàn máy tính, chiếc ghế theo đó đung đưa cùng thân hình gầy gò của thiếu niên, như một trái tim đang d.a.o động không ngừng.

Truy Dã nhắm mắt lại, trong đầu hiện ra khung cảnh sân khấu kịch, giọng hát réo rắt của nữ diễn viên len vào tai trái, xuyên qua lồng n.g.ự.c cậu rồi vỡ òa trong tim.

Được thôi, chị.

Tiểu ni cô đã cắt bỏ mái tóc, nhưng vẫn nguyện xuống núi tìm kiếm thiếu niên, dù bị cười chê, dù bị mắng mỏ, cũng chẳng ngại. Vậy thì cậu là một chàng trai đầu đội trời, chân đạp đất, còn gì phải sợ? Đừng nói là Tây Bắc, dù có là núi đao biển lửa, cậu cũng phải thử một lần.

Chị, chờ em, em đến tìm chị đây.

Cậu học theo nhân vật trong kịch, giả bộ làm dáng, cúi người chắp tay hướng về Ô Mạn trên màn hình.

Cậu rời khỏi trấn Thanh Linh theo cách vô cùng thô bạo và đơn giản—mang theo ảnh gia đình, hai ba bộ quần áo thay đổi, số tiền kiếm được khi đi làm, cùng một cuốn sổ tay dán đầy ảnh của Ô Mạn.

Những tấm ảnh này đều do cậu cắt từ báo chí suốt những năm qua. Mỗi khi đi ngang qua sạp báo, cậu đều dừng lại xem mục giải trí. Nếu có tin tức về Ô Mạn, cậu sẽ mua một tờ, chỉ giữ lại phần liên quan đến cô, phần còn lại đem bán cho người thu mua giấy vụn. Tiền bán giấy lại có thể mua thêm một tờ báo khác—cố gắng mỗi đồng đều dành cho chị, nước phù sa không chảy ra ruộng ngoài!

Những thứ đơn giản nhưng thuần khiết này, chính là toàn bộ hành trang của Truy Dã khi bước sang tuổi mười sáu.

Cậu ôm chặt tất cả, bước lên chuyến tàu lửa hướng về Tây Bắc.

Dù chỉ mua được vé ghế cứng rẻ nhất, nhưng nhờ sức trẻ, cậu chẳng hề thấy mệt. Cậu chọn một chỗ cạnh cửa sổ, nhìn cảnh vật bên ngoài không ngừng thay đổi—lúc là những khu rừng rậm rạp, lúc là cánh đồng mênh mông, lúc lại là bầu trời đêm lấp lánh sao.

Tất cả đều mới lạ, đều đẹp đẽ, nhưng vẫn không sánh bằng hoàng hôn năm cậu tám tuổi, khi ngồi sau yên xe máy điện của chị.

Bây giờ, con tàu này đang đưa cậu chạy về phía hoàng hôn ấy.

Sau mấy chục giờ chòng chành trên đường ray, hành khách trên tàu ai nấy đều uể oải, riêng cậu lại phấn chấn bật dậy, nhẹ nhàng nhảy khỏi sân ga.

Truy Dã đối chiếu địa chỉ trong email rồi tìm đến. Nơi đó vô cùng hẻo lánh, cậu ngồi xe suốt bốn mươi phút, chiếc xe buýt rời khỏi khu đô thị còn chút bóng người, chậm rãi chạy vào vùng ngoại ô, bụi vàng bay mịt mù dọc đường, phủ lên cửa kính vốn đã mờ đục, càng làm cảnh vật thêm xa xăm.

Cậu ghé sát cửa kính, cố nhìn qua lớp bụi mờ, lờ mờ thấy một tòa nhà xám xịt bị gió cát vùi lấp.

“Đến trạm rồi.”

Tài xế thấy Truy Dã có vẻ chần chừ, liền nhắc nhở cậu bằng giọng địa phương nặng trịch. Cậu ngập ngừng trong giây lát, rồi vẫn xuống xe.

Cậu từng nghe nói nhiều phim trường được xây dựng ở ngoại ô, văn phòng chuẩn bị đặt ở đây cũng không có gì lạ.

