Sáp Huyết

Chương 397

Hắn cuối cùng cũng đã gặp được Gia Luật Hỉ Tôn- đường đường là Điện tiền Đô Điểm kiểm Khiết Đan.

Lần này Gia Luật Tông Chân dùng kế “minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương”, nhân lúc Thu Nại Bát, giả vờ đi tuần, sau đó cho người dùng thủ đoạn sấm sét để bắt Pháp Thiên Thái hậu và vây cánh, tiêu trừ hoàn toàn nội loạn. Trong đó người phải kể công tới chính là Gia Luật Hỉ Tôn!

Lúc Địch Thanh nghe đến cái tên này thì đã ý thức được điều gì đó. Nhưng khi nhìn thấy Gia Luật Hỉ Tôn thì vẫn không khỏi kinh ngạc.

Thì ra Gia Luật Hỉ Tôn chính là Diệp Hỉ Tôn.

Địch Thanh đã từng gặp Diệp Hỉ Tôn vài lần, nhưng đều chưa nói chuyện gì nhiều. Xem ra, Diệp Hỉ Tôn có thể nói là một người giỏi giang có hành tung bí ẩn. Hắn thực sự không thể ngờ được người này lại nắm quyền lớn ở Khiết Đan.

Càng nhiều nghi hoặc nảy lên trong lòng, tại sao Điện tiền Đô Điểm kiểm Khiết Đan này lại bị Dã Lợi Trảm Thiên phái người truy sát? Rốt cục có phải là Gia Luật Hỉ Tôn lấy bản đồ của Hương Ba Lạp không? Giết người họ Tào đó? Lúc đầu Gia Luật Hỉ Tôn đến Thổ Phiên để làm gì? Tại sao về sau lại mấy biến mất không thấy đâu.

Địch Thanh thấy rất nhiều điều khó hiểu. Gia Luật Hỉ Tôn thì chỉ mỉm cười, chắp tay nói:

- Địch huynh, đã lâu không gặp. Lần đầu gặp huynh vì có điều khó nói nên vẫn chưa thực sự nói ra tên họ thật.

Địch Thanh thản nhiên nói:

- Bây giờ thì không còn điều khó nói nữa sao?

Cho tới lúc này hắn đã hiểu được người nhắc đến hắn với Gia Luật Tông Chân là người nào. Chả trách Gia Luật Tông Chân

nói, chỉ cần Địch Thanh đến Thượng Kinh là có thể gặp được người đó. Hóa ra đáp án chính là Gia Luật Hỉ Tôn.

Nghe thấy lời trào phúng của Địch Thanh, Gia Luật Hỉ Tôn cười ha hả nói:

- Đến giờ thì thực sự không có gì không thể nói ra được. Thực sự không dám giấu diếm, tại hạ trước đây đến nước Hạ, nước Thổ Phiền là có một số việc phải làm nhưng….

Anh ta không nhịn được nhìn ra xung quanh, thấp giọng xuống nói tiếp:

- Đây cũng chỉ là một nước cờ để làm Pháp Thiên Thái hậu mất cảnh giác. Pháp Thiên Thái hậu rất thận trọng, muốn có được sự tín nhiệm của bà ta thì không hề dễ dàng. Tại hạ đi lòng vòng hồi lâu nhưng chẳng có hung tâm tráng khí gì, bà ấy mới bắt đầu tin tưởng tại hạ, cho nhậm chức Điện tiền Đô Điểm kiểm. Nếu không như vậy thì tại hạ thật khó có thể bắt được bà ta.

Gia Luật Hỉ Tôn hiển nhiên cũng chẳng có thiện cảm gì với Pháp Thiên thái hậu nên mới nói năng lỗ mãng như thế.

Địch Thanh nghe đến đó, thầm nghĩ cuộc tranh giành quyền lực Khiết Đan này, tâm cơ thật sâu xa, lục đục với nhau, không kém gì ở Biện Kinh. Nghĩ đến đây thì không khỏi mất hết cả hứng thú.

Gia Luật Hỉ Tôn thấy thế, chuyển sang chủ đề khác, nói:

- Địch huynh, hôm nay ta đến gặp huynh thực ra là có chuyện muốn bàn bạc.

Địch Thanh nhíu mày, không hiểu đáp:

- Có phải là chuyện chiến tranh biên giới không?

Gia Luật Hỉ Tôn do dự chốc lát, nói:

- Có thể nói là có liên quan, cũng có thể nói là không liên quan.

Thấy Địch Thanh vô cùng kinh ngạc, Gia Luật Hỉ Tôn cuối cùng mới hạ quyết tâm, nói:

- Quốc chủ của ta rất tán thưởng Địch tướng quân, biết ta và Địch huynh có chút giao tình nên mới phái ta đến đây để hỏi xem Địch tướng quân…không biết có ý định đến Khiết Đan không?

Địch Thanh ngẩn ra, một lát mới nói:

- Bây giờ ta chẳng phải là đang ở Khiết Đan sao?

Gia Luật Hỉ Tôn lại cười, hai con mắt híp lại, sắc bén:

- Ta nghĩ Địch huynh là người thông minh, đã hiều ý của quốc chủ ta. Hãy nghĩ xem, nước Tống từ lúc Thái tổ lập quốc đến nay, để phòng binh biến, đã định ra quy định “sùng văn ức võ”nhưng lại không biết như thế là tự tìm đường chết. Với khả năng của Địch huynh, làm một Xu Mật Sứ cũng không hề quá đáng. Nhưng ở nước Tống thì có được gì chứ? Chẳng phải là bị một đám người ăn bám ngồi không đè ở trên đầu sao? Quốc chủ của ta đã hứa chỉ cần Địch huynh muốn đến Khiết Đan thì chức vị Đại vương nam bắc viện sẽ tùy ý cho huynh chọn!

Nói xong, ánh mắt Gia Luật Hỉ Tôn sáng quắc, chỉ chờ Địch Thanh trả lời. Anh ta đưa ra điều kiện này, không những là hậu hĩnh mà có thể nói là một cử chỉ thật quá kinh ngạc.

Phải biết rằng Khiết Đan có chế độ quan viên nam bắc, chấp hành theo quy định “ Dùng quốc chế trị Khiết Đan, dùng Hán chế đối xử với người Hán.” Chế độ quản lý phía nam Khiết Đan còn được gọi là “Hán chế”, phía dưới có lập ra Xu Mật Viện, Trung Thư Tỉnh, Lục Bộ, Ngự Sử Đài v.v, chủ yếu dùng để quản lý nhân dân nam triều các vùng Yến Vân. Còn chế độ quản lý phía bắc còn gọi là “Quốc chế” mới là thể chế quản lý người Khiết Đan.

Trong chế độ quan viên phía nam, người Hán chiếm đa số, cũng có người Khiết Đan làm. Nhưng trong chế độ quan viên phía bắc thì về cơ bản đều là người Khiết Đan đảm đương trọng trách lớn, số người Hán có thể đi vào được bộ máy quan viên phía bắc thì vô cùng ít, mà những người có thể vào đảm đương Nam Bắc Viên Đại Vương trong chế độ quan viên phía bắc thì từ lúc Khiết Đan lập quốc đến nay thì chỉ có một mà thôi.

Người đó là Hàn Đức Nhượng!

Mặc dù người này có địa vị rất cao nhưng người Khiết Đan mỗi lần đề cập đến ông ta thì trong lòng đều mang theo sự tín ngưỡng. Người Khiết Đan vốn là một dân tộc trọng anh hùng. Tuy Hàn Đức Nhượng là người Hán nhưng cũng là văn thần, trong con mắt của người Khiết Đan, đã được coi là anh hùng dân tộc của bọn họ.

Năm đó Tống Thái Tông tiến công Yến Vân theo ba đường. Hàn Đức Nhượng nhận nhiệm vụ lúc lâm nguy, giữ vững Nam Kinh không lui bước, mãi cho đến khi quân cứu viện tới. Dưới sự phối hợp cùng với đệ nhất danh tướng Khiết Đan Gia Luật Hưu Ca đã đánh bại Tống Thái Tông ở Cao Lương Hà, uy chấn thiên hạ. Về sau Cảnh Tông Khiết Đan bệnh tình nguy kịch, ba danh thần của Khiết Đan là Hàn Đức Nhượng, Gia Luật Hưu Ca, Gia Luật Tà Chẩn lại nắm giữ trọng trách đất nước Khiết Đan, bảo hộ cho Gia Luật Long Tự còn nhỏ tuổi lên làm Thánh Tông.

Từ đó về sau, dưới sự lãnh đạo của Hàn Đức Nhượng, Khiết Đan đã không ngừng phát triển, nhưng không vì người chủ đất nước còn nhỏ tuổi mà căng thẳng, ngược lại lại còn nam chinh bắc chiến, dựng lên lãnh thổ hiển hách,ở thời Tống Chân Tông, đã dẫn thiết kỵ Khiết Đan tiến về phía nam, đã định ra liên minh Thiền Uyên, là nỗi nhục suốt đời của Đại Tống.