Hít sâu một hơi, cậu cất bước đi về phía tòa nhà.

Người tiếp đón Truy Dã là một người đàn ông tự xưng là phó đạo diễn phụ trách diễn viên, gọi là anh Chương Tử.

Việc đầu tiên ông ta hỏi là cậu có mang theo thiết bị liên lạc không, nếu có thì phải giao nộp ngay, vì giai đoạn chuẩn bị của đoàn phim vẫn đang được giữ bí mật. Truy Dã nhún vai, nói mình chẳng có gì cả.

Chương Tử cho người kiểm tra ba lô của cậu, thấy quả thật không có thiết bị liên lạc mới yên tâm. Sau đó, ông ta tùy tiện hỏi thêm vài câu về kinh nghiệm diễn xuất, rồi ra hiệu cho người dẫn cậu đến phòng ở sau này.

Truy Dã có chút ngơ ngác, thắc mắc: “Phỏng vấn mà cũng bao luôn chỗ ở sao?”

“Nhóc con, cậu tưởng chọn diễn viên dễ lắm à? Chúng tôi cần hiểu các cậu rõ hơn. Hai ba ngày này là cơ hội để đôi bên làm quen, nếu cảm thấy phù hợp thì cứ ở lại, xem như chính thức vào đoàn. Còn nếu không phù hợp, dù cậu có muốn, chúng tôi cũng không giữ lại.”

Nói xong, Chương Tử thô bạo đẩy cậu vào phòng, đóng sầm cửa lại.

Truy Dã luôn cảm thấy nơi này có gì đó kỳ lạ, nhưng nhất thời không nói ra được. Cậu nhìn quanh căn phòng, phát hiện bốn bức tường trống trơn, không có cửa sổ, trông chẳng giống phòng ở mà giống phòng giam hơn.

Trong phòng có bốn giường tầng, ba giường còn lại đã có người ngồi ngay ngắn. Đó là ba thiếu niên trạc tuổi cậu, mỗi người đều cầm một quyển sách, đôi mắt lấp ló sau trang giấy, đồng loạt nhìn chằm chằm vào cậu không chớp mắt.

Truy Dã vừa quay người lại liền đụng phải ánh mắt của cả ba, trông chẳng khác nào Nhị Lang Thần có con mắt thứ ba, khiến cậu giật thót.

Thấy ba người kia không có ý mở lời, cậu cũng lười bắt chuyện. Đảo mắt một vòng, thấy giường tầng trên bên phải còn trống, cậu ném ba lô lên, rồi tự mình trèo lên giường.

Cả ngày nay cậu chưa được ngủ tử tế, lúc lưng chạm vào ván giường, dù cứng chẳng khác gì nền xi măng, cậu vẫn có cảm giác như rơi vào đám mây mềm mại, lập tức thiếp đi.

Không biết đã ngủ bao lâu, cậu bị người khác lay tỉnh khỏi cơn mộng mị.

Ngọn đèn huỳnh quang trên trần vẫn sáng như lúc cậu mới vào, không có cửa sổ nên chẳng thể nhìn trời đoán giờ. Người đánh thức cậu đang leo dở lên thang giường, nửa người thò ra, ánh mắt vô hồn, lạnh nhạt nói: “Tới giờ lên lớp buổi tối rồi.”

“Lên lớp?” Truy Dã chống tay ngồi dậy, hào hứng hỏi: “Lớp diễn xuất à?”

Người kia không đáp, chỉ lặng lẽ nhìn cậu trèo xuống giường, sau đó dẫn cậu lên tầng thượng.

Vừa bước ra khỏi phòng, Truy Dã ngước nhìn bầu trời, trời đã tối đen.

Tầng thượng có một gian phòng lớn, tường xi măng thô ráp chưa qua trang trí, được cải tạo thành một hội trường đơn sơ. Trên bục giảng cao một chút so với mặt sàn, Chương Tử đứng đó, cúi mắt nhìn xuống đám đông phía dưới.

Có khoảng vài chục người tụ tập lại, đa số đều còn rất trẻ, cả nam lẫn nữ. Một số trông có vẻ lớn tuổi hơn, chừng hai mươi mấy.