Còn Hàn Đức Nhượng vì những công trạng đối với Khiết Đan, cuối cùng làm Lưỡng viện bắc nam Đại Vương, được phong làm Đại Thừa tướng, tổng lĩnh quyền hành quân sự và chính trị của Khiết Đan.

Người như vậy, Khiết Đan chỉ có một. Có thể vào được Nam Bắc viện Khiết Đan, khiến người Khiết Đan phải ngưỡng mộ, chỉ có Hàn Đức Nhượng.

Cho tới bây giờ, Gia Luật Tông Chân để cho Địch Thanh lựa chọn nhậm chức Đại Vương Nam Bắc viện, việc đề cử này không phải là chưa từng có nhưng đã thể hiện tính quyết định cực cao. Ông ta trọng dụng Địch Thanh, lẽ nào là muốn tái diễn lại thời thịnh của Thánh Tông năm xưa?

Địch Thanh đương nhiên biết chuyện cũ trước kia, điều kiện của Gia Luật Hỉ Tôn, không kinh ngạc cũng không phẫn nộ mà chỉ bình tĩnh nói:

- Không biết Quốc chủ của ngươi để ta nhập vào Khiết Đan, ý là như thế nào?

Gia Luật Hỉ Tôn cười nói:

- Địch huynh là người thông minh, làm sao mà lại không biết ý của quốc chủ nước tại hạ chứ? Kẻ thù chung của huynh và chúng ta đều là Nguyên Hạo nước Hạ. Nếu Địch huynh giữ chức Đại vương Nam viện, quốc vương của tại hạ cần lập uy gấp, có thể trong nửa năm chiêu năm trăm ngàn binh tấn công Nguyên Hạo. Thiên hạ này, người có thể đánh bại Nguyên Hạo chỉ có một người, chính là Địch Thanh huynh. Nhưng huynh khó mà có cơ hội thể hiện tài hoa, hôm nay cơ hội đã đến tay, chính là cơ hội để huynh tiêu diệt nước Hạ. Địch Thanh, nếu như huynh đánh bại được Nguyên Hạo, quốc vương của ta đã nói rồi, đất của nước Hạ, huynh có thể tùy ý chọn mười châu. Huynh đương nhiên là biết phải chọn ở đâu rồi.

Nói đến đây, nét mặt của Gia Luật Hỉ Tôn rất mang hàm ý sâu xa. Điều này đối với Địch Thanh mà nói còn có sức mê hoặc hơn hết thảy mọi thứ khác .

Địch Thanh đương nhiên biết phải chọn ở đâu. Hương Ba Lạp chính là ở Sa Châu, mong muốn của hắn chính là Sa Châu!

Ngồi lên chức quan lớn, có tương lai tươi đẹp, điều kiện này, Địch Thanh sao có thể cự tuyệt?

Gia Luật Hỉ Tôn thậm chí đã tính kỹ càng chắc chắn. Anh ta mỉm cười nhìn Địch Thanh, chờ Địch Thanh đồng ý.

Địch Thanh trầm mặc một lát, mới hỏi:

- Đánh bại Nguyên Hạo rồi thì sao?

Gia Luật Hỉ Tôn giật mình, dường như chưa từng nghĩ đến vấn đề này. Địch Thanh thấy Gia Luật Hỉ Tôn không nói gì thì mới chậm rãi nói:

- Diệt nước Hạ, có phải là muốn tiếp tục huy binh nam hạ, tấn công Đại Tống, giành lấy Thổ Phiên, tiến vào Đại Lý không?

Gia Luật Hỉ Tôn hơi có chút ngại ngùng, lát sau mới nói:

- Nếu như thực sự có thể thống nhất thiên hạ được như vậy thì quốc chủ tại hạ chắc chắn sẽ không phản đối. Địch Thanh huynh có thể lưu danh thiên cổ, chẳng phải là chuyện tốt đẹp hay sao?

Địch Thanh cười cười, chậm rãi ngồi xuống nói:

- Dục vọng quyền lực thì chẳng bao giờ có điểm dừng. Địch Thanh ta thực sự muốn đi Sa Châu, thực sự muốn đánh bại Nguyên Hạo nhưng phải dùng tính mạng của bao nhiêu người dân để đổi lấy hạnh phúc của một mình ta thì Địch Thanh ta sẽ không lấy.

Gia Luật Hỉ Tôn thản nhiên nói:

- Vậy thì lúc đầu Địch Thanh huynh giết người chém tướng vô số, vượt qua Hoành Sơn, diệt tộc người Khương, không biết là vì cái gì?

Địch Thanh bỗng nhiên ngẩng đầu, chăm chú nhìn Gia Luật Hỉ Tôn, mặt không chút hổ thẹn nói:

- Địch mỗ là vì bốn chữ bảo vệ quốc gia! Diệt những kẻ lòng dạ lang sói thì chỉ có giết mà thôi!