Truy Dã nhíu mày, lắng nghe Chương Tử cất giọng vang dội, nghiêm nghị nói:

“Tôi biết mọi người đều muốn vào giới giải trí. Nhưng đôi khi, vai diễn có hạn, mà người tranh đoạt thì nhiều như quân vạn mã chen chúc qua cầu độc mộc. Nếu không thể vượt qua, lẽ nào chỉ có nước ngã chết?”

“Không——!”

Ngoại trừ Truy Dã, tất cả mọi người đều đồng thanh hô to.

Ánh mắt Chương Tử lập tức khóa chặt cậu, quát lớn: “Cậu kia, sao không trả lời?”

Chu Yêu Yêu

Truy Dã nhìn thẳng vào ông ta, bình tĩnh đáp:

“Dù có ngã chết, tôi cũng sẽ bò lên từ địa ngục.” Cậu quét mắt qua đám đông, giọng chắc nịch, từng chữ vang vọng, “Bằng bất cứ giá nào, tôi nhất định phải trở thành một diễn viên.”

Chương Tử và cậu giằng co trong chốc lát, rồi chậm rãi dịu giọng:

“Nhóc con, sao phải cố chấp như vậy? Cậu chỉ thấy vẻ hào nhoáng của giới giải trí, tưởng ai vào đây cũng kiếm được bộn tiền. Ngây thơ! Tôi nói cho cậu biết, cái giới này, ăn thịt người mà không nhả xương.” Ông ta chậc chậc mấy tiếng, làm bộ sợ hãi, “Nếu cậu muốn kiếm nhiều tiền, chi bằng theo tôi, tôi sẽ chỉ cho cậu một con đường sáng…”

Nói đến nước này, dù Truy Dã có non nớt đến đâu cũng nhận ra mình đã bị lừa.

Đây là một tổ chức lừa đảo đa cấp.

Cậu liều lĩnh lao về phía cửa, nhưng mấy gã đàn ông vạm vỡ canh giữ ở đó lập tức ra tay, nhanh chóng vặn chéo hai tay cậu ra sau, ấn mạnh xuống nền đất.

Mặt Truy Dã áp sát vào nền xi măng lạnh lẽo, trong tầm mắt chỉ thấy những đôi chân nghiêng nghiêng. Đôi giày da bóng loáng của Chương Tử chậm rãi bước từ bục giảng xuống, từng bước thong thả tiến đến trước mặt cậu.

“Đừng phản kháng như vậy. Tao chỉ muốn dạy tụi mày cách kiếm tiền, đôi bên cùng có lợi. Nói thẳng cho mày biết, một thằng nhóc không bối cảnh, không tài nguyên như mày mà muốn chen chân vào giới giải trí? Mơ đi!”

Tối hôm đó, Truy Dã bị Chương Tử nhốt vào một căn phòng riêng biệt. Trong phòng chỉ có duy nhất một chiếc đèn đỏ rực đang bật sáng, ngoài ra chẳng có gì khác.

Hầu hết những thiếu niên bị lừa đến đây đều không trụ nổi một đêm trong căn phòng đó, chỉ cần vài tiếng là tinh thần suy sụp, chủ động đầu hàng. Đây là phương pháp biệt giam mà Chương Tử học được từ nơi khác, chuyên dùng để tra tấn những đứa trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển, ý chí còn yếu ớt.

Thế nhưng, suốt cả đêm, căn phòng vẫn im ắng không một tiếng động.

Sáng sớm hôm sau, Chương Tử tò mò chạy đến xem. Vừa mở cửa ra, hắn liền thấy Truy Dã nằm dang rộng tay chân trên nền đất, ngủ ngon lành như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Hắn tức đến nghiến chặt răng hàm.

Từ ngày hôm đó, cuộc chiến giằng co giữa Truy Dã và Chương Tử kéo dài suốt hai tháng.

Chương Tử nhất định phải thuần phục con báo nhỏ ngang ngạnh này, nếu không, uy nghiêm của hắn trong mắt những kẻ khác sẽ hoàn toàn sụp đổ.

Hắn bỏ đói Truy Dã, chỉ chờ khi cậu sắp kiệt sức, hơi thở mong manh mới cưỡng ép đổ nước cơm thừa vào miệng cậu. Sau khi khống chế thể lực, hắn tiếp tục bào mòn tinh thần—nhốt cậu trong phòng tối cả ngày lẫn đêm, để những kẻ khác thay phiên đứng ngoài cửa, liên tục phát loa tuyên truyền mớ lý thuyết tẩy não.

Hai tháng sau, thiếu niên gầy yếu ngày nào giờ càng tiều tụy, hốc hác đến đáng sợ. Cậu cũng không còn hùng hổ tuyên bố: “Tôi muốn làm diễn viên” nữa.

Chương Tử đắc ý vô cùng, thầm nghĩ phương pháp của mình vẫn hiệu quả. Một thằng nhóc vắt mũi chưa sạch mà cũng đòi đấu với hắn? Đúng là chưa biết lượng sức!

Để kiểm tra xem Truy Dã đã thật sự nghe lời hay chưa, trong lần tổ chức buổi đi lừa người mới tiếp theo, hắn cố tình đưa cậu đi theo.

Trước khi xuất phát, hắn còn bỏ đói Truy Dã suốt ba ngày, chỉ cho uống chút nước cầm hơi, để cậu không còn đủ sức chạy trốn.

Truy Dã cúi đầu lặng lẽ lên xe, bộ quần áo mặc từ hôm bị bắt giờ rộng thùng thình, lộ rõ dáng vẻ tiều tụy. Hai bên cậu là hai gã đàn ông trưởng thành to gấp đôi cậu, kẹp chặt lấy cậu không rời.

“Mau ngoan ngoãn đi! Bằng không, về rồi mày sẽ biết tay!”

“Đừng bướng bỉnh nữa. Với gương mặt này của mày, chắc chắn sẽ lừa được khối người, đến lúc đó đãi ngộ sẽ khác hẳn. Con người sao phải làm khổ chính mình chứ?”

Một tên đóng vai ác, một tên đóng vai thiện, phối hợp nhịp nhàng. Truy Dã trông có vẻ đã tê liệt, chỉ ừ một tiếng, khiến hai gã trao đổi ánh mắt với nhau, thở phào nhẹ nhõm.

Trên đường đi, cậu không gây chuyện gì.

Mãi đến khi sắp quay về, cậu mới lên tiếng: “Tôi có thể đi vệ sinh một chút không?”

"Mày nhịn về rồi hẵng đi!" Một trong hai gã sốt ruột nói.

Truy Dã không chịu bỏ cuộc: "Thật sự nhịn không nổi nữa. Nếu tôi giải quyết ngay trên xe... các anh muốn cả quãng đường ngập tràn mùi hôi thối à?"

Người kia tưởng tượng ra cảnh tượng đó, sắc mặt tối sầm lại: "Được rồi, bọn tao đưa mày đi."

Chúng áp giải cậu vào một trung tâm thương mại, đứng canh ngay cửa nhà vệ sinh.

Truy Dã làm ra vẻ bình tĩnh đi vào, nhanh chóng quan sát xung quanh, nhắm đến một ô cửa sổ nhỏ.

Cậu vụng về trèo lên bồn rửa tay, hít sâu một hơi, dồn sức bật lên, định bám vào mép cửa sổ. Tay cậu chạm được đến đó, nhưng cổ tay lại nhũn ra, không giữ nổi, cả người rơi thẳng xuống nền gạch ướt đẫm mùi thuốc khử trùng.

Hai gã ngoài cửa mơ hồ nghe thấy tiếng nặng nề rơi xuống. Một tên cảnh giác: "Thằng nhóc này làm gì trong đó? Không phải đang tìm cách nhảy cửa sổ trốn đấy chứ?"

"Tào lao!" Tên còn lại khinh thường. "Tao cố tình chọn chỗ này, tầng ba đấy. Nhảy xuống làm gì, tự sát chắc?"

Hắn ta chắc chắn như đinh đóng cột, nhưng rồi năm phút trôi qua, người bên trong vẫn chưa ra.