Gia Luật Hỉ Tôn ha ha cười, nói:

- Nếu Địch huynh thực sự muốn bảo vệ quốc gia, vậy tại sao lúc đầu lại phản đối nghị hòa với nước Hạ?

Địch Thanh nói:

- Nếu Nguyên Hạo thực sự muốn đàm phán hòa bình, dù cho là Địch Thanh tạm thời không đi Hương Ba Lạp thì sẽ làm sao? Chỉ cần thiên hạ bình định, nhân dân không khổ thì Địch Thanh sẽ cởi áo giáp về nông thôn, chăn ngựa Nam Sơn. Nhưng Nguyên Hạo làm như thế chẳng qua là lùi để tiến, giành sức để tái chiến, ta làm sao lại không phản đối cơ chứ?

Gia Luật Hỉ Tôn hơi ngừng lại, rồi than thở:

- Địch huynh, huynh thực sự làm ta thất vọng. Cần biết sự nghiệp vĩ đại to lớn không thể không hy sinh xương máu. Không ra tay thủ đoạn độc ác thì làm sao có thể thành sự được? Huynh không có chí lớn, không giống với một tướng quân. Quốc chủ ta thực sự đã đề cao huynh quá rồi.

Anh ta vẫn không từ bỏ ý định thuyết phục Địch Thanh, dùng phương pháp kích tướng.

Địch Thanh cũng không giận dữ mà chỉ nói một cách tẻ ngắt:

- Ngươi nói đúng, ta không có chí lớn…

Trong đầu hắn chợt lóe lên câu nói Triệu Trinh từng nói với hắn:

- Nếu trẫm là Hán Vũ Đế thì ngươi sẽ là Hoắc Khứ Bệnh đánh Hung Nô. Nếu trẫm là Đường Thái Tông thì ngươi sẽ là Lý Tĩnh diệt Đột Quyết!

Những lời chí lớn này đều là người khác nói, Địch Thanh chưa bao giờ nói. Điều hắn có thể làm chỉ là cố gắng bảo vệ nhân dân Tây Bắc. Nếu như nói hắn thực sự có chí lớn thì chính là tiến vào Hương Ba Lạp cứu Vũ Thường về.

Hắn không muốn làm tướng quân gì hết, cũng không muốn nhìn thống nhất thiên hạ trong cảnh chiến tranh khắp nơi, nhân dân khổ sở lầm than. Việc lưu danh thiên cổ, hắn chưa bao giờ nghĩ tới.

Cho tới giờ, hắn chỉ muốn nói với Vũ Thường rằng hắn đang sống rất nỗ lực, sống rất tốt. Vũ Thường không nhìn nhầm hắn là anh hùng của nàng. Hắn biết có rất nhiều người có lẽ không hiểu, nhưng chỉ cần Vũ Thường hiểu là hắn đã thấy đủ rồi.

Thấy thần sắc khó hiểu của Gia Luật Hỉ Tôn, Địch Thanh không giải thích gì thêm, chỉ nói:

- Nếu như đã không đi cùng đường, thì không cần nói thêm nữa.

Hai hàng lông mày của Gia Luật Hỉ Tôn dựng lên, anh ta chậm rãi nói:

- Địch huynh, huynh như thế là không biết tùy cơ ứng biến rồi. Chẳng lẽ không sợ quân Khiết Đan ta lại một lần nữa cho quân về phía nam sao?

Địch Thanh nở nụ cười:

- Sợ thì có ích gì chứ? Nếu như chẳng có ích lợi gì thì sao phải sợ?

Sắc mặt hắn không hề thay đổi, thản nhiên nhìn Gia Luật Hỉ Tôn.

Gia Luật Hỉ Tôn thở dài một cái, lắc đầu nói:

- Ôi, thật đáng tiếc, hai chúng ta cuối cùng khó có thể liên thủ được.

Địch Thanh thầm nghĩ “Gia Luật Hỉ Tôn là một con người cao ngạo, lần này nhốt Tiêu Thái hậu thì hết sức nghênh ngang đắc ý. Quốc chủ Khiết Đan trọng dụng ta, chẳng lẽ trong lòng hắn lại không có chút khúc mắc gì sao? Lần này hắn đe dọa dụ dỗ ta là vì quốc chủ dặn dò, hay là gì khác? Con người này, cho đến nay, lúc lạnh lùng lúc nồng nhiệt, nhìn có vẻ sang sảng thoải mái đó nhưng thực ra tâm cơ cũng rất khó đoán.”
Bình Luận (0)
Comment