Hai gã lập tức biến sắc, dự cảm chẳng lành, đạp cửa xông vào. Chúng mở từng buồng kiểm tra—bên trong trống không.

Ánh mắt cả hai cùng hướng về phía ô cửa sổ vẫn còn mở toang, nhìn nhau một cái rồi vội lao xuống con hẻm phía sau trung tâm thương mại.

"Không thể để nó chạy thoát, nó mà báo cảnh sát thì tiêu!"

"Nó chạy không xa được đâu, chia ra tìm!"

Bóng dáng cao lớn của hai người nhanh chóng khuất dần nơi cuối con phố. Trong con hẻm tĩnh lặng, một chiếc thùng rác lớn khẽ động đậy, rồi lại im lìm như cũ.

Đến nửa đêm, ánh đèn sau hẻm bỗng sáng trưng. Đầu bếp của quán ăn gần đó kéo nắp thùng rác ra, suýt chút nữa đánh rơi hai túi rác to tướng xuống chân mình.

Bên trong thùng rác, một thiếu niên co ro, đầu gối rướm máu.

Cảm nhận được ánh sáng, cậu lờ mờ mở mắt, lẩm bẩm: "Trời tối vậy rồi à..."

"Cậu nhóc... không sao chứ?"

Truy Dã dùng tay chân bám lấy mép thùng rác, chật vật trèo ra ngoài, ngước nhìn người đàn ông trung niên trước mặt: "Bác ơi, đồn cảnh sát ở đâu vậy?"

Sau khi báo án, Truy Dã lặng lẽ rời khỏi đồn cảnh sát.

Cậu bỏ đi ngay khi cảnh sát hỏi: "Người nhà cháu đâu? Chúng tôi sẽ liên hệ để họ đến đón cháu về."

Ra khỏi cổng, bóng đêm mênh mang, cậu chợt nhận ra mình vừa thoát khỏi cơn ác mộng.

Bởi vì cậu không biết nếu mình tiếp tục chịu đựng, liệu có ngày nào đó bị tẩy não, rồi đời cậu sẽ trôi dạt về đâu, hay sẽ vĩnh viễn chấm dứt trong căn phòng đỏ ngột ngạt ấy.

Nghĩ thôi cũng đủ rùng mình. Cậu lấy ra chút tiền lẻ cuối cùng, nhét vào máy công cộng, cầm lấy ống nghe, rất muốn gọi về cho người nhà.

Nhưng đó là một cuộc gọi, vĩnh viễn không thể thực hiện.

Thiếu niên mười sáu tuổi đứng lặng, cầm chặt ống nghe bên tai, lắng nghe tiếng tút tút kéo dài, bờ vai khẽ run lên.

Đêm đó, cậu không có nơi nào để đi.

Cậu ngồi co ro trong bốt điện thoại, ôm gối chờ trời sáng.

Bình minh vừa ló rạng, cậu mơ màng lê bước trên con đường vắng tanh chưa có hàng quán nào mở cửa.

Mỗi bước đi đều nặng nề, cậu vô thức quay về hướng ga tàu lúc trước.

Rõ ràng khi còn trong tổ chức, cậu kiên cường như thép, một lòng bám chặt giấc mơ làm diễn viên, không chút lung lay.

Vậy mà giờ đây, khi đã trốn thoát, cậu lại thấy mất phương hướng, như thể chấp nhận số phận đầy bất lực.

Rõ ràng cậu mới chỉ mười sáu tuổi, thế nhưng cuộc đời khốn kiếp này lại muốn vùi dập cậu như thể đã sáu mươi. Nó tặng cậu cái c.h.ế.t cận kề, nỗi đau cùng những cuộc chia ly sớm hơn bất kỳ ai. Dù là người thân hay chị gái trong mộng, tất cả dường như đều xa vời ngoài tầm với.

Mặt trời dần lên cao, dòng xe cộ ngày một đông. Nhưng không một chiếc nào dừng lại vì Truy Dã.

Dẫu sao, bộ dạng của cậu bây giờ trông chẳng khác nào một kẻ ăn xin nhỏ bé.

Cuối cùng, chỉ có một chiếc Jeep phanh lại trước mặt cậu.

Chủ xe là một người đàn ông đầy râu ria xồm xoàm, trông vô cùng lôi thôi, chẳng có vẻ gì đáng tin cậy.

Hắn nói: "Tôi có thể cho cậu đi nhờ ra ga tàu, nhưng trước tiên cậu phải theo tôi vào sa mạc một chuyến."

"Tại sao?"

Truy Dã đã có kinh nghiệm đau thương, nên lập tức cảnh giác hỏi lại.

"Bởi vì tôi muốn vào sa mạc uống rượu." Hắn lười biếng đáp, "Nhưng một mình thì cô đơn quá."

Truy Dã trầm mặc hai giây, rồi quyết định nhảy lên xe.

Chiếc Jeep phóng băng băng vào sa mạc, gió cuốn theo từng hạt cát nóng rát táp vào mặt, len lỏi vào từng sợi tóc, bỏng rát đến khó chịu.

Chủ xe vặn nắp bình rượu, ngửa đầu tu một hơi dài, sau đó ném sang cho Truy Dã: "Thử đi."

Hắn chờ cậu uống vào, lúc này mới lười biếng đặt xuống cảnh giác, tò mò nhìn cậu nhấp một ngụm.

Ngay sau đó, cổ họng cậu như bị thiêu đốt, đau rát không khác gì làn da đang bị cát quất vào.

Nhìn bộ dạng chật vật ho sặc sụa của cậu, chủ xe bật cười sảng khoái: "Nhóc con, cậu yếu quá rồi đấy!"

Truy Dã nhíu mày, hậm hực ngửa đầu uống thêm một ngụm lớn.

"Đừng có coi thường người khác!"

Ngụm rượu này trôi xuống cổ họng, ngay lập tức khiến toàn thân cậu nhẹ bẫng, những cơn đau do cú nhảy lầu trước đó cũng tan biến không còn dấu vết.

Truy Dã nghiêng đầu, nhìn về phía ghế lái.

Thật kỳ lạ.

Người cầm lái đã biến thành chị của cậu từ lúc nào.

Cô vẫn mặc chiếc váy hai dây màu vàng nhạt hôm ấy, không còn vẻ xa vời cao ngạo trên màn ảnh, mà gần gũi đến mức có thể chạm vào.

Cô nhướng mày, nở nụ cười phóng khoáng: "Nhóc con, lại gặp nhau rồi."

Truy Dã lập tức bò lên, ôm chặt lấy cô, òa khóc nức nở.

Chủ xe bị dọa đến mức luống cuống.

Vừa nãy còn là một thằng nhóc bướng bỉnh, thế mà bây giờ lại nhào vào lòng hắn khóc hu hu, miệng còn lẩm bẩm một bài hát chẳng ra giai điệu gì—Tiểu Mạt Lị, đừng quên tôi.

Một trận giằng co, cuối cùng rượu cũng hết tác dụng, Truy Dã tỉnh lại, lê chiếc chân tàn tạ, nằm vật trên nắp capo xe Jeep.

Cậu nhìn về phía sa mạc mênh m.ô.n.g không thấy điểm tận cùng, bỗng cất giọng kiên định nói với chủ xe:

"Tôi không đi ga tàu nữa."

"Vậy cậu muốn đi đâu?"

"Dù sao cũng không phải về đó."

Dù sao cũng không về Thanh Linh nữa.

Mặc kệ rằng đó là con đường dễ dàng nhất, có thể quay lại trường học, nộp đơn xin trợ cấp, rồi miễn cưỡng mà sống tiếp. Chờ đến một ngày trời quang mây tạnh, lại làm một bát rượu trắng, gặp chị trong ảo ảnh sa mạc.

Nhưng khi men rượu tan đi, cũng như lúc này, tất cả đều biến mất.

Cậu cam tâm sao? Không thể nào.

Cậu không cam lòng.

Dù rằng con đường phía trước là một cuộc di cư đầy gian khổ, là một cuộc trường chinh chống lại thế giới tàn nhẫn này.

Cậu cũng phải giành lấy lá cờ, hiên ngang cắm thẳng lên n.g.ự.c chị.

Bình Luận (0)
Comment